Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

GPD giữa đồng


Đọc tập thơ GPD của nhà thơ Ngô Vĩnh Nguyên (NXB Văn hóa – Văn nghệ, quý III-2012) dễ thấy mệt, đúng như tác giả viết ở bài Đục trong tùy bút: đọc thơ mệt hơn đi cày / mồ hôi trong / lòng đục. Mệt mà thấm, vì đã cày xong; và không ai hiểu ruộng bằng chính người cày.



Không vần điệu, tác giả GDP cày sâu cuốc bẩm cánh đồng cuộc đời như bác sĩ làm phẫu thuật nội soi để nhìn cho rõ “cái bên trong” giữa thời hiện đại. Thí dụ anh không nhìn giá trị GDP (viết tắt của Gross Domestic Product) theo cách hiểu quen thuộc là tổng sản phẩm nội địa tính bằng tiền. Bởi xây một nhà máy giữa đồng, có thể đem lại công ăn việc làm cho nông dân nhưng đồng thời cũng có thể góp sức tàn phá môi trường hoặc gây những hệ lụy thương đau khác cho con người. Đây cũng là điều mà xã hội học hiện đại đang đặt ra cho cách tính GDP. Ngô Vĩnh Nguyên thử tính GDP không bằng tiền bạc - bài thơ gọn 4 câu:

Tổng hạnh phúc quốc gia
Chín chia ba bằng ba
Nhà/cửa không rầm rầm sập
Ta/mùi thịt ôi đi xa


Ấy là cách tính bằng “một chữ tình”, như tác giả tâm sự trong bài Trái chiếng mở màn tập thơ: Lời mọn / hoa quả vườn nhà / chưa thông chưa tinh / nương một chữ tình / mời anh mời chị / đọc lấy thảo. Trong 83 bài của tập thơ GDP, có 32 bài 3 câu, một bài 2 câu và nhiều bài ngắn khác tác giả mời ta “đọc lấy thảo” kiểu như vậy. Đọc và ngẫm nghĩ, thấy “có lý”, vì dù nói về cảnh nhưng rốt lại như là cày xới nội tâm mình. Thí dụ: dìm nhau xuống bùn / người hóa sen / ta lấm (Sen); hoặc xem ti vi cảnh sóng thần, anh viết bài thơ Bầu bí: sóng thần đi / ân tình bầu bí / ở lại. Hay có lần anh nhìn trăng như vầy: dưới trăng / suối tóc lai láng / gương lược khóc than (Nguyệt)

Lại có bài thơ dài tới 71 câu như bài Những cơn ho cổ điển tác giả kể câu chuyện có thật về một người cựu tù Côn Đảo “đã thao thức cùng đau nhức” viết cả ngàn trang sách trong những “cơn ho cổ điển người già”. Để rồi, cuốn sách đó trở thành một bút ký ầu ơ siêu thực / đưa hồn đồng đội trở lại cố hương như hai câu thơ kết thúc: Tổ quốc giữ được tên / mật truyền những cơn ho cổ điển.

Là một nhà báo sống giữa đồng bằng này (anh tên thật là Ngô Thanh Hòa, quê Trà Vinh và đang làm việc ở báo Trà Vinh), nhưng sáng tác văn học của Ngô Vĩnh Nguyên như là sự cất công đi tìm kiếm những căn nguyên cuộc sống. Tập truyện ngắn Hậu Sida (1990) và tập thơ Tro (1991) của anh cũng chung một nguồn chảy ấy. Dường như nghề báo (luôn đòi hỏi trung thực và chính xác) đã giúp anh thêm “khó tánh” như vậy chăng...

Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121030/gdp-giua-dong.aspx

Không có nhận xét nào: