Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Nhà thơ Lê Chí kể chuyện chiến tranh

HUỲNH KIM

15/01/2023 - 08:12

Cận Tết, nhà thơ Lê Chí bất ngờ ra mắt tập thơ “Những câu thơ còn mất” (NXB Hội Nhà Văn, quý IV-2022). Ðây là 38 bài thơ tác giả chọn từ hàng trăm bài đã viết từ thời chiến.

Trong lời đề từ in ở hai bìa gấp, nhà thơ Lê Chí viết, đó là “những con chữ đơn sơ vàng úa / máu / nước mắt / và hy vọng”; và “những câu thơ dù còn hay mất / cũng chính là tôi / hơn năm mươi năm trước”.
Với chúng tôi, người làm báo, đây như là 38 bài phóng sự chiến tranh viết bằng thơ. Là những trận chiến ác liệt, những tấm gương chiến đấu hy sinh, những con người cụ thể, già, trẻ, gái, trai bám đất bám làng. Là tình nhà nợ nước, khát vọng giải phóng quê hương, khát vọng hòa bình của quân dân miền Tây Nam Bộ. Hồi đó, nhà thơ Lê Chí là cán bộ tuyên huấn của Mặt trận T3 (về sau là Quân khu 9), bám trụ suốt ở các địa bàn Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau… Anh vừa cầm súng để chiến đấu vừa cầm bút để làm thơ.

Xin ghi lại đây tên gọi của cả 38 bài thơ này để bạn đọc dễ hình dung nỗi lòng của tác giả: "Ánh đèn sông Hậu", "Ngọn núi quê hương", "Một chặng đường dây", "Cô gái Viên An", "Cây sào nạng", "Mặt trận anh hùng", "Con thoi lửa", "Mo So", "Chuyện hai cô gái dập pháo màu", "Dưới gốc cây cù oanh", "Cô phó chủ tịch Ủy ban giải phóng", "Ðường ta", "Về thăm Phụ Tử", "Chị cán bộ vùng ven", "Du kích Ba Trinh", "Thạch Coi", "Chào các anh các chị", "Mẹ con chị Sáu và con chó con", "Ðêm qua cồn Tân Quy", "Cánh tay anh Khánh", "Từ lòng cát này", "Nghe một người nữ du kích kể chuyện", "Xa nước", "Về nơi em hỏi", "Muối Cồn Cù", "Tuổi nhỏ đất này", "Một thế tiến công", "Người con gái Tô Châu", "Chị gác biển đêm", "Trường Long Hòa", "Chiều qua sân bay dã chiến Long Toàn", "Ðường quê", "Những nhà sư ở đây", "Qua rừng năm ấy", "Xa-ma-ki", "Lên đỉnh Cô Tô", "Cô gái đánh xe bò", "Ven biển, tôi về".

Mới đây, gặp mặt một số bạn bè văn nghệ Cần Thơ, ôn lại những câu chuyện ấy, anh Lê Chí kể những năm 1965-1966, riêng vùng Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh được địch mệnh danh là vùng “tát dân”. Vì trên trời có B52, B57 đánh bom, ngoài biển pháo hạm tàu bắn vào, quyết tát cho hết dân ra khỏi vùng giải phóng. Hay như hồi tháng 4-1970, trận Mo So ở Kiên Lương, Kiên Giang, địch dùng tới 3 sư đoàn quần nhau 40 ngày đêm với quân dân vùng giải phóng. “Thời đó ai cũng coi cái chết tợ lông hồng. Hồn nhiên, tự hào lắm!”, nhà thơ Lê Chí nói.

Xin trích một số đoạn từ những câu chuyện này: "ánh đèn nối chặt hai bờ sông / nối những tấm lòng những ước mong / nối lửa tiền phương về hậu tuyến / và nối Hồng Hà với Cửu Long" ("Ánh đèn sông Hậu"); "ta hiểu rồi dẫu đổ nát bao nhiêu / Mo So vẫn tấm lòng của mẹ / ta mãi mãi là đứa con nhỏ bé / những đứa con lớn giữa tháng năm dài / nỗi mong chờ ánh sáng tương lai (…) Mo So ơi nào có phải lần đầu / ta biết núi lớn lên từ cay đắng / dẫu hôm nay vang trời chiến thắng / núi như vừa mới lớn mà thôi" ("Mo So"); "bộ đội lại tiến quân trăm ngả / đường hành quân rộn rã nhạc xe bò / cô gái nắng thơm dòn đôi má / chiếc khăn hoa cà mái tóc phất phơ / chào vội vã giữa ngày chiến thắng / bộ đội hỏi đùa: có mệt không em? / xe lên dốc vẫn băng chạy thẳng / cô gái ngoảnh cười: ngó mặt em xem!" ("Cô gái đánh xe bò").

Ðặc biệt, câu chuyện thơ “Một chặng đường dây” viết về những cô gái thanh niên xung phong trong tuyến đường dây 1C những năm 1969 chuyên đưa đón bộ đội, cán bộ vượt đồn bót để “về thành” hay ra trận, đã làm cho soạn giả - nhà thơ Anh Ðộng cảm tác thành bài vọng cổ “Dệt chặng đường xuân” mà nay vẫn nghe nhiều người mê mẩn hát.

Xin trích ba đoạn trong bài thơ này: "chúng tôi lại ra đi khi gà chưa gọi sáng / trăng mùng mười còn giỡn nước đầm sen / vẫn cơm gói mo cau vẫn xuồng ba lá / chiếc khăn rằn và khẩu súng thân quen (…) cánh đồng rộng trải mình ôm tiếng gió / cô gái giao liên đưa nón xuống mỉm cười / chiếc sào nạng kéo dài trên mặt nước / tới nơi rồi các chị các anh ơi (…) đi, đi suốt ngày đêm không nghỉ / tim liền tim giữa đất chiến hào / bước mỗi bước trên đường đánh Mỹ / thấy tâm hồn phơi phới bay cao".

Và không phải ngẫu nhiên nhà thơ Lê Chí đã chọn bức tranh Chim bồ câu hòa bình của danh họa Picasso vẽ từ năm 1961 để làm ảnh bìa cho tập thơ chinh chiến này. Nhà thơ quê Cà Mau ấy muốn gởi thông điệp “kể chuyện chiến tranh để gìn giữ hòa bình”. 

Đã đăng trên: Cần Thơ Online

https://baocantho.com.vn/nha-tho-le-chi-ke-chuyen-chien-tranh-a155467.html