Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Lung Ngọc Hoàng, một góc nhìn kinh tế du lịch

Huỳnh Kim
Thứ Năm,  20/6/2019, 14:51 

(TBKTSG) - Chuẩn bị cho hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” do TBKTSG phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và Đài Truyền hình Hậu Giang tổ chức vào ngày 8-7 tới tại Hậu Giang, đoàn khảo sát thực tế Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã đề xuất một góc nhìn kinh tế du lịch cho nơi này.

Xuống thuyền vô Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Huỳnh Kim

Trong nguyên sơ Lung Ngọc Hoàng

Theo tài liệu lưu trữ, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được thành lập theo Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg ngày 14-1-2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 20-6-2011 của UBND tỉnh Hậu Giang. Khu này rộng trên 2.805 héc ta, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên 1.015 héc ta, phân khu phục hồi sinh thái trên 937 héc ta và phân khu hành chính dịch vụ trên 852 héc ta. 

Lung Ngọc Hoàng là khu bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Về thực vật, các cánh rừng ngập nước trong lung hiện có trên 330 loài, trong đó có 56 loài mới phát hiện. Đây là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của đồng bằng sông Cửu Long. Về động vật, Lung Ngọc Hoàng hiện có 206 loài, trong đó có nhiều loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang và các loài quý hiếm như bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là, dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo, càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm...

Tài liệu này viết, Lung Ngọc Hoàng thật sự là nơi phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật bản địa, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm, tái tạo các mẫu sinh cảnh cuối cùng còn sót lại của vùng đồng bằng ngập nước Tây sông Hậu và cung cấp nguồn giống sinh vật tự nhiên cho các tỉnh phụ cận. Trong tương lai, Lung Ngọc Hoàng sẽ là nơi nghỉ ngơi, giải trí cho du khách tham quan trong và ngoài nước. Trước mắt, khu bảo tồn đang phát triển và mở rộng cảnh quan du lịch ở một số phân khu nhưng không làm thay đổi hiện trạng, bảo đảm hòa hợp với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Du lịch nghiên cứu, học tập sẽ thu hút học sinh, sinh viên vào kỳ nghỉ hè, có thể giúp họ hiểu thêm địa lý, địa chất, lịch sử, môi trường, sinh học… vùng đất ngập nước. Du lịch sinh thái thu hút khách đi bộ tham quan, khám phá thiên nhiên, tài nguyên động vật, thực vật; tham quan rừng tràm 30 năm tuổi; hệ thống lung bàu ngập nước... Du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng homestay giúp du khách trải nghiệm thực tế đời sống văn hóa, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của cộng đồng, dân cư sinh sống tại địa phương. Du lịch giải trí có câu cá đồng, hái rau rừng, thu mật ong, đặt lờ, đặt nơm bắt cá, chèo xuồng trên kênh rạch, cắm trại…

“Đến Lung Ngọc Hoàng, du khách có dịp đi xuồng nhỏ giăng câu, thả lưới, soi cá. Du khách sẽ gặp những cánh đồng hoang vu xa tít tận phía chân trời với những bầy le le, cò trắng chập chờn tung cánh giữa mênh mông hoang dã”, tài liệu giới thiệu về Lung Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

Một góc nhìn từ thực tế

Trong chuyến khảo sát trọn buổi sáng hôm đó, dù mới chỉ đi qua một góc nhỏ giữa những cánh rừng ngập nước hoang sơ Lung Ngọc Hoàng, ông Stiermann Martin, người Đức, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Ricefield Lodge ở xã Trường Long, huyện Phong Điền (Cần Thơ), đã nhiều lần thốt lên hai tiếng “tuyệt vời”. Ông nói: “Tôi nghĩ Lung Ngọc Hoàng đẹp hàng đầu Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam nhưng chưa nơi nào tôi thấy có cảnh quang tuyệt vời như thế này”.

Đoàn khảo sát Lung Ngọc Hoàng (HKim)

Đứng trên tháp cao gần 20 mét, nhìn bao quát những cánh rừng tràm, ông Martin say sưa góp ý với các bạn cùng đi. Ông nói như “sợ mất đi một Lung Ngọc Hoàng hoang sơ”. Theo ông Martin, đây không nên là nơi kinh doanh du lịch bằng mọi giá, nhất là giá rẻ, với các dãy nhà homestay. Đây cũng không nên là nơi phát triển loại hình du lịch với công nghệ cao, mà phải giữ được sự tĩnh lặng, để có sự khác biệt trong sản phẩm du lịch. Không nên có đoàn đông người, không nên ồn ào, không nên dùng xe gắn máy, ô tô, thậm chí không nên chạy vỏ lãi có gắn máy mà nên dùng thuyền gỗ sử dụng năng lượng mặt trời. Tất cả, để cho du khách có thể hưởng trọn vẹn sự tĩnh lặng, vẻ hoang sơ của rừng, của gió, của chim trời, cá nước ở nơi đây.

Mr Stiermann Martin (phía trước) trong Lung Ngọc Hoàng (HKim)

“Nếu không có sự chọn lọc, ai cũng có thể đến đây với cái ồn ào, náo nhiệt và xả rác, thì nó sẽ phá hỏng cảnh quang. Các anh, các chị phải xác định đón loại khách nào đến khu bảo tồn này, chứ không thể đón tất cả các loại khách”, ông Martin nói. Và ông đề nghị, sẵn sàng hợp tác với ngành du lịch Hậu Giang cùng ban lãnh đạo Lung Ngọc Hoàng đưa khách cao cấp châu Âu nghỉ tại Ricefield Lodge ở Cần Thơ tới đây để “thưởng thức Lung Ngọc Hoàng”, mỗi tour chỉ vài ba người khách.

Là người đề xướng chuyến khảo sát, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt (TPHCM), ủng hộ ý kiến của ông Martin. Ông Huê nói: “Lâu nay anh Martin luôn muốn tìm một điểm hoang sơ giữa đồng bằng để đưa khách đi chơi và hôm nay ảnh biết được đây là chỗ tuyệt vời. Với cái nhìn của người châu Âu, ảnh thấy rằng Lung Ngọc Hoàng hội đủ tất cả các yếu tố để phát triển loại hình du lịch sinh thái cho khách yêu thiên nhiên với phân khúc cao cấp”.

Theo ông Huê, du khách cao cấp châu Âu rất yêu thiên nhiên và sự tĩnh lặng của môi trường du lịch. “Hậu Giang nên coi đó là điểm nhấn trung tâm để tổ chức các điểm dịch vụ xung quanh. Nhưng phải theo nguyên tắc là bảo tồn, giữ được tài nguyên, chứ không phải vô được cái lõi Lung Ngọc Hoàng rồi là xây nhà nghỉ, xây khách sạn”, ông nói.

Ông Phan Đình Huê cũng đề nghị Ban Quản lý khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hậu Giang cần đề xuất với UBND tỉnh về dịch vụ du lịch này. Theo ông Huê, Hậu Giang có thể kinh doanh nhiều loại hình du lịch, nhưng nên chọn phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn, trong đó nên chọn Lung Ngọc Hoàng là điểm tham quan chính để “kích hoạt” phát triển du lịch địa phương.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nói: “Nếu anh Martin muốn liên kết phát triển du lịch, chúng tôi phải làm đề án để UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt thì mới có thể đón khách”. Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hậu Giang, giải thích rằng Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng chưa hình thành khu du lịch nên chưa cho khai thác. “Chỉ các đoàn có qua tỉnh ủy hay trung tâm xúc tiến du lịch liên hệ, thì có thể cho vô, chứ khách lạ không cho vào”, ông Hoàng nói.

Bông súng giữa Lung Ngọc Hoàng (HKim)

BOX:

Kế hoạch số 100 của UBND tỉnh Hậu Giang ngày 26-11-2014 triển khai Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng” thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định: Phát triển Hậu Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Đến năm 2025, thu hút 1 triệu lượt du khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 1.400 tỉ đồng, tạo việc làm cho 4.200 người dân địa phương.

Riêng với Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đến năm 2020, UBND tỉnh xác định, quy hoạch phát triển du lịch sinh thái với loại hình dự kiến khai thác là nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, giải trí, nghiên cứu khoa học. Để phát triển du lịch, những hạng mục về hạ tầng và trang thiết bị cần được đầu tư là đường vào Lung Ngọc Hoàng, trạm dừng chân, đường nội bộ, nhà điều hành, phòng họp, nhà nghỉ, ghe, thuyền, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, điện…

* Đã đăng TBKTSG 20-5-2019:

Rockefeller Foundation helps Can Tho with resilience

By Huynh Kim
Wednesday,  Jun 19, 2019,17:42 (GMT+7)


A view of the Can Tho Resilience Strategy Release Workshop on June 19. Can Tho City has partnered with 100 RC to kick off the city’s resilience strategy
 PHOTO: HUYNH KIM


CAN THO – Can Tho City has partnered with the 100 Resilience Cities (100 RC) – Pioneered by the Rockefeller Foundation to kick off the city’s resilience strategy, which is the first to be geared toward a fast-growing city in the Mekong Delta.

Speaking at a Can Tho Resilience Strategy Release Workshop on June 19, Dr. Nguyen Hieu Trung, chief resilience officer for Can Tho, said that the Can Tho resilience strategy is aimed at addressing challenges and difficulties related to environmental degradation, flooding, climate change, urbanization and unemployment.

Can Tho vice chairman Dao Anh Dung told the Saigon Times that the Rockefeller Foundation has given US$100 million in aid to 100 cities worldwide, including Can Tho, to conduct the program.

“The completion of the strategy is the result of two years of hard work by the relevant departments and agencies in cooperation with experts from institutes and schools, firms and individuals in Can Tho City,” Dung said. The resilience strategy is expected to turn Can Tho City into a clean, safe, green and prosperous city.

Lauren Sorkin, regional director of Asia Pacific at 100 RC, said that Can Tho as a fast growing city will play a leading role in catalyzing the urban resilience movement in the Mekong Delta.

The strategy highlighted the fact that the city has pulled its weight to ensure resilience and carefully mapped out solutions and activities to address the challenges.

“This long-term strategy will help the city fulfill its target of developing its river ecosystem, which is vulnerable to climate change,” Sorkin said.

Trung said that the strategy covers four fields: healthcare and welfare, infrastructure and environment, economy and society and policies and systems.

For healthcare and welfare, the city will ensure its residents have stable incomes and live in a safe and clean environment. On policies and systems, it will build policies and plans systematically to cope with pressure and obstacles.

100 RC helps the participating cities become more resilient to social, economic and physical challenges that are increasing in the 21st century.

* Đã đăng Saigon Times Daily 19-6-2019:

Quỹ Rockeeller giúp Cần Thơ chống chịu biến đổi khí hậu

Huỳnh Kim
Thứ Tư,  19/6/2019, 15:04 

(TBKTSG Online) -  Thành phố Cần Thơ phối hợp với Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu do Quỹ Rockefeller tài trợ (100 Resilient Cities - Pioneered by The Rockefeller Foundation, hay còn gọi là 100RC), chính thức công bố Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của thành phố Cần Thơ. Đây là kế hoạch chống chịu đô thị đầu tiên cho thành phố phát triển nhanh của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cảnh ngập lụt tại trung tâm thành phố Cần Thơ trong mùa lũ lụt 2018. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại lễ công bố vào sáng ngày 19-6, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Chánh Văn phòng dự án, nhấn mạnh kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của thành phố Cần Thơ nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến suy thoái môi trường, ngập lụt, biến đổi khí hậu, thất nghiệp và đô thị hóa không theo quy hoạch.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết Quỹ Rockefeller tài trợ cho 100 thành phố trên thế giới khoảng 100 triệu đô la Mỹ để thực hiện chương trình nói trên, trong đó có Cần Thơ. 

“Kế hoạch này được hoàn thành nhờ vào sự phối hợp tích cực từ hơn hai năm qua của các cơ quan ban ngành, các chuyên gia từ các viện, trường, doanh nghiệp và người dân Cần Thơ để có thể biến thành phố Cần Thơ thành một đô thị xanh, sạch, an toàn và thịnh vượng”, ông Dũng nói.

Theo bà Lauren Sorkin, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức 100 RC, Cần Thơ là thành phố phát triển nhanh và có vai trò dẫn đầu trong việc tăng cường khả năng chống chịu đô thị tại ĐBSCL. Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của Cần Thơ cho thấy thành phố đã có những quan tâm sâu rộng đến các thách thức hiện tại và chuẩn bị những hành động ứng phó. Những hành động này có mối tương quan chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Điều này cho thấy quy hoạch dài hạn sẽ giúp Cần Thơ dung hòa những mục tiêu phát triển với hệ sinh thái ven sông dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Hôm nay chỉ là bước cuối cùng cho một sự khởi đầu mới. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác liên ngành, lĩnh vực sẽ được tiếp tục khi thành phố triển khai các chương trình, dự án trong khuôn khổ Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu”, bà Lauren Sorkin nói.

Tại lễ công bố chương trình 100 RC tạo Cần Thơ sáng ngày 19-6-2019. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu của thành phố Cần Thơ với tầm nhìn thành phố ven sông xanh, bền vững, năng động, hội nhập, nơi người dân được sống an toàn, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau, xoay quanh 4 lĩnh vực sau:

Về sức khỏe và phúc lợi, Cần Thơ sẽ đảm bảo đảm cho cư dân có thu nhập ổn định, sống trong môi trường sạch và an toàn trước các cú sốc và áp lực về kinh tế, xã hội, môi trường. Mục tiêu là cung cấp phúc lợi xã hội cho các hộ dễ bị tổn thương, thường là những gia đình không có đất ở đô thị hoặc những người phải tái định cư do các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng. Thành phố cũng sẽ tổ chức những khóa đào tạo, hướng dẫn xin việc, hỗ trợ tài chính phù hợp với nhu cầu của họ và của thị trường lao động.

Về hạ tầng và môi trường, Cần Thơ sẽ trở thành một thành phố ven sông xanh, bền vững, hiện đại, hiệu quả, linh hoạt và chống chịu với các tình huống cực đoan. Cần Thơ sẽ tìm cách hạn chế việc san lấp kênh rạch và tạo điều kiện phát triển không gian công cộng mới. Thành phố cũng sẽ triển khai những giải pháp mềm, như cơ sở hạ tầng xanh, để góp phần giảm ngập lụt, nắng nóng, tăng chất lượng nước bị suy giảm ở cấp cộng đồng và quy mô thành phố.

Về kinh tế và xã hội, Cần Thơ sẽ đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp và thích ứng tốt hơn trước các biến động thị trường. Cần Thơ là trung tâm kinh tế của khu vực ĐBSCL và đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 7% trong 5 năm liên tục. Nền tảng chính của nền kinh tế là sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế và dựa trên kết quả đầu ra chứ không được thông tin bởi những đánh giá chiến lược của nhu cầu thị trường. Thành phố đang từng bước tái cấu trúc lĩnh vực nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao, sản xuất giá trị lớn. Cần Thơ sẽ thử nghiệm những công nghệ mới, chia sẻ dữ liệu, và các diễn đàn công dân nhằm tăng cường kết nối giữa các nhân tố trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Về chiến lược, chính sách và cơ chế phối hợp, Cần Thơ sẽ phát triển các chính sách và kế hoạch một cách hệ thống và tích hợp vì lâu nay các quy hoạch thường bị chồng chéo và đôi khi mâu thuẫn nhau. Cần Thơ hướng đến mục tiêu thực hiện Luật Quy hoạch mới, sắp xếp hợp lý các quy hoạch đa ngành. Thành phố đang tìm cách nâng cao năng lực cho các sở ban ngành nhằm triển khai các đánh giá, dự báo tình hướng, và quy hoạch đa ngành để giải quyết các cú sốc và áp lực.

Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu

Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu (gọi tắt là 100 RC) do Quỹ Rockefeller  sáng lập, nhằm giúp các thành phố trên thế giới trở nên vững vàng hơn trước các thách thức ngày càng tăng của thế kỷ 21 về xã hội, kinh tế và môi trường.

100 RC cung cấp sự hỗ trợ này thông qua tài trợ cho một Chánh Văn phòng phụ trách khả năng chống chịu tại mỗi thành phố, các nguồn lực để xây dựng dự thảo chiến lược tăng cường khả năng chống chịu; truy cập vào các công cụ chống chịu khu vực tư nhân, khu vực công cộng, học thuật, và tổ chức phi chính phủ; và là thành viên trong mạng lưới toàn cầu của các thành phố để chia sẻ kinh nghiệm và thách thức. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập website: www.100ResilientCities.org.

* Đã đăng TBKTSG Online 19-6-2019: