Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Cần Thơ phải là hình mẫu, động lực phát triển của vùng ĐBSCL

Huỳnh Kim

Thứ Năm,  24/9/2020, 14:46 

(TBKTSG Online) - Thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào ngày 24-9, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đã nhấn mạnh rằng Cần Thơ không nhất thiết phải đứng đầu tất cả các lĩnh vực nhưng không thể đi chậm hơn, phát triển kém hơn các tỉnh trong vùng.

Quang cảnh Đại hội đại biểu đảng bộ thành phố Cần Thơ sáng ngày 24-9-2020. Ảnh: Huỳnh Kim

Kinh tế ước đạt 120.000 tỉ đồng

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 5 năm qua, thành phố Cần Thơ đã tăng trưởng kinh tế bình quân 7,53%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2015. Quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt 120.000 tỷ đồng, cao gấp 1,63 lần so với năm 2015.

Mô hình tăng trưởng này đã từng bước được chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển, nguồn lực xã hội tiếp tục được phát huy.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng với nhiều loại hình, giữ vai trò đầu mối, chi phối và tác động tích cực đến sự phát triển của các lĩnh vực khác. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tổng doanh thu ngành du lịch bình quân tăng trên 21%/năm, gấp 2,64 lần so năm 2015.

“Thành phố Cần Thơ đã từng bước khẳng định được vai trò là trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ, xuất, nhập khẩu, logistics, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ... của vùng ĐBSCL”, bà Ngân nhấn mạnh.

Theo bà Ngân, chất lượng giáo dục - đào tạo của Cần Thơ cũng góp phần đáp ứng nguồn nhân lực cho ĐBSCL. Hệ thống các bệnh viện phát triển mạnh, nhất là các cơ sở y tế chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật cao, đảm bảo cho việc khám, chữa bệnh kịp thời cho người dân không chỉ của thành phố mà còn cho người dân cả vùng châu thổ này.

“Những thành tựu đạt được trong năm năm qua là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ và những kết quả này cũng là tiền đề, là nền tảng quan trọng, tạo đà cho thành phố Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo, xứng đáng là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chưa thực sự trở thành động lực của ĐBSCL

Đại biểu dự đại hội tham quan robot di động ứng dụng cho khu cách ly phòng ngừa Covid-19 ngoài hội trường, mô hình do một công ty từ TPHCM giới thiệu. Ảnh: Huỳnh Kim

Bà Ngân cũng chỉ rõ những khó khăn, yếu kém trong nhiệm kỳ qua của thành phố Cần Thơ theo tinh Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". 

Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thật sự là trung tâm động lực của ĐBSCL; một số ngành, lĩnh vực còn ở vị trí thấp so với các tỉnh trong vùng. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp. Ngành dịch vụ tuy có phát triển, nhưng chưa tạo ra sự đột phá, chưa thật sự trở thành trung tâm dịch vụ lớn của vùng. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính nhỏ, lẻ, chưa theo hướng hiện đại.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn hạn chế, thiếu bền vững. Cần Thơ chưa thật sự trở thành đô thị hạt nhân của vùng; vai trò, động lực, sức lan tỏa trong vùng còn mờ nhạt; kinh tế phát triển chưa có sự đột phá.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của Cần Thơ cũng chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, chưa thực sự trở thành trung tâm kết nối vùng và đang là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố và cả ĐBSCL.

Về phát triển văn hóa, xã hội, bà Ngân nhấn mạnh: “Việc đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp chưa đạt yêu cầu. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa có mặt còn hạn chế. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là nông dân, công nhân lao động”.

Đô thị hạt nhân, văn minh và hiện đại của vùng ĐBSCL

Về hướng phát triển 5 năm tới, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Bộ Chính trị cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ thành phố Cần Thơ đã nêu trong báo cáo chính trị” và nhấn mạnh rằng Cần Thơ sẽ phát triển trong bối cảnh thế giới có tranh chấp, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới; các nước lớn tăng cường cạnh tranh chiến lược, sự gia tăng đan xen về lợi ích; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số tỉnh trong vùng đang bứt phá đi lên làm gia tăng sự cạnh tranh đối với Cần Thơ.

Từ đó, Cần Thơ phải quán triệt Nghị quyết số 59 ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân; là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam bộ; là trung tâm của vùng trên một số lĩnh vực quan trọng.

“Cần Thơ không nhất thiết phải đứng đầu tất cả các lĩnh vực nhưng Cần Thơ không thể đi chậm hơn, phát triển kém hơn các tỉnh trong vùng, đồng thời cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực nội tại để phát triển những ngành, lĩnh vực tạo sức lan tỏa, dẫn dắt cả vùng, thúc đẩy sự liên kết trong vùng”, bà Ngân nhấn mạnh.

Muốn vậy, phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng; phát huy tiềm năng, lợi thế và tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng. Bà Ngân cho biết đây là chủ trương lớn của Trung ương. Do đó cần xác định rõ vai trò, vị trí của thành phố Cần Thơ trong vùng ĐBSCL; trách nhiệm của Cần Thơ trong thúc đẩy liên kết vùng và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phải đẩy mạnh phối hợp, gắn kết, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia liên kết vùng để hội nhập quốc tế.

Liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Ngân yêu cầu việc này cần được cụ thể hóa thành một nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ tới.

“Cần Thơ phải là hình mẫu ở Tây Nam bộ trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Coi biến đổi khí hậu vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thành phố thể hiện vai trò trung tâm vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong vùng”, bà Ngân nói.

Để có cơ sở định hướng cho phát triển, Cần Thơ cần sớm hoàn thành quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL. Trong đó, lưu ý quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại; là đô thị hạt nhân của ĐBSCL. Ngoài ra, Cần Thơ nên thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới ở một số quận trong giai đoạn 2020 - 2025.

Thành phố Cần Thơ sẽ phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng. Xác định công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản là mũi nhọn của ngành công nghiệp. Cần Thơ không chỉ là một cực tăng trưởng của ĐBSCL và cả nước, mà còn đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.

Bà Ngân cũng yêu cầu Cần Thơ tập trung nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, nhất là công nghệ 4.0; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của địa phương và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế.

Về văn hóa - xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Cần Thơ giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt công bằng, xã hội và chính sách an sinh xã hội.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/308631/can-tho-phai-la-hinh-mau-dong-luc-phat-trien-cua-vung-dbscl.html

Không có nhận xét nào: