Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Cuối năm bàn chuyện làm nông

Huỳnh Kim
Thứ Hai,  4/2/2019, 11:14 

(TBKTSG Online) - Cắt bỏ trái sai cành; ngồi nhà bấm điện thoại di động điều khiển tưới tiêu ngoài ruộng; dự hội thảo bàn chuyện chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp… Những việc làm này không còn xa lạ với nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giúp nhà nông làm chuyện này cần sự đồng hành của nhiều “nhà” khác.



Khách du lịch trong vườn quýt hồng ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Đào Loan.

Chiều ngày 3-2 (29 Tết Kỷ Hợi), trao đổi với chúng tôi về đề tài này, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Đồng Tháp, cho biết trong làn sóng cách mạng 4.0, Đồng Tháp phải lo nhiều hơn chuyện giúp bà con nông dân không bị bỏ lại phía sau. Trong đó có việc hưởng ứng đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” của Chính phủ, Đồng Tháp đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ điện thoại thông minh cho nông dân. Ở Đồng Tháp, một nhóm thanh niên chuyên lo tập huấn cho nông dân sử dụng điện thoại thông minh để làm nông mà không phải suốt ngày ở ngoài đồng ruộng.

“Hiện nay nhiều nông dân Đồng Tháp đã sử dụng điện thoại thông minh để điều khiển hệ thống tưới tự động cho cam, quýt, xoài… Chúng tôi muốn chuyện này phổ biến hơn”, ông Hoan nói.

Ông Hoan kể, khi khảo sát Hợp tác xã (HTX) Xoài Mỹ Xương ở Cao Lãnh hôm 12-6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kể chuyện làm nông kiểu 4.0 ở nông trại Yokoyama (tỉnh Aichi, Nhật Bản), nơi Thủ tướng vừa tới thăm.

Nông trại này chỉ có 15 nhân công, làm 1,2ha dưa lưới và cà chua nhưng hàng năm thu lãi 350.000 - 400.000 đô la (hơn 8 tỉ đồng). Trong tay 15 nông dân này luôn có hàng trăm trang web là địa chỉ tiêu thụ sản phẩm.

Chưa nói về công nghệ cao, Thủ tướng chỉ nhấn mạnh với bà con xã viên HTX Xoài Mỹ Xương: “Một dây dưa có rất nhiều quả nhưng để bảo đảm chất lượng thì họ đã cắt hết, chỉ để lại một quả. Một quả dưa của họ có giá từ 800.000 đồng đến một triệu đồng. Tôi nói điều đó để thấy rằng kinh nghiệm nâng cao chất lượng, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và đặc biệt là áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quản lý tốt thì nhất định sẽ thành công”. Một chi tiết nhỏ nói lên quan hệ giữa chất lượng, số lượng, giá trị gia tăng… trong thời làm nông kiểu 4.0.

Ở Đồng Tháp, từ năm 2017, Tỉnh ủy đã họp chuyên đề và đến nay UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động để liên kết nhà nông với doanh nghiệp, nhà khoa học cùng chính quyền địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo xu hướng 4.0. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada, Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holdings JSC chuyên ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp: “Ở Đồng Tháp, từ bí thư, chủ tịch tỉnh đến giám đốc các sở, người nào cũng rất tâm huyết với quê hương của họ trong chuyện này”.

TS Nguyễn Thanh Mỹ cho biết ông đang cùng nông dân Trà Vinh, Đồng Tháp ứng dụng nhiều giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 để canh tác lúa và hoa màu. Làm kiểu này, theo ông Mỹ, sẽ giảm được hơn 30% nước tưới, hơn 40 % phân đạm, hơn 50% tiền công, hơn 50% thuốc bảo vệ thực vật, hơn 40 % khí nhà kính; tăng năng suất 10-20% và tăng doanh thu 100% với mô hình canh tác lúa - vịt.

“Nông dân mình rất thông minh, bà con sẽ làm được khi có hướng dẫn phù hợp. Thông qua các cơ quan chuyên về quản lý nông nghiệp cấp tỉnh, chúng tôi đang cùng hàng trăm ngàn bà con nông dân sử dụng điện thoại thông minh để cho ra sản phẩm đáp ứng được chuỗi giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập”, ông Mỹ nói.

Trong mối liên kết này, vào tháng 6-2018, TBKTSG và UBND tỉnh Đồng Tháp đã đồng tổ chức hội thảo “Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý và hàng trăm bà con nông dân Đồng Tháp từ 81 đầu cầu trực tuyến.

Tại đây, các đại biểu đã nhất trí rằng thời làm nông 4.0 này, muốn thắng, người nông dân phải xóa bỏ “tư duy mùa vụ”, doanh nghiệp phải xóa bỏ “tư duy thương vụ” và các cấp lãnh đạo chính quyền phải xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ” thì liên kết mới bền vững.
Ở Cần Thơ, nơi đang giảm dần làm nông truyền thống và đang quy hoạch xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, mấy năm nay đã diễn ra nhiều hội thảo về đề tài này, nhằm kết nối cho được nhà nông với nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL.

Tại một hội thảo hôm 28-12-2018, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết nhà trường sẵn sàng thực hiện theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và địa phương với những ký kết cụ thể để thực hiện việc giúp nông dân làm nông theo kiểu 4.0. Trong đó, Đại học Cần Thơ luôn bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực ngay trong thực tế, yếu tố quyết định cho sự thành công của câu chuyện này.

Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang… cũng đang có những dự án, chương trình liên kết làm nông theo hướng gắn kinh tế xanh với nông nghiệp công nghệ cao. Ở Hậu Giang, nhiều doanh nghiệp đã cùng bà con nông dân đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu được một số đặc sản tươi và chế biến như cá thát lát, mãng cầu xiêm, dưa lưới, khóm, xoài… từ những cánh đồng, nhà lưới sản xuất theo công nghệ mới.

Mấy năm nay, nhiều cơ quan báo chí cũng đã tham gia truyền thông mạnh hơn về mối liên kết này. Riêng với nhóm TBKTSG, theo kế hoạch, ngày 8-3-2019, TBKTSG sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và Đài Truyền hình Hậu Giang tổ chức một hội thảo với chủ đề “Giúp nông dân làm nông thông minh”.

Trao đổi với TBKTSG Online xoay quanh câu chuyện liên kết làm nông thời 4.0, GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nhấn mạnh: “Trước hết, chính quyền các địa phương không nên để doanh nghiệp tự mua đất rồi “đuổi” nông dân đi để muốn làm bao nhiêu nhà màng, nhà lưới thì làm”.

Ông Xuân đề xuất, phải tìm cách đưa công nghệ mới vào tay người nông dân để họ làm trực tiếp, sát với thực tiễn và thu được lợi. Thí dụ với những cây trồng ngắn ngày trong nhà màng thì có thể đầu tư nhà màng cho một nhóm nông dân để họ cùng làm. Hoặc đầu tư cho cây lúa thì nên bón phân lót bằng phân hữu cơ vi sinh do doanh nghiệp cung cấp để nông dân làm ra lúa có chất lượng tốt nhất. Ở đây, theo GS Xuân, trách nhiệm của chính quyền địa phương, tức ông “nhà nước”, phải rõ ràng trong việc ban hành các chính sách liên quan, có lợi cho cả nông dân và doanh nghiệp.

“Còn nhà khoa học thì phải làm việc với cả hai “nhà” kia. Vì nhà doanh nghiệp phải tham khảo nhà khoa học trước để sau đó nhà khoa học ngồi lại thỏa thuận với nhà nông cho ra được một cái quy trình áp dụng VietGAP hay GlobalGAP sát thực tế nhằm giúp nông dân làm đúng quy trình này chớ không nên làm theo cái cũ nữa”, GS Xuân nhấn mạnh.

“Trong nền kinh tế thị trường, người nông dân đâu chỉ cần đến kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải hiểu rằng sản phẩm sẽ có giá trị gia tăng cao hơn nếu có được hàm lượng tri thức.

Trong mua bán, người nông dân còn phải biết cơ bản về quy luật cung cầu để tìm cách tối đa hoá lợi nhuận bằng cách tối thiểu hoá chi phí và nâng cao chất lượng nông sản do mình làm ra.

Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh nhỏ xíu thì mỗi người nông dân có thể tối ưu hoá cuộc sống và nghề nông của mình.
Câu chuyện phát triển bền vững đâu chỉ trong các diễn đàn mang nặng tính hàn lâm, mà phải làm sao đến được người nông dân, những người mới thật sự làm nên sự bền vững”.

Lê  Minh Hoan - Bí thư tỉnh Đồng Tháp

* Đã đăng TBKTSG Online 4-2-2019:

Cánh bướm nâu

Huỳnh Kim
Chủ Nhật,  3/2/2019, 08:40 


(TBKTSG Xuân AL) - Vào những ngày Tết, mọi gia đình có truyền thống tề tựu tưởng nhớ đến tổ tiên và những người thân đã khuất. Nhưng cũng không ít gia đình vẫn trăn trở khi không biết người thân của mình còn nằm lại đâu đó nơi đất lạ quê người. Thầm nghĩ Bắc Trung Nam đâu cũng là nhà, nhưng vẫn thấy ngậm ngùi vì đã mấy chục năm đất nước hòa bình thống nhất mà vẫn còn bao kiếp người tha hương.


1. Vậy là đất nước đã hòa bình thống nhất được hơn bốn mươi năm. Hơn nửa đời người đã trôi qua. Trong quãng đất trời thăm thẳm ấy, trước khi chuyển về làm việc cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hai mươi năm tôi đã mặc áo lính. Tôi nhập ngũ ở Quân khu 7, đi học sĩ quan ngoài Bắc, về phục vụ ở Quân khu 9 và Mặt trận 979.

Hai mươi năm đời lính, có nhiều năm tháng ở mặt trận Tây Nam trên chiến trường Campuchia và cả ở biên giới phía Bắc, hướng Hà Giang và Lạng Sơn. Trong những tháng ngày chiến chinh gian nan ở hai đầu đất nước, có biết bao chàng trai trẻ như tôi, đã ra đi không trở về. Tôi may mắn còn nguyên lành, chuyển về làm việc ở TBKTSG từ năm 1996. Thế nhưng sau những trận sốt rét ác tính kinh hoàng trong những mùa khô biên giới Campuchia - Thái Lan, tôi lại hay trầm tư suy nghĩ mông lung về sự tồn tại của một kiếp người.

Trong cái cõi tâm linh mơ hồ đó, dù đã giã từ vũ khí, nhưng tới năm 1998, tôi lại xung phong làm một việc mà cho tới bây giờ, câu chuyện ngày ấy vẫn cứ đong đưa lặng lẽ ở trong lòng mỗi khi tôi ngẫm nghĩ về thời gian, sự sống và cái chết.

Chuyện về người cha vợ của tôi, dân Cần Thơ tập kết ra Bắc năm 1954, là trung úy ở sư đoàn 338, sau chuyển ngành về Khu Gang thép Thái Nguyên rồi bị bệnh chết năm 1969, lúc 50 tuổi, mai táng trên núi Chùa thuộc tỉnh Bắc Thái lúc bấy giờ, nhưng mãi 29 năm sau hài cốt mới được đưa về Nam.

2. Câu chuyện bắt đầu từ một giấc mơ.

Đêm hôm ấy, khoảng hai giờ sáng, lần đầu tiên trong đời, chị Dần nằm chiêm bao thấy một ngôi mộ hoang. Mộ um tùm cỏ dại, nằm ven một ngọn đồi, dưới chân đồi là ruộng lúa. Có một con bướm nâu to bằng lòng bàn tay bay theo chị rồi đậu trên mộ. Chị Dần tỉnh dậy, thấy sợ, kể lại giấc mơ với người chị vừa từ Cần Thơ ra. Chị Liên làm ở tòa án tỉnh Cần Thơ, về quê Thái Nguyên nghỉ hè, nghe giấc mơ của cô em dâu, mới bảo, chuyến này về chị cũng muốn đi tìm mộ giúp cho gia đình một người bạn ở Cần Thơ, rồi đưa tấm sơ đồ mộ chí bạn gửi theo cho chị Dần xem. Lật tấm sơ đồ cũ nát gửi từ Bắc Thái về Cần Thơ sau năm 1969, chị Dần lơ mơ đoán ra địa danh núi Chùa, một ngọn núi thấp ở thôn Hương Chùa, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, cách thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên chỗ nhà chị hơn mười cây số. Nhớ lại giấc mơ có con bướm nâu lạ lùng, chị Dần bảo để mình đi tìm mộ thay cho chị Liên.

Sáng ra chị Dần đạp xe vào Phú Bình, dọc đường mua ít nhang đèn. Vào tới núi Chùa, hỏi những người dân làng, biết trên núi có một khu mộ cũ có mai táng bộ đội miền Nam tập kết vốn là cán bộ Khu Gang thép Thái Nguyên. Lang thang tới trưa, chị Dần gặp ông Kiếm, một nông dân nhà ở gần khu mộ. Bác Kiếm đưa chị ra triền núi, bảo nơi đây còn nhiều mộ của “các cụ bộ đội tập kết ngày xưa”. Tiếc là không nấm mộ nào còn bia, cái nhỏ cái to ngập tràn cỏ dại. Chị Dần lo âu, lâm râm khấn: “Lạy cụ Thạnh, linh thiêng xin cụ báo cho con gặp được mộ phần”. Chợt có một con bướm nâu chấp chới bên mình, con bướm to bằng lòng bàn tay, chị Dần lại khấn: “Linh thiêng, xin đậu lại”. Không ngờ con bướm nâu bay tiếp một đoạn rồi đáp xuống ngôi mộ cuối cùng. Chị Dần giật mình khi nhìn thấy một phần mộ quạnh hiu đầy cỏ dại nằm kề bên bờ ruộng, cảnh tình giống y như trong giấc chiêm bao đêm hôm qua. Thế rồi chị Dần thắp nhang cúng vái bên nấm mộ và hẹn với bác Kiếm sẽ quay lại.

3. Nhà tôi ở khu gia binh Trần Khánh Dư cũ, thuộc phường Xuân Khánh, cách nhà mẹ vợ tôi chừng 5 cây số trong ấp Lợi Nguyên, xã An Bình, Cần Thơ. Sáng sớm ngày 24-8-1998, khi đang chờ xe về Sài Gòn để bay ra Hà Nội, đi Thái Nguyên thì mẹ vợ tôi điện thoại ra. Mẹ vừa nói vừa khóc, rằng đêm qua mẹ nằm mơ gặp cha tôi, tướng mạo y như trong tấm hình tôi phóng to mang theo, mặc đồ đại cán, quân hàm trung úy. Ông nhắc mẹ nhớ dặn tôi là “khi tìm gặp mộ, đào lên rồi phải rửa xương cho thiệt kỹ trước khi tẩm liệm đưa về”.

Tôi khoác ba lô lên đường mà bụng dạ cồn cào hình ảnh giấc chiêm bao của mẹ. Hồi tiễn chồng đi tập kết, mẹ mới 25 tuổi, là một hoa khôi y tá của trường Thiếu sinh quân Quân khu đóng ở Cà Mau. Ngày đó, mẹ đang mang thai Lệ Thanh, con gái út, còn người anh trai thì chưa đầy hai tuổi. Vậy là hai cha con Lệ Thanh - vợ tôi bây giờ - từ hồi đó, đã không biết mặt nhau.

Hôm sau tôi lên Thái Nguyên, tìm gặp anh Huấn, chị Dần. Chưa từng biết nhau mà khi gặp nhau, cứ như là chuyện của anh em ruột thịt trong nhà. Ba người con của anh chị đang học ở Hà Nội. Trưa hôm đó anh Huấn chở tôi lên nhà bác Kiếm, rồi tìm gặp cả bà Vụ, chủ đất khu mộ bên triền núi Chùa. Bác Vụ đã gần bảy mươi, kể rằng mười năm trước khi vỡ hoang khu đồi núi này để trồng sắn, nhà bác đã gặp dãy mộ, nhưng bia thì cái còn cái mất. Riêng phần mộ cuối chân đồi, tấm bia đã đổ bể, bác chỉ còn nhớ là bia có ghi quê người mất ở Cần Thơ. Sợ dân chăn trâu lấy cắp, bác đưa tấm bia bể lên gửi trong nhà chùa trên đồi nhưng bây giờ chẳng hiểu sao nó cũng không còn nữa.

Nhìn những nấm mộ buồn hiu liêu xiêu bên triền đồi trong buổi chiều trung du hoang vắng, tôi chợt nghe lạnh cả người. Thầm nghĩ Bắc Trung Nam đâu cũng là nhà, nhưng vẫn thấy ngậm ngùi vì đã mấy chục năm đất nước hòa bình thống nhất mà vẫn còn bao kiếp người tha hương, chưa sum họp gia đình, lạnh lẽo nắm xương tàn xa xứ. Lại nghe lòng thoáng nỗi hoài nghi. Trong mười một nấm mộ này, Trung úy Trần Hữu Thạnh yên nghỉ chính xác ở chỗ nào, dù trong sơ đồ ghi rõ “mả ông Thạnh” nằm ở cuối cùng phía Nam triền núi.

Anh Huấn, bác Kiếm, bác Vụ và cả ông Sở, Chủ tịch xã Hà Châu, đều khuyên tôi nên mời thêm thầy cúng xin âm dương chứng giám để cho lòng được thanh thản. Vậy là chúng tôi tìm tới nhà ông thầy Thiều bên thôn Châu Tuấn.

Chuyện tôi không thể nào quên là trưa hôm sau, vừa khi ông thầy Thiều khấn vái gieo trúng hai đồng tiền sấp ngửa thì có một con bướm màu nâu to bằng lòng bàn tay của tôi, chấp chới quanh ngọn khói nhang. Chợt nhớ tới giấc mơ của chị Dần, tôi nhắm mắt khấn thầm: “Có phải linh hồn Trung úy Thạnh, xin đậu lại”. Lạ thay, khi tôi vừa mở mắt ra, con bướm nâu cũng vừa đáp xuống bờ cỏ trên nấm mồ trước mặt.

4. Tôi ngả người trên ghế máy bay, chuyến bay sáng ngày 30-8-1998 Hà Nội - TPHCM, muốn ngủ một giấc nhưng không tài nào ngủ được. Các bạn ở Văn phòng Đại diện TBKTSG tại Hà Nội đã lo giúp mọi thủ tục để hài cốt cha tôi được cùng về theo khoang hành khách. 29 năm, hài cốt đã hóa thành cát bụi, chỉ còn một ít đủ vóc hình hài, đã được chị Dần tẩm liệm cẩn thận trong tấm vải đỏ, đựng trong một cái hộp đặt giữa túi xách và dặn tôi không được rời tay cho tới giờ cải táng là sáu giờ chiều hôm đó, tại quê nhà.

Tôi thầm thì động viên Trung úy Trần Hữu Thạnh: “Xưa ba xuống tàu đi tập kết khi Bắc - Nam còn chia cắt, giờ ba về bằng đường hàng không khi nước nhà đã sum vầy, thế cũng là vui. Cái hậu sự này chứa chan biết bao nhiêu tình nghĩa, của ngày hôm qua và mới mấy bữa nay; của chị Liên, chị Dần, anh Huấn, anh Sở, của gia đình bác Kiếm, bác Vụ và nhiều bác nông dân thôn Hương Chùa đã giúp tìm kiếm và bốc mộ ba”. Tôi lại nhớ lời dặn của ông thầy Thiều: “Cố gắng về cho kịp sáu giờ tối ngày 30-8, là giờ tốt. Nhớ đi thẳng ra nơi cải táng, đừng ghé đâu cả. Nhớ đưa hài cốt đặt trong quách sành”. Tôi đã điện thoại về nhà dặn lại tất cả mọi chuyện.

Tối hôm đó, dường như có đầy đủ bà con nội ngoại gia đình bên vợ tôi tham gia lễ cải táng tại nhà bà Hai Tần, mẹ vợ tôi. Vừa mừng vừa tủi, như là cảnh gia đình đã đón ông ngoại và mấy cậu, dì trở về sau ngày miền Nam giải phóng. Gia đình xây sẵn ngôi mộ phía sau nhà, trên cái nền cao của ngôi nhà lớn bị bom đánh tan tành hồi Tết Mậu Thân 1968. Hài cốt Trung úy Trần Hữu Thạnh được cải táng nơi đây, không xa mồ mả tổ tiên trong khu vườn xanh um của gia tộc có gốc ở miền Trung vào đây lập nghiệp từ hơn một trăm năm trước.

Chuyện sau cùng tôi muốn kể ra đây là hình bóng của con bướm nâu lạ lùng lần đầu tiên trong đời tôi gặp ở núi Chùa. Bữa đó, dù đã gần tám giờ tối, trong khi mọi người đang tề tựu trong nhà, chợt có con bướm nâu, hình hài y như tôi đã gặp, chập chờn bay vào nhà, bay trên đầu mọi người rồi bay lại bàn thờ đầy nhang khói, đậu lại chỗ khung ảnh thờ tổ tiên rồi lại đậu trên tấm hình Trung úy Trần Hữu Thạnh.

Hôm sau, khi tôi đi làm về, vợ tôi kể hồi sáng có con bướm nâu to bằng lòng bàn tay đã bay vào nhà tôi ở khu gia binh Trần Khánh Dư. Lạ một điều là khi vợ tôi lên nhà trên thì con bướm bay theo, khi vợ tôi xuống bếp con bướm cũng bay theo. Cho tới khi ánh mặt trời chiếu xiên vào gian phòng khách xập xệ ngổn ngang sách báo của tôi, mới thấy con bướm nâu từ tốn bay ra khỏi nhà, mất hút trong con hẻm nhỏ.

* Đã đăng TBKTSG Xuân âm lịch 2019 & TBKTSG Online 3-2-2019:
https://www.thesaigontimes.vn/284390/canh-buom-nau-.html

Bông điên điển

Huỳnh Kim
Chủ Nhật,  27/1/2019, 21:54 


(SGTT Xuân AL) - Bông điên điển được nhiều người gọi là “mai vàng mùa lũ” vì màu vàng tươi của nó giống như màu hoa mai khoe sắc mỗi dịp xuân về. Loài hoa vừa bình dân vừa bác học này là khởi nguồn của bao nhiêu kỷ niệm đẹp, chuyện tình lãng mạn và được dùng để chế biến các món ăn cho cả người nghèo lẫn người giàu.


1. Một ổ rơm loi thoi nối với cái chái nhà lá bằng một chiếc xuồng, giữa bộn bề sóng nước Tịnh Biên, An Giang. Một đám điên điển còi cọc lơ thơ bông vàng cách ổ rơm cũng độ một chiếc xuồng. Cái gò cao nhất, cái “giang sơn tránh lũ” của ba chị em, lúc ba mẹ đi giăng câu ngoài đồng. Con chị chừng mười ba tuổi, mặc cái áo cổ lá sen, cái quần đen sũng nước, ánh mắt sáng mà buồn; hai đứa em trai nhỏ hơn chị độ bốn, năm tuổi, tóc vàng hoe, thằng anh ở trần, thằng em cười cái miệng có duyên giống chị.

Bữa nay trời êm gió, từ sáng tới giờ ba chị em phát hiện trong ổ rơm có hai chú chuột chạy lũ, ba đứa chơi trò mèo bắt chuột. Mỗi đứa một góc ổ rơm, cứ rình chờ con chuột nào trốn bên kia hổng xong chạy ra bên này là túm đuôi. Chuột cứ chui ra chui vào ổ rơm. Ba chị em cứ làm mèo vờn chuột. Ổ rơm muốn sụm xuống luôn. Hết thảy mệt đừ, hai con chuột bò hết nổi mà hai thằng em không tha. Tự nhiên con chị sợ hai chú chuột chết, không cho em chơi nữa. Bèn rủ em đẩy xuồng ra hái bông điên điển.

Cụm điên điển giờ chỉ còn mươi nhánh bông vàng vừa nở. Bữa nào cũng hái, làm sao bông kịp trổ cho đầy. Hai đứa em trai, đứa móc xuồng, đứa níu bông cho chị hái. Chẳng bao lâu mà cũng lưng rổ. Tự nhiên con chị thấy tiếc mấy nhánh non, rung rinh những cánh bông vàng trong nắng như đàn bướm nhỏ đang bay. Nó nhớ cô giáo thích mặc áo vàng lên lớp. Mà nó cũng thích màu vàng như cô giáo lớp năm. Nó nheo mắt nhìn xa xăm qua bên kia cánh đồng trắng nước, chỗ cái xóm đó, trường của nó cũng đang ngâm mình trong lũ cả tháng nay rồi. Anh mắt nó bỗng sáng lên rồi lại buồn hiu hắt.

“Thôi đừng hái nữa Út ơi! Để đó mai nó trổ tiếp. Ba má sắp về rồi!”. Con chị can thằng em út chực bẻ nốt cái nhánh bông điên điển vàng tươi như cánh bướm vàng.


2. Loài “mai vàng mùa lũ” ấy, đẹp như câu ca dao, vừa bình dân vừa bác học; người nghèo người giàu ai cũng thích, nhất là khi thưởng thức các món ăn từ những cánh bông vàng.

Văn thơ, rồi bao chuyện tình lãng mạn cũng sinh thành từ đây. Và giờ bông điên điển không chỉ nở trong mùa nước nổi, bông bây giờ đã nở quanh năm.

Từ năm 2015, nhiều bà con nông dân ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đã trồng điên điển, có lúc giá bán tới 60.000 đồng/kg. Họ nói điên điển dễ trồng, không cần phân thuốc, không tốn công chăm sóc lại cho thu nhập khá, trồng vào mùa khô bán được giá gấp ba, bốn lần mùa lũ. Còn ở hai huyện Phú Tân và Châu Phú của tỉnh An Giang, giờ đây vào mùa khô, nhiều bờ kinh vàng rợp màu bông điên điển.

Báo An Giang hồi tháng 10-2014, từng dẫn lời một nông dân: “Điên điển là cây trồng chơi nhưng ăn thiệt. Từ lúc trồng đến 4 tháng là hái bông gần 4 tháng, mà lại bán được giá, không ế hàng. Khi cây cằn cỗi, cứ hạ xuống cách gốc 1m, bón phân dưỡng, sau đó tiếp tục thu hoạch. Bông điển điển bán rất chạy không chỉ ở các chợ, siêu thị, thôn xóm mà được bạn hàng vô bọc xuất bán sang các địa phương, nhất là ở đảo Phú Quốc. Thân cây điên điển phơi khô làm củi đốt, còn hột bán 200.000 đồng/kg nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu”.

Bạn đồng nghiệp của tôi tên là Mỹ Hạnh còn viết về bông điên điển thiết tha: “Không phải hoa điên điển mà là bông điên điển, đến cách gọi cũng rất Nam bộ, thân thương. Bông điên điển có vị nhẫn, bùi, ngọt, ăn giòn nên hòa quyện với món nào cũng ngon. Từng chùm bông tươi rói được tuốt nhẹ, nâng niu, trộn ghém ăn sống hay nhúng lẩu, nấu canh chua, đổ bánh xèo, ăn kèm bún… đều hấp dẫn. Người miền Tây khéo ở chỗ, thực phẩm nào nhiều, ăn không hết thì nghĩ đến việc làm khô, đem muối để ăn lâu dài. Bông điên điển trông mong manh vậy mà cũng muối chua được, biến hóa thành món ăn mới, ngon đáo để”.

Còn trong y học, theo Lương y Đinh Công Bảy, lá điên điển nấu nước để uống, được xem như chất tẩy xổ, làm dịu đau, trục giun sán và kháng sinh, chống viêm sưng…

“Thôi đừng hái nữa Út ơi! Để đó mai nó trổ tiếp. Ba má sắp về rồi!”.

Ôi, cái tình bông điên điển!

* Đã đăng SGTT Xuân âm lịch 2019 & TBKTSG Online 27-1-2019:

Nguyễn Ngọc Tư, phù sa bất tận

Năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng văn học LiBeraturpreis của Đức với tập truyện “Cánh đồng bất tận”; ra mắt tập thơ thứ hai, “Gọi xa xôi” và tập truyện thứ 9, “Cố định một đám mây”. Nhìn lại năm cũ và nhìn sang năm mới, chị vẫn lặng lẽ như phù sa sông mẹ Cửu Long...

HUỲNH KIM

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng độc giả tại buổi ra mắt sách “Cố định một đám mây”. 
Ảnh: zing.vn

Cánh đồng bất tận

Trong diễn từ đọc tại Lễ trao Giải thưởng LiBeraturpreis ở Đức (10-2018), nhà phê bình Katharina Borchardt, thành viên Ban giám khảo, nói rằng “Cánh đồng bất tận” gồm 14 truyện ngắn đã in từ 2001-2005, “Thế nhưng đối với chúng ta, đó là những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ, và với sự trầm tư mang nặng chiều sâu hiện thực xã hội, đã làm chấn động trái tim người đọc. Những câu chuyện này dẫn chúng ta về miền Nam Việt Nam, về vùng châu thổ sông Mekong”.

Bà nói tiếp: “Nguyễn Ngọc Tư lớn lên ở đó. Chị sinh năm 1976 tại Cà Mau và nay vẫn còn sống ở đây. Ở Việt Nam, sách của chị được bán với mức kỷ lục, số lượng ấn bản có lúc đạt tới hàng trăm nghìn cuốn. Như vậy vị khách đang có mặt hôm nay cùng chúng ta là một tác giả best-seller thật sự. Tuy nhiên việc tiếp cận thị trường sách châu Âu còn diễn ra một cách dè dặt, chúng tôi hy vọng thông qua giải LiBeraturpreis sẽ góp phần khai phá con đường này. Bởi lẽ những câu chuyện mà chúng ta đang nói đến đây là những tác phẩm văn chương tuyệt đẹp. Và bất kỳ ai cũng nên đọc: bằng tiếng Đức, bằng các ngôn ngữ khác nữa, tại các quốc gia khác”. 

Theo nhà phê bình Katharina Borchardt, ở tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng có những con người biến đi một cách vô tăm tích, bỏ lại phía sau những người thân của họ trong đổ vỡ. Các quan hệ xã hội quan trọng chừng nào thì chúng cũng dễ tổn thương và đổ vỡ chừng đó. Nguyễn Ngọc Tư kể những câu chuyện của mình với một tiêu cự hẹp, tập trung vào các diễn biến trực tiếp trong phạm vi gia đình, thường là từ giác độ của cái tôi tự sự, hoặc từ cái nhìn sát sườn của một cá nhân, nhưng ít khi từ giác độ của một người kể chuyện biết hết tất cả.

Thành viên Ban giám khảo Giải thưởng văn học quốc tế LiBeraturpreis 2018 chốt lại: “Với “Cánh đồng bất tận”, chúng ta có một cuốn sách tuyệt đẹp: đó không chỉ là một tác phẩm được trình bày cẩn trọng, biên tập kỹ lưỡng và được dịch một cách chuẩn xác, mà trước hết được viết bởi một ngòi bút tuyệt vời. Đây là những câu chuyện kể về những điều thật cốt lõi: về chốn gia đình mà ta cần có, và về những con người mà ta yêu quý. Sẽ không phải là sáo ngữ nếu tôi nói: Chúng ta còn muốn được đọc nhiều tác phẩm nữa từ ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư!”. 

Phù sa bất tận

Thế nhưng ngay sau khi nhận giải trở về, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã trả lời báo chí nghe rất nhẹ nhàng: Giải thưởng là điều nhà văn nên quên đi. Tôi gặng hỏi lý do, chị nói: “Quên thì sẽ có thêm khoảng nghĩ trong đầu để viết những thứ mới. Ngồi mãi với cái vinh quang của hôm qua, thì làm sao mà đi chơi chỗ khác. Không người nào có thể đi nhanh khi mà liên tục ngoái lại đằng sau, và mang theo quá nhiều hành lý vô nghĩa. Giải thưởng không giúp cho một tác phẩm sống sót sau hàng chục, hàng trăm năm nữa”. 

Nhưng tôi vẫn muốn đem chuyện cũ để hỏi chuyện mới, với tập truyện “Cố định một đám mây” phát hành cùng thời điểm trao giải thưởng LiBeraturpreis, như ý nhà phê bình Katharina Borchardt là “Muốn được đọc nhiều tác phẩm nữa từ ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư”.

Tôi nói với chị rằng, “Cố định một đám mây” có những phận người “ngầu” hơn, đau thương hơn những chuyện buồn thương của “Cánh đồng bất tận”. Rồi hỏi: “Vì sao những thân phận này chỉ muốn thoát ra và bay đi như những đám mây?”. Chị nói: “Thoát ra và bay đi, là bất khả, trong truyện của tôi. Vì vậy mà tên của cả tập, cũng là một hành động vô nghĩa. Không ai có thể cố định một đám mây, một giấc mơ. Tôi nghĩ mình đi quá chậm, những nhân vật mình luôn chịu đựng, nín nhịn, chờ đợi, họ có phản kháng thì cũng là yếu ớt. Có lẽ nhân vật của tôi đã quen với nỗi đau. Thay vì họ tìm cách hắt chúng đi, thì giữ lại mà nghiền ngẫm, nhâm nhi”.

Lại hỏi: “Văn của chị trong tập truyện này sắc lạnh, kỹ càng từng câu chữ nhưng đầy sức tưởng tượng; khác với ngày xưa đôi khi trào cảm xúc. Dường như chị ngày càng khó hơn với mình trong sáng tác?”. Trả lời: “Tôi tiết chế một Nguyễn Ngọc Tư trữ tình bằng nhiều cách. Kỹ thuật viết, câu chữ, những tầng nghĩa. Có thể bây giờ tôi viết có ý thức, xưa thì bản năng. Đã bước khá xa qua cái tuổi bốn mươi, tôi đâu thể viết mãi như hồi trẻ dại. Trời cho nhiều cỡ nào, mà không rèn luyện học hỏi thêm, thì cũng cạn”.

Văn bây giờ của Nguyễn Ngọc Tư là vậy. Còn thơ? Sau tập “Chấm” in năm 2013, như tự tình của những dấu chân rong ruổi khắp miền đất nước, tập “Gọi xa xôi” in trước chuyến đi Đức nhận giải thưởng lần này thì thấy quá nội tâm. Tác giả đã chọn ý câu thơ mở đầu bài thơ “Căn cước” làm đề từ cho cả tập thơ: “Nguyễn Ngọc Tư 1976, quê quán: phù sa. Mẹ giấu cuống rốn dưới chân cây đước / giọt nước mắt đầu tiên phát sáng dưới trăng / nước tràn bờ sau tiếng khóc”.

Tôi hỏi: “Chị gửi gắm những gì ở tập thơ này?”. Thật bất ngờ khi nghe chị nói: “Lúc gửi sách tặng, tôi nói nửa chơi nửa thiệt với bạn bè, “Gọi xa xôi” là tập thơ cuối cùng của mình. Ít nhất là trong giai đoạn này. Tôi thấy mình phơi bày trong thơ nhiều quá. Nếu như văn xuôi là thứ kín kẽ, thì thơ lại là những lúc hở sườn. Và tôi không thích mình hiện hình theo cách ỉ ôi yếu đuối kiểu vậy”.

Thế mà bốn câu chót bài thơ “Căn cước” đó, như vầy: “kết thành từ bao tinh thể muối / đứa trẻ miền sông / lăn hoa tay lên dải bùn / cắm bộ rễ vào phù sa thao thiết”.
Dường như cánh đồng bất tận ngày xưa vẫn lặng lẽ sinh sôi cùng những phù sa bất tận bây giờ.

* Đã đăng Báo Cần Thơ 22-1-2019:

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Không thể đi nhanh khi liên tục ngoái lại đằng sau

Huỳnh Kim thực hiện
Thứ Ba,  29/1/2019, 13:06 

(TBKTSG) - Năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng văn học LiBeraturpreis của Đức với tác phẩm “Cánh đồng bất tận”; ra mắt tập thơ thứ hai, “Gọi xa xôi” và tập truyện thứ chín, “Cố định một đám mây”. Dịp cuối năm này, TBKTSG trò chuyện với tác giả của ba câu chuyện đời đang đi qua năm tháng ấy...

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng sách tại Hội sách 2018 ở Đức. Ảnh: N.V.N

* TBKTSG: Xin bắt đầu với thơ. “Nguyễn Ngọc Tư quê quán phù sa/mẹ giấu cuống rốn dưới chân cây đước”. Lời đề từ cho “Gọi xa xôi” nghe du dương mà cũng hết sức tinh nghịch như “chị Tư Cà Mau” ngày nào. Chị gửi gắm những gì ở tập thơ này?

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Lúc gửi sách tặng, tôi nói nửa chơi nửa thiệt với bạn bè, “Gọi xa xôi” là tập thơ cuối cùng của mình. Ít nhất là trong giai đoạn này. Tôi thấy mình phơi bày trong thơ nhiều quá. Nếu như văn xuôi là thứ kín kẽ, thì thơ lại là những lúc hở sườn. Và tôi không thích mình hiện hình theo cách ỉ ôi yếu đuối kiểu vậy.

* Vậy những lúc nào thì chị làm thơ trong khi vẫn miệt mài viết “Cố định một đám mây”?

- Tôi hay lấy thơ để trút buồn, níu vào chúng thở than. Và tôi nghĩ cách đối đãi ấy thật không phải. Thơ xứng đáng hơn vậy. Đó là lý do tôi quyết định dừng lại một thời gian, để những bài thơ mình viết sáng lên theo cách của chúng.

“Cố định một đám mây” có những phận người “ngầu” hơn, đau thương hơn những chuyện buồn thương của “Cánh đồng bất tận” thuở 2005. Vì sao những thân phận này chỉ muốn thoát ra và bay đi như những đám mây?

- Thoát ra và bay đi, là bất khả, trong truyện của tôi. Vì vậy mà tên của cả tập, cũng là một hành động vô nghĩa. Không ai có thể cố định một đám mây, một giấc mơ. Tôi nghĩ mình đi quá chậm, những nhân vật mình luôn chịu đựng, nín nhịn, chờ đợi, họ có phản kháng thì cũng là yếu ớt. Có lẽ nhân vật của tôi đã quen với nỗi đau. Thay vì họ tìm cách hắt chúng đi, thì giữ lại mà nghiền ngẫm, nhâm nhi.

* Văn của chị trong tập truyện này sắc lạnh, kỹ càng từng câu chữ nhưng đầy sức tưởng tượng; khác với ngày xưa đôi khi trào cảm xúc. Dường như chị ngày càng khó hơn với mình trong sáng tác?

- Tôi tiết chế một Nguyễn Ngọc Tư trữ tình bằng nhiều cách. Kỹ thuật viết, câu chữ, những tầng nghĩa. Có thể bây giờ tôi viết có ý thức, xưa thì bản năng. Đã bước khá xa qua cái tuổi bốn mươi, tôi đâu thể viết mãi như hồi trẻ dại. Trời cho nhiều cỡ nào, mà không rèn luyện học hỏi thêm, thì cũng cạn.

Vậy là cũng như ngày xưa với “Cánh đồng bất tận” chị đã viết kỳ công trong gần bảy tháng ròng. Và tới năm 2018 thì nó được giải thưởng văn học quốc tế của Đức. Nhưng sao ngay sau khi nhận giải chị lại nói rất nhẹ nhàng,“giải thưởng là thứ nhà văn nên quên đi”?

- Như tôi đã nói, quên thì sẽ có thêm khoảng nghĩ trong đầu để viết những thứ mới. Ngồi mãi với cái vinh quang của hôm qua, thì làm sao mà đi chơi chỗ khác. Không người nào có thể đi nhanh khi mà liên tục ngoái lại đằng sau, và mang theo quá nhiều hành lý vô nghĩa. Giải thưởng không giúp cho một tác phẩm sống sót sau hàng chục, hàng trăm năm nữa.

* Câu hỏi sau cùng này hơi tò mò. Người ta hay nói “văn là người”. Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư thay đổi nhiều như vậy; còn người, sao thấy tự bạch trên blog Sầu Riêng, tác giả vẫn giữ y lời của 20 năm trước: “Đen, buồn, háo sắc và hơi khùng”?

- Chắc là nay mai tôi phải quay lại cái blog bị bỏ rơi suốt đó, để mà xóa bỏ mấy chữ miêu tả về mình. Cũng không cần miêu tả gì nữa. Một dòng trống không giờ hợp với tôi hơn. Giống như khi nhận được những lời chê khen, tôi thường nghĩ ôi mình thật đa nhân dạng, đa tính cách.

* Đã đăng TBKTSG Online 20-1-2019: