Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Cần Thơ, ngẫm nghĩ cuối năm

Huỳnh Kim 

(KTSG) – 1. Cuối năm, thành phố Cần Thơ tự xếp loại ở cấp độ 3, là “vùng cam”, có tuần mỗi ngày F0 Covid-19 lên hơn ngàn ca. Đã bỏ hẳn “ngăn sông cấm chợ” và làm theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thí dụ, khi du khách vào thành phố, Cần Thơ không còn chặn “test nhanh, truy vết” tại các chốt như một số địa phương vì sợ Covid lây lan.


Nhờ vậy, du khách nội địa vẫn lai rai đến với Cần Thơ từ sau ngày bỏ giãn cách xã hội. Như hồi giữa tháng 11, có một đoàn khách tám người từ Sài Gòn, trước đó tính đi Vũng Tàu nhưng nơi này chưa cho nghỉ đêm; còn Phan Thiết, Đà Lạt thì bị kẹt chuyện “test nhanh” nên đã quyết định về với Cần Thơ. Họ đã nghỉ đêm tại khách sạn Vinpearl Cần Thơ và sáng bữa sau đi chơi chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền với giá cả không khác trước thời giãn cách. Một thành viên trong đoàn kể: “Khi vào khách sạn, tôi quét mã QR khai báo của khách sạn, nó hiện lên đầy đủ thông tin đã tiêm vaccine ở đâu, mấy mũi, ngày nào…

Rồi bước hai là ngay gần quầy lễ tân, nhân viên khách sạn mời tôi tự ngoáy mũi bằng bộ kit miễn phí của khách sạn mang nhãn hiệu Vinsmart. Như thế thì rất tiện lợi cho người lưu trú”.

Tuy vậy, do nhiều dịch vụ du lịch ở Cần Thơ chưa mở lại (vì tâm lý sợ F0) nên không khí du lịch ở Cần Thơ còn lặng lẽ lắm. Dạo quanh công viên bến Ninh Kiều vốn tấp nập thời trước khi có Covid-19, giờ chỉ gặp mấy cặp bồ câu đáp xuống kiếm ăn. Nhắn tin hỏi, chị bạn đại diện chi nhánh Vietravel Cần Thơ trả lời “Vẫn còn đóng cửa, từ tháng 7-2021 tới giờ”. Còn mấy điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng trên Cồn Sơn, thì “Chưa đón khách anh ơi!” hoặc “Chỗ em vẫn còn đóng cửa”.

Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Cần Thơ), ước tổng lượt khách đến Cần Thơ năm 2021 là 2.118.200 lượt, giảm 62,2% so với năm 2020. Doanh nghiệp lưu trú chỉ phục vụ 898.200 lượt khách, giảm 55,5%. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, xây dựng phát triển sản phẩm, hợp tác, liên kết du lịch cũng bị tác động. Phải dừng các chuyến quảng bá du lịch Cần Thơ tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Bình Định và cả Hội chợ Du lịch quốc tế VITM – Hanoi 2021.

Nhiều sự kiện là điểm nhấn tại Cần Thơ năm 2021 đã chuẩn bị cũng phải dừng như Ngày hội du lịch Vườn trái cây Tân Lộc, Ngày hội du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền…

Từ thực tế này, Trung tâm Phát triển du lịch Cần Thơ đã soạn “Kế hoạch chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Cần Thơ năm 2021”. Theo ông giám đốc trung tâm, kế hoạch này trước hết là nhằm tái khởi động, phục hồi hoạt động ngành du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ số, đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho du khách.

Mong là sang năm mới, kế hoạch chuyển đổi số này có thể góp sức giúp du lịch Cần Thơ “bình thường mới” hiệu quả hơn trong khi dịch Covid-19 còn phức tạp trước biến chủng mới Omicron.

2. Nhắc chuyện du lịch xứ mình vẫn còn bị kẹt trong Covid-19, anh bạn đồng nghiệp tại Cần Thơ lại đau đáu chuyện ở xứ người, Nhật Bản – nơi mà người con trai của anh đang làm việc sau khi đã tốt nghiệp kỹ sư xây dựng. Trong đại dịch Covid-19, con trai anh, cùng bao người dân Nhật khác, mỗi ngày vẫn đi làm bình thường, cuối tuần, lái xe ra ngoại ô xả hơi, tỷ như đi câu cá.

Con trai anh kể: “Ở Nhật bây giờ mỗi ngày chỉ còn vài chục ca nhiễm Covid-19. Nhật không chống dịch như ở Việt Nam là test nhanh bóc tách F0. Họ không giãn cách xã hội, không thực hiện ba tại chỗ; lao động tại các nhà máy, doanh nghiệp vẫn làm việc bình thường. Họ tiêm vaccine và điều trị rất hiệu quả khi có ca bệnh, không tốn kém chi phí kit test nhiều như mình. Có điều ở Nhật họ chuẩn bị thuốc điều trị rất tốt, một liệu trình chỉ trong năm ngày. Mấy tháng nay ở Nhật không có ca nào tử vong vì Covid-19”.

Từ chuyện “chung sống với dịch” kiểu Nhật, anh bạn lại trăn trở chuyện khác: làm sao để Cần Thơ, để ĐBSCL giàu lên. Anh kể: “Nhật bây giờ ưu ái dân ĐBSCL nhưng dường như đa phần giới trẻ miền Tây chưa thay đổi cách nghĩ. Hôm làm việc với Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Miền Tây, đại diện phía Nhật đặt hàng kỹ sư xây dựng rất nhiều. Họ sẽ dạy tiếng Nhật, lo thủ tục miễn phí đầy đủ, nhưng số lượng sinh viên miền Tây bữa đó chỉ đăng ký trên đầu ngón tay”.

“Bà con nông dân miền Tây mình nếu chỉ lo no bụng cho người khác thì còn nghèo mãi. Lo nồi cơm cho thế giới mà nồi cơm của mình lại không đủ đầy. ĐBSCL là vựa lúa nhưng khi dịch bệnh, Chính phủ phải xuất kho hàng trăm ngàn tấn gạo để cứu đói. Điều đó rất nghịch lý.

Người con trai của anh đang phụ trách vẽ kỹ thuật cho một công ty đường cao tốc tại Tokyo, lương mỗi tháng gần 4.000 đô la Mỹ, sáu tháng đầu năm được thưởng 8.000 đô la. Công ty còn chi hơn 2.000 đô la để học lái xe. Trong hai năm dịch bệnh, anh làm việc bình thường, không nghỉ, không một lần phải test nhanh. Tính ra, tổng thu nhập của anh trên 1 tỉ đồng/năm. Chi tiêu mọi thứ và đóng thuế xong còn khoảng 800 triệu đồng. Vì nhà, xe, vật dụng gia đình, công ty đã mua sắm hết. Ăn uống thì tự nấu. Chỉ có thuế thu nhập là cao.

Từ trải nghiệm này, anh bạn tâm sự: “Tôi là một nông dân chính hiệu ĐBSCL nhưng tôi phải suy nghĩ khác. Không để con cái mình cứ ở trong cái vòng luẩn quẩn với cây lúa, củ khoai, con cá, con tôm mà phải hướng tầm nhìn ra thế giới để mai sau về góp phần xây dựng ĐBSCL tốt hơn. Bây giờ, con mình đã học được cái hay cái tốt ở xứ người nhưng nó không chịu mãi làm công ở xứ người mà đang khát vọng trở lại Cần Thơ quy tụ nhóm trẻ làm ăn lại với Nhật. Giống như anh Lê Minh Hoan hồi còn làm Bí thư Đồng Tháp đưa lao động sang Nhật thường hay nói “đi làm công để về làm chủ” vậy. Cho nên cần thấy rằng, xu hướng di chuyển lao động từ nơi này đến nơi khác là bình thường, nếu nơi đó có cơ hội khởi nghiệp và cuộc sống tốt hơn. Chứ không nhất thiết phải bám ruộng, bám vườn. Khi ta làm việc ở nơi có trình độ, có quy cũ thì dân trí sẽ nâng cao, xã hội sẽ tốt hơn”.

Theo anh, ĐBSCL cứ nặng nề lúa, cá, tôm nhưng vẫn nghèo hoài. Vì sản phẩm ít chất xám mà lao động chân tay lại quá nhiều, sản phẩm làm ra quá rẻ. Còn Mỹ thì đầu tư trí óc làm iPhone, máy tính, Boeing, xuất khẩu hàng trăm, hàng ngàn tỉ đô la mỗi năm. Nhật thì họ xuất khẩu ô tô, đồ dùng dân dụng cao cấp, điện máy, điện tử đi khắp thế giới; họ đâu có sợ mất an ninh lương thực quốc gia như mình. Mình thay đổi suy nghĩ thì xã hội sẽ khác.

“Bà con nông dân miền Tây mình nếu chỉ lo no bụng cho người khác thì còn nghèo mãi. Lo nồi cơm cho thế giới mà nồi cơm của mình lại không đủ đầy. ĐBSCL là vựa lúa nhưng khi dịch bệnh, Chính phủ phải xuất kho hàng trăm ngàn tấn gạo để cứu đói. Điều đó rất nghịch lý. Như vậy tự bản thân nông dân và lao động ĐBSCL không đủ no”, anh bạn đồng nghiệp trăn trở.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/can-tho-ngam-nghi-cuoi-nam/

Doanh nghiệp tự tin an tâm khôi phục du lịch Cần Thơ

Huỳnh Kim 

(KTSG Online) – An tâm khôi phục du lịch TP Cần Thơ là điều được khẳng định tại tọa đàm “Xúc tiến, quảng bá du lịch sinh thái Cần Thơ trong giai đoạn bình thường mới” ngay sau chuyến khảo sát các đơn vị du lịch xoay quanh đề tài này tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ vào ngày 21-1.

Khách bơi xuồng trong vườn du lịch sinh thái Phi Yến (Cần Thơ) sáng 21-1-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Trả lời KTSG Online tại cuối buổi tọa đàm nói trên, ông Vưu Chấn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, khẳng định: “Chúng tôi hết sức an tâm để khôi phục du lịch TP Cần Thơ sau đại dịch Covid-19”.

Ông Vưu Chấn Hùng nêu ba lý do cho kết luận này. Theo ông, vì Chính phủ và Bộ VH-TT-DL đã có chủ trương cho các tỉnh, thành chuẩn bị điều kiện để có thể đón khách quốc tế từ ngày 30-4 tới; và tuy mới thí điểm trong thời gian ngắn, đã có trên 5.000 khách quốc tế đến với Việt Nam. Tiếp đó là lãnh đạo TP Cần Thơ và ngành du lịch Cần Thơ đã có kế hoạch chuẩn bị để khi thời cơ tới thì đón khách được ngay. Ngoài ra, theo ông Hùng, độ tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 ở Cần Thơ đã ở mức rất cao, nguy cơ F0 rất thấp và khi các điểm du lịch tuân thủ kỹ “5K” nữa thì hoạt động du lịch sẽ an tâm.

Tọa đàm về phục hồi du lịch Cần Thơ chiều ngày 21-1-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Đại diện CDC Cần Thơ, ông Hà Minh Hùng, cho biết đến ngày 20-1-2022, Cần Thơ đã tiêm ngừa được hơn 2,4 triệu mũi trong khi dân số Cần Thơ có hơn 1,2 triệu người, trong đó mũi 2 đã tiêm đủ cho số người từ 18 tuổi trở lên và mũi 3 đã tiêm cho 406.544 người. “Chúng ta đừng quan tâm tới F0 nữa. Tới đây chúng ta sẽ tiêm phủ hết mũi 3 vì chúng ta không thiếu vaccine. CDC Cần Thơ đang tập trung quan tâm tới biến chủng Omicron”, ông Hà Minh Hùng nói.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Điền, ông Võ Thành Giúp, ngành du lịch đang kết hợp với các điểm du lịch trong huyện nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn sông nước đặc sản của Phong Điền và mong các đơn vị lữ hành thu hút được nhiều du khách về với Phong Điền sớm nhất. “Với Phong Điền, ở đây thì chúng tôi an tâm đón khách”, ông Giúp chia sẻ.

Doanh nghiệp du lịch Cần Thơ kỳ vọng trong sự tự tin để đón khách du lịch. Ảnh minh họa: Huỳnh Kim
Đại diện cho một doanh nghiệp chuyên phục vụ khách quốc tế bên bờ Vàm Xáng, Phong Điền, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty Hiếu Tour và Hiếu Cottage, nhấn mạnh: “Chúng tôi rất tự tin để đón khách; chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm 5K như đang làm”. Vị doanh nhân này cho biết tất cả nhân viên của mình đã tiêm ngừa mũi 2 và sắp tiêm mũi 3. Trong khi đó, ngoài khách châu Âu và châu Mỹ truyền thống, công ty sẽ đón khách nội địa và khách châu Á từ ba nước Campuchia, Thái Lan, Singapore đến nghỉ dưỡng tại Hiếu Cottage.

Tuy vậy, ông Hiếu còn băn khoăn khi nhắc lại câu chuyện hôm 15-12-2021, đơn vị phải hủy đột xuất 100 khách Hà Nội ngay sau văn bản chuyển cấp độ dịch từ vùng xanh lên cam và đỏ của TP Cần Thơ.

“Tâm thế thì sẵn sàng đón khách nhưng cũng lo nếu gặp lại chuyện khó như vậy”, ông Hiếu nói.

Chia sẻ nỗi băn khoăn này, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết sau Tết Nguyên đán này, Hiệp hội sẽ tổ chức một hội nghị chủ đề “Thiết lập hành lang xanh kết nối du lịch các tỉnh ĐBSCL với Cần Thơ” để bàn nhiều giải pháp khôi phục hoạt động du lịch cho hiệu quả trong đó có giải pháp xử lý rủi ro, chứ “không nói an toàn chung chung”.

Đồng quan điểm an tâm khôi phục du lịch sau dịch, ông Lê Văn Sang, Giám đốc Làng Du lịch Mỹ Khánh, cho biết dịp Tết này, khu du lịch miệt vườn rộng 30 hecta của mình sẽ tổ chức Lễ hội ẩm thực Tết quê chủ đề “Hương vị quê nhà” với kỳ vọng đón được 5.000 khách mỗi ngày như trước dịch.

Trong khi đó, ở vườn du lịch sinh thái Phi Yến rộng 1,7 héc-ta mới khai trương tại ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, theo ông chủ Ngô Trọng Phủ: “Tôi mở khu này để đón du khách gần xa vào đây thì gặp cảnh quê xưa, không thấy bê tông cốt thép, gần gũi với thiên nhiên sông nước, như là về với quê nội, quê ngoại ngày xưa của mình”.

Theo ông Vưu Chấn Hùng, chuyến khảo sát và cuộc tọa đàm này nhằm tìm tiếng nói chung khôi phục lại hoạt động du lịch Cần Thơ, vì trong năm 2021, do đại dịch Covid-19, du lịch Cần Thơ chỉ đạt doanh thu chưa tới 1.400 tỉ đồng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của của mọi người lao động liên quan tới du lịch. Cần Thơ đang có 616 cơ sở lưu trú với hơn 10.000 phòng, 37 khu, điểm du lịch, 63 doanh nghiệp lữ hành đang chờ thời cơ hoạt động trở lại.

Theo bà Nguyễn Hoàng Diễm, Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ), cùng mục tiêu này, vào ngày mai, 22-1-2022, Sở VH-TT-DL Cần Thơ còn tổ chức hai sự kiện: Hội thảo “Chung tay phục hồi du lịch – Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành du lịch TP Cần Thơ và giải pháp hồi phục” và Hội chợ du lịch trực tuyến Cần Thơ.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-tu-tin-an-tam-khoi-phuc-du-lich-can-tho/

Hậu Giang đang thực hiện chuyển đổi số ra sao?

Huỳnh Kim thực hiện 

(KTSG Online) – Năm 2021, dù bị Covid-19 tác động mạnh, ngành thông tin và truyền thông (TT-TT) Hậu Giang vẫn tham mưu cho chính quyền tỉnh thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong nhiều hoạt động, phục vụ người dân hiệu quả. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online vừa có cuộc trao đổi với ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT-TT Hậu Giang, xoay quanh chuyện này khi Hậu Giang đang dấn bước vào năm 2022, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 14.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TTTT (ảnh giữa màn hình)
khai giảng lớp bồi dưỡng trực tuyến Chính quyền điện tử, chuyển đổi số năm 2021, từ ngày 3 đến 5-11-2021. Ảnh: HT
 

KTSG Online: Trước hết, ông có thể nói ngắn gọn về việc Hậu Giang chủ trương sử dụng di động gắn kết giữa người dân và chính quyền, được làm từ tháng 6-2020?

– Ông Lã Hoàng Trung: Việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số là chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ TT-TT, được triển khai ở tất cả các bộ, ngành, địa phương. Tại Hậu Giang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong hai năm 2020 – 2021, Sở TT-TT, Văn phòng UBND tỉnh đã triển khai được một số ứng dụng công nghệ trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử như hệ thống thư điện tử; hệ thống quản lý văn bản điều hành, đặc biệt là ứng dụng di động Hậu Giang.

Ứng dụng di động Hậu Giang (Hậu Giang App) được triển khai từ tháng 6-2020, đến nay đã có số lượng lớn sử dụng với hơn 37.000 lượt tải về. Ứng dụng này cho phép người dân thực hiện chức năng phản ánh hiện trường (âm thanh, hình ảnh, clip hiện trường) cho cơ quan nhà nước, hỗ trợ việc trao đổi giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân một cách hiệu quả.

Đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang đã tiếp nhận, phối hợp xử lý hơn 2.800 phản ánh hiện trường của người dân. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xử lý phản ánh hiện trường của cơ quan nhà nước ngày một tăng cao, đến nay đạt trên 90%.

KTSG Online: Tới đại dịch Covid-19, Hậu Giang tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ số vào công tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời để quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới. Ông đánh giá kết quả này ra sao?

– Ông Lã Hoàng Trung: Từ tháng 7-2021, Hậu Giang đã chính thức vận hành “Bản đồ Covid-19 Hậu Giang”. Bản đồ số hiển thị số liệu tiêm chủng của từng huyện, 4 cấp độ dịch được cập nhật thường xuyên, tương ứng với 4 màu: xanh – vàng – cam – đỏ theo quy định của Bộ Y tế để người dân dễ dàng nắm bắt, không di chuyển đến các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, bên cạnh đó, giúp người dân có cái nhìn trực quan nhất, chính xác nhất về toàn cảnh Covid-19 tại tỉnh mà không cần phải tìm các bản tin riêng lẻ.

Hiện nay, người dân Hậu Giang đã dần quen với việc khai báo y tế bằng mã QR khi ra, vào tỉnh và tại các địa điểm công cộng bằng hai hình thức là khai báo trực tuyến tại https://qr.tokhaiyte.vn hoặc thông qua ứng dụng PC-Covid cài đặt trên điện thoại thông minh.

Theo thống kê, tính đến hết ngày 19-1-2022, tỉnh có 12.812 điểm quét mã QR, tổng số 477.564 lượt vào ra điểm quét mã QR. Trung bình Hậu Giang có hơn 1.700 lượt quét/ngày. Các dữ liệu từ quét mã QR trên PC-Covid đã hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng chống dịch. Từ dữ liệu này chúng tôi có thể nắm được là có bao nhiêu người xuất hiện cùng ca F0 tại địa điểm, thời gian cụ thể đó và lên được phương án khoanh vùng, dập dịch và có thông báo đến những trường hợp liên quan.

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, cùng với cả nước, Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, trong đó, Sổ sức khỏe điện tử và PC-Covid là các ứng dụng nền tảng đang được nhiều người dân tải về điện thoại thông minh bởi ưu điểm dễ cài đặt, dễ sử dụng và có nhiều tiện ích. Hiện nay, 100% mũi tiêm tại Hậu Giang được cập nhật trên nền tảng tiêm chủng Quốc gia. Cùng với việc triển khai các ứng dụng khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần, Hậu Giang cũng đang triển khai ứng dụng “Việt Nam khỏe mạnh” để quản lý việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm Covid-19 theo hình thức điện tử.

Hậu Giang đã triển khai lắp đặt 115 camera giám sát tại 14 cơ sở cách ly tập trung. Các camera được bố trí tại các khu vực cổng, hành lang, phòng lấy mẫu và cả trong phòng của người cách ly, lưu trữ nội dung phục vụ cho việc trích xuất khi cần thiết. Hệ thống hoạt động liên tục 24/24 giờ mỗi ngày và kết nối với hệ thống giám sát tập trung theo chỉ đạo của Bộ TT-TT thông nhằm giám sát việc quản lý người ở những nơi cách lý tập trung, người mắc bệnh Covid-19 và quản lý việc giao, nhận bệnh nhân của các địa phương tại các khu cách ly tập trung. Qua đó, kịp thời có những giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xác định hệ thống họp trực tuyến là giải pháp đột phá để đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Sở TT-TT Hậu Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai dự án “Nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh xuống cấp huyện, cấp xã”.

Đến nay, hệ thống họp trực tuyến của Hậu Giang đã được đầu tư, nâng cấp và triển khai đồng bộ, thống nhất từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đến tất cả 8 huyện, thành phố, thị xã và 75 xã, phường, thị trấn. Vừa qua, thông qua hệ thống họp trực tuyến, tỉnh đã kết nối thông suốt, phục vụ 8 cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của 8 UBND cấp huyện và 75 UBND cấp xã của Hậu Giang.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Hậu Giang (giữa); ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam và ông Huỳnh Việt Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH P.A Việt Nam ký kết trực tuyến Chương trình phối hợp thúc đẩy sử dụng tên miền Quốc gia “.vn” tại tỉnh Hậu Giang, ngày 30-9-2021. Ảnh: HT
 

KTSG Online: Được biết từ kết quả này, Hậu Giang đã chủ trương thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số bằng Kế hoạch số 182/KH-UBND. Theo ông, năm 2022 và những năm tới, việc này sẽ diễn ra như thế nào?

– Ông Lã Hoàng Trung: Thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Hậu Giang được bắt đầu với việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số. Vừa qua, Sở TT-TT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND vào ngày 20-10-2021 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Hậu Giang và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh để các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh có khả năng giải quyết các bài toán kinh tế – xã hội của tỉnh, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tại Hậu Giang và các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ.

Kế hoạch 182 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số; Phát triển hạ tầng số; Phát triển sản phẩm công nghệ số; Phát triển nhân lực công nghệ số; Phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Hiện nay, Sở TT-TT Hậu Giang đang xây dựng kế hoạch cho các công việc cụ thể để thực hiện trong năm 2022 và các năm tiếp sau đối với Kế hoạch này.

KTSG Online: UBND tỉnh cũng vừa ban hành riêng kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025. Ông kỳ vọng điều gì với kế hoạch này?

– Ông Lã Hoàng Trung: Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT-TT về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, Sở TT-TT Hậu Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 29-10-2021 về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Sở đang chuẩn bị triển khai năm đầu tiên Kế hoạch 183 nhằm hướng tới mục tiêu là đến năm 2025, 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được tiếp cận thông tin để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Phấn đấu có 50% doanh nghiệp có sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tối thiểu có 200 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ Kế hoạch, bao gồm sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, đào tạo, tư vấn, thử nghiệm sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp. Ngoài ra, phải thiết lập Mạng lưới chuyên gia từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tư vấn chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Tôi hy vọng, với việc triển khai Kế hoạch 183, nhiều doanh nghiệp sẽ triển khai chuyển đổi số thành công các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

KTSG Online: Để làm được tốt các chương trình này, theo ông, Hậu Giang cần đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ra sao?

– Ông Lã Hoàng Trung: Một trong các nội dung của nhiệm vụ đột phá thứ ba trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là “Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Để thực hiện Nghị quyết này, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Để có thể thực hiện chuyển đổi số tại Hậu Giang thành công, riêng Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2020 – 2025 đã xác định nhiệm vụ: “Chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số” với các nội dung như: Tập trung đào tạo, cập nhật thường xuyên kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành tỉnh; Có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp cho đội ngũ này trong việc học tập, nâng cao trình độ bản thân; Tăng cường đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2021, Sở TT-TT Hậu Giang đã tổ chức các khóa đào tạo về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin các sở, ban ,ngành, địa phương với những kết quả hết sức tích cực. Đồng thời, trong năm 2021, Sở đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh, nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, chất lượng cao, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Sở TT-TT Hậu Giang sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất, tổ chức các khóa đào tạo theo các chuyên đề chuyên sâu về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn an ninh mạng.

KTSG Online: Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm nay sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trong cả nước. Theo Bộ trưởng Hùng, đại dịch Covid-19 cũng cho chúng ta những bài học và cơ hội để bứt phá vươn lên. Ông chia sẻ ý kiến này ra sao trong công việc của mình ở tỉnh Hậu Giang?

– Ông Lã Hoàng Trung: Hậu Giang và các tỉnh miền Tây Nam bộ là những địa phương có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên muộn hơn rất nhiều so với Hà Nội và một số địa phương khác trên cả nước. Tuy vậy, trong gần 7 tháng qua, kể từ khi có ca nhiễm Covid-19 tại Hậu Giang, chúng ta có thể nhận thấy những thiệt hại vô cùng lớn do Covid-19 gây ra. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy vai trò rất lớn, có thể nói là không thể thiếu của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, để giảm thiểu tối đa thiệt hại của Covid-19.

Tác động của dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại nhưng đó cũng là “sức ép” buộc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số. Việc đổi mới cách thức quản trị, xây dựng các cơ sở dữ liệu, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến sẽ giúp các cơ quan, doanh nghiệp có nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, thậm chí tận dụng cơ hội phát triển.

Trước hết, mặc dù thực hiện rất nghiêm các quy định về giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ trong các tháng cuối năm 2021, về cơ bản, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả trong trạng thái bình thường mới. Các cuộc họp trực tuyến diễn ra liên tục, thậm chí nhiều hơn trong giai đoạn bình thường, để đảm bảo các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn kịp thời.

Việc lưu chuyển văn bản trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành được đảm bảo thông suốt, bao gồm cả các văn bản tài chính. Các dịch vụ công trực tuyến được thực hiện một các thuận tiện, dễ dàng trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước dễ dàng, nhanh chóng thông qua ứng dụng di động Hậu Giang. Đó là những minh họa hết sức cụ thể và rõ nét cho vai trò và khả năng của công nghệ số để giảm thiểu tác động của Covid-19 đến sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, các hoạt động của chính quyền các cấp nói riêng.

Cùng với đó, việc học tập của hàng trăm nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì với nhiều hình thức trực tuyến khác nhau. Việc khám chữa bệnh từ xã với sự hỗ trợ của các hệ thống công nghệ số cũng từng bước được đưa vào sử dụng. Các giao dịch thương mại điện tử trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ sò… để hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ nông sản cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Và có lẽ, điều quan trọng hơn cả, đó là nhận thức của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân về vai trò, khả năng của công nghệ số trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung, trong phòng, chống dịch bệnh nói riêng có sự thay đổi mạnh mẽ.

Với những bài học và cơ hội như vậy, tôi tin tưởng rằng, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, chuyển đổi số tại Hậu Giang sẽ có nhiều kết quả tích cực, bứt phá, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.

KTSG: Cảm ơn ông.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/hau-giang-dang-thuc-hien-chuyen-doi-so-ra-sao/

DNC và HGTV hợp tác về phát triển nhân lực và kinh tế ĐBSCL

Huỳnh Kim 

(KTSG Online) – Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang (HGTV), lần đầu tiên đã ký kết hợp tác chiến lược về công tác truyền thông nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực và kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ký kết hợp tác chiến lược giữa DNC và HGTV sáng ngày 13-1-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Nhấn mạnh tại lễ ký kết hợp tác giữa hai bên về chương trình nêu trên vào sáng ngày 13-1-2022, TS Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng DNC, nói: “Chúng tôi kỳ vọng chương trình hợp tác này sẽ góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng như góp phần phát triển kinh tế cho TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL”.

Ông Nguyễn Thế Triều, Giám đốc HGTV, bày tỏ: “Với tiêu chí “làm giàu tri thức, kết nối cộng đồng”, HGTV kỳ vọng thông qua chương trình hợp tác này, hai bên sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hậu Giang cũng như vùng ĐBSCL”.

DNC và HGTV sẽ hợp tác sản xuất và phát sóng một loạt chương trình mà hai bên có thế mạnh trong giảng dạy và truyền thông. Đó là nhóm chương trình “Tư vấn sức khỏe” (có tọa đàm y tế trực tiếp, chuyên đề hướng dẫn dinh dưỡng, tư vấn sử dụng dược liệu và cây trái miền Tây); nhóm chương trình “Tư vấn định hướng nghề nghiệp” (có chương trình tọa đàm nhân lực cho tương lai, chương trình nhất nghệ tinh, tạp chí xe và công nghệ, công nghệ 4.0, ký sự du lịch).

Ngoài ra, HGTV còn phối hợp tổ chức và bảo trợ thông tin cho DNC trong một số sự kiện khác như cuộc thi Hoa khôi DNC vốn đã tổ chức thành công mấy năm nay.

Ông Nguyễn Thế Triều cho biết trong hệ sinh thái hạ tầng của HGTV, các Fanpage của HGTV hiện có gần ba triệu lượt người theo dõi, trong đó có hơn 350.000 người theo dõi từ các quốc gia khác, với lượt xem hàng tháng từ 15-17 triệu.

Trong khi đó, DNC đang thu hút gần 15.000 sinh viên, học sinh (chủ yếu ở ĐBSCL) theo học 36 ngành đại học chính quy, sau đại học và hệ vừa học vừa làm. DNC cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và phát triển mô hình “doanh nghiệp trong trường học” – đề tài mà nhà trường đã cùng với Thời báo Kinh tế Sài Gòn (nay là Tạp chí Kinh tế Sài Gòn) tổ chức hội thảo hồi tháng 8-2020.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/dnc-va-hgtv-hop-tac-ve-phat-trien-nhan-luc-va-kinh-te-dbscl/