Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Gạt nước mắt để sống



12 truyện ngắn trong tập truyện Gạt nước mắt đi, đúng như lời giới thiệu của nhà xuất bản Trẻ: “Hiện thực đến trần trụi. Mộc mạc đến thô ráp mà vẫn đầy ắp tính nữ. Khao khát đến tuyệt vọng về hạnh phúc, tình yêu và sự cứu rỗi”.




Tác giả thường hóa thân vào nhân vật con trai và xưng “tôi” để làm người kể chuyện, đa phần là chuyện về cuộc sống của lớp người nghèo khó dài từ đời ông tới đời cháu, ở những xóm nghèo nhất chốn thị thành hoặc nông thôn An Giang, quê hương tác giả. Ở những nơi tận đáy xã hội ấy, thiện và ác, hạnh phúc và khổ đau, thủy chung và phản bội, dục vọng và từ bi… ẩn hiện khôn cùng trong giọng kể lạnh và đậm phương ngữ Nam bộ.

Thí dụ như trong truyện Đánh thức trinh nguyên: “Nó biết là đời nó đừng mong mỏi người ta cho cái gì dù chỉ là chùm thun. Năm tuổi gián tiếp hại chết mẹ, bảy tuổi đã không còn gì để mất. Không phải người ta cưỡng bức, là nó tự nguyện… Tự nguyện đổi chác với một cái giá rẻ mạt, rẻ hơn rác rưởi. Cái loại này là ác mộng của thế giới, đừng dại dột dính tới… Tôi thèm biết bao được chạy tới, ghì sát thân hình trong trẻo của Tiểu Hồi bằng đôi tay nồng ấm của mình, ao ước được áp mũi vào đôi má hồng hào mướt rượt kia, hít những hơi no đầy… Những cơn thèm tuột sâu tận đâu đó trong tôi, moi ra những cơn đau bủn rủn tay chân”.

Hay như trong truyện Gạt nước mắt đi, một truyện có không gian rộng dài từ Việt Nam, Campuhia, Thái Lan qua tới Mỹ: “Tôi mắc cười muốn khóc. Đi qua cửa địa ngục cũng hay, thấy trần gian này đẹp từ đầu tới đít. Nhưng, anh không thể quên được những ngày ở rừng. Mà làm sao quên được, người chớ có phải thú vật đâu”. Hoặc: “Tôi thả nỗi buồn mình cho nó tung tẩy đầy trên đầu, trước mặt sau lưng. Chỉ có không dám giẫm lên nó để bước tới. Hồi còn ở nhà, ức lòng quá thường ao ước, mình sẽ vượt biên, mình sẽ tìm một vùng đất mới. Giờ thì chỉ mong được làm một hột bụi thiệt nhỏ. Khi đó, ai muốn giẫm đạp giày xéo hay là có bị giông bão cuốn đi bất cứ phương trời nào cũng không hề hấn… Mà liệu hột bụi có đẩy nổi kí ức ra khỏi cái hình hài quá nhỏ nhoi của nó không?”.

Câu hỏi này chắc hẳn không chỉ của nhân vật xưng “tôi” trong truyện. Hẳn là nó thuộc về tác giả, một phụ nữ nhỏ nhắn có cái nhìn ánh lên sự chịu đựng đầy vị tha.

Ở bìa kép đầu tập truyện này, NXB giới thiệu về tác giả: “Võ Diệu Thanh là một cô giáo dạy mỹ thuật tiểu học và là một phụ nữ sống với văn chương bằng tất cả tình yêu buồn bã và trong trẻo trong tâm hồn. Giải nhì Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 4 với tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược. Giải nhất cuộc thi viết Truyện ngắn YuMe 2011 với tác phẩm Người đàn bà đa tình. Giải nhì cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4-2011”.

Còn ở bìa kép cuối, tác giả tự bạch: “Tôi giữ những điều xưa cũ vì nó nhắc nhớ hiện tại. Mình đó, đang sống trong thời hiện đại đó, nhưng vô tâm vẫn đi vào những chỗ dễ trợt chân mà người xưa đã vấp té tơi bời rồi” ■

* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130226/gat-nuoc-mat-de-song.aspx