Mở đầu tập thơ “Buổi chiều xanh rêu” của mình, nhà báo Trần Ngọc Châu viết: “Khi tôi bị bệnh, cận kề với cái chết, một vị bác sĩ vừa kê toa thuốc vừa tặng tôi câu thơ “Tịch dương vô hạn hảo. Chỉ thị cận hoàng hôn”. Tạm dịch: “Buổi chiều vô cùng đẹp, vì ngày sắp hết rồi”…
Bài thơ “Buổi chiều xanh rêu” mở đầu: Khi trở lại bến chiều rêu xanh thẳm / Con đò ngang không chở nổi ai về. Và khép lại: Trái đất ấy sau chiều tà sẽ mới / Sẽ một ngày thêm nữa… một ngày qua. Anh để bài thơ này trong phần 2 của tập thơ với tên gọi “Buổi chiều vô cùng đẹp” kèm lời đề từ: “Đây là những bài thơ tôi viết trong thời gian nằm bịnh (2012)” và được sắp đặt theo từng chủ đề: Phục sinh; Nơi chốn; Khoảnh khắc; Người và người; Phụ nữ; Hoàn cảnh; Lịch sử; Du lịch; Buông bỏ.
Xin được trích tình cờ: Người đến cứu người trời sắp sáng / Một con đò lặng chèo sang sông (Cám ơn thầy thuốc); Lộng lẫy thời gian tôi vay mượn của người / Dù ánh sáng của trời thêm chói lọi (Lộng lẫy thời gian); Người hiền như những ngôi sao / Giữa muôn chớp tắt trời cao vẫn còn (Đồng bệnh); Tôi biết tôi là bụi / Bay một bài hát rong / Tự do như bóng núi / Tan giữa trời thinh không (Người hát rong tự do); Hương tóc nào lồng lộng giấc mơ tôi / Môi trái chín lá rụng vàng sân cũ / Những chiếc lá bay đầy trong giấc ngủ / Khi tỉnh rồi vẫn thấy lá xanh bay (Quà tặng); Ta chỉ biết những gì ta đã thấy / Bao nhiêu điều không thấy vẫn y nguyên (Vàng và xanh)…
Ở phần 1, “Thư tình không địa chỉ”, nhà báo Trần Ngọc Châu có những tự tình lãng mạn và triết lý: Chỉ là gió thôi mà em cay mắt / Chỉ là anh thôi mà em mất nửa đời /… Con người sinh ra vẫn thế / Trung thành với đổi thay / Chỉ là tình thôi mà em đánh mất / Quầng thâm trên mắt đẹp của ngày (Đừng sợ thời gian); Không gian quá say mê sao trời và cát / Mặc dù em cứ coi tôi như một gã khùng / Tôi vẫn lượn một mình và hát / Thật trong trẻo / Đêm ơi (Đêm nay anh không về); Anh hàng đêm trước những con chữ cứng đầu / Những con chữ mọc ra từ hai ngón tay trỏ / Ngón tay đeo nhẫn em trói chặt rồi /… Bao nhiêu nuối tiếc bao nhiêu trái lòng / Chúng ta cứ ngu muội ban ngày / Đến đêm lại thông minh mỗi lần khóc tủi (Thư tình không địa chỉ)…
Đọc xong “Buổi chiều xanh rêu”, tôi đã gởi email cho tác giả, từ một buổi chiều Cần Thơ, mưa đang rơi: Chiều xanh rơi tiếng ngọc châu / Rong rêu trỗi dậy một màu bình minh / Hỏi rằng người đã phục sinh / Thưa rằng người vẫn đa tình như xưa. Anh liền hồi âm: “Đúng rồi, cái chữ tình ấy nhiều ý nghĩa lắm”.
Nhà báo Trần Ngọc Châu từng là thanh niên xung phong; tổng thư ký đầu tiên của Báo Tuổi Trẻ (1980-1991), rồi Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tổng Biên tập kênh truyền hình FBNC. Anh cũng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ báo chí và truyền thông tại Đại học Northern Washington (Mỹ) năm 2005 và tham gia giảng dạy về báo chí ở trong nước từ nhiều năm nay.
“Buổi chiều xanh rêu” là tập thớ thứ 5 của anh, vừa được NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM ấn hành vào quí 2-2015.