Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Hụt hẫng nguồn lực du lịch ở Phú Quốc





Ngày 15-10 rồi, lễ khai giảng lớp cao đẳng nghề quản trị khách sạn niên khóa 2014-2017 được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc. Đây là khóa đầu tiên của chương trình “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho Phú quốc”, theo cam kết giữa trường Cao đẳng nghề Kiên Giang và công ty cổ phần Sài Gòn - Phú quốc. Lớp học có 30 học viên với 50% là học sinh và 50% là người đang đi làm trong ngành này. 

Trước đó nửa tháng, hai đơn vị này đã tổ chức hội thảo “Hướng nghiệp - ngành lưu trú & khách sạn – tương lai trong tầm tay” dành cho học sinh đang học cấp 2 và 3 tại huyện Phú Quốc và TP. Rạch Giá, không ngoài mục đích tìm kiếm nguồn lực bù đắp phần nào cho lổ hổng hiện nay trong ngành này ở Phú Quốc. 

Hội thảo cho thấy áp lực về nhân sự lao động, từ phổ thông đến quản lý cấp trung, cao của hàng chục dự án khách sạn đang mọc lên ở Phú Quốc. Chỉ với bảy dự án resort, khách sạn 4-5 sao ra đời giai đoạn 2014 - 2017 (đa phần ở hai khu Bãi Trường và Bà Kèo), đã nâng tổng số phòng từ 600 lên 2.136, tăng 371% so với hiện tại. Theo đó, cần có 4.272 nhân viên và cán bộ quản lý khách sạn các cấp đến định cư tại Phú Quốc. Riêng công ty cổ phần Vinpearl Phú Quốc, dự kiến sẽ khai trương khu nghỉ dưỡng 5 sao rộng 304 hecta ở bắc đảo vào ngày 1-11-2014 với 750 phòng và cần có 1.500 lao động. Nhu cầu này đã vượt tầm cung ứng nhân lực từ các nguồn cung cấp lâu nay ở Phú Quốc,  Rạch Giá, Cần Thơ. 

Theo ông Phùng Xuân Mai, tổng giám đốc công ty cổ phần Sài Gòn – Phú Quốc, (đơn vị đã được Tổng cục Du lịch công nhận 4 sao đầu tiên trên đảo từ năm 2005): “Thực tế này đã và đang dẫn đến sự giành giật thô bạo về lao động du lịch”. Ông Mai kể, chỉ một thời gian ngắn, Saigon – Phuquoc Resort & Spa đã “bị mất” 18 nhân sự quản lý trung, cao cấp. Thậm chí, có lần, đại diện ban tổng giám đốc một doanh nghiệp đã tổ chức phỏng vấn tuyển người của Sài Gòn – Phú Quốc ngay tại sảnh khách sạn này với lời hứa tăng thu nhập gấp đôi.

Ngoài lớp học vừa khai giảng với số học viên còn khiêm tốn ấy, tới giờ, chưa thấy có thêm khóa đào tạo bài bản nào khác về chuyện này ở Phú Quốc. Trong khi đó, theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang, đến tháng 4-2014, huyện Phú Quốc mới đáp ứng được khoảng 0,75 lao động/phòng trong khi tiêu chuẩn cần có từ 1,3-1,8 lao động/phòng. Theo một báo cáo khác của UBND huyện Phú Quốc, sáu tháng đầu năm 2014, có 267.996 lượt du khách đến Phú Quốc, tăng 25,99% so với cùng kỳ; trong đó có 72.617 khách quốc tế, tăng 34%; doanh thu đạt 1.014 tỉ đồng, tăng 52,48% so với cùng kỳ.  

Hiện nay, trước cổng Saigon – Phuquoc Resort & Spa có treo tấm bảng lớn quảng bá chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch Phú Quốc. Đây là liên kết tay ba giữa khu nghĩ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc với trường Cao đẳng nghề Kiên Giang và Elite Hospitality Group JSC, đại diện độc quyền của Viện Đào tạo khách sạn & lưu trú Hoa Kỳ (EI) tại Việt Nam. Nhưng phải sang năm 2015, phía Elite Hospitality Group JSC mới bắt đầu đào tạo cán bộ quản lý du lịch theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, do EI thẩm định và cấp chứng chỉ chuyên nghiệp. Hiện nay họ đang dành 6 tháng đào tạo giáo viên cho hai đơn vị liên kết phía Việt Nam.

Việc đào tạo nguồn lực thì tiến chậm như vậy nhưng việc xây khách sạn mới thì không dừng lại. Theo ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch thường trực UBND huyện Phú Quốc, tới tháng 9-2014, Phú Quốc đã có khoảng 4.200 phòng khách sạn và sang năm sẽ có thêm hơn 2.000 phòng nữa, chủ yếu là loại 4-5 sao. Ông Hưng còn cho biết: “Đến hết năm 2015, nhu cầu lao động mới của ngành này ở Phú Quốc cần tới 8.000 người nhưng hiện nay mới chỉ có những trung tâm đào tạo ngắn hạn”.

Lý giải cho thực trạng này, ông Huỳnh Quang Hưng nói: “Do phát triển nóng, năm năm gần đây, Phú Quốc tăng trưởng 25-26%/năm với khối lượng công việc không thua một tỉnh nhưng cơ chế bộ máy lại như một huyện bình thường”. Ông Hưng nói tiếp: “Chúng tôi đề xuất trung ương có cơ chế đặc biệt cho nguồn nhân lực Phú Quốc”. 

Bài đã đăng Báo Cần Thơ ngày 3-11-2014:



 

Đại học Nam Cần Thơ có ký túc xá khép kín



Trường đại học tư thục Nam Cần Thơ vừa khánh thành ký túc xá 2.000 chỗ ở hôm 31-10 nhân dịp khai giảng khóa 2, tại Cần Thơ. Theo ông Đỗ Quốc Anh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Gia1o dục và đào tạo: “Đây là mô hình hiếm hoi ở vùng kinh tế nông nghiệp ĐBSCL đang còn nhiều khó khăn”. 


Cần Thơ có kí túc xá khép kín

    GS.TS Võ Tòng Xuân, quyền hiệu trưởng nhà trường cho biết ký túc xá làm theo mô hình khép kín với nhiều loại hình dịch vụ như siêu thị mini, thư viện, phòng Internet… gắn với công viên, sân chơi thể thao với diện tích hơn 10.000 m2 nhằm hỗ trợ cho triết lý giáo dục của trường là vì sự phát triển và học tập thành đạt của học sinh, sinh viên. “Đến khóa 2 này, DNC đào tạo hơn 2.000 học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ở 13 ngành khác nhau theo mô hình đại học cộng đồng Hoa Kỳ, nhằm phục vụ nhu cầu nhân lực ngắn hạn và dài hạn thiết thực ở ĐBSCL”, ông Xuân nói.

    TS Nguyễn Tiến Dũng, đại diện hội đồng quản trị nhà trường cho biết kinh phí công trình này là gần 80 tỉ đồng và DNC đang miễn phí cho 500 học sinh, sinh viên đầu tiên đăng ký ở.

* Đã đăng tại Báo Sài Gòn Tiếp Thị 3-11-12014:




Và trang 2 báo Saigon Times Daily 3-11: