Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Khi trẻ thơ níu kéo người già



Lạc Long 
Tuổi thơ là một thế giới đặc biệt mà đời người đều trải qua và luôn đọng lại những bồi hồi trong tâm trí. Và có đôi khi, lúc ta đã trải nghiệm cuộc đời, một ngày nào đó, ta bỗng muốn “nhìn lại mình”, muốn “đón một toa tàu” để trở về với thế giới tuổi thơ.


Không phải để “hoài cổ” mà để tiếp tục hiện hữu sao cho có ý nghĩa hơn trong cõi đời này. Có một tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng và đã được NXB Trẻ tái bản hàng chục lần kể từ ngày ra mắt hồi tháng 3.2008 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, đã làm được điều này.



Quyển sách như một cuốn tự truyện nho nhỏ của tác giả, với những câu chuyện hết sức đời thường, bắt đầu từ hồi 8 tuổi. Tác giả đã “vẽ nên một bức tranh tuổi thơ” khác với những gì mà người lớn biết tới. Có khi là những việc thường ngày như sáng thức dậy thì đi học, về nhà rồi lại ăn, uống, học bài rồi đi ngủ… Nhưng qua giọng văn nhẹ nhàng với nhiều tình tiết, kể cả những “ý nghĩ trẻ con” được đưa vào đúng lúc, tác giả đã dễ dàng kéo người đọc tham gia vào câu chuyện, có khi là để cùng suy nghĩ với nhân vật vào lúc đó. Hãy xem một giờ ra chơi của học sinh 8 tuổi: “Ra chơi có thể là điều tuyệt vời nhất mà người lớn có thể nghĩ ra cho trẻ con. Ra chơi có nghĩa là những lời vàng ngọc của thầy cô tuột khỏi trí nhớ nhanh như gió, hết sức trơn tru. Ra chơi nghĩa là được tháo cũi sổ lồng (tất nhiên sau đó phải bấm bụng chui vào lại), là được tha hồ hít thở không khí tự do”. Quả thật, đối với người lớn thì một giờ ra chơi chỉ đơn giản là quãng thời gian để trẻ con được nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho những tiết học sau, nhưng với góc nhìn của một đứa trẻ 8 tuổi thì nó lại rất khác, gần như là một thế giới riêng mà hầu hết người lớn đều không thể chạm tới được. 

Cũng có thể nói, xuyên suốt quyển truyện là thế giới trẻ nhỏ mà một khi đã lớn, người ta có thể lãng quên tự bao giờ không hay biết. Cho nên tác giả đã tài tình để cho nhiều tình huống mà một khi đã diễn biến thì lại vượt ra khỏi những dự đoán, những cảm nhận khuôn phép thông thường. Tất cả, dệt nên một thế giới nội tâm của người-lớn-đang-hiện-hữu bên cạnh thế giới của một tuổi thơ hồn nhiên và bình dị. Nói như chính thông điệp của tác giả in ở bìa bốn quyển truyện dài này: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”.

Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này đã dành được giải Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam và Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009 rồi Giải thưởng Văn chương ASEAN năm 2010. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ còn được độc giả Công ty CP phát hành sách TP.HCM (FAHASA) bình chọn là một trong mười tác phẩm được yêu thích nhất năm 2012; và cũng là một trong mười tác phẩm được yêu thích nhất trong cuộc bình chọn “Sách Việt tôi yêu” do Hội Nhà văn TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm 2012. Năm 2008, ngay khi mới ra đời, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Hội chợ Sách quốc tế TP.HCM và được bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn là tác phẩm hay nhất trong năm.

Sau thành công với Giải thưởng Văn học ASEAN, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã được TS Montira Tato dịch sang tiếng Thái, NXB Nanmeebooks ấn hành. Một NXB của Mỹ là Hannacroix Creek Books và NXB Dasan Books của Hàn Quốc cũng đã ký hợp đồng chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Anh và tiếng Hàn để xuất bản và phát hành trên đất nước của họ.

Riêng ở Thái Lan, họ đã nói gì? Emme Achara ở NXB Nameebooks: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phản chiếu thế giới kỳ diệu của tuổi thơ và trí tưởng tượng phong phú của con trẻ, những điều mà người lớn không bao giờ biết tới hay không bao giờ nghĩ đến, đó là đời sống thật của trẻ em, nơi có mọi điều tốt lành mà chúng ta cần học hỏi” (Đài RFA, 25.8.2012). Nhà văn Binlah Son thì rạch ròi: “Tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ giúp tôi nhận ra ba điều khác biệt. Khác biệt giữa thế giới trẻ em và thế giới người lớn. Khác biệt giữa trẻ em Việt Nam và trẻ em Thái Lan. Cuối cùng là khác biệt giữa những người đã đọc cuốn sách này và những người chưa đọc cuốn sách này. Tôi tiếc cho những ai chưa đọc nó”. (Báo Thanh Niên, 28.8.2011). Còn một độc giả khác tên Pornwadee Meesuk, đã tâm sự: “Tôi mong mọi tầng lớp độc giả ở Thái Lan có cơ hội làm quen với cuốn truyện thú vị này. Cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ không chỉ làm chúng ta nuối tiếc thuở ấu thời, nó còn níu kéo ta về với những ngày thơ dại ấy” (Đài RFA, 25.8.2012). ■


Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130604/khi-tre-tho-niu-keo-nguoi-gia.aspx