Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

Điện mặt trời phủ khắp An Giang

Huỳnh Kim

Thứ Năm,  26/11/2020, 23:18 

(TBKTSG Online)- Tỉnh An Giang đã bắt tay với các tổ chức phi chính phủ (NGO) và nhà đầu tư để đẩy mạnh tiến trình đưa điện mặt trời vào đời sống và sản xuất của người dân. Một số ấp hẻo lánh trên núi Cấm chưa có điện lưới quốc gia thì hiện tại đã có điện mặt trời thay thế.

Ông Đặng Văn Phước giới thiệu hệ thống điện mặt trời tại nhà mình ở ấp Vồ Bà trên núi Cấm. Ảnh: Huỳnh Kim

Từ trên núi Cấm

Núi Cấm ở An Giang cao hơn 700 mét có ấp Vồ Bà thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên nằm ở độ cao hơn 400 mét, lâu nay chưa có điện lưới quốc gia. Từ năm 2018, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) An Giang, thực hiện dự án hỗ trợ người dân lắp điện mặt trời trên mái nhà.

Trao đổi với TBKTSG Online qua điện thoại vào sáng ngày 26-11, ông Chau Khonh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo, nói: “Dự án của GreenID đã giúp nhiều cho bà con trên ấp Vồ Bà có ánh sáng điện trong sinh hoạt gia đình, nhất là các em nhỏ có điện để học bài; có đèn đường từ dưới núi lên, góp phần giữ được an ninh trật tự. Tới đây, xã sẽ cùng GreenID truyền thông mạnh hơn để mở rộng dự án nhằm giúp bà con biết gắn việc sử dụng điện mặt trời với sản xuất, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường”.

Ông Phạm Ngọc Nhàn, quản lý Chương trình Tăng trưởng xanh của GreenID tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, trên ấp Vồ Bà cũ (từ năm 2018 đến giữa năm nay), đã có 100% hộ dân (85 hộ) lắp điện mặt trời với chi phí 3,5 triệu đồng/hộ, GreenID hỗ trợ 35%.

Từ tháng 7-2020, xã sáp nhập hơn 100 hộ khác từ ấp Rau Tần vào ấp Vồ Bà hiện nay, thì có thêm 27 hộ xài điện mặt trời với chi phí còn 3 triệu đồng/hộ, GreenID hỗ trợ 50%. “Tới đây, dự án vẫn tiếp tục với số hộ còn lại ở ấp Vồ Bà. Ngoài hỗ trợ kinh phí, GreenID có đội kỹ thuật, tư vấn cho bà con thực hiện việc này”, ông Nhàn nói.

Trong số hơn 112 hộ đã lắp điện mặt trời ở ấp Vồ Bà, có nhà ông Đoàn Văn Tiền ở dưới chân chùa Phật Nhỏ, nằm lưng chừng núi Cấm. Ông Tiền nói: “Con đường núi xuống trung tâm xã được GreenID tài trợ 52 cây đèn đường thuận tiện đi lại ban đêm. Tham gia vào dự án của GreenID, gia đình tôi chỉ đóng 50% số tiền. Nhà tôi xài điện cho tivi, quạt máy, bóng đèn và bơm nước. Những ngày nắng tích điện cho những ngày mưa, nhưng nếu mưa kéo dài thì thiếu điện.

Hệ thống này rất tiện lợi và dễ sử dụng, chỉ cần lắp pin lên mái nhà, nối dây điện với bình ắc qui là có thể xài được. Hiện nhà tôi có 20 tấm pin, mỗi ngày tích được hơn 2.000 W. Dự án này giúp tiết kiệm rất nhiều vì lúc trước tôi phải chạy máy dầu phục vụ nước sinh hoạt cho du khách ghé nghỉ trưa nhưng giờ xài điện mặt trời, mỗi ngày tôi tiết kiệm được hơn 100.000 đồng”.

Trên dốc núi gần nhà ông Tiền là nhà ông Đặng Văn Phước, làm 8 công vườn sau hè, trồng dâu, bơ, sầu riêng. Hai vợ chồng chạy thêm xe ôm phục vụ khách du lịch đi viếng chùa trên núi Cấm. “Trước tui lắp một miếng 145 W hết hơn 3 triệu, sau dự án GreenID hỗ trợ 50% tiền, tui lắp thêm 6 miếng nữa với 3 bình ắc qui. Trước xài đèn dầu, giờ xài 13 bóng đèn led, ti vi, quạt điện. Ngày nắng thì xài thoải mái cả ngày lẫn đêm, mưa thì thua”, ông Phước kể.

Tới năm 2022, theo ông Phạm Ngọc Nhàn, GreenID đang làm dự án “Ấp xanh trên núi Cấm”, nhằm thúc đẩy bà con sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường và có lối sống xanh.

“Với sản xuất và kinh doanh, có thể sử dụng đèn điện mặt trời nuôi gà, sấy nông sản, máy bơm tưới nhỏ giọt, ủ phân hữu cơ… phục vụ làm rẫy, làm du lịch. Với môi trường, hướng dẫn người dân phân loại rác, làm xanh tuyến đường giao thông, trồng cây quanh nhà vì họ đã đốn bỏ nhiều. Với lối sống xanh, hướng dẫn bà con sống gắn với môi trường thiên nhiên hơn. Kinh phí của dự án này là 465.000 euro, do Tổ chức Bánh Mì Cho Thế Giới tài trợ”, ông Nhàn nói.

Một góc “cánh đồng điện mặt trời” của Nhà máy điện Sao Mai dưới chân núi Cấm. Ảnh: Huỳnh Kim

Đến dưới đồng bằng

Dưới đồng bằng, GreenID còn kết hợp hoạt động với địa phương và doanh nghiệp. Như mô hình kết hợp năng lượng mặt trời với sản xuất nông nghiệp tại hộ ông Chau Hon, dân tộc Khmer, ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Công suất điện ở đây là 40 kWp, dự án trị giá 880 triệu đồng, do GreenID và Công ty Ý thức khí hậu (Climate Sense) thực hiện.

“Mô hình này được thiết kế dạng nhà kính, có mái che lắp pin mặt trời, dưới đất nông dân sẽ trồng rau ăn lá. Diện tích đất ở mô hình này là 1.000 mét vuông. Dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt vào cuối tháng 12-2020. Sản lượng điện bán cho EVN khoảng 100 triệu đồng/năm”, ông Nhàn cho biết.

Trao đổi với TBKTSG Online, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Green ID, nói: “Hiện đã có thêm khoảng 300 hộ gia đình ở huyện Tri Tôn được hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đang được triển khai. GreenID cũng đang mở rộng hợp tác với Hội Phụ nữ tỉnh An Giang để hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, ứng dụng năng lượng tái tạo cải thiện thu nhập”.

Ngay dưới chân núi Cấm là Nhà máy điện mặt trời Sao Mai (Tập đoàn Sao Mai) với một “cánh đồng điện mặt trời” chạy dài theo vách núi. Đang làm việc, thấy khách thăm, ông Nguyễn Văn Trung, cán bộ kỹ thuật của nhà máy, sôi nổi giới thiệu:

“Nhà máy đang hoàn thiện giai đoạn cuối, dự kiến ngày 27-11 đóng điện, ngày 28-11 hòa điện lưới. Công suất giai đoạn đầu đã hòa lưới là 104 MWp, giai đoạn này thêm 106 MWp. Dự án rộng 275 hecta, khởi công năm 2019, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Dự án có cánh đồng năng lượng mặt trời và 4 trạm biến áp. Giá điện thì theo giá của nhà nước, mình có lời.

Sau khi hòa lưới, Sao Mai sẽ sử dụng diện tích đất bên dưới dàn pin để làm nông nghiệp với những loại cây phù hợp. Hiện đang nuôi những đàn cừu. Ngoài ra, lãnh đạo tập đoàn đang đầu tư thêm hạng mục du lịch để mở tour cho du khách tìm hiểu về năng lượng sạch gắn với nghề nông”.

Đánh giá về dự án này, ông Mai Chí Cường ở Phòng Quản lý năng lượng - Sở Công Thương An Giang, cho biết An Giang có 10 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 1.800 MW. Hiện 4 nhà máy đã hoạt động với công suất 214 MWp; đến cuối năm nay thêm một số nhà máy hoàn thành, công suất sẽ thêm 320 MWp. Còn điện mái nhà, đến tháng đầu 11-2020, đã có 37 MWp nối lưới.

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, tỉnh có dự án sử dụng năng lượng tái tạo gắn với sản xuất nông nghiệp. Tới năm 2025, tỉnh chuyển 30.000 hecta trong số 230.000 hecta đất lúa sang trồng cây trái và nuôi thủy sản. Trong đó nhiều nơi, như Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, An Phú, Tân Châu… sẽ khuyến khích áp dụng các mô hình gắn sản xuất với sử dụng điện mặt trời.

Ngoài ra, Sở NN-PTNN An Giang còn triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao có sử dụng điện mặt trời ở những vùng khó khăn về điện và những vùng nuôi thủy sản cần nhiều điện với một phần vốn hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới.

Đã có 20 mô hình, công suất từ 1 Wp – 5 Wp/mô hình, có nơi sẽ nâng lên 20-30 Wp/mô hình. Như mô hình nuôi cá theo công nghệ trong ao, sử dụng sủi bọt khí, mô hình trang trại gà ở Châu Phú. Một số doanh nghiệp lớn như True Milk, Nam Việt… cũng đang làm dự án đầu tư trang trại bò sữa, nuôi cá tra với nguồn điện mặt trời tại chỗ.

Với qui mô kinh tế hộ, ông Thọ cho biết có những loại cây không cần nắng nhiều như măng tây, khoai mì… thì trồng dưới dàn pin điện mặt trời. Ở vùng thủy sản, dự án đi vào những mô hình nuôi cá lóc, nuôi lương…

Theo ông Thọ, người dân có thể kết hợp bán điện trên nền sản xuất này, vừa tăng thu nhập được 20%, vừa bảo vệ môi trường. Xa hơn có thể phát triển trang trại để vừa tạo cảnh quan sinh thái vừa bán điện.

“Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh có chủ trương hỗ trợ tín dụng cho người dân và cần có hạ tầng để kết hợp. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ có hỗ trợ mạnh hơn cho người dân ở những vùng đất kém hiệu quả để họ đầu tư kết hợp sản xuất với xài điện mặt trời hợp môi trường”, ông Thọ nói.

"Điện mặt trời phân tán bao gồm điện mặt trời áp mái và điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp là giải pháp đa lợi ích, có lợi cho cả nhà nước, người dân, nhà đầu tư và ngành điện. ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để triển khai các giải pháp này, nó được ví như “mỏ vàng mới lộ” cần được khuyến khích phát triển. GreenID mong muốn góp phần cùng chính quyền, người dân và doanh nghiệp ở ĐBSCL để truyền thông, kết nối thúc đẩy đầu tư phát triển các giải pháp phân tán này.

Điện mặt trời ở nước ta đạt mục tiêu cao hơn và sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Năm 2019, cả nước đã có 99 nhà máy với tổng công suất 5.053 MWp; trong đó, trước ngày 30-6 có 89 nhà máy với tổng công suất 4.439 MWp, sau ngày 30-6 có thêm 10 nhà máy với tổng công suất 714 MWp. Một nguyên nhân chính phát triển nhanh điện mặt trời là tấm pin tích trữ đã giảm giá khoảng 50% từ 2013-2016. Tháng 9-2020, Elonmusk-Tesla đưa ra nhận định, giá tấm pin tích trữ lithium sẽ giảm tiếp 50% sau ba năm nữa" - Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành GreenID.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/311119/dien-mat-troi-phu-khap-an-giang.html

Bạc Liêu cương quyết chia tay điện than

Huỳnh Kim

Thứ Tư,  25/11/2020, 17:49

(TBKTSG Online) - Tỉnh Bạc Liêu đã dừng hai dự án điện than để tập trung kêu gọi nhà đầu tư chuyển sang khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Đặc biệt, Bạc Liêu còn thu hút được dòng vốn cho dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200 MW, với tổng vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ.

Đây là những nội dung đáng chú ý trong báo cáo “Chia sẻ định hướng chuyển dịch năng lượng của tỉnh Bạc Liêu” do Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu thực hiện.

Nhiều kỳ vọng vào sự lên ngôi của năng lượng tái tạo

Du khách tham quan điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Kim

Trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Ông Lê Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết theo “Quy hoạch điện VII điều chỉnh”, địa phương có hai nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lên tới 1.200 MW.

Thế nhưng, nhận định nhiệt điện than có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh thái khu vực biển, ven biển và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản nên lãnh đạo tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc rút dự án nhiệt điện than ra khỏi kế hoạch, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực này.

Trong cuộc trao đổi với TBKTSG Online ngày 25-11 qua điện thoại, ông Lê Văn Hoàng, chia sẻ: “Bài học ở đây là có sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và được các bộ ngành và Chính phủ ủng hộ”.

Tỉnh Bạc Liêu cũng đã trình bổ sung thêm hai dự án điện gió với tổng công suất 200 MW vào “Quy hoạch Điện VII điều chỉnh”. Còn lại, đề nghị đưa vào “Quy hoạch Điện VIII” (theo kế hoạch, sẽ được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 11 này) với tổng công suất 8.690,6 MW; trong đó, điện gió 7.160,6 MW, điện mặt trời 1.500 MW và điện sinh khối 30 MW.

Đặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200 MW với tổng vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung vào “Quy hoạch điện VII điều chỉnh”.

Hiện nhà đầu tư, Công ty Delta Offshore Energy, đang khẩn trương làm thủ tục để có thể khởi công vào đầu năm 2021, vận hành tổ máy đầu tiên 750 MW vào năm 2024 và hoàn thành dự án trong năm 2027.

Riêng với điện mặt trời mái nhà, mấy năm nay, Sở Công Thương Bạc Liêu đã phối hợp với nhiều sở ngành khác, tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trong toàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, điện mặt trời mái nhà có tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, giúp giảm áp lực phụ tải và gánh nặng đầu tư lưới điện.

Việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực không có khả năng đầu tư điện lưới quốc gia, nhất là ở nông thôn. Các hộ gia đình có thể đầu tư một phần tiền tiết kiệm vào điện mặt trời mái nhà và đây cũng là sự đóng góp trực tiếp vào việc bảo vệ môi trường.

Đến tháng 10-2020, Bạc Liêu có 607 hộ và đơn vị đầu tư lắp điện mặt trời mái nhà nối lưới với tổng công suất 8.183,3 kWp, tổng sản lượng đạt trên 5,26 triệu kWh. Trong đó, đã phát lên lưới gần 2,7 triệu kWh, khách hàng sử dụng trên 2,56 triệu kWh.

“Như vậy trong thời gian tới, khi tất cả các dự án trên hoàn thành đi vào hoạt động (nhất là dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu), sẽ đóng góp giá trị gia tăng rất lớn vào ngành công nghiệp của tỉnh; là khâu đột phá, động lực rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách; là tiền đề vững chắc để Bạc Liêu trở thành trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia”, bản báo cáo của Sở Công Thương Bạc Liêu nhấn mạnh.

Theo Sở Công Thương Bạc Liêu, với bờ biển dài 56 km, bãi bồi ven biển rộng, gió mạnh và khá ổn định nên Bạc Liêu chọn làm năng lượng tái tạo, gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí.

Đến nay, hai công trình điện gió Bạc Liêu 1 và 2 do Công ty Công Lý đầu tư, công suất 99,2 MW, với 62 trụ, đang hoạt động ổn định.

Đây là dự án điện gió trên biển lớn nhất ASEAN vào thời điểm này. Sản lượng điện phát lên lưới đến cuối năm nay, ước đạt trên 1,1 tỉ kWh.

Người dân mưu sinh ngay dưới trụ điện gió ở Bạc Liêu . Ảnh: Huỳnh Kim
 

Thăm hai dự án điện mặt trời và điện gió

Trong chuyến đi của đoàn công tác với chủ đề về năng lượng tái tạo do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Green ID) tổ chức, người viết đã đến ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây có một dự án điện mặt trời kết hợp nuôi tôm rộng 5,6 héc-ta của Công ty cổ phần Solan Việt Nam (Hà Nội) đang được thi công. Ông Lê Văn Thành, quản lý dự án, cho biết đã có khoảng 1 héc-ta hoàn thành và đã bán điện từ 3 tháng nay với công suất 1 MW; diện tích còn lại có công suất hơn 3 MW, đến ngày 15-12 tới sẽ lên lưới điện toàn bộ.

Theo ông Thành, huyện Hòa Bình hiện có trên 20 mô hình như vậy, trên khai thác điện mặt trời, dưới nuôi tôm. Với giá thành từ 1.500-1.600 đồng/kWh và giá bán điện hiện nay hơn 1.940 đồng/kWh, ba tháng nay, mỗi ngày công ty thu được khoảng 10 triệu đồng, là chưa tính lợi nhuận sẽ nuôi tôm bên dưới sau khi hòa lưới điện ổn định.

“Diện tích này trước kia bà con có nuôi tôm, doanh nghiệp đến đây thuê lại. Dự án được ký kết hợp đồng với điện lực huyện Hòa Bình; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo chỉ đóng 50%. Tất cả chính sách Nhà nước hỗ trợ tôi thấy là ổn cho một doanh nghiệp đầu tư về điện mặt trời”, ông Thành nói.

Tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, có một địa điểm khá thu hút du khách là Điểm tham quan điện gió Bạc Liêu. “Dự án điện gió trên biển lớn nhất ASEAN” này được khởi công vào tháng 9-2010, hoàn thành tháng 12-2015, rộng 1.000 héc-ta đất bãi bồi ven biển, vốn đầu tư 5.217 tỉ đồng. Sau khi hòa lưới điện quốc gia (mỗi năm khoảng 320 triệu kWh),

Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý (Cà Mau) đã đưa dự án vào khai thác du lịch. Nhân viên bảo vệ ở điểm tham quan này nói những ngày lễ hoặc cuối tuần, mỗi ngày có vài trăm, có khi tới cả nghìn lượt khách mua vé (30.000 đồng/vé) vào đây tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Trưa cùng ngày, cùng với một số nhóm du khách, đoàn công tác chúng tôi cũng đi theo các cầu dẫn ra chụp ảnh trước những trụ điện khổng lồ đang vươn mình giữa trời biển bao la.

Cách bờ gần cây số, trong nắng gió ngợp trời, vẫn muốn mở rộng lồng ngực hít thở biển trời để xua tan mệt nhọc sau một chuyến đi dài. Dưới bóng những trụ điện gió cao hơn 80 mét, cánh quạt dài hơn 41 mét, chúng tôi ghi lại được cảnh một người dân đang lội trên sinh lầy bãi bồi để bắt cua, bắt ốc.

Đi chung đoàn bữa ấy có ông Trần Đình Sính, Cố vấn kỹ thuật của Green ID. Chỉ lên một cánh quạt đang quay giữa trời, ông Sính kể: “Trông nó quay lừ đừ vậy, một vòng quay của cây trụ điện gió công suất 1,6 MW này hết 4 giây, nhưng một vòng quay này nó sản sinh ra khoảng 100 kWh điện đấy. Mà nước mình có hơn 3.200 km bờ biển, chưa tính chuyện làm điện gió ngoài khơi, tiềm lực điện gió của nước mình còn lớn lắm”.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/311083/bac-lieu-cuong-quyet-chia-tay-dien-than.htm


Renewable energy on the rise in Vietnam

Wednesday,  11/25/2020, 15:57

By Huynh Kim

Nguy Thuy Khanh, executive director of Green ID, speaks at the seminar – PHOTO: HUYNH KIM

CAN THO – Vietnam is increasing its portion of renewable energy while reducing that of fossil energy to promote sustainable development, ensure energy security and reduce carbon emissions while at the same time boosting economic development, improving the people’s access to clean energies and creating more jobs for the community, experts said at a seminar in the Mekong Delta province of Hau Giang on November 24.

Over the past two years, Vietnam has been the leader in developing solar power in the Association of Southeast Asian Nations. As of June 2020, Vietnam’s total capacity of renewable energy, mainly solar power, reached 5,500 MW. Renewable energies currently account for 10% of the country’s total power production.

According to the amended seventh national power plan, the Mekong Delta region is expected to become an energy hub in the south. Many Mekong Delta cities and provinces have recently taken practical measures to boost the development of renewable energies, especially wind and solar power.

Some localities have combined hi-tech agricultural production with rooftop solar power production, which helps improve locals’ incomes, ensure energy security, protect the environment and promote sustainable development.

According to Nguy Thuy Khanh, executive director of the Green Innovation and Development Center (Green ID), the Politburo’s Resolution No. 55 on energy development strategies until 2045, which was issued in February 2020, urges breakthrough policies to boost the development of renewable energies, replace fossil energy by renewable energies as much as possible, diversify energy sources, reduce the portion of coal-fired power and encourage the private sector to invest in renewable energies.

According to the resolution, Vietnam Electricity has to purchase the entire amount of electricity produced by renewable energy plants for 20 years. Besides, the Government offers incentives on capital, import tariffs, corporate income tax and land rentals for investors in renewable energy.

Late this month, the Ministry of Industry and Trade will submit the draft eighth national power plan to the prime minister. According to the draft plan, the country will not develop new coal-fired power plants in the 2026-2030 period, while boosting investment into wind and solar power.

On the occasion of the seminar, Green ID, the Hau Giang Province Department of Industry and Trade and Ecotech Vietnam Technology Investment and Trading JSC, signed a memorandum of understanding to support a 100 MW rooftop solar power project worth VND200 billion that will be kick-started in the province next year.

According to Khanh, Vietnam’s shift from fossil energy to renewable energy is in line with the global trend.

In China and India, whose new coal-fired power projects’ capacities have accounted for 85% of the world’s total since 2005, the number of newly licensed coal-fired power projects has dropped drastically. Meanwhile, in 2018, the United States shut down coal-fired power plants with a total capacity of 17.6 GW.

“We all know that fossil energy has fallen into decay, while renewable energies are emerging,” Khanh concluded.

Đã đăng trên: The Saigon Times 

https://en.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/79541/


Nhiều kỳ vọng vào sự lên ngôi của năng lượng tái tạo

Huỳnh Kim

Thứ Ba,  24/11/2020, 17:23

(TBKTSG Online) – Tại hội thảo về việc kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với điện mặt trời áp mái tổ chức tại Hậu Giang ngày 24-11, đại diện Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Green ID), cho biết nguồn năng lượng tái tạo đang lên ngôi tại Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án điện độc lập

Ký kết bản ghi nhớ về hỗ trợ một dự án điện mặt trời áp mái (100MW/200 tỉ đồng, sẽ khởi công vào năm 2021 tại Hậu Giang) giữa đại diện GreenID, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang và Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam ngày 24-11.Ảnh: Huỳnh Kim

Điện than giảm mạnh trên thế giới

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Green ID), cho biết, 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, công suất nhiệt điện than ở tất cả các giai đoạn đều giảm. Công suất của các nhà máy điện than thi công mới giảm 39% so với năm 2017 và 84% so với năm 2015. Công suất được cấp phép hoạt động mới giảm 20% so với năm 2017 và 53% so với năm 2015. Hoạt động tiền thi công giảm 24% so với năm 2017 và 69% so với năm 2015.

Ở Trung Quốc và Ấn Độ, nơi chiếm 85% công suất điện than mới toàn cầu từ năm 2005, lượng giấy phép cấp cho các nhà máy mới đã giảm kỷ lục. Trung Quốc chỉ cấp phép 5 GW cho các nhà máy điện than mới năm 2018 so với mức 184 GW trong năm 2015. Tại Ấn Độ, tổng công suất của các nhà máy được cấp phép đạt chưa đầy 3 GW trong năm 2018 so với mức 39 GW vào năm 2010.

Số nhà máy đóng cửa tiếp tục tăng kỷ lục, đứng đầu là Mỹ (đóng cửa 17,6 GW trong năm 2018) bất chấp nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump muốn duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than cũ. Trong khi đó, liên minh coi “than là quá khứ” được chính phủ Anh, Canada khởi xướng; và nhiều chính quyền cấp tỉnh, thành phố ở châu Âu và Mỹ cũng đã tham gia.

“Ở châu Á, các nhà thầu xây dựng điện than mới đang đối mặt với môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Trong đó có việc thắt chặt tài chính của hơn 126 ngân hàng và tổ chức bảo hiểm toàn cầu cũng như cam kết xóa bỏ than, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch của 33 quốc gia và 27 chính quyền địa phương”, bà Khanh nhấn mạnh.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, phát biểu tại hội thảo về việc kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với điện mặt trời áp mái tổ chức tại Hậu Giang ngày 24-11. Ảnh: Huỳnh Kim

Khuyến khích tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo

Trong xu hướng của thế giới, Việt Nam đang chuyển dịch năng lượng để bảo đảm nhu cầu sử dụng điện và năng lượng tiếp tục tăng theo hướng “chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng”. Bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải mà vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng với mức chi phí hợp lý, tạo ra công ăn việc làm mới cho cộng đồng.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng tới năm 2045 ban hành hồi tháng 2-2020 đã xác định cái nền cho vấn đề này. Đó là, xây dựng cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa cho năng lượng hóa thạch; đa dạng hóa các loại nguồn năng lượng, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch; có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý; khuyến khích mọi thành phần kinh tế nhất là tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tạo thị trường cạnh tranh, minh bạch.

Liên quan tới chính sách phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, theo tinh thần Nghị quyết 55 này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải mua toàn bộ công suất phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong thời hạn 20 năm. Giá điện được điều chỉnh theo tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ (VND/USD). Ngoài ra, còn có ưu đãi về vốn đầu tư và thuế nhập khẩu hàng hòa, thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Bà Khanh cho biết theo kế hoạch, cuối tháng 11 này, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về “Dự thảo Quy hoạch điện VIII”.

Theo kết luận của bản dự thảo quy hoạch này, có những nội dung đáng chú ý:
Phát triển thêm quy mô lớn điện gió, điện mặt trời. Không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026-2030. Loại bỏ 9,5 GW dự án điện than nhập khẩu. Đẩy lùi 7,6 GW điện than sau năm 2030-2035, trong đó có dự án Quỳnh Lập 1&2 (2.400 MW).

Khu vực miền Nam và miền Trung chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối LNG. Nhiệt điện than nhập khẩu, chủ yếu phát triển ở miền Bắc. Sau năm 2025, các nguồn linh hoạt (ví dụ như tích năng) rất cần cho hệ thống. Sau năm 2025, phát triển đường dây truyền tải từ Nam Trung bộ ra Bắc bộ. Khuyến nghị cho chuyển dịch năng lượng bền vững.

Bà Ngụy Thi Khanh khẳng định: “Chúng ta đều biết, năng lượng hóa thạch đang thoái trào, năng lượng tái tạo đang lên ngôi”.

Gần 2 năm nay, Việt Nam đang dẫn đầu các nước ASEAN về tốc độ và công suất điện mặt trời. Đến tháng 6-2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời) đã vận hành đạt khoảng 5.500 MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất 657,88 MWp. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện. Những kết quả trên có được là nhờ chính sách và cơ chế hỗ trợ giá mua điện mặt trời tại Quyết định số 11/TTg năm 2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ/TTg.

Theo “Quy hoạch điện VII điều chỉnh”, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn ở phía Nam. Gần đây, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tích cực thực hiện chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch gió và mặt trời.

Ở một số địa phương đã xuất hiện mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với phát triển điện mặt trời áp mái. Đây là giải pháp mang lại nhiều lợi ích vừa mang lợi ích kinh tế - xã hội, tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Theo Green ID

Đã đăng trên: TBKTSG Online 

https://www.thesaigontimes.vn/311004/nhieu-ky-vong-vao-su-len-ngoi-cua-nang-luong-tai-tao.html