Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Tác giả Dạ cổ hoài lang và quê hương qua một bộ truyện tranh



(TBKTSG) - Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Festival Đờn ca tài tử Nam bộ tại tỉnh Bạc Liêu (từ ngày 24 đến 29-4-2014). Cũng lần đầu tiên, ra đời một bộ truyện tranh gồm 3 quyển góp sức quảng bá cho quê hương của tác giả bản Dạ cổ hoài lang nhân sự kiện lễ hội này.
 

Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu; Cao Văn Lầu và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; Đồng Nọc Nạng là tựa 3 quyển trong bộ truyện tranh vừa ra mắt. Sách do NXB Trẻ phối hợp với Công ty Metinfo ở Cần Thơ và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bạc Liêu thực hiện, giá bìa mỗi cuốn 25.000 đồng.

Xem xong bộ truyện tranh này, có thể chia sẻ với thông điệp của người làm sách, cũng là lời của một nhân vật trong Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu đã thốt lên ở cuối truyện: “Đất Bạc Liêu hữu tình, người Bạc Liêu mến khách”.

Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu kể câu chuyện một nữ sinh quê Bạc Liêu học ở TPHCM đưa một nam sinh viên người Pháp thăm quê nhà trong mấy ngày ngắn ngủi. Thế mà bạn đọc như hóa thân vào chính hai nhân vật này để sống chan hòa cùng Bạc Liêu xưa và nay với bao khám phá thú vị.

Trang 18 là tranh vẽ cách điệu thành phố Bạc Liêu bây giờ với chú thích: “Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa”.

Trước khi dừng chuyện, người làm sách đã để cho chàng trai du khách Pháp ấy nói với bạn đọc như vầy: “Bạc Liêu xứng danh là nơi hội tụ tài tử. Không ít người quê nơi khác nhưng thành danh khi đến Bạc Liêu. Khi sống và cống hiến cho Bạc Liêu, các bậc tài danh này đã để lại những địa chỉ mà ngày nay là những điểm hẹn văn hóa”.

Hai quyển kia, là chuyện kể cụ thể về hai trong số những điểm hẹn văn hóa - lịch sử ấy của Bạc Liêu.

Xem Cao Văn Lầu và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, như được sống trong thời Nam tiến mở cõi của tiền nhân với những người “tiên phuông” làm thầy võ, thầy thuốc, thầy đờn, thầy văn. Và ở đó, đã ra đời một thầy đờn Cao Văn Lầu tài hoa với bản Dạ cổ hoài lang, “viên ngọc quý” của đờn ca tài tử Nam bộ - dòng nhạc vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tới trang 21, ta gặp lại GS.TS. Trần Văn Khê với lời đề nghị, nên “Đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Điều này sẽ làm cho lớp trẻ hiểu, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, để mỗi người đều góp phần vào việc giữ gìn, phát huy và biết trân trọng môn nghệ thuật này”.

Còn với cánh đồng Nọc Nạng, nhân dịp đi chơi Festival Đờn ca tài tử đang diễn ra ở Bạc Liêu, bạn thử đến thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia này (hiện ở ấp 4, xã phong Thạnh A, huyện Giá Rai) để nghe lại câu chuyện ly kỳ về cuộc đấu tranh giữa người nông dân với nhà cầm quyền lúc đó, đã được kể lại trong truyện tranh Đồng Nọc Nạng.

Cả ba câu chuyện này, đều được Hữu Tâm, một họa sĩ khuyết tật ẩn danh ở đất Cần Thơ, thể hiện đầy hồn phách qua nét vẽ chân phương, cổ điển theo dòng hội họa truyền thống phương Nam.

Loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo



Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ; hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam bộ.

Nền tảng của các bản đờn ca tài tử là 20 bản tổ (6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 Bài), dân gian thường gọi là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Bài. Theo giới đờn ca tài tử, người hiểu biết về loại hình nghệ thuật này không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau.

Bạc Liêu là một trong những cái nôi lớn của đờn ca tài tử Nam bộ với bài Dạ cổ hoài lang (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) ra đời vào năm 1918 của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890-1976).