Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Đại học Nam Cần Thơ thúc đẩy mô hình “doanh nghiệp trong nhà trường”

Huỳnh Kim
Thứ Ba,  23/4/2019, 13:57 


(TBKTSG Online) - Sau hai sự kiện gây tiếng vang là khởi công xây dựng bệnh viện đa khoa và sản xuất ô tô điện để thúc đẩy mô hình "doanh nghiệp trong nhà trường", trường Đại học tư thục Nam Cần Thơ tiếp tục nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất bằng việc khánh thành hồ bơi đầu tiên trong trường đại học ở ĐBSCL vào sáng ngày 23-4.

Lễ khánh thành hồ bơi DNC sáng ngày 23-4. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC), nhằm giúp sinh viên có cơ hội thực tập, thực hành và nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp, trường đã thành lập các doanh nghiệp để xây dựng mô hình “doanh nghiệp trong trường học”. Đó là Tập đoàn Nam miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ, Showroom ô tô DNC, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC và đầu tư các dự án vừa thực hiện hoạt động kinh doanh vừa là nơi giảng dạy thực hành, thực tập cho tất cả các ngành mà trường đang đào tạo.


Riêng với hồ bơi DNC khai trương sáng nay, 23-4, GS Võ Tòng Xuân cho biết, đây là trường đại học đầu tiên ở ĐBSCL sở hữu hồ bơi đạt chuẩn quốc gia, rộng 1.200 m2, gồm một hồ bơi cho người lớn, một hồ bơi cho trẻ nhỏ kèm các công trình phụ, kinh phí hơn 10 tỷ đồng.

Theo GS Xuân, hồ bơi này phục vụ thầy cô giáo, học viên, sinh viên DNC và người dân Cần Thơ, trong đó có dịch vụ trang bị kỹ năng bơi, chống đuối nước, đào tạo tài năng bơi lội. Giá vé cho người lớn 20.000 đồng, cho trẻ nhỏ 15.000 đồng/người.

Dịp này, nhà trường cũng đưa vào hoạt động tổ hợp giải trí, rèn luyện sức khỏe gồm Trung tâm thư viện điện tử, khu resort cán bộ giảng viên, nhà hàng DNC, sân tennis, nhà tập thể hình (Gym), phòng tập văn hóa văn nghệ, đường đi bộ, sân bóng đá…

Trước đó, trường Đại học Nam Cần Thơ đã khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ 300 giường, kinh phí 800 tỉ đồng, hoạt động vào năm 2020 và Showroom ô tô sản xuất ô tô điện 9 chỗ ngồi, kinh phí 155 tỉ đồng, khánh thành vào tháng 12-2019.

Sắp tới, nhà trường sẽ đầu tư thêm 3 dự án là khu du lịch sinh thái, dưỡng lão 30 hecta, khu nhà ở cán bộ, giảng viên 10 hecta tại huyện Phong Điền và khách sạn 4 sao DNC.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, riêng với dự án xây dựng bệnh viện, nhà trường sẽ liên kết với Viện Quản lý dịch vụ y tế Úc, thuộc trường Đại học Tasmania (Úc) để kết hợp giáo dục sức khỏe với các dịch vụ y tế và nghiên cứu khoa học.

Thúc đẩy mô hình “doanh nghiệp trong nhà trường” là chiến lược dài hạn và rất phù hợp với chủ trương đổi mới quản lý giáo dục đào tạo hiện nay”, GS Xuân nhấn mạnh.

Trường Đại học tư thục Nam Cần Thơ hiện có hơn 10.000 sinh viên theo học ở 23 ngành như dược, y, quản trị kinh doanh, kế toán tài chính, bất động sản, du lịch... Nhà trường cũng đang liên kết với Đại học Khoa học công nghệ Malaysia đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật ô tô và thạc sĩ quản trị kinh doanh.

* Đã đăng TBKTSG Online 23-4-2019:

Chung quanh việc đề nghị dừng sáp nhập Hội Nhà báo địa phương


Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 19-4, đề nghị dừng kế hoạch sáp nhập tổ chức Hội Nhà báo với các Hội khác.

Báo chí tác nghiệp tại hội nghị của Hội Nhà báo Việt Nam sáng ngày 19-4-2019 tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Mở đầu báo cáo chính tại hội nghị, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, năm 2018 là năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2015-2020, đã đề ra trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025, việc sắp xếp, sáp nhập các tổ chức Hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), phần nào ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của những người làm báo.

Ông Lợi giải thích: “Việc một số địa phương có chủ trương xây dựng đề án sáp nhập Hội Nhà báo với tổ chức Hội khác, có ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư của hội viên. Sự phân tâm về tính không thống nhất của tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương, kéo theo việc cắt giảm biên chế, kinh phí hoạt động của Hội Nhà báo địa phương dẫn đến hoạt động cầm chừng của một số tổ chức Hội và cá nhân hội viên”.

Tiếp đó, ông Hồ Quang Lợi thông tin: “Đối với số ít địa phương có kế hoạch sáp nhập tổ chức Hội Nhà báo với tổ chức Hội khác, Đảng Đoàn Hội Nhà báo đã gửi công văn về Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị dừng lại, chờ chỉ đạo của Ban Bí thư”.
 Xoay quanh câu chuyện này, chúng tôi đã phỏng vấn nhanh ông Hồ Quang Lợi.

* Ông có thể cho biết vì sao Hội Nhà báo Việt Nam lại đề nghị dừng kế hoạch sáp nhập Hội Nhà báo tại các địa phương?

- Ông Hồ Quang Lợi: Hiện nay, khi một số địa phương có đề án hoặc kế hoạch sáp nhập Hội Nhà báo Việt Nam vào Hội Văn học nghệ thuật thì lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Đảng Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời có văn bản báo cáo Ban Bí thư Trung Ương Đảng đề nghị tiếp tục duy trì tổ chức thống nhất của Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương xuống địa phương như hiện nay.

Tôi xin nói là chúng ta có một hệ thống tổ chức rất chặt chẽ từ Trung ương xuống địa phương được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử. Vì Hội Nhà báo Việt Nam của chúng ta là một tổ chức chính trị xã hội; đến bây giờ chúng ta đã có 70 năm với một lực lượng rất là quan trọng và Hội Nhà báo thì có chức năng nhiệm vụ và tính chất hoạt động có những đặc thù rất khác với Hội Văn học nghệ thuật.

Và Hội Nhà báo Việt Nam đã được luật hóa. Tức là trong Luật Báo chí đã quy định, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của giới báo chí cả nước. Luật đã quy định rồi, chúng ta làm cái gì thì cũng phải xuất phát từ các cơ sở của luật pháp. Và thực tế thì hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam là một hoạt động có hiệu quả. Chúng ta có một hệ thống tổ chức như thế, chúng ta tập hợp được lực lượng người làm báo cả nước với 24.000 hội viên đang công tác tại gần 1.000 cơ quan báo chí cả nước. Đây là một lực lượng hết sức là quan trọng. Và chúng ta hoạt động theo Điều lệ đã được Chính phủ phê duyệt và có luật hóa. Và thực tế cái đặc thù của Hội Nhà báo Việt Nam cũng rất khác với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và các Hội khác. Cho nên, không thể nào có một sự sát nhập một cách cơ học giữa Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Văn học nghệ thuật. Cái đó nó trái với luật, nó trái với thực tiễn hoạt động, trái với cái đặc thù.

* Vậy nó có mâu thuẫn gì với việc thực hiện Quy hoạch báo chí mà Chính phủ vừa ban hành?

- Ông Hồ Quang Lợi:  Quy hoạch báo chí thì Chính phủ đã triển khai, đó là việc làm hết sức cần thiết. Chúng ta quy hoạch lại, chúng ta sắp xếp lại để chúng ta có một hệ thống các cơ quan báo chí hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, tránh chồng chéo và đặc biệt là giảm thiểu những hiện tượng tiêu cực trong đời sống báo chí hiện nay. Thì việc chúng ta thực hiện quy hoạch báo chí là rất cần thiết.

Nhưng mà trong khi quy hoạch báo chí thì chúng ta phải đặc biệt quan tâm tới quyền lợi của người làm báo. Vì khi quy hoạch lại thì thế nào cũng dôi dư ra một lực lượng phóng viên, biên tập viên, các nhà báo, các cơ quan báo chí. Chúng ta phải quan tâm làm sao để sắp xếp lực lượng này để họ có công ăn việc làm, để họ tiếp tục tham gia vào đời sống báo chí và đời sống xã hội một cách tích cực. Thì đó là trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam.

* Nghĩa là theo ông, sẽ không có mâu thuẫn?

- Ông Hồ Quang Lợi: Không mâu thuẫn.

* Thế còn mô hình Quảng Ninh đã sáp nhập ba cơ quan báo chí và Cổng thông tin điện tử của tỉnh thành Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, thì sao, thưa ông?

- Ông Hồ Quang Lợi:  Đây là việc của Quảng Ninh. Và Quảng Ninh đang trong thời gian thử nghiệm cái đó. Cho nên tôi nghĩ là cứ phải để cho Quảng Ninh thử nghiệm một thời gian, sau đó từ Quảng Ninh, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm.

* Như vậy, liệu có đúng với quy định của Quy hoạch báo chí là mỗi tỉnh, thành chỉ có một cơ quan báo, đài?

- Ông Hồ Quang Lợi: Vì đó là thử nghiệm mà. Quảng Ninh làm thử nghiệm. Làm thử nghiệm thì nó có những cái mới, theo tôi cứ để Quảng Ninh làm. Làm xong, sau đó sẽ rút kinh nghiệm xem là có nên mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác hay không?

* Xin cảm ơn ông!

Huỳnh Kim (thực hiện)

* Đã đăng Báo Cần Thơ 21-4-2019:



Xử lý nghiêm các hành vi cản trở, xâm phạm nhà báo khi tác nghiệp

Thứ sáu, 19/04/2019 10:59:00 | Mặt trận

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng: “Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm dưới mọi hình thức đối với nhà báo trong thực thi nhiệm vụ”.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Sáng 19/4, tại TP Cần Thơ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc, đánh giá Tổng kết công tác Hội năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo hội nghị.

Chia sẻ với các lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, đất nước ta bước vào năm 2019 với một khí thế mới, niềm vui mới từ những kết quả đạt được hết sức tích cực của năm 2018; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ngày càng được tăng lên. Trong thành tích chung đó, tôi đánh giá cao sự đóng góp tích cực và có hiệu quả của giới báo chí và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam. 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận những đóng góp tích cực của Hội Nhà báo, năm qua, Hội đã có nhiều cố gắng trong công tác tập hợp, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao vai trò, tính hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ‘tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc triển khai thực hiện Luật báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam”. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động báo chí và Hội Nhà báo vẫn còn những hạn chế. Một số cơ quan báo chí hoạt động, thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; tình trạng chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách; một số nhà báo viết bài thiếu tính xây dựng, thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội; một số văn phòng đại diện, phóng viên, hội viên thường trú và đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, gây tác động xấu đến dư luận xã hội.

Nhân đây, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ những xu hướng báo chí đa phương tiện, báo chí công nghệ và nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, phụ thuộc và bị dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo, vì vậy, báo chí phải chủ động, đổi mới để có bước phát triển cho phù hợp.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham dự Hội nghị.

Định hướng về hoạt động báo chí trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý: Tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nêu cao tinh thần cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Báo chí tiếp tục tập trung tuyên truyền, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống. 

Đồng thời, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, chủ động trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội. 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu trong công tác tuyên truyền cần chú trọng những mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, củng cố niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần, thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. 

Quang cảnh Hội nghị.

Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, cần phát huy hơn nữa vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, động viên, cỗ vũ người làm báo hoàn thành tốt trọng trách của mình… 

Chú trọng công tác chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi, không ngừng học tập, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, cập nhật công nghệ làm báo hiện đại để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí mang tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính chiến đấu. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm với mọi hình thức đối với nhà báo trong thực thi nhiệm vụ.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói: “Tôi mong báo chí tiếp tục phản ánh sâu rộng hơn nữa công tác vận động, tập hợp, củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời thông tin về tình hình đời sống nhân dân, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo, vùng bị thiệt hại do thiên tai; đồng hành cùng Mặt trận trong việc thực hành, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, thực hiện tốt hơn Giải báo chí với công tác phòng chống tham nhũng lần thứ hai tới đây do MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức và trao giải vào tháng 8/2019”.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng thật sự là ngôi nhà chung của những người làm báo cả nước.

Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2018 là năm thứ ba các cấp Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, năm thứ 2 thực hiện Luật báo chí và 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam trong điều kiện nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là năm hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội; 

Năm 2019, Trung ương Hội và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước tiếp tục đoàn kết, củng cố, xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nhằm không ngừng nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần thiết thực, có hiệu quả vào việc tuyên truyền, quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bên cạnh các công tác chuyên môn khác, Trung ương Hội và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương. Không có trường hợp ngoại lệ. Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất từ trung ương tới địa phương…

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết, 69 năm qua kể từ ngày thành lập (21/4/1950-21/4/2019), tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên thuở ban đầu đến nay Hội đã thu hút gần 24.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và 214 chi hội trực thuộc trên cả nước. 

Trong 69 năm qua, các thế hệ người làm báo luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt trọng trách của mình, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Chiều cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức tổng kết công tác Hội, triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác Hội năm 2019, đồng thời tiến hành khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội năm 2018.

Trong đó, tặng 1 Huân chương lao động hạng Nhì cho ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; trao tặng cờ thi đua và Bằng khen cho 11 tập thể đạt danh hiệu lao động xuất sắc và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội năm 2018. 

Chi Hội Nhà báo Báo Đại Đoàn Kết được Chủ tịch Hội Nhà báo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc công tác Hội năm 2018.    

Quốc Trung

* Đã đăng Báo Đại Đoàn Kết Online 19-4-2019:
http://m.daidoanket.vn/mat-tran/xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-can-tro-xam-pham-nha-bao-khi-tac-nghiep-tintuc434962

Về Cồn Sơn thưởng thức bánh trái nhà vườn


Huỳnh Kim



 (SGTT) – Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nằm giữa sông Hậu, cách bến Ninh Kiều hơn 10km. Chỉ cần 10 phút qua đò máy từ bờ Bình Thủy, ghé thăm bè cá Bảy Bon nửa giờ đồng hồ rồi đổ bộ lên cồn, bạn sẽ có nửa ngày tham gia tour du lịch sinh thái cộng đồng, thưởng thức những món đặc sản nhà vườn khó quên.

Trên bè cá Bảy Bon gần Cồn Sơn. 

Hướng dẫn tour bữa đó, chị Út Hiền cứ nhắc khách Sài Gòn, “Nhớ đừng cho ai-phôn tắm sông nhé!”. Là vì mọi người cứ lăng xăng trên bè cá Bảy Bon để ghi hình cảnh mấy con cá sặc đang phun nước thành tia cao cả thước để… bắt mồi, không khéo sẽ làm rơi điện thoại xuống sông. Cảnh cá sặc phun nước là “đặc sản” giúp chủ bè cá bán được các sản phẩm cá thác lác nuôi tại đây cho du khách. Chị Út Hiền nói, nó như “món khai vị” trước khi khách ghé thăm Cồn Sơn.


Lên tới cồn, theo chân chị Út, khách ghé hết nhà vườn này tới nhà vườn khác trong bóng mát vườn cây trái xanh um. Thích thì ăn trái cây giữa vườn. Mệt thì đu đưa võng nghe chim chóc líu lo. Hết vườn nhãn lại ghé vườn bưởi, vườn ổi, vú sữa, chôm chôm, mận, mít… tùy mùa. Rồi thưởng thức bánh dân gian. Lại thêm món “cá lóc bay”. Tới trưa, có sẵn bữa trưa ngay giữa vườn nhà.


Bà Sáu Cứng trong vườn vú sữa giữa Cồn Sơn. 

Hơn 100 hộ dân sống trên cái cồn rộng khoảng 70ha đất đai màu mỡ này, bà con làm vườn là chính; từ năm 2014 làm thêm du lịch cộng đồng, có nhà mở homestay. Ai cũng cố gắng trồng cây trái sạch, giữ nếp nhà truyền thống, tình làng nghĩa xóm không khác xưa. Vườn này bước qua vườn kia hầu như không rào chắn. Bánh trái, món ngon mỗi nhà có thể đem qua tiếp cho nhau nếu du khách có nhu cầu. Thu nhập thì chia cho nhau theo giá trị sản phẩm của mình. Có gì mâu thuẫn, có các tổ hợp tác của các hộ gia đình giải quyết.

Ông Bảy Muôn nuôi ong trong vườn nhãn giữa Cồn Sơn. Ảnh: Huỳnh Kim 


Hôm đó, chưa tới mùa, chúng tôi dạo vườn nhãn chụp ảnh, xong qua vườn vú sữa của bà Sáu Cứng. Giữa vườn, cả đoàn làm một bụng vú sữa ngon lành do chính tay cô Sáu hái xuống xẻ ra. Có bạn đặt mua liền năm kí, hẹn trưa nhận tại bến đò. Lại thả bộ qua vườn ổi Thành Tâm, nhâm nhi… ổi chấm muối ớt, chơi với “cá lóc bay”. Có trò này là nhờ chủ vườn huấn luyện cá từ nhỏ, giờ khách chỉ cần gõ vào cái dĩa nhôm xong tung thức ăn xuống đìa là đàn cá lóc “bay” lên khỏi mặt nước cả mét để tranh mồi. Cảnh này mới chỉ thấy ở Cồn Sơn.

Cây trái chán, chị Út đưa đoàn ghé nhà bà Bảy Muôn gần đó. Trước cửa nhà gắn tấm biển ghi tên con trai: “Nhà vườn Công Minh – chuyên bán bánh dân gian”. Ông Bảy đang lấy mật từ đàn ong nuôi trong vườn nhãn sau nhà. Bà Bảy đon đả mời khách thưởng thức bữa tiệc bánh dân gian do chính tay bà làm. Bà Bảy làm được 50 loại bánh dân gian Nam bộ.

Nguyên liệu đều từ nguồn xanh sạch, giữ hương vị “ngày xưa”, như bà nói: “Ngày xưa ông bà dạy làm thế nào thì bây giờ tôi cũng làm y như vậy. Tôi làm bánh cho khách ăn giống như làm cho người trong nhà ăn”. Bữa đó, bà mời khách thưởng thức tiệc “búp phê” với một xề tre lót lá chuối bài trí bảy món bánh bò, bánh đúc, bánh chuối, bánh da lợn, bánh khoai mì, bánh bột lọc, bánh kẹp với đủ màu sắc hấp dẫn. Ăn bánh kèm ly nước sâm giải nhiệt. Khách muốn thử tài nướng bánh kẹp, đổ bánh khọt… đã có sẵn nguyên liệu và bếp lửa than với người hướng dẫn ngay ở gian bếp. Trưa hôm đó, khách tạm biệt ông bà Bảy với một túi bánh đem theo cùng mấy chai mật ong vườn nhà, giá 200.000 đồng/chai 500ml.

Bánh khọt của bà Bảy Muôn trên Cồn Sơn. 

Khách thử nướng bánh kẹp trong nhà bà Bảy Muôn trên Cồn Sơn.

Gần trưa, rời nhà bà Bảy Muôn, lội bộ một lúc đã nghe bụng đói. Chị Út liền “alô” chị Ba Phước đặt bữa trưa. Chừng nửa giờ sau, bữa trưa với cá tai tượng chiên xù, cháo gà xé phay, cá lóc nướng trui đã bày ra bên ao sen, giữa khu vườn rộng đầy tiếng chim và bóng cây mát rượi. Chị Ba Phước mở homestay, đón khách nghỉ qua đêm với giá… Cồn Sơn, như chị nói: “10 đô khách Tây, hai trăm ngàn khách Việt”.

Trưa hôm đó, vừa ra lại bến đò, đã có người đón giao mấy bịch vú sữa nhà Cô Sáu như đã hẹn. Xuống đò, chị Út Hiền tiễn khách với lời dặn nhớ quay lại Cồn Sơn. Mọi người tạm biệt Cồn Sơn mà dường như lưu luyến, quên chuyện giá cả.

Nia bánh dân gian 7 món của bà Bảy Muôn trên Cồn Sơn. Ảnh: H.Kim 

Cho nên giờ kể lại chuyện này, tôi đành phải gọi hỏi lại chị Út Hiền để ghi cho chính xác: “Nhãn, vé 20.000 đồng/người ăn tại vườn; mua đem về: nhãn da bò nhà Năm Minh, 20.000 đồng/kg; nhãn I-đo nhà Hai Minh, 25.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng nhà Tám Phúc, 50.000 đồng/kg. Chôm chôm nhà Năm Phước: vé 15.000 đồng ăn tại vườn; mua đem về 20.000 đồng/kg. Bưởi năm roi, bưởi đường nhà vườn Phương My: vé 15.000 đồng ăn tại vườn; mua đem về, 30.000 đồng/kg. Ổi và cá lóc bay nhà Thanh Tâm: vé 20.000 đồng/người. Vú sữa Cô Sáu: vé 20.000 đồng; mua về, 35.000 đồng/kg. Bánh dân gian nhà Bảy Muôn: vé 30.000 đồng/phần; 15.000 đồng/người ăn tại nhà. Cơm nhà chị Phước: tùy món, cá 180.000 đồng/kg, gà 200.000 đồng/kg… Vé đò: 15.000 đồng/chuyến”.

* Đã đăng Báo SGTTO 20-4-2019:

SGTT số 16 – 2019: Bánh dân gian đậm vị quê nhà nơi phố thị




(SGTTO) – Trong bốn ngày qua, đã có hàng trăm nghìn lượt du khách đến với Cần Thơ để trải nghiệm văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam, cụ thể là đặc sản bánh dân gian. Báo Sài Gòn Tiếp Thị số 16, ra ngày 18-4-2019 tập hợp các câu chuyện xoay quanh những chiếc bánh này.

Cụ thể, Sài Gòn Tiếp Thị số 16 có những thông tin hữu ích sau:

Để bánh dân gian chinh phục kênh tiêu thụ hiện tại: “Thị trường nào cho bánh dân gian?” là chủ đề buổi tọa đàm do nhóm Thời báo kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) tổ chức hôm 16-4. Tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp mở rộng thị trường cho loại bánh này của người dân Nam bộ.

Mua bánh quê ở thành phố: Những tiệm bánh dân gian không chỉ là nơi cung cấp các loại bánh ngon mà còn góp phần lưu giữ hương vị truyền thống của bánh Việt từ bao đời nay. Nhiều tiệm bánh ở TPHCM và cửa hàng online đang bán những loại bánh dân gian với các mức giá khác nhau.

Làm mới bánh truyền thống: Tám mùa Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ đã qua, nét tài hoa của người làm bánh và sức hấp dẫn của ẩm thực phương Nam lại được tôn vinh và lan tỏa. Điều này là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân tham gia lễ hội.

Người giữ lửa nghề bánh truyền thống: Trong những ngày diễn ra Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2019 tại Cần Thơ, gian hàng của cô Chín Bình Thủy thu hút nhiều khách. Gian hàng này không chỉ có bánh ngon mà còn có nhiều loại bánh để khách lựa chọn. Tất cả đều do sự chung sức của gia đình cô Chín.


Giữ gìn hương vị bánh quê: Làm nghề nào cũng cần có sự đam mê để theo đuổi sự nghiệp lâu dài. Chị Nguyễn Thị Quế, thường được biết đến với nghệ danh đầu bếp Sammy, đã mang niềm đam mê của mình vào nghề làm bánh dân gian, truyền lại cho các bạn trẻ.

Mua dụng cụ làm bánh sao cho vừa đủ: Khác với làm các loại bánh dân gian, làm bánh từ bột mì đòi hỏi nhiều dụng cụ đi kèm. Có hàng trăm loại bánh khách nhau và đi kèm với đó là hàng chục dụng cụ làm bánh khác nhau; trong đó, sẽ có những vật dụng cần thiết dù làm bất cứ loại bánh nào.

Về Cồn Sơn thưởng thức bánh trái nhà vườn: Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nằm giữa sông Hậu, cách bến Ninh Kiều hơn 10km. Chỉ cần 10 phút qua đò máy từ bờ Bình Thủy, ghé thăm bè cá Bảy Bon nửa giờ đồng hồ rồi đổ bộ lên cồn, bạn sẽ có nửa ngày tham gia tour du lịch sinh thái cộng đồng, thưởng thức những món đặc sản nhà vườn khó quên.

Đa dạng hương vị bánh miền Trung: Nhắc đến miền Trung, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bãi biển đẹp và hoang sơ. Nói đến con người nơi đây, người ta sẽ nói đến sự mặn mà, chịu thương chịu khó. Dường như những tính chất này cũng được thể hiện trong ẩm thực vùng đất này: mặn, cay và đậm đà. Ngay cả các món bánh cũng vậy.

Các loại bánh không nên bỏ qua khi đến Hà Nội: Nếu ưa thích các loại bánh dân giã, khi đến Hà Nội, du khách có thể thưởng thức những loại bánh đơn giản, giá bình dân, nhiều chỗ bán là bánh rán, bánh đúc, bánh giò.

Để bánh dân gian chinh phục kênh tiêu thụ hiện đại

 (SGTTO) – “Thị trường nào cho bánh dân gian?” là chủ đề buổi tọa đàm do Thời báo kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) tổ chức hôm 16-4. Tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp mở rộng thị trường cho loại bánh này của người dân Nam bộ.

Khách tham quan tìm hiểu các loại bánh tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần 8. Ảnh Trung Chánh.

Bánh dân gian đang ở đâu?

Ông Đoàn Hữu Đức, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Việt Nam (VCG), cho biết bánh dân gian đã tồn tại trong đời sống người dân Nam bộ từ rất lâu. Sáng ngủ dậy đã nghe tiếng rao “bánh ướt, bánh bèo, bánh đúc”; trưa chiều lại có gánh bánh lọt, bột lọc; đêm khuya là bánh giò, bánh ít… “Những cái tên trong hàng trăm loại bánh có thể kể bánh in, bánh cập khi cúng bái; lễ tết có bánh tét, bánh ít; giỗ chạp có bánh hỏi, bánh phồng tôm, ăn sáng có bánh tằm, bánh lá mơ; ăn trưa có bánh xèo, bánh giá; ăn chơi có bánh tráng, bánh men; người già uống trà có bánh pía, bánh cam”, ông Đức cho biết.

Tuy nhiên, ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nêu lên thực trạng do đặc điểm nhiều loại bánh dân gian liên quan tới nguyên liệu tươi, chế biến thủ công, không sử dụng chất bảo quản, bao bì chưa bắt mắt nên việc tiêu thụ phần lớn vẫn ở thị trường nhỏ lẻ, các lễ hội, chứ chưa vào được nhiều trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu. “Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân và nghệ nhân bánh dân gian thường bấp bênh, không ít sản phẩm có thể sẽ mai một trước sự cạnh tranh của các loại bánh công nghiệp tinh xảo, tiện lợi”, ông nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, cho biết bánh dân gian Nam bộ là loại bánh đặc trưng của ẩm thực miền Tây Nam bộ, là điểm nhấn văn hóa của vùng, vừa truyền thống vừa hiện đại. Bánh dân gian luôn thu hút được một nhóm khách hàng riêng, mà đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước.

Gợi ý cho bánh dân gian

Theo bà Kim Cương, Co.opmart Cần Thơ đang kinh doanh một số loại bánh dân gian như bánh chuối, bánh mặn, bánh bò, bánh da lợn, bánh gai, xôi chè các loại. Bà nói: “Bước đầu, sản phẩm đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì việc đưa bánh dân gian tiếp cận các kênh tiêu thụ hiện đại vẫn còn hạn chế”.

Ông Đức của VCG cho biết các kênh tiêu thụ hiện đại rất muốn đưa những sản phẩm bánh này tiếp cận khách hàng, nhưng rất khó. Trở lực lớn nhất là từ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Việc truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm định chất lượng, giấy phép kinh doanh hay mã số thuế đều là những thách thức cho nghệ nhân địa phương, các hộ kinh doanh. Vấn đề sâu xa hơn là việc cam kết cung ứng về sản lượng và chất lượng đều đặn”, ông nói. Bên cạnh đó, các gia đình có truyền thống làm bánh dân gian nên được trao cơ hội, được bồi dưỡng kiến thức kinh doanh và kỹ thuật cần thiết.

Bà Kim Cương gợi ý cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, tạo ra nhiều sân chơi không chỉ quảng bá các loại bánh dân gian, mà còn để các nghệ nhân chia sẻ kinh nghiệm trong nghề. Qua đó, đưa các sản phẩm bánh dân gian tiếp cận, phát triển ra khu vực, thậm chí xuất khẩu.

Ông Vũ Thống Nhất, Phó chủ tịch Hội nhà văn TP Cần Thơ, cho biết cần lưu ý vấn đề “thật giả” của các loại sản phẩm, trong đó có các loại bánh dân gian. “Điều cần thiết là việc nhận diện, đánh giá, phân loại để tìm ra những loại bánh và cơ sở sản xuất tiềm năng, có thể đưa ra thị trường, sau đó hỗ trợ những cơ sở này định danh thành thương hiệu vững vàng”, ông gợi ý.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết do thời gian bảo quản ngắn, dễ hư hỏng nên bánh dân gian xuất hiện ở nước ngoài còn ít. “Bánh dân gian có thể đi được tất cả các thị trường thế giới, nhưng phải có con người và nguyên liệu tại chỗ, chứ không thể cho chất bảo quản vào để giữ được lâu rồi đem đi”, ông nói.

Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian?” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 8. Diễn ra từ ngày 12-4 đến 16-4 tại thành phố Cần Thơ, lễ hội là sự kiện văn hóa, lễ hội cấp quốc gia nhằm giới thiệu, quảng bá và bảo tồn các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng của Nam bộ. Lễ hội có trên 200 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp và nghệ nhân đến từ 19 tỉnh, thành trong nước; giới thiệu các loại bánh dân gian, ẩm thực dân gian, đặc sản vùng miền, nguyên liệu làm bánh. Nhiều nghệ nhân ở miền Đông và miền Tây Nam bộ đã trình diễn cách làm bánh dân gian. Lễ hội cũng là dịp các bên giao lưu các món ăn đặc sản của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ý, Pháp, Singapore, Thái Lan.

Trung Chánh

*Đã đăng Báo SGTTO ngày 19-4-2019:
https://www.sgtiepthi.vn/de-banh-dan-gian-chinh-phuc-kenh-tieu-thu-hien-dai/

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Góp phần đưa bánh dân gian đi xa

Huỳnh Kim
Thứ Năm,  18/4/2019, 10:50 

(TBKTSG) - Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 8 vừa diễn ra tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA) đã phối hợp với TBKTSG tổ chức buổi tọa đàm có chủ đề “Thị trường nào cho bánh dân gian?”.

TBKTSG lược ghi ý kiến của các đại biểu dự tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm tại Cần Thơ sáng ngày 16-4-2019. Ảnh: H.Kim

Ông Đoàn Hữu Đức - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam (VCG):


- Để trả lời cho câu hỏi thị trường tương lai nào cho bánh dân gian, thì đó chính là thị trường quốc tế, khi bánh dân gian cần được xuất khẩu cả “hồn” lẫn “xác”.

Không chỉ là chiếc bánh ngon, trình bày đẹp, công thức gia truyền, mà còn cả câu chuyện về bánh, về người làm bánh, về vùng đất quê hương của bánh... Khẩu vị quốc tế có thể khác nhau, nhưng ấn tượng trân trọng sẽ còn mãi trong tâm can khách du lịch.
Để làm được điều này, không chỉ là sự nghiêm túc của các nghệ nhân khi làm nên chiếc bánh ngon và an toàn, mà còn cần đến cả kênh truyền thông tiếp thị và kênh du lịch điểm đến.

Nếu không, bánh dân gian chẳng khác gì một thỏi sô cô la trên góc kệ của một đại siêu thị; lạc lõng, vô hồn, lẫn lộn trong hàng trăm loại bánh khác của thế giới rộng lớn này. Và chỉ cần vài tháng không đạt doanh số, chiếc bánh dân gian sẽ bị loại ra khỏi quầy kệ không thương tiếc cùng với hàng ngàn loại bánh quốc tế từng nỗ lực chen vào trước đó.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Hội quán làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp):


- Làng bột Sa Đéc với hơn 400 hộ, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm sau gạo, đã cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước trên 50.000 tấn bột các loại, có trên 70 sản phẩm được chế biến sau bột như hủ tiếu, phở, nui, bột bánh xèo...
Khu ẩm thực làng bột Sa Đéc ra đời cách đây hơn một năm là nơi cố gắng gìn giữ và phát huy các loại bánh dân gian từ bột, đặc biệt là bột gạo Sa Đéc. Với quy mô vừa phải, bước đầu chúng tôi chỉ phát triển xây dựng được hai mô hình ẩm thực và trải nghiệm làm các loại bánh dân gian từ bột Sa Đéc. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng nhiều hoạt động khác.

Năm 2017, Hội quán làng bột Sa Đéc được thành lập. Đây là mô hình mới được tỉnh Đồng Tháp triển khai, người dân làng nghề tự nguyện liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Hội quán không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa người dân với nhau hay giữa người dân với chính quyền, mà còn đóng vai trò là cầu nối giữa người sản xuất trong làng nghề với các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Kim Cương - Phó giám đốc Co.opmart Cần Thơ:


- Chúng tôi đang kinh doanh một số loại bánh dân gian Nam bộ đặc trưng như bánh chuối, bánh mặn, bánh bò, bánh da lợn, bánh bột báng, bánh gai... từ những nguyên vật liệu của các nhà sản xuất uy tín.

Để góp phần quảng bá các sản phẩm là bánh dân gian Nam bộ, chúng ta cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa, tạo ra nhiều sân chơi không chỉ quảng bá các loại bánh dân gian Nam bộ mà còn là nơi để các nghệ nhân chia sẻ kinh nghiệm trong nghề, nhằm đưa các sản phẩm bánh dân gian Nam bộ từng bước tiếp cận, phát triển ra khu vực, xuất khẩu ra các quốc gia lân cận.

Chúng tôi sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các sản phẩm bánh dân gian Nam bộ được tiêu thụ tại Co.opmart Cần Thơ nói riêng và hệ thống siêu thị Co.opmart nói chung.

Ông Vũ Thống Nhất - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP. Cần Thơ:


- Ở Cần Thơ, trên Cồn Sơn, bà Bảy Muôn có “tiệc buffet bánh dân gian”. Chỉ một cái xề (nia tre) dân dã bày biện bánh bò, bánh da lợn, bánh đúc, bánh chuối... cũng khiến những ai đến đây phải liêu xiêu. Bà Bảy Muôn có thể làm được trên 50 loại bánh, mứt dân gian Nam bộ, từ đơn giản đến cầu kỳ.

Theo bà Bảy Muôn, mỗi tháng bà tiếp khoảng 1.000 lượt khách; họ đến không chỉ được thưởng thức mà còn được trải nghiệm quy trình làm bánh tại nhà. Bà Bảy Muôn và một số người dân Cồn Sơn đang dự định lên kế hoạch mở “chợ phiên bánh dân gian Nam bộ”. Hướng phát triển này là khả thi.

Nên có “Bản đồ bánh dân gian Nam bộ”. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, vấn đề “thật, giả”, trong đó có các loại bánh dân gian là điều khó tránh khỏi. Bánh tét Trà Cuông (Trà Vinh) giờ ở đâu cũng có, xuất xứ từ rất nhiều lò, được giao đến tận nhà; bánh tét lá cẩm Cần Thơ cũng được bày bán nhiều nơi... Người tiêu dùng biết chọn ai? Loại bánh nào đúng gốc, đúng lò, ở đâu? Ai thẩm định?

Nên nhận diện, chọn lọc, đánh giá, phân loại, tìm ra những loại bánh (cùng cơ sở sản xuất) có tiềm năng, có thể đưa ra thị trường. Sau đó hỗ trợ những cơ sở này định danh thành thương hiệu vững vàng.

Nghệ nhân Huỳnh Thị Kim Ngân (Trà Vinh):


- Tôi có 17 năm công tác ở Đại học Trà Vinh và bắt đầu theo đuổi tạo màu bánh tự nhiên một năm nay, sau khi tôi nhìn thấy con cháu của mình ăn đá bào làm từ màu hóa học trước cổng trường và thấy thật sự đau lòng.

Bắt tay vào việc đưa màu tự nhiên vào trong bánh, tôi chính thức nghỉ việc ở Đại học Trà Vinh. Khát khao chia sẻ kinh nghiệm cho người đi sau, lan tỏa màu tự nhiên thay thế màu hóa học, từ đó tôi đã tìm đến màu của các loại hoa. Hiện Trà Vinh đã có một trang trại hoa đậu biếc với sản lượng 1 tấn hoa tươi trong 1 tháng, đây là một khởi đầu vô cùng lạc quan.

Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ:


Bánh dân gian mang đặc điểm vùng miền, mỗi vùng sẽ ưa chuộng một loại bánh khác nhau. Người làm bánh dân gian đòi hỏi phải có tâm, có hồn.

Những người làm bánh cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, để chinh phục nhiều khách hàng hơn cần chú ý về khẩu vị, chẳng hạn bánh ở Cần Thơ quá ngọt, trong bối cảnh mọi người đang hướng đến xu hướng ăn uống lành mạnh.

Để bánh dân gian của chúng ta có thể đến được với các nước, cần tính toán xây dựng một chuỗi khép kín, từ đào tạo con người, đến việc tính toán về nguyên liệu, thị trường... phục vụ việc đưa chiếc bánh dân gian đi xa.

Ông Trần Minh Hùng - Tổng biên tập TBKTSG:


- Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 8 đã thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách gần xa đến với Cần Thơ để trải nghiệm văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam hiếu khách thông qua hàng loạt hoạt động giới thiệu, quảng bá và bảo tồn các sản phẩm bánh dân gian Nam bộ. Gần 100 sản phẩm bánh dân gian đặc trưng của bà con bốn dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm của vùng đất Nam bộ có mặt ở lễ hội này vẫn đang được hàng triệu người ưa thích.

Tuy nhiên, do đặc điểm nhiều loại bánh dân gian liên quan tới nguyên liệu tươi, chế biến thủ công, không sử dụng chất bảo quản, bao bì tạm... nên việc tiêu thụ các sản phẩm độc đáo này phần lớn chỉ thu hẹp ở thị trường nhỏ lẻ, ngắn ngày, kiểu “trong nhà ngoài chợ” hoặc tham gia lễ hội như lễ hội lần này, chứ chưa vào được nhiều trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu. Từ đó, cuộc sống của hằng ngàn hộ dân và của hằng trăm nghệ nhân chuyên làm bánh dân gian thường là bấp bênh; không ít sản phẩm có thể sẽ mai một trước thị trường bánh công nghiệp ngon, tinh xảo, tiện lợi ngày càng được nhiều người tiêu dùng chọn lựa.

Nhóm TBKTSG sẽ tiếp tục truyền thông nhằm góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm bánh dân gian uy tín ở Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung. Qua đó góp phần bảo tồn nghề truyền thống và nâng được thu nhập cho người làm bánh dân gian.

* Đã đăng TBKITSG Online 18-4-2019:


Seminar on “New markets for folk cakes” held in Can Tho

By Trung Chanh
Tuesday,  Apr 16, 2019,17:06 (GMT+7)

Tran Minh Hung, editor-in-chief of the Saigon Times Group, speaks at the seminar - PHOTO: TRUNG CHANH

CAN THO – A seminar titled “New markets for folk cakes” was held at the Can Tho Promotion Agency (CPA) this morning as part of the eighth Southern Folk Cakes Festival.

Tran Minh Hung, editor-in-chief of the Saigon Times Group, which co-organized the seminar with CPA, said large numbers of people have visited the eighth Southern Folk Cakes Festival, proving the attractiveness and high demand of folk cakes.

However, traditional cakes are mainly handmade with temporary wrappings and without preservatives, so they could not be stored for a long time. This kind of perishable food can hardly find its way to supermarkets and foreign markets.

Therefore, the seminar was intended to explore ways to find markets for traditional cakes, preserve the tradition of cake making, and improve incomes of cake artisans.

According to Doan Huu Duc, vice president and general director of Vietnam Consulting Group, folk cakes are a vital part of Vietnamese street food and an attractive feature of local tourism.

However, there are many obstacles to bringing traditional cakes to supermarkets, luxury hotels or foreign markets.

The first obstacle for local cake makers, artisans and household businesses involves food safety, traceability, quality control certificate, business license and tax code. The second obstacle is about quality and quantity commitments.

Speaking about ways for folk cakes to access more markets, Vu Thong Nhat, vice chairman of the Association of Can Tho Writers, said local authorities should identify, evaluate and select some key products and support makers of these products to build brands and look for markets. The media also plays a key role in promoting folk cakes.

Nguyen Kim Cuong, deputy director of Co.opmart Can Tho supermarket, said folk cakes are delicious, eye-catching, and attractive to local and foreign tourists.

“We are selling many types of folk cakes such as banh bo, banh da lon, banh bot bang, banh gai, together with traditional sticky rice and sweet soup. Made from clean materials and meeting food safety standards, they have won the hearts of many customers,” Cuong said.

According to Cuong, there should be more events that promote not only the freshness and wonderful taste of folk cakes but also the skills, experiences and enthusiasm of cake makers.

Wrapping up the seminar, Nguyen Minh Toai, director of the Department of Industry and Trade of Can Tho City, said traditional markets, convenience stores, supermarkets and hotels are the current main markets for makers of folk cakes.

Some types of folk cakes have been shipped to foreign markets but they are mainly dried cakes that can be stored for a longer time, such as banh trang Sa Dec (rice paper from Sa Dec).

To help folk cakes gain access to more markets, especially abroad, local cake makers and traders should pay more attention to food safety, healthy ingredients, human resources, brand building and marketing.

* Đã đăng Saigon Times Daily 16-4-2019:

Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian?”


(SGTTO) – Nhằm góp phần tìm ra giải pháp bảo tồn và mở rộng thị trường cho sản phẩm bánh dân gian Nam bộ, tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian?” đang diễn ra tại Hội trường Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA). Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019, do CPA và Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp tổ chức.

Tọa đàm đang được tường thuật trực tuyến trên báo Sài Gòn Tiếp Thị Online (sgtiepthi.vn).

Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian?” có sự góp mặt của ông Trần Xuân Phú – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại & Hội chợ triển lãm Cần Thơ; ông Trần Minh Hùng – Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn; ông Đoàn Hữu Đức – Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam (Vietam Consulting Group – VCG); bà Trần Thị Hoàng Anh – Phó giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch thành phố Cần Thơ; bà Nguyễn Kim Cương – Phó giám đốc Siêu thị Co.op Mart Cần Thơ; bà Phạm Thị Mỹ Hạnh – Đại diện Làng Bột Sa Đéc; ông Vũ Thống Nhất – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ cùng đông đảo nghệ nhân làm bánh dân gian, các doanh nghiệp tham gia Lễ hội Bánh Dân gian lần 8; đại diện các Sở, Ngành TP. Cần Thơ; đại diện thầy cô giáo và sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ, Đại học Hoa Sen, Đại học Tây Đô, Đại học Võ Trường Toản và đại diện các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương Cần Thơ.

Tọa đàm Thị trường nào cho bánh dân gian diễn ra tại Cần Thơ ngày 16-04-2019. Ảnh: T.Chánh

09:00
Thay mặt Ban tổ chức, phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Minh Hùng – Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho biết trong bốn ngày qua, đã có hàng trăm nghìn lượt du khách đến với Cần Thơ để trải nghiệm văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam, cụ thể là đặc sản bánh dân gian. Điều này chứng tỏ gần 100 sản phẩm bánh của bà con bốn dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm của vùng đất Nam bộ vẫn được rất nhiều người ưa thích.

Tuy nhiên, do đặc điểm nhiều loại bánh dân gian liên quan đến nguyên liệu tươi, chế biến thủ công, không sử dụng chất bảo quản, bao bì tạm… nên việc tiêu thụ các sản phẩm độc đáo này phần lớn chỉ thu hẹp ở thị trường nhỏ lẻ, ngắn ngày, kiểu “trong nhà ngoài chợ” hoặc tham gia lễ hội như Lễ hội lần này, chứ chưa vào được nhiều trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu.

Ông Trần Minh Hùng – Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: TC

“Nhằm góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm bánh dân gian uy tín ở Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, qua đó góp phần bảo tồn nghề truyền thống và nâng thu nhập cho người làm bánh dân gian, tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian” được mở ra, thu hút các chuyên gia tư vấn, nhà quản lý, nghệ nhân làm bánh, các doanh nghiệp, đại diện ngành du lịch, thầy cô giáo, các bạn sinh viên cũng như các nhà báo có mặt và cùng trao đổi trong buổi sáng hôm nay”, ông Trần Minh Hùng nhấn mạnh ý nghĩa của buổi tọa đàm.

09:10

Tiếp lời khai mạc của ông Trần Minh Hùng, ông Đoàn Hữu Đức – Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam (Vietam Consulting Group – VCG) chia sẻ về điều kiện cần và đủ để mở thị trường bánh dân gian.

Theo ông Đoàn Hữu Đức, bánh dân gian len lỏi từ miền quê sông nước đến hang cùng ngõ hẻm mọi đô thị đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Việt ở TPHCM và các tỉnh thành miền Tây. Bánh dân gian là một phần của ẩm thực đường phố Việt Nam, là điểm đến của các tour tuyến du lịch, ngoài phong cảnh và công trình văn hóa. Tuy nhiên trên thực tế, việc để chiếc bánh dân gian Nam Bộ được bước ra thị trường rộng lớn hơn hay cụ thể là vào được khách sạn 5 sao, hệ thống siêu thị hiện nay đang vướng nhiều trở ngại.

Ông Đoàn Hữu Đức – Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Cty Tư vấn Việt Nam (Vietam Consulting Group – VCG). Ảnh: T.Chánh 

“Trở lực thứ nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề về truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng, giấy phép kinh doanh, mã số thuế… đều là những thách thức lớn cho các nghệ nhân địa phương từ các làng nghề hay các hộ kinh doanh cá thể. Vấn đề sâu xa hơn là cam kết cung ứng về sản lượng và chất lượng đều đặn”, ông Đức nói.

Bên cạnh đó, hai thách thức rủi ro mà các nhà làm chính sách cần quan tâm là mang bánh dân gian vào kênh hiện đại là chỉ mang được phần “xác” nhưng mất phần “hồn”. Bởi siêu thị là sân chơi của các nhà công nghiệp, trong khi đó, chỉ có các gia đình có truyền thống làm bánh dân gian mới hiểu hết cái hồn của món bánh và yêu quý nghề gia truyền, kinh doanh vì lòng tự hào của dòng họ. “Hãy hỗ trợ và bồi dưỡng cho họ học hiểu các kiến thức kinh doanh và kỹ thuật cần thiết để họ tự thành công. Vì đã mang tên là bánh dân gian, mà không mang thương hiệu của gia đình”, ông Đức nói thêm. Ông Đức cũng nhắc lại câu chuyện về nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp và cho rằng nếu những người có trách nhiệm không nhanh tay hỗ trợ bánh dân gian phát triển thì có thể thị trường này sẽ lặp lại câu chuyện nước mắm.

Khép lại bài tham luận với lời khẳng định, thị trường tương lai cho bánh dân gian chính là thị trường quốc tế, khi bánh dân gian cần được xuất khẩu cả “hồn” lẫn “xác”, ông Đức bày tỏ kỳ vọng những chiếc bánh ngon và sạch, trình bày đẹp, công thức gia truyền, các câu chuyện về bánh, về người làm bánh, về vùng đất quê hương của bánh hồn hậu… sẽ khẳng định được vị trí trong lòng du khách.

09:15

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh – Đại diện Làng Bột Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nơi chuyên cung cấp nguyên liệu cho nhiều loại sản phẩm bánh dân gian nổi tiếng của Nam bộ và cả nước giới thiệu trước tọa đàm về truyền thống 100 năm hình thành và phát triển của làng nghề này.

Bà Hạnh cho biết, chiếc bánh ngon bắt nguồn từ nguyên liệu bột. Sa Đéc là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với vị trí địa lý nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Dòng nước sông này khi kết hợp với hạt gạo của đồng bằng sông Cửu Long đã tạo nên bột Sa Đéc trắng, mịn, nhuyễn, dẻo, thơm. Làng bột Sa Đéc được hình thành và phát triển hơn 100 năm nay bởi những người dân chịu thương, chịu khó bám nghề, có những gia đình đã trải qua 3-4 đời làm nghề.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh – đại diện Làng bột Sa Đéc chia sẻ truyền thống 100 năm hình thành và phát triển của làng nghề. Ảnh: T.Chánh

Quy trình sản xuất bột gạo thủ công gồm nhiều bước nguyên liệu (tấm gạo) ngâm, rửa, xay, tách nước, đánh tơi, lắng tách bã, sữa tinh bột, lắng tinh bột, bột ướt, phơi (sấy), bột khô. Hiện tại, có 94,98% cơ sở sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống, còn lại sản xuất theo phương pháp mới được cải tiến trên cơ sở quy trình sản xuất truyền thống và được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương.


Theo thống kê, hàng năm, với hơn 400 hộ, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm sau gạo, nghề làm bột cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước trên 50.000 tấn bột các loại, gồm bột ướt và bột khô, có trên 70 sản phẩm được chế biến sau bột như hủ tiếu, phở, bột bánh xèo, nui,… giải quyết được trên 2.000 lao động. Kèm theo đó, làng nghề này cũng tạo được nguồn phụ phẩm để phục vụ cho việc chăn nuôi lợn tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho trên 1.000 lao động tại địa phương.

Từ hai nguyên liệu chính là bột gạo ướt và bột gạo khô, các mặt hàng đóng gói từ bột gạo trên thị trường hiện nay rất đa dạng và phong phú, là nguyên liệu chính để chế biến ra các loại bánh dân gian Việt Nam, cùng nhiều loại sản phẩm mới như: bún, bánh hỏi, phở tươi, hủ tiếu truyền thống… Ngoài ra, làng bột không ngừng sáng tạo ra các loại sản phẩm mới, thân thiện với môi trường như ống hút bằng bột gạo, nhuộm màu từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như lá rau dền, củ dền, mè đen…

Nói về chiếc bánh dân gian Nam bộ, bà Hạnh nhấn mạnh ý kiến: “Trong bối cảnh thực phẩm độc hại, kém chất lượng đang tràn lan đến mức báo động, các thực phẩm chế biến phát triển mạnh mẽ trên thị trường thì việc được trực tiếp thưởng thức những chiếc bánh dân gian mang đậm hồn dân tộc, từ chính những người dân chân chất, khéo léo, là một trong những hoạt động thú vị trong xu hướng phát triển du lịch của thế giới hiện nay”. Đây cũng chính là lý do khu ẩm thực làng bột Sa Đéc ra đời cách đây hơn một năm được bà con khắp nơi, đặc biệt là du khách nước ngoài ủng hộ nồng nhiệt, bà Hạnh nói thêm.

Bà Hạnh cho biết, sắp tới, làng bột Sa Đéc sẽ đầu tư thêm để mở rộng nhiều hoạt động khác như: mở các buổi chuyên đề, các khóa học ngắn hạn và dài hạn hướng dẫn làm các loại bánh dân gian từ bột, các cuộc thi ý tưởng về các sản phẩm sau bột, các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tìm hiểu về làng nghề truyền thống… để các loại bánh dân gian không bị mai một và lãng quên.

Cụ thể, năm 2017, Hội quán làng bột Sa Đéc được thành lập. Đây là mô hình mới được tỉnh Đồng Tháp triển khai, người dân làng nghề tự nguyện liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Hội quán không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa người dân với nhau hay giữa người dân với chính quyền, mà còn đóng vai trò là cầu nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Hội quán cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân mua nguyên liệu, kí hợp hợp đồng với các nhà máy xay xát, chế biến gạo trên địa bàn, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu sạch và tại chỗ nhằm góp phần gián tiếp vào phát triển nông nghiệp địa phương.

Hiện chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; làm tốt công tác thông tin và dự báo thị trường cho người sản xuất. Trong đó tập trung ưu tiên phát triển thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu hiện tại bên cạnh việc phát triển thị trường mới; đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, tham quan, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực làng bột. Các doanh nghiệp cũng tích cực giới thiệu sản phẩm làng bột tại các kỳ hội chợ thương mại – công nghiệp, du lịch… trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.

09:25

Ông Vũ Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ: Đưa văn hóa bánh dân gian tiếp cận thị trường

Chia sẻ trước tọa đàm về “hồn cốt của sản phẩm bánh dân gian Nam bộ” là phần trình bày của ông Vũ Thống Nhất. Ông Vũ Thống Nhất cho biết, ẩm thực dân gian tức là cách thức ăn uống của từng vùng, từng làng xóm được bắt rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, cộng đồng dân tộc địa phương.

Ông Vũ Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ

Bánh dân gian Nam bộ ra đời do nhu cầu cuộc sống, lao động và sản xuất của cư dân châu thổ, là sự kết hợp giữa những tấm bánh của cố hương được phát huy vô cùng sáng tạo, thích hợp với vùng đất mới; được làm ra từ hạt gạo, trái cây vườn nhà. Vì vậy nó mang hương vị rất riêng, tạo nên nét văn hóa ẩm thực mới, ẩm thực phương Nam rồi được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ cư dân Nam bộ.

Ông Vũ Thống Nhất đưa ra nhận xét, nét độc đáo của bánh dân gian Nam bộ đến từ nguồn nguyên liệu dồi dào, mang tính “riêng có”, “độc quyền” được khai thác tại chỗ của châu thổ Cửu Long, khiến cho tấm bánh Nam bộ mang sắc thái riêng, hương vị ngọt ngào riêng.

Ngoài ra, chiếc bánh còn thể hiện sự sáng tạo của người nghệ nhân, vừa giữ được “hồn cốt” tấm bánh nơi cố hương, vừa thích nghi với cách sống, cách sinh hoạt, khí hậu, phong thổ… trên vùng đất mới. Ví dụ như chiếc bánh chưng theo chân lưu dân hành phương Nam đã đổi thay hình dạng, kích thước dù nguyên liệu vẫn là gạo nếp, thịt heo, đậu xanh với biến thể bánh tét lá cẩm, bánh tét nhân dừa, nhân chuối; hay cả trăm loại “nước chấm”, mỗi loại chỉ phục vụ cho một loại bánh được sinh ra từ bàn tay tài hoa của người phụ nữ Nam bộ…

Chia sẻ về cách thức để bánh dân gian tiếp cận thị trường, ông Thống Nhất đưa ra những gợi ý về giải pháp như sau:


Bản đồ bánh dân gian Nam bộ: Theo ông Thống Nhất, trong bối cảnh thị trường hiện nay, vấn đề “thật, giả” các loại sản phẩm, trong đó có các loại bánh dân gian là điều khó tránh khỏi. Vậy nên, việc nhận diện, chọn lọc, đánh giá, phân loại, tìm ra những loại bánh (cùng cơ sở sản xuất) có tiềm năng, có thể đưa ra thị trường, sau đó hỗ trợ những cơ sở này định danh thành thương hiệu vững vàng là điều rất cần thiết. Ngoài ra, việc phát hiện và tôn vinh các nghệ nhân, hoặc thông qua các kỳ Lễ hội bánh dân gian Nam bộ, chọn ra 2-3 “địa chỉ đỏ” đạt các tiêu chí từ một Hội đồng có chuyên môn, có uy tín để trao bằng công nhận và gắn biển ngay tại cơ sở sản xuất sẽ góp phần xây dựng được “Bản đồ bánh dân gian Nam bộ”.

Tổ chức tốt công tác truyền thông (đa phương tiện): giới thiệu rộng rãi cho cộng đồng hiểu và biết rõ hơn về các loại bánh dân gian Nam bộ.

Thổi hồn vào tấm bánh quê hương: Bánh dân gian Nam bộ bình dị, chân quê, nhuần nhuyễn truyền thống, đó là thế mạnh, đặc biệt trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nó giúp gợi nhớ ký ức một thời cha ông đi mở cõi, là cơ hội để người già tìm về hoài niệm, người trẻ và bạn bè gần xa có cơ hội tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc. “Chắc chắn, bánh dân gian Nam bộ sẽ đi xa hơn nếu mọi người đồng lòng chăm sóc”, ông Thống Nhất khẳng định.

09:35

Bà Nguyễn Kim Cương: “Đưa sản phẩm bánh dân gian vào hệ thống siêu thị”.
Tiếp lời ông Vũ Thống Nhất, đại diện siêu thị Co.opMart Cần Thơ, bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Cần Thơ chia sẻ trước tọa đàm bài toán khó của người sản xuất, nghệ nhân và doanh nghiệp về việc “Đưa sản phẩm bánh dân gian vào hệ thống siêu thị”.

Mở đầu bài phát biểu, bà Nguyễn Kim Cương nhận định, bánh dân gian đa dạng về hình thức, phong phú, thơm ngon, hấp dẫn, mang đậm bản sắc dân tộc, luôn thu hút khách hàng, đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì thế, Lễ hội Bánh dân gian luôn là cơ hội để quảng bá hình các loại bánh đặc trưng của vùng đất và con người Nam bộ, góp phần phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của người dân Nam bộ.

Bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Cần Thơ

“Về phía Co.opmart Cần Thơ, chúng tôi đã và đang kinh doanh một số loại bánh dân gian Nam bộ đặc trưng như bánh chuối, bánh mặn, bánh bò, bánh da lợn, bánh bột báng, bánh gai, xôi, chè các loại….. từ những nguyên vật liệu chất lượng của các nhà sản xuất uy tín, với quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã thu hút được lượng khách hàng nhất định, vốn rất hài lòng và yêu thích các loại bánh truyền thống”, bà Kim Cương nói.

Theo bà Kim Cương, để góp phần quảng bá các sản phẩm là bánh dân gian Nam bộ, cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa, tạo ra nhiều sân chơi không chỉ quảng bá các loại bánh dân gian Nam bộ mà còn là nơi để các nghệ nhân chia sẻ kinh nghiệm trong nghề, nhằm đưa các sản phẩm bánh dân gian Nam bộ từng bước tiếp cận, phát triển ra khu vực, xuất khẩu ra các quốc gia lân cận.

Phần thảo luận

Tiếp nối phần trình bày báo cáo và tham luận của các diễn giả, tọa đàm “Thị trường nào có bánh dân gian” tiếp tục ghi nhận những ý kiến xoay quanh chủ đề này từ các nghệ nhân.

Đầu tiên là ý kiến của nghệ nhân Phan Kim Ngân (Bảy Muôn), người biết làm 50 loại bánh dân gian Nam bộ và đang phục vụ cho hàng trăm lượt du khách đến với Cồn Sơn mỗi ngày.

MC: “Thưa chị Bảy Muôn, vì sao chị và các hộ gia đình ở Cồn Sơn đang tính mở Phiên chợ bánh dân gian ở Cồn Sơn? Chị có đề xuất gì với chính quyền địa phương hay không?”.

Nghệ nhân Bảy Muôn: Theo nghề bánh từ truyền thống gia đình, tiệm bánh của tôi được khách ưu ái yêu thích vì chiếc bánh đậm đà, mang đúng hương vị ngày xưa. Khách nhắn nhủ hãy luôn cố gắng giữ nguyên chất liệu và hương vị này. Đó là lý do tôi quyết định mở Phiên chợ bánh dân gian Cồn Sơn để chia sẻ cùng các chị em.

Nghệ nhân Bảy Muôn

Tôi mong muốn địa phương hỗ trợ thêm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm đầu ra và hỗ trợ quảng bá.

Tiếp theo là câu hỏi dành cho nghệ nhân Trương Thị Chiều, người nổi tiếng với thương hiệu bánh dân gian Cô Chín Bình Thủy.

MC: “Xin hỏi chị Chín, qua nghe các ý kiến từ sáng tới giờ, theo chị, cần làm gì để đưa được bánh dân gian, như hàng chục loại bánh mà gia đình chị làm và bán mỗi ngày, đi xa hơn, như vào siêu thị hoặc xuất khẩu chẳng hạn?”.

Nghệ nhân Trương Thị Chiều

Nghệ nhân Trương Thị Chiều: Mẹ chồng tôi làm bánh dân gian 45 năm và hiện nay tôi là người kế thừa. Là người trực tiếp làm và bán mỗi ngày, đi xa hơn, như vào siêu thị hoặc xuất khẩu chẳng hạn. Muốn đi xa hơn trong thị trường bánh dân gian, tôi nghĩ cần giữ được hồn quê, đồng tâm hiệp lực giữ hồn quê hương từ chiếc bánh. Điều quan trọng là bánh làm bằng tay nhưng vẫn phải giữ được vệ sinh, nhưng vẫn giữ được đúng hương vị truyền thống của chiếc bánh. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng nếu có tâm huyết và tình cảm thì chiếc bánh dân gian miền Nam sẽ ngày càng đi xa hơn.

MC: Câu hỏi dành cho cô giáo, nghệ nhân Huỳnh Thị Kim Ngân (Trà Vinh), chuyên gia về màu sắc thiên nhiên, nhận giải thưởng về Khởi nghiệp Sáng tạo năm 2018 đó là “Chị chuyên làm bánh có màu tự nhiên. Vậy thời gian tới chị sẽ nhắm vào thị trường nào là chính?”.

Nghệ nhân Huỳnh Thị Kim Ngân

Nghệ nhân Huỳnh Thị Kim Ngân (Trà Vinh): Tôi có 17 năm làm ở Đại học Trà Vinh và bắt đầu theo đuổi tạo màu bánh tự nhiên một năm nay sau khi tôi nhìn thấy con cháu của mình ăn đá bào làm từ màu hóa học trước cổng trường và thấy thật sự đau lòng. Nỗi đau về màu hóa học đã thúc đẩy tôi tìm tòi, sử dụng màu tự nhiên. Tôi bày ra tiệm kem và tiệm bánh dùng màu tự nhiên. Bắt tay vào việc “đưa màu tự nhiên” vào trong bánh, tôi chính thức nghỉ việc ở ĐH Trà Vinh. Khát khao chia sẻ kinh nghiệm cho người đi sau, lan tỏa màu tự nhiên thay thế màu hóa học. Từ đó tôi đã tìm đến màu của các loại hoa.

Hiện Trà Vinh đã có một trang trại hoa đậu biếc với sản lượng 1 tấn hoa tươi trong 1 tháng, đây là một khởi đầu vô cùng lạc quan. Là nhà giáo và người có tâm huyết với màu tự nhiên, tôi mong tìm được thị trường cho bánh dân gian có màu tự nhiên đồng thời có sân chơi cho các bạn trẻ tìm tòi và trải nghiệm.

Món nước uống trà sữa hoa đậu biếc được giới thiệu đến tọa đàm bởi nghệ nhân Kim Ngân.

Ông Mai Quyết Thắng, giảng viên Khoa thiết kế và nghệ thuật Đại học Hoa Sen, TPHCM đại diện nhóm sinh viên tham gia tọa đàm góp ý rằng những người làm bánh dân gian muốn tìm thị trường cho sản phẩm của mình cần chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Ông Mai Quyết Thắng

Bản thân người trẻ hiện nay rất thích và ủng hộ bánh có màu tự nhiên. Đây là xu hướng chung mà mọi người đang hướng đến. Ngoài ra, vấn đề bảo vệ môi trường khi nói không với túi nilon, giấy kiếng, chất thải nhựa… cũng là một vấn đề đang được quan tâm. Theo thầy Mai Quyết Thắng, rào cản để phát triển thương hiệu của bánh dân gian là việc xây dựng giá trị thương hiệu để giữ chân thực khách, trong đó, cần lưu ý vấn đề thương hiệu cá nhân. Ngoài ra, việc nghiên cứu thị hiếu về màu sắc, hương vị, thiết kế logo, bao bì, kênh phân phối… cũng là yếu tố giúp nghệ nhân thành công hơn.
Ông Thắng đưa một ví dụ thương hiệu theo hướng quá cá nhân như bánh xèo Mười Xiềm đang dần bị phai mờ.

Nghệ nhân Chín Bình Thủy, gắn liền với thương hiệu bánh cá nhân Chín Bình Thủy đáp lời thầy Mai Quyết Thắng: Theo tôi, thương hiệu Mười Xiềm đã bán thương hiệu đi và người mua lại thương hiệu lại tiếp tục bán cho người khác nên mới dẫn đến việc phai mờ thương hiệu. Theo tôi, người làm bánh với mong muốn giữ được hồn bánh dân tộc sẽ khác rất nhiều với người muốn kinh doanh để bán thật nhiều bánh. Tôi cho rằng đây là điều mấu chốt quyết định tuổi thọ của một thương hiệu bánh dân gian.

Bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc siêu thị Co.op Mart Cần Thơ, tiếp lời về thị trường cho bánh dân gian. Tiêu chuẩn đưa bánh vào siêu thị đơn giản chứ không rắc rối. Theo quy định Nhà nước, để đáp ứng chất lượng sản phẩm cần có những khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất xem trang thiết thị có đáp ứng quy định bộ ngành hay không, các chỉ tiêu kiểm định Sinh hóa – Hóa lý, chỉ tiêu cảm quan về mùi, màu sắc, hương vị… Bà Cương cho rằng quan trọng là xác định cung đường vận chuyển như thế nào để bảo quản chất lượng, do bánh làm theo phương án thủ công thường mang tính ngắn ngày, dễ hư. Đây là điều nhà cung cấp nên quan tâm, bà Cương nói.

Tham dự tọa đàm, anh Hà Minh Thông – Phó chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ anh có tham gia lễ hội bánh, tuy nhiên khi mua bánh đem về cho gia đình ở Đồng Tháp cách Cần Thơ khoảng 2 tiếng thì bánh không sử dụng được nữa vì bị chua. Do vậy, anh Thông cho rằng việc bảo quản sản phẩm là rất quan trọng trong hành trình đưa bánh dân gian đi xa hơn. Hiện nay, bánh chưng, bánh tét có thể hút chân không để bảo quản lâu hơn, thiết nghĩ các chuyên gia nên ngồi lại tìm giải pháp cho các bánh khác.

Anh Hà Minh Thông 

Hiện nay bánh dân gian chủ yếu chỉ bán nhỏ lẻ tại chợ, tôi nghĩ nên đưa vào các trạm dừng chân hoặc kết hợp trường ĐH Cao đẳng để mở các quầy bánh. Ví dụ như trường ĐH Nam Cần Thơ có 12.000 sinh viên là một thị trường tiềm năng cho bánh dân gian.
Câu hỏi dành cho ông Đoàn Hữu Đức: Bốn ngày qua, gian Buffet bánh dân gian của ông luôn đông khách tại Lễ hội này. Bánh thì ông lấy từ các nghệ nhân như của Cô Chín Bình Thủy, còn người bán thì là các bạn trẻ khởi nghiệp. Vậy sao anh không mở hẳn một gian hàng Buffet bánh dân gian như mô hình này ở Cần Thơ để sản phẩm này thêm rộng đường phát triển?

Ông Đoàn Hữu Đức – Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam (Vietam Consulting Group – VCG): Gian hàng buffet bánh tại lễ hội là bước thử nghiệm với mong muốn mang bánh dân gian từ Cần Thơ lên TPHCM, trước khi ra thế giới. Tôi rất hy vọng sẽ có lễ hội bánh dân gian Nam Bộ tại chân Cầu Ánh Sao, Quận 7 TPHCM có sự tham gia của các anh chị nghệ nhân đang ngồi đây. Tôi muốn chia sẻ với mọi người hôm nay về thương hiệu. Mang bánh đi xa thì dễ nhưng mang hồn bánh đi xa thì khó. Nếu như bánh tét hút chân không mang đi xa được rất vui, tuy nhiên nếu bọc nilon vào thì còn gì là môi trường nữa? Trở lại với thương hiệu bánh cá nhân, nghệ nhân còn thì bánh còn, nghệ nhân mất đi chưa chắc thương hiệu đã mất. Bộ nhận diện thương hiệu thì có, nhưng bộ nhận diện chất lượng mới quan trọng, mới là điều đưa bánh dân gian đi xa.

Đáp lời những góp ý, đại diện một cơ quan truyền thông, ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, để một thương hiệu bánh dân gian phát triển cần 3 yếu tố: Tinh thần, hay còn gọi là “hồn” của chiếc bánh; Kỹ thuật làm và bảo quản bánh; yếu tố thị trường, đó là cần xác định được sản phẩm phục vụ đối tượng nào. Ngoài ra, muốn xây dựng một thương hiệu bánh thành công cần chú ý đến mối quan hệ với công cụ truyền thông báo chí. Nghệ nhân nên làm bạn cùng truyền thông cũng là công cụ chuyển tải thông tin đến với cộng đồng. Ông Hùng nhấn mạnh nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn luôn tự nguyện làm bạn, sát cánh cùng các nghệ nhân, các nhà sản xuất bánh dân gian vì sự phát triển chung của sản phẩm mang hồn dân tộc này.

Sau những ý kiến, đóng góp được bàn luận sôi nổi cho câu chuyện mở rộng thị trường cho các sản phẩm bánh dân gian uy tín ở Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công thương Thành phố Cần Thơ, phát biểu kết thúc buổi Tọa đàm. Ông Nguyễn Minh Toại cho biết, với hoạt động và chủ đề được đề ra “Thị trường nào cho bánh dân gian” cho thấy có rất nhiều mong muốn lẫn rào cản khiến bánh dân gian khó phát triển xa hơn, rộng hơn.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Cần Thơ, phát biểu tổng kết

Phía cá nhân tôi, từng tham gia nhiều lần lễ hội bánh dân gian, tôi có nhận định như sau: Thị trường bánh dân gian nội địa rất mạnh, nhưng xuất khẩu yếu, do thời gian bảo quản không lâu khiến bánh hư hỏng. Thị trường nội địa với chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích, khách sạn, bữa ăn điểm tâm, bánh ở khu vực đông người cho học sinh sinh viên… là thị trường chủ yếu của bánh dân gian hiện nay. Bánh dân gian mang đặc điểm vùng miền, mỗi vùng sẽ ưa chuộng một loại bánh khác nhau. Người làm bánh dân gian đòi hỏi phải có tâm, có hồn. Với thị trường xuất khẩu, bánh dân gian hiện nay có xuất hiện ở thị trường nước ngoài, tuy nhiên, không phải do từ Viêt Nam xuất sang mà do bà con sản xuất tại chỗ. Bánh làm buổi sáng đến chiều là thua, chỉ có bảo quản được ngắn ngày như bánh tráng Sa Đéc đã đến Mỹ, các loại bánh, hủ tiếu, phở. Những người làm bánh cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, chúng ta cần thay đổi tập quán về vệ sinh an toàn thực phẩm nếu muốn tiếp cận khách nước ngoài hay xuất khẩu; để chinh phục nhiều khách hàng hơn cần chú ý về khẩu vị, chẳng hạn bánh ở Cần Thơ quá ngọt, trong bối cảnh mọi người đang hướng đến xu hướng ăn uống lành mạnh.

Về mặt truyền thông, vai trò của báo đài cần được tiếp tục mở rộng và phát triển ổn định. Sau 8 năm thực hiện, báo đài đã góp phần giúp Cần Thơ được nhớ đến với Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, giống như Đà Nẵng gắn với pháo hoa. Tôi nhấn mạnh, bánh dân gian của chúng ta có thể đến quốc tế, nhưng phải kèm theo yếu tố con người, chúng cần tính toán xây dựng một chuỗi khép kín từ xây dựng, đào tạo con người, đến việc tính toán về nguyên liệu, thị trường… phục vụ việc đưa chiếc bánh dân gian đi xa.
Về vấn đề xây dựng thương hiệu: cần chú trọng hơn vấn đề xây dựng và mở rộng thương hiệu để đưa chiếc bánh dân gian Nam Bộ đi xa hơn, tốt hơn.

Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian” đã khép lại thành công, mang đến cái nhìn toàn cảnh cho mục tiêu mở rộng thị trường bánh dân gian Nam bộ, góp phần bảo tồn nghề truyền thống và nâng cao thu nhập cho các nghệ nhân giữ lửa cho nghề.

Nhóm PV SGTT Online

* Đã đăng Báo SGTTO 16-4-2019:

* Mời xem thêm:

Trang ĐBSCL Báo Tuổi Trẻ + một số Đài TH khác cũng đã đưa tin về Tọa đàm này.
Riêng Đài TH Hậu Giang, làm riêng 3 phóng sự xoay quanh Tọa đàm 16-4.