Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Hậu Giang kêu gọi hiến kế phát triển tỉnh nhà

Huỳnh Kim

Thứ Sáu,  23/4/2021, 16:24 

(KTSG Online) - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, ông Lê Tiến Châu, nhân dịp kỷ niệm 46 năm thống nhất đất nước (30-4-1975), vừa gửi thư đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Hậu Giang, kêu gọi hiến kế để Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

 

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hâu Giang (giữa) tại Hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” ngày 8-3-2019, do TBKTG, HGTV và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức. Ảnh: Huỳnh Kim

Trong lá thư điện tử hai trang phát hành sáng ngày 23-4, gửi “các đồng chí cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Hậu Giang”, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, cho biết 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Trong bối cảnh đó, Hậu Giang vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình hình biến đổi khí hậu, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, các loại dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; nguồn nhân lực còn yếu, thiếu lao động chất lượng cao. Ngoài ra, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang có biểu hiện ỷ lại, tư duy và hành động theo lối mòn, ngại đổi mới sáng tạo và thiếu niềm tin và khát vọng xây dựng quê hương”.

Theo ông Châu, thực tế, khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước mà là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên của những con người có bản lĩnh và giàu trí tuệ, làm cho kết quả đạt được trở nên tốt đẹp hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn.

“Vì mục tiêu chung, xây dựng Hậu Giang giàu đẹp, văn minh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tôi đề nghị các đồng chí cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, từng đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành và địa phương nghiên cứu, hiến kế ý tưởng, những giải pháp mới, mang tính đột phá, tầm cỡ địa phương, khu vực mà tỉnh cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 thuộc lĩnh vực các đồng chí đang phụ trách, nhất là những giải pháp thực hiện nhiệm vụ đột phá về quy hoạch, hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; quan tâm đóng góp những vấn đề lớn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”, Bí thư tỉnh Hậu Giang kêu gọi.

Mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới là đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cho rằng đó không phải là một món quà có sẵn mà là mục tiêu đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và những thế hệ tiếp theo phải hết sức nỗ lực, phấn đấu đạt được.

Ông Châu tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao nhất, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Hậu Giang sẽ nuôi dưỡng cho mình ý chí, khát vọng vươn lên, tận tụy, hăng say lao động, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, cống hiến xây dựng quê hương Hậu Giang giàu đẹp, văn minh, người dân hôm nay và thế hệ mai sau có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo ông Lê Tiến Châu, đây là công việc hết sức hệ trọng của địa phương. “Tôi đề nghị các đồng chí gửi hiến kế, đề xuất về Văn phòng Tỉnh ủy trước ngày 31-5-2021 để tổng hợp và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy”, Bí thư tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/315684/hau-giang-keu-goi-hien-ke-phat-trien-tinh-nha.html

Cần Thơ tính dời chợ Tân An và An Lạc từ Ninh Kiều qua Cái Răng

Huỳnh Kim

Thứ Sáu,  23/4/2021, 10:19   

(KTSG Online) - Thành phố Cần Thơ đang bàn kế hoạch di dời chợ Tân An và chợ An Lạc từ quận Ninh Kiều sang quận Cái Răng. Địa điểm mới được chọn tại khu vực phía sau Bến xe Trung tâm thành phố Cần Thơ, cách địa điểm hiện tại khoảng 7 km.

Giao thông chung quanh khu vực chợ Tân An (Cần Thơ) thường bị ùn tắc. Ảnh: Lạc Long

Trả lời KTSG Online tại buổi họp báo quý 1 của UBND thành phố Cần Thơ chiều 22-4, ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, UBND thành phố Cần Thơ đã giao cho sở này phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng lấy ý kiến tham mưu để đưa ra Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định việc di dời hai chợ Tân An và An Lạc từ quận Ninh Kiều qua quận Cái Răng.

Địa điểm mới của hai chợ này, được chọn tại khu vực 4,8 héc ta ở ngay phía sau Bến xe Trung tâm thành phố Cần Thơ thuộc quận Cái Răng, cách địa điểm hiện tại khoảng 7 km. Lý do chính phải di dời hai chợ này, theo ông Trần Lê Bình, vì ảnh hưởng của an toàn giao thông (không có chỗ để xe), làm bờ kè (với chợ Tân An), bảo đảm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đó, ngày 20-4, tại cuộc họp bàn về việc này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã giao Sở Công Thương làm đầu mối đưa hai dự án này vào quy hoạch của ngành, nếu chưa có quy hoạch thì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư đưa vào quy hoạch tích hợp 2020, tầm nhìn 2030 của thành phố Cần Thơ.

UBND thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu Sở Công Thương phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường, các ngành liên quan và hai quận Cái Răng, Ninh Kiều xây dựng quy hoạch cho chính xác và mời gọi đầu tư xây dựng chợ mới phù hợp với thực tế. Ngoài ra, phải nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, tiểu thương kinh doanh khi di dời vào chợ mới. Đặc biệt, lấy ý kiến đóng góp của tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Tân An, chợ An Lạc để có sự đồng thuận khi triển khai dự án.

Chợ Tân An hoạt động từ tháng 8-2004, nối với bến Ninh Kiều; là chợ truyền thống loại 1, do Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (CTC) quản lý. Chợ Tân An rộng hơn 5.325 mét vuông; trong đó diện tích đang thu hồi để làm bờ kè Ninh Kiều là hơn 1.624 mét vuông. Chợ có 15 điểm kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống và khoảng 560 lô / sạp tư nhân.

Là chợ “trên bến dưới thuyền”, vừa bán lẻ vừa là đầu mối phân phối, cung ứng hàng hoá cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn quận, huyện và các địa phương lân cận. Mỗi ngày chợ Tân An tiêu thụ, phân phối từ 20-25 tấn rau quả, 40-50 tấn thuỷ sản, 8-10 tấn thịt heo, 3-5 tấn gà vịt; thu hút từ 3.000 - 3.500 lượt khách.

Chợ An Lạc do UBND phường Tân An quản lý, rộng hơn 3.592 mét vuông, tiếp giáp chợ Tân An; có 138 lô/sạp, chủ yếu bán hàng điện máy cũ và hàng thủy sản tươi sống; mỗi ngày tiêu thụ khoảng 75 kg thuỷ hải sản các loại; 115 kg thịt gia súc, gia cầm; 55 kg rau, củ, quả…

(Nguồn: Sở Công Thương thành phố Cần Thơ)

Đã đăng trên: KTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/315667/can-tho-tinh-doi-cho-tan-an-va-an-lac-tu-ninh-kieu-qua-cai-rang.html