Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Đọc sách: HỒI KÝ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP



Vào tháng 3.2006, NXB Quân đội Nhân dân đã ấn hành Tổng tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lời giải thích: “Việc có trong tay cùng một lúc nhiều tác phẩm hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã và đang trở thành một nguyện vọng tha thiết của rất nhiều bạn đọc”. Bộ sách dày 1.360 trang, in 1.350 bản, giá bìa 380.000 đồng, nay không còn thấy trong nhiều nhà sách. 




Bộ tổng tập gồm sáu hồi ký đã xuất bản trước đó: Từ nhân dân mà ra (in năm 1964), Những năm tháng không thể nào quên (1974), Chiến đấu trong vòng vây (1998), Đường tới Điện Biên Phủ (2001), Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử (2004) và Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (2005). Năm cuốn đầu do nhà văn Hữu Mai thể hiện; cuốn thứ 6 do Đại tá Phạm Chí Nhân thể hiện. 

Trong bài “Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp” đăng báo Thanh Niên hôm 5.10 ngay sau khi hay tin Đại tướng từ trần vào chiều ngày 4.10, thọ 103 tuổi, giáo sư sử học Phan Huy Lê viết: “Ông là người cùng toàn quân, toàn dân viết lên những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm và là người chép lại chính những trang sử đó… Với tầm bao quát của vị thống soái, những trang hồi ký của ông vừa mang tính cụ thể của nhiều tình tiết sinh động, vừa phản ánh toàn cục của cuộc chiến tranh”.

Từ nhân dân mà ra kể chuyện lịch sử hình thành Quân đội Nhân dân Việt Nam mà tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời ngày 22.12.1944 tại chiến khu Cao Bắc Lạng; chỉ với 34 chiến sĩ đầu tiên đã đánh thắng hai trận mở màn Phai Khắc, Nà Ngần. Tác giả kể sau trận Nà Ngần diễn ra vào rạng sáng ngày 25.12.1944: “Trận đánh kết thúc trong vòng dăm phút. Toàn bộ binh lính địch đầu hàng. Về phía ta, đồng chí Bê bị thương ở ngón tay vì viên đạn của tên quản. Bộ đội nhanh chóng thu thập súng đạn, tài liệu, phát truyền đơn và dán biểu ngữ. Tù binh được tập hợp lại giữa sân.  Chị Loan, chị Cầm và chị Thanh giải thích cho họ bằng tiếng Thổ. Họ rất ngạc nhiên khi thấy hai nữ chiến sĩ vai mang súng, lưng đeo đạn, nói năng rất lưu loát, phân tích cho họ về tình hình trong nước và nghĩa vụ của những người dân, kêu gọi toàn thể binh sĩ quay súng lại giết giặc”.

Hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, như lời của tác giả: “Tôi muốn ghi lại một số hình ảnh của Bác trong những năm, tháng không thể nào quên của thời kỳ đầu mới giành được chính quyền, khi vận mệnh của Tổ quốc đã có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc””. Có một chuyện xảy ra vào tháng 10.1945: “Môt hôm, bộ tư lệnh quân đội Tưởng đề nghị Bác đến gặp. Bác về muộn, lặng lẽ ngồi vào bàn ăn… Bác kể lại sáng nay bọn Tưởng đòi Bác ký giấy nhận cung cấp cho chúng một số gạo rất lớn. Bác đã từ chối. Chắc chúng còn tiếp tục làm rầy về chuyện gạo. Bác nói: “Gạo đâu mà đưa chúng nhiều thế. Dân mình đã có đủ gạo ăn đâu!”. Thấy vẻ bất bình của chúng tôi, một lần nữa, Bác nhắc lại cần phải biết kiên nhẫn chịu đựng, giữ hòa hoãn với quân Tưởng để có thể tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính. Bác kiên quyết trong nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Và khi sách lược đã định ra rồi, Bác cũng rất kiên quyết thực hiện sách lược”.

Mở đầu hồi ký Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tên dưới dòng bút tích của mình:“Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà Lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”. Gần cuối hồi ký, có câu chuyện này: “Hai ngày sau khi cuộc chiến đấu kết thúc, tôi từ Mường Phăng tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Trạm tù binh ở rải rác hai bên đường. Binh lính địch vóc dáng to lớn tắm giặt ở suối dưới sự canh gác của những chiến sĩ rất trẻ, bé nhỏ, vẻ mặt hiền lành. Từ một khu rừng vẳng ra tiếng phong cầm rộn ràng, hòa với tiếng hát của những tù binh Pháp. Các đồng chí công tác địch vận đã báo cáo, binh lính địch tỏ vẻ vui thích khi ra hàng. Họ đều muốn sớm chấm dứt cuộc chiến đấu tuyệt vọng, không mang lại lợi lộc gì cho mình, để thoát khỏi cái địa ngục trần gian do Nava đã tạo nên”.

Và ở gần cuối tập hồi ký thứ 6, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Võ Đại tướng đã kể lại câu chuyện này: “Năm 1971, tôi sang Liên Xô khẳng định quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn và đề nghị bạn có sự giúp đỡ đặc biệt. Tại cuộc họp với các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng chí Côxưghin hỏi: “Tôi xin hỏi đồng chí Giáp. Đồng chí nói Việt Nam đánh thắng Mỹ. Tôi muốn biết đồng chí có bao nhiêu đoàn bộ binh cơ giới và Mỹ có bao nhiêu? Xe tăng, pháo hạng nặng và máy bay chiến đấu… các đồng chí có bao nhiên và Mỹ có bao nhiêu? Khả năng về phòng không, về tên lửa, về thông tin, rađa của các đồng chí như thế nào? Xin đồng chí nói qua cho tôi biết”. Tôi trả lời: “Tôi hiểu câu hỏi của đồng chí. Đồng chí muốn biết về vấn đề so sánh lực lượng giữa chúng tôi và Mỹ. Theo học thuyết quân sự Xô Viết là như vậy. Học thuyết quân sự Xô Viết hết sức ưu việt, đã chiến thắng phát xít Đức. Điều đó rất rõ ràng. Nhưng, tôi xin nói nếu chúng tôi đánh theo cách đánh của các đồng chí thì chúng tôi không đứng nổi hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi đánh theo cách đánh khác, cách đánh của Việt Nam, và chúng tôi sẽ thắng”. Sau ngày toàn thắng, có dịp trở lại Liên Xô, gặp lại đồng chí Côxưghin, tôi cảm ơn Liên Xô đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam đánh Mỹ. Đồng chí vui vẻ nói: “Việt Nam thắng to quá, như thế tốt quá! Xin chúc mừng các đồng chí”.

Trước đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khái quát: “Độc lập và tự chủ, thông minh và sáng tạo, đó là nét nổi bật của học thuyết quân sự Việt Nam”. ■


Đã đăng trên báo Thanh Niên ngày 8.10.2013

Không có nhận xét nào: