Huỳnh Kim
Thứ Sáu, 25/9/2020, 14:49
(TBKTG Online) - Thành phố Cần Thơ vừa công bố tân Bí thư và tân Phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 5 năm tới. Một trong hai vị này đã nhấn mạnh với TBKTSG Online về việc đột phá ứng dụng khoa học công nghệ mới trong điều hành phát triển kinh tế xã hội của Cần Thơ, thành phố đóng vai trò trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.
Ông Lê Quang Mạnh (thứ hai, từ bên phải), tân Bí thư Thành ủy Thành phố Cần Thơ, đang trao đổi với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Huỳnh Kim
Sáng 25-9, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ 14 công bố kết quả bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Trong số 50 vị tham gia Ban chấp hành mới, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, được bầu làm Bí thư Thành ủy và ông Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đảm niệm chức Phó Bí thư Thành ủy. Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, tiếp tục được bầu giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Ông Lê Quang Mạnh quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, năm nay 46 tuổi, là tiến sĩ kinh tế, được trung ương luân chuyển, chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ vào tháng 5-2019, sau đó được bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ. Trước đó, ông Mạnh là thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Ông Trần Việt Trường (trái), tân Phó bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ, tham quan công nghệ AI Camera MobiFone - giải pháp nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo, tích hợp đo thân nhiệt góp phần phòng ngừa Covid-19 trước gian triển lãm công nghệ mới tại Đại hội Đảng bộ Cần Thơ sáng 25-9-2020. Ảnh: Huỳnh Kim
Ông Trần Việt Trường năm nay 49 tuổi, quê Phụng Hiệp, Hậu Giang, làm Bí thư Quận Ninh Kiều từ năm 2010 và Trưởng Ban Tuyên giáo thành phố từ năm 2012. Ông Trường tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành chiến lược quốc phòng tại Học viện Quốc phòng năm 2016.
Thấy ông Trường tỏ ra quan tâm tìm hiểu 6 gian triển lãm sản phẩm liên quan tới khoa học công nghệ mới (trong số 10 gian triển lãm đại đại hội này), chúng tôi đã hỏi ông về ba khâu đột phá mà thành phố Cần Thơ chọn để phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới.
Tân Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trần Việt Trường, nói: “Trong năm năm tới, để phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới, Đảng bộ thành phố Cần Thơ xác định ba khâu đột phá. Một là, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài. Hai là, huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Ba là, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Với khâu đột phá thứ ba, ông Trường cho biết Cần Thơ sẽ tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và các lĩnh vực đời sống của nhân dân thành phố. Thành phố sẽ khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh; đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng hóa; phát triển các ngành dịch vụ có giá trị cao, thu hút nhiều dự án đầu tư vào Cần Thơ.
Thành ủy Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục thực Nghị quyết số 02-NQ/TU của khóa trước về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ mới. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ - bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ - nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập.
“Hiện Cần Thơ đã vận hành Sàn giao dịch công nghệ, là kênh thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp tìm kiếm, đổi mới công nghệ thiết bị. Thành phố cũng đã huy động được nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành hai mạng lưới liên kết, là Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ (CanTho Startup Ecosystem) và Mạng lưới Vườn ươm ĐBSCL, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, ông Trần Việt Trường nói.
Mục tiêu phát triển thành phố Cần Thơ 5 năm tới
Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng - an ninh được đảm bảo.
Một số chỉ tiêu đến năm 2025
- Tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2020 - 2025 bình quân đạt 7,5%/năm.
- Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 145 - 160 triệu đồng (tương đương 6.200 - 6.800 đô la Mỹ).
- Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản chiếm 5,60% - 5,90%, công nghiệp - xây dựng chiếm 33,70%
- 34,00%, dịch vụ chiếm 54,10%-54,75% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,90-5,95% trong cơ cấu GRDP.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân 10-12,5%/năm.
- Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao.
- Giá trị năng suất lao động bình quân 297,18 triệu đồng/lao động/năm.
- Tốc độ tăng năng suất lao động hằng năm: từ 11-15%.
- Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị đạt 12 - 13%; tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt 35 - 40%.
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 76%.
- Đạt 17 bác sĩ/vạn dân.
- Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: Trẻ vào học mẫu giáo 99,15%, bậc tiểu học 100%, bậc trung học cơ sở 95%. Phấn đấu ít nhất 90% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80 - 85%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) còn dưới 0,5%.
- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%.
- Công nhận 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 8 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
- Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 97%; trong đó, đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 94%.
- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở đô thị 100%.
Nguồn: Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025
Đã đăng trên: TBKTSG Online
https://www.thesaigontimes.vn/308674/can-tho-dot-pha-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-moi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét