Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Bệnh viện đầu tiên ở ĐBSCL hỗ trợ sinh sản theo chuẩn RTAC và JCI

Huỳnh Kim

30/12/2022

(SGTT) – Trung tâm hỗ trợ sinh sản (IVF) Phương Châu thuộc bệnh viện quốc tế Phương Châu, TP Cần Thơ, là nơi đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa đạt được tiêu chuẩn chất lượng riêng biệt cho hỗ trợ sinh sản (RTAC) và tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện (JCI).
Họp báo chiều ngày 30-12-2022 tại bệnh viện quốc tế Phương Châu. Ảnh: Huỳnh Kim

Tại buổi họp báo vào chiều ngày 30-12, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc bệnh viện quốc tế Phương Châu, cho biết IVF Phương Châu đã trải qua hai kỳ kiểm định nghiêm ngặt để đạt được hai chứng nhận quốc tế là JCI và RTAC về hỗ trợ sinh sản và chất lượng bệnh viện.

Chứng nhận RTAC (Reproductive Technology Accreditation Committee) được Ủy ban Chứng nhận chất lượng về kỹ thuật sinh sản thuộc Hiệp hội Sinh sản Úc và New Zealand thẩm định. Đây là quy chuẩn chung trong quản trị, xác nhận thực hành đúng chuẩn quốc tế và thúc đẩy nâng cao chất lượng dành cho các đơn vị hỗ trợ sinh sản.

Để đạt được RTAC, đơn vị hỗ trợ sinh sản phải đáp ứng 12 tiêu chuẩn thiết yếu và 7 tiêu chuẩn thực hành tốt. Bộ tiêu chuẩn xoay quanh các vấn đề chính về an toàn và đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình điều trị; nhận diện chính xác từng khách hàng, phôi, trứng, tinh trùng tại mọi thời điểm; kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra với khách hàng cũng như phôi, giao tử bằng cách chuẩn hóa từng khâu của quá trình điều trị; không ngừng đào tạo, duy trì và nâng cao năng lực chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên y tế; thoả mãn mong đợi của khách hàng.

Chụp ảnh lưu niệm với các gia đình không còn hiếm muộn tại bệnh viện Phương Châu chiều ngày 30-12-2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Chứng nhận JCI (Joint Commission International) được Ủy ban Thẩm định quốc tế, trụ sở chính tại thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ) ban hành và công nhận.

JCI chứng nhận bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn người bệnh, quản lý rủi ro trong chăm sóc y tế và vận hành. JCI có 281 tiêu chuẩn, đặt người bệnh là trung tâm, khắt khe về an toàn và chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế theo chuẩn quốc tế và an toàn về cơ sở hạ tầng của bệnh viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ, hướng đến các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn người bệnh và nâng tỷ lệ thành công trong thụ tinh trong ống nghiệm luôn được IVF Phương Châu đặt lên hàng đầu.

Bác sĩ Hồ cho biết, thực hiện theo tiêu chuẩn RTAC, IVF Phương Châu còn chú trọng đánh giá cho cả vợ và chồng vì hiếm muộn không phải là vấn đề duy nhất ở nữ mà đang phổ biến ở cả nam. Do đó, việc khám và sàng lọc các vấn đề về sinh sản cho cả vợ và chồng sẽ giúp tìm ra nguyên nhân gốc rễ, hỗ trợ quá trình chẩn đoán và điều trị chính xác hơn.

“Ngoài việc điều trị cho người dân trong nước, IVF Phương Châu còn mở ra cơ hội cho những người nước ngoài đến Cần Thơ du lịch kết hợp điều trị hiếm muộn và vô sinh tại IVF Phương Châu”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ chia sẻ.

Được biết, từ khi thành lập đến nay (2011-2022), IVF Phương Châu đã tiếp nhận hơn 33.000 cặp vợ chồng hiếm muộn với các phương pháp điều trị khác nhau như tư vấn thay đổi lối sống để có thai tự nhiên, áp dụng các kỹ thuật IUI, thụ tinh trong ống nghiệm… Tỷ lệ thành công hơn 74%, trong đó có hơn 3.300 em bé chào đời từ thụ tinh trong ống nghiệm.

Đã đăng trên: Saigon Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/benh-vien-dau-tien-o-dbscl-ho-tro-sinh-san-theo-chuan-rtac-va-jci/ 

Tạo ‘ngân hàng cát’ cho ĐBSCL ra sao?

Huỳnh Kim

Thứ Sáu, 30/12/2022

(KTSG) – Bài viết ghi nhận ý kiến của các chuyên gia khi bàn về việc xây dựng “ngân hàng cát” ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đang thực hiện.

Sà lan đang khai thác cát trên sông Hậu ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

“Cát là “đôi chân” của ĐBSCL”, TS. Dương Văn Ni, giảng viên trường Đại học Cần Thơ, đã nói như vậy. Vị tiến sĩ người miền Tây Nam bộ này ví von rằng, người dân ở ĐBSCL không kêu dòng sông mà kêu con sông. Bởi vì người ta hiểu nó như một sinh vật sống có đầu mình, giò cẳng để đi và cần ăn, ngủ, nghỉ ngơi. Trong sáu ngàn năm qua, đồng bằng này đã đi được mười mấy mét ra biển thì có thể khẳng định cát dọc theo biển là đôi chân của đồng bằng. “Chúng ta chặt đôi chân rồi mai mốt cơ thể chúng ta có lớn mạnh cũng không có chân mà đi”, ông Ni nói.

TS. Ni nói điều này khi ông phản biện ý kiến cho rằng có thể khai thác cát biển như một nguồn cát cho các công trình đường cao tốc ở ĐBSCL tới đây. TS. Ni đề xuất một giải pháp khác: cồn cát.

Cồn cát: giải pháp cấp bách cho xây dựng ĐBSCL

Về mặt địa chất, cồn là do cát bồi lên từ từ, đến lúc nào đó nó nhô lên khỏi mặt nước, cây cỏ phát triển gọi là cồn. Cồn hoàn toàn khác cù lao – vì cù lao vốn là đất liền, do dòng nước chảy một thời gian tách một mảng đất liền ra sông mà thành. Đất cù lao thì giống đất liền.

Theo TS. Ni, nếu xem cát như một năng lượng thì dòng sông tích trữ dinh dưỡng (cát) thừa như là phần mỡ của cơ thể. Trên các con sông đồng bằng, cái phần mỡ này là các cồn cát. Như vậy khi dòng sông đói ăn vì không có phù sa về như bây giờ, chắc chắn những cồn cát này sẽ biến mất trong tương lai gần. “Vì vậy, người dân không nên đổ thêm tiền để sửa chữa hay xây nhà ở mé sông, cồn cát nữa vì rất nguy hiểm”, TS. Ni nói.

 

Theo WWF Việt Nam, đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 ki lô mét. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127 ki lô mét, sạt lở nguy hiểm có 137 điểm với chiều dài 193 ki lô mét. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500 héc ta đất. Trong ba năm (2018-2020), sạt lở đã gây thiệt hại hơn 200 tỉ đồng tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở này xuất phát từ việc khai thác nước ngầm quá mức, chuyện xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn, đặc biệt là việc khai thác cát sông ngày càng tăng.

Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5 mét; giai đoạn 2009-2016 độ sâu này tăng thêm 5-10 mét và kéo theo 68% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn.

Riêng các nhà khoa học ở Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nên khảo sát các cồn cát và hãy coi đó như là nguồn cát cung cấp tốt nhất cho các công trình xây dựng cấp bách.

Nếu trong quá trình khảo sát sông Tiền, sông Hậu mà phát hiện có cái cồn cát nào hình thành nhờ dòng sông giàu năng lượng tích trữ cát thành cồn thì chúng ta có thể giải quyết cái cồn cát đó (trước khi nó tự biến mất – NV) như là một giải pháp cấp bách cho sự phát trển kinh tế của đồng bằng. Dĩ nhiên, sẽ phải tính toán cho việc đền bù cho người dân ở cồn cát đó sao cho hợp lý.

“Ví dụ, có cái cồn có hai chục hộ dân, chúng ta nên có chính sách di dời cho họ rõ ràng. Còn nếu chúng ta vẫn tiếp tục khai thác cát, móc cát sâu thêm thì sẽ làm mất đáy sông; nước sẽ kéo hết các con sông, kinh rạch, sẽ làm sạt lở khắp đồng bằng, không biết đâu mà giúp đỡ. Lúc đó tự nhiên mình mất cát trên sông Hậu nhưng lại có ông ở dưới Bạc Liêu, Cà Mau bị sạt lở”, TS. Ni nói.

Cảnh báo: hụt nguồn cát chân cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ

Về Dự án quản lý cát bền vững ở ĐBSCL để xây dựng “ngân hàng cát”, ông Hà Huy Anh, người quản lý dự án này, cho biết qua khảo sát, đo đạc trong mùa khô 2022 thì cách cầu Mỹ Thuận 1,2 ki lô mét về phía thượng nguồn đang có một hố sâu 50 mét.

Ông Huy Anh cũng cho hay, khi khảo sát ở các điểm trên sông Tiền và sông Hậu, đã không tìm thấy đụn cát ở đáy đạt tiêu chuẩn để nghiên cứu tại khu vực Mỹ Thuận. Tại đây chỉ có sóng cát ngắn và thấp. Đồng thời qua phân tích trầm tích bề mặt đáy sông khi lấy 34 mẫu tại Mỹ Thuận thì có tám mẫu hoàn toàn không có cát.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho biết tương lai cát sẽ không về ĐBSCL. Theo ông, cát di chuyển từ thượng nguồn, trải qua hàng ngàn cây số và hàng chục năm để về đến ĐBSCL. Cát là vật liệu nặng, di chuyển ở đáy sông và chỉ di chuyển khi có dòng nước lũ mạnh cuốn đi.

Trên sông Mêkông, cát di chuyển về hạ lưu trong ba tháng đầu mùa lũ, với hành trình từ 100-200 ki lô mét/năm tùy theo dòng lũ lớn hay nhỏ. Đến tháng 10, hành trình này sẽ dừng lại, chờ đến mùa lũ năm sau cát sẽ tiếp tục trôi xuôi. Nhưng, cả chục đập thủy điện trên thượng nguồn đang làm giảm lượng cát di chuyển xuống hạ lưu và số lượng thủy điện sắp xây dựng sẽ còn tăng. Trong đó, nhiều đập không được thiết kế để trầm tích lưu thông về hạ lưu làm ảnh hưởng đến tự do dòng chảy và vận chuyển trầm tích.

Nhắc lại vụ sạt lở ở cù lao Minh (Vĩnh Long) vào chiều 5-12 với chiều dài 350 mét, rộng 160 mét làm 12 nhà dân bị chìm hoàn toàn nhưng không hề có dấu hiệu cảnh báo trước nào, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng điều này chứng tỏ đáy sông nơi đó đã rỗng từ lâu. Mà cù lao Minh thì đối diện với Vĩnh Long, không xa cầu Mỹ Thuận.

“Khi làm các cầu lớn như cầu Mỹ Thuận, người ta đổ thêm cát ở khu vực đó. Câu hỏi đặt ra, bây giờ phía trên và dưới cầu Mỹ Thuận có hố sâu. Như vậy, chân cầu Mỹ Thuận có được “tha” hay không, cát có nằm yên ở chân cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ hay không? Các cơ quan chức năng cần chú ý đến những cây cầu này, nên đo lượng cát đổ thêm trước khi xây cầu nay có còn ở đó không hay”, ông Thiện cảnh báo.

“Ngân hàng cát” và vật liệu thay thế?

Xây dựng “ngân hàng cát” là nội dung chính của Dự án quản lý cát bền vững ở ĐBSCL do WWF Việt Nam phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện. Dự án kéo dài từ tháng 7-2019 đến tháng 5-2024 nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro do tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Dự án có bốn hợp phần: (i). Xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL; (ii). Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của khai thác cát không bền vững; (iii). Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát không bền vững; và (iv). Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng.

Sau đợt khảo sát mùa khô vào các tháng 4, 10 và đầu tháng 11 vừa qua, đoàn khảo sát thuộc dự án nói trên đã cùng các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức đo đạc lượng bùn và cát từ sông Mêkông đổ về ĐBSCL ở 12 vị trí trên sông Tiền và sông Hậu. Điểm đầu ở trạm thủy văn Tân Châu – Châu Đốc, điểm cuối trước Ngã 3 sông Hậu đổ ra biển.

Theo ông Hà Huy Anh, kết quả các đợt khảo sát này là dữ liệu quan trọng để xây dựng “ngân hàng cát” cho ĐBSCL. Qua đó, sẽ đưa ra các khuyến cáo “đỏ” về những địa điểm không được khai thác cát do sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác với khối lượng cụ thể. “Ngân hàng cát” sẽ cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về ĐBSCL từ thượng nguồn, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác (cả hợp pháp và bất hợp pháp), và lượng cát đổ ra biển.

Kết quả tính toán ngân hàng cát sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực.

Cũng theo dự án, vật liệu thay thế cát sông phổ biến nhất hiện nay ở nước ta là cát nghiền từ đá vôi, đá granite để sản xuất bê tông đúc hoặc để xây dựng đập ở các công trình thủy điện. Một số doanh nghiệp ở TPHCM cũng đang sử dụng thạch cao thay cát để trát tường, hoặc sử dụng xốp đặc biệt thay một phần cát để đổ bê tông trần nhà cao tầng. Thực tế là nguồn vật liệu thay thế cát sông ở miền Nam và riêng ĐBSCL rất hạn chế, nên cần có thêm giải pháp về công nghệ xây dựng để giảm lượng cát tiêu thụ song song với phát triển vật liệu thay thế.

Với chuyện khai thác cát biển, dự án này cho biết kinh nghiệm toàn cầu chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng với việc khai thác cát ngoài khơi vì sự ổn định của bờ biển, xói mòn và các vấn đề về mất da dạng sinh học. Nhiều nước đã cấm khai thác cát ngoài khơi. Hơn nữa, cát biển phải được rửa mặn rước khi sử dụng nếu không sẽ gây ăn mòn bê tông.

Dự án khuyến nghị, trong bối cảnh hơn 68% bờ biển đang đối mặt với sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu trầm tích sông cho các bờ biển, việc khai thác cát biển cần được nghiên cứu và đánh giá thận trọng trước khi khai thác phục vụ phát triển hạ tầng ở ĐBSCL.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/tao-ngan-hang-cat-cho-dbscl-ra-sao/

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Đổi mới hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và thương mại tại Cần Thơ

Huỳnh Kim

Thứ Hai, 26/12/2022

(KTSG Online) – Trả lời phỏng vấn KTSG Online sau một năm thúc đẩy xúc tiến đầu tư và thương mại cho Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) nhấn mạnh, năm 2022 CPA đã làm được bốn việc chính.

KTSG Online: Nếu cần “chốt lại” kết quả hoạt động cả năm 2022 của CPA, bà có thể khái quát ra sao?

– Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên: Năm nay, thành phố Cần Thơ thực hiện chủ đề năm 2022 thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội. Với CPA, đến giờ này, có thể “chốt lại” một số kết quả như sau:

Thứ nhất, CPA đã đổi mới hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại cả về nội dung và phương thức thực hiện. Trong đó, điểm mới là việc ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Do vậy, CPA đã hỗ trợ doanh nghiệp kết nối trực tuyến được hơn 20 chương trình cung cầu với các thị trường nước ngoài và hơn 30 hội chợ, hội thảo trong nước.

Thứ hai, CPA đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ, thông qua doanh nghiệp để vận động doanh nghiệp và có kế hoạch tổ chức tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư tiềm năng theo từng lĩnh vực và nhà đầu tư. Cụ thể là CPA đã phối hợp với các sở ngành liên quan, chuyển mạnh sang hình thức vận động đầu tư theo dự án và đối tác trọng điểm; xây dựng kế hoạch và cơ chế riêng tiếp cận và vận động các công ty, tập đoàn lớn có thực lực về tài chính, công nghệ cao để xúc tiến các dự án trọng điểm.

Thứ ba, CPA đã tăng cường các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại có tính liên kết vùng, ngành, gắn kết xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại.

Thứ tư, một số hạng mục về cơ sở hạ tầng của CPA đang tiếp tục được nâng cấp, sửa chữa, đóng góp một phần vào các hoạt động của cả năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên (hàng ghế ngồi) tại lễ ký kết bản ghi nhớ giữa CPA và Công ty TNHH Ingrid International (Singapore) ngày 13-10-2022. Ảnh: Anh Thơ
KTSG Online: Bà có thể nói rõ hơn kết quả lĩnh vực xúc tiến đầu tư?

– Lĩnh vực này có nhiều nội dung. Với việc nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng, đối tác đầu tư, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá thực địa nhiều dự án, làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư. Sau đó, nghiên cứu thông tin liên quan đến chính sách, lĩnh vực đang tập trung mời gọi đầu tư của thành phố Cần Thơ để cung cấp cho các nhà đầu tư như Công ty Total Care Value, Công ty Kho lạnh AJ Total Việt Nam, Công ty Xiamen Middle Yellow Industry Trade & Co., Ltd (Trung Quốc).

Trong việc xây dựng hình ảnh, quảng bá môi trường, chính sách, cơ hội và kết nối đầu tư, chúng tối đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị bàn về thúc đẩy phát triển vận tải thủy, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư khu vực phía Nam Việt Nam.

CPA cũng đã tham dự nhiều sự kiện trực tuyến và trực tiếp liên quan đến việc thu hút đầu tư vào Cần Thơ về nhiều lĩnh vực như công nghiệp; thị trường Đông Nam Á – Nam Á – Thái Bình Dương; quan hệ Việt Nam – Trung Đông – châu Phi; ngoại giao kinh tế; diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ – Việt Nam; xu thế đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản; quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Chúng tôi còn phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 của thành phố Cần Thơ và đối thoại giữa chính quyền thành phố với doanh nghiệp.

Một góc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2022 do CPA tổ chức. Ảnh: Huỳnh Kim
KTSG Online: Riêng việc hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư năm nay, CPA kết hợp ra sao?

– Năm nay có nhiều hoạt động. Từ ngày 9 đến ngày 15-10-2022, tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại Malaysia và Singapore. Cần Thơ đã ký kết 4 bản ghi nhớ với các đối tác tại Malaysia và Singapore, làm tiền đề mời gọi đầu tư và kết nối giao thương.

Đến tháng 11, trong chuyến công tác xúc tiến hợp tác đầu tư tại Nhật Bản, CPA đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, thu hút sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp và tổ chức đầu tư, thương mại; giới thiệu được tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách và định hướng thu hút đầu tư của thành phố Cần Thơ; mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố về các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến, chế tạo, logistics, môi trường.

Gần đây nhất, trong tháng 12, CPA đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, như hội nghị hợp tác đầu tư – thương mại Việt Nam – Campuchia tại thành phố Cần Thơ; hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương với Indonesia trong chuỗi sự kiện Ngày Indonesia tại Cần Thơ.

Ngoài ra, CPA còn triển khai các hoạt động của tổ công tác Nhật Bản như cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản về môi trường đầu tư ở Cần Thơ; làm việc với các đối tác, doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội; cùng các sở, ngành đưa nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đi thực địa khảo sát dự án đầu tư.

Ngoài việc kết nối với nhiều doanh nghiệp trong nước, CPA còn làm việc với nhiều đoàn ngoại giao và hiệp hội đến từ Singapore, Lào, Campuchia, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan…

KTSG Online: Công tác xúc tiến thương mại thị trường nội địa của CPA dường như sôi nổi hơn so với thị trường ngoài nước?

– Đó là nhờ việc phòng chống dịch Covid-19 trong nước hiệu quả. CPA đã tổ chức đoàn doanh nghiệp Cần Thơ tham gia nhiều sự kiện như Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2022; Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam; Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2022; Ngày hội Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc; Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022; Diễn đàn Mekong Connect năm 2022…

Đặc biệt, sau hai năm tạm ngưng vì dịch Covid-19, năm nay CPA đã tổ chức Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam (từ 2 đến 6-12) với 250 gian hàng của 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Hội chợ đã thu hút hơn 100.000 lượt khách; doanh số bán hàng khoảng 20 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có gần 70 hợp đồng được ký kết về máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hàng nông sản chế biến, hàng hóa tiêu dùng và bán lẻ.

CPA ký kết Thỏa thuận ghi nhớ về liên kết hợp tác hỗ trợ và phát triển vùng nguyên liệu với Hội Lương thực thực phẩm TPHCM tại Mekong Connect 2022. Ảnh: Anh Thơ
KTSG Online: Bà đánh giá ra sao về công tác thông tin, truyền thông trong các hoạt động này?

– Đây là một nội dung quan trọng tạo nên hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại của CPA. Trong đó, có việc phải ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là chuyển đổi số vào trong mọi lĩnh vực như truyền thông, quảng bá, xúc tiến.

Ngoài việc thiết kế và in ấn nhiều loại tài liệu, ấn phẩm phục vụ công tác xúc tiến của Cần Thơ bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Hoa, CPA đã quản lý điều hành bằng phần mềm riêng; cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử CPA (www.canthopromotion.vn); thực hiện bản đồ số các dự án thu hút đầu tư vào Cần Thơ.

CPA còn hợp tác truyền thông với các cơ quan báo, đài; kết nối thông tin trên các trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử của Cần Thơ và nhiều địa phương khác.

KTSG Online: Bên cạnh các thành quả đã đạt được, dường như vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của CPA?

– CPA không có nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ để có chi phí hoạt động thường xuyên và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho viên chức và người lao động là do thời gian một năm bàn giao mặt bằng cho thành phố trưng dụng làm  bệnh viện dã chiến phòng chống Covid-19.

Kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của Cần Thơ còn khiêm tốn nên các hoạt động xúc tiến chưa phong phú và chuyên sâu.

KTSG Online: Vậy Giám đốc CPA có đề xuất gì với UBND thành phố Cần Thơ cho năm mới 2023 hoạt động hiệu quả hơn?

– CPA mong thành phố sớm phê duyệt danh mục sự nghiệp công trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư và thương mại.

Đồng thời, xem xét và cấp thêm kinh phí cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, đặc biệt là xúc tiến thương mại xuất khẩu. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí hiện nay dành cho các hoạt động này ở thành phố Cần Thơ vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh thành khác trong khu vực.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/doi-moi-hieu-qua-cong-tac-xuc-tien-dau-tu-va-thuong-mai-tai-can-tho/

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

Cần có ‘ngân hàng cát’ để quản lý bền vững nguồn cát ở ĐBSCL

Huỳnh Kim 

Thứ Hai, 19/12/2022

(KTSG Online) – Báo cáo tham vấn của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai cho thấy, sạt lở đã và đang “bủa vây” Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu thống kê ghi nhận trong thời gian qua cho thấy, trung bình mỗi năm vùng này mất đến 500 hecta đất vì sạt lở.

Nhiều nhà báo cùng đại diện WWF Việt Nam khảo sát cát trên sông Hậu vào tháng 10-2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Ngày 19-12, tại Cần Thơ, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm “Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông”. Toạ đàm xoay quanh dự án quản lý bền vững cát ở ĐBSCL.

Mỗi năm sạt lở “nuốt” mất 500 ha đất

Theo WWF Việt Nam, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với hơn 18 triệu dân đang đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, các hiện tượng cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, xói mòn, sụt lún, sạt lở… cũng đang gia tăng từng ngày tại vùng này.

Trong đó, tình trạng khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng trầm trọng hơn. Đặc biệt là việc đối mặt với sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Báo cáo tham vấn của WWF Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) cho thấy, sạt lở đã và đang “bủa vây” ĐBSCL. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500 hecta đất. Trong 3 năm (2018 – 2020), sạt lở đã gây thiệt hại hơn 200 tỉ đồng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau.

Riêng năm 2020, tỉnh An Giang có 53 điểm sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm với chiều dài trên 171.000 mét, khiến khoảng 20.000 hộ dân bị đe dọa phải di dời. Đồng Tháp mất khoảng 329 hecta đất do sạt lở, phải di dời khoảng 8.000 hộ dân. Thành phố Cần Thơ nằm ở giữa đồng bằng mà vào cuối năm 2020, đã có 30 điểm sạt lở, 1.400 mét sông bị xói mòn, thiệt hại hơn 16 tỉ đồng.

Gần đây, hôm 5-12, vụ sạt lở dài khoảng 350 mét, rộng khoảng 160 mét ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã làm 22 hộ dân với 109 nhân khẩu bị ảnh hưởng, có 12 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông.

Thống kê mới nhất của Bộ NNPTNT đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127 km, sạt lở nguy hiểm có 137 điểm với chiều dài 193 km.

Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5 mét; giai đoạn 2009-2016 độ sâu này tăng thêm 5-10 mét và kéo theo 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở này xuất phát từ việc khai thác nước ngầm quá mức, chuyện xây dựng hàng loạt các đập thủy điện ở thượng nguồn, đặc biệt là việc khai thác cát sông ngày càng tăng.

Ông Hà Huy Anh, người quản lý dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL thuộc WWF Việt Nam, khẳng định việc khai thác cát không bền vững đang tác động không nhỏ đến hình thái của hai dòng sông chính ở khu vực ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu.

Tọa đàm về quản lý bền vững cát ở ĐBSCL sáng ngày 19-12-2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Nguy cơ cạn kiệt nguồn cát

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát cho quá trình đô thị hoá và công trình giao thông ở cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL vẫn gia tăng từng ngày. Do vậy, việc khai thác cát tràn lan vừa ảnh hưởng về môi trường – xã hội, vừa gây ra tình trạng khan hiếm cát, tạo thêm thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, giao thông.

ĐBSCL đang chuẩn bị khởi công một số công trình giao thông trọng điểm như các cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, An Hữu – Cao Lãnh, Mỹ An – Cao Lãnh, hay dự án đường vành đai phía Tây Cần Thơ vừa khởi công. Những dự án này cần đến gần 40 triệu mét khối cát. Các địa phương đang lo thiếu cát và Cần Thơ còn phải tính đến phương án nhập cát từ Campuchia.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong và nhiều nhà khoa học, hàng năm lượng cát từ thượng nguồn đổ về vùng ĐBSCL khoảng 7 triệu tấn nhưng có đến 6,5 triệu tấn đổ ra biển Đông. Trong khi đó, lượng cát khai thác hàng năm trên sông Tiền và sông Hậu là từ 28 – 40 triệu tấn. Như vậy, mỗi năm ĐBSCL hụt khoảng 27,5 – 39,5 triệu tấn cát.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia môi trường sinh thái ĐBSCL, cho biết cát di chuyển từ thượng nguồn, trải qua mấy ngàn cây số và hàng chục năm để về đến ĐBSCL. Cát là vật liệu nặng, di chuyển ở đáy sông và chỉ di chuyển khi có dòng nước lũ mạnh cuốn đi. Thực tế trên sông Mekong, cát di chuyển về hạ lưu trong 3 tháng đầu mùa lũ, cụ thể là tháng bảy, tám và chín, với hành trình từ 100 – 200 km/năm tùy theo dòng nước lũ lớn hay nhỏ. Đến tháng 10, hành trình này sẽ dừng lại, chờ đến mùa lũ năm sau cát sẽ tiếp tục trôi xuôi.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các đập thủy điện trên phía thượng nguồn làm giảm lượng cát di chuyển xuống hạ lưu và trong tương lai số lượng thủy điện được xây dựng sẽ còn tăng. Trong các thập kỷ vừa qua, việc xây dựng tràn lan các đập thủy điện dọc sông Mekong, đặc biệt khi các đập thủy điện cũ không được thiết kế để cho phép trầm tích lưu thông từ thượng nguồn về hạ lưu, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do dòng chảy và vận chuyển trầm tích.

Ông Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh rằng, với việc khai thác cát không bền vững như hiện nay trong hoàn cảnh đó, tương lai nguồn cát trên sông Mekong sẽ cạn kiệt.

Cán bộ kỹ thuật của WWF Việt Nam khảo sát cát dưới lòng sông Hậu ở An Giang vào tháng 10-2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
“Ngân hàng cát” và vật liệu thay thế

Sau đợt khảo sát mùa khô vào tháng 4, cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, đoàn khảo sát thuộc dự án Quản lý khai thác cát bền vững ở ĐBSCL đã cùng các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức đo đạc lượng bùn và cát từ sông Mekong đổ về ĐBSCL ở 12 vị trí trên sông Tiền và sông Hậu. Điểm đầu ở trạm thủy văn Tân Châu – Châu Đốc, điểm cuối trước ngã 3 sông Hậu đổ ra biển.

Các đợt khảo sát này thuộc dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL do WWF Việt Nam phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện. Dự án kéo dài từ tháng 7-2019 đến tháng 5-2024 nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Dự án có 4 hợp phần: xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của khai thác cát không bền vững; tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát không bền vững; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng.

Theo kết quả đợt khảo sát vào mùa khô, lượng cát ghi nhận tại Tân Châu (An Giang), “mỏ cát” lớn nhất ĐBSCL, nay chỉ còn khoảng 30 mét khối/mét rộng ngang sông/năm, bằng khoảng 15-20% lượng cát đổ về ĐBSCL cách đây 30 năm. Kết quả đo đạc cũng cho biết phù sa Mekong đổ về sông Hậu mùa này chủ yếu là bùn hữu cơ, chỉ ở sông Tiền mới có cát đổ về do nằm liền dòng chính Mekong. Riêng kết quả đợt khảo sát vào mùa mưa vừa qua, đến tháng 4-2023, WWF Việt Nam sẽ công bố.

Theo ông Hà Huy Anh, kết quả các đợt khảo sát này là dữ liệu quan trọng để xây dựng “ngân hàng cát” cho cả vùng ĐBSCL. Qua đó, sẽ đưa ra các khuyến cáo “đỏ” về những địa điểm không được khai thác cát do sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác với khối lượng cụ thể.

Ông Hoàng Việt, Giám đốc dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL cho rằng, dù hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL hiện nay không bền vững, việc ngưng khai thác cát ngay lập tức là không khả thi nên việc xây dựng “ngân hàng cát” là rất cần thiết.

“Ngân hàng cát” sẽ cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về ĐBSCL từ thượng nguồn, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác (cả hợp pháp và bất hợp pháp), và lượng cát đổ ra biển. Kết quả tính toán ngân hàng cát sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực.

Về việc phát triển các vật liệu thay thế cát sông, ông Hoàng Việt cho biết đây là vấn đề còn mới ở Việt Nam. Vật liệu thay thế cát sông phổ biến nhất hiện nay ở nước ta là cát nghiền từ đá vôi, đá granite để sản xuất bê tông đúc hoặc để xây dựng đập ở các công trình thủy điện.

Một số doanh nghiệp ở TPHCM cũng đang sử dụng thạch cao thay cát để trát tường, hoặc sử dụng xốp đặc biệt thay một phần cát để đổ bê tông trần nhà cao tầng. Thực tế là nguồn vật liệu thay thế cát sông ở miền Nam và riêng ĐBSCL rất hạn chế, nên cần có thêm giải pháp về công nghệ xây dựng để giảm lượng cát tiêu thụ song song với phát triển vật liệu thay thế.

Với chuyện khai thác cát biển, dự án này cho biết kinh nghiệm toàn cầu chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng với việc khai thác cát ngoài khơi vì sự ổn định của bờ biển, xói mòn và các vấn đề về mất da dạng sinh học. Nhiều nước đã cấm khai thác cát ngoài khơi. Hơn nữa, cát biển phải được rửa mặn trước khi sử dụng nếu không sẽ gây ăn mòn bê tông.

“Trong bối cảnh hơn 68% bờ biển đang đối mặt với sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu trầm tích sông bổ sung cho các bờ biển, việc khai thác cát biển cần được nghiên cứu và đánh giá một cách thận trọng trước khi khai thác phục vụ phát triển hạ tầng ở ĐBSCL”, ông Hoàng Việt nhấn mạnh.

Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL nêu rõ, cần có thời gian và sự hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vật liệu thay thế cát sông ở Việt Nam. WWF Việt Nam cũng đang cùng tư vấn quốc tế thực hiện nghiên cứu về vật liệu thay thế cát sông bền vững và sẽ công bố vào tháng 4-2023.

Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL đề xuất các hoạt động thúc đẩy công tác truyền thông bao gồm:

  • Thành lập mạng lưới các nhà báo môi trường – thời sự – chính sách để kịp thời thông tin về các vấn đề liên quan đến khai thác cát ở Việt Nam và trên thế giới; tăng cường số lượng và chất lượng thông tin về khai thác cát trên truyền thông đại chúng.
  • Nâng cao năng lực nhà báo ở nội dung khai thác cát bằng cách tổ chức các buổi tập huấn, đi thực tế và tạo điều kiện để nhà báo tiếp xúc với các chuyên gia.
  • Thực hiện các bài đăng ý kiến chuyên gia về vấn đề khai thác cát, vật liệu thay thế và các đề tài liên quan.

 Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/can-co-ngan-hang-cat-de-quan-ly-ben-vung-nguon-cat-o-dbscl/

Can Tho City, Indonesia to enhance investment, trade

 By Huynh Kim

Indonesian Consul General Agustaviano Sofjan (3rd from R) presents an Indonesian garment to Can Tho City Party Committee Deputy Secretary Pham Van Hieu – PHOTO: HUYNH KIM
CANTHO – The Indonesian Consulate General to HCMC and the Can Tho Promotion Agency (CPA) co-held a seminar on business opportunities and trade connection with Indonesian partners on December 17 as part of the Indonesian festivals in the Mekong Delta city of Can Tho from December 17 to 18.

According to Consul General of Indonesia Agustaviano Sofjan, the event gave business opportunities for Indonesian companies to meet potential Can Tho City partners. It provided insights into Indonesia’s economic performance and outlined possible areas for collaboration with local counterparts.

He said the two countries have seen a robust economic rebound in the aftermath of the Covid-19 pandemic. Indonesia’s gross domestic product (GDP) grew by 3.69% in 2021, reaching US$1,186 billion, while Vietnam’s GDP rose by 2.58%, surpassing US$362 billion.

In the third quarter of 2022, while Indonesia’s GDP climbed by 5.72%, it was a staggering 13.67% for Vietnam’s GDP, a substantial increase over the previous quarter’s 7.72% growth rate.

A view at the seminar on business opportunities and trade connection with Indonesian partners in Can Tho City on December 17 – PHOTO: HUYNH KIM
Commercial cooperation has been a driving force in bilateral ties, according to the Indonesian Consul General. Vietnam-Indonesia trade totalled US$11 billion in 2021, above the year-end goal of US$10 billion. In July, the two countries announced plans to achieve a trade value of US$15 billion by 2028. Vietnam and Indonesia are heading towards the 10th anniversary of the establishment of a strategic partnership in 2023.

Some 13 Indonesian companies and distributors took part in the event this year. Sofjan expected to welcome firms from Can Tho City to Indonesia, adding that more Indonesian businesses will seek opportunities in Can Tho City and other Mekong Delta provinces.

“As Consul General, I have strived to establish favorable conditions and act as a bridge to enhance commercial potentials and business opportunities between Indonesia and Vietnam,” said Sofjan.

According to Nguyen Thi Kieu Duyen, director of CPA, Can Tho City authorities have made considerable efforts in foreign affairs, with aims of proactively strengthening trade cooperation and attracting investments, particularly from Indonesian enterprises.

In the city, there have been up to 86 foreign-invested projects totaling US$2.2 billion, including an Indonesian investment in the cigarette manufacturing industry with total pledged capital of US$4.07 million.

Director of CPA Nguyen Thi Kieu Duyen (C) introduces the goods of a local company to Indonesian Consul General Agustaviano Sofjan – PHOTO: HUYNH KIM
Duyen said Indonesia is Can Tho City’s strategic partner in terms of commercial aspects. Between January and October, the city earned US$2.09 million in exports to Indonesia, mainly aquatic products, feathers, pharmaceuticals and veterinary medicines, and spent US$4.57 million on imports of feather, material for drugs and other sectors, among others.

According to Duyen, the event would pave the way for the two nations’ investors and enterprises to better engage and cooperate on investment and trade.

Duong Tan Hien, vice chairman of the Can Tho City People’s Committee, stated in his opening remarks on the Indonesian festivals that there is still room for improvement given the 10-month period trade value between Can Tho City and Indonesia.

“As a result, we hope to get more support from the Indonesian Consulate General to HCMC and the business community, with additional initiatives being launched to promote trade and investment growth as part of the development of bilateral ties,” added Hien.

During the seminar, Indonesian Trade Attache Addy Perdana discussed the prospects and opportunities for investment and trade to Vietnamese businesses interested in the Indonesian market.

Đã đăng trên: The Saigon Times 

https://english.thesaigontimes.vn/can-tho-city-indonesia-to-enhance-investment-trade/


Hợp tác đầu tư, kết nối giao thương giữa Cần Thơ và Indonesia

Huỳnh Kim

Thứ Bảy, 17/12/2022

(KTSG Online) – Chiều 17-12, Tổng lãnh sự Indonesia tại TPHCM, Trung Tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) đã tổ chức hội thảo “Hợp tác đầu tư, kết nối giao thương với đối tác Indonesia”.

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM (thứ ba, bên phải), giới thiệu sản phẩm may mặc của Indonesia với ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ tại sự kiện ngày 17-12. Ảnh: Huỳnh Kim
Hội thảo nằm trong khuôn khổ “Ngày Indonesia tại thành phố Cần Thơ”, diễn ra trong hai ngày 17 và 18-12 với mục đích phát triển hợp tác, kết nối đầu tư, giao thương giữa các doanh nghiệp Indonesia với các đối tác kinh doanh.

Hội thảo đã cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế hiện nay của Indonesia và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa doanh nghiệp hai bên. Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM, cho rằng sau dịch Covid-19, cả hai nền kinh tế đang phát triển nhanh và thương mại là một trong những điểm mạnh về hợp tác của hai nước.

Năm 2021, thương mại song phương giữa Indonesia và Việt Nam đạt hơn 11 tỉ đô la Mỹ, vượt mục tiêu đề ra trước đó là 10 tỉ đô la. Tháng 7 vừa qua, hai nước đã thống nhất mục tiêu thương mại song phương lên 15 tỉ đô la vào năm 2028. Năm 2023 sắp tới, Indonesia và Việt Nam sẽ kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Quang cảnh hội thảo “Hợp tác đầu tư, kết nối giao thương với đối tác Indonesia” tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim
Tham dự hội thảo về hợp tác đầu tư, kết nối giao thương với Indonesia có 13 doanh nghiệp và nhà phân phối các sản phẩm đến từ Indonesia. Đây là cơ hội để thời gian tới, nhiều doanh nghiệp Indonesia đến làm việc với thành phố Cần Thơ cùng nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.

“Với cương vị Tổng lãnh sự, tôi luôn tạo điều kiện và là cầu nối để thúc đẩy tiềm năng cũng như cơ hội hợp tác về thương mại giữa hai nước Indonesia và Việt Nam; kết nối giữa chính phủ, người dân và các doanh nghiệp’’, ông Agustaviano Sofjan chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc CPA (giữa) giới thiệu sản phẩm trà của một doanh nghiệp Cần Thơ với ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự Indonesia tại TPHCM. Ảnh: Huỳnh Kim
Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc CPA, thông tin những năm qua, thành phố Cần Thơ luôn chủ động tiến hành các hoạt động đối ngoại, hợp tác thương mại, thu hút đầu tư từ Indonesia trên các lĩnh vực.

Hiện nay, Cần Thơ có 86 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 2,2 tỉ đô la. Trong đó, Indonesia có một dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá điếu với vốn đăng ký khoảng 4,07 triệu đô la.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ sang thị trường Indonesia là 2,09 triệu đô la, chủ yếu là hàng thủy hải sản, lông vũ, dược phẩm và thuốc thú y; kim ngạch nhập khẩu 4,57 triệu đô la, chủ yếu là nguyên liệu dược, lông vũ, vật tư nguyên liệu.

“Hội thảo sẽ là tiền đề cho sự kết nối, trao đổi, xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới”, bà Duyên cho hay.

Phát biểu khai mạc “Ngày hội Indonesia tại Cần Thơ”, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, đề cập đến kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Cần Thơ – Indonesia trong 10 tháng đầu năm 2022, ông nhấn mạnh: “Thành phố Cần Thơ và Indonesia vẫn còn tiềm năng hợp tác để phát triển song phương. Do đó, thời gian tới, thành phố Cần Thơ mong nhận được sự hỗ trợ, đầu tư của Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM và các doanh nghiệp Indonesia; tổ chức thêm nhiều hoạt động để kết nối hợp tác đầu tư và giao lưu nhân dân, góp phần củng cố thêm mối quan hệ giữa hai nước”.

Tại hội thảo này, ông Addy Perdana, Tùy viên thương mại thuộc Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM, cũng giới thiệu với doanh nghiệp Cần Thơ về tiềm năng, cơ hội đầu tư, thương mại tại Indonesia.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/hop-tac-dau-tu-ket-noi-giao-thuong-giua-can-tho-va-indonesia/

Rộn ràng Ngày Indonesia tại Cần Thơ

Huỳnh Kim

17/12/2022 

(SGTT) – Sáng 17-12, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM tổ chức khai mạc “Ngày Indonesia tại thành phố Cần Thơ” với nhiều hoạt động triển lãm, hội thảo, kéo dài đến 18-12.

Nghệ sĩ Indonesia biễu văn nghệ chào mừng Ngày Indonesia tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo đó, công viên Lưu Hữu Phước ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ sáng nay rộn ràng với 20 gian hàng của các doanh nghiệp Indonesia và Cần Thơ trưng bày nhiều sản phẩm ẩm thực, du lịch, thủ công mỹ nghệ đặc trưng của Cần Thơ và “đất nước vạn đảo”.

Trong nhóm khách tham quan, ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM đã đưa các vị lãnh đạo thành phố Cần Thơ đến nhiều gian hàng Indonesia và giới thiệu khá chi tiết những mặt hàng của quốc gia này trưng bày tại đây.

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM (thứ ba từ phải qua) “tiếp thị” sản phẩm Indonesia tại một gian hàng ở công viên Lưu Hữu Phước sáng ngày 17-12-2022. Ảnh: Huỳnh Kim

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ là sinh viên, học sinh tại Cần Thơ sẵn sàng “tiếp thị” sản phẩm trưng bày của Cần Thơ và chụp ảnh lưu niệm với các bạn doanh nhân Indonesia.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Cần Thơ và Indonesia đạt khoảng 6,7 triệu đô la Mỹ ở một số mặt hàng, chủ yếu là thủy hải sản, lông vũ, dược phẩm và thuốc thú y, nguyên liệu dược.

“Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác của hai bên. Do đó, trong thời gian tới, thành phố Cần Thơ rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM và các doanh nghiệp Indonesia tổ chức thêm nhiều hoạt động tại Cần Thơ để tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác đầu tư và giao lưu nhân dân, góp phần củng cố thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”, ông Hiển nói.

Còn ông Agustaviano Sofjan thì cho rằng thương mại là một trong những điểm mạnh về hợp tác của hai nước. Năm 2021, thương mại song phương giữa Indonesia và Việt Nam đạt hơn 11 tỉ đô la Mỹ, vượt mục tiêu đề ra trước đó là 10 tỉ đô la Mỹ. Ông cho rằng sự kiện ngày hôm nay và ngày mai là một trong những nỗ lực của Indonesia nhằm tiếp tục tăng cường và thúc đẩy kết nối thương mại giữa Indonesia và Việt Nam.

Các bạn trẻ Cần Thơ chụp ảnh lưu niệm tại một gian hàng Indonesia sáng ngày 17-12-2022. Ảnh: Huỳnh Kim

“Sự kiện ngày hôm nay có sự tham gia của 17 doanh nghiệp và nhà phân phối các sản phẩm của Indonesia. Mọi người có thể nhìn thấy một số thương hiệu quen thuộc đến từ Indonesia như “Mì xào Indomie – Mie Goreng” và “Japfa – Best”, bên cạnh đó là các sản phẩm như cà phê – kem sữa, gừng, gia vị, snacks, vải và trang phục batik, cùng với dịch vụ chuyển phát nhanh J&T đến từ Indonesia”, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM chia sẻ.

Ngày hội Indonesia tại Cần Thơ còn có hội thảo về hợp tác đầu tư, kết nối giao thương và giới thiệu về du lịch Indonesia và Cần Thơ vào chiều nay, 17-12.

Đã đăng trên: SG Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/ron-rang-ngay-indonesia-tai-can-tho/

Giải thưởng cùng các khóa đào tạo dành cho nhà chiến thắng khởi nghiệp ĐBSCL

Huỳnh Kim

Thứ Sáu, 16/12/2022

(KTSG Online) – Ngày 16-12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Cần Thơ phối hợp với thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL (Mekong Startup Network – MSN) và Quỹ Beacon Fund đã tổ chức vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2022 tại Cần Thơ cho 10 dự án xuất sắc. Các chủ dự án đạt giải không chỉ được thưởng tiền mặt mà còn được tập huấn kinh doanh.

Các thí sinh đạt giải cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2022 chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức vào chiều ngày 16-12. Ảnh: Huỳnh Kim
Theo ban tổ  chức, cuộc thi nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng và hỗ trợ những dự án khởi nghiệp tiềm năng, đổi mới sáng tạo, có ứng dụng công nghệ, qua đó thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp chất lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế từng địa phương và cả vùng ĐBSCL.

Sau 7 năm tổ chức, cuộc thi năm nay đã nhận được gần 300 hồ sơ của hơn 900 thí sinh từ 9/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL ở các lĩnh vực nông nghiệp, biến đổi khí hậu, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh – thương mại – dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế – chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Trong đó, nông nghiệp cao nhất (chiếm 45% với 133 hồ sơ); giải pháp kinh doanh, thương mại – dịch vụ có 83 hồ sơ (28%), chế biến thực phẩm có 31 hồ sơ (10%), các lĩnh vực còn lại chiếm 17%. Cà Mau, Vĩnh Long, Bến Tre có số lượng lần lượt là 77 hồ sơ (5,9%), 57 hồ sơ (19%) và 55 hồ sơ (18,5%); các tỉnh, thành còn lại chiếm 36,4%.

Vòng chung kết hôm nay là cuộc tranh tài của 10 dự án xuất sắc nhất, bao gồm: Phát triển nghề đan móc và thêu các sản phẩm từ len, sợi; Trồng và sản xuất trà Kim ngân hoa: bảo vệ môi trường nâng cao giá trị dược liệu Việt; Giải pháp khử trùng bền vững – ứng dụng công nghệ điện hóa; Chuối sấy năng lượng mặt trời kết hợp du lịch trải nghiệm; Nghiên cứu và sản xuất thành công phân hữu cơ giải độc phèn mặn thích ứng biến đổi khí hậu; CUAvn – Nâng tầm cua Việt; Phát triển sản phẩm lạp xưởng cá lóc; Dưa lưới an toàn trồng thủy canh trong nhà lưới; Bảo tồn và nâng cao giá trị trái lekima; Sen hồng tea – trà hoa giải độc giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ.

Các quỹ đầu tư trao đổi cùng các chủ dự án, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2022. Ảnh: Huỳnh Kim
Kết quả, không có giải nhất. Giải nhì (trị giá 50 triệu đồng) thuộc về dự án “CUAvn – Nâng tầm cua Việt” của Nguyễn Minh Hiệp và Tiêu Hoàng Pho; giải ba (trị giá 45 triệu đồng) thuộc dự án “Giải pháp khử trùng bền vững – ứng dụng công nghệ điện hóa” của Huỳnh Công Tấn, Tiêu Hoàng Pho và Dương Thanh Lực.

Hai giải khuyến khích (trị giá 40 triệu đồng/giải) dành cho hai dự án “Phát triển sản phẩm lạp xưởng cá lóc” (của Dương Thị Hồng Chuyên) và “Nghiên cứu và sản xuất thành công phân hữu cơ giải độc phèn mặn thích ứng biến đổi khí hậu” (của Đặng Đăng Khoa).

Ban tổ chức còn trao giải “Mô hình sinh viên khởi nghiệp ấn tượng” (trị giá 17 triệu đồng) cho dự án Sen hồng tea – trà hoa giải độc giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ (của Trương  Hữu Duyên và Nguyễn Lê Hồng Uyên); giải “Nữ doanh nhân ấn tương nhất” (trị giá 17 triệu đồng) cho chị Dương Thị Hồng Chuyên; giải “Dự án được yêu thích nhất” (trị giá 16 triệu đồng) và “Dự án trưng bày đẹp mắt nhất” (trị giá 15 triệu đồng).

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cuộc thi năm nay đã thu hút sự tham dự của các quỹ đầu tư quốc tế tại Việt Nam như Beacon Fund, Quỹ Patamar, Do Ventures, Insignia Ventures Partners, ICM Fund, BA Holding… và các quỹ đầu tư mạo hiểm (VFs), quỹ tư nhân (PEs).

Bên cạnh các giải thưởng chính, ban tổ chức còn trao tặng những chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên sâu tư vấn hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, phát triển hệ thống phân phối, platform bán hàng. Cụ thể, trong giá trị của các giải thưởng chính thức, ngoài tiền mặt, chủ dự án còn được một năm đào tạo CEO và một năm quảng cáo sản phẩm trên website khởi nghiệp của VCCI CT.

“Ngoài những giải thưởng, chương trình đào tạo, ban tổ chức còn giới thiệu cho các dự án đạt giải vươn tới những cuộc thi tầm cỡ hơn. Đồng thời VCCI Cần Thơ cùng với thành viên MSN sẽ hỗ trợ, tư vấn và dành nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho các dự án đạt giải, từng bước tiến gần hơn với mục tiêu gia tăng số lượng doanh nghiệp trẻ, năng động, sáng tạo, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam nói.

Toạ đàm “Góc nhìn của các nhà đầu tư đối với startup & SMSs ĐBSCL trong bối cảnh mới” vào chiều ngày 16-12. Ảnh: Huỳnh Kim
Trong khuôn khổ cuộc thi, tọa đàm “Góc nhìn của các nhà đầu tư đối với startup & SMSs ĐBSCL trong bối cảnh mới” đã quy tụ nhiều diễn giả có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp.

Trao đổi với KTSG Online xoay quanh toạ đàm này, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, chia sẻ: “Ba khó khăn về thị trường, vốn và quá trình hoàn thiện sản phẩm phát triển doanh nghiệp của các nhà khởi nghiệp ĐBSCL đã được ban tổ chức cuộc thi khởi nghiệp năm nay đặt ra. Do vậy, một số nhà đầu tư đã tham gia ban giám khảo và trực tiếp kết nối với các nhà khởi nghiệp để tìm cơ hội đầu tư ngay sau cuộc thi”.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/giai-thuong-cung-cac-khoa-dao-tao-danh-cho-nha-chien-thang-khoi-nghiep-dbscl/