Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Thơ của một người lính trở về



Phan Bá Linh là một người lính trở về trong đoàn Quân Tình nguyện Việt Nam giúp bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn-pốt (1979-1989). Hồi đó, thơ của anh đã đăng lai rai trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và một số tờ báo. Bẵng đi mấy mươi năm, cứ ngỡ anh đã gác bút về Cần Thơ “làm vườn” như bao đồng đội khác. Hổng dè anh vẫn lặng lẽ sáng tác; và đã cho ra mắt hai tập thơ “Tay cầm tháng giêng” (NXB Quân đội nhân dân 12-2011) và “Bình minh giữa nắng chiều” (NXB Hội Nhà văn, 3-2012). 




Tay cầm tháng giêng” gồm 47 bài thơ kể chuyện cuộc sống, quê nhà, tình yêu, kỷ niệm… với những nỗi niềm riêng của một người trong cuộc. Đôi khi là bộc bạch thẳng thừng: Thơ không thể nuôi ta sống / Ta phải lo kiếm sống để nuôi thơ / Mười ngón tay chai bươn chải giữa giang hồ / Chén cơm đổi bằng mồ hôi nước mắt / Ta là kẻ đầu trần chân đất / Bạn rất nhiều nhưng rất cô đơn (Thơ và tôi). Có khi mộc mạc: Tôi về nơi tôi được sinh ra / Để quỳ xuống lạy những người đã khuất / Mẹ yên ngủ giấc dài trong đất / Có nghe chăng tiếng bước con về (Quê nhà đẹp nhất). Đôi khi nghe thật chông chênh: Từ lâu em ơi ta đã là xa lạ / Từ lâu ta không còn của nhau / Mưa nơi anh không làm em lạnh (Chông chênh). Có lần qua sông Hậu, anh nhớ: Tôi nhớ năm tôi vào bộ đội / Tuổi còn trẻ quá để yêu đương / Biên giới Tây Nam mùa nước nổi / Đầu nguồn sông Hậu đẫm tang thương /…Tôi soi bóng xuống dòng sông mật / Để nhắc mình sống thật Người hơn / Dòng sông thấm máu người đã khuất / Nên vườn thơm, ruộng lúa xanh rờn (Sông mật).  

Năm 2010, thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn về, anh viết: Có một thời ta sống thật là ta / Đêm cõng bạn băng rừng tìm đơn vị / Quãng đời ấy sao mà thương mà quý / Đất nước đang chiến tranh (Mặc tưởng). Liền đó, anh ngậm ngùi viết bài “Dấu lặng”: Có người lính trở về nhặt lại những ước mơ / Thời gian thổi tuột tầm tay với / Chỉ còn mẹ già ngồi đợi / Chỉ còn vợ con ngồi đợi / Lúc sang trang là đối diện với cơ hàn. Để rồi tới giữa năm 2011, anh lạnh lùng độc thoại: Có lúc chúng ta buộc phải làm kịch sĩ / Mới mong tồn tại ở đời / Đấy là sự lựa chọn bất đắc dĩ / Là nỗi đau, nỗi nhục làm người /…Không ai mang theo quyền lực xuống mồ / Nhưng sẽ mang tình yêu vào giấc ngủ /…Những tính toán tầm thường sẽ bị bỏ rơi / Những chiếc mặt nạ sẽ bị bỏ rơi (Mặt nạ).   

Còn trong tập “Bình minh giữa nắng chiều”, Phan Bá Linh chọn ra 65 bài thơ viết trong hai năm nay; vẫn đong đưa những nỗi niềm của một người lính xuất ngũ nhưng dường như đã nghe vọng về hai tiếng “bình an”. Dù sao, người cựu chiến binh ấy đã qua cái tuổi trung niên và đang chiêm nghiệm ý nghĩa tồn tại của chính mình. Trong bài “Tự tại”, anh viết: Để được chính mình là điều không dễ / Tôi đã đi qua vô số sai lầm /…Trên những con đường đi qua / Tôi nâng niu những trải nghiệm / và quẳng hết những kinh nghiệm / Để mỗi bước đi luôn tươi mới tương lai / Quá khứ là đôi giày đã rách không dùng lại / Tôi nỗ lực hết mình cho hiện tại / nhưng luôn trong tư thế chia tay / Hãy nghĩ đến ngày mai / Ngày mai / Tôi vẫn tuyệt đối cô đơn như mãnh thú / Tự tại trên đôi chân của mình / Phía  trước là bình minh.  

Rồi người lính trở về ấy, như muốn chia sẻ với mọi người một trải nghiệm bình an nho nhỏ, qua bài thơ này: Đồng tiền như cá giữa sông / Muốn bắt được phải có kỹ năng / Hãy bơi ra và gom lại / Đấy là cuộc vật lộn cam go / Nếu thu được một lượng vừa phải / Bạn còn khả năng để quay lại bờ / Quá mải mê / Bạn sẽ quên mình đang ở giữa dòng sâu / Sóng / Gió / Dòng chảy vây quanh / Không biết dừng / Sức bạn cạn dần / Cơ hội quay lại mong manh / Nơi đón bạn về sẽ là đáy dòng sông. (Kiếm tiền).   
         


* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên ra ngày 18-12-2012