Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Hậu Giang thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Huỳnh Kim thực hiện

Thứ Sáu,  25/9/2020, 14:49 

(TBKTSG Online) - UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành chương trình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Theo đó, tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. TBKTSG Online đã trao đổi với ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, xoay quanh chuyện này.


Ông Lê Tiến Châu (người đứng ở bìa phải), đang giới thiệu với nhà đầu tư đến từ TPHCM các dự án đầu tư mới ở Hậu Giang tại cuộc hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị” do UBND tỉnh Hậu Giang và TBKTSG tổ chức ngày 20-5-2020. Ảnh: Huỳnh Kim

- TBKTSG Online: Thưa ông, theo kế hoạch, đầu tư công năm 2020 cho các dự án tại Hậu Giang là hơn 2.350 tỉ đồng, nhưng đến nay, giá trị giải ngân mới đạt trên 50%. Tỉnh đặt mục tiêu tăng tốc giải ngân 100% nguồn vốn kéo dài năm 2019 sang năm 2020 trước ngày 30-8 và giải ngân 100% vốn năm 2020 trong cuối tháng 12-2020. Ông có thể nói rõ hơn nguyên nhân giải ngân chậm ở các dự án này?

- Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 ở Hậu Giang làm chậm do có một số nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, do một số dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; do chưa thực hiện phê duyệt phương án bồi thường; một số hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng do đang còn tranh chấp; trong quá trình kiểm kê các hộ dân bị ảnh hưởng không thống nhất ký biên bản kiểm kê.

Thứ hai là công tác thiết kế - dự toán công trình, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu còn chậm do một số dự án có chất lượng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần, kéo dài.

Thứ ba là do năng lực một số cán bộ quản lý của chủ đầu tư chưa thực hiện tốt công tác phối hợp trong triển khai thực hiên dẫn đến việc lập thủ đầu tư tư còn chậm.

Thứ tư là do năng lực một số nhà thầu còn yếu nên việc thi công còn chậm so với tiến độ dự án, dẫn đến chưa có khối lượng giải ngân.

Sau cùng là do một số nguồn vốn mới bổ sung vào kế hoạch trung hạn và giao vốn trong tháng 7-2020, phân bổ phần lớn cho các dự án khởi công mới, những tháng đầu năm chi thực hiện phần thủ tục đầu tư dẫn đến chưa có khối lượng giải ngân vốn.

- Có phải vì vậy mà tỉnh đã phải thành lập tới 9 tổ công tác để thúc đẩy công việc?

- Tỉnh ủy thành lập chín tổ công tác giải ngân là để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm nay, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, bao gồm nguồn vốn kéo dài từ các năm khác chuyển sang năm 2020. Các tổ công tác này đã làm việc với từng chủ đầu tư, xác định tiến độ thực hiện từng dự án đến cuối năm báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2020 của các địa phương và các sở, ban, ngành điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh, kể cả việc điều chuyển vốn cho các sở, ban ngành và địa phương khác.

Với công tác giải phóng mặt bằng thì tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hậu Giang và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng và nhanh chóng phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho người dân để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công dự án theo quy định.

Đồng thời tỉnh cũng ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm nay nhằm khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện việc này.

- Được biết, Chủ tịch tỉnh còn đề nghị phải thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, suy thoái về đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công. Việc này hiện đang được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Trong Chương trình hành động số 1734/CT-UBND về giải ngân vốn đầu tư công được ban hành ngày 13-8 vừa rồi có quy định, trường hợp nào không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. Trường hợp nào kết quả giải ngân năm nay đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ với người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan.

Tới nay thì tỉnh chưa phát hiện có cán bộ vi phạm. Nhưng việc này sẽ thực hiện nghiệm trong thời gian tới, nếu phát hiện sẽ xử lý ngay và thay thế kịp thời cán bộ vi phạm.

- Nhưng tác động của đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Theo ông, làm sao để thúc đẩy kế hoạch này suôn sẻ và giúp cho kinh tế - xã hội Hậu Giang trong ba tháng cuối năm khởi sắc?

- Tỉnh chủ trương phải quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Như vậy thì các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020. Phải lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa trong phạm vi địa phương.

Những dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020, các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu.

Với các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, các chủ đầu tư phải tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý; nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho các nhà thầu.

Những dự án khởi công mới thì phải khẩn trương triển khai thực hiện, phối hợp các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu. Phải kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Họ phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường thì cần biết khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.


Người dân mưu sinh tại một dự án giao thông được đầu tư công ở Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Kim

Hậu Giang cũng phải chủ động điều hành các chỉ tiêu về thu – chi ngân sách nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Song song với thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phải thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/308657/hau-giang-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html

Cần Thơ đột phá ứng dụng khoa học công nghệ mới

Huỳnh Kim

Thứ Sáu,  25/9/2020, 14:49 

(TBKTG Online) - Thành phố Cần Thơ vừa công bố tân Bí thư và tân Phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 5 năm tới. Một trong hai vị này đã nhấn mạnh với TBKTSG Online về việc đột phá ứng dụng khoa học công nghệ mới trong điều hành phát triển kinh tế xã hội của Cần Thơ, thành phố đóng vai trò trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.


Ông Lê Quang Mạnh (thứ hai, từ bên phải), tân Bí thư Thành ủy Thành phố Cần Thơ, đang trao đổi với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Huỳnh Kim

Sáng 25-9, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ 14 công bố kết quả bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Trong số 50 vị tham gia Ban chấp hành mới, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, được bầu làm Bí thư Thành ủy và ông Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đảm niệm chức Phó Bí thư Thành ủy. Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, tiếp tục được bầu giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ.

Ông Lê Quang Mạnh quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, năm nay 46 tuổi, là tiến sĩ kinh tế, được trung ương luân chuyển, chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ vào tháng 5-2019, sau đó được bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ. Trước đó, ông Mạnh là thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Ông Trần Việt Trường (trái), tân Phó bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ, tham quan công nghệ AI Camera MobiFone - giải pháp nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo, tích hợp đo thân nhiệt góp phần phòng ngừa Covid-19 trước gian triển lãm công nghệ mới tại Đại hội Đảng bộ Cần Thơ sáng 25-9-2020. Ảnh: Huỳnh Kim

Ông Trần Việt Trường năm nay 49 tuổi, quê Phụng Hiệp, Hậu Giang, làm Bí thư Quận Ninh Kiều từ năm 2010 và Trưởng Ban Tuyên giáo thành phố từ năm 2012. Ông Trường tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành chiến lược quốc phòng tại Học viện Quốc phòng năm 2016.

Thấy ông Trường tỏ ra quan tâm tìm hiểu 6 gian triển lãm sản phẩm liên quan tới khoa học công nghệ mới (trong số 10 gian triển lãm đại đại hội này), chúng tôi đã hỏi ông về ba khâu đột phá mà thành phố Cần Thơ chọn để phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới.

Tân Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trần Việt Trường, nói: “Trong năm năm tới, để phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới, Đảng bộ thành phố Cần Thơ xác định ba khâu đột phá. Một là, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài. Hai là, huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Ba là, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Với khâu đột phá thứ ba, ông Trường cho biết Cần Thơ sẽ tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và các lĩnh vực đời sống của nhân dân thành phố. Thành phố sẽ khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh; đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng hóa; phát triển các ngành dịch vụ có giá trị cao, thu hút nhiều dự án đầu tư vào Cần Thơ.

Thành ủy Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục thực Nghị quyết số 02-NQ/TU của khóa trước về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ mới. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ - bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ - nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập.

“Hiện Cần Thơ đã vận hành Sàn giao dịch công nghệ, là kênh thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp tìm kiếm, đổi mới công nghệ thiết bị. Thành phố cũng đã huy động được nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành hai mạng lưới liên kết, là Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ (CanTho Startup Ecosystem) và Mạng lưới Vườn ươm ĐBSCL, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, ông Trần Việt Trường nói.

Mục tiêu phát triển thành phố Cần Thơ 5 năm tới

Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Một số chỉ tiêu đến năm 2025

- Tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2020 - 2025 bình quân đạt 7,5%/năm.

- Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 145 - 160 triệu đồng (tương đương 6.200 - 6.800 đô la Mỹ).

- Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản chiếm 5,60% - 5,90%, công nghiệp - xây dựng chiếm 33,70%

- 34,00%, dịch vụ chiếm 54,10%-54,75% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,90-5,95% trong cơ cấu GRDP.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân 10-12,5%/năm.

- Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao.

- Giá trị năng suất lao động bình quân 297,18 triệu đồng/lao động/năm.

- Tốc độ tăng năng suất lao động hằng năm: từ 11-15%.

- Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị đạt 12 - 13%; tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt 35 - 40%.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 76%.

- Đạt 17 bác sĩ/vạn dân.

- Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: Trẻ vào học mẫu giáo 99,15%, bậc tiểu học 100%, bậc trung học cơ sở 95%. Phấn đấu ít nhất 90% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80 - 85%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) còn dưới 0,5%.

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%.

- Công nhận 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 8 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

- Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 97%; trong đó, đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 94%.

- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở đô thị 100%.

Nguồn: Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/308674/can-tho-dot-pha-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-moi.html

Cần Thơ phải là hình mẫu, động lực phát triển của vùng ĐBSCL

Huỳnh Kim

Thứ Năm,  24/9/2020, 14:46 

(TBKTSG Online) - Thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào ngày 24-9, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đã nhấn mạnh rằng Cần Thơ không nhất thiết phải đứng đầu tất cả các lĩnh vực nhưng không thể đi chậm hơn, phát triển kém hơn các tỉnh trong vùng.

Quang cảnh Đại hội đại biểu đảng bộ thành phố Cần Thơ sáng ngày 24-9-2020. Ảnh: Huỳnh Kim

Kinh tế ước đạt 120.000 tỉ đồng

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 5 năm qua, thành phố Cần Thơ đã tăng trưởng kinh tế bình quân 7,53%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2015. Quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt 120.000 tỷ đồng, cao gấp 1,63 lần so với năm 2015.

Mô hình tăng trưởng này đã từng bước được chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển, nguồn lực xã hội tiếp tục được phát huy.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng với nhiều loại hình, giữ vai trò đầu mối, chi phối và tác động tích cực đến sự phát triển của các lĩnh vực khác. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tổng doanh thu ngành du lịch bình quân tăng trên 21%/năm, gấp 2,64 lần so năm 2015.

“Thành phố Cần Thơ đã từng bước khẳng định được vai trò là trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ, xuất, nhập khẩu, logistics, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ... của vùng ĐBSCL”, bà Ngân nhấn mạnh.

Theo bà Ngân, chất lượng giáo dục - đào tạo của Cần Thơ cũng góp phần đáp ứng nguồn nhân lực cho ĐBSCL. Hệ thống các bệnh viện phát triển mạnh, nhất là các cơ sở y tế chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật cao, đảm bảo cho việc khám, chữa bệnh kịp thời cho người dân không chỉ của thành phố mà còn cho người dân cả vùng châu thổ này.

“Những thành tựu đạt được trong năm năm qua là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ và những kết quả này cũng là tiền đề, là nền tảng quan trọng, tạo đà cho thành phố Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo, xứng đáng là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chưa thực sự trở thành động lực của ĐBSCL

Đại biểu dự đại hội tham quan robot di động ứng dụng cho khu cách ly phòng ngừa Covid-19 ngoài hội trường, mô hình do một công ty từ TPHCM giới thiệu. Ảnh: Huỳnh Kim

Bà Ngân cũng chỉ rõ những khó khăn, yếu kém trong nhiệm kỳ qua của thành phố Cần Thơ theo tinh Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". 

Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thật sự là trung tâm động lực của ĐBSCL; một số ngành, lĩnh vực còn ở vị trí thấp so với các tỉnh trong vùng. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp. Ngành dịch vụ tuy có phát triển, nhưng chưa tạo ra sự đột phá, chưa thật sự trở thành trung tâm dịch vụ lớn của vùng. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính nhỏ, lẻ, chưa theo hướng hiện đại.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn hạn chế, thiếu bền vững. Cần Thơ chưa thật sự trở thành đô thị hạt nhân của vùng; vai trò, động lực, sức lan tỏa trong vùng còn mờ nhạt; kinh tế phát triển chưa có sự đột phá.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của Cần Thơ cũng chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, chưa thực sự trở thành trung tâm kết nối vùng và đang là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố và cả ĐBSCL.

Về phát triển văn hóa, xã hội, bà Ngân nhấn mạnh: “Việc đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp chưa đạt yêu cầu. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa có mặt còn hạn chế. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là nông dân, công nhân lao động”.

Đô thị hạt nhân, văn minh và hiện đại của vùng ĐBSCL

Về hướng phát triển 5 năm tới, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Bộ Chính trị cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ thành phố Cần Thơ đã nêu trong báo cáo chính trị” và nhấn mạnh rằng Cần Thơ sẽ phát triển trong bối cảnh thế giới có tranh chấp, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới; các nước lớn tăng cường cạnh tranh chiến lược, sự gia tăng đan xen về lợi ích; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số tỉnh trong vùng đang bứt phá đi lên làm gia tăng sự cạnh tranh đối với Cần Thơ.

Từ đó, Cần Thơ phải quán triệt Nghị quyết số 59 ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân; là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam bộ; là trung tâm của vùng trên một số lĩnh vực quan trọng.

“Cần Thơ không nhất thiết phải đứng đầu tất cả các lĩnh vực nhưng Cần Thơ không thể đi chậm hơn, phát triển kém hơn các tỉnh trong vùng, đồng thời cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực nội tại để phát triển những ngành, lĩnh vực tạo sức lan tỏa, dẫn dắt cả vùng, thúc đẩy sự liên kết trong vùng”, bà Ngân nhấn mạnh.

Muốn vậy, phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng; phát huy tiềm năng, lợi thế và tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng. Bà Ngân cho biết đây là chủ trương lớn của Trung ương. Do đó cần xác định rõ vai trò, vị trí của thành phố Cần Thơ trong vùng ĐBSCL; trách nhiệm của Cần Thơ trong thúc đẩy liên kết vùng và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phải đẩy mạnh phối hợp, gắn kết, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia liên kết vùng để hội nhập quốc tế.

Liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Ngân yêu cầu việc này cần được cụ thể hóa thành một nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ tới.

“Cần Thơ phải là hình mẫu ở Tây Nam bộ trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Coi biến đổi khí hậu vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thành phố thể hiện vai trò trung tâm vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong vùng”, bà Ngân nói.

Để có cơ sở định hướng cho phát triển, Cần Thơ cần sớm hoàn thành quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL. Trong đó, lưu ý quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại; là đô thị hạt nhân của ĐBSCL. Ngoài ra, Cần Thơ nên thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới ở một số quận trong giai đoạn 2020 - 2025.

Thành phố Cần Thơ sẽ phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng. Xác định công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản là mũi nhọn của ngành công nghiệp. Cần Thơ không chỉ là một cực tăng trưởng của ĐBSCL và cả nước, mà còn đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.

Bà Ngân cũng yêu cầu Cần Thơ tập trung nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, nhất là công nghệ 4.0; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của địa phương và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế.

Về văn hóa - xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Cần Thơ giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt công bằng, xã hội và chính sách an sinh xã hội.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/308631/can-tho-phai-la-hinh-mau-dong-luc-phat-trien-cua-vung-dbscl.html

Đưa Cần Thơ trở thành trung tâm dịch vụ khoa học - công nghệ vùng ĐBSCL

Huỳnh Kim

Thứ Hai,  21/9/2020, 18:16 

(TBKTSG Online) – Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25-9, với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh tổng hợp; xây dựng, phát triển thành phố Cần Thơ sớm trở thành trung tâm động lực vùng ĐBSCL”. Bên cạnh đó, những tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng sẽ là một trong những nội dung được thảo luận tại Đại hội.

Bà Lê Thị Sương Mai, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Cần Thơ đã thông tin về những nội dung nêu trên tại buổi họp báo ngày 21-9 nhằm thông tin, tuyên truyền về Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.


Ông Trần Việt Trường – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Cần Thơ (đứng) – trả lời báo giới hôm 21-9. Ảnh: Huỳnh Kim.

Sau 5 năm, GRDP của Cần Thơ tăng trưởng 1,65 lần

Báo cáo của thành phố Cần Thơ đã ghi nhận những thành tựu về kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2016-2020. Về kinh tế, trong 5 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,53%/năm; giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng, tương đương 4.136 đô la Mỹ, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2015; năng xuất lao động bình quân hàng năm đều tăng, đến năm 2020 đạt 11,25%, tăng 3,25% so với năm 2015.

Đến cuối năm 2020, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 60,05%; công nghiệp - xây dựng chiếm 32,71%; khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,24%. So với năm 2015, tỷ lệ khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản giảm 3,19%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,65% và khu vực dịch vụ tăng 1,54% .

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng được đánh giá có mức phát triển khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 7,25%, đóng góp trên 29% GRDP. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 90% giá trị sản xuất toàn ngành. Sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, chế tác và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển mạnh về quy mô, đa dạng về loại hình, tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, khẳng định được vai trò chủ lực kinh tế thành phố và trung tâm động lực của vùng. Kết cấu hạ tầng thương mại tiếp tục được mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, thành phố có 19 siêu thị, trung tâm thương mại, 75 cửa hàng tiện ích và tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống các chợ truyền thống đều khắp trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu mua sắm cho nhân dân.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ, dịch vụ ước năm 2020, đạt 150.050 tỉ đồng, tăng gấp 1,85 lần so năm 2015. Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 11.070 triệu đô la Mỹ, tăng bình quân 19,75%/năm.

Các ngành dịch vụ phát triển nhanh về quy mô, đa dạng về ngành nghề và thị trường; một số ngành dịch vụ giữ vai trò trung tâm của vùng như: dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, logistic, giáo dục, đào tạo nghề, y tế, khoa học công nghệ, viễn thông, thông tin và truyền thông…

Lĩnh vực du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Hệ thống hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển theo hướng mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ, lượng khách và doanh thu du lịch tăng dần qua từng năm.

Ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ; chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên; hình thành 173 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 239 sản phẩm nông nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tăng bình quân 1,94%/năm.

Trung tâm của dịch vụ khoa học - công nghệ vùng ĐBSCL

Đề cập đến định hướng phát triển trong vòng 5 năm tiếp theo, đại diện Ban Tuyên giáo Cần Thơ cho biết địa phương này sẽ tập trung  phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng cao, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng; xác định công nghiệp chế biến nông nghiệp, thủy sản là mũi nhọn của ngành công nghiệp. Thành phố Cần Thơ phải trở thành trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là trung tâm sản xuất giống cây, con chủ lực và trở thành trung tâm hậu cần (logistics) nông sản của vùng cho thị trường trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, Cần Thơ sẽ tập trung nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, nhất là công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và năng lực hội nhập quốc tế của địa phương và doanh nghiệp; xây dựng hệ cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế.

Một trong các nhóm giải pháp để thực hiện kế hoạch này là Cần Thơ phải liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và các tỉnh, thành khác trong cả nước.

“Cần Thơ sẽ chủ động đề xuất các phương án, lĩnh vực hợp tác phù hợp theo nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm của thành phố và tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Cần Thơ cũng sẽ xây dựng trung tâm thu thập và xử lý thông tin hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ mục tiêu phát triển và quản lý vùng”, đại diện Ban Tuyên giáo Cần Thơ nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo, PV TBKTSG Online hỏi: “Vì sao trong tài liệu 14 trang của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cung cấp cho báo giới về thành tựu của Cần Thơ nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới, hoàn toàn không đề cập gì tới tác động của đại dịch Covid-19? Vậy đại hội tới đây có bàn về việc này hay không vì đại dịch này vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và chưa biết khi nào sẽ chấm dứt?”.

Ông Trần Việt Trường, Ủy viên Thường vụ – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Cần Thơ – trả lời: “Về tác động của Covid-19 thì trong văn kiện có đánh giá. Tuy nhiên, thành phố cũng xem đây là việc làm thường xuyên liên tục và trọng yếu, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình hành động thì UBND thành phố sẽ xây dựng cụ thể sau, vì nó đã trở thành nhận thức trong hành động của lãnh đạo, của cán bộ đảng viên các cấp của thành phố rồi. Nếu như chúng tôi thấy đa số ý kiến đại biểu đồng thuận, có đưa thêm đề xuất giải pháp cụ thể nào về phòng chống Covid-19 thì đại hội sẽ trao đổi để có nghị quyết”.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/308482/dua-can-tho-tro-thanh-trung-tam-dich-vu-khoa-hoc--cong-nghe-vung-dbscl.html

Bí thư tỉnh Đồng Tháp làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Huỳnh Kim

Thứ Hai,  21/9/2020, 20:58 

(TBKTSG Online) - Ngày 21-9, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1433/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp, giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Ông Lê Minh Hoan. Ảnh: Huỳnh Kim

Ông Lê Minh Hoan sinh ngày 19-1-1961; quê ở Xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; nghề nghiệp trước khi làm công chức là kiến trúc sư; sau đó học thạc sĩ kinh tế và cử nhân chính trị.

Trước khi làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2015- 2020 và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan đã từng đảm nhận các chức vụ như Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Thành ủy thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Ông Lê Minh Hoan là cộng tác viên thường xuyên của Thời báo Kinh tế Sài Gòn từ năm năm nay.

Trong một bài viết mới đây gửi cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Lê Minh Hoan nhận định: "Cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới. Kinh tế chao đảo do tác động cả cung lẫn cầu. Sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Hàng hóa ế ẩm. Nông sản, trừ thịt heo, xuống giá. Xuất khẩu lao đao. Những giải pháp, kịch bản, kế sách vực dậy nền kinh tế khi cơn dịch qua đi liên tục được đưa ra đầy tâm huyết. Và, nông nghiệp lại được nhắc đến như là “trụ đỡ” trong lúc tìm “ánh sáng cuối đường hầm”.

Nào là, dịch bệnh tác động đến tiêu dùng nhưng con người vẫn phải tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Nhịn gì nhịn, giảm gì giảm, chứ cũng phải có cái mà ăn uống qua ngày! Trong khi ấy, xứ mình có điều kiện sản xuất lương thực, thực phẩm. Vậy là mình có một lợi thế rất lớn trong khi cả thế giới rối ren. Thiên hạ thiếu thì mình “tăng cường”. Thiên hạ cần thì mình “nâng cao”. Thiên hạ mua thì mình bán. Rủi ro của người này nhiều khi là cơ hội của người khác. Sản xuất dư thừa, vừa ăn vừa để dành hổng hết thì bán chứ sao! Bán trong nước cũng được, mà xuất khẩu cũng quá tốt!...

Ông cho rằng, muốn có sức để “đỡ” thì phải dựa vào chất lượng của cái “trụ”. Cái “trụ” đó phải chăng là hàng chục triệu hộ nông dân vốn được xem là trung tâm, là chủ thể của nền nông nghiệp và chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp? Hàng chục triệu hộ nông dân, đa phần là tay lấm chân bùn, làm cách nào tiếp cận được với nền tảng tri thức để năng suất lao động cao hơn, chất lượng nông sản đáp ứng được thị trường thời hội nhập. Hàng chục triệu hộ nông dân đó thế nào là phát triển bền vững, không đánh đổi bằng sự tổn thương thiên nhiên, cộng đồng và bản thân mình để đạt được mục tiêu lợi nhuận. Hàng chục triệu hộ nông dân phải được đặt đúng vai trò chủ thể, được tham vấn những chính sách nông nghiệp ban hành.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/308506/bi-thu-tinh-dong-thap-lam-thu-truong-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon.html