Huỳnh Kim thực hiện
Thứ Năm, 16/1/2020, 14:16
(TBKTSG) - Trước thềm năm
mới, nhà thơ Lê Chí nhận được tin vui khi NXB Hội Nhà văn xuất bản tập
thơ thứ 11 của mình in song ngữ Anh - Việt mang tên “If... Nếu...”.
Chúng tôi đã hỏi chuyện anh, một nhà thơ đi ra từ chiến tranh...
Nhà thơ Lê Chí với tập thơ song ngữ “If... Nếu...”. Ảnh: Huỳnh Kim |
TBKTSG: Chúc mừng anh khi tập thơ kịp ra đời đón năm mới. Cảm xúc của anh lúc này ra sao?
- Nhà thơ Lê Chí: Tôi vui lắm. Không phải chỉ vì thơ
mình được dịch ra tiếng nước ngoài mà “If... Nếu...” thực sự là sản phẩm
của tình bạn chân thành và cảm động giữa những người bạn văn Việt - Mỹ
mới quen nhau.
TBKTSG: Anh có thể kể lại câu chuyện này?
- Mùa hè năm 2015, tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi dự trại viết tại
Viện William Joiner (Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ ở thành phố Boston, bang
Massachusetts, Mỹ). Đúng hơn, đây là cuộc gặp gỡ giữa những người hoạt
động văn học đã từng tham chiến ở hai phía. Chuyện trò lan man, không có
chủ đề rõ ràng, nó như là tâm tình giữa những người bạn lâu ngày gặp
lại. Thời gian không dài lắm. Tôi cũng tranh thủ đi thăm New York và
Washington D.C. Tôi đã đứng hồi lâu trước dải tường đá đen ghi tên hơn
năm mươi ngàn lính Mỹ chết trận ở Việt Nam. Chỉ biết buồn và buồn.
Và tôi đã tặng cho những người bạn cựu chiến binh Mỹ ở Viện William
Joiner vài tập thơ tôi viết trong những năm sau chiến tranh. Không nghĩ
rồi người ta sẽ dịch thơ mình. Bỗng một ngày cuối năm 2018, nhận được
bản thảo tập “If... Nếu...”, tôi có phần ngạc nhiên. Thì ra, con người
giữa hai chiến tuyến ngày nào, để hiểu được nhau, đến được với nhau,
cũng không phải khó lắm. Với người làm thơ thì dù có những ẩn khuất
trong lòng, họ cũng khó mà giấu được nhau qua những câu chữ trần tình
biến ảo của chính mình.
TBKTSG: Việc chuyển ngữ của giáo sư Nguyễn Bá Chung và nhà thơ Fred Marchant dường như cũng rất đồng điệu?
- Tôi không nghĩ là đồng điệu hay “gặp nhau” gì đó trong những câu thơ
rời rạc của mình. Chẳng qua nó cũng là sự ngẫu nhiên vốn có trong cảm
nhận của mỗi người. Cái chính là mình có đủ thật lòng thừa nhận nó hay
không mà thôi. Rất may và cũng rất mừng là tôi sớm gặp được những người
bạn ở cách nhau nửa vòng trái đất như hai nhà thơ Nguyễn Bá Chung và
Fred Marchant. Qua “If... Nếu...”, người đọc chắc sẽ không khó nhận ra
tấm lòng của bạn đã thấm đẫm trong bản dịch tập thơ.
TBKTSG: Vậy anh gửi gắm những gì vào đây sau 10 tập thơ đã xuất bản kể từ tập đầu tiên in trong thời chiến trước năm 1975?
- Tôi chẳng có tham vọng gửi gắm gì. Làm thơ chính là để tự giải tỏa
mình. Với tôi, làm thơ còn là cách ghi chép không gian, thời gian đời
sống bằng cảm xúc mà thôi. Tôi hay nói vui với bạn bè, không thật với
thơ thì đừng mong mình thật với ai. Do vậy, những ghi chép ấy cần cân
nhắc thận trọng, bởi nó còn có thể giúp mình ứng xử với những diễn biến
phức tạp của cuộc sống hàng ngày.
TBKTSG: Tết này anh lên tuổi 81. Và dường như người con của đất Cà Mau này vẫn thích “ngẫm nghĩ cà phê” như mấy chục năm qua?
- Tôi sống thực tế, cố gắng “làm vệ sinh” thường xuyên đầu óc mình để
bớt mất thời giờ cho những nghĩ ngợi mà mình không với tới được. “Liệu
cơm gắp mắm” cũng là cách tôi thường nghĩ để tự điều chỉnh mình.
“If...
Nếu...” gồm 33 bài tuyển dịch từ bốn tập thơ Nhớ, Hạc, Thời gian, Đời
của nhà thơ Lê Chí đã in trong hơn 40 năm nay. Dịch giả là hai giáo sư
văn học và là nhà thơ. Nguyễn Bá Chung, Việt kiều Mỹ, là đồng dịch giả
tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu và tác giả của bốn tập thơ xuất bản
trong nước: Mưa ngàn, Ngõ hạnh, Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh,
Nguồn. Fred Marchant là tác giả của năm tập thơ; ông cũng là đồng dịch
giả với Nguyễn Bá Chung về hai tuyển thơ Trần Đăng Khoa và Võ Quê.
Đã đăng trên: TBKTSG Online: