Huỳnh Kim
Thứ Hai, 26/12/2022
(KTSG Online) – Trả lời phỏng vấn KTSG Online sau một năm thúc đẩy xúc tiến đầu tư và thương mại cho Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) nhấn mạnh, năm 2022 CPA đã làm được bốn việc chính.
KTSG Online: Nếu cần “chốt lại” kết quả hoạt động cả năm 2022 của CPA, bà có thể khái quát ra sao?
– Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên: Năm nay, thành phố Cần Thơ thực hiện chủ đề năm 2022 thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội. Với CPA, đến giờ này, có thể “chốt lại” một số kết quả như sau:
Thứ nhất, CPA đã đổi mới hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại cả về nội dung và phương thức thực hiện. Trong đó, điểm mới là việc ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Do vậy, CPA đã hỗ trợ doanh nghiệp kết nối trực tuyến được hơn 20 chương trình cung cầu với các thị trường nước ngoài và hơn 30 hội chợ, hội thảo trong nước.
Thứ hai, CPA đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ, thông qua doanh nghiệp để vận động doanh nghiệp và có kế hoạch tổ chức tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư tiềm năng theo từng lĩnh vực và nhà đầu tư. Cụ thể là CPA đã phối hợp với các sở ngành liên quan, chuyển mạnh sang hình thức vận động đầu tư theo dự án và đối tác trọng điểm; xây dựng kế hoạch và cơ chế riêng tiếp cận và vận động các công ty, tập đoàn lớn có thực lực về tài chính, công nghệ cao để xúc tiến các dự án trọng điểm.
Thứ ba, CPA đã tăng cường các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại có tính liên kết vùng, ngành, gắn kết xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại.
Thứ tư, một số hạng mục về cơ sở hạ tầng của CPA đang tiếp tục được nâng cấp, sửa chữa, đóng góp một phần vào các hoạt động của cả năm 2022.
– Lĩnh vực này có nhiều nội dung. Với việc nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng, đối tác đầu tư, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá thực địa nhiều dự án, làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư. Sau đó, nghiên cứu thông tin liên quan đến chính sách, lĩnh vực đang tập trung mời gọi đầu tư của thành phố Cần Thơ để cung cấp cho các nhà đầu tư như Công ty Total Care Value, Công ty Kho lạnh AJ Total Việt Nam, Công ty Xiamen Middle Yellow Industry Trade & Co., Ltd (Trung Quốc).
Trong việc xây dựng hình ảnh, quảng bá môi trường, chính sách, cơ hội và kết nối đầu tư, chúng tối đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị bàn về thúc đẩy phát triển vận tải thủy, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư khu vực phía Nam Việt Nam.
CPA cũng đã tham dự nhiều sự kiện trực tuyến và trực tiếp liên quan đến việc thu hút đầu tư vào Cần Thơ về nhiều lĩnh vực như công nghiệp; thị trường Đông Nam Á – Nam Á – Thái Bình Dương; quan hệ Việt Nam – Trung Đông – châu Phi; ngoại giao kinh tế; diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ – Việt Nam; xu thế đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản; quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Chúng tôi còn phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 của thành phố Cần Thơ và đối thoại giữa chính quyền thành phố với doanh nghiệp.
– Năm nay có nhiều hoạt động. Từ ngày 9 đến ngày 15-10-2022, tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại Malaysia và Singapore. Cần Thơ đã ký kết 4 bản ghi nhớ với các đối tác tại Malaysia và Singapore, làm tiền đề mời gọi đầu tư và kết nối giao thương.
Đến tháng 11, trong chuyến công tác xúc tiến hợp tác đầu tư tại Nhật Bản, CPA đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, thu hút sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp và tổ chức đầu tư, thương mại; giới thiệu được tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách và định hướng thu hút đầu tư của thành phố Cần Thơ; mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố về các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến, chế tạo, logistics, môi trường.
Gần đây nhất, trong tháng 12, CPA đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, như hội nghị hợp tác đầu tư – thương mại Việt Nam – Campuchia tại thành phố Cần Thơ; hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương với Indonesia trong chuỗi sự kiện Ngày Indonesia tại Cần Thơ.
Ngoài ra, CPA còn triển khai các hoạt động của tổ công tác Nhật Bản như cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản về môi trường đầu tư ở Cần Thơ; làm việc với các đối tác, doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội; cùng các sở, ngành đưa nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đi thực địa khảo sát dự án đầu tư.
Ngoài việc kết nối với nhiều doanh nghiệp trong nước, CPA còn làm việc với nhiều đoàn ngoại giao và hiệp hội đến từ Singapore, Lào, Campuchia, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan…
KTSG Online: Công tác xúc tiến thương mại thị trường nội địa của CPA dường như sôi nổi hơn so với thị trường ngoài nước?
– Đó là nhờ việc phòng chống dịch Covid-19 trong nước hiệu quả. CPA đã tổ chức đoàn doanh nghiệp Cần Thơ tham gia nhiều sự kiện như Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2022; Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam; Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2022; Ngày hội Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc; Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022; Diễn đàn Mekong Connect năm 2022…
Đặc biệt, sau hai năm tạm ngưng vì dịch Covid-19, năm nay CPA đã tổ chức Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam (từ 2 đến 6-12) với 250 gian hàng của 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Hội chợ đã thu hút hơn 100.000 lượt khách; doanh số bán hàng khoảng 20 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có gần 70 hợp đồng được ký kết về máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hàng nông sản chế biến, hàng hóa tiêu dùng và bán lẻ.
– Đây là một nội dung quan trọng tạo nên hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại của CPA. Trong đó, có việc phải ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là chuyển đổi số vào trong mọi lĩnh vực như truyền thông, quảng bá, xúc tiến.
Ngoài việc thiết kế và in ấn nhiều loại tài liệu, ấn phẩm phục vụ công tác xúc tiến của Cần Thơ bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Hoa, CPA đã quản lý điều hành bằng phần mềm riêng; cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử CPA (www.canthopromotion.vn); thực hiện bản đồ số các dự án thu hút đầu tư vào Cần Thơ.
CPA còn hợp tác truyền thông với các cơ quan báo, đài; kết nối thông tin trên các trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử của Cần Thơ và nhiều địa phương khác.
KTSG Online: Bên cạnh các thành quả đã đạt được, dường như vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của CPA?
– CPA không có nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ để có chi phí hoạt động thường xuyên và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho viên chức và người lao động là do thời gian một năm bàn giao mặt bằng cho thành phố trưng dụng làm bệnh viện dã chiến phòng chống Covid-19.
Kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của Cần Thơ còn khiêm tốn nên các hoạt động xúc tiến chưa phong phú và chuyên sâu.
KTSG Online: Vậy Giám đốc CPA có đề xuất gì với UBND thành phố Cần Thơ cho năm mới 2023 hoạt động hiệu quả hơn?
– CPA mong thành phố sớm phê duyệt danh mục sự nghiệp công trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư và thương mại.
Đồng thời, xem xét và cấp thêm kinh phí cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, đặc biệt là xúc tiến thương mại xuất khẩu. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí hiện nay dành cho các hoạt động này ở thành phố Cần Thơ vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh thành khác trong khu vực.
Đã đăng trên: KTSG Online
https://thesaigontimes.vn/doi-moi-hieu-qua-cong-tac-xuc-tien-dau-tu-va-thuong-mai-tai-can-tho/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét