Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

3/7 xã đảo ở Kiên Giang đã có điện lưới quốc gia

Đường dây 22kV vượt biển đưa điện từ đất liền ra xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Đình Hoàng
 
(TBKTSG Online) - Sáng nay (20-1), tại xã đảo Lại Sơn, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Công ty Điện lực Kiên Giang đã khánh thành dự án cấp điện lưới quốc gia cho 3 trong số 7 xã đảo trên vùng biển Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang.


Tại lễ khánh thành, đại diện Công ty Điện lực Kiên Giang, cho biết vào chiều tối qua (19-1), công ty đã chính thức đóng điện để đưa dòng điện từ đất liền ra xã đảo Sơn Hải, hoàn thành 3 dự án cấp điện lưới điện quốc gia cho hơn 3.000 hộ dân sống trên ba xã đảo là Lại Sơn, Hòn Nghệ và Sơn Hải.

Dự án ở Sơn Hải gồm đường dây trung thế 22 kV vượt biển dài gần 4 km; đường dây trung thế 3 pha trên đảo xây dựng mới dài 4,8 km; 8 trạm biến áp công suất 840 kVA; lắp đặt công tơ và nhánh rẽ cho 556 hộ với 2.323 người dân sống trên đảo.

Vốn đầu tư của dự án gần 45 tỉ đồng, từ nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực Miền Nam (chủ đầu tư), trong đó UBND tỉnh Kiên Giang ứng trước 20 tỉ đồng từ ngân sách. Dự án khởi công vào ngày 9-12-2016.

Theo Chủ tịch UBND xã đảo Sơn Hải, bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, nguồn điện 24/24 giờ này sẽ giúp người dân Sơn Hải phát triển mạnh nghề sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, hậu cần nghề cá và nuôi trồng hải sản. Ngoài ra, tiềm năng về du lịch khám phá cũng sẽ được khai thác vì Sơn Hải có quần đảo Bà Lụa nổi tiếng với 42 hòn đảo lớn nhỏ, được ví như vịnh Hạ Long của vùng biển Tây Nam.

Trước đó, dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn thuộc huyện Kiên Hải (khởi công ngày 4-9-2015) đã đóng điện vào ngày 26-11-2016, cấp điện cho 1.956 hộ dân. Dự án này được đầu tư 390 tỉ đồng (giai đoạn 1) với đường dây 110kV dài 43 km (trên đất liền dài 19,357 km, trên biển 24,496 km); đường dây trung hạ thế trên đảo dài 24 km và 13 trạm biến áp 2.080kVA kèm theo hệ thống công tơ điện.

Tiếp theo, 526 hộ dân sống trên xã đảo Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương, đã có điện lưới từ đất liền kéo ra vào ngày 31-12-2016. Dự án này được khởi công ngày 19-2-2016, gồm đường dây trung thế 22 kV vượt biển dài 16,371 km; đường dây trung thế 3 pha trên đảo dài 9,9 km cùng hệ thống công tơ và nhánh rẽ với vốn đầu tư gần 140 tỷ đồng.

Theo đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam, từ nay tới năm 2020, đơn vị này sẽ tiếp tục đầu tư đưa điện lưới quốc gia ra 4 xã đảo còn lại của tỉnh Kiên Giang trên biển Tây Nam gồm xã An Sơn, xã Nam Du (thuộc huyện Kiên Hải); xã Tiên Hải (thuộc thị xã Hà Tiên) và xã Hòn Thơm (thuộc huyện Phú Quốc).

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156346

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2017: Trước một thế giới bất định


Thái Bình

Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay quy tụ hơn 3000 nhân vật là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp, công nghệ, định chế tài chính....Ảnh: Reuters


(TBKTSG) - Đến hẹn lại lên, khi năm mới bắt đầu thì giới tinh hoa toàn cầu lại tập trung về khu nghỉ dưỡng Davos trên đỉnh núi Alps ở Thụy Sỹ để bàn về những thách thức chính trị và kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). WEF năm nay diễn ra từ 17 đến 20-1-2017, quy tụ hơn 3.000 nhân vật là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp, công nghệ, các định chế tài chính, văn nghệ sĩ nổi tiếng...

Nhiều chuyên gia nhận định, dù năm nay kinh tế toàn cầu tốt hơn các năm trước - các chỉ số chứng khoán tăng đều, giá dầu bắt đầu hồi phục, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu ổn định... - nhưng WEF chẳng những không phấn khởi mà còn bị bao trùm bởi nỗi lo âu sâu sắc trước tương lai bất định do sự trỗi dậy của các trào lưu chống toàn cầu hóa.

Ra đời cách đây 46 năm, WEF vẫn được coi là diễn đàn thường niên thúc đẩy thương mại tự do, với niềm tin rằng, toàn cầu hóa sẽ mang lại thịnh vượng cho mọi quốc gia. Nhưng năm 2016 vừa qua đã xảy ra những cú sốc “như địa chấn” (seismic shocks): trào lưu dân túy xuất hiện và nhanh chóng lan khắp các nước công nghiệp, bắt đầu từ vụ bỏ phiếu rời châu Âu ở Anh (Brexit), đến thắng lợi của ông Donald Trump ở Mỹ và đang nhắm tới các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Đức, Pháp và Ý. Sự thay đổi này đe dọa cái trật tự dân chủ tự do tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, đánh thẳng vào các nguyên tắc mà giới tinh hoa ở Davos luôn tin tưởng như thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương, hợp tác để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới... “Đang xảy ra một điều gì đó rất to lớn, toàn cầu, nhiều phương diện và chưa từng có trước đây. Nhưng chúng ta chưa biết nguyên nhân từ đâu và làm thế nào ứng phó với nó”, Moises Naim của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nói lên nỗi hoang mang của WEF năm nay.

Trong bảy chủ đề chính mà WEF sẽ thảo luận, nổi lên hàng đầu vẫn là sự trỗi dậy của ông Donald Trump - người cổ xúy chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ, chống toàn cầu hóa và tự do thương mại. Klaus Schwab, nhà sáng lập WEF, thừa nhận hiện trạng của thế giới và các định chế lãnh đạo nó đang bị đặt vấn đề, và ông đề nghị các nhà lãnh đạo cần bám sát những giá trị cốt lõi của nền dân chủ tự do và giải thích một cách thành thật cho dân chúng về bản chất của toàn cầu hóa. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận, lấy lại niềm tin của công chúng vào các định chế chính trị hiện thời là nhiệm vụ khó khăn vô cùng.

Báo cáo của Tổ chức Oxfam tại WEF cho biết, toàn cầu hóa đã mang lại thịnh vượng nhưng chỉ cho một nhóm người ở chóp bu: tài sản của tám người giàu nhất hành tinh đã bằng tổng tài sản của hơn một nửa nhân loại cộng lại. Nỗi bất mãn của tầng lớp trung lưu và nghèo khó chính là mảnh đất màu mỡ cho những lý thuyết mị dân, biệt lập và bảo hộ thị trường.

Chính vì thế, WEF cho rằng, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do phải được cải cách sao cho lợi ích được phân bổ đồng đều hơn. Dưới sự dẫn dắt của bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, WEF sẽ thảo luận về một cơ chế nhà nước bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân bị mất việc và người nghèo ở bên ngoài tiến trình tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên tham dự WEF. Trong phát biểu tại phiên khai mạc, ông Tập kêu gọi hợp tác và toàn cầu hóa kinh tế, đồng thời cảnh báo mối đe dọa đối đầu, nghèo khó và chiến tranh nếu các quốc gia đi vào con đường biệt lập và bảo hộ, ám chỉ các tuyên bố của ông Trump. Trung Quốc đang cố gắng lấp đầy khoảng trống do Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng các hiệp định thương mại do Bắc Kinh dẫn dắt.

Biến đổi khí hậu và nguy cơ ông Donald Trump hủy bỏ những cam kết mà Chính phủ Mỹ đưa ra tại Paris năm ngoái sẽ đè nặng lên các phiên thảo luận do cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore điều phối. Theo nhận định trong báo cáo rủi ro 2017 của WEF, nguy cơ từ biến đổi khí hậu xếp thứ hai, chỉ sau chiến tranh hạt nhân, trong các mối đe dọa sự sinh tồn của hành tinh Trái đất.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều tiến bộ như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, robot thông minh và xe tự lái. Tuy nhiên, những tiến bộ này có thể lấy đi công việc làm của hàng triệu người, xói mòn các quan hệ xã hội. Mối đe dọa từ tin tặc, an ninh mạng, “vũ khí hóa” các hệ thống trí tuệ nhân tạo cũng được thảo luận kỹ tại WEF năm nay.

Một nửa thời lượng của WEF sẽ bàn về đề tài phát triển và công bằng xã hội, nhưng xem ra tiếng nói của các nghệ sĩ như Shakira, Matt Damon, Forest Whitaker... kêu gọi ủng hộ các chương trình xây trường học, cung cấp nước sạch... sẽ không được quan tâm nhiều.
 

Bài đăng tại:http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156225/

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Máy bay ngập trên không và đường băng tại Tân Sơn Nhất


Lê Quân - Mục Đồng



Do lượt khách vượt 30% so với công suất thiết kế, máy bay ở Tân Sơn Nhất thường phải chờ cất - hạ cánh, dẫn tới cảnh ùn tắc cả trên không lẫn dưới đường băng.

May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 1

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, trong đó khu dân sự nằm ở phía đông và nam. Đây là cảng hàng không nhộn nhịp nhất và có sản lượng vận chuyển cao nhất cả nước.


May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 2

Cảng tiếp nhận các chuyến bay thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân, thuê bao, chuyến bay thương mại, chuyến bay kỹ thuật hoạt động 24/24h và tiếp thu các loại tàu bay thân lớn như A350, B747-400, A330, B777, B767, A321.... Lâu nay, hình ảnh thường thấy ở đây là trên đường băng, máy bay luôn xếp hàng dài chờ cất cánh, trong khi đó phía trên thường có tàu bay khác đang hạ cánh.


May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 3

Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết trong năm 2016 sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 32 triệu lượt khách, tăng hơn 5,5 triệu lượt so với năm 2015, vượt 30% công suất thiết kế 25 triệu lượt/năm.

May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 4

Vào giờ cao điểm, tàu bay của các hãng hàng không trong và ngoài nước cất hạ cánh liên tục. Hiện, cảng có hai đường cất hạ cánh CHC 07L/25R độ dài 3.048 m và CHC 07R/25L dài 3.800 m, cách nhau 365 m.


May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 5

Các đường lăn gồm đường lăn bắc - nam; đường lăn W1, W2; đường lăn W6, W9, W11, E6; đường lăn W3, W5, E1, E2; đường lăn W7; E4; M1; S1. Trong ảnh tàu bay của các hãng hàng không khác nhau tiến ra đường lăn để cất cánh trong khi chờ chiếc khác hạ cánh.

May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 6

Năm 2015, Bộ trưởng GTVT ký quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Tân Sơn Nhất là Cảng hàng không đạt cấp 4E theo mã tiêu chuẩn của ICAO và sân bay quân sự cấp I.

May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 7

Theo quy hoạch, sân bay có 82 vị trí đỗ máy bay, gồm 54 vị trí của hàng không dân dụng và 28 vị trí của hàng không lưỡng dụng. Cục Hàng không Việt Nam đã nỗ lực trong việc sớm hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất nhưng thực tế, dù quy hoạch mới điều chỉnh nhưng một số chỉ tiêu đã bị vượt.

May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 8

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong thời gian cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Đinh Dậu 2017, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 1.065 chuyến đi/đến, tăng 7,7% so với lịch bay thường lệ, tương đương với mức tăng trung bình 38 chuyến/ngày.


May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 9

Trong ngày cao điểm, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tiếp nhận 807 chuyến/ngày, tăng hơn 11%.


May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 10

Hiện, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 4 hãng hàng không nội địa khai thác các đường bay trong và ngoài nước và 43 hãng hàng không quốc tế hoạt động, bao gồm các hãng chuyên chở hành khách và các hãng vận chuyển hàng hóa.


May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 11

Cũng theo Cục Hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 57 chỗ đậu máy bay phục vụ các hãng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đậu qua đêm tại Tân Sơn Nhất thường cao hơn số lượng được điều phối.


May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 12

Vì thế, cục đã gửi văn bản đề nghị các hãng hàng không sớm triển khai thực hiện kế hoạch đưa tàu bay đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ nhằm giảm tải cho Tân Sơn Nhất.


May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 13

Dự báo của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đến năm 2018, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất có thể cán mốc 40 triệu lượt. Mốc này được cho là ngưỡng giới hạn và rất khó tăng thêm.


May bay ngap tren khong va duong bang tai Tan Son Nhat - Anh 14

Trong khi đó, phải đến năm 2025, dự kiến sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) mới đi vào khai thác giai đoạn 1. Giải quyết tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất trong 9 năm, đợi đến khi có sân bay Long Thành đang là bài toán không đơn giản.



http://www.baomoi.com/may-bay-ngap-tren-khong-va-duong-bang-tai-tan-son-nhat/c/21351072.epi

Khai trương 2 cửa hàng Satrafoods tại Cần Thơ


Khai trương cửa hàng Satrafoods ở Cần Thơ.



(TBKTSG Online) - Hai cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (Satrafoods) đầu tiên ngoài TPHCM của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) vừa được khai trương vào sáng nay (18-1), tại Cần Thơ, trung tâm thương mại lớn nhất ĐBSCL.


Hai cửa hàng này tọa lạc tại số 162/6, đường Trần Ngọc Quế, phường Xuân Khánh và 90B/3 đường 3-2, phường An Bình, cùng ở quận Ninh Kiều, nội ô thành phố Cần Thơ, nâng tổng số cửa hàng Satrafoods trên toàn hệ thống lên 102 cửa hàng.

Hiện chuỗi cửa hàng Satrafoods đang kinh doanh khoảng 2.500 mặt hàng ở mỗi cửa hàng, chủ yếu là các loại thực phẩm và nhu yếu phẩm cần cho bữa ăn hàng ngày, trong đó có 70-80% rau củ quả và 100% thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các cửa hàng này cũng kinh doanh nhiều loại trái cây xứ lạnh được nhập khẩu chính ngạch từ Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cạnh tranh.

Tại lễ khai trương, đại diện Satra cho biết trong năm 2017, Satra sẽ mở rộng mạng lưới bán lẻ lên 172 cửa hàng, trong đó có 155 cửa hàng Satrafoods, 3 nhà hàng, 1 cửa hàng Satra Bakery & Café. Ngoài ra, Satra sẽ xây dựng 2 trung tâm thương mại Satra tại huyện Củ Chi và quận 6, TPHCM.

Riêng ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trong năm nay, Satra dự kiến sẽ mở thêm 8 cửa hàng Satrafoods tại Cần Thơ và phát triển mô hình này sang tỉnh Bến Tre.

Cần Thơ hiện có 16 siêu thị, trung tâm thương mại, 107 chợ truyền thống và cửa hàng tiện tích; tổng mức lưu chuyển hàng hóa năm 2016 đạt hơn 95.624 tỉ đồng. Những thương hiệu lớn như LotteMart, Vincom, VinMart, CoopMart, Big C, Metro, Sense City, Nguyễn Kim, điện máy Sài Gòn Chợ Lớn… đã có mặt tại Cần Thơ.


Bài đăng tại:http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156218/

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Sếp gửi e-mail cho tôi lúc 2:15 sáng


Đặng Quỳnh Giang


(TBKTSG) - Buổi sáng vừa vào tới công ty, mở e-mail nội bộ (outlook) đã thấy e-mail của chủ tịch công ty gửi lúc 2:15 sáng.

Sếp của chúng tôi vẫn luôn như thế - miệt mài, tất bật với công việc, với công ty, gần như không kể thời gian. Tám tiếng làm việc chính thức ở văn phòng theo luật lao động Việt Nam chưa bao giờ là đủ với ông. Ông phải làm thêm tại công ty bằng cách đi sớm, về trễ và làm thêm cả những lúc ở nhà, vào những thời điểm mà người khác dành cho sự nghỉ ngơi, cho người thân, cho gia đình.


Chúng tôi báo cáo, trao đổi công việc với cấp trên theo nhiều cách khác nhau: nói chuyện trực tiếp tại bàn làm việc của họ, trình bày trong những cuộc họp, gọi điện thoại hoặc qua e-mail công ty. Về nguyên tắc và trên thực tế, các vấn đề được báo cáo đều phải có phản hồi bằng những định hướng hoặc quyết định của sếp. Ở công ty, ông không có nhiều thời gian để kiểm tra, làm việc qua e-mail, nên gần như việc này sẽ được ông thực hiện lúc ở nhà, hoặc sau khi nhân viên đã rời khỏi văn phòng.

Công ty chúng tôi là một tập đoàn toàn cầu và hiện được xếp hạng là một trong hai vị trí tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực hoạt động của mình. Nhưng mục tiêu duy trì vị thế, yêu cầu cải tiến liên tục và phát triển không ngừng luôn tạo ra vô vàn áp lực, sức ép cho những người lãnh đạo. Nhiệm kỳ của người đứng đầu công ty ở Việt Nam là ba năm. Sau thời gian đó, có thể họ sẽ được luân chuyển hoặc gia hạn, nhưng không quá hai nhiệm kỳ.

Tôi có điều kiện làm việc với một số vị lãnh đạo công ty. Ban đầu khi mới từ Nhật đến nhậm chức, ai cũng khỏe mạnh, hồng hào, phong độ. Nhưng như một quy luật, sau một thời gian ngắn, tóc họ điểm bạc, họ gầy hơn và xuống sắc rõ rệt. Từ đó tôi mới thấm thía hết cái giá và sứ mệnh của những người lãnh đạo. Họ không chỉ phải chịu trách nhiệm với hội đồng quản trị, cổ đông, nhân viên, mà còn chịu sức ép tạo ra từ chính bản thân họ.

Người đứng đầu công ty tại Việt Nam là một người hết sức quyền năng. Tại đây, chúng tôi có năm nhà máy với gần ba ngàn công nhân viên, mặc dù công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và chủ yếu sử dụng máy móc thiết bị. Các nhà máy ở Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng doanh thu của tập đoàn, do chúng tôi là cứ điểm sản xuất quan trọng nhất trên toàn thế giới. Dù vậy, lúc nào ông chủ tịch cũng toát lên sự khiêm nhường, bình dị.

Tháng nào, Chủ tịch cũng có một thông điệp cho toàn thể công nhân viên. Lần gần nhất ông muốn gửi gắm ba vấn đề, trong đó có nội dung được nhấn mạnh nhất: “Hãy luôn suy nghĩ rằng nguyên nhân là do ở bản thân mình. Dù có việc gì đi chăng nữa thì cũng hãy nghĩ là do bản thân mình chưa tốt. Hãy từ bỏ cách suy nghĩ nguyên nhân là do người khác hoặc do hoàn cảnh. Hãy luôn nghĩ và tự đặt câu hỏi: bản thân mình có chỗ nào chưa tốt không, có việc gì mình còn chưa làm được và có thể làm tốt hơn hay không”. Thái độ không đổ thừa, không biện hộ, không thoái thác trách nhiệm đã và đang dần trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong công ty chúng tôi.

Có một thông điệp nữa, ông chưa bao giờ nói ra nhưng chúng tôi cảm nhận được: làm lãnh đạo là để gánh vác trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ, để lo toan và đứng mũi chịu sào. Đó là một vị trí vinh quang nhưng hết sức vất vả, chứ không phải làm lãnh đạo để sử dụng, lạm dụng quyền lực cho việc hưởng thụ và lo vun vén cho lợi ích cá nhân.

Người Nhật đang thay đổi bởi cường độ lao động của họ, ở một góc độ nào đó, khiến cho con người ta phải luôn gồng mình, nỗ lực. Phải rồi, con người không chỉ có công việc mà còn có cuộc sống, có gia đình, và ngoài lao động, con người cần dành thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nhưng chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu muốn sung túc, giàu có và phát triển bền vững thì có cách nào khác nếu không chịu làm việc chăm chỉ, hiệu quả và tử tế. Người lãnh đạo phải luôn tiên phong thực hiện sứ mệnh và yêu cầu đó. 

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/155937/