Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Xử lý "rác thải" pin mặt trời ra sao?

Sau khi Báo Cần Thơ đăng bài "Khi thế giới chia tay điện than" và bài "Điện mặt trời lên núi Cấm, xuống đồng bằng", nhiều bạn đọc thắc mắc về việc tấm pin năng lượng mặt trời có hại ra sao sau khi hết hạn sử dụng. Chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Đình Sính, Cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), xoay quanh vấn đề này.


* Thưa ông, tấm "pin mặt trời" có độc hại hay không?

- Ông Trần Đình Sính: Gần đây, nhiều người cho rằng các tấm quang năng (hay còn gọi dân dã là pin năng lượng mặt trời) sau khi hết hạn sử dụng sẽ gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường. Vậy thì thực tế các tấm quang năng được cấu thành bởi những yếu tố nào? Có chứa những chất độc hại gì? Và chúng gây ô nhiễm cho môi trường như thế nào?

Như hình vẽ cấu tạo của tấm quang năng bên dưới, ngoài khung nhôm và hộp đấu nối, tấm quang năng thường có 5 lớp. Trong số 5 lớp này, chỉ có lớp tế bào quang điện (solar cell), dầy khoảng 0,2mm, là có thể chứa những chất có thể gây ra ô nhiễm môi trường. Còn những lớp khác là những vật liệu thông thường sử dụng hằng ngày là kính, nhựa, nhôm, không chứa chất độc hại.

Các lớp nhựa, kính và khung nhôm nhằm cố định lớp tế bào quang điện mỏng nằm ở giữa để nước và khí không thấm vào tế bào quang điện. Kính cường lực và khung nhôm dùng để chống các tác động ngoại lực từ bên ngoài trong quá trình vận chuyển, lắp đặt và vận hành. Vì vậy trong quá trình vận hành, chỉ có tấm kính và khung nhôm tiếp xúc với nước và không khí nên tấm quang năng không có khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Trong một tấm pin năng lượng mặt trời, tấm kính cường lực thường nặng nhất, khoảng 65%; sau đó tới khung khoảng 20%, tế bào quang điện khoảng 6-8%, cuối cùng là các thành phần còn lại.

Về tế bào quang điện, hiện nay trên thế giới sử dụng 2 nhóm: Loại tế bào quang điện silic (silicon based solarcell) và tế bào quang điện màng mỏng (thin film based solar cell). Tế bào quang điện silic gồm có 2 nhánh: loại silic đơn tinh thể (monocristalline, gọi tắt là mono) và loại silic đa tinh thể (polycrystalline, gọi tắt là poly). Hình dưới đây thể hiện hình dáng bề ngoài của 3 loại tấm quang năng đơn tinh thể (monocristalline), đa tinh thể (polycrystalline) và màng mỏng (thin film).

Tế bào quang điện silic hầu như không chứa chất độc hại. Tế bào quang điện màng mỏng thường sử dụng một số kim loại nặng và độc như cadmium, selenium, telurium, indium,… Câu hỏi đặt ra là khi thải ra môi trường, các chất này phát tán ra môi trường như thế nào và tác động thư thế nào đến môi trường và sức khỏe con người?

Vậy thì tấm quang năng có chứa chất độc hại nhưng việc có rò rỉ ra môi trường hay không và rò rỉ bao nhiêu, nồng độ bao nhiêu là câu hỏi cần giải đáp. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (International Renewable Energy Agency - IRENA) đã thực hiện ở Mỹ, Đức và Nhật các thí nghiệm để xác định mức độ rò rỉ các chất từ tấm quang năng.

Kết quả, xác định được nồng độ đối với cadmium là từ không phát hiện đến 0,22mg/lít và đối với chì (Pb) là từ không phát hiện đến 11mg/lít. Kết luận IRENA đưa ra là: Phần lớn các tấm quang năng thải ra thuộc về loại rác thải thông thường (general waste classification).

  

* Vậy việc tái chế tấm quang năng này khi hết thời hạn sử dụng có cần công nghệ gì không, thưa ông?

- Ông Trần Đình Sính: Trước hết về thành phần vật liệu tái chế tấm quang năng, thì đối với nhóm silic, phần lớn là kính (76%), sau đó đến nhựa (khoảng 10%), nhôm (8%) và khoảng 1% là các kim loại khác. Còn đối với loại màng mỏng, thành phần chủ yếu là kính (89%), sau đó đến nhựa (4%), nhôm (6%) và các kim loại khác khoảng 1%.

Về công nghệ tái chế, đối với loại silic thì được tháo ra, 95% phần kính và 100% kim loại được tái sử dụng. Phần còn lại được xử lý nhiệt và qua một quá trình xử lý, khoảng 80% module và 85% silicon được tái sử dụng. Đối với loại màng mỏng, tấm pin được cắt ra. Sau một loạt quá trình xử lý, khoảng 95% chất bán dẫn và 90% kính được tái sử dụng.

Như vậy có thể nói rằng đã có công nghệ xử lý tấm quang năng và các nước đang xử lý tấm quang năng theo công nghệ đã tìm ra.

Lắp pin mặt trời của Công ty Solan Việt Nam trên ao tôm tại Bạc Liêu. Ảnh: Văn Thành

 

* Kinh nghiệm trên thế giới về việc quản lý tái chế này ra sao?

- Ông Trần Đình Sính: Theo nghiên cứu của IRENA năm 2018 thì đến năm 2030, công suất điện mặt trời khoảng 1.632GW và đạt 4.512GW vào năm 2050. Khối lượng tấm quang năng thải ra vào năm 2030 khoảng 8 triệu tấn và năm 2050 dự kiến khoảng 78 triệu tấn. Hiện nay, với trọng lượng khoảng gần 6 triệu tấn thì tỷ lệ tái chế không đáng kể. Đến năm 2050, dự kiến khoảng 6,5 triệu tấn/năm thì tỷ lệ tái chế sẽ vào khoảng 89%.

IRENA cũng dự báo, khối lượng tấm pin ở 5 nước dẫn đầu dự kiến sẽ là 49,3 triệu tấn vào năm 2050, chiếm 85% so với toàn thế giới. Trong đó, Trung Quốc 20 triệu tấn, Mỹ 10 triệu tấn, Nhật 7,5 triệu tấn, Ấn Độ 7,5 triệu tấn và Đức 4,4 triệu tấn.

Đến nay, cả Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ đều chưa có chính sách về quản lý tấm pin sau khi sử dụng. Riêng bang California của Mỹ thì đang soạn thảo quy chế dùng trong bang. Còn với Đức, với khối lượng khoảng 4,4 triệu tấn năm 2050, thì Đức đã thông qua đạo luật về thiết bị điện và điện tử (Elektroaltgerätegesetz or ElektroG) dựa trên Hướng dẫn về Chất thải Điện và Điện tử của EU (Waste Electrical and Electronic Equipment Directive).

Nhà máy tái chế tấm quang năng đầu tiên ở châu Âu là của tập đoàn Veolia, được xây dựng ở Rousset năm 2018. Công suất tái chế là 1.300 tấn/năm vào năm 2018, bằng toàn bộ số lượng tấm pin thải ra ở Pháp trong năm này. Công suất tái chế dự kiến sẽ tăng lên 4.000 tấn/năm vào 2022 và dự kiến nhà máy sẽ tái chế cho cả khu vực châu Âu.

Cũng xin nói thêm, sản phẩm khi xử lý tấm quang năng là các vật liệu khá đắt tiền như kính, nhôm. Vì vậy, tôi không nghĩ là người ta sẽ đem chôn lấp, mà việc tái chế hoặc xử lý tấm quang năng là một cơ hội kinh doanh. Theo một tài liệu mới nhất, hiện nay trên thế giới có 72 công ty thuộc 18 nước đang tái chế tấm quang năng.

* Ở nước ta, việc quản lý này đang diễn ra như thế nào?

- Ông Trần Đình Sính: Năm 2019, công suất điện mặt trời của Việt Nam vào khoảng 6,74GW. Theo "Dự thảo Quy hoạch Điện VIII", đến năm 2030, công suất điện mặt trời khoảng 18,89GW và năm 2045 dự kiến khoảng 53GW. Nếu các con số trong dự thảo này trở thành thực tế thì khối lượng tích lũy chất thải tấm pin ước tính 404.000 tấn vào 2035 và vào khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045.

Như vậy, khối lượng chất thải tấm quang năng tại Việt Nam khá nhỏ so với các nước dẫn đầu trên thế giới, ước tính khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045, bằng khoảng 11% lượng tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay, khoảng 17 triệu tấn. Cho đến nay, nước ta cũng chưa có cơ chế chính sách gì về chất thải tấm quang năng. 

* Vậy với vai trò cố vấn kỹ thuật của GreenID, nơi đang có nhiều dự án khuyến khích sử dụng pin mặt trời, ông có đề xuất gì với Nhà nước?

- Ông Trần Đình Sính: Cho đến nay, chất thải từ tấm quang năng chưa chứng minh được là độc hại đến môi trường. Các nước dẫn đầu về năng lượng mặt trời hầu như vẫn chưa có cơ chế, chính sách về tái chế, trừ một số nước thuộc EU. Việc chậm ban hành các chính sách của các nước trên thế giới có thể do vấn đề rác thải từ tấm quang năng chưa cấp bách.

Đối với Việt Nam, khối lượng chất thải từ tấm quang năng là khá nhỏ so với các nước dẫn đầu. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm quang năng. Mặt khác, nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp tái chế tấm pin trong tương lai.

* Xin cảm ơn ông!    

HUỲNH KIM (thực hiện)

Đã đăng trên: Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/xu-ly-rac-thai-pin-mat-troi-ra-sao-a128387.html

Điện mặt trời lên núi Cấm, xuống đồng bằng

Ngoài việc tự sắm, nhiều hộ dân trên núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đang được Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) hỗ trợ chi phí sắm pin mặt trời lắp trên mái nhà để có điện xài. Và mô hình này đang lan ra khắp An Giang.

* Cả ấp xài điện mặt trời

Núi Cấm cao trên 700m, trước có 4 ấp là Vồ Đầu, Vồ Bà, Thiên Tuế, Rau Tần; 2 ấp Vồ Bà và Rau Tần dân cư đa phần sống thưa thớt, chưa có điện lưới quốc gia. Ông Phạm Ngọc Nhàn, quản lý Chương trình Tăng trưởng xanh của GreenID tại ĐBSCL cho biết, trên ấp Vồ Bà cũ, có 100% hộ dân (85 hộ) lắp điện mặt trời. Từ tháng 7-2020, xã sáp nhập hơn 100 hộ khác từ ấp Rau Tần vào ấp Vồ Bà hiện nay, thì có thêm 27 hộ xài điện mặt trời, GreenID đã hỗ trợ 50% chi phí cho bà con. “Tới đây, dự án vẫn tiếp tục với số hộ còn lại. Ngoài hỗ trợ chi phí, GreenID có đội kỹ thuật, tư vấn cho bà con thực hiện việc này”, ông Nhàn nói.

Trên đầu một con dốc gần chùa Phật Nhỏ ở lưng chừng núi, có nhà ông Đặng Văn Phước, làm 8 công vườn dâu, bơ, sầu riêng; hai vợ chồng chạy thêm xe ôm phục vụ khách du lịch đi viếng chùa. “Trước tui lắp một miếng 145W hết hơn 3 triệu đồng, sau dự án GreenID hỗ trợ 50% tiền, tui lắp thêm 6 miếng nữa với 3 bình ắc-qui. Trước xài đèn dầu, giờ xài 13 bóng đèn led, ti vi, quạt điện. Ngày nắng thì xài thoải mái cả ngày lẫn đêm, mưa thì thua”, ông Phước kể rồi mở ti vi cho khách xem.

Gần đó có nhà ông Đoàn Văn Tiền cũng nằm cặp vách núi. Nhà rộng, có riêng một gian mắc võng phục vụ khách hành hương nghỉ chân. Ông Tiền 58 tuổi, nhà có 6 người, ở đây đã hơn 35 năm, làm một héc-ta vườn; từ 10 năm nay, sau khi có điện mặt trời, làm thêm “dịch vụ du lịch”. Ông Tiền kể, 10 năm trước ông tự sắm 5 tấm pin mặt trời, giá hơn 3 triệu đồng/tấm. Từ tháng 2-2018, GreenID có dự án tài trợ 50% chi phí, nhà ông được tài trợ 2 đợt 7,5 triệu đồng cho 5 tấm (giá 3 triệu/tấm). Tới giờ, trên mái nhà đã có 20 tấm pin này, mỗi ngày cho khoảng 2.000W điện.

Đưa khách ra sau nhà, chỉ 4 bình ắc-qui và hệ thống xoay chiều gắn trên vách, ông Tiền nói: “Nắng kéo dài thì xài được qua đêm. Mưa kéo dài thì hơi thiếu. Tiện lợi, dễ xài. Lắp xong tấm pin trên mái nhà, câu điện xuống đèn hoặc bình ắc-qui thì xài được. Ngoài xài đèn, ti vi, quạt máy, nồi cơm điện loại nhỏ, tui bơm nước lên bồn phục vụ 20 phòng tắm cho bà con đi du lịch nghỉ chân”.

Giải thích về cái lợi, ông Tiền sôi nổi: “Xài điện mặt trời này bảo đảm môi trường tốt hơn. Không bơm máy gây tiếng ồn, bà con nghỉ ngơi cúng viếng được. Tiết kiệm nhiều lắm. Hồi chưa có điện mặt trời, tui phải chạy máy dầu để đốt đèn, bơm nước, mỗi ngày 7 lít dầu. Giờ không chạy máy nữa, tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Tui xài tấm pin này đã 10 năm rồi, nó vẫn hoạt động bình thường. Nhà sản xuất nói xài được 25 năm. Trước đây bà con thấy có một tấm mỏng như vầy mà làm ra điện thì chưa tin. Lần hồi nhờ truyền thông, tư vấn, bà con tin. Giờ thì cả ấp Vồ Bà đã xài điện mặt trời. Họ xài tùy khả năng, nhiều hộ chỉ thắp sáng đèn, tivi, máy quạt. Tới đây kinh tế khá hơn thì bà con sẽ mua lắp thêm để xài được nhiều thứ trong nhà, phục vụ sản xuất, du lịch”.

Khi được hỏi về điện lưới, ông Tiền quả quyết: “Tới đây nếu có điện lưới quốc gia phủ hết núi Cấm, tui vẫn xài điện mặt trời chớ không có thay đổi đâu”. Còn cô cháu ngoại Nguyễn Đoàn Vy học lớp 2 của ông, thì khoe: “Ánh sáng này có từ lúc con học mẫu giáo. Ánh sáng này từ trên trời rọi xuống. Nó làm nóng trên mái nhà, làm ra ánh sáng cho con”.

* Mô hình sẽ lan xa

Trao đổi với chúng tôi, ông Chau Khonh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo, nhận xét: “Dự án của GreenID đã giúp nhiều cho bà con trên ấp Vồ Bà có ánh sáng điện trong sinh hoạt gia đình, nhất là các em nhỏ có điện để học bài; có đèn đường từ dưới núi lên, góp phần giữ được an ninh trật tự. Tới đây, xã sẽ cùng GreenID truyền thông mạnh hơn để mở rộng dự án thành ấp xanh trên núi Cấm nhằm giúp bà con biết gắn việc sử dụng điện mặt trời với sản xuất, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường”.

Núi Cấm ở An Giang, nơi nhiều người dân và doanh nghiệp đang xài điện mặt trời.

 

Ông Phạm Ngọc Nhàn cho biết GreenID đang làm tiếp dự án “Ấp xanh trên núi Cấm”, nhằm thúc đẩy bà con sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường và có lối sống xanh; dự án kéo dài tới năm 2022. “Với sản xuất và kinh doanh, có thể sử dụng đèn điện mặt trời nuôi gà, sấy nông sản, máy bơm tưới nhỏ giọt, ủ phân hữu cơ… phục vụ làm rẫy, làm du lịch. Với môi trường, hướng dẫn người dân phân loại rác, làm xanh tuyến đường giao thông, trồng cây quanh nhà vì họ đã đốn bỏ nhiều. Với lối sống xanh, hướng dẫn bà con sống gắn với môi trường thiên nhiên hơn. Kinh phí của dự án này là 465.000 Euro, do Tổ chức Bánh mì cho Thế giới tài trợ”, ông Nhàn nói.

Dưới đồng bằng, GreenID còn kết hợp hoạt động với địa phương và doanh nghiệp. Như mô hình kết hợp năng lượng mặt trời với sản xuất nông nghiệp tại hộ ông Chau Hon, dân tộc Khmer, ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Công suất điện ở đây là 40kWp, dự án trị giá 880 triệu đồng, do GreenID và Công ty Ý thức khí hậu (Climate Sense) thực hiện. “Mô hình này được thiết kế dạng nhà kính, có mái che lắp pin mặt trời, dưới đất nông dân sẽ trồng rau ăn lá. Diện tích đất ở mô hình này là 1.000m2. Dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt vào cuối tháng 12 này. Sản lượng điện bán cho EVN khoảng 100 triệu đồng/năm”, ông Nhàn cho biết.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Green ID, nói: “Hiện đã có thêm khoảng 300 hộ gia đình ở huyện Tri Tôn được hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đang được triển khai. GreenID cũng đang mở rộng hợp tác với Hội LHPN tỉnh An Giang để hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, ứng dụng năng lượng tái tạo cải thiện thu nhập”.

Nhận xét về các dự án này của GreenID, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, nói: “Rất hiệu quả”. Ông Thọ cho biết tới năm 2025, An Giang sẽ chuyển 30.000ha trong số 230.000ha đất lúa sang trồng cây trái và nuôi thủy sản. Trong đó nhiều nơi, như Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, An Phú, Tân Châu… sẽ khuyến khích áp dụng các mô hình gắn sản xuất với sử dụng điện mặt trời.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang còn triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao có sử dụng điện mặt trời ở những vùng khó khăn về điện và những vùng nuôi thủy sản cần nhiều điện với một phần vốn hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới. Đã có 20 mô hình, công suất từ 1-5 Wp/mô hình, có nơi sẽ nâng lên 20-30 Wp/mô hình. Như mô hình nuôi cá theo công nghệ trong ao, sử dụng sủi bọt khí, mô hình trang trại gà ở Châu Phú. Một số doanh nghiệp lớn như True Milk, Nam Việt… cũng đang làm dự án đầu tư trang trại bò sữa, nuôi cá tra với nguồn điện mặt trời tại chỗ.

Với quy mô kinh tế hộ, ông Thọ cho biết có những loại cây không cần nắng nhiều như măng tây, khoai mì… thì trồng dưới dàn pin điện mặt trời. Ở vùng thủy sản, dự án đi vào những mô hình nuôi cá lóc, nuôi lương… Theo ông Thọ, người dân có thể kết hợp bán điện trên nền sản xuất này, vừa tăng thu nhập được 20%, vừa bảo vệ môi trường. Xa hơn có thể phát triển trang trại để vừa tạo cảnh quan sinh thái vừa bán điện.

“Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh có chủ trương hỗ trợ tín dụng cho người dân và cần có hạ tầng để kết hợp. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ có hỗ trợ mạnh hơn cho người dân ở những vùng đất kém hiệu quả để họ đầu tư kết hợp sản xuất với xài điện mặt trời hợp môi trường”, ông Thọ nói.

Bài, ảnh: HUỲNH KIM

Đã đăng trên: Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/dien-mat-troi-len-nui-cam-xuong-dong-bang-a128344.html

Khi thế giới chia tay điện than

Theo đại diện Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), khi thế giới chia tay với điện than, nước ta cũng đang khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Một góc "cánh đồng điện mặt trời" của Nhà máy điện Sao Mai dưới chân núi Cấm ở An Giang.

 

Thế giới đang chia tay điện than

Mở đầu một hội thảo về đề tài này tuần rồi tại Hậu Giang, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID khẳng định: "Chúng ta đều biết, năng lượng hóa thạch đang thoái trào, năng lượng tái tạo đang lên ngôi". Theo bà Khanh, 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, công suất nhiệt điện than ở tất cả các giai đoạn đều giảm. Công suất của các nhà máy điện than thi công mới giảm 39% so với năm 2017 và 84% so với năm 2015. Công suất được cấp phép hoạt động mới giảm 20% so với năm 2017 và 53% so với năm 2015. Hoạt động tiền thi công giảm 24% so với năm 2017 và 69% so với năm 2015.

Ở Trung Quốc và Ấn Ðộ, nơi chiếm 85% công suất điện than mới toàn cầu từ năm 2005, lượng giấy phép cấp cho các nhà máy mới đã giảm kỷ lục. Trung Quốc chỉ cấp phép 5GW cho các nhà máy điện than mới năm 2018 so với mức 184GW trong năm 2015. Tại Ấn Ðộ, tổng công suất của các nhà máy được cấp phép đạt chưa đầy 3GW trong năm 2018 so với mức 39GW vào năm 2010. Số nhà máy đóng cửa tiếp tục tăng kỷ lục, đứng đầu là Mỹ (đóng cửa 17,6GW trong năm 2018) bất chấp nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump muốn duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than cũ. Trong khi đó, liên minh coi "than là quá khứ" được chính phủ Anh, Canada khởi xướng; và nhiều chính quyền cấp tỉnh, thành phố ở châu Âu và Mỹ cũng đã tham gia.

"Ở châu Á, Hàn Quốc đã đóng cửa một nhà máy điện than lớn. Ở nhiều nước, các nhà thầu xây dựng điện than mới đang đối mặt với môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Trong đó có việc thắt chặt tài chính của hơn 126 ngân hàng và tổ chức bảo hiểm toàn cầu cũng như cam kết xóa bỏ than, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch của 33 quốc gia và 27 chính quyền địa phương", bà Khanh nhấn mạnh.

Nghị quyết khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo

Trước thực tế này, Việt Nam đang chuyển dịch năng lượng để bảo đảm nhu cầu sử dụng điện và năng lượng tiếp tục tăng theo hướng "chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng". Bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải mà vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng với mức chi phí hợp lý, tạo ra công ăn việc làm mới cho cộng đồng.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng tới năm 2045 ban hành hồi tháng 2-2020 đã xác định cái nền cho vấn đề này. Ðó là, xây dựng cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa cho năng lượng hóa thạch; đa dạng hóa các loại nguồn năng lượng, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch; có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; khuyến khích mọi thành phần kinh tế nhất là tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tạo thị trường cạnh tranh, minh bạch.

Liên quan tới chính sách phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, theo tinh thần Nghị quyết 55 này, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam phải mua toàn bộ công suất phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong thời hạn 20 năm. Giá điện được điều chỉnh theo tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, còn có ưu đãi về vốn đầu tư và thuế nhập khẩu hàng hóa, thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Theo kết luận của "Dự thảo Quy hoạch điện VIII" Bộ Công Thương sắp trình Thủ tướng, có những nội dung đáng chú ý: Phát triển thêm quy mô lớn điện gió, điện mặt trời. Không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026-2030; loại bỏ 9,5GW dự án điện than nhập khẩu; đẩy lùi 7,6GW điện than sau năm 2030-2035, trong đó có dự án Quỳnh Lập 1&2 (2.400MW); khu vực miền Nam và miền Trung chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối LNG; nhiệt điện than nhập khẩu của chủ yếu phát triển ở miền Bắc. Sau năm 2025, các nguồn linh hoạt (ví dụ như tích năng) rất cần cho hệ thống. Sau năm 2025, phát triển đường dây truyền tải từ Nam Trung Bộ ra Bắc Bộ; khuyến nghị cho chuyển dịch năng lượng bền vững.

ĐBSCL sẽ thành trung tâm năng lượng phía Nam

Theo "Quy hoạch điện VII điều chỉnh", ÐBSCL dự kiến sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn ở phía Nam. Bạc Liêu và Long An đã cho dừng các dự án điện than công suất lớn để kêu gọi đầu tư điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã trình bổ sung thêm hai dự án điện gió với tổng công suất 200MW vào "Quy hoạch Ðiện VII điều chỉnh". Còn lại, đề nghị đưa vào "Quy hoạch Ðiện VIII" với tổng công suất 8.690,6MW; trong đó, điện gió 7.160,6MW, điện mặt trời 1.500MW và điện sinh khối 30MW. Ðặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào "Quy hoạch điện VII điều chỉnh". Hiện nhà đầu tư (Công ty Delta Offshore Energy) đang khẩn trương làm thủ tục để có thể khởi công vào đầu năm 2021, vận hành tổ máy đầu tiên 750MW vào năm 2024 và hoàn thành dự án trong năm 2027.

Ở An Giang, theo Sở Công Thương, tỉnh có 10 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 1.800MW. Hiện 4 nhà máy đã hoạt động với công suất 214MWp; đến cuối năm nay thêm một số nhà máy hoàn thành, công suất sẽ thêm 320MWp. Còn điện mặt trời mái nhà, đến tháng đầu 11-2020, đã có 37MWp nối lưới. Ở TP Cần Thơ và một số tỉnh, thành khác trong vùng, đã xuất hiện mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với phát triển điện mặt trời áp mái.

Trao đổi với chúng tôi, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID chia sẻ: "Ðiện mặt trời phân tán bao gồm điện mặt trời áp mái và điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp là giải pháp đa lợi ích, có lợi cho cả nhà nước, người dân, nhà đầu tư và ngành điện. ÐBSCL có tiềm năng rất lớn để triển khai các giải pháp này, nó được ví như "mỏ vàng mới lộ" cần được khuyến khích phát triển. GreenID mong muốn góp phần cùng chính quyền, người dân và doanh nghiệp ở ÐBSCL để truyền thông, kết nối thúc đẩy đầu tư phát triển các giải pháp phân tán này". 

Theo GreenID, gần 2 năm nay, Việt Nam đang dẫn đầu các nước ASEAN về tốc độ và công suất điện mặt trời. Đến tháng 6-2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời) đã vận hành đạt khoảng 5.500MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất 657,88MWp. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện. Những kết quả trên có được là nhờ chính sách và cơ chế hỗ trợ giá mua điện mặt trời tại Quyết định số 11/TTg năm 2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ/TTg.

Ngoài ra, điện mặt trời ở nước ta đạt mục tiêu cao hơn và sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Năm 2019, cả nước đã có 99 nhà máy với tổng công suất 5.053MWp; trong đó, trước ngày 30-6 có 89 nhà máy với tổng công suất 4.439MWp, sau ngày 30-6 có thêm 10 nhà máy với tổng công suất 714MWp. Một nguyên nhân chính phát triển nhanh điện mặt trời là tấm pin tích trữ đã giảm giá khoảng 50% từ 2013-2016. Tháng 9-2020, Elon Musk - Tesla đưa ra nhận định, giá tấm pin tích trữ lithium sẽ giảm tiếp 50% sau 3 năm nữa.

Bài, ảnh: HUỲNH KIM

Đã đăng trên: Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/khi-the-gioi-chia-tay-dien-than-a128040.html