Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Những bài báo cũ


Những bài báo sau đây, ra đời từ dự án Imaging Our Mekong 2006-2007, do IPS và PMFI tổ chức, với sự tài trợ của Rockefeller Foundation.
Những câu chuyện này, đã được đăng tại: 
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Weekly,
Tạp chí Tia Sáng, Báo Cần Thơ, Văn nghệ sông Cửu Long & Báo Hậu Giang  

♥♥♥


Tin trong nước

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn 31-8-2006) 


Nhà báo sáu nước với “Mêkông trong ý tưởng”


Gần 40 nhà báo thuộc sáu nước lưu vực sông Mêkông là Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia sẽ tham gia một hội thảo bốn ngày chủ đề “Mêkông trong ý tưởng” khai mạc vào ngày 2-9 tại Bangkok, Thái Lan. Nhà báo Huỳnh Kim thuộc Saigon Times Group cũng tham gia hội thảo này.

Họ sẽ thảo luận một loạt đề tài về mậu dịch biên giới, du lịch, cúm gia cầm, môi trường, năng lượng... ở vùng hạ lưu sông Mêkông. 

Diễn giả là các chuyên gia uy tín thuộc Quỹ Rockefeller (Mỹ), Inter Press Service (IPS), Probe Media Foundation Inc. (PMFI), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), Đại học Thammasat, Đại học Chiang Mai (Thái Lan), Tổ chức Mekong Watch (Nhật) và Ủy ban sông Mêkông. 

Rời Thái Lan, các nhà báo này sẽ có năm tháng đi viết phóng sự hoặc làm phóng sự ảnh về các đề tài liên quan tới cộng đồng cư dân biên giới vùng hạ lưu sông Mêkông trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay.

IPS và PMFI là nhà tổ chức và Quỹ Rockefeller là nhà tài trợ cho chương trình này.
P.V



♥♥♥


Mê Công không của riêng ai

Thứ ba, 12/9/2006, 07:43 GMT+7 – Báo Cần Thơ 

Tuần rồi, gần 40 nhà báo ở sáu nước thuộc lưu vực sông Mê Công (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) đã dự hội thảo chủ đề “Mê Công trong trí tưởng” tại Bangkok (Thái Lan). Hội thảo do Inter Press Service (IPS) và Probe Media Foundation Inc. (PMFI) tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller (Mỹ). Qua bốn ngày làm việc cật lực, một Mê Công “xuyên biên giới” đã đọng lại trong tâm trí mọi người…


RIÊNG VÀ CHUNG

Mê Công là con sông duy nhất chảy qua sáu nước châu Á trong hệ thống sông bao phủ trên một diện tích rộng 811.000 km2, bắt nguồn từ núi Tangguala trên cao nguyên Thanh Hải của Tây Tạng (Trung Quốc). Dòng sông đã chảy hơn 4.800 km, xuyên qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông.

Các nhà báo Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar… tại hội thảo 

Nhà tổ chức hội thảo IPS và PMFI - những cơ quan truyền thông quốc tế - đã không “ôm” cả nước Trung Quốc bao la mà chỉ lấy tỉnh Vân Nam với dân số 43,76 triệu người để đưa vào hệ thống “sáu nước hạ lưu sông Mê Công ”. Hội thảo này muốn truyền đến mọi người một thông điệp: Dòng sông mẹ Mê Công đã không còn là của riêng ai, nó đang chảy xuyên qua số phận của hơn 275 triệu con người.

Nói như bà Rosalia Sciortino - Giám đốc Quỹ Rockefeller vùng Đông Nam Á: “Mỗi nước đều khác nhau và đều đang cố gắng làm cho cộng đồng sống tốt hơn, cùng phát triển, như dòng sông liên tục chảy”. Hay như lời bà Johanna Son – Giám đốc IPS vùng châu Á – Thái Bình Dương: “Tại sao Mê Công ? Vì sao phải xuyên biên giới? Chỉ chuyện cúm gia cầm đã là chuyện xuyên biên giới rồi. Giờ đây, không ai có thể giải quyết một mình những vấn đề như thế mà cho là ổn được”.


HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN

“Sau một thời gian dài “chiến tranh lạnh”, nay sáu nước sông Mê Công đã biết hợp tác, khai thác những con đường và dòng sông xuyên biên giới để cùng nhau phát triển”, ông Rodolfo Severio - chuyên viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore - nói như vậy và cho rằng, cần có sự hợp tác hữu hiệu hơn giữa Ủy hội sông Mê Công với Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và cả khối ASEAN trong thực thi những dự án xuyên biên giới của vùng này. Chẳng hạn như chuyện Trung Quốc, Lào, Thái Lan... đang làm nhiều công trình thủy điện và thủy lợi ở thượng lưu có thể làm thay đổi môi trường vùng hạ lưu sông Mê Công, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Ông Rodolfo Severio khẳng định: “Một nước riêng lẻ không thể nào tự giải quyết được những vấn đề này. Cần có sự hợp tác để đưa ra những luật lệ chung giữa các nước sông Mê Công với ASEAN và Trung Quốc liên quan đến một số dự án, thí dụ những dự án của Ngân hàng Thế giới giúp tăng khả năng hợp tác về huấn luyện, môi trường, năng lượng, giao thông... của sáu nước trong vùng”.


THỜI GIAN VÀ DU LỊCH

Quá khứ, hiện tại và tương lai của sáu quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Công là một chủ đề mà giáo sư Charnit Kasetsiri ở Trường Đại học Thammasat (Thái Lan) nêu ra. Ông cho rằng: “Quá khứ không thể thay đổi nhưng hiện tại phải cứu tương lai không để lặp lại những sai lầm của quá khứ”. Ông tỏ ra ray rứt khi nhắc lại vụ bạo động hồi năm 2003 của thanh niên Campuchia tại trụ sở Đại sứ quán Thái Lan ở Campuchia vì một tờ báo Thái Lan đã “nói xấu” lịch sử Campuchia. “Tôi là người Thái Lan - ông nhấn mạnh - và tôi muốn nói rằng người Thái Lan cần phải hiểu đúng mình và hàng xóm gần của mình- nhất là Campuchia, Lào và Myanmar”. 
Giáo sư Charnit Kasetsiri cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia sông Mê Công cần nhìn lại những bài học lịch sử cho đúng và ông đề xuất: “Bộ giáo dục các nước trong vùng cần ngồi lại để xây dựng những cuốn sách giáo khoa đúng với quá khứ và hướng tới một tương lai hợp tác và thân thiện”.

Còn với lĩnh vực du lịch xuyên biên giới vùng Mê Công , theo lời Giáo sư Mingsarn Kaosa-ard, Giám đốc Viện Nghiên cứu xã hội- Đại học Chiang Mai (Thái Lan), “chính phủ không nên hạn chế thị trường” và “cần quan tâm hơn đến người nghèo làm ra sản phẩm du lịch”. Theo bà, lâu nay lợi nhuận lớn từ ngành du lịch vào tay người giàu là chính. 


XUYÊN BIÊN GIỚI

Một loạt chủ đề khác về sử dụng vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế cho các công trình xuyên biên giới, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống, mậu dịch biên cương... cũng được đưa ra thảo luận tại hội thảo này như những câu chuyện không chỉ của riêng mỗi quốc gia trong vùng.

Có mấy lời khuyên đáng nhớ. Ông Toshiyuki Doi ở tổ chức Giám sát Mê Công (Mekong Watch) của Nhật Bản nói: “Với công trình đường hành lang kinh tế Đông Tây xuyên bốn nước Myanmar – Thái Lan – Campuchia – Việt Nam do ADB và JICA tài trợ vốn, chính quyền mỗi nước và cả nhà tài trợ cần quan tâm hơn tới chuyện bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo cho người tái định cư chứ không đơn thuần chỉ lo chuyện phát triển kinh tế”. Hoặc như lời Tiến sĩ Chavalit Vidthayanon - chuyên gia nước ngọt của tổ chức Động vật hoang dã Thế giới (WWF): “Lũ lụt vùng sông Mê Công là hiện tượng tự nhiên, không phải là thảm họa. Nó đem lại lợi nhiều hơn hại; tôm cá nhiều hơn, phù sa và sinh thái tốt hơn”.
... Hết thảy những điều này, mọi người hy vọng trong thời gian tới, sẽ được “thấm” vào những câu chuyện xuyên giới của các nhà báo dự hội thảo. Họ đã được thâm nhập thực tế để viết bài, chụp ảnh và quay phim dọc theo dòng sông mẹ Mê Công.■


♥♥♥


Bên dòng sông Thajin

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn 14-9-2006, Báo Cần Thơ & Văn nghệ sông Cửu Long)


Trẻ em nhập cư đang học ở Trung tâm Dạy trẻ Krokra-nai.

Chảy ra vịnh Thái Lan, sông mang tên Thajin; lên phương Bắc ghé qua thủ đô Bangkok, có nhánh mang tên Chao Phraya. Thầm lặng cùng dòng sông Thajin là hàng trăm ngàn dân nhập cư, đang cố gắng hòa nhập vào nền kinh tế Thái Lan.

Nửa buổi sáng, nắng đã gay gắt trên cảng cá Samutsakorn. Hàng chục chiếc tàu đánh cá đang cập cảng, ba chiếc đang làm hàng. Có cả trăm ngư dân và dân bốc vác rần rần chuyển cá biển vào hai chiếc xe đông lạnh đậu gần đó. Tiếng Thái, tiếng Myanmar xen một ít tiếng Anh, rộn ràng như vỡ chợ. Anh Hang, dân vốc vác người Myanmar, nói tiếng Thái rào rào: “Vợ chồng tôi làm ở đây hai năm rồi, mỗi ngày kiếm được 180 baht (gần 70.000 đồng), vừa đủ sống. Ở Myanmar, dân như tôi khó kiếm việc làm lắm”.

Ông Arnon Tritrong, Giám đốc cảng cá tỉnh Samutsakorn, cho biết có khoảng 1.200 người nhập cư làm nghề đi biển và bốc vác tại cảng này. “Cá biển từ đây được đưa lên phía Bắc và nhiều tỉnh khác ở Thái Lan” - ông Arnon nói tiếp:  “Ngành này sinh lợi nhiều và tạo công ăn việc làm cho đại đa số dân nhập cư ở đây. Mỗi tuần có khoảng 100 tàu đánh cá ra vào cảng và mỗi năm các dịch vụ tại cảng cho doanh thu khoảng nửa tỉ baht”.

Theo thống kê của Quỹ Toàn cầu (The Global Fund), một tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan, nước này hiện có khoảng 2,5 triệu dân nhập cư, trong đó 80% đến từ Myanmar, 10% từ Lào và 10% từ Campuchia. Riêng ở tỉnh Samutsakorn - cách biên giới Myanmar 200 ki lô mét - có chừng 200.000 dân nhập cư, đa phần đến từ Myanmar, nhưng chỉ có khoảng 90.000 người đăng ký, còn lại là dân cư ngụ bất hợp pháp. 

Bác sĩ Moleen, Phó giám đốc bệnh viện tỉnh Samutsakorn, cho biết người đăng ký nhập cư phải nộp 3.800 baht mỗi năm để có giấy phép lưu trú, hành nghề và hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, số người không đăng ký vẫn thuê nhà và làm đủ thứ nghề gắn với sông, biển và các chợ cá ở thị trấn này. Nhiều người sống ở đây từ ba năm, năm năm, mười năm; có người về nước rồi quay lại xin nhập cư tiếp. 

“Tình hình khám chữa bệnh hiện nay khá tốt nhưng trong tương lai thì chưa biết ra sao”, bác sĩ Moleen nói. Giải thích với đoàn nhà báo từ sáu nước vùng hạ lưu sông Mêkông sang tìm hiểu chuyện này, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cố gắng tránh các loại bệnh lây lan từ dân nhập cư sang cộng đồng dân địa phương, như các bệnh về hô hấp, sốt, cảm cúm, tiêu chảy, đỏ mắt và nhất là HIV/AIDS”. Ông nói, bệnh viện tỉnh thường có đông bệnh nhân và mỗi năm phải chi khoảng 60 triệu baht cho họ, trong đó chính phủ lo gần một nửa; còn lại là nguồn kinh phí của bệnh viện và từ các tổ chức phi chính phủ trợ giúp.

“Ngay trong ngôi nhà này cũng có một hộp bao cao su”, chị Maw Zaw, người Myanmar, chuyên viên khu vực của tổ chức NGO (phi chính phủ) mang tên Yêu Người Thái (Raks Thai Foundation), thông báo với đoàn nhà báo tại hội trường của cảng cá Samutsakorn, làm mọi người nhốn nháo tìm xem hình dạng “cái hộp” đó ra sao. Đó chỉ là cái hộp cứng bình thường, có hai mái che như mái nhà. “Thị trấn này có 50 hộp đặt rải rác trong các khu dân cư có đông người nhập cư, một tháng họ xài hết khoảng 30.000 bao cao su” - chị  Maw Zaw cho biết: “Những tình nguyện viên của chúng tôi cũng chính là dân nhập cư. Họ được tập huấn kỹ rồi chỉ vẽ lại cho từng người cách sử dụng bao cao su và cách tự bảo vệ sức khỏe”.

Yêu Người Thái cũng như nhiều tổ chức NGO khác ở Thái Lan chuyên lo cho dân nhập cư, có mạng lưới hợp tác khá rộng, gần 20 đầu mối, từ địa phương tới trung ương. Họ lo nhiều việc với những chương trình, dự án khác nhau liên quan tới y tế, giáo dục, quan hệ cộng đồng... miễn sao giúp được cho dân nhập cư và dân địa phương sống hòa nhập được với nhau.

Trưa nắng cháy da, chúng tôi ghé vào làng Krok-Krak thuộc huyện Muang của tỉnh Samutsakorn. Trong một con hẻm nhỏ nhiều rác, dãy nhà lợp tôn chừng ba chục căn, nằm san sát bên nhau nép mình dưới nắng, dù chỉ cách bờ sông Thajin vài trăm mét. Vắng hoe, không nghe tiếng người; té ra con nít không đi học thì theo cha mẹ đi làm ngoài cảng cá, chợ cá. Chỉ có một nhà mở cửa; một phụ nữ tên Ma Sein Htay đang ru thằng con trai ngủ võng trong cái nóng trưa hầm hập. Chị nói, chồng chị đã đi biển; có sáu người cùng thuê căn nhà nhỏ xíu này với giá 4.800 baht một tháng. Một phụ nữ khác đang hứng nước từ vòi nước công cộng của khu nhà tập thể, cũng giải thích chuyện ở một mình: chồng đi làm còn con gái thì gửi học tại một trung tâm dạy trẻ ở gần đó.

Chúng tôi lội bộ ra trung tâm này. Nó nằm bên đường làng, tên là Trung tâm Dạy trẻ Krokra-nai, do tổ chức Yêu Người Thái lập ra từ hai năm nay. Tự dưng thấy vui lên và khỏe người ra khi nghe tiếng trẻ con ê a đánh vần. Tôi kịp chụp được tấm hình đứa nào cũng đang tròn miệng đọc theo tiếng nhịp thước của cô giáo. Tới chừng nghe cô giáo Manunchaya Inklai kể, mới sực nhớ đây là lớp học của “dân nhập cư”. Mà quá nể: 85 em nhỏ này, từ 2-14 tuổi, đang được dạy miễn phí bốn thứ tiếng: Myanmar, Mon (tiếng dân tộc thiểu số của 80% dân nhập cư Myanmar), tiếng Thái và tiếng Anh. Các em còn được học toán và kỹ năng sống. Chuyện về cái “hộp bao cao su” cũng có trong nội dung học của các em lớn tuổi.

Chị Hương Giang, gốc Hà Nội, làm việc cho Học viện Thực thi pháp luật quốc tế của Mỹ đóng tại Bangkok, người được nhà tổ chức Inter Press Service (IPS) mời làm phiên dịch hôm ấy, cho biết Chính phủ Thái Lan đang khuyến khích phụ huynh đưa con em từ các lớp này vào học tại các trường của người dân địa phương. 

Nói xong, chị Hương Giang chỉ tay ra phía cửa sông Thajin nhắc mọi người: “Con sông này chảy ra vịnh Thái Lan đấy!”. 




♥♥♥



Đi dọc dòng Mekong


(Báo Hậu Giang 15-9-2006)

Phải nói trước là trong vòng bốn tháng tới, gần 40 nhà báo từ sáu nước hạ lưu sông Mekong mới thực hành “tác chiến” dọc theo dòng sông mẹ Mekong. Còn những mẩu chuyện nho nhỏ sau đây là những điều đọng lại sau gần một tuần lễ dự hội thảo “Mekong trong trí tưởng” tại Bangkok hồi đầu tháng 9 vừa qua…


Sông và biển



Khách sạn Menam Riverside nằm ven sông Chao Phraya lộng gió ở giữa lòng thủ đô Bangkok của Thái Lan. Con sông nhỏ này cũng chỉ là một chi lưu xa xôi của một dòng sông mẹ; cũng tựa con sông Cần Thơ quanh co trong lòng thành phố Cần Thơ, có cội nguồn từ sông mẹ Mekong. 
Chuyện đáng nhớ là không hiểu sao ngay ở bờ sông khách sạn này lại có vô số cá hình dáng giống cá ba sa, đang lặn ngụp ầm ầm bên dưới mà con nào con nấy to cỡ hai, ba kí. Người bảo vệ khách sạn giải thích, dọc con sông này cá như vậy nhiều lắm, nhiều nhất là ở gần các ngôi chùa; không ai nuôi mà cũng không có ai bắt cả. Thực ra thì do không có ai bắt và các sư trong nhà chùa thường cho ăn nên cá mới tụ lại đông như vậy. Thế còn ở khách sạn này không có nhà chùa sao cá vẫn rào rào như trong ao nuôi cá của dân miền Tây ở Việt Nam? Có đấy, khách vãng lai thấy có cá nên họ mua bánh mì thảy cho chúng ăn thành quen nết nên chúng mới thân thiện như vậy. 

“Ở bên mình, cá sông kiểu này thì tha hồ cho người ta đánh bắt; chỉ một tay lưới là kéo lên cả trăm kí” – một nhà báo nói vui rồi cả nhóm kéo đi mua bánh mì ở một siêu thị nhỏ gần đó để cho cá ăn. Được dịp, hằng trăm con cá tranh nhau đớp mồi làm quậy tung mặt nước cả một khúc sông. 

Ngoài xa, một vài chiếc tàu du lịch của các khách sạn ven sông, rồi có cả một đoàn tàu kéo xà làn nữa, đang thong thả qua lại. Nếu không có bóng dáng những tòa cao ốc vài chục tầng ở hai bên bờ sông và cây cầu treo khồng lồ ở xa xa thì cảnh sóng nước rào rạt phù sa với những đám lục bình trôi trước mặt dễ làm cho mình cảm thấy sông nước nơi này chẳng khác dòng sông Hậu ở quê nhà là mấy.Mấy ngày sau, đi dọc theo dòng sông này về cửa vịnh Thái Lan mới hay khi chảy ra tới biển thì người dân Thái ở tỉnh Samutsakorn gần biên giới với nước Myanmar này lại gọi tên dòng sông là Thajin. Và ở nơi đây, cảng cá, chợ cá mọc lên rần rần. Tàu đánh cá ra vào cảng cá của tỉnh đông lắm, cả trăm chiếc mỗi tuần. Đủ các loại cá biển từ vịnh Thái Lan - gồm cả một phần biển của Campuchia, Việt Nam và Malaysia - được đưa vào các nhà máy chế biến hải sản trong tỉnh xong rồi tỏa về các tỉnh miền Bắc, miền Trung Thái Lan. Mà đa phần người dân gắn với nghề biển, nghề cá ở đây (có khoảng 200.000 người) lại là dân nhập cư đến từ Myanmar, Lào và Campuchia. 

Trưa hôm ấy, có những giề lục bình rộng cả héc ta đang dập dềnh ngoài cửa sông Thajin. Không hiểu rồi đây chúng sẽ trôi luôn ra vịnh Thái Lan theo dòng phù sa sông mẹ hay là sẽ quay trở về phía thượng lưu theo con nước lớn ròng để gặp lại những đàn cá sông thân thiện ở ngay giữa lòng thủ đô Bangkok.


Chảy đi, trôi đi



Ngày chia tay tạm biệt, đoàn nhà báo từ sáu nước hạ lưu sông Mekong gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam hẹn sẽ gặp lại nhau vào đầu năm tới. Khi đó, mỗi người sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện (bằng cả báo viết, báo hình, báo ảnh) mà mình đã hứa sẽ thực hiện xuyên biên giới của nhau trong sáu nước này, dọc theo sông Mekong.

Hành trang của mỗi người, không chỉ là những bài học tai nghe mắt thấy ở tỉnh Samutsakorn hay bên nông trại Pigduck ở cách Bangkok gần 200 cây số. Trong hành trang ấy, chắc là những câu chuyện “xuyên biên giới” từ các chuyên gia về môi trường, giáo dục, thương mại, du lịch, đầu tư… đến từ các viện nghiên cứu khoa học và xã hội uy tín của ASEAN, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Philippines… sẽ đọng lại trong tâm trí mỗi người.

Số phận của dòng sông Mekong sẽ tiếp tục ảnh hưởng ra sao lên số phận của hàng trăm triệu người dân sống ven sông? Những công trình thủy điện và thủy lợi lớn ở các nước thượng lưu đang và sẽ tác động đến môi trường và đời sống cộng cồng cư dân vùng hạ lưu ra sao? Những con đường xuyên Á đang xây dựng, những khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới đang mọc lên ở nhiều cửa khẩu các nước sẽ tác động ra sao đến người dân, nhất là dân nghèo hai bên biên giới? Thậm chí dịch cúm gia cần vẫn đang hoành hành ở nhiều vùng tại Thái Lan, Campuchia, Việt Nam… cũng là những câu chuyện xuyên biên giới mà các nhà báo sẽ săn tìm và kể lại với một nhãn quan… xuyên biên giới.

“Trong thời buổi toàn cầu hóa này, một nước riêng lẻ không thể giải quyết được hết những vấn đề chung của cộng đồng cư dân sống ven dòng Mekong. Sự kết hợp giữa sáu nước này cùng với cả khối ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác, sẽ giúp tăng khả năng hợp tác phát triển của khu vực sông Mekong”. Đó là thông điệp mà nhà tổ chức hội thảo “Mekong trong trí tưởng” – hai cơ quan truyền thông quốc tế là IPS (Inter Press Service) và PMCI (Probe Media Foundation Inc.) cùng với nhà tài trợ (Quỹ Rockefeller) muốn gởi gắm vào hành trang của các nhà báo sáu nước hạ lưu sông Mekong, nhân hội thảo này.

Và họ đang tỏa đi để làm nên những câu chuyện đó. Như là dòng sông mẹ Mekong luôn trôi đi, chảy đi, không bao giờ ngưng nghỉ.   


♥♥♥




Xuyên Mekong



(Tạp chí Tia Sáng)
10:12:36 18/09/06 (20-9-2006)

Khởi nguồn từ Tây Tạng của Trung Quốc, sông Mekong đã thầm lặng chảy suốt chiều dài hơn 4.800 km xuyên qua sáu nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông qua chín cửa trên sông Tiền, sông Hậu thuộc vùng châu thổ Cửu Long giàu phù sa nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam.
Chuyện gì sẽ xảy ra cho các nước ở vùng hạ lưu nếu như những nhà máy thủy điện, những đập thủy lợi lớn đã và đang được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong thuộc Trung Quốc, Lào, Thái Lan... gặp “tai biến”? Hoặc chỉ chuyên tâm phục vụ cho riêng lợi ích của nước mình?
Ông Toshiyuki Doi thuộc tổ chức Mekong Wacth của Nhật Bản
nói về chính sách đầu tư của Nhật đối với 6 nước sông Mekong

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu dịch cúm gia cầm nổi lên ở một làng quê hay một đô thị nào đó ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar hay Trung Quốc? Trong khi virus của loại dịch bệnh quái ác này đã làm chết hằng trăm người trên thế giới và còn đang muốn hoành hành “xuyên biên giới” thì đại đa số người dân nghèo ở sáu nước sông Mekong vẫn có thói quen thích “sống chung với gia cầm”?
  
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như ở những đô thị lớn người ta vẫn thích ăn thịt rừng, trị bệnh hoặc uống rượu ngâm các loài dược liệu hay động vật quí hiếm sống trong rừng hoặc xài đồ gỗ quí lấy từ rừng? Trong khi đó hàng triệu người dân nghèo sống quanh những cánh rừng dọc sông Mekong, không có cách nào hơn là phải vào rừng để săn thú, tìm dược liệu và chặt phá rừng để cung cấp cho những đường dây buôn lậu đặng đưa những món hàng xa xỉ ấy về cho người thành thị?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vì đói khổ thất nghiệp mà mỗi ngày phải có thêm hằng nghìn trẻ em và phụ nữ ở những làng quê nghèo phải lội đồng, vượt biên giới để rồi sa vào tay những đường dây buôn người quốc tế? Và số phận của họ trong những nhà thổ của các vùng đô thị ở các nước ven sông Mekong, trước sau gì rồi cũng tối tăm, nghiện ngập và khó thoát khỏi HIV/AIDS?


Và chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây nếu như những con đường xuyên Á, những khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới đang mọc lên giữa các nước trong vùng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”? Và các nhà đầu tư thì chỉ chăm chăm tới mục tiêu phát triển kinh tế mà bỏ qua số phận hàng triệu người dân nghèo đã phải di dời vì giải tỏa hoặc không còn cơ hội mưu sinh quanh các vùng biên giới ấy?

Vâng, nhiều chuyện lắm, nhiều câu hỏi lắm xung quanh chủ đề “xuyên biên giới” của vùng sông Mekong đã được đặt ra tại một hội thảo mang tên “Mekong trong trí tưởng” vừa được tổ chức tại Bangkok Thái Lan hồi đầu tháng 9 này. Những chuyên gia hàng đầu về môi trường, giáo dục, đầu tư, thương mại, du lịch, xã hội, lịch sử... thuộc một số tổ chức và viện nghiên cứu uy tín của ASEAN, Nhật Bản, Ủy hội sông Mekong, Thái Lan, Singapore, Philippines... đã “chạm” vào những câu hỏi ấy. 

Và một câu trả lời chung gợi mở con đường lớn cho bao nhiêu lối đi - đó là: Không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết được hết những vấn đề đụng tới cộng đồng cư dân sống ven sông Mekong. Sáu nước này phải biết cách bắt tay nhau và liên kết với cả khối ASEAN cùng nhiều tổ chức quốc tế khác để tìm giải pháp hợp tác phát triển.

Câu chuyện “Xuyên Mekong” kỳ này được đặt vào tay của gần 40 nhà báo thuộc sáu nước vùng hạ lưu sông Mekong. Người khởi xướng và tổ chức là hai cơ quan truyền thông quốc tế: Inter Press Service (IPS) và Probe Media Foundation Inc. (PMFI). Nhà tài trợ, không ai khác là Quĩ Rockefeller Foundation. Cả ba cơ quan này đang bắt tay với các nhà báo sáu nước vùng sông Mekong, làm những chuyến “xuyên Mekong” trong vòng bốn tháng tiếp theo.

Mục tiêu cuối cùng của họ: Tìm ra những câu trả lời sống động từ chính trong đời sống cộng đồng dân cư giữa biên giới các nước khác nhau sống ven dòng sông mẹ Mekong. Những bài báo, những phóng sự ảnh, phóng sự truyền hình... sẽ ra đời vào cuối năm nay. 

Hi vọng, sẽ có những tia sáng ấm áp đến với mọi người.



♥♥♥



Biên giới Tây Nam mùa nước nổi (*)


(Thời báo Kinh tế Sài Gòn 21-9-2006)


Anh  Nguyễn Hoàng Vũ bên tấm bảng ghi dòng chữ
"Việt Nam-Campuchia hữu nghị, hợp tác cùng phát triển".
  
Trên những cánh đồng lúa bạt ngàn giữa hai tỉnh An Giang và Takeo cách nay hơn ba tháng, giờ đây nước đã trắng đồng. Nước đổ về từ dòng sông mẹ Mêkông. Một con đường dài khoảng ba cây số nổi trên biển nước nối liền hai tỉnh này; đoạn giữa là cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đang rộn ràng người và xe cộ, hàng hóa qua lại, dù trời đã trưa.

Ở hai đầu cửa khẩu, phía Takeo, có một dải đất trống chạy từ núi Thum Đưng ra quốc lộ 2; phía An Giang cũng có một khu đất rộng ở kế cầu Xuân Tô cặp quốc lộ 91. Đó là hai “khu kinh tế cửa khẩu” của Takeo và An Giang, đang trong giai đoạn khởi động. Hai bên đường, dưới đồng nước, nhiều ghe chài của dân biên giới đang thả lưới đánh cá linh, loại cá về nhiều trong mùa nước nổi.
Anh Nguyễn Hoàng Vũ, chạy xe ôm, đang chờ khách ở đầu cầu Xuân Tô, nói: “Năm nay nước đổ về không sung bằng năm ngoái, thấy dân đánh cá ít hơn dân chạy xe ôm”. Sau lưng anh là tấm bảng lớn với dòng chữ “Việt Nam - Campuchia hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” bằng tiếng Khmer và tiếng Anh. Mặt sau tấm bảng hướng sang Takeo, cũng nội dung đó nhưng là tiếng Việt và tiếng Anh.

Một nhóm khoảng 50 người chạy xe ôm như anh Vũ, hầu hết từ huyện Tịnh Biên ra, đang tụ tập trên khu đất trống quy hoạch làm khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên. Tuy vậy, ít ai rành chuyện khu kinh tế này. Vũ nói: “Tụi tôi chỉ biết chạy xe ôm, mỗi ngày kiếm cỡ 80.000 đồng”. Khách của họ, nhiều nhất là nông dân hai bên qua lại trao đổi hàng nông sản hoặc là dân Tịnh Biên qua huyện Kirivong chơi đá gà. Chỉ cần trình chứng minh thư biên giới cho đồn biên phòng là đi lại dễ dàng như đi chợ. Khách ngoài tỉnh thì phải có đủ hộ chiếu, visa.

Tại cửa khẩu trưa hôm đó, trong khoảng nửa giờ, thấy có hơn 100 người qua lại và chỉ có hai du khách phương Tây. Có tám xe tải lớn chở sắt, bột nhựa, vật liệu xây dựng... từ TPHCM về, đang làm thủ tục để sang xe đưa hàng qua Campuchia. Hàng phía bên kia về Việt Nam, nhiều nhất là giấy phế liệu, lúa, đậu... chở trên những chiếc xe gắn máy kéo thùng. 

Ngày hôm sau quay lại đất Takeo dưới chân núi Thum Đưng, tôi cũng chỉ gặp những “núi” bao lúa chất trên mặt đường nhựa quốc lộ 2 - con đường mới được Nhật Bản tài trợ nâng cấp chạy thẳng về Phnôm Pênh cách đó hơn 120 cây số. Cặp vào quốc lộ, thấy có ba ghe nhỏ đang chuẩn bị chở lúa qua Tịnh Biên. Ở giữa đường vắng, gặp một xe kéo lúa bị hư máy; chủ xe, mấy anh bạn Campuchia vui vẻ cho tôi chụp hình rồi nói tiếng Việt lơ lớ: “Lúa chở qua Việt Nam bán lời hơn”.

Thấy xa xa giữa đồng nước nổi có hai chiếc vỏ lãi đang phóng như bay qua hướng chợ Tịnh Biên, hỏi hàng gì, anh bạn Campuchia nói: “Đường cát Thái Lan đi lậu đó!”.

Rốt cuộc chúng tôi cũng ngồi trong casino Chrey Thum, nằm cặp quốc lộ 21 của Campuchia, cách sông Bình Di non một cây số. Bình Di là con sông nhỏ nối liền huyện An Phú của tỉnh An Giang với huyện Koh Thum của tỉnh Kandal. Từ đây lên Phnôm Pênh chỉ còn hơn 70 cây số nữa - là con đường ngắn nhất nối thủ đô Campuchia với Việt Nam. Từ đây trở về bến phà Bình Di, theo quốc lộ 956 đi hơn 30 cây số nữa, vượt phà Cồn Tiên là gặp thị xã Châu Đốc của tỉnh An Giang.

“Khách tới đây phần lớn từ Việt Nam qua và từ Phnôm Pênh xuống, đông nhất là vào cuối tuần và ngày lễ” - anh Chan Yin, có tên tiếng Việt là Chí, quản lý sòng bạc của casino, nói tiếng Việt rành rẽ. Anh khoe đã học tiếng Việt tại TPHCM ba năm trước khi làm cho ông chủ Kocan ở đây. Ngoài đánh bạc, casino này còn có khách sạn 100 phòng, nhà hàng, karaoke. Sau khi nhắc chúng tôi không được chụp hình tại casino, anh Chan Yin “tiếp thị” giá cả: giá phòng cho khách đánh bài là 7,5 đô la/ngày, cho khách không đánh bài là 15 đô la; karaoke từ 5-10 đô la/giờ, bia Heneiken 1,7 đô la/lon, thuốc lá 555 giá 9 đô la/cây...


“Ông chủ Kocan đón đầu cơ hội làm ăn ở khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình - Chrey Thum đấy”, Chan Yin nói: “Có một ông chủ khác người Malaysia đang xây một khu casino lớn hơn chỗ này”. Chúng tôi vừa đi ngang qua nơi đang xây dựng đó, nằm sát bờ sông Bình Di; một tòa nhà “khổng lồ” màu xanh, ngoài casino còn có khách sạn 200 phòng, nghe nói có thể hoạt động vào cuối năm nay. 

Vừa khi chúng tôi chia tay casino Chrey Thum thì có một đoàn khách quen của Chan Yin từ huyện Tân Châu qua. Một cô nhân viên người Khmer trẻ đẹp chào họ bằng tiếng Việt: “Xin mời mấy anh”.

Cách đó không xa, chỗ khu đất trống gần bến xe đò xã Chrey Thum, anh Natra, chuyên bán thịt heo đưa từ An Giang qua, cho biết miếng đất này đã có một ông chủ Campuchia ở Mỹ về mua rồi. “Ổng tính kinh doanh địa ốc đấy”, Natra nói tiếng Việt rồi móc điện thoại nói tiếng Khmer, hẹn vợ ở Phnôm Pênh, sẽ lái xe đưa “hàng” lên ngay.

Trở về chợ Long Bình bên kia sông Bình Di - nơi có hơn 100 sạp đầy nhóc vải và hàng nông sản thực phẩm, đồ gia dụng có gốc từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia... tôi nhận được vài con số của Chi cục Hải quan huyện An Phú: Tám tháng đầu năm 2006, Việt Nam xuất qua Campuchia hơn 19 triệu đô la Mỹ, nhiều nhất là phân bón, gạch men, thanh nhôm, nhựa gia dụng, vật liệu xây dựng... Không thấy nhắc gì tới hàng nhập khẩu chính ngạch.

Thế còn tương lai của khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình - Chrey Thum mà Chính phủ hai nước đã đồng ý mở ra từ năm ngoái? Trả lời chúng tôi, ông Phạm Minh Trí - Bí thư Huyện ủy huyện An Phú - nói: “Lệ thuộc rất nhiều vào cây cầu Bình Di đang chờ chọn vị trí xây dựng. Còn cầu Cồn Tiên thì có thể sang năm sẽ xong”. Ông Trí nhấn mạnh: “Chỉ tiếc là chuyện “kinh tế cửa khẩu” mình đề xuất trước nhưng làm chậm hơn phía bạn. Mình chờ Trung ương làm cơ sở hạ tầng còn phía bạn thì không chờ vì kinh tế tư nhân của họ đang sung hơn của mình, chỗ nào có lợi thì họ đầu tư”.

 Nhìn qua bên kia bờ sông Bình Di, thấy có ba trụ ăng-ten viễn thông không cách xa nhau là mấy. Anh Tấn Hưng, người thu thuế hoa chi ở chợ Long Bình, giải thích: “Tư nhân xây đó. Dân họ xài nhiều loại số điện thoại di động lắm”.
 
------------------------
(*) Bài viết nằm trong khuôn khổ chương trình “Mêkông trong trí tưởng” dành cho 40 nhà báo sáu nước vùng sông Mêkông do ISP và PMFI tổ chức.


♥♥♥



Cửa khẩu Mộc Bài - Bavet sôi động nhịp giao thương


Thứ tư, 4/10/2006, 08:01 GMT+7 (Báo Cần Thơ)

Việt Nam và Campuchia đã khánh thành cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới hai nước ở cửa khẩu Mộc Bài - Bavet thuộc hai tỉnh Tây Ninh và Svay Rieng vào sáng ngày 27-9-2006. Cột mốc này nằm trên tuyến đường xuyên Á. Hai bên cột mốc, đang mọc lên hai khu kinh tế cửa khẩu mà mỗi bên, có một dáng vẻ riêng…



Tưng bừng dịch vụ 

Trước sự kiện này một bữa, chúng tôi đã thuê xe ôm lên tới bến phà Neak Loeung, cách biên giới khoảng 110 cây số. Anh Val Thi, chạy xe ôm kiêm phiên dịch, rủ đi tiếp 60 cây số nữa tới Phnom Penh nhưng tôi quyết định quay về để kịp ngủ đêm tại Bavet. Ở bến phà Neak Loeung, thấy xe đò xuống phà mà hành khách vẫn ngồi đầy trên mui; vài em nhỏ bán vé số (có cả vé số của tỉnh Tây Ninh) nói được tiếng Việt. Suốt hành trình, không gặp người ăn xin.

Một trong 5 casino đang hoạt động ở Bavet

Chiều tối về tới Bavet, chúng tôi gặp lại những chiếc xe tải lớn từ Phnom Penh qua, đang đổ hàng cách cửa khẩu vài cây số. Những lô hàng rượu, thuốc lá, quần áo, giày dép… từ Thái Lan về nhanh chóng được chuyển vào các căn nhà nằm ven Quốc lộ 1. “Nó sẽ được xé lẻ băng đồng về Mộc Bài chứ không đi qua cửa khẩu” - anh Val Thi giải thích.
Từ cửa khẩu ngược lên chừng năm cây số, điện đã sáng trưng một vùng biên giới, các khu casino bắt đầu vào ca đêm. Ngoại trừ casino Las Vegas đang xây dang dở ở gần trường đá gà có tên là Xuyên Á, các casino khác lộng lẫy ánh đèn màu mà dù ở cách xa vài trăm mét vẫn đọc rõ tên: Volvo, New World, Bavet Mộc Bài, Kings Crown, Ma Cau… 

Chở tôi chạy trong mưa đêm rả rích, anh Val Thi nói: “Dân Bavet mua điện kéo từ bên Tây Ninh qua nhưng họ xài điện sang hơn dân Mộc Bài”. Thật ra, cũng như bên kia đường biên giới, sau lưng những “khu kinh tế” cặp hai bên quốc lộ như thế này là những cánh đồng lúa và xóm làng nghèo khó; nhiều nhà chưa có điện, phải thắp sáng bằng bình ắc-qui.

Tối hôm đó, chúng tôi ghé vào hai khu casino Bavet Mộc Bài và Kings Crown, mỗi nơi độ nửa giờ. Trời mưa mà người từ cửa khẩu vẫn đổ qua đông, lớp đi xe hơi, lớp chạy xe gắn máy. Trong casino Kings Crown, có gần 1.000 người đang quây quần bên các sòng bài; bên kia có khoảng 500 khách. Anh Val Thi nói: “Hơn 90% khách là từ Việt Nam qua. Nhiều người chơi thâu đêm suốt sáng. Họ được phục vụ miễn phí khách sạn và ăn uống tại chỗ”. Chen trong đám đông, bám theo tôi là một cô gái khá xinh mang bảng tên Khmer mà nói tiếng Việt giọng ngọt ngào: “Đổi đô-la chơi bài đi anh”.
Tối bữa đó, trong căn nhà trọ bình dân cách cửa khẩu chừng bảy cây số, anh Val Thi cho biết Chính phủ Campuchia chỉ cho mở casino ở các cửa khẩu biên giới giáp với Việt Nam và Thái Lan. Còn ông To Oun, chủ nhà trọ, thì cho hay giá đất ở đây ba năm trước, một mét tới (1 mét x 50 mét) 200 đô-la Mỹ, còn bây giờ là 10.000 đô-la. Ông To Oun cũng nói, khu casino này còn được “tiếp sức” bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài; như ở trên cánh đồng lúa gần nhà ông, một ông chủ Đài Loan đã thuê 20 héc-ta đất để xây nhà máy sản xuất xe đạp xuất khẩu.

Xếp hàng… giảm giá

Trước khi sang Campuchia, chúng tôi đã ngủ hai đêm ở nhà trọ Tiến Dũng thuộc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, cách chợ đường biên Mộc Bài gần hai cây số. Ông Xiêm, chủ nhà trọ, cho biết: Nhà của ông cũng như toàn bộ dân cư ở xã này sẽ phải di dời khi khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mở rộng. Ông Xiêm nói: “Chưa ai chịu giá đất đền bù tối đa chỉ 125.000 đồng/mét vuông. Vì họ lo sẽ giống như hàng trăm hộ đã ra đi hai năm trước đây, bây giờ nhiều người không chạy xe ôm thì hàng ngày phải đi xếp hàng giảm giá”.
Cái cảnh “xếp hàng giảm giá” này đã quá quen thuộc với người dân địa phương. Hôm đó là thứ hai, mới 8 giờ sáng đã có gần 1.000 người xếp hàng trước cổng khu thương mại Mộc Bài. Bên trong là siêu thị Thế kỉ Vàng, siêu thị Smiling và chợ đường biên Mộc Bài với những kho hàng nhập khẩu bán miễn thuế. Lúc đầu không phải xếp hàng; nay thì mỗi người, bằng chứng minh thư hoặc hộ chiếu, được cấp một phiếu mua hàng miễn thuế trị giá 500.000 đồng trong một ngày. Đa phần dân nghèo ở đây chuyên đi xếp hàng thuẹ để mua rượu ngoại và phụ tùng xe gắn máy Thái Lan; mỗi ngày một người kiếm được khoảng 10.000 đồng. Trong khi đó, đội quân xe ôm đông khoảng 300 người, chạy giỏi một người kiếm được 80.000 đồng/ngày.
Thấy chúng tôi loay hoay chụp hình, một ông nông dân chìa tấm chứng minh thư tên Nguyễn Văn Lung ra, mời: “Tôi mua rượu cho anh nghen. Trả tôi 8.000 đồng thôi”.
Ông Đặng Xuân Đức, Giám đốc Công ty Chợ Đường biên Mộc Bài nói rằng nên tăng lên hai triệu đồng cho mỗi phiếu mua hàng giảm giá để người dân nghèo và cả doanh nghiệp được lợi hơn. Công ty của ông đã đầu tư vào đây hơn 35 tỉ đồng, thu hút 70 doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh hàng miễn thuế. Tháng 8-2006, các doanh nghiệp này bán hàng được hơn 25 tỉ đồng. Ông Đức nói, ngoài ba kho hàng đã đầy kín, sang năm công ty sẽ xây thêm hai kho nữa.
Bên kia con đường xuyên Á đối diện khu chợ này là một trung tâm thương mại vừa kinh doanh vừa xây dựng. Trên cánh đồng lúa rộng gần 50 héc-ta ngày nào, giờ đây đã là Trung tâm Thương mại Hiệp Thành.
Đi tắt qua cổng siêu thị Thế kỉ Vàng, chúng tôi gặp trụ sở Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nằm gần trụ sở hải quan và biên phòng. Ông Dương Thành Vấn, Trưởng phòng Kế hoạch và đầu tư của ban này, cho biết cả khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài sẽ rộng hơn 21.000 héc-ta, bằng một nửa diện tích hai huyện Bến Cầu và Trảng Bàng, với các khu công nghiệp, khu thương mại, khu dân cư và khu du lịch sinh thái.
Ông Vấn nói: “Hiện nay đang làm khu thương mại và đô thị 1.355 héc-ta nhưng ngân sách tỉnh và nhà đầu tư mới đền bù được hơn 400 héc-ta; nhiều nơi còn “da beo” vì kẹt cơ chế đền bù giải tỏa và chưa có cơ sở hạ tầng”. 
Về chuyện “xếp hàng giảm giá”, ông Vấn cho biết máy tính ghi nhận mỗi ngày có khoảng 4.000 khách, riêng chủ nhật có tới 10.000 khách tham gia, trong đó chỉ có 10% là từ Campuchia qua. “Chúng tôi mong muốn đảo ngược tỷ lệ này, 90% khách từ phía Campuchia qua thì mới đúng nghĩa là khu kinh tế cửa khẩu” - ông Vấn nhấn mạnh.



♥♥♥

Đi thăm cửa khẩu Mộc Bài (*)


(Thời báo Kinh tế Sài Gòn 12-10-2006)



Trên tuyến biên giới Việt Nam và Campuchia dài 1.300 ki lô mét, cửa khẩu Mộc Bài - Bavet nằm trên tuyến đường xuyên Á, thuộc địa phận hai tỉnh Tây Ninh và Svay Rieng. Hai bên cửa khẩu đang mọc lên hai khu kinh tế mà mỗi bên mang một dáng vẻ riêng.



Tưng bừng casino



Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi thuê xe ôm lên tới bến phà Neak Loeung, cách biên giới khoảng 110 cây số. Anh Val Thi, chạy xe ôm kiêm phiên dịch, rủ đi tiếp 60 cây số nữa tới Phnôm Pênh nhưng tôi quyết định quay về để kịp ngủ đêm tại Bavet. Ở bến phà Neak Loeung, xe đò xuống phà mà hành khách vẫn ngồi đầy trên mui; vài em nhỏ bán vé số (có cả vé số của tỉnh Tây Ninh) nói được tiếng Việt. Suốt hành trình, chúng tôi không gặp người ăn xin nào.

Chiều tối về tới Bavet, chúng tôi gặp lại những chiếc xe tải lớn từ Phnôm Pênh qua, đang đổ hàng cách cửa khẩu vài cây số. Những lô hàng rượu, thuốc lá, quần áo, giày dép... từ Thái Lan về nhanh chóng được chuyển vào các căn nhà nằm ven quốc lộ 1. “Nó sẽ được xé lẻ để băng đồng về Mộc Bài chứ không đi qua cửa khẩu”, anh Val Thi giải thích.

Từ cửa khẩu ngược lên chừng năm cây số, điện đã sáng trưng một vùng biên giới, các khu casino bắt đầu vào ca đêm. Ngoại trừ casino Las Vegas đang xây dang dở ở gần trường đá gà có tên là Xuyên Á, các casino khác lộng lẫy ánh đèn màu, ở cách xa vài trăm mét vẫn đọc rõ tên: Volvo, New World, Bavet Mộc Bài, King’s Crown, Ma Cau... 

Chở tôi chạy trong mưa đêm rả rích, anh Val Thi nói: “Dân Bavet mua điện kéo từ Tây Ninh qua nhưng họ xài điện sang hơn dân Mộc Bài”. Thật ra, cũng như bên kia đường biên giới, sau lưng những “khu kinh tế” cặp hai bên quốc lộ như thế này là những cánh đồng lúa và xóm làng nghèo khó; nhiều nhà chưa có điện, phải thắp sáng bằng bình ắc-quy.

Chúng tôi ghé vào hai khu casino Bavet Mộc Bài và King’s Crown, mỗi nơi độ nửa giờ. Trời mưa mà người từ cửa khẩu vẫn đổ qua đông, lớp đi xe hơi, lớp chạy xe gắn máy. Trong casino King’s Crown, có gần 1.000 người đang quây quần bên các sòng bài; bên kia có khoảng 500 khách. Anh Val Thi nói: “Hơn 90% khách là từ Việt Nam qua. Nhiều người chơi thâu đêm suốt sáng. Họ được phục vụ miễn phí khách sạn và ăn uống tại chỗ”. Chen trong đám đông, bám theo tôi là một cô gái khá xinh mang bảng tên Khmer nhưng nói tiếng Việt giọng rất ngọt ngào: “Đổi đô la chơi bài đi anh”.

Tối hôm đó, trong căn nhà trọ bình dân cách cửa khẩu chừng bảy cây số, anh Val Thi cho biết Chính phủ Campuchia chỉ cho mở casino ở các cửa khẩu biên giới giáp với Việt Nam và Thái Lan. Còn ông To Oun, chủ nhà trọ, thì cho hay giá đất ở đây ba năm trước một mét tới (1 mét x 50 mét) 200 đô la Mỹ, còn bây giờ là 10.000 đô la. Theo To Oun, khu casino này còn được “tiếp sức” bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài; như ở trên cánh đồng lúa gần nhà ông, một ông chủ Đài Loan đã thuê 20 héc ta đất để xây nhà máy sản xuất xe đạp xuất khẩu.


Xếp hàng... giảm giá



Trước khi sang Campuchia, chúng tôi đã ngủ hai đêm ở nhà trọ Tiến Dũng thuộc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, cách chợ đường biên Mộc Bài gần hai cây số. Ông Xiêm, chủ nhà trọ, cho biết nhà của ông cũng như toàn bộ dân cư ở xã này sẽ phải di dời khi khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mở rộng. Ông Xiêm nói: “Chưa ai chịu giá đất đền bù tối đa chỉ 125.000 đồng/mét vuông. Vì họ lo sẽ giống như hàng trăm hộ đã ra đi hai năm trước đây, bây giờ nhiều người không chạy xe ôm thì hàng ngày phải đi “xếp hàng giảm giá”.


Cái cảnh “xếp hàng giảm giá” này đã quá quen thuộc với người dân địa phương. Mới 8 giờ sáng thứ Hai mà đã có gần 1.000 người xếp hàng trước cổng khu thương mại Mộc Bài. Bên trong là siêu thị Thế Kỷ Vàng, siêu thị Smiling và chợ đường biên Mộc Bài với những kho hàng nhập khẩu bán miễn thuế. Lúc đầu không phải xếp hàng; nay thì mỗi người, bằng chứng minh thư hoặc hộ chiếu, được cấp một phiếu mua hàng miễn thuế trị giá 500.000 đồng trong một ngày. Đa phần dân nghèo ở đây chuyên đi xếp hàng thuê để mua rượu ngoại và phụ tùng xe gắn máy Thái Lan; mỗi ngày một người kiếm được khoảng 10.000 đồng. Trong khi đó, đội quân xe ôm đông khoảng 300 người, chạy giỏi một người kiếm được 80.000 đồng/ngày. Thấy chúng tôi loay hoay chụp hình, một ông nông dân chìa tấm chứng minh thư ra, mời: “Tôi mua rượu cho anh nghen. Trả tôi 8.000 đồng thôi”.

Ông Đặng Xuân Đức, Giám đốc Công ty Chợ đường biên Mộc Bài, nói rằng nên tăng lên hai triệu đồng cho mỗi phiếu mua hàng giảm giá để người dân nghèo và cả doanh nghiệp được lợi hơn. Công ty của ông đã đầu tư vào đây hơn 35 tỉ đồng, thu hút 70 doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh hàng miễn thuế. Tháng 8-2006, các doanh nghiệp này đạt doanh số bán hàng hơn 25 tỉ đồng. Ông Đức nói, ngoài ba kho hàng đã đầy kín, sang năm công ty sẽ xây thêm hai kho nữa. Ông Dương Thành Vấn, Trưởng phòng Kế hoạch của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu, cho biết máy tính ghi nhận mỗi ngày có khoảng 4.000 khách, riêng chủ nhật có tới 10.000 khách mua hàng, trong đó chỉ có 10% là từ Campuchia qua. “Chúng tôi mong muốn đảo ngược tỷ lệ này, 90% khách từ phía Campuchia qua thì mới đúng nghĩa là khu kinh tế cửa khẩu” - ông Vấn nhấn mạnh.

Bên kia con đường xuyên Á, đối diện khu chợ này là một trung tâm thương mại vừa kinh doanh vừa xây dựng. Trên cánh đồng lúa rộng gần 50 héc ta ngày nào, giờ đây đã là Trung tâm Thương mại Hiệp Thành. Ông Vấn cho biết cả khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài sẽ rộng hơn 21.000 héc ta, bằng một nửa diện tích hai huyện Bến Cầu và Trảng Bàng, với các khu công nghiệp, khu thương mại, khu dân cư và khu du lịch sinh thái. Ông nói: “Hiện nay đang xây dựng khu thương mại và đô thị 1.355 héc ta nhưng ngân sách tỉnh và nhà đầu tư mới đền bù được hơn 400 héc ta; nhiều nơi còn “da beo” vì kẹt cơ chế đền bù giải tỏa và chưa có cơ sở hạ tầng”.

(*) Bài viết trong khuôn khổ hội thảo “Mêkông trong trí tưởng” (do IPS và PMFI  tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller) dành cho 40 nhà báo sáu nước vùng sông Mêkông.


♥♥♥




(Theo Saigon Times Weekly 14-10-2006)





Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Một thời để nhớ


Xin được mượn “một chút” tựa cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Erich Maria Remarque, Một thời để yêu và một thời để chết, để nói về cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Đông Thức, Không có gì và không một ai, do NXB Trẻ ấn hành vào năm ngoái.

Bởi vì cuốn kia viết về tình yêu và chiến tranh thời thế chiến thứ hai ở châu Âu còn cuốn này viết về tình yêu và xã hội thời hòa bình ở Việt Nam sau 1975. Cả hai đều là “một thời để nhớ”, dù bối cảnh và nhân vật của Nguyễn Đông Thức hẹp hơn, chủ yếu là chuyện của tuổi trẻ trong xã hội Việt Nam và Mỹ. Vì nói cho cùng, đụng tới thân phận con người thì “thời nào cũng là người” và họ luôn sống trong những hoàn cảnh xã hội nhất định.



Ba nhân vật chính của Nguyễn Đông Thức, một nữ, hai nam, “dân học sinh - sinh viên Sài Gòn chính hiệu”, người có gốc gia đình là “sĩ quan cao cấp ngụy”, người có gốc gia đình là “sĩ quan cách mạng tập kết” và “hoạt động nội thành” - họ cùng dấn thân vào xã hội Việt Nam, từ ngày giải phóng cho đến hôm nay. Họ là bạn thân thiết vì có chung sở thích yêu âm nhạc và ngoéo tay nhau chung một lời nguyền, “không có gì và không một ai có thể thay đổi tình bạn tụi mình”. Nhưng rồi “trải qua muôn cuộc bể dâu” với bao  biến động của đất nước và với đặc điểm xã hội hai miền Nam - Bắc sau 1975,  liệu rồi lời nguyền của họ sẽ ra sao? Hay nói cách khác, số phận của họ - và cả xã hội mà họ đang sống - sẽ diễn biến ra sao? Xin để dành cho bạn đọc khám phá những trang sách đầy hư cấu nhưng lại hết sức gần gũi với những chuyện đời mà ta đã và đang sống.

Như là lời tâm sự của tác giả: “Tôi bắt đầu viết tiểu thuyết này vào cuối năm 2010, hy vọng sẽ xong trước tháng 10.2011, như món quà tự mừng sinh nhật 60 của mình. 60, “rửa tay gác kiếm”, ai ngờ nhanh vậy! Ngày 20.7.1975, tôi 24 tuổi, vác ba lô gia nhập đại đội 3 Thanh niên xung phong Thành đoàn, bắt đầu cuộc đời mới. Rồi ngày 31.3.1981, tôi 30 tuổi, từ Kompong Chàm về nhận việc ở Tuổi Trẻ, làm báo miệt mài suốt ba chục năm… Tất cả như chỉ sau vài cái chớp mắt. Y như cảm giác của những nhân vật chính, vào cuối truyện… Không có gì và không một ai là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu, nhưng không thể không có chút ít bóng dáng tôi và bạn bè một thời có mặt trong đây. Cả một thời chúng tôi đã sống, mạnh mẽ và sôi nổi, vất vả và gan lì, để cùng vượt qua bao khó khăn đi tới ngày hôm nay”.

Như là cách nhìn “thiên về thế sự” của nhà thơ Lê Minh Quốc, người cùng thời với tác giả: “Sự kiện của đời sống lọt vào quan sát của nhà báo chỉ là thông tin. Với nhà văn lại khác, nó còn là chất liệu quý báu khi xây dựng một tác phẩm văn chương. Hầu hết tác phẩm của Nguyễn Đông Thức có thế mạnh khai thác hợp lý nhiều sự kiện của đời sống. Chính vì thế, khi muốn nhìn lại giai đoạn của một thời đã qua - các tiểu thuyết thế sự ấy dứt khoát có một vai trò nhất định. Tiểu thuyết mới nhất của anh - Không có gì và không một ai, là một đóng góp sáng giá khi nhìn lại tiến trình của nền báo chí Việt Nam sau 1975. Không chỉ đầy ắp sự kiện mà còn thông qua số phận khốc liệt của nhân vật, chắc chắn bạn đọc vừa ngậm ngùi, vừa mỉm cười chua chát”.

Thí dụ như “sự kiện” làm báo trong những năm 1975-1985, như lời của một nhân  vật tại một cuộc họp tòa soạn (trang 98): “Tại sao làm báo mà lại đòi nhà nước chi tiền? Chúng ta không thể sống tự lập bằng tờ báo của mình à? Chúng ta vui vẻ làm những ông quan báo, tờ báo dở ẹc không ai đọc cũng được hưởng lương như mọi cán bộ công nhân viên các ngành khác?... Tôi đề nghị các anh chị chấm dứt ngay tư duy làm báo bao cấp ấy. Đừng ngậm vú mẹ nữa! Ra đời kiếm ăn, làm giàu bằng chính tài năng, sức lực của mình đi! Tờ báo xứng đáng phải vào được từng gia đình, sống được bằng chính sự chi trả của người đọc”.

Còn với ai mê âm nhạc thì có thể chia sẻ nhận xét này của nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Đây là cuốn tiểu thuyết mà ba nhân vật đã trôi theo dòng nhạc, từ Cho lần cuối của Lê Uyên Phương đến You’ve got a friend của Carole King. Có hay không một tình bạn giữa người nữ và người nam? Bạn đọc sẽ có câu trả lời khi cùng trôi theo dòng nhạc – dòng đời đó, để hiểu về tình bạn và tình yêu của chính mình”.

Dù có như vậy, và dù đây là cuốn truyện “rửa tay gác kiếm” sau 21 tác phẩm văn học bao gồm truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài sáng tác trong gần 40 năm qua, nhưng rồi chính tác giả cũng phải thú nhận: “Cuốn truyện hóa ra quá khó viết. Chỉ có ba nhân vật chính, nhưng ai cũng có một cuộc đời chìm nổi, lại trong một thời kỳ đầy biến động. Ba người bạn thân, cũng là một cuộc tình tay ba… sẽ sống như thế nào trước bao biến cố cuộc đời?”.

Bài đã đăng báo Thanh Niên:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130611/mot-thoi-de-nho.aspx