Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Người anh kết nghĩa thuở hàn vi

Trần Văn Thọ

Thứ Sáu, 27/01/2023

(XUÂN KTSG) – Giữa thập niên 1960, hồi còn học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) trường Trung học Trần Quý Cáp ở Hội An, tôi bắt đầu quen thân anh Huỳnh Ngọc Hòa học trên tôi một lớp. Anh trở thành người anh dẫn dắt, giúp đỡ tôi trong thời gian học ở Sài Gòn trước khi đi Nhật du học.

Huỳnh Ngọc Hòa (phải) và Trần Văn Thọ vào cuối năm 1967.
Khi còn là sinh viên hai năm cuối ở Đại học Sư phạm Sài Gòn, anh Hòa đã viết trên tạp chí Bách Khoa và phát động phong trào cải cách giáo dục được các học giả, trí thức uy tín thời đó như Nguyễn Hiến Lê, Lý Chánh Trung khen ngợi và ủng hộ.

Mùa hè năm 1967 tôi học xong Trung học đệ nhị cấp (trung học phổ thông bây giờ) và thi đỗ tú tài II. Học sinh nghèo ở Quảng Nam thời đó mà đỗ tú tài II xem như là đã có một trình độ học vấn rất cao rồi. Đặc biệt hồi đó học xong lớp đệ nhị là phải thi tú tài I (cuộc thi tổ chức trên toàn miền Nam) và số người đỗ chỉ độ một nửa. Ở trường Trần Quý Cáp hồi đó có hai lớp đệ nhị C (ban văn chương và ngoại ngữ) sau kỳ thi tú tài I chỉ còn một lớp đệ nhất C. Bạn bè tôi trong các lớp đệ nhất có người nói đùa “chúng ta đã trở thành thượng lưu trí thức ở Hội An rồi”.

Tôi sống với anh Hòa chỉ khoảng nửa năm, nhưng thời gian đó có tính cách quyết định cuộc đời của tôi. Nếu anh Hòa không tích cực khuyên tôi vào Sài Gòn và không giúp tôi học và làm việc ở đó thì có thể cuộc đời tôi đã rẽ sang ngã khác.

Tôi đỗ cao trong kỳ thi tú tài II nhưng chưa biết tính sao. Tìm việc làm hay học lên đại học? Hồi đó ở Đà Nẵng chưa có đại học. Muốn học lên đại học phải ra Huế hoặc vào Sài Gòn mà điều kiện kinh tế không cho phép.

Đang lúc ấy nhận được thư của anh Huỳnh Ngọc Hòa (đã vào Sài Gòn một năm trước): “Em vào đây với anh, vừa học vừa làm, anh tìm việc cho”.

Thế là tôi vào Sài Gòn, ở chung nhà trọ với anh Hòa. Anh còn tìm được cho tôi một chân dạy giờ ở một trường tư trung học đệ nhất cấp. Có anh Hòa bao cấp tiền trọ và tôi cũng có việc làm nên ổn định ngay được cuộc sống mới ở Sài Gòn.

Tôi ghi tên học ở Văn khoa, dự định năm sau thi vào Đại học Sư phạm, mong trong tương lai sẽ làm nghề giáo dạy văn ở một trường trung học đệ nhị cấp. Hồi đó ai muốn thi vào Đại học Sư phạm (học ba năm) phải có chứng chỉ đỗ chương trình dự bị (một năm) ở Đại học Văn khoa (nếu theo ngành văn chương, sử địa, ngoại ngữ) hoặc Đại học Khoa học (nếu theo ngành khoa học, kỹ thuật). Lúc đó anh Hòa đã vào năm thứ nhất ở Đại học Sư phạm sau một năm ở Văn khoa.

Vài tháng sau tình cờ đi trên đường Lê Thánh Tôn, dừng xe đạp xem thông cáo của Bộ Giáo dục, tôi biết được có kỳ thi tuyển cấp học bổng của Chính phủ Nhật Bản, và nộp đơn dự thi. Tôi trúng tuyển và dành thì giờ chuẩn bị cho việc đi du học nên không còn tập trung học ở Văn khoa. Nhưng tôi vẫn tiếp tục sống chung với anh Hòa cho đến khi lên đường sang Tokyo tháng 4-1968.

Tôi sống với anh Hòa chỉ khoảng nửa năm, nhưng thời gian đó có tính cách quyết định cuộc đời của tôi. Nếu anh Hòa không tích cực khuyên tôi vào Sài Gòn và không giúp tôi học và làm việc ở đó thì có thể cuộc đời tôi đã rẽ sang ngã khác.

Tôi còn học từ anh Hòa rất nhiều. Anh chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng anh chững chạc, từng trải và hiểu biết nhiều. Anh có vẻ trưởng thành trước tuổi. Anh đọc nhiều và luôn hướng thượng. Anh đọc cả những sách về việc rèn nhân cách, về phép xã giao hiện đại và thường truyền đạt cho tôi những ý hay. Tôi nhớ anh có đọc cuốn sách có tên Phép lịch sự trong cuộc sống mới và nói về một số nội dung liên quan khi đi dạo với tôi trên đường phố.

Anh Huỳnh Ngọc Hòa bị bệnh và mất sớm là một tổn thất cho xã hội. Nếu không chắc chắn anh sẽ góp phần xây dựng đất nước, chí ít là trong ngành giáo dục, như học giả Nguyễn Hiến Lê đã từng tin tưởng: “Những thanh niên như ông mà thành công thì tiền đồ dân tộc mình sẽ đẹp”.

Đặc biệt là dù còn rất trẻ anh Hòa đã tỏ ra là một trí thức quan tâm đến thời cuộc, lo lắng cho tiền đồ đất nước và tích cực vận động cải cách để thay đổi xã hội. Anh bắt đầu bằng việc viết và vận động cải cách giáo dục là lĩnh vực anh có nhiều trải nghiệm với tư cách là người đi học và là lĩnh vực anh sẽ gắn bó với nghề nghiệp của mình.

Sau khi tôi sang Nhật, trong những năm đầu, tôi và anh Hòa thường xuyên liên lạc qua thư. Thư nào cũng viết rất dài vì giữa hai anh em có nhiều chuyện để tâm sự, chia sẻ. Đáng kể nhất là những hoạt động cải cách giáo dục rất sôi nổi và có tiếng vang của anh Hòa. Anh quan tâm đến giáo dục bậc trung học, nhất là trung học đệ nhị cấp và suy nghĩ về nội dung giảng dạy và tổ chức, quản lý ở đại học sư phạm, nơi đào tạo thầy cô giáo dạy trung học.

Ngày nay dư luận Việt Nam bức xúc về những tồn tại cần phải thay đổi của nền giáo dục. Nhiều người lớn tuổi từng là học sinh dưới chế độ ở miền Nam trước 1975 thường nói đại khái là “ngày xưa giáo dục tốt hơn nhiều”.

Đúng là trước năm 1975, không có tình trạng lương của thầy cô giáo không đủ sống sinh ra các tiêu cực dạy thêm học thêm, học sinh trường công cũng phải đóng nhiều phụ phí, sách giáo khoa thường xuyên thay đổi,… Nhưng đọc những bài báo và sách của anh Huỳnh Ngọc Hòa ta sẽ thấy giáo dục ở miền Nam cuối thập niên 1960 cũng tồn tại rất nhiều vấn đề mà anh Hòa hô hào phải thay đổi.

Anh Huỳnh Ngọc Hòa ký tặng và gửi sang Tokyo cuốn sách xuất bản năm 1970.

 
Bìa sau cuốn sách Câu chuyện thầy trò của
Huỳnh Phan.
 Bài báo đầu tiên anh Hòa đăng được ngay trên tạp chí Bách khoa là bài “Giáo sư trung học, anh là ai?” (hồi đó thầy giáo dạy trung học nếu thuộc chính ngạch, tốt nghiệp đại học sư phạm, cũng được gọi là “giáo sư”).

Bách khoa là tạp chí uy tín bậc nhất thời đó, thường đăng bình luận xã hội, bàn về khoa học, sáng tác văn thơ của các học giả, nhà văn nổi tiếng. Đây cũng là vũ môn để hóa rồng mà những cây bút trẻ hằng mơ ước vượt qua.

Năm 1969, anh Hòa mới 23 tuổi, còn là sinh viên Đại học Sư phạm nhưng đã vượt vũ môn. Hôm gặp tổng biên tập và được thông báo sẽ đăng bài của mình, anh Hòa về đến nhà trọ là viết thư ngay cho tôi. Anh bảo sau khi làm việc ở tòa soạn Bách khoa, đi xe đạp trên đường về nhà trọ lòng anh lâng lâng vui sướng và suy nghĩ về bút hiệu sẽ ký trên bài báo đầu tiên. Anh kết hợp họ cha và họ mẹ làm thành bút hiệu Huỳnh Phan.

Tháng 12-1969, anh đóng vai trò chính trong việc thực hiện chương trình phỏng vấn tập thể của Tổng hội sinh viên Sài Gòn về vấn đề cải tổ giáo dục. Sau đó anh dự định viết ba tập sách phân tích tình hình giáo dục ở miền Nam và đưa ra các ý tưởng cải cách.

Cuốn sách đầu tiên là Câu chuyện thầy trò do Nhà xuất bản Trí Đăng phát hành tháng 7-1970. Sách vừa ra đời anh gửi ngay cho tôi với lời đề tặng gói ghém nhiều tình cảm. Trong sách có phần phụ lục in nội dung trả lời phỏng vấn của các học giả, nhà giáo nổi tiếng thời đó như Nguyễn Hiến Lê, Lý Chánh Trung, Giản Chi,…

Đặc biệt học giả Nguyễn Hiến Lê viết lời tựa, hết lời khen ngợi tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, với đất nước và nỗ lực của anh Huỳnh Ngọc Hòa. Câu kết lời tựa của vị học giả đáng kính là “những thanh niên như ông mà thành công thì tiền đồ dân tộc mình sẽ đẹp”.

Trong cuốn sách, anh Hòa phác họa chân dung một nhà giáo bậc trung học mà anh cho là cần thiết. Một là phải yêu nghề dạy học và tôn trọng nhân cách học sinh, phải nêu gương sáng trong văn hóa ứng xử, trong lối sống vì thiên chức của thầy giáo là “kỹ sư của tâm hồn”.

Hai là, cần sống giản dị, tránh bị ảnh hưởng từ cuộc sống xô bồ. Sống giản dị thì không cần có nhiều tiền, không cần lao vào những việc để có tiền mà tập trung vào việc dạy học và tự học. Thứ ba, không lai căng, “sính Tây, sính Mỹ” mà phải có lòng tự hào dân tộc, yêu văn hóa Việt Nam.

Thứ tư, không bằng lòng với kiến thức đã thu nhận được thời còn học đại học mà phải luôn học tập, bổ sung để theo kịp đà tiến của khoa học. Thứ năm, luôn quan tâm đến thời cuộc, suy nghĩ về tương lai của đất nước, để có thể góp phần vào việc xây dựng đất nước một khi chiến tranh chấm dứt và nước nhà thống nhất.

Đúng là anh Hòa đưa ra những đòi hỏi rất cao đối với một giáo sư bậc trung học, nhất là điểm thứ năm, một vấn đề thường yêu cầu ở một trí thức chính hiệu.

Anh Hòa luôn đề cao tinh thần dân tộc, không chấp nhận có sự hiện hiện của quân đội Mỹ ở miền Nam lúc đó và mong chiến tranh sớm chấm dứt, đất nước thống nhất và người Việt sẽ cùng chung tay xây dựng đất nước trong một tình tự dân tộc. Anh phản ảnh các ý kiến này trong sách Câu chuyện thầy trò nên bị kiểm duyệt rất nhiều chỗ.

Rất hay là nhà xuất bản rất thành thực, nghiêm túc; chỗ nào kiểm duyệt bao nhiêu chữ bao nhiêu dòng đều có ghi rõ. Chương cuối cùng trong cuốn sách là “Nghĩ về sứ mạng giáo dục hậu chiến” với các nội dung chính là: Tạo lại cuộc thuận hòa dân tộc, dựng lại niềm tin vào khả năng của dân tộc Việt, xây dựng một nền kinh tế tiến bộ và không phụ thuộc vào nước ngoài.

Sau khi xuất bản cuốn sách Câu chuyện thầy trò, anh Hòa tốt nghiệp Đại học Sư phạm và được bổ nhiệm dạy học tại một trường trung học ở Châu Đốc, hiện nay thuộc tỉnh An Giang. Chiến tranh dần dần khốc liệt, thư từ qua lại từ miền quê ra nước ngoài khó khăn và mất nhiều thì giờ. Trước 1975 thư cuối cùng tôi nhận được từ anh Hòa là cuối năm 1974. Từ đó mãi đến 13 năm sau tôi mới nhận lại thư của anh và là thư cuối cùng!

Trong thư đó, anh kể lại công việc của anh sau năm 1975 (vẫn tiếp tục dạy học ở An Giang), đã lập gia đình và có hai cháu. Nhưng rất bất ngờ khi biết anh bị lao phổi đã đến giai đoạn khá nặng. Tôi rất lo buồn và nghĩ ngay đến một kế hoạch chạy chữa cho anh.

Tôi viết thư bàn với anh đặt ra một kế hoạch 2 năm, tôi sẽ giúp anh trang trải các chi phí thuốc men và sinh hoạt trong gia đình để anh chị không phải lo chuyện sinh kế mà dồn tất cả các nỗ lực vào việc chữa trị.

Thư của tôi gửi về đầu tháng 1-1988 nhưng không còn nhận được trả lời. Mãi đến đầu thập niên 1990, qua một người em của anh tôi biết anh đã ra đi vĩnh viễn vào cuối tháng 1-1989. Nghe tin tôi đau buồn như mất một người thân.

Anh Huỳnh Ngọc Hòa bị bệnh và mất sớm là một tổn thất cho xã hội. Nếu không chắc chắn anh sẽ góp phần xây dựng đất nước, chí ít là trong ngành giáo dục, như học giả Nguyễn Hiến Lê đã từng tin tưởng: “Những thanh niên như ông mà thành công thì tiền đồ dân tộc mình sẽ đẹp”. Còn tôi thì mất một người anh, người anh kết nghĩa thời khó khăn đã được anh dìu dắt, giúp đỡ rất nhiều.

Trong những người thân của anh Hòa, hiện nay tôi thường liên lạc với hai bào đệ của anh là nhà giáo Huỳnh Kim Tín ở TPHCM và nhà báo Huỳnh Kim ở Cần Thơ. Từ tình cảm với anh Hòa, tự nhiên tôi xem Tín và Kim như những người anh em rất thân thiết.

Tokyo, Xuân 2023

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/nguoi-anh-ket-nghia-thuo-han-vi/

Chuyển động ở miền Tây

Huỳnh Kim 

Thứ Ba, 24/01/2023
 
(XUÂN KTSG) – Cuối năm, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù đang chịu tác động chung từ nguy cơ suy thoái kinh tế, vẫn có thể lạc quan dấn bước vào năm 2023 trên nền tảng những chuyển động mới từ vùng kinh tế nông nghiệp chính của đất nước.
Máy xay xát gạo công nghệ mới tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2022 ở Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim
Giữa tháng 12-2022, Chính phủ dự báo kinh tế cả năm tăng trưởng 8%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6-6,5%. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỉ đô la Mỹ so với gần 670 tỉ đô la năm 2021; vốn FDI thực hiện gần 20 tỉ đô la, cao nhất trong năm năm qua; thu ngân sách nhà nước tăng gần 8% so với 2021; số doanh nghiệp quay lại hoạt động gấp 1,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Trong đó, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với hơn 18 triệu dân đã đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu cả nước. Đồng thời, các hiện tượng cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, xói mòn, sụt lún, sạt lở… cũng đang gia tăng từng ngày tại vùng này.

Trong bối cảnh đó, thử nhìn lại một số nền tảng mà ĐBSCL đã xây dựng cho năm 2023 và nhiều năm tiếp sau.

Tại hội thảo “Làm gì đề hình thành đội được ngũ người làm nông chuyên nghiệp?” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và trường Đại học Cần Thơ tổ chức hôm 24-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Không có tri thức sẽ không chuyên nghiệp”. Theo ông, với bối cảnh của thị trường ngày càng khắt khe hơn, cần biến sản phẩm thành thương phẩm, hay nói cách khác, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tức sản xuất ít nhưng mang lại giá trị cao hơn.

Theo ông Hoan, thế giới hiện đã tiến đến mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa ngày càng cao. Vì vậy, một trong chín giải pháp của nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân mới ban hành là phải nâng cao năng lực của người nông dân, bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ với nghề nông phải nghiêm túc và giàu tri thức hơn.

Tại hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” do báo Thanh Niên và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hôm 18-11, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ: “Chúng ta thường nói người trồng lúa nghèo nhưng tại tỉnh An Giang hiện có khoảng 100 hộ trồng lúa có thu nhập 3-5 tỉ đồng mỗi năm, đi xe Lexus đàng hoàng”. Đó là những mô hình thuê đất, cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng/héc ta; ai có 100 héc ta đất trồng lúa thì thu nhập mỗi năm lên tới 3 tỉ đồng. Từ đó, An Giang đề xuất chương trình ly nông không ly hương; dành cho người biết thuê đất của những người có ít đất, người cho thuê đất có thể chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp. An Giang cũng đề xuất chuyển một phần đất lúa sang cây trồng khác hoặc làm công nghiệp kèm chương trình đầu tư hạ tầng, giao thông thủy lợi, logistics phù hợp.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, cho rằng với vị thế của một vùng đất nông nghiệp, vựa lúa lớn nhất nước, ĐBSCL đang kỳ vọng chờ đón nhiều chính sách, giải pháp để bứt phá, phát triển. Khát vọng cho một vùng đồng bằng nhiều tiềm năng, thoát trũng, phát triển bền vững là khát vọng của nhiều thế hệ trong khu vực. Dẫn Báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL mới được công bố, ông Lê Quốc Phong cho biết, điểm sáng nhất năm là nông nghiệp ĐBSCL vẫn tăng trưởng 3,4%; xuất khẩu nông sản, thủy sản đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại của Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Văn Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, đề nghị Nhà nước cần sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật. Như chính sách thu hút đầu tư, cơ chế hợp tác phát triển vùng nguyên liệu tạo ra sản lượng hàng hóa lớn; chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Việc chuyển đổi này sẽ hỗ trợ chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác, giúp nâng cao thu nhập người dân và hỗ trợ cho cơ chế tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn.

Ở Cần Thơ, những ngày cuối năm, diễn ra nhiều sự kiện liên quan tới thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, kết nối đầu tư, giao thương với cả nước và nhiều nước trong ASEAN. Riêng Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam ở Cần Thơ hồi đầu tháng 11-2022, lần đầu tiên có tới 7 gian hàng máy bay nông nghiệp (drone) và 4 gian hàng máy xay xát, đánh bóng gạo ứng dụng công nghệ tiên tiến tham gia. Đến cuối tháng 11 là Diễn đàn Mekong Connect, kết nối các tỉnh ĐBSCL với TPHCM và cả nước nhằm thực hiện các nghị quyết mới của Đảng và Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.

Mới nhất, tại Diễn đàn Mekong Startup ở Đồng Tháp (19 và 20-12), Công ty Agri Index đã công bố khởi động dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm của ngành hàng theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Dự án nhằm kết nối các thành phần tham gia vòng tuần hoàn lúa gạo tại ĐBSCL với các đầu mối thương mại cả nước, tạo ra giá trị thặng dư cao hơn từ cây lúa. Dự kiến tháng 3-2023 sẽ có 300 doanh nghiệp giao thương với khối lượng chào bán khoảng 50.000 tấn/tháng và tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 50%.

Cũng tại diễn đàn này, TS. Bùi Hồng Quân, trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đã đề xuất chiến lược phát triển thị trường trái cây ĐBSCL khi nông dân đang mở rộng diện tích nhà vườn với các kỹ thuật mới. Theo đó, cần duy trì các hội chợ triển lãm trong nước, xúc tiến thương mại tại các nước xuất khẩu; xuất bản các ấn phẩm quảng bá sản phẩm trái cây ĐBSCL; tăng cường nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, trọng tâm là các thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Trung Quốc…

ĐBSCL còn là nơi có hệ thống sông ngòi dài hơn 28.000 ki lô mét, chiếm 70% chiều dài đường sông cả nước; nơi có mật độ đường thủy nội địa cao nhất nước và có vùng biển – đảo chiến lược cả ở phía Đông và Tây Nam đất nước. Hồi tháng 8-2022, Học viện Chính trị khu vực IV, trường Đại học Cần Thơ và Tạp chí Cộng sản cũng đã phối hợp tổ chức một hội thảo về phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL…

…Những nền tảng trên đều xuất phát từ Nghị quyết 120/CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (11-2017). Tiếp đó là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tháng 4-2022). Đến tháng 9-2022, Chính phủ ban hành Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; trong đó cho phép giảm 88.560 héc ta trong tổng số 3,9 triệu héc ta đất trồng lúa đồng thời tổ chức lại sản xuất, phối hợp với phát triển đô thị và công nghiệp chế biến.

Đã đăng trên: KTSG Online