Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Đồ cổ cuối năm

Đồ cổ cuối năm
Chụp tại nhà anh Lê Chí, sáng ngày 31.12.2013

10 năm ấy, Cần Thơ và Hậu Giang…



Nhân kỷ niệm 10 năm chia tách tỉnh Cần Thơ thành TP.Cần Thơ trực thuộc T.Ư và tỉnh Hậu Giang (1.2004 - 1.2014) - không hẹn mà gặp, hai địa phương này vừa xuất bản hai quyển kỷ yếu: Thành tựu 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ươngHậu Giang, 10 năm một chặng đường.
  

Tập sách của Cần Thơ dày 200 trang, khổ 19 x 27 cm, in màu 1.000 cuốn bìa cứng, tập hợp nhiều bài vở, hình ảnh, sơ đồ, thống kê, được trình bày chăm chút tập trung vào chủ đề đúng như tên sách.



Ngay ở lời nói đầu, có thể chia sẻ với mục đích và kỳ vọng của người làm sách: “Đây là ấn phẩm nhằm khẳng định những thành tựu đạt được trong 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương; kết quả của quá trình thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TƯ ngày 17.2.2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; qua đó giới thiệu những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, triển vọng và hình ảnh về đất nước, con người thành phố Cần Thơ; đồng thời tạo niềm tự hào, tin tưởng của người Cần Thơ vào sự phát triển của thành phố trong thời gian tới”.

Trang tiếp theo in bút tích và chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng sự kiện này. Ở đoạn thứ hai, Thủ tướng nói về tương lai của TP.Cần Thơ: “Tôi tin tưởng rằng, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình và thành tựu đã đạt được, xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo và khoa học - công nghệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước”.

Những ý chính của hai đoạn trích trên đây được thể hiện qua nội dung còn lại của tập sách gồm 64 bài viết của các nhà báo và cộng tác viên Báo Cần Thơ cùng nhiều vị lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nhân ở Cần Thơ. Các bài viết và hình ảnh minh họa này được chia thành 4 phần: Xây dựng nền tảng vững chắc; Thành tựu phát triển và hội nhập; Góc nhìn của các tầng lớp nhân dân về TP. Cần Thơ; Cần Thơ phấn đấu khẳng định vị trí trí trung tâm vùng và vai trò kết nối ĐBSCL. Phần cuối cùng là phụ lục gồm hình ảnh các vị lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.Cần Thơ từ 2004 đến nay cùng danh sách tập thể, cá nhân được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và thống kê các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của TP.Cần Thơ giai đoạn 2004 - 2013.

Kỷ yếu của Hậu Giang cũng in màu 1.000 cuốn, bìa cứng, dày 342 trang khổ 16 x 24 cm. Thủ bút và chữ ký của Thủ trướng Nguyễn Tấn Dũng đăng sau lời nói đầu, nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng tỉnh Hậu Giang sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa thành tựu đã đạt được và truyền thống tốt đẹp của mình, xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, toàn diện, giàu đẹp văn minh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiêp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ngoài những nội dung gắn với tên sách Hậu Giang, 10 năm một chặng đường, kỷ yếu của tỉnh Hậu Giang dành phần nhỏ cho “thì tương lai”, gồm có bài “Xây dựng quyết tâm chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực hành động” của ông Trần Công Chánh, Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi vốn đầu tư cùng các dự án nhà máy nhiệt điện trong tỉnh.

Khác Cần Thơ, ở phần cuối cuốn kỷ yếu của Hậu Giang có thêm mảng sáng tác của văn nghệ sĩ gồm 2 ca khúc và 2 bài vọng cổ ca ngợi đất và người Hậu Giang.

Cả hai tập sách, dù chỉ nhìn lại 10 năm, nhưng trong chặng đường ấy, đọng lại cả một thời khai phá đất phương Nam của cha ông ta. Như trong lời nói đầu của tập kỷ yếu Hậu Giang, có nhắc: “Hậu Giang xưa là một vùng đất hoang vu, khai phá vào giai đoạn cuối của quá trình khẩn hoang, sau khi Nam kỳ lục tỉnh trở thành nơi đô hội… Sau gần 300 năm, lịch sử như lặp lại đối với những người đi xây tỉnh mới”.


* Mời đọc thêm tạo Báo Thanh Niên ngày 31.12.2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131231/10-nam-ay-can-tho-va-hau-giang%E2%80%A6.aspx


Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Hàng đặc sản sẽ vào siêu thị nhiều hơn


(TBKTSG Online) - Việc đưa hàng đặc sản các vùng miền, các làng nghề vào siêu thị nhiều hơn là kỳ vọng được nêu lên tại tọa đàm “Kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất đặc sản miền Tây và Đông Nam bộ với hệ thống siêu thị” tổ chức tại Cần Thơ chiều 26-12, do siêu thị Co.opmart, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, báo Tuổi Trẻ và báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp tổ chức.



Tọa đàm “Kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất đặc sản miền Tây và Đông Nam bộ với hệ thống siêu thị”

Dự tọa đàm, đại diện các cơ sở đặc sản ở An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu đều cho rằng, đặc sản vùng miền của Việt Nam rất phong phú, đa dạng; từ gạo, thủy sản cho đến các loại rau trái… đang tiêu thụ tốt ở các chợ truyền thống nông thôn, rất cần được đưa vào siêu thị để đến được với người tiêu dùng thành thị và khách du lịch nước ngoài.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Sài Gòn Coop (Siêu thị Co.op Mart), cho biết: “Theo điều tra của hệ thống siêu thị Co.op Mart, từ ba năm nay, sản phẩm đóng hộp không tiện dụng bị khựng lại trong khi sản phẩm đặc sản đóng gói tiện dụng tăng 30%”.

Ông Nhân công bố tiếp một số yêu cầu thực tế của thị trường từ kết quả điều tra này: 88,3% khách hàng cần sản phẩm đạt chất lượng và an toàn cho sức khỏe; 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm có chất lượng tốt hơn; 36% người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm vi phạm chất lượng; 64,5% người tiêu dùng thích xài sản phẩm thuận tiện sử dụng; 85% người tiêu dùng xem xét nguồn gốc sãn xuất; 79% người tiêu dùng chọn hạn sử dụng; 63% chú trọng giá cả; 61% chú trọng thương hiệu; 33% coi trọng bao bì; 90% người tiêu dùng tin rằng hàng mua tại siêu thị là hàng chất lượng…

Từ đó, ông Nhân nói rõ những yêu cầu chính để hàng đặc sản làng nghề vào được siêu thị. Đó là, phải có đầy đủ chứng từ hợp pháp liên quan tới sản xuất, kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ; nguồn hàng ổn định; có hệ thống cung ứng, vận chuyển; có thương hiệu kèm giá cả, mẫu mã, bao bì phù hợp.

Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart nhấn mạnh rằng, cái thiếu nhất lâu nay với các chủ cơ sở sản xuất và làng nghề đặc sản là thiếu thông tin cần thiết về những việc này. Ông Nguyễn Thành Nhân nói tiếp: “Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đang cùng với các siêu thị và các cơ quan truyền thông hỗ trợ các làng nghề, cơ sở sản xuất đặc sản lo việc này. Riêng hệ thống siêu thị Co.op Mart sẽ hỗ trợ ba việc: trưng bày sản phẩm, xét duyệt 6 tháng một lần và chiết khấu 50% trong lần đầu đầu vào siêu thị”.
Bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH Trà túi lọc Tâm Lan (Tây Ninh) tỏ ra phấn khích trước các thông tin này và cho biết: “Sản phẩm Trà Tâm Lan 6 năm nay không tăng giá nhờ sản xuất khép kín bằng dây chuyền xanh – sạch 100% và chấp hành đầy đủ mọi quy định của pháp luật nên chắc chắn là Trà Tâm Lan sẽ đủ tiêu chuẩn để tham gia bán hàng trong hệ thống siêu thị Co.op mart”.

Ông Nguyễn Phụng Hoàng, Giám đốc Công ty Mắm Bà giáo Khỏe 555 (Châu Đốc - An Giang), chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi luôn tiếp xúc với hệ thống phân phối hiện đại để biết tự đổi mới theo yêu cầu thị trường. Thí dụ, mùi mắm nấu lẩu nội địa phải cao hơn mùi mắm nấu lẩu xuất khẩu. Nhờ vậy, lâu nay, 60% là hàng xuất khẩu và 40% tiêu thụ nội địa”.

Ông Trần Anh Thuy, Giám đốc Công ty Rượu Phú Lễ (Bến Tre) cho biết nhờ tham gia chương trình “Giỏ quà Tết” của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và siêu thị Co.op mart từ tết năm ngoái mà tới nay, rượu Phú Lễ đã vào được 30 siêu thị trong cả nước.

Nói về vai trò của Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động này, ông Trần Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, nhấn mạnh: “Mỗi địa phương đều có chính sách khuyến công và xúc tiến thương mại; họ sẵn sàng giúp tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp và cung cấp nhiều thông cần thiết khác như Trà Vinh đã và đang làm. Đề nghị các cơ sở và làng nghề đặc sản nên hợp tác với các chương trình này thông qua các sở công thương và trung tâm xúc tiến thương mại địa phương để đạt được các yêu cầu đưa hàng vào siêu thị”.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – đơn vị nòng cốt thực hiện chương trình này, nhấn mạnh: “Nếu các tỉnh đều có câu lạc bộ đặc sản làng nghề như một số tỉnh đang làm tốt thì chúng ta sẽ làm được những điều mà chúng ta vừa tính, đưa hàng đặc sản vào siêu thị nhiều hơn, hiệu quả hơn”.

Bài đã đăng tại TheSaigontimes.vn
http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/thuongmai/107892/Ha%CC%80ng-dac-san-se-vao-sieu-thi-nhieu-hon.html


Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Thơ của một nhà báo

Phạm Đức Mạnh là hội viên Chi hội Văn nghệ TP.Cần Thơ từ năm 1985 khi Cần Thơ chưa tách tỉnh, sau đó anh về TP.HCM làm việc ở Thời báo Tài chính Việt Nam cho tới giờ. Tưởng đã quên mất thơ, hổng dè anh vừa cho in liền hai tập thơ Đừng theo trăng em nhé và Đong đầy kỷ niệm (NXB Hội Nhà văn, quý 3 và 4.2013).


Nhà thơ Ý Nhi đã viết 8 trang giới thiệu tập thơ đầu với mở đầu như vầy: “Phạm Đức Mạnh không e dè khi nói ra quan niệm thơ của mình: Dập dềnh phiêu dạt nổi trôi/ Lấy thơ cột giữ mong đời bình yên” và: “Không viết được, lòng biến thành giông bão/ Cứ quay cuồng cảm xúc ở nơi em. Với anh, thơ là điểm tựa, là sự giải tỏa, cũng có thể nói là “giải pháp tối ưu” cho những cung bậc, những dạng thức tình cảm của mình giữa cuộc đời nhiều bất trắc, lo âu mà cũng nhiều niềm hoan lạc, nhiều yêu thương này”.   

Thơ của một nhà báo

Đọc 100 bài trong tập này, thấy nhận xét của nhà thơ Ý Nhi đáng được chia sẻ. Dường như cái nghề làm báo của tác giả (thường đòi hỏi lý tính nhiều hơn) đã “dẫn” tới cái mà Ý Nhi nói là “giải pháp tối ưu” đó trong thơ của anh. Ngay như ở bài Đừng theo trăng em nhé mà anh chọn đặt tên cho cả tập thơ tình yêu này, cảm giác đầu tiên thấy hơi “màu mè” nhưng đọc tiếp dễ thông cảm với “giải pháp ghen tuông” muôn thuở trong tình yêu mà tác giả chọn lựa để giải tỏa. Đầu tiên là: Em ơi trăng sáng quá/ Đừng thả hồn đi đâu. Tiếp đó: Đừng theo trăng em nhé/ Khi một mình đơn côi/ Trăng càng buồn càng tỏ/ Rót men tình lả lơi/ Đừng theo trăng em nhé/ Lạc biển đời mênh  mông/ Nhỡ gặp con sóng lạ/ Cuộc đời thành hư không. Để tới cuối câu chuyện, anh đề nghị: Hãy cùng trăng lứa đôi/ Tát bể sầu ngăn lối/ Phía yêu thương em đợi/ Phía đợi chờ anh mong. Ở đây, nói như nhà thơ Ý Nhi, nhà báo Phạm Đức Mạnh “còn tạo ra cho mình một vầng trăng có tên là trăng lứa đôi”.

Sang tập Đong đầy kỷ niệm, chính tác giả viết lời nói đầu, có đoạn: “Tôi chọn nghề làm báo dấn thân, làm kế mưu sinh, để đong cho mình những kiến thức cần thiết… Và trong sự sàng lọc tốt - xấu ấy, thơ mang đến và bù đắp cho tôi sự thanh thản; giúp tôi gạt bỏ đi mọi thứ tầm thường nhởn nhơ”. Ở tập này, 71 bài thơ là 71 câu chuyện cuộc đời của anh, đi từ tuổi thơ nghèo khó ở quê nhà Xuân Thành, Xuân Trường (Nam Định), rồi thời ở lính cho tới những tháng ngày “biết đủ thì đủ” trong cuộc sống công nghiệp hiện tại giữa lòng TP.HCM.

Trong dòng kỷ niệm này, bóng dáng nghề làm báo của anh, mà rõ nhất ở đây là sự tỉnh táo, cắt gọt câu chữ… ẩn hiện trong nhiều bài thơ. Thí dụ ở bài lục bát Tự răn này: Cuộc đời là kiếp đi vay/ Trăm năm - phải trả tháng ngày trần gian/ Giành nhau son thếp, lộc vàng/ Cũng về nơi ấy - nào mang được gì/ Tham lam, ích kỷ làm chi/ Mai sau bia miệng tiếng chì khó phai.

Ở bìa sau tập thơ này, tác giả trích in mấy dòng lục bát: Đi xa/ lâu trở về quê/ Ngõ hồn rơm rạ buồn khê ngóng chờ/ Hàng cau/ hoa trắng thẫn thờ/ Tơ lòng vương vấn bóng mờ người xưa. Xin chia sẻ với anh - và với nhà thơ Y Nhi ở nhận xét này: “Phạm Đức Mạnh đã chọn thơ. Vậy thì, lời cầu chúc cho anh chính là: mong anh giữ mãi được tình yêu với thơ và cùng với ngày tháng, sẽ có thêm thơ hay”.


Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131224/tho-cua-mot-nha-bao.aspx

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Bí quyết giàu mạnh của Israel



Cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp nhỏ gọn, có thể cầm trong bàn tay, được NXB Thế Giới in tới 165.000 bản vào quý 4-2013 và không bán (*). Sách do chương trình Khởi nghiệp – kiến quốc của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn Trung Nguyên tài trợ nhằm vun đắp khát vọng làm giàu của giới trẻ.   

Theo tác giả, Dan Senor và Saul Singer, “Để viết cuốn sách này, chúng tôi đã đánh giá lịch sử và văn hóa Israel, chắt lọc những câu chuyện của các công ty để tìm hiểu cội nguồn năng lượng sáng tạo của dân tộc Do Thái và những biểu hiện của nó”.




Nhớ hồi tháng 9-1999, đi dự một hội chợ nông nghiệp quốc tế ở Israel, chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu và tự giải đáp được phần nào lý do Israel xuất khẩu được nhiều hàng nông sản sang châu Âu trong khi đất đai của họ phần lớn là sa mạc. Câu trả lời lúc đó chỉ dừng ở chỗ, vì họ luôn biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất theo mô hình nông trang (kibbutz). Thí dụ với cà chua, họ chỉ trồng giống mới trong nhà kính, chăm sóc tự động với công nghệ “tưới nhỏ giọt” và cây luôn cho trái ngon với năng suất cao gấp 8 lần cà chua Việt Nam. Giờ đây, đọc cuốn sách này (qua bản dịch của Trí Vương), hiểu thêm được cốt lõi của thành công đó và hiểu vì sao hai tác giả Dan Senor và Saul Singer lại đặt tên sách là Quốc gia khởi nghiệp

Israel nằm bên bờ Địa Trung Hải, chỉ có gần 8 triệu dân trong nước và hơn 6 triệu kiều bào ở ngoài nước và nói như Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, “Israel được thành lập chỉ mới 65 năm trong những điều kiện địa lý, chính trị khó khăn và không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nào”, thậm chí nước ngọt cũng phải đi mua từ nước khác về xài. Vậy mà đây lại là một quốc gia, như lời Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, “đã sản sinh ra vô số chủ nhân Nobel, khoa học gia lỗi lạc và những nhà chính trị - kỹ nghệ đại tài để kiểm soát các lĩnh vực then chốt của thế giới” và “sản sinh ra nhiều công ty khởi nghiệp hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới” (Đại sứ  Meirav Eilon Shahar). Về kinh tế, GDP đầu người năm 2011 của Israel cao hơn Việt Nam 23 lần (32.123 đô la Mỹ/1.392 đô la Mỹ) và họ đã vượt qua mọi trở ngại trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái. 

Bí quyết thành công của Israel chính là ở sự sáng tạo công nghệ và tinh thần khởi nghiệp không ngừng. Đại sứ Meirav Eilon Shahar nhấn mạnh: “Sáng tạo công nghệ đã trở thành nền tảng cho thành công của nền công nghiệp công nghệ cao của Israel trong hơn một thập kỷ qua” và “những công ty khởi nghiệp của của Israel tiếp tục thu hút phần lớn nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư địa phương và toàn cầu”. Tinh thần đó nhất thiết phải được nuôi dưỡng trong một thể chế phù hợp - như một số ý kiến của cựu Tổng thống Israel Shimon Peres, trong cuốn sách này: “Vốn liếng duy nhất mà chúng ta có thể sử dụng chính là con người”; “Là những nhà trí thức và lý tưởng nhưng họ không ngại ngần cày xới ruộng đồng bằng đôi tay của chính mình. Khi phát hiện đất đai khô cằn và thiếu nước, họ đã chuyển sang phát minh và khoa học kỹ thuật”; “Lựa chọn duy nhất của Israel là theo đuổi chất lượng dựa trên sự sáng tạo”.

Các tác giả cho rằng dân Israel vừa biết chơi với nhau và chơi với thế giới: “Những công ty công nghệ và giới đầu tư toàn cầu đang mở đường đến Israel và ở đây, họ tìm thấy sự kết hợp độc đáo giữa sự táo bạo, óc sáng tạo và những con người quả cảm. Điều này lý giải tại sao số lượng các công ty Israel có tên trên sàn chứng khoán NASDAD nhiều hơn tất cả các công ty của châu Âu cộng lại, Israel là quốc gia có mật độ các doanh nghiệp mới thành lập nhiều nhất thế giới”.

Bí quyết giàu mạnh của Israel còn ở chỗ, phải biết thoát khỏi chủ nghĩa kinh nghiệm vì đó không phải là nền tảng của sáng tạo cái mới như khái quát của cựu Tổng thống Israel Shimon Peres: “Để trở thành chuyên gia tương lai, tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm”. Và ông cho rằng Quốc gia khởi nghiệp là một cuốn sách “được xem như bản tóm lược tạm thời về lịch sử của Israel, một đất nước mà bản thân nó lúc nào cũng trong giai đoạn khởi nghiệp”.

(*) Để được tặng sách này, mời bạn đọc truy cập vào: www.100trieucuonsach.com hoặc www.vikhatvongviet.com


***

Bài đã đăng tại Báo Cần Thơ ngày 12-12-2013:
http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&p=0&id=143004

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

TP Cần Thơ sắp kỷ niệm 10 năm trực thuộc Trung ương


Trả lời báo giới tại cuộc họp báo sáng nay (5-12) về kinh phí tổ chức kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, ông Trần Việt Phường – Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP Cần Thơ kiêm phó trưởng ban tổ chức sự kiện này, nói: “Để tiết kiệm, ban tổ chức đã cắt bớt nội dung và vận động tài trợ. Đến nay, tổng kinh phí dự kiến sẽ chi trên 10 tỉ đồng, trong đó ngân sách góp hơn 4 tỉ, còn lại là do các đơn vị tham gia tự chi là chính và vận động tài trợ của các doanh nghiệp”.




Hai trong số những nội dung cắt bớt là hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ và họp báo quốc tế (dự tính tổ chức vào ngày 27-12 tới).

Chuỗi sự kiến còn lại, có nội dung kéo dài đến Tết Nguyên Đán, gồm: khai mạc đại hội thể dục thể thao TP Cần Thơ (ngày 19-12-2013); triển lãm - hội chợ “TP Cần Thơ – 10 năm thành tựu và phát triển” (từ 28-12-2013 đến 3-1-2014); chương trình nghệ thuật chào mừng 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc trung ương (29-12); tổ chức “đường đèn nghệ thuật” và “đường hoa nghệ thuật” đón Tết (từ 22-12 đến 9-2-1014); hội thi trái ngon ĐBSCL (từ 28-12 đến 3-1-2014); ngày hội bánh dân gian và liên hoan ẩm thực Nam bộ (từ 23 đến 25-1-2014); triển lãm hình ảnh và kiến trúc Cần Thơ 10 năm qua (28-12 đến 3-1-2014).


Ông Trần Việt Phường tại cuộc họp báo sáng ngày 5-12 

TP Cần Thơ được tách từ tỉnh Cần Thơ và trực thuộc trung ương từ ngày 1-1-2004; đến ngày 17-2-2005, được Bộ Chính trị xác định tại nghị quyết số 45, đây là TP trung tâm, động lực phát triển của ĐBSCL và là cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mekong.

Đến nay, dân số TP Cần Thơ có trên 1,23 triệu người, GDP bình quân đầu người năm 2012 là 2.514 đô la Mỹ. Kế hoạch đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ là dịch vụ (42,32%) – công nghiệp – xây dựng (51,35%) – nông, lâm, ngư nghiệp (6,33%); GDP tăng 17,15%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,389 tỉ đô la Mỹ; thu hút gần 1,9 triệu lượt du khách…

Bài đã đăng tại The Saigon Times Daily:



Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Đại sứ Mỹ: TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc



Trả lời TBKTSG sau buổi thuyết trình đầu tiên ở Việt Nam về Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Đại học Cần Thơ chiều ngày 21-11, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear nói: “TPP đang vào giai đoạn đàm phán căng thẳng nhưng tôi hi vọng sẽ kết thúc vào cuối năm nay”. Trước đó, ông đã đi thăm một số tỉnh ở ĐBSCL.

Mở đầu thuyết trình, Đại sứ David B. Shear nhắc lại chuyện Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama vừa thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt. Ông nói: “Đây là một bước tiến lớn trong quan hệ song phương và với tư cách là Đại sứ, tôi bảo đảm rằng mối quan hệ này sẽ tạo ra sự khác biệt trên khắp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL”. Xác nhận điều này đã làm cho mình cảm thấy “đặc biệt hào hứng” để có buổi nói chuyện về TPP trước hơn 200 giảng viên và sinh viên ĐBSCL học tại Đại học Cần Thơ, ông nhấn mạnh: “TPP hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho các nước thành viên, có lẽ nhiều nhất là cho Việt Nam”. 

Ngắn hạn, xuất khẩu tăng 37% 


Nói về lợi ích ngắn hạn, Đại sứ David B. Shear cho là “rõ nét hơn” và thường tập trung vào các lĩnh vực như da giày, dệt may, hàng nông thủy sản - “những lĩnh vực Việt Nam vốn đang sở hữu lợi thế cạnh tranh”. Dẫn số liệu từ một khảo sát quốc tế, ông nói: “Xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ tăng 37% trong những năm đầu TPP” và giải thích: “Từ kinh nghiệm tham gia vào hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và WTO của Việt Nam, chúng ta có thể hy vọng cả mức đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tại Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể”.  

Đại sứ David B. Shear lạc quan cho rằng, “ngay bây giờ, trong giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán TPP, hiện tượng này đã bắt đầu diễn ra” và “mong chờ TPP trong tương lai gần, các nhà đầu tư khắp khu vực đang tích cực thăm dò những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam”. Ông dẫn chứng: “Tháng 8 rồi, một nhóm hơn 30 lãnh đạo cao cấp các tập đoàn từ Hongkong đã sang Việt Nam để tìm hiểu khả năng đầu tư vào các dự án sợi, dệt, nhuộm nhằm đón đầu và khai thác những lợi thế TPP sẽ mang lại”. Ngoài ra, theo đại sứ thì “Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ việc mở rộng cửa vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác vì TPP sẽ giảm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu then chốt của Việt Nam”.  

Dài hạn, tiềm năng rất lớn


Theo Đại sứ David B. Shear: “Về dài hạn, thành quả mang lại sẽ có tiềm năng rất lớn”. Ông cho rằng, nhờ TPP, Việt Nam sẽ dần hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. “Thí dụ trong nông nghiệp - lĩnh vực rất quan trọng đối với ĐBSCL - TPP sẽ mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại hơn, vì vậy sẽ giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, tăng tính hiệu quả, tăng lợi nhuận và mang lại khả năng cạnh tranh cao hơn trên toàn cầu”, ông nói. Một khi chuyện này diễn ra thì: “Sẽ giúp mang lại lợi ích cho Việt Nam theo hai hình thức: thứ nhất, củng cố và khẳng định vai trò đóng góp của Việt Nam trong việc bảo vệ an ninh lương thực trong khu vực; thứ hai, TPP sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm và phát triển sản xuất thực phẩm chế biến”, đại sứ cho biết.

Đại sứ Mỹ nói tiếp: “Đa số những thành quả dài hạn sẽ có mối liên hệ với những lĩnh vực kinh tế mới nhưng hiện nay vẫn chưa phát triển hết quy mô hay chưa xuất hiện tại Việt Nam, vì nó đòi hỏi phải có tay nghề và trình độ khoa học kỹ thuật cao”. 
 

Có bất lợi gì không?


Trước băn khoăn về những bất lợi khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị kịp với yêu cầu của TPP, Đại sứ David B. Shear “đả thông” như vầy: “Cũng có một số người không đồng ý với tự do thương mại do e ngại sự cạnh tranh. Họ cho rằng các thị trường trong nước cần thêm thời gian để phát triển. Điều này từng xảy ra trong lịch sử của đất nước chúng tôi, khi Hoa Kỳ hoàn tất hiệp định thương mại khu vực đầu tiên - Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ. Mexico lo ngại rằng hàng nhập khẩu nông nghiệp từ Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân Mexico và lượng hàng nông nghiệp Mỹ nhập khẩu vào Mexico gia tăng. Tuy nhiên, tiếp cận thị trường Hoa Kỳ lại tạo điều kiện cho nông dân Mexico phát triển. Thập niên đầu tiên từ sau khi hiêp định này được ký kết, lượng hàng nông nghiệp từ Mexico xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gấp đôi”.  

Theo đại sứ, “các điều khoản trong TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, từ doanh nghiệp nhà nước đến hệ thống ngân hàng và sở hữu trí tuệ” và cho rằng đây “chính là những điều kiện cần để Việt Nam củng cố cam kết hội nhập và hiện đại hóa nền kinh tế”. Đại sứ nhấn mạnh: “Khi Việt Nam tiếp tục tiến trình hiện đại hóa, TPP sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao và được trang bị trình độ giáo dục cao hơn”.

Dường như biết trước những câu hỏi từ phía cử tọa về sự “bất lợi” này, Đại sứ David B. Shear kết thúc buổi thuyết trình với những lời tâm huyết của một nhà ngoại giao: “Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công là khả năng thích nghi và phát minh sáng tạo của một quốc gia. Tôi đồng ý rằng đây là một trong những tính cách tiêu biểu của đất nước và con người Việt Nam”.  

“Hoa Kỳ, Việt Nam và 10 nước khác - Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore - đang xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại đa phương mang tầm thế kỷ 21 với những chuẩn mực cao sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khắp khu vực Thái Bình Dương. Các nước hy vọng có thể hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm nay”.
Đại sứ David B. Shear 

* Bản đăng tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 28-11-2013:



Nghe tiếng Sài Gòn


Tiếng Sài Gòn khác tiếng Hà Nội và các vùng khác ra sao? Và vì sao nó khác như vậy? Nghe với nhau trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người dễ có cách trả lời theo cảm nhận riêng. Nhưng nếu cố gắng đọc xong cuốn sách dày 308 trang, Tiếng Sài Gòn, của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính trị Quốc gia - tháng 11.2013), ta sẽ hiểu công sức mà tác giả dành cho câu chuyện này dường như là đi nương theo lời một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy: “Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui”.         

Sách gồm 5 chương: Vùng đất và con người Sài Gòn; Hệ thống ngữ âm tiếng Sài Gòn; Tiếng Sài Gòn so với các phương ngữ khác; Vấn đề định vị và vai trò của tiếng Sài Gòn trong hệ thống tiếng Việt và Kết luận.  

Chỉ riêng việc giải thích tên gọi Sài Gòn khi mở đầu chương 1, tác giả đã cất công tìm tòi từ bảy nguồn tài liệu dài theo dòng lịch sử Nam tiến của tiền nhân để viết được hơn 10 trang. Rồi ông chốt lại như vầy: “Các giả thuyết trên đều cố gắng lý giải tên gọi Sài Gòn bằng cơ sở của sự biến âm trong ngôn ngữ, nhưng không đưa ra những cơ sở lập luận đủ thuyết phục người đọc. Có điều, một ý tưởng chung được thừa nhận: địa danh Sài Gòn, dù là cách đọc trại âm của một hay nhiều ngôn ngữ nào đó (Khmer, Chăm hay một ngôn ngữ họ hàng…) đều cũng là cách phát âm của những cư dân Việt Nam đầu tiên đến khai phá vùng đất này”.

Tiếp đó, trong phần “Lược sử Sài Gòn”, có một đoạn văn như vọng lên tiếng nói của thời gian: “Thời kỳ cư dân Việt đến khai khẩn đất hoang lập ra những làng người Việt đầu tiên trên đất Nam bộ được tính từ năm 1620, khi Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là công chúa Ngọc Vạn cho quốc vương Chân Lạp Chey-Chesda làm hoàng hậu của vương triều Chân Lạp. Dưới sự bảo trợ của bà hoàng hậu này, cư dân Việt từ vùng Thuận - Quảng vào sinh sống làm ăn ở lưu vực sông Đồng Nai ngày càng đông lên”.

Đi vào phân tích hệ thống ngữ âm của tiếng Sài Gòn, tác giả đã mổ xẻ tỉ mỉ từ cấu trúc của âm tiết đến các thành phần của âm tiết như thanh điệu, thủy âm, âm điệu, chính âm, chung âm... Trong chương này, tác giả nhận định: “Tiếng Sài Gòn là một bộ phận của tiếng Việt. Nó chia sẻ với tiếng Việt toàn dân những thuộc tính ngữ âm chung, làm cho nó được sử dụng có hiệu quả khi giao tiếp với cư dân các địa phương khác, đủ để người Việt ở các địa phương này nhận diện nó là một thứ tiếng mẹ đẻ của mình; nhưng đồng thời cũng cho họ nhận thấy có những đặc trưng ngữ âm và từ vựng không thấy có trong tiếng của họ”.

Ở nội dung so sánh tiếng Sài Gòn với các phương ngữ khác cũng như chuyện xác định vai trò của tiếng Sài Gòn trong hệ thống tiếng Việt, tuy vẫn có cả chục trang thuần kỹ thuật về phương ngữ học, nhưng ráng đọc, ta sẽ có được một kiến thức nền về những chuyện này. Và ta có thể chia sẻ với nhận xét của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Thị Châu mà tác giả trích dẫn: “Nhân dân dựa vào thanh điệu để nhận ra phương ngữ, do đó mà gọi là “giọng Bắc”, “giọng Nam”, “giọng miền Trung”. Tiếng Việt có ba vùng thanh điệu mà về âm hưởng có thể phân biệt được ngay khi mới thoáng nghe” Còn đây là khái quát của chính tác giả: “Xét về nhiều bình diện, tiếng Sài Gòn được nhìn nhận là phương ngữ trung tâm (bán phương ngữ) của vùng đồng bằng Nam bộ”.

Tới đây, mời bạn thử đọc to lên và tự mình lắng nghe giọng điệu riêng của đoạn văn này: Tôi đứng núp sau lùm bông phướn, tay cầm chắc ngọn roi tre, vững lòng chờ. Hễ bóng đen nào lao tới nạp mình là tôi khệnh cho một cây, lập kỳ công bất hủ!. Đây là văn trích từ tác phẩm Đồng Quê của nhà văn Phi Vân, một trong những đoạn văn rặt “tiếng Sài Gòn” mà TS Huỳnh Công Tín chọn để khảo sát khi viết tác phẩm này.       

* Bài đã đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 28-11-2013:




Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Khởi công xây dựng vườn ươm công nghệ VN-Hàn Quốc

TBKTSG OnlineVườn ươm công nghệ-công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) vừa được khởi công xây dựng sáng nay 23-11 tại TP Cần Thơ, phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển về chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo.




Theo thông cáo báo chí của Sở Thông tin và truyền thông TP Cần Thơ, dự án KVIP sẽ xây dựng hai tòa nhà rộng hơn 13.000 mét vuông để lắp đặt thiết bị phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển thuộc 3 ngành công nghiệp chính là chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo. Tổng kinh phí của dự án là 21,13 triệu đô la Mỹ, trong đó Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 17,7 triệu đô la Mỹ, còn lại là vốn của Việt Nam. Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KITECH) giúp đào tạo, chuyển giao công nghệ và phối hợp với Đại học Cần Thơ và Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ đưa ra danh sách thiết bị cần thiết phục vụ dự án này.



Theo kế hoạch, đến năm 2015 dự án hoàn thành và vận hành thử. Trước mắt, vào ngày 18-12-2013, tại khách sạn New World TPHCM, KITECH sẽ tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào Cần Thơ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: “Do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong khuôn khổ Chương trình hợp tác điện hạt nhân - năng lượng - công nghiệp, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất đầu tư xây dựng Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại Cần Thơ. Đây là dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ tiếp cận, đổi mới công nghệ và phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông, thủy hải sản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, dự án sẽ tạo thêm động lực để thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế của TP Cần Thơ và các địa phương khác ở ĐBSCL”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đảm bảo để dự án hoạt động hiệu quả và bền vững; tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và ưu tiên hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc, đầu tư nhiều hơn vào Cần Thơ và ĐBSCL.

Đại diện Chính phủ Hàn Quốc, ông Yoon Sang-Jick - Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc - nhấn mạnh: “Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 40 lần và Việt Nam là quốc gia đầu tư lớn nhất trong khu vực ASEAN đối với Hàn Quốc. Hàn Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là đối tác hợp tác tốt nhất của Việt Nam”.

Ông Yoon Sang-Jick nói tiếp: “Cần Thơ thuộc ĐBSCL, một vựa lúa danh tiếng và có tài nguyên thủy sản phong phú. Dựa trên tiềm năng đó, ngành chế biến thực phẩm nông thủy sản và ngành công nghiệp máy móc nông nghiệp là hai ngành kinh doanh mũi nhọn của KVIP. Với kinh nghiệm và công nghệ của Hàn Quốc, tôi tin sẽ giúp cho tiềm năng ấy thành hiện thực. Theo đó, không ít doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư thêm vào TP Cần Thơ thông qua KVIP này”.

Ông Yoon Sang-Jick lạc quan cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp sáng tạo sẽ được sinh ra thông qua KVIP và họ sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, sân chơi hợp tác kinh tế chủ yếu diễn ra tại Hà Nội và TPHCM sẽ được mở rộng, tạo thêm cơ hội hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp của hai nước sẽ tìm kiếm sự cạnh tranh mới, cùng nhau khai thác thị trường thế giới”.


Bài đã đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/106209/Khoi-cong-xay-dung-vuon-uom-cong-nghe-VN-Han-Quoc.html

và:




Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Đại sứ Hoa Kỳ quảng bá TPP tại Cần Thơ


TBKTSG Online- “Hiện nay hiệp định TPP đang được đàm phán tại Mỹ vào giai đoạn cuối và khá căng thẳng. Nhưng các nhà đàm phán Việt Nam rất lão luyện và tôi hi vọng các bên sẽ kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay”. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, David B. Shear, trả lời TBKTSG Online như vậy tại cuộc họp báo sau buổi nói chuyện của ông về Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Đại học Cần Thơ vào chiều tối ngày 21-11.


Đại sứ David Shear (trái) và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM Rena Bitter tham quan chợ nổi Cái Răng tại Cần Thơ hôm 20-11.

Trước đó, đại sứ David Shear khẳng định, TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích ngắn hạn cho Việt Nam trong xuất khẩu, không chỉ sang Mỹ mà cả sang 10 nước còn lại sau khi kí kết TPP. “Một khảo sát cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 37% trong vài năm đầu, nhất là da giày, dệt may và hàng nông thủy sản”, ông nói và không quên nhấn mạnh: “Riêng Mỹ và Việt Nam, mức độ gia tăng sẽ tương ứng với mức độ mở cửa nhập khẩu hàng nông thủy sản của Mỹ vào Việt Nam”. 






Đại sứ Mỹ giới thiệu TPP + họp báo + chụp hình kỉ niệm với báo giới tại ĐH Cần Thơ chiều ngày 21-11

Về dài hạn, đại sứ cho rằng dần dần, nhờ vào TPP, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. Ông nói: “Thí dụ trong nông nghiệp, lĩnh vực rất quan trọng ở ĐBSCL, TPP sẽ mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại hơn. Như vậy sẽ giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, làm tăng hiệu quả, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trên toàn cầu của Việt Nam”.

Trả lời những lo ngại về sự bất lợi mà TPP đem lại cho Việt Nam, đại sứ Mỹ nói: “Yếu tố quan trọng nhất để thành công là khả năng thích nghi và sáng tạo. Và đây chính là tính cách tiêu biểu của đất nước và con người Việt Nam”.




Trước đó, ngày 20-11, ông lái thuyền + đi chơi chợ nổi Cái Răng 

Đây là buổi giới thiệu về TPP đầu tiên tại Việt Nam của đại sứ Mỹ sau khi ông đi thăm một số tỉnh ở ĐBSCL.


“Hoa Kỳ, Việt Nam và 10 nước khác - Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore - đang xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại đa phương mang tầm thế kỷ 21 với những chuẩn mực cao sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khắp khu vực Thái Bình Dương. Các nước hy vọng có thể hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm nay”.
Đại sứ David B. Shear 
Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Mời xem thêm tại TBKTSG Online:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/106169/Dai-su-Hoa-Ky-quang-ba-TPP-tai-Can-Tho.html

Và trên trang nhất báo Saigon Times Daily 22-11-2013:





Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Nghịch lý chơi chung




“Toàn cầu hóa”, một từ thời thượng, được nhiều nông dân ở miền Tây nói nôm na như kiểu “chơi chung”. Làm sao chuyện sống chung, làm ăn chung… trong cái kiểu “chơi chung” đó có thể đem lại lợi ích và niềm vui cho mọi người trong khi thế giới vẫn phân định rạch ròi giàu nghèo, văn hóa, tôn giáo, dân tộc... riêng tư? Mời bạn đọc cùng khám phá những nghịch lý phát sinh từ đây, trong cuốn sách vừa được NXB Trẻ ấn hành tuần rồi, Nghịch lý toàn cầu hóa - Vàng và hai cô gái của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, Tổng thư ký tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn.




Sách gồm 3 phần, Thịnh suy toàn cầu hóa, Việt Nam trong cơn lốc xoáy và phần phụ lục, phỏng vấn 2 giáo sư kinh tế danh tiếng hay bàn về toàn cầu hóa và tự do thương mại, Paul Kruman và Michael Porter. Tác giả đã giới thiệu tóm tắt nội dung 2 phần đầu như sau:

Phần 1: Trước lúc Việt Nam gia nhập WTO, có thể nói toàn cầu hóa là một khái niệm thời thượng trong một thời gian dài. Ai cũng rao giảng về toàn cầu hóa như một liều thuốc thần kỳ hứa hẹn chữa hết mọi căn bệnh của nhân loại. Nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nổ ra vào năm 2008. Mọi giá trị được truyền bá bấy lâu bỗng chốc bị đảo ngược. Mặt trái của toàn cầu hóa, từng được phân tích trước đó nhưng ít thuyết phục được ai, nay bỗng bộc lộ rõ nét: lòng tham của giới tài chính, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên bất kể ô nhiễm môi trường, việc chạy đua sản xuất hàng hoá để thỏa mãn nhu cầu được thổi phồng lên của người tiêu dùng - tất cả dẫn đến những loại bong bóng, từ bất động sản đến tài sản tài chính. Và bỗng chốc không còn ai nhắc đến toàn cầu hóa với ý nghĩa như trước nữa. Các bài trong phần này như một cuốn nhật ký ghi lại sự thăng trầm của toàn cầu hóa, sự trăn trở của con người khi cố gắng quay về các giá trị cũ và sự loay hoay đi tìm một mô hình phát triển mới bền vững hơn. 

Phần 2: Trong nhiều năm liền, với chính sách mở cửa về kinh tế, thay đổi luật lệ để đáp ứng các yêu cầu gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến sâu rộng. Khu vực tư nhân bừng nở, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giúp hiện thực hóa chính sách sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu. Tất cả mở rộng đường để Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại không còn là những khái niệm mơ hồ nữa. Chúng đã biến thành kim ngạch xuất khẩu hàng vào Mỹ tăng vọt, thành hạt gạo, quần áo, giày dép, con tôm con cá xuất đi khắp thế giới. 

Thế nhưng, cùng lúc, lòng tham cũng nổi dậy. Đồng tiền dễ kiếm đã được đổ vào bất động sản và đến lượt nó, bất động sản đẻ ra tiền như con gà mái thần kỳ, làm giàu cho nhiều người trong một thời gian ngắn. Vậy là không còn ai có tâm trí lo chuyện sản xuất cây kim, sợi chỉ nữa, ai nấy đều lo chuyện “lớn” như chứng khoán, kinh doanh ngân hàng, và tất cả đều lao vào địa ốc. Chênh lệch giàu nghèo lộ rõ, các giá trị xã hội bị đảo lộn, người nông dân dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết và quan trọng hơn cả, các cột trụ của xã hội như giáo dục, y tế bị quên lãng hay bị thương mại hóa.  

Đến khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập vào, nền kinh tế ảo của Việt Nam nhanh chóng tan vỡ và nền kinh tế thật suy yếu hơn bao giờ hết. Hậu quả của việc hiểu sai cơ may toàn cầu hóa đem lại như các đại gia địa ốc, chứng khoán từng hiểu vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay.

Đến đây, có thể bạn đọc sẽ tò mò với cái tựa sách về chuyện Vàng và hai cô gái. Nhưng tốt nhất bạn nên đọc để tự khám phá vì sao có cái tựa này. Sách dày 280 trang, giá bìa 75.000 đồng, có bán ở các tiệm sách.


* Mời đọc thêm trên Báo Thanh Niên 19-11-2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131119/nghich-ly-choi-chung.aspx

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2013



(TBKTSG Online) - Chủ trì họp báo chiều nay (18-11) tại Cần Thơ, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2013 cho biết rút ngắn MDEC 2013 còn hai ngày thay vì bốn ngày như kế hoạch để tiết kiệm.




Theo ông Quang, MDEC 2013 được tổ chức tại Vĩnh Long trong hai ngày 25 và 26-11; rút ngắn thời gian nhưng nội dung chính vẫn không thay đổi. Riêng 595 gian hàng tham gia hội chợ triển lãm kinh tế - xã hội ĐBSCL vẫn kéo dài đến hết ngày 28-11. Dự kiến có gần 1.000 đại biểu tham dự các sự kiện chính và hằng trăm ngàn lượt khách tham quan mua sắm tại hội chợ triển lãm.

Chuỗi sự kiện chính của MDEC 2013 có hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2003; diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL kết hợp chương trình an sinh xã hội; diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL, TPHCM và Hà Nội; hội thảo liên kết phát triển đô thị ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh; hội thảo phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL…

Đến nay, ban tổ chức MDEC 2013 đã nhận được 138 dự án kêu gọi đầu tư vào 13 tỉnh, thành ĐBSCL với số tiền hơn 416.000 tỉ đồng và 1,89 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra nhiều đơn vị, doanh nghiệp, ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 644 tỉ đồng tham gia chương trình an sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2013.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL – MDEC do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì, nhằm tăng cường liên kết giữa ĐBSCL với các địa phương, đơn vị trong nước và các tổ chức quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL. Đây là hoạt động thường niên, đã được tổ chức 6 lần tại TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang.


* Đã đăng tại TBKTSG Online 18-11-2013:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/thongtin/105879/

và tại trang 1 Saigon Times Daily 19-11-2013:





Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Tối nay, khai mạc festival Đua ghe ngo lần đầu tiên

(TBKTSG Online) - Với chủ đề “Trăng và lúa”, 20 giờ tối nay 15-11, festival Đua ghe ngo của đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ khai mạc tại khán đài đua ghe ngo ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (được truyền hình trực tiếp trên VTV2 và các đài phát thanh truyền hình ĐBSCL). Đây là festival đua ghe ngo lần đầu tiên tại Việt Nam do tỉnh Sóc Trăng và các địa phương khu vực ĐBSCL tổ chức.

Trước khán đài đua ghe ngo ở Sóc Trăng. Ảnh Lê Hoàng Vũ



Trao đổi với TBKTSG Online, ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Sóc Trăng, nói: “Festival này nhằm tổng kết hoạt động và trưởng thành của sự nghiệp bảo tồn văn hóa của đồng bào Khmer tại ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng”. Ông Quang kỳ vọng festival sẽ tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng ĐBSCL với cả nước.

Ông Quang cũng cho biết tới chiều nay, đã có hơn 100.000 du khách trong và ngoài nước đến Sóc Trăng để tham gia festival. Các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh đã cam kết không tăng giá dịch vụ trong dịp này.

Trong hai ngày 16 và 17-11, có 61 đội ghe ngo (49 đội nam và 12 đội nữ) đến từ Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Cần Thơ thi đấu ở cự ly 1.000 mét (nữ) và 1.200 mét (nam). Kinh phí cho lễ hội này khoảng 2,4 tỉ đồng, trong đó có 500 triệu đồng dành cho 4 giải thưởng đua ghe ngo (giải nhất 200 triệu, giải nhì 150 triệu, giải ba 100 triệu, giải tư 50 triệu).

Sóc Trăng đã chuẩn bị sẵn sàng cho festival đua ghe ngo lần đầu tiên. Ảnh Lê Hoàng Vũ

Tại festival còn có nhiều hoạt động khác như hội chợ thương mại và triển lãm về thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội Sóc Trăng; liên hoan ẩm thực ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; trò chơi gian dân gian – hội thao dân tộc; triển lãm ảnh “Ký ức Sóc Trăng”; ca múa nhạc tổng hợp; liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam bộ; lễ Cúng Trăng – Oóc Om Bóc; lễ Thả đèn nước; hội thi trang phục Kinh – Khmer – Hoa.

Sóc Trăng là tỉnh có bà con dân tộc Khmer đông nhất vùng ĐBSCL, gần 370.000 người. Festival này diễn ra vào dịp rằm tháng 10 âm lịch, nhằm mùa lễ cúng trăng – Oóc Om Bóc, lễ thả đèn nước – Loyprotip của bà con dân tộc Khmer để tạ ơn mặt trăng nhân mùa thu hoạch hoa màu, nhất là lúa nếp.

Festival bế mạc vào tối 17-11.

Ghe ngo là một dạng ghe đặc biệt, được xem là vật thiêng chỉ được dùng để đua. Ghe ngo là thuyền độc mộc làm bằng thân nguyên vẹn của cây gỗ sao, được khoét phần ruột, do nghệ nhân và các sư chùa Khmer cùng làm. Ghe ngo dài từ 25m – 30m, rộng từ 1m – 1,4m, có từ 20-40 khoang, chứa được 22-25 cặp tay bơi.

Sau khi đóng xong, ghe được chà cho thật trơn bóng và sơn phết, trang trí thật đẹp. Thân ghe sơn màu đen, trên be sơn các vệt màu trắng, vàng, đỏ dài khoảng 5cm; hai bên be, chạm trổ hoặc vẽ hình vẩy rồng, vẩy rắn theo mô típ rắn thần Naga. Đầu ghe vẽ hình các con thú như rồng, chim công, sư tử, cọp, voi… vừa tượng trưng cho vẻ đẹp vừa biểu hiện sức mạnh.
* Mời xem thêm tại TBKTSG Online
 http://www.thesaigontimes.vn/Home/dulich/chuyendongdl/105794/Toi-nay-khai-mac-festival-Dua-ghe-ngo-lan-dau-tien.html

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Ngày 17-11, kéo điện 110 kV xuyên biển dài nhất Đông Nam Á



(TBKTSG Online) - Theo kế hoạch của chủ đầu tư - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), sáng ngày 17-11-2013, nhà thầu chính là Tập đoàn Prysmian Powerlink SRL (Ý) sẽ bắt đầu kéo cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quố, tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á. Đây là hạng mục cuối cùng trong dự án đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Việc lắp đặt đoạn cáp ngầm đầu tiên sẽ được thực hiện tại vùng biển xã Hàm Ninh (Phú Quốc), sau đó kéo vào bờ biển Hà Tiên tại xã Thuận Yên. Tuyến cáp ngầm 110 kV này dài 55,8 ki lô mét, là tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á hiện nay. Đây là loại cáp ngầm 3 lõi, tiết diện 630 mi li mét vuông, trị giá 1.932 tỉ đồng.

Đại diện nhà thầu Prysmian Powerlink SRL cam kết sẽ xong việc lắp đặt cáp ngầm và đấu nối vào ngày 13-1-2014 để kịp cung cấp điện cho dân đảo Phú trước Tết Nguyên đán 2014.

Riêng phần lưới điện 110 kV trên đảo gồm đường dây 7,6 ki lô met và trạm biến áp 110/22 kV – 40 MVA do các nhà thầu trong nước thực hiện, đã hoàn thành. Trong đất liền, EVN SPC cũng đã đầu tư đường cáp ngầm 110 kV Kiên Lương – Hà Tiên, trạm biến áp 110/22 kV Hà Tiên, đóng điện từ tháng 2-2013.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 2.336 tỉ đồng, từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của EVN SPC. 

Lâu nay, dân Phú Quốc mua điện từ nhà máy Diesel Phú Quốc với giá cao gần gấp ba lần so với đất liền. Tuy vậy nguồn điện luôn thiếu dù sản lượng đã tăng từ 5,8 triệu kWh lên 64,5 triệu kWh trong 10 năm qua. Theo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, năm ngoái, ngành điện phải bù lỗ 157 tỉ đồng do phát điện bằng dầu ở Phú Quốc. 

Theo quy hoạch, 10 năm tới, đảo du lịch Phú Quốc sẽ đón từ 2 - 3 triệu lượt khách mỗi năm (năm ngoái, đón gần 500.000 du khách). Nhu cầu tiêu thụ điện trên đảo Phú Quốc do vậy sẽ tăng nhanh; từ nay đến năm 2015 là 1.386 kWh/người/năm, năm 2020 là 2.614 kWh/người/năm, đến năm 2030 khoảng hơn 4.200 kWh/người/năm.


Rải & chôn cáp dưới đáy biển ra sao?

Cáp được rải và chôn đồng thời xuống dưới đáy biển. Máy chôn cáp được kéo bởi tàu chủ di chuyển tới trước theo tuyến đã được thiết kế bằng các neo điều khiển hướng theo hệ thống định vị toàn cầu GPS. Hệ thống ống phun nước cao áp (hoặc lưỡi cày, bánh xích tùy theo cấu tạo cơ cấu đào của mỗi máy) trên 2 thân cày đặt hai bên thân cáp tạo nên rãnh cáp ở phía trước có độ sâu theo chế độ cài đặt.

Máy chôn cáp thực hiện rải cáp và chôn cáp đồng thời
Cáp được thả xuống đáy rãnh (hoặc tì trượt xuống đáy rãnh đối với loại máy chôn cáp có cơ cấu đào dạng lưỡi cày hoặc bánh xích) ở phía sau. Máy chôn cáp di chuyển về phía trước, tiếp tục phun nước cao áp tạo rãnh, đồng thời lượng đất cát xói lở sẽ được ống phun định hướng đẩy về phía sau lấp đầy rãnh cáp.

Sơ đồ nguyên lý
Quá trình này được thực hiện liên tục và đồng thời. Độ sâu chôn cáp có thể điều chỉnh bằng hai chân trượt phía trước, tối đa có thể chôn sâu 3m so với mặt đáy biển tùy thuộc công suất của máy. Quá trình thực hiện được giám sát, kiểm soát, điều khiển liên tục.

Phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu  hư hỏng cáp ngầm, tuy nhiên chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp.

* Mời xem thêm tại TBKTSG Online 15-11-2013:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/105716/Ngay-17-11-keo-cap-ngam-xuyen-bien-dai-nhat-Dong-Nam-A.html


Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Thơ Trần Thế Vinh



Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam, Trần Thế vinh đi gần như khắp đất nước, giang hồ lãng tử; nhưng đi đâu rồi cũng quay về ẩn cư dưới chân ngọn núi Dài trong dãy Thất Sơn ở quê nhà An Giang. Có lời đồn trong làng văn nghệ miền Tây, hễ nghe tin có bạn văn đến Thất Sơn, Trần Thế Vinh lập tức đưa bạn vào núi, thơ rượu tràn bờ, chỉ mong khách nhớ quê mình – rằng giữa đồng bằng châu thổ vẫn mọc lên bảy ngọn núi cao.



Đúng là Thất Sơn ám ảnh anh. Trong bài Núi Dài và tôi, anh mở đầu: Dồ đá Miễu nhô ra / Nơi má tôi thời xuân xanh trèo lên, tuột xuống / Đá xước ngón chân con gái dậy thì / Ông nội tôi may nóp ra đi / Vạt nhọn tầm vông đánh Tây xâm lược / Chưa đón nắng thanh bình ông qua đời trước / Rồi ông ngoại tôi cũng xế bóng dưới dồ này. Giữa chừng, lại ám ảnh chiến tranh: Trước hồn núi vọng khua / Ba tôi cúi đầu về bốn hướng, tám phương van vái / Rồi mùa khô sau / Máy bay dội bom xăng, núi Dài bốc cháy / Che chở con, má tôi lửa xém thân hình / Ba chôn cất những người hi sinh. Cho tới đời mình, thì: Mỗi lần đi / Và lần về. Tôi như người mang nợ / Trước cây cỏ, vạt rừng, hang động, suối khe… 

Thất Sơn in bóng trong thơ Trần Thế Vinh dài theo năm tháng. Năm 1980, trong bài Ở đó Thất Sơn, anh thấy: Thất Sơn mây bạt ngàn / Người trong xóm núi vịn làng cột mây. Và: Đá Thất Sơn cao thấp ngửa nghiêng / Chập chùng thương nhớ biết riêng từng người. Tới năm 2000: Đêm núi Cấm / Ta nép mình trong lá / trong mây, trong sương tan như tuyết /…Ta ngậm từng giọt rượu / giọt trăng, giọt sao lan tỏa khắp thân mình (Đêm núi Cấm). Sang năm 2003: Thất Sơn qua rồi những trận binh đao / Ô Tà Sóc, núi Dài… đang xanh lá / Bỗng trong bóng đêm thời bình / Từ lòng người và đồng tiền mặc cả / Bắn đá – đá rung, nhốn nháo chim rừng / Bụi bặm trắng trời phủ mặt núi hồi xuân (Đêm nghe núi khóc).

Cách đây ba năm, 2010, Trần Thế Vinh ghi lại hoạt cảnh Thất Sơn vào một ngày tháng Mười: Ngày này ở Thất Sơn / Lúa ruộng bưng nhấp nhô bậc thang hy vọng / Xanh tới đỉnh Cấm Sơn / Lễ hội Dolta năm nay cờ xí rập rờn / Vọng tiếng nhạc ngũ âm râm ran vũ điệu / Ngày này ở Thất Sơn / Đồng mênh mông xôn xao mặt trời / Đỏ lựng vòm núi nhấp nhô sóng nước / Em gái Khmer xênh xang váy mượt / Dự hội đua bò / Thách thức những chàng trai (Ngày này ở Thất Sơn).

Núi quê nhà mọc lên từ đồng bằng phương Nam hai mùa mưa nắng, thơ Trần Thế Vinh cũng lặn lội cánh đồng. Trong bài Lục bát hai mùa, có câu chuyện này: Một mùa lụt nữa đi qua / Nắng không đủ ấm lạt nhà buộc chung / Vớt lên tay khoảng đất bùn / Gặp đôi cò trắng còng lưng tìm mồi. Còn đây là một đêm trăng mùa nước nổi dưới chân dãy Thất Sơn: Nước đồng cắt mặt trời xanh / Chênh vênh dáng núi. Chòng chành bóng trăng / Đêm vờn đuổi sóng lăn tăn / Nửa soi mặt lũ, nửa hằn vết mây / Trăng nghiêng xuống vai em gầy / Đắm mình trên chiếc xuồng cây bềnh bồng /…Núi cao. Cao dáng mỏi mòn / Trăng chênh chếch sáng giữa vòm nước đêm (Trăng mùa lũ).

Những dòng thơ trên đây rút từ tập thơ thứ 9 của nhà thơ Trần Thế Vinh, Núi và lục bát hiên sông, do NXB Hội Nhà văn và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang ấn hành vào tháng 12.2012.


Mời đọc thêm tại Báo Thanh Niên 12.11.2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131112/tho-tran-the-vinh.aspx

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Đại học Cần Thơ giúp Ban Kinh tế Trung ương


 (TBKTSG Online)- Chiều ngày 6-11, tại Đại học Cần Thơ, đại diện Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Cần Thơ đã ký kết hợp tác giai đoạn 2013-2018 mà trọng tâm là nghiên cứu phát triển ĐBSCL.
Có 5 nội dung hợp tác chính: nghiên cứu lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế xã hội Việt Nam; xây dựng các dự án kinh tế xã hội ĐBSCL, nhất là kinh tế du lịch, kinh tế biển, biến đổi khí hậu, kinh tế tam nông; xây dựng mạng lưới chuyên gia kinh tế; tổ chức các diễn đàn, hội nghị kinh tế; trao đổi thông tin tư liệu và ấn phẩm kinh tế xã hội.


Quang cảnh họp ký kết hợp tác giữa ĐH Cần Thơ và Ban Kinh tế Trung ương.


Ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nói: “Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ gửi Đại học Cần Thơ danh mục hợp tác để trường chọn, tập trung vào vấn đề tam nông, tái cơ cấu nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ vào đời sống. Các chương trình, dự án hợp tác phải có tính chất liên vùng ĐBSCL và dài hạn”.

PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ đề nghị nên ưu tiên hợp tác bốn chương trình mà nhà trường đang làm. Đó là chương trình nghiên cứu tài nguyên biển ĐBSCL; chương trình phát triển lúa gạo, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và huấn luyện nông dân; chương trình nghiên cứu công nghệ xây dựng, môi trường và kiến trúc quy hoạch đô thị nông thôn ĐBSCL và chương trình nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên THPT và cán bộ quản lý giáo dục ĐBSCL.



* Đã đăng TBKTSG Online 6-11-2013:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/105305/

và Saigon Times Daily 7-11-2013:


Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Cần Thơ có trường đại học theo mô hình đại học cộng đồng của Mỹ



Sau Đại học Tây Đô ra đời năm 2006, thành phố Cần Thơ có thêm trường đại học tư thục thứ hai, Đại học Nam Cần Thơ, vừa tổ chức lễ khánh thành và khai giảng khóa học đầu tiên vào sáng ngày 30-10-2013.

Cắt băng khánh thành DNC sáng 30-10-2013


Phát biểu tại lễ khai giảng, GS.TS Võ Tòng Xuân, quyền Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, nhấn mạnh: “Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép trường tuyển sinh chính qui đa cấp, đa ngành, một loại hình đào tạo giống như ở Hoa Kỳ là mỗi vùng lớn trong tiểu bang đều có một trường đại học cộng đồng có đủ các chương trình đào tạo vừa dài hạn vừa ngắn hạn, phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực dài hạn và cấp tốc của vùng”.

Theo mô hình này, năm nay, từ chỉ tiêu 2.000 sinh viên, Đại học Nam Cần Thơ đã xét tuyển được 968 sinh viên đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp các ngành dược sĩ, kiến trúc, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kỹ thuật công trình, luật, địa chính, y sĩ.

Trường cũng đang liên kết với trường Đại học Ngân hàng đào tạo thạc sĩ ngành tài chính ngân hàng và liên kết với Đại học Vinh đào tạo đại học văn bằng 2 và hệ vừa học vừa làm các ngành luật, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và công nghệ thực phẩm.


Tại phòng Tổ chức Hành chánh DNC


Với các ngành đào tạo, theo GS Võ Tòng Xuân, trước tiên trường sẽ tập trung cải tiến phương pháp giảng dạy. Ông nói: “Trong trường Đại học Nam Cần Thơ sẽ không còn cảnh vào lớp thầy cô đọc cho sinh viên chép bài, không còn cảnh sinh viên học ngốn mớ chữ chép trong tập để đi thi. Thay vào đó, sinh viên sẽ có các giáo trình, giáo án, các bài tập được in ra và ghi trên mạng Intranet của trường”. 

Cán bộ giảng dạy và sinh viên cũng sẽ tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng ĐBSCL, nhất là của thành phố Cần Thơ. “Chúng tôi sẽ bám sát các sở khoa học, công nghệ và môi trường của các tỉnh và thành phố, vụ khoa học và kỹ thuật của các bộ ngành trung ương và các tổ chức khoa học quốc tế để thực hiện các đề tài khoa học”, GS Xuân nói.

Các chủ nhân ở TP.HCM và Cần Thơ đã đầu tư hơn 60 tỉ đồng xây dựng trường giai đoạn 1, sẽ đầu tư tiếp 50 tỉ đồng xây khu ký túc xá cho 2.000 sinh viên nội trú vào năm học 2014-2015 cùng một thư viện điện tử.


Thầy Xuân và Lạc Long tại phòng TCHC DNC 


Hiện Đại học Nam Cần Thơ mới chỉ có 116 giảng viên cơ hữu, trong đó có 1 GS.TS, 6 PGS.TS, 9 TS, 1 nghiên cứu sinh, 90 Ths, 4 học viên cao học và 5 cử nhân. Từ thực tế này, GS Võ Tòng Xuân kêu gọi: “Một mặt chúng tôi thuyết phục nhân tài về cộng tác với trường, một mặt chúng tôi tranh thủ sự giúp đỡ của các trường đàn anh đồng thời chúng tôi chuẩn bị cho đi đào tạo và bồi dưỡng để nâng cấp trình độ giảng viên mới”.

Trang 3, The SaigonTimes Daily, ngày 31.10.2013


• Mời xem thêm tại TBKTSG Online 30-10-2013:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/104939/Can-Tho-co-dai-hoc-theo-mo-hinh-dai-hoc-cong-dong.html

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Giáo sư Võ Tòng Xuân về Đại học Nam Cần Thơ


(TBKTSG Online)- GS.TS Võ Tòng Xuân vừa cho biết ông đã thôi làm Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo (Long An), về Cần Thơ làm quyền Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, nơi ông là thành viên hội đồng sáng lập và là chủ tịch hội đồng khoa học của trường. 


GS Võ Tòng Xuân tai lễ khơi công ĐH Nam Cần Thơ - Ảnh DNC


Trả lời TBKTSG Online qua e-mail, GS Võ Tòng Xuân cho biết: “Tôi đã thôi làm cho Đại học Tân Tạo từ tháng 10 này để tập trung cho các công việc khác”. Theo đó, ngoài công việc ở Đại học Nam Cần Thơ, GS Võ Tòng Xuân còn đảm đương chương trình trồng lúa ở châu Phi, chương trình “4 nhà và cây lúa”, chương trình cây mía ở Tây Ninh, dự án khu công nghệ cao ở Hậu Giang và trường Mẫu giáo song ngữ Tinh Hoa ở An Giang. “Tôi sẽ tham gia Đại học Nam Cần Thơ ít thời gian với chức danh quyền hiệu trưởng đến khi tôi tìm được một hiệu trưởng làm nguyên thời gian”, ông giải thích. 

GS.TS Võ Tòng Xuân từng làm Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, Hiệu trưởng Đại học An Giang trước khi làm Hiệu trưởng Đại học Tân Tạo vào năm 2010.  


Mặt tiền Đại học Nam Cần Thơ - Ảnh DNC

Đại học Nam Cần Thơ tọa lạc tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, là đại học tư thục đào tạo chính quy, đa ngành, đa hệ; năm nay được giao chỉ tiêu tuyển 2.000 sinh viên và sẽ khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 30-10-2013. 

* Mời đọc thêm tại TBKTSG:
Giáo sư Võ Tòng Xuân về Đại học Nam Cần Thơ