Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Dân khúc buồn



Khúc ca dao / Hát một mình / Ta ru ta / Cả mảnh thinh không buồn / Tạ tình người / Đoạn thơ suông / Cứa lòng nhau / Gió lạnh suồng sã cây. Tự tình với bài thơ Dân khúc bằng hai khổ lục-bát-rơi ấy, nhà thơ Vĩnh An như muốn chạm vào cái điệu buồn sinh tử của một câu Kiều: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. 




Không dưng mà anh để dành bài Những chuyện bình thường vào cuối tập thơ với những câu sầu não như vầy: Đi qua năm tháng nước lã khí trời / Gạo chợ nước sông cùng cực / Mùi tiền đăng quang làm chuẩn mực /…Gọi em lột dùm xác ve sầu. Trước đó, trong bài Thú nhận, anh viết: Nơi cánh đồng tận cùng cuống rạ /… Em treo tôi trên sợi tơ óng ả / Không thể đứng yên / Không thể lao về phía gió /… Đêm muộn màng / Tôi gọi khẽ và rơi.

Dân khúc còn có nhiều bài lục bát buồn hiu “những điều trông thấy” kiểu như vậy. Trong bài Gởi một buổi chiều: Bỗng dưng chiều ngã vào đêm / Người dưng vuột miệng hẹn tìm người dưng. Trong bài Trời mưa tháng sáu: Yêu đời đi dọc cơn mưa / Trắng tay từ độ mới vừa xa em. Hay trong bài Những người thương phải xa nhau: Những người thương phải xa nhau / Nên ngàn sóng cứ xô vào đá xanh / Yêu hoài dẫu rất mỏng manh / Lúc gần gũi, lúc đã thành người dưng. Để rồi: Chợt gần mà cũng chợt xa / Chẳng còn em, chẳng còn ta, chẳng còn (Vét tình).

Và khi quay trở về nhà, theo vợ đi chùa lễ Phật, người đàn ông nhìn lại mình: Đã hai màu tóc trên đầu / Chợt vụng dại với mấy câu nguyện thầm / …Cắm nhang xong nắm bàn tay / Nghe nhoi nhói mấy vết chai đàn bà (Theo em lễ Phật đầu năm).


Trong tập Dân khúc của nhà thơ Vĩnh An (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh), còn có một chùm thơ hai-ku 4 bài. Đọc hai bài này, tôi hiểu được lòng tác giả: Làm giáo chức nửa đời / Cha làm thày con đi bán sách / Cha phủi bụi thơ con (Cha); Những nỗi đau người khác / Ám ảnh cuộc sống và giấc mơ / Thì ra của chính mình (Thi sĩ)   


♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121106/dan-khuc-buon.aspx

Không có nhận xét nào: