Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

"Đường biên xanh cột mốc dựng bao đời"

Huỳnh Kim
Thứ Bảy, 16/2/2019, 15:40 

(TBKTSG Online) - Tháng 7-1985, mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên, nay là Hà Giang) đang nóng bỏng. Kỉ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 / 2019), PV TBKTSG Online xin kể lại hầu bạn đọc hôm nay, vài mẩu chuyện ở mặt trận này vào thời điểm đó.

Tác giả đang cùng đồng đội Đoàn Quang Trung lên mặt trận Vị Xuyên, tháng 7-1985. Ảnh: Nguyễn Đình Chiến

Một ngày hè cuối tháng 7-1985, rời Mặt trận 979 ở biên giới Tây Nam, chúng tôi lên biên giới phía Bắc để viết phóng sự chiến trường. Sau gần 12 giờ ngồi xe đò từ Hà Nội, chiều tối vừa tới thị xã Hà Giang, đã nghe tiếng pháo ì đùng dội về từ hướng Bắc. Sáng hôm sau, quá giang xe của Đoàn Quang Trung, chúng tôi theo lộ 2 ra mặt trận Vị Xuyên.

Tại hầm chỉ huy hậu cứ, thiếu tá Trần Bản, phó đoàn trưởng Đoàn Quang Trung, trải bản đồ quân sự ra, nói dãy núi 1500 phân định rõ ranh giới hai nước với những điểm cao 1545, 1509, 772… thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng quân Trung Quốc đã lấn chiếm một số điểm cao này và huy động các đơn vị pháo bắn phá dữ dội vào quân dân ta. Anh Bản kể chỉ riêng ngày 31-5-1985, quân Trung Quốc đã nã gần 50.000 quả đạn pháo. Với bộ binh, từ 22-5 đến 2-6, bộ đội Đoàn Quang Trung đã 4 lần đánh bại các đợt lấn chiếm của địch. Thảo nào, con lộ 2 hữu nghị dài 22 cây số lành lặn chạy ra cửa khẩu ngày nào, sáng nay đã bị pháo băm vằm loang lổ.

Anh Bản nói, bộ đội Đoàn Quang Trung đã cùng các đơn vị địa phương Hà Tuyên trấn thủ vùng biên nóng bỏng này và đã đánh thắng mọi hành động lấn chiếm của giặc. Các địa danh sau đây đã gắn liền với đá núi Vị Xuyên, với những tháng ngày chiến đấu kiên cường bảo vệ từng tất đất, mỏm đá biên cương Tổ quốc: ngã ba Thanh Thủy, hang Làng Lò, đồi Bốn Hầm, hang Suối Cụt, đồi Chuối, Cốc Nghè, Cửa Tử, điểm cao 2000, 1000, 1200, bình độ 300, 400, 685, đồi không tên…

Chiều hôm sau chúng tôi theo toán vận tải vượt Cửa Tử trên đèo Cốc Nghè để lên các điểm tựa tiền tiêu. Chiều tối, trời mưa nhẹ. Sấm giật rồi pháo địch ùng ùng, đường đạn bay dội vào vách núi ù ù như bão thổi. Đồng chí Thái, lính công binh đi cùng, nói đây là nơi ta và địch đã đánh giáp lá cà nhiều trận để giành lại từng mỏm đá. Thái kể, với lính vận tải, nhiều đêm, các anh phải lợi dụng ánh chớp của sấm sét hoặc ánh đạn pháo địch nổ hụt phía sau để vọt lên ở tư thế đang bò dốc để kịp rút ngắn đoạn đường. Cánh lính vận tải tính có cả chục kiểu vận tải tránh đạn pháo ở mặt trận này; không phải chỉ là đi tải, mà còn chạy tải, nhảy tải, bò tải, luồn lách tải… Miễn sao đưa kịp hàng hóa đạn dược lên chốt và cáng thương binh về tuyến sau.

Hôm sau chúng tôi theo đồng chí Lâm, lính trinh sát quê Gia Lâm, Hà Nội lên “chốt dựng” ở điểm cao 1000. Lâm kể, nơi đây từ 27 đến 31-5-1985, đơn vị anh đã đẩy lùi 3 đợt tiến công lấn chiếm của địch, giữ vững điểm tựa. Tới nơi, một đồng chí chỉ tôi xem một đỉnh núi loang lổ đất đỏ vì pháo địch. Đó là một điểm tựa, nhưng sau mỗi trận pháo lại thấy lính mình loáng thoáng trên đỉnh núi. Là vì ngay sau lưng điểm tựa là một thung lũng. “Cái khối chắn khổng lồ sau lưng mình buộc đạn pháo lọt thỏm hết xuống đó anh ạ. Cả đạn cối truyền đơn của nó cũng lao xuống đó rồi theo con suối Thanh Thủy cuốn phăng ra sông Lô luôn!”, Lâm nói.

Trong hầm chỉ huy đơn vị ở gần điểm cao 1200 hôm đó, chúng tôi càng hiểu hơn địa thế hiểm trở ở nơi này. Ba đỉnh núi nối liền là cụm điểm tựa tiền tiêu của đơn vị, đối mặt với những lô cốt địch thập thò dọc các dông núi đường biên giới đang bị giặc xâm lấn.

Khoảng 2 giờ chiều, anh Thịnh, phó chỉ huy đơn vị, đưa chúng tôi lên chốt trên cùng. Bên điểm cao trước mặt, địch đang bắn tỉa. Đạn rít qua đầu. Pháo từ bên kia biên giới cũng bắt đầu ầm ầm nã xuống khu Bốn Hầm. “Tới giờ hợp xướng của nó rồi đấy!”, anh Thịnh la lên, chúng tôi chạy vào giao thông hào. Đạn pháo từ Bốn Hầm nổ dội lên, cách mấy cây số mà nghe muốn ngạt thở, tức ngực.

Tôi hỏi một chiến sĩ, khẩu đại liên mới triển khai chiều nay của nó đặt ở đâu. Anh áp sát vách hầm, chỉ hướng dông núi 1200, khuất sau một mỏm đá, nói: “Ngay đó đấy. Lúc nãy thủ trưởng Thịnh đã cóc mấy quả M79, nó im, nhưng sau nó lại bắn tiếp”.

Khi pháo lớn đã im hẳn, chúng tôi quay về hầm chỉ huy. Bỗng đại liên địch lại ré lên tành tạch, anh Thịnh nói: “Cứ mặc cho nó bắn chỉnh súng trọn hôm nay. Mai ta sẽ tính!”.

Chúng tôi lại quây quần quanh cái bàn làm bằng gỗ hòm đạn. Ở góc hầm, có mấy hộp sắt ủ giá đậu xanh. Bây giờ nhiệm vụ ai người nấy làm. Tranh thủ “trời yên núi lặng” để người chỉ huy tiếp khách phương Nam một chút. Bát nước đường pha viên B1, thuốc lào rít liên tục… Anh Thịnh hỏi, gian khổ ác liệt nhất ở chiến trường giới Tây Nam, nơi quân tình nguyện Việt Nam đang làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, là gì. Tôi nói: “Sốt rét, mìn và thiếu nước. Cũng như ở đây là pháo với pháo vậy!”. Anh Thịnh trầm ngâm: “Vậy là cùng tuyến lửa cả. Xin chia lửa với biên giới Tây Nam! Tôi có nhiều đồng hương Vĩnh Phú ở trong ấy”.

… Sau chuyến đi ấy, báo Quân đội nhân dân đăng bài thơ “Trên điểm tựa Một Ngàn” và bài ghi chép 3 kỳ “Gửi về đồng đội phía Nam”. Cuối bài báo, tôi đã viết: “Lần đầu tiên tôi về với biên cương phía Bắc. Lại là nơi nóng bỏng nhất của đất nước hôm nay. Nơi điểm tựa tiền tiêu này, lửa đã cháy trong tôi. Không chỉ là lửa tội ác của pháo đạn giặc. Còn là lửa sống của đồng đội tôi nơi đây. Lửa chiến đấu hết mình để giữ vững biên cương Tổ quốc. Lửa của tình đồng chí đồng đội và lòng thiết tha yêu quý hòa bình. Mùa lúa chín, con đường làng, lời mẹ dặn lúc ra đi, và em, và bạn, và trường lớp… tất cả là nỗi nhớ lung linh thành ngọn lửa trong ta, cùng cháy lên, nơi đây”. Còn bài thơ, thì như vầy:

Nơi đây tràn trề thế đất
Bao năm rồi chẳng bình yên
Pháo giặc bắn sang từ hướng Bắc
Trụi trần đất đá Vị Xuyên

Tôi đã sống một thời cao nguyên
Đã qua đôi mùa khô biên giới
Mà hiểu núi mà xót xa yêu núi
Là nơi đây sau lưng tôi Hà Giang

Mây phủ trắng đỉnh cao Hai Ngàn
Người bản Mèo rủ nhau về dưới thấp
Tựa vào đá tôi quay đầu nhìn khắp
Ruộng bậc thang mờ xanh cỏ tranh

Nơi đây nhiều tên đất nổi danh
Suối Cụt, Bốn Hầm, Cốc Nghè, Cửa Tử…
Pháo – phản pháo ngày đêm dồn ứ
Lồng ngực ta nung lửa chặn thù

Tôi chồm mình qua bờ chiến hào
Lấp loáng thượng nguồn sông Lô ánh đỏ
Ôi sông Lô tuổi học trò thuở nhỏ
Miền Nam xa tôi hát khúc sông Lô

Uống bát nước đường trong hầm điểm tựa
Đồng đội quây quần hỏi chuyện phương Nam
Bạn cầm tay tôi nhắn lời chia lửa
Khi nghe mùa khô Campuchia

Nơi đầy tràn trề thế đất
Vẫn cứ rạch ròi giữa trái tim tôi
Như sông Hậu sóng duềnh xa hút mắt
Đường biên xanh cột mốc dựng bao đời

Ngày 17- 2-1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam, từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.

Ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyến bố rút quân nhưng vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và thường xuyên lấn chiếm bằng vũ trang.

Đến năm 1989, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc mới kết thúc.

***

Ngày 15-2, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại (1979-2019)”.

Theo TTXVN, 60 tham luận tại Hội thảo tập trung vào những vấn đề cơ bản, trong đó khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội), “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử, sách giáo khoa”. Ông cũng nhấn mạnh: “Hoàn toàn không nhắc tới lịch sử, cho dù sự kiện ấy như thế nào sẽ đồng nghĩa với việc che giấu lịch sử, đều không thể và không nên làm. Trình bày khách quan, khoa học về cuộc chiến 1979 là cách tốt nhất để đầy lùi luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời cũng là cách tốt nhất để giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta”.

Tỉnh ủy Hà Giang cũng vừa tổ chức thông tin chuyên đề về 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhất là những diễn biến tại mặt trận Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Thông tin nhấn mạnh, cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 mãi khắc ghi vào lịch sử giữ nước và xây dựng đất nước như một dấu son không thể phai mờ; là cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc.

* Đã đăng TBKTSG Online 16-2-2019:




40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17.2.1979 - 17.2.2019): Chiến thắng của chính nghĩa

07:21 - 17/02/2019  Thanh Niên

Vào 3 giờ 30 sáng 17.2.1979, Trung Quốc huy động hơn 600.000 quân tiến vào lãnh thổ VN. Chúng ta bắt đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc kéo dài suốt 10 năm sau đó.


Chia sẻ với Thanh Niên, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên, cho biết khi Trung Quốc xua quân tràn qua lãnh thổ VN ngày 17.2.1979 với tuyên bố “dạy cho VN một bài học”, ông đang là Tư lệnh Sư đoàn 325, thuộc Quân đoàn 2 đang chiến đấu ở Campuchia. Khi cuộc chiến đấu bắt đầu, Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 được lệnh nhanh chóng ra phía bắc để phối hợp với quân đoàn 1 bảo vệ thủ đô và sẵn sàng ứng cứu.

Những ngày tháng 2.1979, từng đoàn quân tiến ra biên giới
Ảnh: Trần Mạnh Thường 

Tới năm 1985, ông Huy mới nhận lệnh lên mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên, nay là Hà Giang) trực tiếp tham gia chiến đấu…

Cuộc chiến đấu kéo dài trong suốt 10 năm

* Nhiều người vẫn chưa hiểu vì sao vào năm 1979, Trung Quốc lại muốn “dạy cho VN một bài học” như cách họ tuyên bố, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Ảnh: Nam Trần

Từ đầu thập niên 1970 việc quan hệ Xô - Trung rạn nứt, Trung Quốc quay sang bắt tay với Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa VN và Trung Quốc. Sau khi chúng ta thống nhất đất nước vào năm 1975, mối quan hệ giữa VN - Trung Quốc trở nên căng thẳng khi Trung Quốc liên tục gây hấn, khiêu khích ta ở biên giới mà đỉnh điểm là sự kiện nạn kiều năm 1978.

Tiếp đó, việc chúng ta thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot vào đầu năm 1979 mà Trung Quốc là đồng minh, đã khiến Trung Quốc trực tiếp đánh ta với tuyên bố “dạy cho VN một bài học” nhưng thực chất là muốn cứu Pol Pot, giữ Campuchia trong tay của họ.

* Ông có nhớ cuộc chiến đấu đã diễn ra như thế nào khi 600.000 quân Trung Quốc tiến vào biên giới nước ta?

Rạng sáng 17.2.1979, Trung Quốc đã xua 600.000 quân tiến sang lãnh thổ VN ở cả 6 tỉnh biên giới phía bắc từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Hà Tuyên (cũ), Quảng Ninh. Với lực lượng đông, lợi dụng yếu tố bất ngờ, những ngày đầu tiên, quân Trung Quốc đã thọc sâu vào nội địa của ta, gây ra rất nhiều thiệt hại. Có những nơi như Cao Bằng, quân Trung Quốc vào sâu tới hơn 40 km. Thị xã Cao Bằng rồi Lào Cai, Lạng Sơn hàng vạn ngôi nhà bị quân Trung Quốc đốt phá, nhiều người dân bị giết hại.

Tuy nhiên, sau những ngày đầu tiên, quân và dân 6 tỉnh đã đánh trả quyết liệt các đợt tiến công của quân Trung Quốc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm thất bại các mục tiêu của Trung Quốc. Tới đầu tháng 3 khi thấy không đạt được mục đích cứu nguy cho Pol Pot, lại bị tổn thất nặng nề và nguy cơ có thể phải thương vong lớn hơn khi quân đoàn 2, quân đoàn 3 của VN đã hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia, được điều ra phía bắc, Trung Quốc đã tuyên bố rút quân. Tới ngày 18.3.1979, đúng 1 tháng sau khi phát lệnh tấn công thì quân Trung Quốc đã rút hết khỏi VN.

* Nhưng cuộc chiến không dừng lại ở đó?

Suốt 10 năm sau đó, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của chúng ta vẫn luôn căng thẳng khi Trung Quốc vẫn đánh chúng ta. Chúng dùng bộ đội biên phòng và bộ đội địa phương đánh chiếm một số điểm phòng ngự tại các tỉnh biên giới của ta. Đặc biệt là từ ngày 28.4.1984 cho tới tận năm 1989, Trung Quốc tập trung lực lượng hơn 500.000 quân tấn công ta ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), biến nơi đây trở thành mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc kéo dài suốt 10 năm.

Khác với hồi 17.2.1979, Trung Quốc dàn quân khắp 6 tỉnh thì lần này, cuộc chiến đấu chỉ diễn ra trong khoảng 20 km chiều dài và 5 km chiều sâu. Lực lượng ta và địch lại xen kẽ, có nơi chỉ cách nhau khoảng 200 - 300 m, cứ đánh đi, giật lại liên tục, bám lấy nhau mà đánh, một ngày có thể đánh nhau 2 - 3 lần.

Hằng ngày, quân Trung Quốc bắn vào đất VN từ 30.000 - 50.000 viên đạn pháo lớn, có đợt trong 3 ngày liên tục chúng bắn tới 150.000 viên pháo để chi viện cho bộ binh tấn công vào các trận địa của ta. Trong 5 năm (1984 - 1989), Trung Quốc đã bắn tới 1,8 triệu viên đạn pháo lớn vào VN. Những ngọn núi đá trong khu vực tác chiến vỡ trắng như miệng các lò vôi, nên quân ta gọi là “lò vôi thế kỷ”.

Ác liệt là vậy nhưng chúng ta đã chiến đấu rất kiên cường. Ta với địch quần nhau ở Vị Xuyên tới 5 năm trời, nhưng 500.000 quân Trung Quốc cũng không xuống sâu lãnh thổ ta được quá 2 km và cuối cùng phải rút quân. Chúng bị thiệt hại hơn 10.000 quân, hàng ngàn tên bị thương và 350 tên bị bắt sống.

* Vậy thời điểm ông nhận lệnh lên mặt trận cũng là thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến?

Tôi nhớ lúc tôi nhận quyết định của đại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy, thì tình hình tại mặt trận Vị Xuyên đang rất nhiều khó khăn, vì anh em khá bi quan, cho rằng nếu địch đánh thì ta mất, còn ta có đánh lại mà bị địch phản kích thì cũng không giữ được.

Điển hình nhất là trận ngày 12.7.1984, chúng ta tổ chức đợt tấn công của 3 trung đoàn đánh chiếm 3 cao điểm 1509, 233 và 1030. Mặc dù chúng ta đã huy động lực lượng đánh được một phần nhưng khi địch phản công lại gây ra thương vong rất lớn cho ta. Chỉ riêng trận ngày 12.7 có tới 700 - 800 anh em hy sinh. Vì vậy, sau này anh em vẫn gọi ngày này là ngày “giễu trận”, cứ ngày đó là anh em thắp hương cho các đồng đội. Sau đó, chúng ta phải nghiên cứu thay đổi cách đánh, lựa chọn những cao điểm có thể đánh được và giữ được để giúp binh sĩ ta lấy lại tinh thần. Điển hình như các trận chiếm cao điểm A-6B (30.5.1985), hay chiếm lại khu vực Pa Hán (24.9.1985)… Đây cũng là những trận đánh tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên.

Đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc

* Như vậy, trong 10 năm, chúng ta đã 2 lần phải dùng quyền tự vệ để đánh trả trước sự xâm lấn của Trung Quốc chứ không phải như Trung Quốc tuyên bố “phản kích” để “tự vệ”?

Phải khẳng định cuộc chiến tranh 10 năm 1979 - 1989 là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với VN. Đối với chúng ta, đó là cuộc chiến đấu vì chính nghĩa chống xâm lược bảo vệ biên giới Tổ quốc. Việc Trung Quốc gọi đây là cuộc phản kích tự vệ của họ thực chất chỉ là luận điệu lừa bịp, vì cả 2 lần (lần thứ nhất là ngày 17.2.1979 và lần thứ 2 là 28.4.1984), Trung Quốc đều chủ động tấn công, xâm lược chúng ta còn chúng ta chỉ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta ít nói tới cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhất là cuộc chiến Vị Xuyên - Hà Tuyên. Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc phải nói rõ cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết tường tận về cuộc chiến tranh biên giới để giáo dục về lòng tự hào. Không có cuộc chiến đấu suốt 10 năm ấy chúng ta sẽ không giữ được biên giới, giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Đồng thời đây cũng là bài học cảnh giác, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với bất kỳ thế lực nào muốn xâm chiếm nước ta.

* Trong những năm tháng ác liệt ấy, thương vong của hai bên hẳn là không ít, thưa ông?

Chẳng ai muốn chiến tranh, vì chiến tranh là thiệt hại. Thắng cũng thiệt hại mà thua cũng thiệt hại. Chúng ta rất muốn hòa bình, rất muốn hữu nghị với Trung Quốc vì có lúc họ cũng đã giúp chúng ta rất nhiều. Vì thế, khi chúng ta giành được độc lập chúng ta không quên họ, chúng ta đã làm tất cả để gìn giữ mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa hai nước. Tuy nhiên, họ không thể vì đã giúp chúng ta trong chiến tranh hay vì thế nước lớn mà đưa quân xâm lấn biên giới, lãnh thổ nước ta. Không phải chúng ta muốn gây sự với Trung Quốc mà chúng ta bất đắc dĩ phải đánh trả để tự vệ, bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta nhường nhịn, nhún nhường nhưng không thể nhún quá để họ bắt nạt, ăn hiếp mình.

* Tới hôm nay đã tròn 40 năm kể từ khi chúng ta bắt đầu cuộc chiến đấu tự vệ, bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, có còn điều gì khiến ông trăn trở về cuộc chiến này?

Sau 40 năm cuộc chiến đấu, nhờ có sự hòa bình, ổn định trong quan hệ giữa 2 nước, cuộc sống của người dân ở khu vực biên giới đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, điều khiến tôi thấy rất đau là vẫn còn hơn 2.000 chiến sĩ, đồng đội hy sinh nằm lại trên chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta vẫn chưa đưa về được. Vì thế, điều tôi mong muốn nhất lúc này là đưa được hài cốt của anh em về để họ được yên nghỉ.

40 năm thay da đổi thịt

Cầu Bằng Giang, cây cầu huyết mạch của TX.Cao Bằng, bị địch phá hủy (trái)
và được xây dựng lại đẹp hơn xưa
ẢNH: TTXVN - CAO BẮC
TX.Lào Cai bị quân Trung Quốc đánh phá (trái) và nay đã được nâng cấp trở thành TP.Lào Cai
Ảnh: Tư liệu TTXVN
TX.Lạng Sơn bị tàn phá bởi quân Trung Quốc (trái) và sau 40 năm là TP.Lạng Sơn với hạ tầng phát triển
Ảnh: TL - Lưu Quang Phổ

Tin liên quan


Trong lịch sử VN, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc từ 1979 - 1989 là một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất của VN. Bởi lẽ, cuộc chiến này diễn ra trong 10 năm và tổn thất của chúng ta rất lớn, tuy nhiên, chúng ta chiến đấu kiên cường, bản lĩnh và giữ được toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng là một chiến thắng vĩ đại của quân và dân VN chống quân Trung Quốc xâm lược. Dù người ta có dùng luận điệu “dạy cho VN một bài học” hay cuộc chiến “phản kích tự vệ” thì việc tới 600.000 quân tiến sâu vào lãnh thổ của VN, san phẳng 5 thị xã dọc biên giới từ Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phong Thổ… giết hại nhiều người dân, phá hoại rất nhiều công trình của chúng ta thì phải nói đó là cuộc chiến tranh xâm lược.

(Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự VN)

Các nhà sử học khẳng định chính Trung Quốc đã khởi đầu cuộc chiến tranh và chiến sự diễn ra chủ yếu trên lãnh thổ VN. Bên cạnh đó, giới sử gia cũng đồng tình rằng cuộc chiến nếu không phải là một Thoth bại hoàn toàn đối với Trung Quốc, thì cũng là một sai lầm tốn kém cho những mục đích rất mơ hồ là trừng phạt VN vì đã lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, đồng minh của Trung Quốc khi đó đồng thời cũng là bạo chúa đẫm máu nhất trong thế kỷ 20.


(Howard W.French trong bài viết Was the War Pointless? China Shows How to Bury It đăng trên The New York Times ngày 1.3.2005)

* Đã đăng Báo Thanh Niên Online 17-2-1019: