Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013
Lần giở trước đèn…
Hai tập “Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam” của nhà báo Trần Thanh Phương (nguyên Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) và vợ là Phan Thu Hương biên soạn, được NXB Giáo dục chọn vào tủ sách tham khảo đặc biệt, phát hành từ năm 2011, nhưng mỗi lần giở sách ra lại có cảm giác thích thú và mới lạ.
Lật từng trang, cảm giác như chạm vào câu Kiều “Cảo thơm lần giở trước đèn”. Bởi vì cùng lúc, ta như gặp được cả con người, bút tích, tiểu sử văn học, tác phẩm tâm đắc và cả những lời nhận xét của đồng nghiệp về những nhà văn ấy. Đúng như lời giới thiệu của NXB: “Ước ao được biết mặt, được biết nét chữ của nhà văn để “xem mặt mà bắt hình dong”, để đoán tính nết con người, là một nét tâm lí phổ biến ở độc giả văn chương”.
Hai tập sách chứa hơn 500 chân dung văn học như vậy. Nhiều người đã ra đi, nhiều người đang còn cầm bút, và có rất nhiều người nổi tiếng mà mình đã đọc nhưng có thể chưa hề gặp, như Phan Khôi, Hoài Thanh, Hoàng Cầm, Bùi Giáng, Quang Dũng, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Văn Linh, Phạm Duy Tốn, Toan Ánh, Phùng Quán, Trần Dần, Việt Phương, Giản Chi, Võ Hồng, Sơn Nam, Mạc Can…
Làm sao để có được những tư liệu này? Xin nghe chính lời tác giả kể: “Vốn là những người yêu thích văn học, ngay từ những năm ở nhà trường, chúng tôi đã rất cảm phục và tò mò muốn biết các nhà văn có điều kỳ diệu nào mà viết ra hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn trang sách? Chữ của họ viết ra có điều gì đặc biệt? Có người nói nét chữ thường biểu lộ cá tính của người viết. Không biết có đúng không, nhưng chúng tôi xem chữ viết của nhà văn như một tài liệu quý và được trân trọng lồng trong khung kính, để nâng niu, giữ gìn từ năm 30 năm nay, coi như vật gia bảo chứ không nghĩ sẽ công bố rộng rãi”.
Thế rồi khi cho “công bố rộng rãi” tập 1, những “vật gia bảo” ấy lập tức thu hút nhiều bạn đọc và báo giới, giục hai tác giả làm tiếp tập 2. Có lần chị Phan Thu Hương kể với tạp chí Thế Giới Mới: “Vất vả lắm, có tháng tốn cả triệu tiền điện thoại đường dài để hỏi xin bút tích”. Còn theo anh Trần Thanh Phương thì: “Nhiều chuyện hay gắn với bút tích đẹp. Gia đình nhà văn Nguyễn Văn Bổng gửi bút tích là một lá thư ông viết cho vợ, nói chuyện viết lách và nói về sự bối rối khi phải vay mượn tiền trong khi chờ nhuận bút. Nhà thơ Chế Lan Viên thì ủng hộ tôi hết mình. Ông rất hóm, gửi cho một công văn của Hội Nhà văn do nhà thơ Chính Hữu ký, dấu đỏ hẳn hoi và nội dung là… xin Bộ Tài chính duyệt cho nhà thơ Chế Lan Viên được hưởng tiền bù lỗ gạo giá cao, bên cạnh đề nghị ấy còn thêm bút tích của nhà thơ Huy Cận”.
Riêng ở tập 2 này, hai tác giả giới thiệu một số cây bút quê ở ĐBSCL như Lê Chí, Võ Đắc Danh, Nguyễn Thị Diệp Mai, Bích Ngân, Phan Trung Nghĩa, Lê Đình Trường… Nhà thơ Lê Chí đang sống ở Cần Thơ, dù gặp nhau mỗi tuần nhưng khi nhìn nét chữ bay bướm anh chép lại bài thơ tình tâm đắc nhất “Trái tim là trái tim thôi” với hai câu cuối Cây đời mãi mãi tươi xanh / Lẽ nào đau đớn chỉ dành riêng em! tôi mới hiểu vì sao anh thích sống nội tâm và hiền đến vậy.
Hay như ở trang 345, bút tích của nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng chính là tấm lòng của anh dành cho tác giả: “Đây không phải là bản thảo tác phẩm của tôi, chỉ là những dòng viết tay về một người mà tôi quý mến: Nhà báo Trần Thanh Phương. Công việc mà anh đang làm thầm lặng và không phải không vất vả, nó là sự kiên nhẫn và một tấm lòng với những người cầm bút Việt Nam không phân biệt tuổi tác, thế hệ… Những dòng này bày tỏ lòng trân trọng đối với anh”.
*Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên 22-1-2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130122/lan-gio-truoc-den….aspx
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)