Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Đại sứ Mỹ: TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc



Trả lời TBKTSG sau buổi thuyết trình đầu tiên ở Việt Nam về Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Đại học Cần Thơ chiều ngày 21-11, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear nói: “TPP đang vào giai đoạn đàm phán căng thẳng nhưng tôi hi vọng sẽ kết thúc vào cuối năm nay”. Trước đó, ông đã đi thăm một số tỉnh ở ĐBSCL.

Mở đầu thuyết trình, Đại sứ David B. Shear nhắc lại chuyện Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama vừa thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt. Ông nói: “Đây là một bước tiến lớn trong quan hệ song phương và với tư cách là Đại sứ, tôi bảo đảm rằng mối quan hệ này sẽ tạo ra sự khác biệt trên khắp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL”. Xác nhận điều này đã làm cho mình cảm thấy “đặc biệt hào hứng” để có buổi nói chuyện về TPP trước hơn 200 giảng viên và sinh viên ĐBSCL học tại Đại học Cần Thơ, ông nhấn mạnh: “TPP hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho các nước thành viên, có lẽ nhiều nhất là cho Việt Nam”. 

Ngắn hạn, xuất khẩu tăng 37% 


Nói về lợi ích ngắn hạn, Đại sứ David B. Shear cho là “rõ nét hơn” và thường tập trung vào các lĩnh vực như da giày, dệt may, hàng nông thủy sản - “những lĩnh vực Việt Nam vốn đang sở hữu lợi thế cạnh tranh”. Dẫn số liệu từ một khảo sát quốc tế, ông nói: “Xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ tăng 37% trong những năm đầu TPP” và giải thích: “Từ kinh nghiệm tham gia vào hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và WTO của Việt Nam, chúng ta có thể hy vọng cả mức đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tại Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể”.  

Đại sứ David B. Shear lạc quan cho rằng, “ngay bây giờ, trong giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán TPP, hiện tượng này đã bắt đầu diễn ra” và “mong chờ TPP trong tương lai gần, các nhà đầu tư khắp khu vực đang tích cực thăm dò những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam”. Ông dẫn chứng: “Tháng 8 rồi, một nhóm hơn 30 lãnh đạo cao cấp các tập đoàn từ Hongkong đã sang Việt Nam để tìm hiểu khả năng đầu tư vào các dự án sợi, dệt, nhuộm nhằm đón đầu và khai thác những lợi thế TPP sẽ mang lại”. Ngoài ra, theo đại sứ thì “Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ việc mở rộng cửa vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác vì TPP sẽ giảm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu then chốt của Việt Nam”.  

Dài hạn, tiềm năng rất lớn


Theo Đại sứ David B. Shear: “Về dài hạn, thành quả mang lại sẽ có tiềm năng rất lớn”. Ông cho rằng, nhờ TPP, Việt Nam sẽ dần hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. “Thí dụ trong nông nghiệp - lĩnh vực rất quan trọng đối với ĐBSCL - TPP sẽ mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại hơn, vì vậy sẽ giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, tăng tính hiệu quả, tăng lợi nhuận và mang lại khả năng cạnh tranh cao hơn trên toàn cầu”, ông nói. Một khi chuyện này diễn ra thì: “Sẽ giúp mang lại lợi ích cho Việt Nam theo hai hình thức: thứ nhất, củng cố và khẳng định vai trò đóng góp của Việt Nam trong việc bảo vệ an ninh lương thực trong khu vực; thứ hai, TPP sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm và phát triển sản xuất thực phẩm chế biến”, đại sứ cho biết.

Đại sứ Mỹ nói tiếp: “Đa số những thành quả dài hạn sẽ có mối liên hệ với những lĩnh vực kinh tế mới nhưng hiện nay vẫn chưa phát triển hết quy mô hay chưa xuất hiện tại Việt Nam, vì nó đòi hỏi phải có tay nghề và trình độ khoa học kỹ thuật cao”. 
 

Có bất lợi gì không?


Trước băn khoăn về những bất lợi khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị kịp với yêu cầu của TPP, Đại sứ David B. Shear “đả thông” như vầy: “Cũng có một số người không đồng ý với tự do thương mại do e ngại sự cạnh tranh. Họ cho rằng các thị trường trong nước cần thêm thời gian để phát triển. Điều này từng xảy ra trong lịch sử của đất nước chúng tôi, khi Hoa Kỳ hoàn tất hiệp định thương mại khu vực đầu tiên - Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ. Mexico lo ngại rằng hàng nhập khẩu nông nghiệp từ Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân Mexico và lượng hàng nông nghiệp Mỹ nhập khẩu vào Mexico gia tăng. Tuy nhiên, tiếp cận thị trường Hoa Kỳ lại tạo điều kiện cho nông dân Mexico phát triển. Thập niên đầu tiên từ sau khi hiêp định này được ký kết, lượng hàng nông nghiệp từ Mexico xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gấp đôi”.  

Theo đại sứ, “các điều khoản trong TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, từ doanh nghiệp nhà nước đến hệ thống ngân hàng và sở hữu trí tuệ” và cho rằng đây “chính là những điều kiện cần để Việt Nam củng cố cam kết hội nhập và hiện đại hóa nền kinh tế”. Đại sứ nhấn mạnh: “Khi Việt Nam tiếp tục tiến trình hiện đại hóa, TPP sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao và được trang bị trình độ giáo dục cao hơn”.

Dường như biết trước những câu hỏi từ phía cử tọa về sự “bất lợi” này, Đại sứ David B. Shear kết thúc buổi thuyết trình với những lời tâm huyết của một nhà ngoại giao: “Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công là khả năng thích nghi và phát minh sáng tạo của một quốc gia. Tôi đồng ý rằng đây là một trong những tính cách tiêu biểu của đất nước và con người Việt Nam”.  

“Hoa Kỳ, Việt Nam và 10 nước khác - Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore - đang xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại đa phương mang tầm thế kỷ 21 với những chuẩn mực cao sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khắp khu vực Thái Bình Dương. Các nước hy vọng có thể hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm nay”.
Đại sứ David B. Shear 

* Bản đăng tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 28-11-2013:



Nghe tiếng Sài Gòn


Tiếng Sài Gòn khác tiếng Hà Nội và các vùng khác ra sao? Và vì sao nó khác như vậy? Nghe với nhau trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người dễ có cách trả lời theo cảm nhận riêng. Nhưng nếu cố gắng đọc xong cuốn sách dày 308 trang, Tiếng Sài Gòn, của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính trị Quốc gia - tháng 11.2013), ta sẽ hiểu công sức mà tác giả dành cho câu chuyện này dường như là đi nương theo lời một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy: “Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui”.         

Sách gồm 5 chương: Vùng đất và con người Sài Gòn; Hệ thống ngữ âm tiếng Sài Gòn; Tiếng Sài Gòn so với các phương ngữ khác; Vấn đề định vị và vai trò của tiếng Sài Gòn trong hệ thống tiếng Việt và Kết luận.  

Chỉ riêng việc giải thích tên gọi Sài Gòn khi mở đầu chương 1, tác giả đã cất công tìm tòi từ bảy nguồn tài liệu dài theo dòng lịch sử Nam tiến của tiền nhân để viết được hơn 10 trang. Rồi ông chốt lại như vầy: “Các giả thuyết trên đều cố gắng lý giải tên gọi Sài Gòn bằng cơ sở của sự biến âm trong ngôn ngữ, nhưng không đưa ra những cơ sở lập luận đủ thuyết phục người đọc. Có điều, một ý tưởng chung được thừa nhận: địa danh Sài Gòn, dù là cách đọc trại âm của một hay nhiều ngôn ngữ nào đó (Khmer, Chăm hay một ngôn ngữ họ hàng…) đều cũng là cách phát âm của những cư dân Việt Nam đầu tiên đến khai phá vùng đất này”.

Tiếp đó, trong phần “Lược sử Sài Gòn”, có một đoạn văn như vọng lên tiếng nói của thời gian: “Thời kỳ cư dân Việt đến khai khẩn đất hoang lập ra những làng người Việt đầu tiên trên đất Nam bộ được tính từ năm 1620, khi Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là công chúa Ngọc Vạn cho quốc vương Chân Lạp Chey-Chesda làm hoàng hậu của vương triều Chân Lạp. Dưới sự bảo trợ của bà hoàng hậu này, cư dân Việt từ vùng Thuận - Quảng vào sinh sống làm ăn ở lưu vực sông Đồng Nai ngày càng đông lên”.

Đi vào phân tích hệ thống ngữ âm của tiếng Sài Gòn, tác giả đã mổ xẻ tỉ mỉ từ cấu trúc của âm tiết đến các thành phần của âm tiết như thanh điệu, thủy âm, âm điệu, chính âm, chung âm... Trong chương này, tác giả nhận định: “Tiếng Sài Gòn là một bộ phận của tiếng Việt. Nó chia sẻ với tiếng Việt toàn dân những thuộc tính ngữ âm chung, làm cho nó được sử dụng có hiệu quả khi giao tiếp với cư dân các địa phương khác, đủ để người Việt ở các địa phương này nhận diện nó là một thứ tiếng mẹ đẻ của mình; nhưng đồng thời cũng cho họ nhận thấy có những đặc trưng ngữ âm và từ vựng không thấy có trong tiếng của họ”.

Ở nội dung so sánh tiếng Sài Gòn với các phương ngữ khác cũng như chuyện xác định vai trò của tiếng Sài Gòn trong hệ thống tiếng Việt, tuy vẫn có cả chục trang thuần kỹ thuật về phương ngữ học, nhưng ráng đọc, ta sẽ có được một kiến thức nền về những chuyện này. Và ta có thể chia sẻ với nhận xét của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Thị Châu mà tác giả trích dẫn: “Nhân dân dựa vào thanh điệu để nhận ra phương ngữ, do đó mà gọi là “giọng Bắc”, “giọng Nam”, “giọng miền Trung”. Tiếng Việt có ba vùng thanh điệu mà về âm hưởng có thể phân biệt được ngay khi mới thoáng nghe” Còn đây là khái quát của chính tác giả: “Xét về nhiều bình diện, tiếng Sài Gòn được nhìn nhận là phương ngữ trung tâm (bán phương ngữ) của vùng đồng bằng Nam bộ”.

Tới đây, mời bạn thử đọc to lên và tự mình lắng nghe giọng điệu riêng của đoạn văn này: Tôi đứng núp sau lùm bông phướn, tay cầm chắc ngọn roi tre, vững lòng chờ. Hễ bóng đen nào lao tới nạp mình là tôi khệnh cho một cây, lập kỳ công bất hủ!. Đây là văn trích từ tác phẩm Đồng Quê của nhà văn Phi Vân, một trong những đoạn văn rặt “tiếng Sài Gòn” mà TS Huỳnh Công Tín chọn để khảo sát khi viết tác phẩm này.       

* Bài đã đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 28-11-2013:




Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Khởi công xây dựng vườn ươm công nghệ VN-Hàn Quốc

TBKTSG OnlineVườn ươm công nghệ-công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) vừa được khởi công xây dựng sáng nay 23-11 tại TP Cần Thơ, phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển về chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo.




Theo thông cáo báo chí của Sở Thông tin và truyền thông TP Cần Thơ, dự án KVIP sẽ xây dựng hai tòa nhà rộng hơn 13.000 mét vuông để lắp đặt thiết bị phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển thuộc 3 ngành công nghiệp chính là chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo. Tổng kinh phí của dự án là 21,13 triệu đô la Mỹ, trong đó Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 17,7 triệu đô la Mỹ, còn lại là vốn của Việt Nam. Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KITECH) giúp đào tạo, chuyển giao công nghệ và phối hợp với Đại học Cần Thơ và Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ đưa ra danh sách thiết bị cần thiết phục vụ dự án này.



Theo kế hoạch, đến năm 2015 dự án hoàn thành và vận hành thử. Trước mắt, vào ngày 18-12-2013, tại khách sạn New World TPHCM, KITECH sẽ tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào Cần Thơ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: “Do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong khuôn khổ Chương trình hợp tác điện hạt nhân - năng lượng - công nghiệp, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất đầu tư xây dựng Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại Cần Thơ. Đây là dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ tiếp cận, đổi mới công nghệ và phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông, thủy hải sản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, dự án sẽ tạo thêm động lực để thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế của TP Cần Thơ và các địa phương khác ở ĐBSCL”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đảm bảo để dự án hoạt động hiệu quả và bền vững; tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và ưu tiên hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc, đầu tư nhiều hơn vào Cần Thơ và ĐBSCL.

Đại diện Chính phủ Hàn Quốc, ông Yoon Sang-Jick - Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc - nhấn mạnh: “Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 40 lần và Việt Nam là quốc gia đầu tư lớn nhất trong khu vực ASEAN đối với Hàn Quốc. Hàn Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là đối tác hợp tác tốt nhất của Việt Nam”.

Ông Yoon Sang-Jick nói tiếp: “Cần Thơ thuộc ĐBSCL, một vựa lúa danh tiếng và có tài nguyên thủy sản phong phú. Dựa trên tiềm năng đó, ngành chế biến thực phẩm nông thủy sản và ngành công nghiệp máy móc nông nghiệp là hai ngành kinh doanh mũi nhọn của KVIP. Với kinh nghiệm và công nghệ của Hàn Quốc, tôi tin sẽ giúp cho tiềm năng ấy thành hiện thực. Theo đó, không ít doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư thêm vào TP Cần Thơ thông qua KVIP này”.

Ông Yoon Sang-Jick lạc quan cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp sáng tạo sẽ được sinh ra thông qua KVIP và họ sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, sân chơi hợp tác kinh tế chủ yếu diễn ra tại Hà Nội và TPHCM sẽ được mở rộng, tạo thêm cơ hội hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp của hai nước sẽ tìm kiếm sự cạnh tranh mới, cùng nhau khai thác thị trường thế giới”.


Bài đã đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/106209/Khoi-cong-xay-dung-vuon-uom-cong-nghe-VN-Han-Quoc.html

và: