Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Về Cồn Sơn thưởng thức bánh trái nhà vườn


Huỳnh Kim



 (SGTT) – Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nằm giữa sông Hậu, cách bến Ninh Kiều hơn 10km. Chỉ cần 10 phút qua đò máy từ bờ Bình Thủy, ghé thăm bè cá Bảy Bon nửa giờ đồng hồ rồi đổ bộ lên cồn, bạn sẽ có nửa ngày tham gia tour du lịch sinh thái cộng đồng, thưởng thức những món đặc sản nhà vườn khó quên.

Trên bè cá Bảy Bon gần Cồn Sơn. 

Hướng dẫn tour bữa đó, chị Út Hiền cứ nhắc khách Sài Gòn, “Nhớ đừng cho ai-phôn tắm sông nhé!”. Là vì mọi người cứ lăng xăng trên bè cá Bảy Bon để ghi hình cảnh mấy con cá sặc đang phun nước thành tia cao cả thước để… bắt mồi, không khéo sẽ làm rơi điện thoại xuống sông. Cảnh cá sặc phun nước là “đặc sản” giúp chủ bè cá bán được các sản phẩm cá thác lác nuôi tại đây cho du khách. Chị Út Hiền nói, nó như “món khai vị” trước khi khách ghé thăm Cồn Sơn.


Lên tới cồn, theo chân chị Út, khách ghé hết nhà vườn này tới nhà vườn khác trong bóng mát vườn cây trái xanh um. Thích thì ăn trái cây giữa vườn. Mệt thì đu đưa võng nghe chim chóc líu lo. Hết vườn nhãn lại ghé vườn bưởi, vườn ổi, vú sữa, chôm chôm, mận, mít… tùy mùa. Rồi thưởng thức bánh dân gian. Lại thêm món “cá lóc bay”. Tới trưa, có sẵn bữa trưa ngay giữa vườn nhà.


Bà Sáu Cứng trong vườn vú sữa giữa Cồn Sơn. 

Hơn 100 hộ dân sống trên cái cồn rộng khoảng 70ha đất đai màu mỡ này, bà con làm vườn là chính; từ năm 2014 làm thêm du lịch cộng đồng, có nhà mở homestay. Ai cũng cố gắng trồng cây trái sạch, giữ nếp nhà truyền thống, tình làng nghĩa xóm không khác xưa. Vườn này bước qua vườn kia hầu như không rào chắn. Bánh trái, món ngon mỗi nhà có thể đem qua tiếp cho nhau nếu du khách có nhu cầu. Thu nhập thì chia cho nhau theo giá trị sản phẩm của mình. Có gì mâu thuẫn, có các tổ hợp tác của các hộ gia đình giải quyết.

Ông Bảy Muôn nuôi ong trong vườn nhãn giữa Cồn Sơn. Ảnh: Huỳnh Kim 


Hôm đó, chưa tới mùa, chúng tôi dạo vườn nhãn chụp ảnh, xong qua vườn vú sữa của bà Sáu Cứng. Giữa vườn, cả đoàn làm một bụng vú sữa ngon lành do chính tay cô Sáu hái xuống xẻ ra. Có bạn đặt mua liền năm kí, hẹn trưa nhận tại bến đò. Lại thả bộ qua vườn ổi Thành Tâm, nhâm nhi… ổi chấm muối ớt, chơi với “cá lóc bay”. Có trò này là nhờ chủ vườn huấn luyện cá từ nhỏ, giờ khách chỉ cần gõ vào cái dĩa nhôm xong tung thức ăn xuống đìa là đàn cá lóc “bay” lên khỏi mặt nước cả mét để tranh mồi. Cảnh này mới chỉ thấy ở Cồn Sơn.

Cây trái chán, chị Út đưa đoàn ghé nhà bà Bảy Muôn gần đó. Trước cửa nhà gắn tấm biển ghi tên con trai: “Nhà vườn Công Minh – chuyên bán bánh dân gian”. Ông Bảy đang lấy mật từ đàn ong nuôi trong vườn nhãn sau nhà. Bà Bảy đon đả mời khách thưởng thức bữa tiệc bánh dân gian do chính tay bà làm. Bà Bảy làm được 50 loại bánh dân gian Nam bộ.

Nguyên liệu đều từ nguồn xanh sạch, giữ hương vị “ngày xưa”, như bà nói: “Ngày xưa ông bà dạy làm thế nào thì bây giờ tôi cũng làm y như vậy. Tôi làm bánh cho khách ăn giống như làm cho người trong nhà ăn”. Bữa đó, bà mời khách thưởng thức tiệc “búp phê” với một xề tre lót lá chuối bài trí bảy món bánh bò, bánh đúc, bánh chuối, bánh da lợn, bánh khoai mì, bánh bột lọc, bánh kẹp với đủ màu sắc hấp dẫn. Ăn bánh kèm ly nước sâm giải nhiệt. Khách muốn thử tài nướng bánh kẹp, đổ bánh khọt… đã có sẵn nguyên liệu và bếp lửa than với người hướng dẫn ngay ở gian bếp. Trưa hôm đó, khách tạm biệt ông bà Bảy với một túi bánh đem theo cùng mấy chai mật ong vườn nhà, giá 200.000 đồng/chai 500ml.

Bánh khọt của bà Bảy Muôn trên Cồn Sơn. 

Khách thử nướng bánh kẹp trong nhà bà Bảy Muôn trên Cồn Sơn.

Gần trưa, rời nhà bà Bảy Muôn, lội bộ một lúc đã nghe bụng đói. Chị Út liền “alô” chị Ba Phước đặt bữa trưa. Chừng nửa giờ sau, bữa trưa với cá tai tượng chiên xù, cháo gà xé phay, cá lóc nướng trui đã bày ra bên ao sen, giữa khu vườn rộng đầy tiếng chim và bóng cây mát rượi. Chị Ba Phước mở homestay, đón khách nghỉ qua đêm với giá… Cồn Sơn, như chị nói: “10 đô khách Tây, hai trăm ngàn khách Việt”.

Trưa hôm đó, vừa ra lại bến đò, đã có người đón giao mấy bịch vú sữa nhà Cô Sáu như đã hẹn. Xuống đò, chị Út Hiền tiễn khách với lời dặn nhớ quay lại Cồn Sơn. Mọi người tạm biệt Cồn Sơn mà dường như lưu luyến, quên chuyện giá cả.

Nia bánh dân gian 7 món của bà Bảy Muôn trên Cồn Sơn. Ảnh: H.Kim 

Cho nên giờ kể lại chuyện này, tôi đành phải gọi hỏi lại chị Út Hiền để ghi cho chính xác: “Nhãn, vé 20.000 đồng/người ăn tại vườn; mua đem về: nhãn da bò nhà Năm Minh, 20.000 đồng/kg; nhãn I-đo nhà Hai Minh, 25.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng nhà Tám Phúc, 50.000 đồng/kg. Chôm chôm nhà Năm Phước: vé 15.000 đồng ăn tại vườn; mua đem về 20.000 đồng/kg. Bưởi năm roi, bưởi đường nhà vườn Phương My: vé 15.000 đồng ăn tại vườn; mua đem về, 30.000 đồng/kg. Ổi và cá lóc bay nhà Thanh Tâm: vé 20.000 đồng/người. Vú sữa Cô Sáu: vé 20.000 đồng; mua về, 35.000 đồng/kg. Bánh dân gian nhà Bảy Muôn: vé 30.000 đồng/phần; 15.000 đồng/người ăn tại nhà. Cơm nhà chị Phước: tùy món, cá 180.000 đồng/kg, gà 200.000 đồng/kg… Vé đò: 15.000 đồng/chuyến”.

* Đã đăng Báo SGTTO 20-4-2019:

Không có nhận xét nào: