Người dân nghèo mưu sinh trên sông nước miền Tây. |
(TBKTSG Online)- 9/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị tác động nặng của biến đổi khí hậu, đã được tài trợ hơn 384 triệu đô la Mỹ để thực hiện “Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững”, kéo dài từ nay tới năm 2022.
Thông tin này được đưa ra tại hội nghị “Khởi động dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Cần Thơ sáng nay, 1-12.
Theo đó, 9 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sẽ cùng với các ngành chức năng triển khai dự án này. Chủ dự án là Ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi (CPO), thuộc Bộ NN&PTNT.
Nhà tài trợ chính của dự án là WB, với tổng vốn đầu tư 384,979 triệu đô la Mỹ (tương đương 8.577,332 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ưu đãi từ WB là 310 triệu đô la; vốn đối ứng 72,547 triệu đô la và vốn tư nhân 2,432 triệu đô la.
Theo ông Nathan Belete, Quản lý nông nghiệp vùng Đông Á của WB, mục tiêu chính của dự án này là nhằm tăng cường các công cụ lập quy hoạch, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước, bảo đảm sinh kế cho người dân tại 9 tỉnh trên.
Trong hợp phần 2, người dân ở ba tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp sẽ được hưởng lợi từ các tiểu dự án trị giá gần 2.300 tỉ đồng nhằm nâng cao khả năng thoát lũ thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý nước thượng nguồn, phát triển sinh kế.
Ở hợp phần 3 (trị giá hơn 2.300 tỉ đồng), người dân Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng được hưởng lợi từ các tiểu dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sinh kế ven biển, kiểm soát nguồn nước, chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.
Ở bán đảo Cà Mau, ba tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu sẽ được đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng thực hiện các tiểu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt để nuôi tôm trong rừng ngập mặn, phát triển rừng sinh thái và nâng cao sinh kế.
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Đây là dự án khó vì nó đòi hỏi các giải pháp tổng hợp, tự xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu kèm các giải pháp về tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết sản xuất có sự tham gia của khu vực tư”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết chỉ riêng đợt hạn mặn vào mùa khô năm nay, đã có ít nhất 290.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt, gây thiệt hại nghiêm trọng cho trên 254.000 hecta đất sản xuất, tổng thiệt hại trên 15.000 tỉ đồng.
Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/154496/