Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Mua điện từ Lào là tự lấy đá ghè chân mình!


Lê Anh Tuấn (*)


Điện gió Bạc Liêu - tiềm năng lớn ở Việt Nam chưa được khai thác và đầu tư đáng kể. Ảnh: Lê Anh Tuấn

(TBKTSG) - Chắc chắn việc mua điện từ các dự án thủy điện của Lào sẽ trực tiếp phủ nhận các quan ngại của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như những tuyên bố trước đó của Nhà nước ta đối với các kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mêkông. Chính sách này sẽ khuyến khích Lào xây dựng thêm nhiều công trình thủy điện nữa trên dòng Mêkông và tiếp tay hủy diệt nguồn sống ở Việt Nam.


Giá điện khó rẻ hơn


Bộ Công Thương đang xây dựng đề án Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đề án này, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể nhập khẩu nguồn điện sản xuất từ nước Lào láng giềng để bổ sung cho nhu cầu sử dụng năng lượng trong các năm tới.

Theo lập luận của một số nhà khoa học, chọn lựa này có ưu điểm là có thể mua được điện “rẻ” hơn mua điện từ Trung Quốc, đa dạng hóa nguồn cung cấp điện trong nước và giảm thiểu phát triển những dự án năng lượng nhiều rủi ro như nhà máy nhiệt điện than có nhiều khả năng gây ô nhiễm hoặc nhà máy điện hạt nhân khó kiểm soát độ an toàn cao. Tuy nhiên, với sự cẩn trọng nhằm tránh những “hối tiếc” rất khó sửa chữa về sau, chúng ta cần xem lại mặt trái của giải pháp này với một cái nhìn xa rộng và thực tế hơn.

Trên lãnh thổ Lào, nguồn điện năng đều sản sinh từ các công trình thủy điện được xây dựng và vận hành trên lưu vực sông Mêkông, cả trên dòng nhánh và dòng chính. Tiềm năng thủy điện của Lào trên dòng chính sông Mêkông trên lãnh thổ Lào là 7.500 MW, giữa biên giới sông của Lào - Thái là 2.500 MW, còn trên dòng nhánh lên đến 13.000 MW.

Với tiềm năng thủy điện lớn như vậy nhưng dân số ít (hiện chưa quá bảy triệu người), chủ yếu là sản xuất nông nghiệp lạc hậu, không có những nhà máy, khu công nghiệp lớn, dịch vụ nhỏ lẻ, lượng điện tiêu thụ sẽ rất thấp, do vậy Lào rất muốn xuất khẩu điện qua các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam. Nhiều quan chức ở Lào không giấu tham vọng biến nước Lào thành một “Bình ắc-quy của châu Á” hay sớm trở mình như một xứ “Kuwait về thủy điện” của Đông Nam Á. Càng nhiều người mua điện thì Lào càng đẩy mạnh xây dựng thủy điện trên các dòng sông suối.

Nhập khẩu điện từ Lào để bán cho người tiêu dùng Việt Nam là một giải pháp hạ sách.
Một lần nữa, trong lĩnh vực năng lượng, các nhà hoạch định chính sách lại nghiêng về xu thế mua hàng rẻ, chẳng biết rẻ là theo nghĩa nào và rẻ cho ai. Hiện hợp đồng mua bán điện giữa Thái Lan và Lào vào giờ không cao điểm khoảng 10 UScents/kWh (khoảng 2.200 đồng/kWh) nhưng vào giờ cao điểm tới 15-20 UScents/kWh (khoảng 3.300-4.400 đồng/kWh); giá điện Việt Nam mua từ Trung Quốc là 1.300 đồng/kWh. Trong khi đó, EVN mua điện trong nước chỉ khoảng 800-900 đồng/kWh hoặc thấp hơn.

Như vậy, nếu Lào bán điện cho Việt Nam thì khó mà rẻ hơn, trong khi ước tính chi phí làm đường dây tải điện từ Lào về Việt Nam phải chừng 10.000-15.000 đô la Mỹ/ki lô mét (giá tham khảo suất đầu tư làm đường dây tải điện từ Lào sang Thái Lan). Ở những vùng hiểm trở thuộc dãy Trường Sơn, chi phí này còn cao hơn. Ngoài ra, để làm đường dây tải điện từ Lào về Việt Nam, nhiều cánh rừng phải tiếp tục hy sinh cho xây dựng và vận chuyển thiết bị. Chắc chắn với địa hình hiểm trở, khoảng cách xa, khó quản lý và bảo dưỡng thì tổn thất điện năng trên đường dẫn sẽ cao hơn.

Đáng lưu ý hơn là, chắc chắn việc mua điện từ các dự án thủy điện của Lào sẽ trực tiếp phủ nhận các quan ngại của cư dân vùng ĐBSCL cũng như những tuyên bố trước đó của Nhà nước ta đối với các kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mêkông. Chính sách này sẽ khuyến kích Lào xây dựng thêm nhiều công trình thuỷ điện nữa trên dòng Mêkông và tiếp tay hủy diệt nguồn sống ở Việt Nam.

Và như vậy, cả một nền “văn minh sông nước” ở miền Nam Việt Nam hình thành trong hơn 300 năm mở cõi của dân tộc sẽ mất đi chỉ trong vài chục năm, trước khi đồng bằng này sẽ tiếp bước tan rã trong vài trăm năm tới, kết thúc quá trình bồi đắp kiên trì của từng dòng nước tải nặng phù sa của sông Mêkông kéo dài liên tục trong suốt 4.000-6.000 năm trước.

Nên đầu tư cho năng lượng tái tạo


Trong bối cảnh gia tăng thiên tai và bất ổn do biến đổi khí hậu, gia tăng xây dựng thủy điện không phải là phát triển bền vững. Hạn hán và bão lũ sẽ khiến nguồn phát điện bấp bênh; các hệ thống công trình dẫn điện từ Lào vượt dãy Trường Sơn về Việt Nam sẽ không ổn định và luôn tiềm ẩn các rủi ro.

Nhiều năm gần đây, các nhà môi trường và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã chứng minh và quan ngại về những hệ lụy nghiêm trọng của thủy điện đối với môi sinh và sinh kế cho cộng đồng vùng hạ lưu. Đặc biệt, quá trình hình thành chuỗi các đập thủy điện trên hệ thống sông Mêkông, kể cả phần thượng lưu Mêkông, đoạn từ Tây Tạng đến Myanmar, mà Trung Quốc gọi tên là Lancang, sẽ làm giảm sút nguồn cá như một nguồn dinh dưỡng quan trọng, đe dọa tính đa dạng sinh học của nhiều vùng đất ngập nước. Ngoài ra, nó còn làm mất mát nguồn phù sa khiến tiến trình kiến tạo đồng bằng ở hạ lưu sông Mêkông bị đảo ngược, chuyển qua quá trình tan rã mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng sạt lở, khoét sâu lòng dẫn ven sông, ven biển và hiện tượng lún sụt châu thổ, song song với sự thay đổi đặc điểm thủy văn dòng chảy theo hướng phản tự nhiên.

Hậu quả là vùng châu thổ sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất Việt Nam, nơi có số dân đông gấp ba lần dân số nước Lào, hoặc gần gấp đôi dân số Campuchia, sẽ bị tác động ở mức thảm họa. Vùng châu thổ có thể tạo ra nguồn lương thực và thực phẩm có thể nuôi sống khoảng 60 triệu người sẽ dần dần teo tóp và sụp đổ, thiệt hại kinh tế, môi trường và xã hội, kể cả chính trị, vô cùng to lớn.

Báo cáo Nghiên cứu ĐBSCL (Mekong Delta Study) năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù chưa đầy đủ và còn thiếu sót, cũng đã kết luận tính nghiêm trọng nếu chuỗi đập thủy điện ở Lào và Campuchia hình thành đối với vùng ĐBSCL. Không phải vô cớ mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia đã nhiều lần yêu cầu Lào xem xét lại việc phát triển các công trình thủy điện do những lo ngại tiêu cực đáng kể và rất khó chống đỡ cho vùng đồng bằng hạ lưu sông Mêkông.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia phương Tây đánh giá Việt Nam thật sự có thể tự chủ về năng lượng từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là rất dồi dào tiềm năng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối, mà chúng ta chỉ mới khai thác ở một tỷ lệ rất khiêm nhường.

Các nhà khoa học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tuyên bố điện mặt trời đủ cung cấp cho nhu cầu thế giới năm 2050, trong khi cả Việt Nam gần như có mặt trời chiếu sáng mạnh mẽ quanh năm. Mặc dầu suất đầu tư cho mỗi đơn vị điện năng từ năng lượng tái tạo hiện nay còn tương đối cao nhưng đang có xu thế giảm dần do nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều lãng phí trong sử dụng năng lượng như thiếu các giải pháp tiết kiệm trong sinh hoạt, chậm đổi mới các công nghệ lạc hậu và đặc biệt, thiếu các chính sách hỗ trợ giá điện cạnh tranh. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vừa qua, tập đoàn General Electric (GE) Mỹ và Bộ Công Thương đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo đó, GE sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển tối thiểu 1.000 MW điện từ các trạm điện gió từ nay cho tới năm 2025, sản lượng điện này đủ thỏa mãn cho nhu cầu sử dụng điện cho khoảng 1,8 triệu gia đình.

(*) Đại học Cần Thơ

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/150778/

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Khó kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại



Quang cảnh hội thảo tại TP. Cần Thơ ngày 31-8.


(TBKTSG Online)- Hàng chục loài sinh vật ngoại lai (SVNL) xâm hại đã và đang xâm nhập, phát triển tại Việt Nam. Tuy vậy việc quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa SVNL xâm hại vẫn gặp khó khăn dù đã có Luật Đa dạng sinh học.

Nhiều ý kiến về việc này đã được đặt ra tại hội thảo “Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa SVNL và bảo tồn đa dạng sinh học” được tổ chức tại TP. Cần Thơ hôm nay, 31-8.

Cuối bản báo cáo “Tác hại của SVNL đến hệ sinh thái”, PGS.TS Trương Thị Nga ở Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), liệt kê “Danh sách 100 loài SVNL xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới” và thêm “Các loài ngoại lai mới tại Việt Nam” là cá lau kiếng, rùa tai đỏ, chuột hamster và tôm hùm nước ngọt Mỹ.

Trước đó, bà Nga đã phân tích về các con đường du nhập và tác hại của một số loài SVNL xâm hại tiêu biểu ở nước ngoài; và tại Việt Nam có bèo Nhật Bản (lục bình), ốc bươu vàng, chuột hải ly, mọt cứng đốt và cây mai dương.

Ví dụ cây mai dương có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới châu Mỹ, xuất hiện ở Việt Nam từ giữa thế kỷ 20, lác đác ở miền Tây Nam bộ nhưng đến đầu những năm 1990 thì nó bùng phát và gây hại ở nhiều nơi. Hiện chỉ riêng ở Tràm Chim Tam Nông (Đồng Tháp), đang có khoảng 2.000 hecta mai dương phát triển.

“Tác hại chính của mai dương là làm thay đổi thảm thực vật, gây tác hại đến hệ động thực vật tại chỗ. Acid amin mimosine của cây mai dương cũng gây độc hại với nhiều loài động vật”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, “Việc diệt trừ cây mai dương rất khó khăn, tốn kém vì nó mọc khỏe, không kén đất, hạt phát tán xa theo dòng nước, sinh sản mạnh sau khi bị cháy, dễ nảy chồi ngay tại gốc bị chặt và rất khó kiểm soát”. Bà Nga cho biết ở phía bắc nước Úc, chi phí kiểm soát mai dương năm 1997 lên tới 11 triệu đôla Mỹ trong khi ở Tràm Chim Tam Nông, phải tốn từ 50-100 triệu đồng mỗi năm nhưng vẫn không tiêu diệt được.

Hoặc với ốc bươu vàng, bà Nga cho biết chi phí cho những chiến dịch tiêu diệt loài này trong nước đã lên tới hàng trăm tỉ đồng và riêng tiền viện trợ khẩn cấp của FAO nhằm hỗ trợ kỹ thuật để hạn chế nạn ốc bươu vàng cho Việt Nam đã lên đến 250.000 đô la Mỹ. Nay tuy không còn dịch nhưng loài này vẫn đang tồn tại khắp các ruộng đồng.

Khoảng năm 1995, ốc bươu vàng đã phát thành dịch trong cả nước, lan ra hơn 15.000 hecta ruộng lúa, rau muống, ao hồ sông rạch. Loài này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào nước ta từ trước năm 1975.

Bà Nga cho biết ốc bươu vàng sinh sôi và phát tán rất nhanh, ăn lúa và rau màu rất dữ. Nó còn làm thay đổi “lưới thức ăn” trong hệ sinh thái và có nguy cơ lai giống với nhiều loài ốc bản địa làm suy giảm nguồn gen ốc bản địa.

Riêng ở Cần Thơ, theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP. Cần Thơ, “đến nay đã điều tra được sáu loài thực vật xâm hại điển hình và năm loài động vật gây hại lớn đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương”. Đó là mai dương, trinh nữ móc, lục bình, trâm ổi, cúc bò, sò đo cam, bọ cánh cứng hại dừa, ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi, cá lau kính lớn và cá lau kính bé.

Dẫn Luật Đa dạng sinh học ban hành năm 2008 và nhiều quyết định, nghị định, thông tư nhằm thực hiện luật này, ông Thế vẫn liệt kê ra hàng loạt “khó khăn trong quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa SVNL xâm hại”. Đó là SVNL có thể xâm nhập vào môi trường sống mới bằng nhiều cách khác nhau; khó kiểm soát sự du nhập của loài ngoại lai; tác động loài ngoại lai gây ra phức tạp; khi đã thích nghi môi trường sống thì rất khó khống chế SVNL; nhận thức về SVNL của cộng đồng chưa cao trong khi công tác truyền thông thì chưa được quan tâm nhiều.

Và ông Thế nhấn mạnh: “Đặc biệt khó là công tác phối hợp về kiểm soát SVNL giữa các cơ quan chuyên môn, các sở ngành liên quan chưa chặt chẽ và chưa có cơ chế”.

Ông Thế đề xuất: “Ở TP. Cần Thơ, SVNL chủ yếu ảnh hưởng đến nông nghiệp. Để góp phần kiểm soát, ngăn ngừa SVNL xâm hại và bảo tồn đa dạng sinh học thì Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các sở ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn và hướng dẫn cộng đồng thực hiện các giải pháp thiết thực hơn”.

Tromh khi đó, bà Trương Thị Nga của Đại học Cần Thơ đề xuất sáu giải pháp quản lý và phòng ngừa SVNL xâm hại, trong đó nhấn mạnh hai việc lớn là “Nâng cao nhận thức về tác hại của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học, kinh tế xã hội và sức khỏe con người cho mọi tầng lớp nhân dân”; và “Tăng cường khung pháp luật cũng như hợp tác quốc tế trong phòng ngừa việc du nhập, kiểm soát và tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại”.

Về giải pháp kiểm soát và tiêu diệt, bà Nga giới thiệu ba giải pháp là cơ giới, hóa học (phải rất cẩn trọng) và sinh vật học. Có loài, cần làm tổng hợp ba cách này. “Thí dụ như để tiêu diệt cây mai dương, cần tiến hành nhổ, chặt, cày đất khi cây còn non và mới lớn; dùng hóa chất khi cây đã phát triển mạnh và có thể sử dụng các loài thiên địch để diệt trừ loài cây này”, bà Nga nói.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/150832/

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

ĐBSCL: Đô thị chưa chống chịu với biến đổi khí hậu do bê-tông hóa


Quang cảnh hội thảo tại Cần Thơ hôm nay, 30-8-2016. Ảnh: Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Trong khi thế giới đang chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khả năng chống chịu (resilience) của đô thị với biến đổi khí hậu thì 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn lo bê-tông hóa đô thị và ngăn lũ ở thượng nguồn là chính.

Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đô thị vùng ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ hôm nay, 30-8.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), cho rằng “tác dụng ngược” của giải pháp thích ứng và chống chịu với BĐKH ở ĐBSCL lâu nay là việc đầu tư cho bê-tông hóa đô thị ở mỗi tỉnh và việc ngăn lũ thượng nguồn ở cấp vùng.

Chiếu hình ảnh sơ đồ ngăn lũ dày đặc ở đầu sông Tiền, sông Hậu như việc làm bờ bao, đê sông, cống, đập… ông Trung nói việc này chỉ làm cho các tỉnh hạ lưu thêm thu hẹp dòng chảy, giảm vùng trữ nước, tăng cột nước, tăng vận tốc dòng chảy, làm xói lở đáy sông và bờ sông. Còn việc bê-tông hóa đô thị thì làm giảm thấm, tăng chảy tràn, xói ngầm, ngập cục bộ, hư hỏng cơ sở hạ tầng… ảnh hưởng ngày càng nhiều đến dịch vụ, chất lượng cuộc sống người dân đô thị.

Trong khi đó, cũng theo ông Trung, đô thị vùng ĐBSCL vẫn đang từng ngày chịu tác động của cả thiên tai và nhân tai. Đó là chế độ lũ lụt thay đổi do BĐKH và do các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong; rồi dòng chảy mùa kiệt suy giảm trong khi xâm nhập mặn tăng. Ngoài ra, chất lượng nước sông đang biến động khó lường do giảm phù sa, tăng mặn, phèn và tăng ô nhiễm.

“Gần đây có ý kiến dự báo ĐBSCL sẽ không còn lũ lụt trong vài năm tới. Chưa chắc! Vì với BĐKH khó lường như hiện nay, mưa lũ đang tăng ở thượng nguồn dẫn tới việc xả lũ các đập thủy điện ở đó thì ĐBSCL sẽ lại bị ngập nặng”, ông Trung nói.

Ông Trung khẳng định: “Nếu tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo kiểu bê-tông hóa đô thị và tiếp tục ngăn lũ ở thượng nguồn mà không đầu tư cho việc tăng khả năng chống chịu với BĐKH thì đô thị ở ĐBSCL sẽ không thể nào tồn tại thích ứng”.

Ông Trung dẫn tiếp một loạt giải pháp mà ông cho là “cần có tầm nhìn mới về quy hoạch và quản lý ĐBSCL”. Ở đầu nguồn nên tạo vùng trữ lũ dọc theo sông và kênh rạch chính. Nên có các vùng bảo tồn và chỉ sản xuất hai vụ lúa; xây dựng khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản kết hợp tạo cảnh quan làm du lịch. Với đô thị thì nên xây dựng “đô thị xanh”, thí dụ tăng được lượng trữ nước mưa trong tán cây, thấm xuống đất hay nên có công trình trữ nước mưa.

Ông Trung cho biết Đại học Cần Thơ đang cùng thành phố Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh làm một số dự án theo hướng này, trong đó có việc nghiên cứu xử lý quan hệ giữa việc khai thác nước ngầm, lún đất với xâm nhập mặn.

Theo thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Điều phối công tác BĐKH (CCCO) TP. Cần Thơ, có một “thách thức” trong hoạt động của CCCO: “Các cấp lãnh đạo cơ quan địa phương chưa hiểu CCCO là để hỗ trợ cơ quan mình trong các hoạt động thích ứng với BĐKH, mà có khi lại coi các CCCO là đối thủ của mình!”.

Ông Vinh nói tiếp: “Chia sẻ, học hỏi và đối thoại là cách làm có hiệu quả để nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện hoạt động ứng phó cho cán bộ cơ quan các cấp trong việc xây dựng khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị vùng ĐBSCL”.

Theo TS. Trần Văn Giải Phóng ở Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), từ nguồn tài trợ của Quỹ Rockefeller (Mỹ), hơn 10 triệu đô la Mỹ đang được ISET triển khai vào 18 dự án trong lĩnh vực này từ năm 2008 cho năm thành phố ở Việt Nam là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, Huế và Lào Cai.

Ông cho biết ISET đã làm dự án mô hình ngập lụt phục vụ quy hoạch đô thị ở Đà Nẵng và Quy Nhơn. Ở Cần Thơ thì có dự án quản lý sạt lở bờ sông, dự án quan trắc mặn và dự án phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh BĐKH. Tất cả các dự án này đều đi ngược lại với việc bê-tông hóa và ngăn lũ lụt.

Đại diện ISET cũng cho biết Đà Nẵng và Cần Thơ là hai thành phố vừa được “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” (100 Resilient Cities) - do Quỹ Rockefeller sáng lập, công nhận là thành viên. (mời xem thêm: http://www.thesaigontimes.vn/147712/Can-Tho-chinh-thuc-tham-gia-mang-luoi-100-RC.html).

Hai “bài học kinh nghiệm” của việc xây dựng khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị ĐBSCL, theo TS. Trần Văn Giải Phóng, là “cách tiếp cận Resilience sẽ giúp các bên liên quan đánh giá vấn đề tổng thể hơn, phù hợp hơn với bối cảnh đô thị”; và “Lôi kéo các nhóm tổn thương tham gia”.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/150752/

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

“VN không nên làm sắt thép nữa”

NGỌC AN


TTO - Trước đề xuất xây siêu dự án thép ven biển 10,6 tỉ USD ở Ninh Thuận, GS Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho rằng thế giới cơ bản chỉ Trung Quốc còn sản xuất thiết bị thép lò cao, VN không nên làm thép nữa.

“VN không nên làm sắt thép nữa” 
Anh Nguyễn Văn Út (trú thôn Thương Diêm, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) làm nghề bỏ lồng bắt cá rô phi biển. Anh Út lo lắng sắp tới làm nhà máy thép, nếu xảy ra ô nhiễm môi trường thì không còn cá để bắt nữa - Ảnh: TRUNG TÂN

Với kinh nghiệm nhiều năm trong thu hút đầu tư, ông Nguyễn Mại đề nghị VN không nên đi vào “vết xe” của nhiều nước đã đi hàng thế kỷ nay.

* Sau dự án thép của Formosa gây ô nhiễm môi trường, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đề xuất siêu dự án thép nhưng với cam kết rất cao. Bộ Công thương cũng đã đưa dự án vào quy hoạch. Ông có cảm thấy lo ngại?

“VN không nên làm sắt thép nữa” 
GS Nguyễn Mại - Ảnh: TRUNG HÀ

- Formosa là một câu chuyện hi hữu ở VN, còn trên thế giới dự án 10 triệu tấn hay 15 triệu tấn/năm, thậm chí là cao hơn khá nhiều. Ví dụ Posco (Hàn Quốc) có một dự án tập trung 21 triệu tấn làm ngay cạnh biển. Không phải cứ sắt thép là ảnh hưởng môi trường, mà vấn đề là làm sao có công nghệ để không ảnh hưởng đến môi trường.

Vì mình không kiểm soát được nên Formosa mới gây ra ô nhiễm môi trường. Liên quan đến công nghệ sản xuất lò cao, theo tôi được biết cơ bản chỉ có Trung Quốc là còn sản xuất một số thiết bị lò cao. Không có nhiều nơi sản xuất nên Formosa đã mua thiết bị của Trung Quốc.

Vậy vấn đề đặt ra là ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HSG, sẽ mua thiết bị ở đâu? Liệu có phải sẽ mua từ Trung Quốc.

* Đến thời điểm này vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường, nhưng theo kế hoạch năm 2017 dự án sẽ khởi công. Như thế có quá nhanh và liệu có đủ kỹ lưỡng?

- Đánh giá tác động môi trường không phải là khâu quan trọng nhất mà là khâu đầu tư. Bởi đánh giá tác động môi trường chỉ là khâu đầu tiên, hoàn toàn trên lý thuyết chứ không phải là thực tế. Nên quan trọng hơn là đánh giá qua quá trình đầu tư. Lúc này mới đánh giá chính xác được khí thải, nước thải và các độc tố là bao nhiêu?

Thực tế, dự án của Formosa cũng từng đánh giá tác động môi trường khá bài bản, thuê hẳn một công ty tư vấn thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường. Với dự án 10,6 tỉ USD của HSG, người ta cũng sẵn sàng làm chỉ ba bốn tháng là có đánh giá tác động môi trường thôi.

Theo lý thuyết thì có thể tính toán được là bao nhiêu mét vuông thì thải ra nước thải bao nhiêu, khí thải và chất thải rắn thế nào? Cũng có thể vẽ ra viễn cảnh là xử lý nước thải, chất thải như thế nào, khói bụi ra sao trong bản đánh giá tác động này.

Ở Formosa không thiếu gì cả, có điều sau khi đưa vào vận hành thì không có cách nào đo đếm được. Cho đến khi có phát sinh thì Tổng cục Tài nguyên - môi trường mới lập trạm quan trắc, đấu nối với khu xử lý nước thải của Formosa.

Xin lưu ý, cái chúng ta biết ở Formosa mới chỉ là nước thôi, còn xử lý những vấn đề khác như khói bụi hiện chưa ai nói, hay chất thải rắn thế nào... Ở tất cả các nước, khâu đánh giá tác động môi trường được coi trọng nhưng không quan trọng bằng việc theo dõi trong xây dựng, bắt đầu đưa vào vận hành.

Formosa mới chỉ vận hành thử và rửa đường ống mà đã như vậy. Formosa còn khâu rất quan trọng là vận hành thì mình phải theo dõi. Dự án của HSG cũng như vậy, sẽ phải đối mặt với tất cả các 
vấn đề trên và phải theo dõi.

* Nhiều chuyên gia thép từng cảnh báo rằng nên thận trọng khi phê duyệt đầu tư vào dự án thép. Ông có tin vào khả năng đầu tư của HSG?

- Về sắt thép, tôi nói nghiêm túc rằng VN không nên làm sắt thép, theo cách đi của nhiều nước (giai đoạn công nghiệp hóa từ thế kỷ 19, 20 - PV). Bây giờ mình có thể đi tắt đón đầu, sắt thép giờ Trung Quốc và Mỹ thừa rất nhiều, có tiền hoàn toàn có thể nhập dễ dàng.

Lựa chọn sắt thép hay lựa chọn gì đó là câu chuyện của quốc gia, quan trọng nhất là mình ưu tiên sản xuất gì để tránh đi lại “vết xe” của người khác. Lựa chọn con đường người khác đã đi hàng thế kỷ qua hay đi vào công nghệ hiện đại nhất? Tôi cho rằng dù trong nước hay nước ngoài đầu tư, quan trọng nhất là định hướng phát triển sắt thép nữa hay không.

* Có ý kiến cho rằng sản xuất thép là nền tảng cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, liệu có hợp lý?

- Đây là quan niệm rất cổ hủ, bởi bây giờ phân công có tính chất quốc tế, nên những nước đi sau không nên làm, bắt chước những nước đi trước mà phải tìm cách đi tắt đón đầu và chú trọng công nghệ hiện đại. Tại sao thay vì sắt thép, không đầu tư vào những ngành viễn thông, công nghệ như Viettel đang làm?

Đâu có cần sắt thép mà họ vẫn đầu tư được ra nước ngoài và thu về cả tỉ USD. Hiện nay ta nhập 5-7 tỉ USD sắt thép/năm, nếu Formosa làm 10 triệu tấn/năm mà giải quyết tốt môi trường thì cũng đã có thể đáp ứng nhu cầu rất quan trọng rồi. Còn sắt thép bình thường thì hiện nay trong nước đã thừa 
và đã xuất khẩu.

Tôi cho rằng đối với ximăng, sắt thép, lọc dầu thì VN không nên làm nữa. Ximăng thì đã thừa rồi, xuất khẩu cũng khó; lọc dầu thì ta chỉ có 15 triệu tấn dầu thô mà công suất lên tới 45-50 triệu tấn rồi; sắt thép cũng không cần làm nhiều. Đi vào hợp kim cao cấp là tốt nhất, sử dụng công nghệ các nước tiên tiến, 1 tấn hợp kim bằng 10 tấn thép. Nếu HSG đầu tư theo hướng đó thì tôi rất ủng hộ.


Ông Nguyễn Văn Tuấn (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch):


Trả giá về môi trường sẽ rất lớn


Hiện chưa thể nói có nên hay không làm khu liên hợp luyện cán thép tại Ninh Thuận, nhưng cần phải thực hiện điều mà Thủ tướng đã nói là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế.


Đồng thời, muốn phát triển cái gì cũng cần phải tính đến hệ quả của nó sau này. Chủ đầu tư thường đưa ra cam kết rất hay, nhưng khi thực hiện thì lại thường không phải là như thế.


Môi trường còn quý giá hơn là sự phát triển. Cho đến bây giờ, kể cả cá biển, nước biển miền Trung có đang phục hồi thì sự phục hồi của du lịch cũng không thể ngay lập tức mà còn lâu mới có thể phục hồi được. Sự trả giá nếu để xảy ra ô nhiễm là quá lớn. (V.V.Tuân)



Ông Hồ Nghĩa Dũng 
(chủ tịch Hiệp hội Thép VN):


Tìm đâu 10,6 tỉ USD để đầu tư?


Dự án của HSG quy mô lớn, chia ra nhiều giai đoạn, tới trên 10 năm. Xu hướng hiện nay là đầu tư trung tâm thép khép kín, tập trung, quy mô tương đối lớn thì mới cạnh tranh được với công nghiệp thép thế giới. Một khu công nghiệp lớn như vậy thì việc đặt ven biển cũng là cần thiết. Trên thế giới, có điều kiện thì người ta đều đặt ở ven biển vì giải quyết vấn đề giao thông, vận 
tải, nguyên liệu.


Tuy nhiên, vấn đề môi trường đang rất nóng, dù công nghệ hiện nay hoàn toàn kiểm soát được vấn đề môi trường. Giai đoạn đầu chỉ khoảng 3 triệu tấn/năm và tập trung làm thép cán thì quản lý, vận hành, đảm bảo môi trường đơn giản hơn. Nhưng giai đoạn 2 đưa lò cao, lò cốc vào thì phải đặc biệt quan tâm tới môi trường.


HSG là doanh nghiệp lớn trong nước, nhưng việc huy động vốn ở đâu, lên tới 10 tỉ USD thì cũng là ẩn số với hiệp hội. HSG làm ăn hiệu quả nhưng bên cạnh nguồn tài chính tự có, có lẽ HSG sẽ phải huy động các nguồn khác nữa, cả qua ngân hàng và bên ngoài mới đáp ứng được tổng vốn đầu tư trên.


Bài đã đăng tại:
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160829/vn-khong-nen-lam-sat-thep-nua/1162504.html