70 năm Báo Quân
khu 9 ra số đầu tiên (10/01/1947 – 10/01/2017)
Được làm việc tại Báo Quân khu 9 từ năm 1985 tới năm
1996, nhiều bài học đã giúp tôi trưởng thành hơn. Giờ vào tuổi 60, xin kể lại
vài kỷ niệm đáng nhớ…
* Học nghề
Chuyển từ lính
pháo binh sang Báo Quân khu 9 từ năm 1985, tới giờ, tôi học nghề báo từ
nhiều nguồn: những bài báo của mình đã được biên tập, những bài báo hay của
đồng nghiệp, những khóa đào tạo chính qui, và những bài học từ cuộc sống.
Năm 1985, nước nhà
đang còn chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Tháng 7 năm ấy, tôi được cơ
quan gửi dự lớp thông tín viên Báo Quân
đội nhân dân. Đại tá Phạm Phú Bằng, tức nhà báo Phạm Hồng - trưởng phòng
Văn hóa văn nghệ báo Quân đội nhân dân - không giảng nhiều về lý thuyết,
chỉ yêu cầu tôi đọc và có nhận xét về mỗi số báo ra hằng ngày. Ông chia sẻ ý
kiến sau khi lắng nghe tôi nhận xét về một bản tin, tấm ảnh hoặc một bài phóng
sự. Ông nói: “Để khi tác nghiệp, anh có thể tìm ra cách thể hiện của riêng
mình”.
Đợt đó, đi thực tế
một tuần lễ tại biên giới tỉnh Hà Giang, tôi viết phóng sự “Gửi về đồng đội
phía Nam” đăng báo Quân đội nhân dân. Cái “riêng” tôi tải được trong bài
báo này là thông điệp về sự khác nhau và giống nhau giữa cuộc chiến của quân
dân ta ở địa đầu phương Bắc và cuộc chiến của quân tình nguyện Việt Nam
chống quân diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia.
Năm 1986, Báo Quân khu 9 cho đi học tiếp khóa đào tạo
phóng viên quân đội. Chúng tôi lại được thầy Phạm Hồng giảng dạy nhiều giờ. Vào
giữa năm 1987, tôi đi thực tế nửa tháng trên biên giới Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn
với hành trang là lời nhắn gởi của thầy Phạm Hồng: “Nghề báo, nên hỏi mười để viết một”.
Mặt trận Lạng Sơn
hoàn toàn khác mặt trận Hà Giang đầy lửa đạn; ở đây bộ đội ta phải đối mặt với
một cuộc chiến tranh tâm lý. Ngày ngày, loa phóng thanh từ bên kia biên giới ra rả
những chương trình phát thanh “hậu phương quân đội” chĩa vào các điểm tựa của
bộ đội ta. Một giọng nữ xưng tên Ngọc Ánh, lúc nào cũng ngọt ngào, “Các đồng
hương Bắc Ninh thân mến”, trong khi có những trung đội của ta, cả năm trời chưa
ai về phép vì phải bám trụ ngày đêm trên từng điểm cao biên giới. Chưa kể, hàng
tuần có những chiếc máy bay nhỏ không người lái bay lòng vòng trên các điểm
chốt để thả những “túi quà” tỉ như những chiếc khăn tay vẽ lã lướt hình các cô
gái Trung Hoa.
Chuyến này, tôi đã “hỏi” đầy một cuốn sổ tay và mấy cuộn phim để hoàn thành
bài phóng sự đăng hai kỳ trên báo Quân đội nhân dân: “Ở hướng Chi Ma”.
* Tai nạn nghề nghiệp
Lần đầu tôi bị kỷ luật khiển trách là vào tháng 10-1989, sau khi phát hành
báo Quân khu số đặc biệt nhân
dịp rút quân tình nguyện Việt Nam về nước sau 10 năm giúp bạn Campuchia. Trước
đó ở Mặt trận 979, nhờ một đồng nghiệp Campuchia phiên dịch, tôi đã
phỏng vấn ghi âm với Đại tướng Bu-Thoong, lúc đó là ủy viên Bộ Chính trị Đảng
Nhân dân Campuchia, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội cách mạng Campuchia.
Nội dung bài báo được cấp trên ở Hà Nội nhận xét là nêu vấn đề nhạy cảm về thời
sự lúc bấy giờ, vì có ba câu hỏi và trả lời “nóng” như sau:
- Liệu quân Pôn Pốt có thể gây ra
nội chiến không sau khi quân tình nguyện Việt Nam đã rút hết?
- Nội chiến lớn thì không thể xảy ra. Chúng chỉ có thể đánh lẻ tẻ, như phục
kích, gài mìn, gây chiến tranh tâm lý ở nội địa. Ở biên giới thì chúng mở hành
lang, đánh điểm tựa như hiện nay. Cũng có điểm tựa bị đánh chiếm, nhưng bộ đội
chúng tôi đánh lấy lại được, không để mất.
- Thế còn lòng dân, họ có còn sợ quân Pôn Pốt
không?
- Dân ở những nơi hẻo lánh thì còn sợ. Ví dụ chúng có ập vào nhà giữa đêm thì
họ sợ. Nó xin gạo, xin bò-hóc, họ có thể cho gạo, cho bò-hóc, nhưng sau đó họ
tìm cách đánh lại hoặc tố giác với chính quyền. Chớ còn dân ở các phum xã khác
thì không sợ vì họ đã thấy được thế và lực của mình hiện nay. Mấy trận vừa rồi
ở Bần-tia Miên-chây, Xiêm Riệp đã chứng tỏ điều đó, quần chúng đã cùng với bộ
đội của mình bắt sống hơn 70 tên địch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn luôn đề
phòng, có kế hoạch sẵn sàng đánh thắng mọi âm mưu của địch.
- Hiện nay bộ đội Campuchia có còn thích ông Hoàng Xihanuc trở về lãnh đạo
Campuchia hay không?
- Qua mấy lần ông Hoàng thể hiện cái tính lắt léo sấp ngửa của mình thì nay
họ không còn tin ông ta nữa. Nhưng Chính phủ Campuchia vẫn kiên trì chủ trương
hòa hợp dân tộc để xây dựng lại đất nước.
Lần thứ hai, vào năm 1992, tôi bị kỉ luật cảnh cáo vì đã “viết báo để lộ bí
mật quốc phòng”. Đó là bài “Nhìn lại cuộc diễn tập phòng chống biểu tình gây
rối, bạo loạn ở TP. Cần Thơ” đăng báo Quân khu 9 số 343 tháng 7-1992. Bài
báo ra đời sau chuyến công tác tháp tùng cùng thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu
đi tham quan diễn tập. Kiểm điểm rút kinh nghiệm, tôi thấy mình bị kỉ luật vậy
là xứng đáng. Viết cái gì mà như là tường trình lại toàn bộ “bí quyết” của cuộc
diễn tập – chuyện mà khi đó, chưa thấy
tờ báo nào ở trong nước đả động tới!
Bây giờ, mỗi lần viết báo, dù chỉ là một cái tin ngắn, tôi vẫn luôn tự nhủ:
“Viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào?”, để tác phẩm báo chí của mình luôn
góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mẹ lên Sư đoàn 477
– QK7 thăm con nhân ngày nhận quân hàm
Binh nhì (22-12-1976).
Ảnh Tuyên huấn F477
|
Tác giả (trái) trước khi xuống tàu HQ 501 tại cảng Compong-Som theo chân Binh đoàn 99 Quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước vào sáng ngày 29-4-1987. (Ảnh: LÊ TRỌNG NGHĨA). |
Tại Hội
nghị TTV-CTV Báo Quân khu 9 ngày
21-6-1992.
(Ảnh: LÊ TRỌNG NGHĨA).
|
“Nhà báo khi đó như người lính chiến”
Những năm từ 1985
đến 1989, cán bộ - phóng viên Báo Quân khu 9 làm việc trong hoàn cảnh Quân Tình
nguyện Việt Nam tiếp tục giúp bạn Campuchia chiến đấu chống quân diệt chủng
Pôn-pốt và xây dựng chính quyền cách mạng, tại Mặt trận 979.
Cả cơ quan Báo Quân khu lúc đó chỉ có một
máy đánh chữ và hai máy chụp ảnh; cuộc sống rất khó khăn và hầu hết mọi người
đều sống trong doanh trại thuộc Cục Chính trị Quân khu. Thế nhưng khi có yêu
cầu từ Ban Biên tập là anh em sẵn sàng “lên đường tác chiến”; mà thường là quá
giang xe của các đơn vị thuộc Cục Chính trị hoặc Bộ Tham mưu Quân khu.
Đi các đơn vị, địa phương ở ĐBSCL thì
thường chỉ đi vài bữa về là có tin, bài, ảnh. Nhưng đi Mặt trận 979 thì có khi
cả tháng. Sang tới BTL Mặt trận đóng ở ngoại ô Phnôm Pênh rồi theo xe các đơn
vị đi tiếp ra biên giới Campuchia – Thái Lan, nơi bộ đội ta và bạn thường xuyên
phải đánh nhau với quân Pôn-pốt dọc núi rừng biên giới.
Những chiến dịch mùa khô 83-84, 84-85 gian
khổ ác liệt nhứt đã tạo ra chiến thắng quyết định cho toàn mặt trận, dẫn tới
đợt rút quân tình nguyện về nước lần cuối vào năm 1989. Nhiều hoạt động sống,
chiến đấu và giúp bạn ở Mặt trận 979 của bộ đội ta dạo đó đã được phóng viên
Báo Quân khu 9 và cả cộng tác viên ở các đơn vị, phản ảnh khá kịp thời trên Báo
Quân khu 9, Báo Quân đội nhân dân và được Chương trình Phát thanh quân đội (Đài
Tiếng nói Việt Nam)
trích đọc.
Vậy mà chẳng nghe ai than khó, than khổ.
Nhà báo khi đó cứ như là người lính chiến vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét