Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Nhật tài trợ 104 triệu đô la Mỹ nâng cấp ĐH Cần Thơ


(TBKTSG Online) - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ cùng trường Đại học Cần Thơ thực hiện dự án nâng cấp hoạt động của trường này với gói tài trợ trị giá 104 triệu đô la Mỹ do chính phủ Nhật Bản tài trợ, đại diện JICA cho biết tại hội thảo giới thiệu dự án “Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ” tổ chức ở Cần Thơ hôm nay, 1-4.

Ông Kakioka Naoki đang giới thiệu về dự án Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ sáng ngày 1-4.
Ông Kakioka Naoki, Phó trưởng Văn phòng JICA tại Việt Nam, cho biết hỗ trợ Đại học Cần Thơ là một trong những hoạt động quan trọng nhất của JICA tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dự án này do chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua JICA, gồm 100 triệu đô la Mỹ cho vay bằng đồng yên (lãi suất 0,3%/năm trong 40 năm) và 4 triệu đô la Mỹ hợp tác kỹ thuật (tài trợ không hoàn lại). Gói hợp tác kỹ thuật bắt đầu từ tháng 3-2016 và kết thúc vào năm 2020; gói cho vay kéo dài tới năm 2022.

Theo ông Kakioka Naoki, mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo của Đại học Cần Thơ trong ba lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản và môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế; qua đó, nâng cao giá trị thặng dư cho sản phẩm và bảo vệ môi trường vùng ĐBSCL.

Trong khuôn khổ dự án, có các hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực (trong đó có 72 suất bổng học thạc sĩ và tiến sĩ tại Nhật); có các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ sở nghiên cứu - học thuật, cung cấp trang thiết bị nghiên cứu và có cả dịch vụ tư vấn.

Dự án cũng hỗ trợ tài chính cho các đề tài nghiên cứu (mỗi đề tài khoảng 50.000 đô la Mỹ) giữa Đại học Cần Thơ với các trường đại học và doanh nghiệp Nhật Bản theo hướng thúc đẩy liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp tư nhân – chính quyền địa phương – cộng đồng dân cư vùng ĐBSCL.

“Đại học Cần Thơ là một trong bốn trường đại học được chính phủ Việt Nam chọn xây dựng thành đại học mẫu tiêu chuẩn quốc tế với vai trò tiên phong trong nâng cao năng lực giáo dục và nghiên cứu khoa học”, ông Kakioka Naoki nhấn mạnh khi giải thích lý do JICA chọn hợp tác với Đại học Cần Thơ.

Ba trường còn lại, theo ông Kakioka Naoki, là Đại học Khoa học kỹ thuật Hà Nội (đã có Pháp và ADP hỗ trợ), Đại học Việt – Đức (Đức và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ) và Đại học Đà Nẵng (Chính phủ Anh đang xem xét hỗ trợ).

Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, nơi vừa kỷ niệm 50 năm thành lập trường hôm 31-3, đây là trường đa ngành đa lĩnh vực, có mạng lưới hợp tác mạnh với các địa phương vùng ĐBSCL, đặc biệt là có Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp mới thàng lập năm ngoái.

“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cũng như thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu thông qua dự án này”, ông Toàn nói.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/144472


PTT Vũ Đức Đam: Xóa chủ quản để đại học tự chủ, theo kịp quốc tế



(TBKTSG Online)- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa gửi đi thông điệp về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới: phải xóa cơ chế chủ quản và phát triển theo đúng xu thế quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu tự chủ cho đại học. Ảnh: Hoàng Nghĩa

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Cần Thơ vào sáng nay, 31-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cần xóa bỏ “chủ quản” đối với đại học để các trường đại học thực sự tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính”.

Theo ông Đam, tiến trình này cần được thực hiện với quyết tâm cao, vượt qua những rào cản ngay từ trong trường đại học, tương tự như xóa bỏ chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước những năm đầu đổi mới.

Tự chủ, theo ông Vũ Đức Đam, phải gắn với trách nhiệm giải trình nhằm nâng cao chất lượng đầu ra cùng cơ chế đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao của các đối tượng chính sách, người nghèo.

Về “chất lượng đầu ra”, ông Đam cho rằng cần gắn với đánh giá, thừa nhận của xã hội, của người sử dụng lao động, của đối tác quốc tế bởi vì lâu nay các trường chỉ chú trọng siết chặt đầu vào.

“Cũng có ý kiến cho rằng để các em vào đại học rồi mà phải lưu ban hay không tốt nghiệp thì sẽ là sự lãng phí lớn với nhiều gia đình, nhất là gia đình nghèo. Nhưng nếu các kỹ sư, cử nhân không đủ chất lượng, không có việc làm thì sự lãng phí đó không chỉ ở một số gia đình mà là toàn xã hội”, ông Đam phân tích.

Về vai trò của nhà nước trong cơ chế này, ông Đam nói: “Tự chủ không có nghĩa là nhà nước không tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, nhưng chắc chắn không tiếp tục đầu tư theo kiểu cào bằng, không căn cứ hiệu quả”.

Tiếp đó, ông Đam cho rằng đổi mới, phát triển giáo dục đại học cần theo đúng xu thế phát triển giáo dục đại học quốc tế. “Mỗi quốc gia đều có đặc thù nên không thể sao chép máy móc từ nước ngoài, nhưng càng không thể vin vào đặc thù để đi ngược xu thế, để làm khác những gì đã có tính phổ quát trên thế giới”, ông Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho biết cần có các tiêu chí cụ thể về nghiên cứu khoa học như số lượng các công trình công bố trên tạp chí khoa học uy tín, số lượng sáng kiến, phát minh, sáng chế... phục vụ cho công tác đánh giá giảng viên, sinh viên.

“Đây là một thách thức lớn đối với tuyệt đại đa số các trường đại học ở Việt Nam. Một nguyên nhân lớn thường được đề cập là do hạn chế về đầu tư, nhưng nguyên nhân không kém phần quan trọng là do các trường thiếu định hướng phát triển lâu dài”, Phó Thủ tướng nói.


Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/144442

Đại học Cần Thơ sẽ mở rộng hợp tác quốc tế



Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vào sáng nay, 31-3, PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐHCT, cho biết để góp phần phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhà trường sẽ mở rộng hợp tác quốc tế.

Trả lời chúng tôi, PGS.TS Hà Thanh Toàn nói: “Muốn đạt được mục tiêu góp phần phát triển vùng ĐBSCL và cả nước trong thời gian tới, ĐHCT phải mở rộng hợp tác quốc tế; đây cũng là kết quả hoạt động từ 50 năm qua của nhà trường”.

Theo Hiệu trưởng Hà Thanh Toàn, đến nay, ĐHCT đang hợp tác với hơn 120 viện, trường và tổ chức quốc tế. Trong vòng 20 năm gần đây, các dự án hợp tác quốc tế đã đóng góp cho trường hơn 70 triệu đô la Mỹ; có một số dự án lớn như chương trình “Nâng cấp Khoa Nông nghiệp ĐHCT” từ viện trợ của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 23 triệu đô la); chương trình MHO của Chính phủ Hà Lan (khoảng 19 triệu đô la); chương trình VLIR của Chính phủ Bỉ (khoảng 18 triệu đôa la); chương trình Trung tâm Học liệu của Tổ chức Atlantic Philanthropy (khoảng 8 triệu đô la)… 


Thí sinh ĐBSCL tại ĐH Cần Thơ trong mùa tư vấn tuyển sinh tháng 3-2016


Riêng chương trình “Mekong 1000” (đào tạo 1000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL do ĐHCT khởi xướng và đảm trách từ năm 2005), đã có 575 ứng viên (521 thạc sĩ, 54 tiến sĩ) đã và đang được đào tạo tại 163 viện, trường thuộc 24 quốc gia trên thế giới. “Có thể nói, đây là bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL”, ông Toàn nói. 

ĐHCT cũng đang tham gia Mạng lưới Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN); trường đã tổ chức đánh giá nhiều chương trình hợp tác đào tạo, trong đó có 3 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA.

Mới nhất, ĐHCT đang tiếp nhận Dự án Nâng cấp trường ĐHCT, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản trị giá 105,9 triệu đôla Mỹ. Ông Toàn cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản cũng vừa phê duyệt viện trợ không hoàn lại Dự án Hợp tác kỹ thuật với Trường ĐHCT với kinh phí một triệu đô la/năm, kéo dài 5 năm.

Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, nội dung hợp tác quốc tế tới đây của trường là thuộc các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân vùng ĐBSCL. 

Theo đó, trường sẽ nâng chất lượng, trình độ chuyên môn giảng dạy, mở rộng ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội, thu hút sinh viên quốc tế. Trong đó, có các chương trình nghiên cứu liên kết vùng, đa ngành nghề; nghiên cứu tổng hợp kinh tế - xã hội; nghiên cứu về giáo dục, biến đổi khí hậu.

Vẫn theo ông Toàn, cùng với hợp tác quốc tế, ĐHCT tiếp tục hợp tác với các đơn vị trong nước về nghiên cứu và đào tạo vì nhà trường đang là thành viên của nhóm các trường khối nông - lâm - ngư, mạng lưới Vifinet (thủy sản), khối các trường đào tạo kinh tế và các trường đại học kỹ thuật.

“Thực hiện các dự án này cũng nhằm mục đích xây dựng trường ĐHCT trở thành một trong những trường hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020”, PGS.TS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh.

Nhìn lại 50 năm qua, Hiệu trưởng Hà Thanh Toàn cho biết, ĐHCT đã đào tạo hơn 90.000 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ hệ chính quy và hơn 40.000 kỹ sư, cử nhân hệ ngoài chính quy; hơn 6.100 thạc sỹ và tiến sỹ. “Lực lượng này là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước; nhiều người đã trở thành cán bộ khoa học đầu ngành, nhà quản lý, nhà sản xuất và kinh doanh giỏi tại các tỉnh, thành ở ĐBSCL và cả nước”, ông Toàn nói. 

Đến nay, ĐHCT là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, gồm 16 khoa, 3 viện nghiên cứu, 18 trung tâm, 15 phòng ban chức năng. Hiện trường có 96 chuyên ngành đào tạo đại học với khoảng 56.000 sinh viên, trong đó có 32.000 sinh viên chính quy. Ngoài đào tạo đại học, ĐHCT cỏn có 38 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ và 15 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ, với gần 4.000 học viên đang theo học.


50 năm trước, đây là Viện Đại học Cần Thơ


PGS.TS Hà Thanh Toàn kể: 


“Những năm đầu thập niên 1960, vùng ĐBSCL có khoảng 5 triệu người (chiếm 40% tổng dân số miền Nam Việt Nam), nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, khó khăn về phương tiện đi lại nên sau khi đậu tú tài, đa phần con em của vùng đất này không đủ điều kiện để lên Sài Gòn học đại học. Vào giữa năm 1965, báo chí ở Sài Gòn xuất hiện đều đặn những bài viết bàn về sự cần thiết phải có một viện đại học cho miền Tây. Những bài viết tạo dư luận và các cuộc vận động lúc ấy đều xuất phát từ Cần Thơ, trong đó nòng cốt là Ban vận động thành lập Viện Đại học tại miền Tây, đứng đầu là bác sĩ Lê Văn Thuấn, Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh miền Tây, cùng với các nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân trong vùng. Cuộc vận động đạt thắng lợi với việc ra đời của Sắc lệnh số 62-SL/GD ký ngày 31/3/1966, khai sinh ra Viện ĐHCT (nay là Trường ĐHCT). Việc ra đời của Viện ĐHCT là phù hợp với nhu cầu cấp thiết của vùng, đã đánh dấu một bước ngoặc lịch sử trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và NCKH, CGCN phục vụ sự phát triển của vùng ĐBSCL. Ngày 1-4-1966, lễ công bố Sắc lệnh được tổ chức tại Phong Dinh, có phái đoàn 15 tỉnh miền Tây đến dự. Đây là viện Đại học thứ năm (sau các viện Đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Vạn Hạnh) và là viện Đại học duy nhất áp dụng quy chế tín chỉ ở miền Nam trước năm 1975. 


Viện ĐHCT  được thành lập vào ngày 31-3-1966 gồm Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Luật khoa, Trường Cao đẳng Nông nghiệp, Trung tâm Sinh ngữ và 8 phòng ban chức năng. Lễ khai giảng năm học đầu tiên được tổ chức vào ngày 30-9-1966 có 985 sinh viên. Viện ĐHCT mặc dù chỉ hoạt động từ năm 1966 đến năm 1975, nhưng Viện đã thành công trong việc mở ra một hướng đi mới trong lịch sử giáo dục ở ĐBSCL; đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Đồng thời với đào tạo nguồn nhân lực là việc đặt nền móng cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển của vùng, với việc chỉ một năm sau khi thành lập, Viện ĐHCT đã nhân thành công giống lúa IR8 của Viện Lúa Quốc tế cho năng suất tới 5 tấn/hecta, phá kỷ lục về năng suất thời đó (3 tấn/hecta), được ông Tôn Thất Trình (Bộ trưởng Bộ Canh nông) đặt tên là “Thần nông 8” vào tháng 10-1967”.