Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Dọc dài châu thổ Cửu Long




Nghỉ hưu từ báo Sài Gòn Giải phóng, nhà báo Vũ Thống Nhất được bầu làm phó chủ tịch Hội Nhà văn TP. Cần Thơ vào trước tết nguyên đán vừa rồi. Từ đây, anh cho ra mắt tập bút ký “Dọc dài châu thổ” dày gần 300 trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, giá bìa 99.000 đồng…

“Dọc dài châu thổ để đi, để gặp và cảm nhận phần nào sự kỳ thú cũng như trăn trở của Đất và Người châu thổ sông Cửu Long”, chàng trai gốc Hà thành viết lời đề từ như vậy cho tập sách của mình và nói “ĐBSCL là nơi đất lành chim đậu”.

Nơi này, anh đã đi, gặp và cảm nhận rằng“ĐBSCL là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của bốn dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm tiếp nối nền văn hóa Óc Eo, dấu ấn Phù Nam một thời lừng lẫy hấp dẫn những chuyến du lịch khám phá văn hóa, phong tục, tín ngưỡng. Cư dân nơi đây không sống khép kín trong lũy tre làng mà là không gian mở, trải dài theo sông rạch, góp phần tạo nên bản tính đôn hậu, phóng khoáng, trọng đạo nghĩa, thân thiện, hiếu khách, tứ hải giai huynh đệ”.

Anh chắt chiu một đời làm báo của mình thành 46 câu chuyện gói vào bốn lãnh vực: nét đẹp châu thổ, văn hóa, du lịch, nỗi niềm châu thổ. “Gã đầu bạc” áo quần thường lụm thụm và lủng lẳng những Ipad, camera, smartphone ấy dường như không quản bất cứ nẻo xa nào từ quê lên tỉnh mỗi khi nghe một được một tin mới lạ gắn với số phận con người.

Tỉ như ở cuối câu chuyện “Người đàn bà đi ngược sáng”, gần như là lời độc thoại song đôi của chị Thu, một cựu Thanh niên xung phong miền Tây Nam bộ, và của chính tác giả: “Có ông dám bỏ bạc triệu mua chai rượu nhậu chơi phải không anh? Ủa, sao chị quan tâm chuyện đó. Đã mấy năm nay tôi mua vé số. Mong trúng bộn bộn để có tiền xây đền thờ. Xây gì chị? Đền thờ, thờ những liệt sĩ không còn xương cốt! Có đợt tìm được mộ tập thể nhưng chỉ hai người được vào nghĩa trang vì họ còn đủ xương cốt. Đi đâu về đâu? Xương tàn liệt sĩ lại vô định hoài?...”.

Mở đầu bài “Đau đáu hồn sông”, anh viết: ““Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, cần giữ gìn, phát huy”. Năm 1992, thuyền trưởng tàu Calypso nổi tiếng đã nhận xét như vậy. Để có được bộ phim tài liệu độc đáo về chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp (sau đó được phát trên 100 đài truyền hình trên thế giới) ông đã phải dùng thủy phi cơ bay trên độ cao hơn trăm mét cùng 4 ca nô chuyên dùng tỏa ra các điểm chợ nhưng cũng phải mất cả ngày mới tạm xong. Nhưng nay, “người xưa cảnh cũ đâu rồi?””.

Viết về cảnh mưu sinh trong mùa nước nổi ở miền Tây, Vũ Thống Nhất cảm thán một cách hào sãng: “Ai đó ví von thật gợi cảm về sự đầm ấm của nhiều dân tộc cùng sống trên dòng Cửu Long; người Tây Tạng rửa chân, người Trung Hoa giặt lụa, người Lào đua thuyền, người Campuchia bắt cá và sau hết là người Việt Nam hưởng trọn một vùng đất phì nhiêu trồng lúa, làm vườn. Sự phân chia tự nhiên địa lý của dòng sông làm ta liên tưởng tới câu tục ngữ “Giàu út ăn, khó út chịu”. Làm sao tránh được quy luật vĩnh hằng của tự nhiên, sông sâu phải đổ về biển lớn!”.

Và, trong một chuyến xe cuối năm từ Sài Gòn về Cần Thơ nghỉ tết, “chàng lãng tử Hà thành” ấy hạ bút viết ký sự “Mùa trở về” với đoạn chót, như trãi lòng mình sau bao dặm dài với châu thổ Cửu Long: “Cứ nhìn dòng người cuồn cuộn “về nguồn” lại trào dâng niềm vui; hồn cốt tết Việt, văn hóa Việt không bao giờ đứt đoạn hay mất đi cả. Trên mọi nẻo đường dọc dài chữ S, cheo leo tận Lũng Cú (Hà Giang), buốt lạnh Sa Pa, gió ngàn Krông Năng (Đắk Lắk) hay nắng tràn Năm Căn (Cà Mau)… ở đâu cũng thấy đỏ rực niềm yêu thương, đạo lý, cội nguồn. Ai cũng lớn lên, cứng cáp hơn sau mỗi mùa trở về. Trở về để bắt đầu một khởi đầu mới. Sức sống dân tộc Việt là vậy!”.

Đã đăng tại Báo Thanh Niên 7-2-2017:




Không có nhận xét nào: