Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Bài thơ viết ở Vị Xuyên năm 1985



 Nhớ ngày 17-2-1979 ở biên giới phía Bắc












  

Nơi đây tràn trề thế đất
Bao năm rồi chẳng bình yên
Pháo giặc bắn sang từ hướng Bắc
Trụi trần đất đá Vị Xuyên

Tôi đã sống một thời cao nguyên
Đã qua đôi mùa khô biên giới
Mà hiểu núi mà xót xa yêu núi
Là nơi đây sau lưng tôi Hà Giang

Mây phủ trắng đỉnh cao Hai ngàn
Người bản Mèo rủ nhau về dưới thấp
Tựa vào đá tôi quay đầu nhìn khắp
Ruộng bậc thang mờ xanh cỏ tranh

Nơi đây nhiều tên đất nổi danh
Suối Cụt, Bốn Hầm, Cốc Nghè, Cửa Tử...
Pháo – phản pháo ngày đêm dồn ứ
Lồng ngực ta nung lửa chặn thù

Tôi chồm mình qua bờ chiến hào
Lấp loáng thượng nguồn sông Lô ánh đỏ
Ôi sông Lô tuổi học trò thuở nhỏ
Miền Nam xa tôi hát khúc sông Lô

Uống bát nước đường trong hầm điểm tựa
Đồng đội quây quần hỏi chuyện phương Nam
Bạn cầm tay tôi nhắn lời chia lửa
Khi nghe mùa khô Campuchia

Nơi đây tràn trề thế đất
Vẫn cứ rạch ròi giữa trái tim tôi
Như sông Hậu sóng duềnh xa hút mắt
Đường biên xanh cột mốc dựng bao đời

Vị Xuyên, tháng 7-1985
Huỳnh Kim

Chiến tranh biên giới 1979 Không sợ kẻ thù, chỉ sợ lãng quên




Một ngày cuối hè năm 1979, Long về nhà. U anh đang sàng gạo ngoài sân. Long dừng chân cạnh u: “U đang sàng gạo ạ?”. Người mẹ chẳng ngước mắt lên, chỉ nói “Ừ”. Rồi lại cặm cụi làm.

Long bước vào nhà. Lúc này u mới nhìn theo: bà tưởng cái bóng áo xanh lúc nãy là một anh bộ đội ở doanh trại gần nhà đi ngang qua hỏi thăm. Sao lại bước vào nhà? “Ô thằng Long đấy à?” - bà thốt lên. Rồi u chạy vào, ôm chặt Long khóc nức nở.

U đã đòi lập bàn thờ anh được mấy tháng - nhưng thầy anh cản không cho. Thằng Long chưa chết, thầy anh quả quyết, không biết vì sao. Đã mấy lần thầy lên biên giới, cố tìm xác con, nhưng không thấy.

Hôm ấy, cả làng kéo đến nhà Long, bỏ cả buổi xem vô tuyến ở doanh trại bộ đội. Mừng tủi. Đã nửa năm trôi qua, chẳng ai nghĩ Long còn sống.

Làng Trường Lâm ở ngoại ô Hà Nội này, 7 đứa đi chiến trường biên giới, thì đã có bốn người vĩnh viễn không trở về.


Âu Xuân Long nhập ngũ tháng 5/1978. Sau một đợt huấn luyện ngắn, Long được điều lên Văn Lãng, Lạng Sơn. Chàng trai vừa tròn 18 vẫn hồn nhiên như trẻ con. “Trên cột mốc hồi ấy có cây bưởi sai lắm, vẫn ở tuổi tranh nhau cái gậy để chọc bưởi mà, có biết gì đâu” - anh nhớ rất chi tiết những ngày tháng bình yên ấy. Từ quả đồi nơi đóng quân nhìn xuống là biên giới, bà con trong bản vẫn lại qua bình thường buôn bán.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi từ tháng 8. Buổi sáng 25/8/1978, cách chỗ Long đóng quân chỉ vài cây số, một người bạn đồng niên hy sinh.

Trên đồi Pù Tèo Hào hôm ấy, chiến sĩ Lê Đình Chinh ngã xuống sau một nhát dao của những kẻ thù mặc thường phục tràn từ bên kia biên giới sang. Anh vừa 18 tuổi. Sau này, người ta tìm thấy một lá thư anh Chinh viết ba ngày trước hôm đó.

Người ta gọi Lê Đình Chinh là chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Ngày 25/8, trong trí nhớ Âu Xuân Long, trở thành dấu mốc của sự căng thẳng leo thang. Phía Trung Quốc bắt đầu tăng tuần suất bắc loa qua biên giới tuyên truyền kích động bằng tiếng Việt. Long không nhớ nội dung chúng nói: “Nói vớ vẩn, nghe làm gì”.

Giai đoạn đó, hai bên đều chưa có động thái quân sự chính thức. Nhưng phía Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng việc chống lại một cuộc tấn công: dân quân được huy động để cắm chông dọc biên giới. “Mình cứ cắm nó lại nhổ” - Âu Đức Thành, một trong 3 người lính của làng Trường Lâm may mắn trở về, nhớ lại.

Căng thẳng cứ thế tiếp diễn trong hơn nửa năm tiếp theo, cho đến khi kẻ thù đi bước đầu tiên của mình.
5 giờ sáng 17/2/1979, bầu trời biên giới bỗng sáng rực.

Âu Đức Thành đóng quân cách biên giới hơn 10km. Đêm ấy, nhìn về phía chân trời, anh thấy những luồng sáng như chớp trước cơn giông lớn. “Trung Quốc đánh mình rồi” - anh nói với đồng đội. Một cơn mưa đạn pháo trút sang từ phía Bắc. Cuộc chiến tranh biên giới 1979 chính thức bắt đầu.

Long và Thành là lính của Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 - những người trấn giữ Đồng Đăng, trận địa ác liệt nhất của cuộc chiến tranh biên giới.

Nhiều đồng đội của các anh, những người cùng tuổi mười tám đôi mươi, đã nằm lại trong cuộc giành giật từng tấc đất biên cương.

“Người chết trên đất thì không sao, nhưng chết dưới ruộng thì ám ảnh lắm” - Thành kể về những ngày đi khâm liệm cho đồng đội. Người chết dưới ruộng, xác sẽ trương lên. Anh không nhớ mình đã chôn bao nhiêu đồng đội. Không có gì để liệm, chỉ có chính võng và tăng (tấm che trên võng) của người chết, cuốn lại, rồi chôn. “Mùi tử khí ám vào người, có những ngày không ăn nổi cơm”.


Hai người bạn chăn trâu cùng làng của Long và Thành hy sinh ở Pháo Đài Đồng Đăng ngày 22/2. Pháo đài ấy đã đẩy lùi hàng chục cuộc tấn công cấp sư đoàn của Trung Quốc trong 5 ngày liên tục. Họ cương quyết không nghe những lời kêu gọi đầu hàng cho đến tận phút cuối. Quân Trung Quốc phá cửa, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, hóa chất vào các lỗ thông hơi, giết cả những người dân vùng xung quanh đang lánh nạn tại nơi này.


Âu Xuân Long bị địch bắt vào cuối tháng 2. Đời tù binh khởi đầu bằng những trận đòn thù. “Chúng nó bắt được mình thì phải đánh thôi. Anh em bạn bè nó vừa chết mà” - người đàn ông tóc đã bạc gần hết, kể bình thản. Ông bị địch đưa đi mấy ngày mấy đêm, rồi nhốt ở một ngôi trường bỏ hoang, cùng với vài chục bộ đội và hơn hai trăm người dân thường.

Cuộc tấn công dã man không chỉ hướng vào quân đội Việt Nam. Hơn 10.000 dân thường đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Mục tiêu của Trung Quốc là một cuộc tấn công phá hoại.

Hàng nghìn công trình công cộng, từ ủy ban, trường học, bệnh viện và xí nghiệp; hàng vạn ngôi nhà và héc-ta hoa màu bị phá.

Long được thả trong đợt trao đổi tù binh ngày 20/6/1979. Anh đi bộ từ cửa khẩu xuống chợ Đồng Đăng, và nhận ra rằng thị xã đã biến mất. “Vắng lạnh lắm. Chúng nó phá từ cái cột điện đến cầu cống”.

Một nửa trong số 3,5 triệu đồng bào sống dọc biên giới phía Bắc, đã mất nhà cửa sau cuộc chiến ấy.
Năm 1975, khi nghe tin miền Nam đã được giải phóng, cậu bé Âu Xuân Thành khi ấy đã vô cùng háo hức. Cậu nghe kể rằng miền Nam rất giàu có, và nghĩ: thống nhất được miền Nam thì sướng rồi. “Thấy người ta bảo vùng Đồng Tháp Mười thẳng cánh cò bay, ruộng lúa chẳng cần cầy cấy gì, cứ gieo hạt xuống là rung đùi chờ có gạo ăn thôi. Nghĩ thế là sắp sướng rồi” - ông nhớ lại - “Hồi ấy vẫn còn nghĩ ấu trĩ như thế”.

Sự háo hức qua đi rất nhanh. Năm 1977, căng thẳng Việt-Trung bắt đầu được đẩy lên cao. Năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Năm 1979, Âu Đức Thành cầm súng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. Ra quân, đi học lái xe rồi trở thành quân nhân chuyên nghiệp, hơn 40 năm sau, cậu bé Thành ngày nào - bây giờ đã nghỉ hưu với hàm trung tá - nhận ra một thực tế.

Sau chiến tranh biên giới 1979, căng thẳng biên giới vẫn tiếp diễn. Năm 1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Hà Giang. Lại một lớp thanh niên nữa của ngôi làng nhỏ bé này ra đi, lại có người không trở về.

Và ngay cả những người trở về cũng chưa lành vết thương chiến tranh, dù hơn 30 năm đã trôi qua.


Ông Hường không còn bàn chân trái. Ông đã để lại nó ở Vị Xuyên, Hà Giang, và mang về rất nhiều mảnh đạn trong người - đến bây giờ vẫn chưa lấy hết ra. Nhưng trong trí nhớ của ông, ký ức về cuộc chiến bây giờ đã mờ: cái người cựu chiến binh đối mặt, là cơm áo.

Chiếc xe thương binh để ngoài cửa, chờ có ai vô tình biết số điện thoại gọi đến thì đi. “Người ta giả thương binh, nhưng có sức khỏe, chạy như trâu. Mình què quặt, chỉ ngồi chờ người ta gọi, không kiếm ra tiền”.

Cuộc nói chuyện với ông Hường, không phải là về ký ức huy hoàng của những ngày bảo vệ biên giới. Ông phàn nàn về chế độ với con cái, thỉnh thoảng bị chính quyền “quên”, về những ngày kỷ niệm qua loa, về chính sách.

Ông cũng chẳng hào hứng lắm khi kể về chiến tranh. “Nhà báo có viết thì viết về bọn giả danh thương binh ấy” - ông nhắc đi nhắc lại lời đề nghị. Đấy là nỗi ám ảnh lớn nhất của người đàn ông sắp bước sang tuổi lục tuần.

Sự vinh danh đáng kể nhất mà những cựu binh biên giới - như trong mắt ông Hường - nhận được đến hôm nay, lại là việc người ta giả danh họ, khoác những chiếc áo xanh lá mạ, để kiếm ăn.

“Có một cuộc kỷ niệm cấp tỉnh, cấp nhà nước nào về chiến tranh biên giới không nhỉ?” - ông Thành hỏi người viết. Ông không nhớ rằng có. “Con cái bây giờ, kể cho chúng nó nghe, như kể chuyện cổ tích. Trên TV đài báo có nhắc đến mấy đâu mà chúng nó biết” - người lính già than thở.

Ông không muốn những gì đã diễn ra bị lãng quên. “Phải nhớ chứ. Bây giờ hàn gắn rồi, thì mình không kích động, không hằn thù, nhưng không thể quên được. Phải nhớ là đất nước mình không một ngày bình yên”.

Không chỉ có những cựu binh sợ rằng cuộc chiến tranh ấy sẽ bị lãng quên.

Đó là ngày 17/2/2016, thầy Vũ Văn Khánh quyết định rằng mình sẽ tự tổ chức một cuộc tưởng niệm Chiến tranh biên giới.
Khánh là một thầy giáo dạy văn ở trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. Anh thú nhận rằng tới tận năm ngoài 30 tuổi, anh mới lần đầu tiên hiểu kỹ về Chiến tranh biên giới 1979. “Ở ngoài đảo, mình không có điều kiện tiếp cận thông tin, vào Internet, sách giáo khoa thời mình thì không nhắc đến mấy” - anh kể. Khi biết đến, Khánh đã phải nhờ rất nhiều bạn bè ở các trường đại học gửi tài liệu cho đọc, để biết thêm về cuộc chiến ấy. Anh quyết định rằng mình sẽ không để các em học sinh phải chịu điều ấy - dù anh là một thầy giáo dạy văn, không phải dạy sử.

Tiết học Khánh chọn, là sau khi anh giảng xong cho học sinh về “Bình Ngô đại cáo” - tác phẩm tuyên bố chủ quyền dân tộc trước giặc xâm lăng phương Bắc.

Anh dành một tiết học ngồi kể cho học sinh về cuộc chiến, về diễn biến, và những đau thương mà nó mang lại. Rồi người thầy giáo khóc. Gia đình anh cũng có nhiều liệt sĩ. Anh nhớ bà ngoại, mất chồng từ năm 26 tuổi, nhớ người cậu ruột hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam. Học sinh trong lớp cũng đồng loạt khóc theo. Rồi cả lớp đứng dậy, dành một phút tưởng niệm cho những người đã ngã xuống trong ngày 17/2/1979.
Tiết học ấy sau này trở nên nổi tiếng trên báo chí. Bởi vì nó đặc biệt: những cuộc tưởng niệm như thế không được tổ chức ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt với những người ngoài quân ngũ.

Nhưng năm nay, gọi điện lại, thầy giáo Khánh tâm sự rằng có lẽ mình sẽ vẫn chỉ tổ chức kỷ niệm cho những lớp anh đứng - với tư cách cá nhân. Sách giáo khoa lịch sử, vẫn chỉ có 11 dòng về chiến tranh biên giới, và nhiều nơi thậm chí 11 dòng này còn được đưa vào chương trình giảm tải, nghĩa là học sinh tự đọc.

Ở trên khắp đất nước, còn có bao nhiêu thanh niên như Khánh, sinh ra ngay sau khi tiếng súng vừa im, đã ngoài 30 nhưng chưa một lần được nghe về “Chiến tranh biên giới”?

Thậm chí là chính những lính năm ấy cũng đang quên. Họ đều đã già. Bây giờ mỗi năm, đến ngày 15/5, ngày thanh niên trong làng nhập ngũ năm 1978 ấy, ông Thành lại đứng ra gọi anh em đồng ngũ gặp mặt. “Không phải để nhậu đâu, mà để nhắc nhau nhớ lại”. Những người lính già, sau bao nhiêu năm chiến đấu với cơm áo, có khi cũng chẳng còn nhớ được chính mình đã làm gì.

“Phải ngồi lại với nhau, để người này nhắc người kia, ngày ấy mày làm gì, làm gì. Không thì chẳng nhớ được đâu” - ông Thành kể.

Những người lính già ấy, nói về chiến tranh với một vẻ đầy bình thản. Nhưng họ chua chát khi nói về sự lãng quên. Chính bản thân họ, sau bao nhiêu năm, cũng không cưỡng lại được sự phai mờ của ký ức. Họ sợ sự quên ấy, chứ không sợ kẻ thù.

Cần Thơ, Hiroshima hợp tác xử lý môi trường nước thải


(TBKTSG Online)- Cần Thơ và tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) bắt đầu hợp tác xử lý môi trường nước thải với những dự án phát triển đô thị TP. Cần Thơ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

 
Buổi làm việc giữa đại diện tỉnh Hiroshima và thành phố Cần Thơ ngày 15-2. Ảnh: HK
(TBKTSG Online)- Làm việc với đoàn đại biểu tỉnh Hiroshima hôm nay (15-2) tại Cần Thơ, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết tất cả hệ thống thoát nước cũ và mới sắp triển khai của các dự án vay vốn ưu đãi của WB trong phát triển đô thị Cần Thơ trong vòng 5 năm tới đều cần ứng dụng công nghệ xử lý môi trường hiện đại như ở Hiroshima.

Ông Kazuki Matsubara, phụ trách đối ngoại và thương mại tỉnh Hiroshima, trưởng đoàn Nhật Bản, cho biết có tới 4% công ty và nhiều địa phương ở Nhật đang sử dụng phần mềm quản lý, thiết kế đường ống cống trực quan cho hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước mưa và nước thải công nghiệp do Tập đoàn Pipe Design của Hiroshima cung ứng.

Ông Hiroshi Oura, Tổng giám đốc Tập đoàn Pipe Design, cho biết phần mềm về hệ thống hóa việc quản lý đường ống cống, quản lý nước thải, nước mưa của tập đoàn cũng đang được giảng dạy tại trường Đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM.

Bà Võ Thị Hồng Ánh giao cho Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và môi trường Cần Thơ làm đầu mối tiếp tục trao đổi cụ thể với phía Hiroshima để sớm đạt được kết quả. Bà Ánh đề nghị hai bên hợp tác theo phương thức công – tư, cả với hệ thống cống ngăn triều và tiết kiệm điện chiếu sáng, như sử dụng pin năng lượng mặt trời.

 “Cần Thơ sẵn sàng hợp tác với Hiroshima sau khi chọn được giải pháp phù hợp cho những công trình mới từ vốn vay của WB. Đề nghị trong vòng 2 tháng tới phải có kết quả vì dự kiến trong năm nay Cần Thơ sẽ xong hạ tầng để xây dựng các công trình nâng cấp và phát triển đô thị”, bà Ánh nói.


Và trên trang 1 Saigontimes Daily 16-2-2017:


Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

ĐỌC SÁCH BÁO & NGHĨ VẨN VƠ


Lâu ngày gặp nhau tại Cần Thơ, người bạn trung niên Sài Gòn hỏi:

- Dạo này ông sống ra làm sao mà thấy không còn sôi nổi lãng mạn như xưa nữa? Tôi trả lời:

- Ngoài chuyện biên tập bài vở của nghề báo thì dành thời giờ nhiều cho chuyện đọc sách báo và suy nghĩ vẩn vơ.

- Suy nghĩ vẩn vơ là suy nghĩ ra làm sao?

- Thí dụ như vầy: có bị xì-trét vì áp lực công việc quá thì thử nhắm mắt lại, nhè nhẹ hít thở thật sâu và tưởng tượng trái đất đang bay la đà trong vũ trụ chớ không phải nó đang đứng im lìm bất động như cái bàn cái ghế cái nhà cái cửa quanh mình. Có nghĩa là chính mình cũng đang là đà chuyển động trong mênh mông vũ trụ. Và có nghĩa là ta đang tồn tại một cách quá ư tràn trề ý nghĩa với cuộc sống bao la này.

- Ôi cái chuyện này nó xưa như… trái đất rồi, sao phải suy nghĩ tới nó trầm trọng điêu linh như vậy?

- Chính vì nó xưa như trái đất mà ta thường hay lỡ quên mất nó đi để rồi cái thân mình cứ cuốn theo xô bồ sự vụ việc hằng ngày tới chừng lên cơn xì-trét thì mới chợt nhớ ra.

- Những khi như vậy, đầu óc mình có tỉnh táo hay không?

- Rất ư là tỉnh táo say mê. Cảm thấy vạn vật quanh ta cũng đang kề vai sát cánh bềnh bồng sinh sôi nẩy nở với ta như vậy. Và rồi trăm lần như một, ta cảm thấy nằng nặng thương yêu cuộc sống này hơn. Mở mắt ra, nhìn lại công việc, ta nhè nhẹ nâng niu nó, từ tốn giải quyết nó với một tấm lòng rộng mở, vị tha ghê lắm.

- Có vẻ như là một kẻ mộng tưởng giữa cuộc sống kĩ thuật số tốc độ vô cùng thực tế bây giờ?

- Ngược lại, nó giúp cho mình ngày càng bản lĩnh tự tại hơn xưa. Mình sống vững vàng hơn và nhẹ nhàng hơn cái tuổi trẻ. Mình tự tin mà bước tới ngày mai. Như là dòng sông cứ trôi đi, chảy đi không bao giờ dừng lại và không bao giờ lặp lại; dẫu có lúc lặng lẽ hoặc thác ghềnh, sông vẫn cứ chảy trôi, từ một cội nguồn xa lắc để về lại với biển khơi.

- Trời đất! Quả là miên man suy ngẫm. Thế thì cái chuyện suy nghĩ vẩn vơ này nó liên quan gì tới chuyện đọc sách mỗi ngày?

- Đọc sách ư? Tôi nhớ có lần đọc bài “Đọc sách, một công việc… thực tế” của nhà văn Nguyễn Danh Lam đăng trên báo Áo Trắng. Tôi chia sẻ với nhà văn những điều tâm sự trong bài báo đó, bởi vì từ ngày còn là học trò cho tới giờ tôi cũng là gã mê sách như mê cái đẹp. Tôi thích nhất cái câu Nguyễn Danh Lam đã viết: “Kẽo kẹt đọc mỗi ngày, tôi học”.

Còn nó liên quan ra làm sao với chuyện “nghĩ vẩn vơ” ư? Xin kể bạn nghe hai chuyện này.

Chuyện thứ nhất, tôi vừa đọc xong cuốn  “Người Quảng Nam” của nhà thơ Lê Minh Quốc. Tôi cũng là dân gốc Quảng Nam, đã về “làm rể” đất Cần Thơ từ cả chục năm rồi, vậy mà đọc xong cuốn sách đó, tôi đã nhẹ nhàng tự nhủ vẩn vơ như vầy: Lâu nay mình hay lây cái bệnh tình cảm phân biệt địa phương mà quên mất một chuyện hiển nhiên lịch sử là tất cả mọi người con dân nước Việt đang sống ở châu thổ Cửu Long này đều có gốc gác từ bờ bắc sông Lam. Bởi vì đa phần tổ tiên chúng ta ở đây là những người lưu dân miền Trung đi mở cõi phương Nam. Vậy thì mình phải sống làm sao cho nó xứng với một đồng bằng nở nang từ hơn ba trăm năm trước chớ?

- Còn chuyện thứ hai?

- Bạn có nhớ bài thơ chỉ có hai câu này không:

Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì tác giả bài thơ vô đề tuyệt bút này là Huy Cận; và chính Huy Cận đã tặng cho thi sĩ Xuân Diệu, một bạn thơ thân thiết của mình, làm tác giả bài thơ ấy.

Ở đây tôi xin phép không luận bàn gốc gác bài thơ, mà chỉ xin la đà lãng đãng thưa rằng, nếu như không đọc sách báo và không “nghĩ vẩn vơ” trong cuộc sống này thì chắc là tôi đã khô héo đi bội phần bởi vì tôi chưa “chạm” được vào một bài thơ quá hay và một câu chuyện quá đã như rứa.

Đã đăng Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ Xuân Đinh Dậu 2017:




Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Hàn Quốc muốn đầu tư nhiều lĩnh vực ở Cần Thơ

Quang cảnh cuộc họp sáng ngày 10-2 giữa đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc và lãnh đạo thành phố Cần Thơ. 

(TBKTSG Online) - Hạ tầng giao thông, bệnh viện quốc tế, trường trung học và dạy nghề quốc tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, thành phố thông minh là các lĩnh vực mà đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm hiểu để đầu tư thêm vào Cần Thơ.

GS.TS Lee Beom Jae (Đại học Ajou), trưởng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ ngày 10-2 cho biết, đoàn doanh nhân 12 người của Hàn Quốc trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, thương mại sẽ tìm hiểu thông tin cụ thể về các dự án liên quan của Cần Thơ nhằm tìm cơ hội đầu tư vào thành phố này.

“Tôi đã làm việc 20 năm cho Samsung và nhiều trường đại học ở Hàn Quốc, đã tìm hiểu tiềm năng của Cần Thơ, trung tâm vùng ĐBSCL. Tôi mong sẽ kết nối được nhiều dự án của Cần Thơ với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Hy vọng đến cuối tháng 2 này, hai bên sẽ đưa ra được những dự án cụ thể”, ông Lee Beom Jae nói.

Ông Lee Beom Jae đề nghị Cần Thơ sớm mở thêm đường bay thẳng tới Hàn Quốc để đón cơ hội các nhà đầu tư Hàn Quốc vào làm ăn tại thành phố này, bởi “các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện nay sau khi bay đến TPHCM phải đi tiếp đường bộ mất gần 4 giờ nữa mới tới Cần Thơ”.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết Cần Thơ cũng đang xúc tiến mở thêm đường bay tới Singapore và Hàn Quốc sau các tuyến bay tới Đài Loan và Thái Lan. Ngoài ra, theo ông Thống, nếu năm 2019 xong đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ thì từ TPHCM đi Cần Thơ sẽ chỉ mất độ hai giờ.

Ông Thống cho biết Khu Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ xây dựng tại Cần Thơ hoạt động từ đầu năm 2016 và dự án Khu Công nghiệp công nghệ cao 200 héc ta ở gần KVIP đang được xúc tiến thành lập sẽ góp phần ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp cho doanh nghiệp hai bên tại Cần Thơ.

Đến cuối năm 2016, phía Hàn Quốc đã có 9 dự án đầu tư vào Cần Thơ với vốn đăng ký 247 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, Hiệp hội Lúa gạo và lương thực Hàn Quốc đã mở chi nhánh Việt Nam đặt tại khu KVIP.

Đã đăng TBKTSG Online 10-2-2017:

Cần Thơ nhắm đến 5,6 triệu du khách



 
Cầu đi bộ Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh: Trần Anh Thắng
 (TBKTSG Online) - Cần Thơ đặt chỉ tiêu đón 5,6 triệu lượt du khách vào cuối năm nay, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế.

Con số này được đưa ra tại hội nghị do Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức sáng nay (9-2), bàn giải pháp tăng thu hút du khách đến thành phố này.
Ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Cần Thơ, cho biết năm 2017 ngành du lịch Cần Thơ xúc tiến nhiều giải pháp nhằm đón được 5,6 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 270.000 khách (trong số 600.000 khách quốc tế) sẽ lưu trú để đạt doanh thu 2.000 tỉ đồng.

Cũng theo ông Sơn, năm ngoái Cần Thơ đã đón hơn 5,34 triệu lượt du khách, tăng 14% so với năm 2015, trong đó có 258.400 lượt khách quốc tế lưu trú (tăng 25%), doanh thu 1.826 tỉ đồng (tăng 5%). Gần 70% trong số khách này đã tham gia các tour như chợ nổi Cái Răng, du lịch sinh thái nhà vườn, homestay, vườn cò, cù lao sông nước, lễ hội…

Để thu hút du khách, về lễ hội, năm nay Cần Thơ tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ (từ 5 đến 9-4) và Giải vô địch Bóng chuyền bãi biển nữ châu Á (từ 28-4 đến 1-5). Ngoài ra, ở các quận, còn có Ngày hội văn hóa – đêm hoa đăng Ninh Kiều (28-8); Ngày hội du lịch Chợ nổi Cái Răng (từ 7 đến 9-7); Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền (từ 22 đến 24-9); Lễ hội Óc Om Bóc tại Ô Môn (từ 30-11 đến 3-12)…

Về sản phẩm du lịch đặc trưng, năm nay quận Ninh Kiều đang đầu tư mạnh dịch vụ công cộng hiện đại để phát triển du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm (MICE); tạo thêm cảnh quan cho cầu đi bộ Ninh Kiều, mở phố ẩm thực – dịch vụ, mở thêm các tour sông nước và đường bộ nối Ninh Kiều – Cái Răng – Phong Điền… Quận Cái Răng hoàn thành đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” thành sản phẩm du lịch đặc trưng của cả vùng ĐBSCL; quận Bình Thủy mở rộng du lịch cộng đồng trên cồn Sơn; quận Thốt Nốt mở thêm hoạt động du lịch sinh thái tại vườn cò Bằng Lăng và cù lao Tân Lộc; quận Ô Môn phục dựng các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Khmer tại chùa Pôthi Somrôn.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ, cho biết các hoạt động này sẽ được quảng bá mạnh trên các website của ngành du lịch và hướng tới việc xúc tiến thành lập Sở Du lịch TP. Cần Thơ trên cơ sở tách bạch Trung tâm Phát triển du lịch Cần Thơ hiện thuộc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch.

* Đã đăng tại TBKTSG Online 2-9-2017:

Dọc dài châu thổ Cửu Long




Nghỉ hưu từ báo Sài Gòn Giải phóng, nhà báo Vũ Thống Nhất được bầu làm phó chủ tịch Hội Nhà văn TP. Cần Thơ vào trước tết nguyên đán vừa rồi. Từ đây, anh cho ra mắt tập bút ký “Dọc dài châu thổ” dày gần 300 trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, giá bìa 99.000 đồng…

“Dọc dài châu thổ để đi, để gặp và cảm nhận phần nào sự kỳ thú cũng như trăn trở của Đất và Người châu thổ sông Cửu Long”, chàng trai gốc Hà thành viết lời đề từ như vậy cho tập sách của mình và nói “ĐBSCL là nơi đất lành chim đậu”.

Nơi này, anh đã đi, gặp và cảm nhận rằng“ĐBSCL là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của bốn dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm tiếp nối nền văn hóa Óc Eo, dấu ấn Phù Nam một thời lừng lẫy hấp dẫn những chuyến du lịch khám phá văn hóa, phong tục, tín ngưỡng. Cư dân nơi đây không sống khép kín trong lũy tre làng mà là không gian mở, trải dài theo sông rạch, góp phần tạo nên bản tính đôn hậu, phóng khoáng, trọng đạo nghĩa, thân thiện, hiếu khách, tứ hải giai huynh đệ”.

Anh chắt chiu một đời làm báo của mình thành 46 câu chuyện gói vào bốn lãnh vực: nét đẹp châu thổ, văn hóa, du lịch, nỗi niềm châu thổ. “Gã đầu bạc” áo quần thường lụm thụm và lủng lẳng những Ipad, camera, smartphone ấy dường như không quản bất cứ nẻo xa nào từ quê lên tỉnh mỗi khi nghe một được một tin mới lạ gắn với số phận con người.

Tỉ như ở cuối câu chuyện “Người đàn bà đi ngược sáng”, gần như là lời độc thoại song đôi của chị Thu, một cựu Thanh niên xung phong miền Tây Nam bộ, và của chính tác giả: “Có ông dám bỏ bạc triệu mua chai rượu nhậu chơi phải không anh? Ủa, sao chị quan tâm chuyện đó. Đã mấy năm nay tôi mua vé số. Mong trúng bộn bộn để có tiền xây đền thờ. Xây gì chị? Đền thờ, thờ những liệt sĩ không còn xương cốt! Có đợt tìm được mộ tập thể nhưng chỉ hai người được vào nghĩa trang vì họ còn đủ xương cốt. Đi đâu về đâu? Xương tàn liệt sĩ lại vô định hoài?...”.

Mở đầu bài “Đau đáu hồn sông”, anh viết: ““Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, cần giữ gìn, phát huy”. Năm 1992, thuyền trưởng tàu Calypso nổi tiếng đã nhận xét như vậy. Để có được bộ phim tài liệu độc đáo về chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp (sau đó được phát trên 100 đài truyền hình trên thế giới) ông đã phải dùng thủy phi cơ bay trên độ cao hơn trăm mét cùng 4 ca nô chuyên dùng tỏa ra các điểm chợ nhưng cũng phải mất cả ngày mới tạm xong. Nhưng nay, “người xưa cảnh cũ đâu rồi?””.

Viết về cảnh mưu sinh trong mùa nước nổi ở miền Tây, Vũ Thống Nhất cảm thán một cách hào sãng: “Ai đó ví von thật gợi cảm về sự đầm ấm của nhiều dân tộc cùng sống trên dòng Cửu Long; người Tây Tạng rửa chân, người Trung Hoa giặt lụa, người Lào đua thuyền, người Campuchia bắt cá và sau hết là người Việt Nam hưởng trọn một vùng đất phì nhiêu trồng lúa, làm vườn. Sự phân chia tự nhiên địa lý của dòng sông làm ta liên tưởng tới câu tục ngữ “Giàu út ăn, khó út chịu”. Làm sao tránh được quy luật vĩnh hằng của tự nhiên, sông sâu phải đổ về biển lớn!”.

Và, trong một chuyến xe cuối năm từ Sài Gòn về Cần Thơ nghỉ tết, “chàng lãng tử Hà thành” ấy hạ bút viết ký sự “Mùa trở về” với đoạn chót, như trãi lòng mình sau bao dặm dài với châu thổ Cửu Long: “Cứ nhìn dòng người cuồn cuộn “về nguồn” lại trào dâng niềm vui; hồn cốt tết Việt, văn hóa Việt không bao giờ đứt đoạn hay mất đi cả. Trên mọi nẻo đường dọc dài chữ S, cheo leo tận Lũng Cú (Hà Giang), buốt lạnh Sa Pa, gió ngàn Krông Năng (Đắk Lắk) hay nắng tràn Năm Căn (Cà Mau)… ở đâu cũng thấy đỏ rực niềm yêu thương, đạo lý, cội nguồn. Ai cũng lớn lên, cứng cáp hơn sau mỗi mùa trở về. Trở về để bắt đầu một khởi đầu mới. Sức sống dân tộc Việt là vậy!”.

Đã đăng tại Báo Thanh Niên 7-2-2017:




Bài học làm báo



70 năm Báo Quân khu 9 ra số đầu tiên (10/01/1947 – 10/01/2017)


Được làm việc tại Báo Quân khu 9 từ năm 1985 tới năm 1996, nhiều bài học đã giúp tôi trưởng thành hơn. Giờ vào tuổi 60, xin kể lại vài kỷ niệm đáng nhớ…

* Học nghề

Chuyển từ lính pháo binh sang Báo Quân khu 9 từ năm 1985, tới giờ, tôi học nghề báo từ nhiều nguồn: những bài báo của mình đã được biên tập, những bài báo hay của đồng nghiệp, những khóa đào tạo chính qui, và những bài học từ cuộc sống.

Năm 1985, nước nhà đang còn chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Tháng 7 năm ấy, tôi được cơ quan gửi dự lớp thông tín viên Báo Quân đội nhân dân. Đại tá Phạm Phú Bằng, tức nhà báo Phạm Hồng - trưởng phòng Văn hóa văn nghệ báo Quân đội nhân dân - không giảng nhiều về lý thuyết, chỉ yêu cầu tôi đọc và có nhận xét về mỗi số báo ra hằng ngày. Ông chia sẻ ý kiến sau khi lắng nghe tôi nhận xét về một bản tin, tấm ảnh hoặc một bài phóng sự. Ông nói: “Để khi tác nghiệp, anh có thể tìm ra cách thể hiện của riêng mình”.

Đợt đó, đi thực tế một tuần lễ tại biên giới tỉnh Hà Giang, tôi viết phóng sự “Gửi về đồng đội phía Nam” đăng báo Quân đội nhân dân. Cái “riêng” tôi tải được trong bài báo này là thông điệp về sự khác nhau và giống nhau giữa cuộc chiến của quân dân ta ở địa đầu phương Bắc và cuộc chiến của quân tình nguyện Việt Nam chống quân diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia. 

Năm 1986, Báo Quân khu 9 cho đi học tiếp khóa đào tạo phóng viên quân đội. Chúng tôi lại được thầy Phạm Hồng giảng dạy nhiều giờ. Vào giữa năm 1987, tôi đi thực tế nửa tháng trên biên giới Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn với hành trang là lời nhắn gởi của thầy Phạm Hồng: “Nghề báo, nên hỏi mười để viết một”.

Mặt trận Lạng Sơn hoàn toàn khác mặt trận Hà Giang đầy lửa đạn; ở đây bộ đội ta phải đối mặt với một cuộc chiến tranh tâm lý. Ngày ngày, loa phóng thanh từ bên kia biên giới ra rả những chương trình phát thanh “hậu phương quân đội” chĩa vào các điểm tựa của bộ đội ta. Một giọng nữ xưng tên Ngọc Ánh, lúc nào cũng ngọt ngào, “Các đồng hương Bắc Ninh thân mến”, trong khi có những trung đội của ta, cả năm trời chưa ai về phép vì phải bám trụ ngày đêm trên từng điểm cao biên giới. Chưa kể, hàng tuần có những chiếc máy bay nhỏ không người lái bay lòng vòng trên các điểm chốt để thả những “túi quà” tỉ như những chiếc khăn tay vẽ lã lướt hình các cô gái Trung Hoa.

Chuyến này, tôi đã “hỏi” đầy một cuốn sổ tay và mấy cuộn phim để hoàn thành bài phóng sự đăng hai kỳ trên báo Quân đội nhân dân: “Ở hướng Chi Ma”.        

* Tai nạn nghề nghiệp

Lần đầu tôi bị kỷ luật khiển trách là vào tháng 10-1989, sau khi phát hành báo Quân khu số đặc biệt nhân dịp rút quân tình nguyện Việt Nam về nước sau 10 năm giúp bạn Campuchia. Trước đó ở Mặt trận 979, nhờ một đồng nghiệp Campuchia phiên dịch, tôi đã phỏng vấn ghi âm với Đại tướng Bu-Thoong, lúc đó là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội cách mạng Campuchia. Nội dung bài báo được cấp trên ở Hà Nội nhận xét là nêu vấn đề nhạy cảm về thời sự lúc bấy giờ, vì có ba câu hỏi và trả lời “nóng” như sau:

- Liệu quân Pôn Pốt có thể gây ra nội chiến không sau khi quân tình nguyện Việt Nam đã rút hết?

- Nội chiến lớn thì không thể xảy ra. Chúng chỉ có thể đánh lẻ tẻ, như phục kích, gài mìn, gây chiến tranh tâm lý ở nội địa. Ở biên giới thì chúng mở hành lang, đánh điểm tựa như hiện nay. Cũng có điểm tựa bị đánh chiếm, nhưng bộ đội chúng tôi đánh lấy lại được, không để mất.

- Thế còn lòng dân, họ có còn sợ quân Pôn Pốt không?

- Dân ở những nơi hẻo lánh thì còn sợ. Ví dụ chúng có ập vào nhà giữa đêm thì họ sợ. Nó xin gạo, xin bò-hóc, họ có thể cho gạo, cho bò-hóc, nhưng sau đó họ tìm cách đánh lại hoặc tố giác với chính quyền. Chớ còn dân ở các phum xã khác thì không sợ vì họ đã thấy được thế và lực của mình hiện nay. Mấy trận vừa rồi ở Bần-tia Miên-chây, Xiêm Riệp đã chứng tỏ điều đó, quần chúng đã cùng với bộ đội của mình bắt sống hơn 70 tên địch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn luôn đề phòng, có kế hoạch sẵn sàng đánh thắng mọi âm mưu của địch.

- Hiện nay bộ đội Campuchia có còn thích ông Hoàng Xihanuc trở về lãnh đạo Campuchia hay không?

- Qua mấy lần ông Hoàng thể hiện cái tính lắt léo sấp ngửa của mình thì nay họ không còn tin ông ta nữa. Nhưng Chính phủ Campuchia vẫn kiên trì chủ trương hòa hợp dân tộc để xây dựng lại đất nước.        

Lần thứ hai, vào năm 1992, tôi bị kỉ luật cảnh cáo vì đã “viết báo để lộ bí mật quốc phòng”. Đó là bài “Nhìn lại cuộc diễn tập phòng chống biểu tình gây rối, bạo loạn ở TP. Cần Thơ” đăng báo Quân khu 9 số 343 tháng 7-1992. Bài báo ra đời sau chuyến công tác tháp tùng cùng thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu đi tham quan diễn tập. Kiểm điểm rút kinh nghiệm, tôi thấy mình bị kỉ luật vậy là xứng đáng. Viết cái gì mà như là tường trình lại toàn bộ “bí quyết” của cuộc diễn tập – chuyện mà khi đó, chưa thấy tờ báo nào ở trong nước đả động tới!

Bây giờ, mỗi lần viết báo, dù chỉ là một cái tin ngắn, tôi vẫn luôn tự nhủ: “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào?”, để tác phẩm báo chí của mình luôn góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.  
                  
Mẹ lên Sư đoàn 477 – QK7 thăm con nhân ngày nhận quân hàm
Binh nhì (22-12-1976). Ảnh Tuyên huấn F477
               
         
Tác giả (trái) trước khi xuống tàu HQ 501 tại cảng Compong-Som theo chân Binh đoàn 99 Quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước vào sáng ngày 29-4-1987.  (Ảnh: LÊ TRỌNG NGHĨA).

Tác giả đang phỏng vấn Thượng tướng Trần Văn Trà tại Quân khu 9 năm 1992.  (Ảnh: ĐỖ CHÍ THIÊN).

Tại Hội nghị TTV-CTV Báo Quân khu 9 ngày 21-6-1992.
(Ảnh: LÊ TRỌNG NGHĨA).


“Nhà báo khi đó như người lính chiến”

Những năm từ 1985 đến 1989, cán bộ - phóng viên Báo Quân khu 9 làm việc trong hoàn cảnh Quân Tình nguyện Việt Nam tiếp tục giúp bạn Campuchia chiến đấu chống quân diệt chủng Pôn-pốt và xây dựng chính quyền cách mạng, tại Mặt trận 979.

Cả cơ quan Báo Quân khu lúc đó chỉ có một máy đánh chữ và hai máy chụp ảnh; cuộc sống rất khó khăn và hầu hết mọi người đều sống trong doanh trại thuộc Cục Chính trị Quân khu. Thế nhưng khi có yêu cầu từ Ban Biên tập là anh em sẵn sàng “lên đường tác chiến”; mà thường là quá giang xe của các đơn vị thuộc Cục Chính trị hoặc Bộ Tham mưu Quân khu.

Đi các đơn vị, địa phương ở ĐBSCL thì thường chỉ đi vài bữa về là có tin, bài, ảnh. Nhưng đi Mặt trận 979 thì có khi cả tháng. Sang tới BTL Mặt trận đóng ở ngoại ô Phnôm Pênh rồi theo xe các đơn vị đi tiếp ra biên giới Campuchia – Thái Lan, nơi bộ đội ta và bạn thường xuyên phải đánh nhau với quân Pôn-pốt dọc núi rừng biên giới.

Những chiến dịch mùa khô 83-84, 84-85 gian khổ ác liệt nhứt đã tạo ra chiến thắng quyết định cho toàn mặt trận, dẫn tới đợt rút quân tình nguyện về nước lần cuối vào năm 1989. Nhiều hoạt động sống, chiến đấu và giúp bạn ở Mặt trận 979 của bộ đội ta dạo đó đã được phóng viên Báo Quân khu 9 và cả cộng tác viên ở các đơn vị, phản ảnh khá kịp thời trên Báo Quân khu 9, Báo Quân đội nhân dân và được Chương trình Phát thanh quân đội (Đài Tiếng nói Việt Nam) trích đọc.

Vậy mà chẳng nghe ai than khó, than khổ. Nhà báo khi đó cứ như là người lính chiến vậy.