Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Chuyện ở Sao Biển



(TBKTSG Online) - Hai tuần trước có việc ra Phú Quốc, như mọi lần tôi nghỉ lại ở Sao Biển, một khu resort trên bãi biển cạnh chân đồi Bà Kèo, trông ra vịnh Thái Lan.

Marillyn và Alan

Tại đây, tôi có dịp trò chuyện với hai vợ chồng Marillyn và Alan, du khách Anh Quốc. Là người dân của xứ sở bao bọc tứ bề là biển cả mênh mông, nhưng cả hai đều tỏ ra rất thích thú với khí hậu, thiên nhiên và con người ở Phú Quốc.


Bữa đó, dù sắp rời Sao Biển vào chuyến bay cuối giờ buổi sáng nhưng vẫn thấy cả hai phơi trần trên cát nằm đọc sách, tôi hỏi họ về Phú Quốc và Sao Biển. Hai vợ chồng trao đổi nhau một chút rồi chị Marilyn ghi vào sổ tay của tôi mấy dòng này:

“Tôi không nghĩ rằng mọi người Việt Nam đã nhận ra đất nước mình đẹp đến mức nào, vì nếu họ nhận ra thì họ đã giữ cho nó sạch sẽ hơn; ở Phú Quốc, chỗ nào cũng gặp rác. Tôi hy vọng nơi này sẽ không phát triển theo hướng “Tây phương hóa” và làm biến dạng nó. Nên giữ cho các khu nghỉ dưỡng nhỏ vừa phải, phù hợp với bản sắc của đất nước mình.

Tôi cho rằng Sao Biển là một khu nghỉ dưỡng tốt và chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại đây lần nữa, để thư giãn thoải mái trên ghế tắm nắng mà thấy tiện nghi như ở trong phòng. Nhưng trên hết, đây là một nơi cực kỳ thanh bình với những nhân viên thân thiện và nồng hậu như biển cả”.



Đảo Phú Quốc bây giờ đang có hàng chục khu nghỉ dưỡng như Sao Biển, rộng chừng hai héc ta trở lên. Chỉ tiếc là một số nơi có xu hướng “bê-tông hóa” những dãy bungalow, không còn được nhẹ nhàng tự nhiên như Sao Biển.




Hôm nghỉ ở đây, tôi gặp cảnh ba cặp khách Tây ghé Sao Biển chơi rồi trở về dời chỗ từ một bungalow gần đó sang đây nghỉ nốt những ngày còn lại. Hỏi chuyện, một người đáp gọn lỏn: “Ở đây thanh bình hơn”.





Lạ là, như mọi năm bắt đầu vào mùa mưa thì du khách Tây giảm hẳn, nhưng năm nay theo lời anh Phạm Mỹ, chủ nhân khu Sao Biển, khách Tây vẫn tiếp tục đặt phòng. Điều này làm anh vui, nhưng dường như cũng khiến anh nghĩ ngợi nhiều.


Anh Mỹ đang phân vân trước một sự lựa chọn: có nên liên doanh với một nhà đầu tư nước ngoài để nâng cấp Sao Biển hiện đại hơn, trong đó có xây thêm hồ bơi? Anh còn có dự định mở thêm một tour mới, ngoài mấy tour lặn biển và câu mực, do một người bạn đảm trách lâu nay. Đó là tour khám phá vườn rừng trên đồi Bà Kèo.

Nơi đó, gia đình anh còn một mẫu vườn rừng trồng chen nào dừa, xoài, mít… giữa hằng hà đá núi nhỏ to, cảnh vật còn hoang dã.

Khách Tây chỉ cần trả 10 đô la, vắt theo một cái võng, lội bộ chừng 15 phút cùng một người làm vườn lên thăm rẫy trồng cây ăn quả và khám phá hệ sinh thái rừng của Phú Quốc; sau đó lại "hạ sơn" để ngâm mình trong sóng biển.

Đồi Bà Kèo

Ông Nguyễn Văn Bé - cha vợ của anh Phạm Mỹ

Anh Mỹ thổ lộ chuyện này với vài người bạn; nhiều người khuyên anh nên liên doanh đầu tư phát triển cơ ngơi, nhưng cũng không ít ý kiến e dè, nghi ngại.

Riêng chuyện mở thêm tour mới thì mọi người trong gia đình và bạn bè đều đồng tình ủng hộ. Bởi vì chỉ giới thiệu tour, khách thích thì làm, không thì thôi, không ảnh hưởng mấy tới thiên nhiên và môi trường sống. Còn chuyện nâng cấp khu nghỉ dưỡng như nhiều nơi đang làm trên đảo thì… khó tính quá!

Anh Phạm Mỹ

Hôm rồi, tôi chợt nghĩ tới Marilyn và Alan và gởi email, kể lại câu chuyện này với họ. Marilyn hồi âm với những lời góp ý như từ một người bạn:

“Với những bungalow thì có thể chăm chút thêm một ít cho nội thất là đạt được sự hoàn hảo. Tại sao cần phải xây thêm một cái hồ bơi khi mà mình chỉ ở cách biển ấm áp có vài bước chân? Những resort lớn ở Phú Quốc nhìn cứ y như nhau, chẳng có được cái cảm giác là mình đang ở đâu; nhưng Sea Star thì lại đặc biệt, nó hoà hợp với chung quanh, nó đơn giản mà nổi bật. Nó làm cho mình cảm thấy tràn ngập sự yên bình. Thế nên, xin đừng làm cho nó giống như ở những nơi khác.


Không phải tất cả du khách phương Tây đều thích hồ bơi, quán bar, cây thông... Rất nhiều người trong chúng tôi muốn cảm nhận được những điều mà các bạn có ở Việt Nam, một xứ sở đẹp nổi bật với những con người có lẽ là tốt nhất trên thế giới. Còn về chuyện rác thải, nó có khắp nơi ở Việt Nam.

Tôi thấu hiểu cuộc sống vất vả như thế nào của nhiều người Việt Nam, nhưng họ lại thật sự may mắn khi sống ở một trong những đất nước đẹp nhất mà chúng tôi từng đặt chân đến”.

══════════════
Ảnh: Mỹ Xuyên
══════════════

Bài đã đăng tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
URL: http://www.thesaigontimes.vn/Home/
vanhoadulich/dulich/18937/


Mời xem thêm: