Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

15 năm Bạc Liêu


Lạc Long

Sau hơn một thập niên tái lập tỉnh và đổi mới, Bạc Liêu giờ đây đang trên đà phát triển, vươn lên với biết bao đổi thay. Nhân dịp tổng kết cuộc thi ký báo chí chủ đề Bạc Liêu - 15 năm đổi mới và phát triển do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức, 24 tác phẩm tiêu biểu của nhiều tác giả đã được tập hợp in thành sách với tựa đề Bạc Liêu tình đất, tình người do Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu ấn hành, tháng 1.2012.    

Trong bút ký Điện gió - nguồn năng lượng mới ở ĐBSCL của tác giả Vũ Thống Nhất, Bạc Liêu được miêu tả như một địa phương tiên phong trong vùng châu thổ sông Cửu Long với việc phát triển điện gió, một nguồn năng lượng xanh, sạch. Để hình dung về quy mô của công trình này, xin trích một đoạn: “Dọc biển Đông hàng cây số, kéo dài từ phường Nhà Mát qua Vĩnh Trạch Đông đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng là những tua-bin gió với cánh quạt khổng lồ xếp hàng thẳng tắp quay vù vù”. Thêm nữa, “công trình điện gió đã là một sản phẩm du lịch đáng giá cho đất biển Bạc Liêu và kéo theo nhiều dịch vụ mới cho khu đô thị mới”.

Trong Bạc Liêu: những gam màu tôm lúa, tác giả Thanh Thủy phản ảnh bức tranh kinh tế sau 15 năm tái lập tỉnh, đời sống của người dân Bạc Liêu đã được đổi mới. Nhờ biết chuyển đổi mô hình sản xuất từ độc canh cây lúa sang trồng lúa, nuôi tôm kết hợp với mô hình 1 lúa - 1 tôm mà thu nhập đầu người của Bạc Liêu năm 2011 đã cao hơn năm 1997 đến hơn 9 lần. Tác giả khẳng định: “Như vậy là sau 15 năm đổi mới, đời sống của người dân Bạc Liêu được nâng lên rõ rệt, với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 24 triệu 590 ngàn đồng, so với 5 năm trước, tăng 4,4 lần và so với năm 1997 thì mức thu nhập tăng 9,07 lần”.



Những chuyên gia chân đất của tác giả Thanh Phong khái quát chân dung người nông dân điển hình với quy trình nuôi tôm “gây sốc” hay việc một lão nông hơn 40 năm gắn bó với ruộng đồng đã lai tạo nên những giống lúa mới, chất lượng cao. Đó là “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn thành công trong nhiều năm liền với việc thả nuôi tôm mật độ thưa “từ 7- 9 con/m2, thay vì 25 - 30 con/m2 như nhiều người áp dụng, nhưng hiệu quả thì hơn hẳn”. Còn ông “Tám lúa giống” chính là lão nông Nguyễn Văn Lạc, người đã chọn lọc, lai tạo thành công 146 dòng lúa giống mới dù chỉ là “một nông dân không có bằng cấp nào lận lưng”. Tác giả cho biết nổi bật trong những giống lúa mới của ông, có giống BL17, BL29 cho năng suất cao từ 8 - 8,5 tấn/ha/vụ, được nhiều hộ nông dân ĐBSCL áp dụng sản xuất.

Bộ mặt đô thị của TP.Bạc Liêu cũng được ghi nhận trong cuốn sách này, như điểm nhấn về sự đổi mới của một vùng đất gắn bó lâu đời với nông thôn. Đó là hình ảnh phố phường khang trang, sạch đẹp. Tác giả Đỗ Hiếu Liêm, trong bút ký Cảm nhận trên những con đường được thay áo mới, miêu tả những dãy vỉa hè mới nằm dưới tán cây xanh của 35 tuyến đường kiểu mẫu: “Mới ngày nào đó, cũng trên đường phố này, cũng trên vỉa hè này còn bộn bề lo toan với những bụi bặm, rác rưởi, khập khiễng dưới chân thì nay, dưới đôi bàn chân ta bước là những dãy vỉa hè thông thoáng, thẳng băng với đủ màu sắc”. Điều đáng nói ở đây, theo tác giả, là “100% vốn xây dựng đều là do dân đóng góp”, “chính quyền giữ vai trò chỉ đạo, định hướng”.

Tuyển tập này còn có ký sự của nhà văn Phan Trung Nghĩa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang công tác tại Báo Bạc Liêu và Hội Văn nghệ Bạc Liêu. Kể chuyện xây dựng nông thôn mới với đủ loại tiêu chí mà không thấy ai nhắc cái hồn cốt của nông thôn như câu ca dao Chiều chiều ra đứng bờ ao, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều - nhà văn bèn viết bút ký Giữ cho làng một khúc đồng dao. Nhắc lại chuyện 16 người đầu tiên làm Báo Bạc Liêu sau khi tách tỉnh Minh Hải, Phan Trung Nghĩa kể trong bút ký 15 năm báo Bạc Liêu - một hòn than âm ỉ cháy: “Về Bạc Liêu là chúng tôi về một vùng kỷ niệm, về lại cái thời tấm mẳn của mình. Ở đó cái gì cũng quen thuộc và đầy ray rứt. Đời sống xã hội những năm đầu chia tách tỉnh đầy ngổn ngang bề bộn. Đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường được vài năm, dấu hiệu chuyển động tích cực đã rõ nhưng thị xã Bạc Liêu vẫn nghèo nàn với những dãy phố rêu phong, cổ kính. Càng đi sâu vào nông thôn càng thấy cái nghèo hiện diện khắp nơi”.

Từ một Bạc Liêu danh tiếng với bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và giai thoại Công tử Bạc Liêu, qua tuyển tập khiêm tốn và chứa nhiều thông tin này, tôi lại muốn làm một du khách, tìm về với tình đất, tình người Bạc Liêu của thời đổi mới. ■

Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130827/15-nam-bac-lieu.aspx