Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Đưa Cần Thơ trở thành trung tâm dịch vụ khoa học - công nghệ vùng ĐBSCL

Huỳnh Kim

Thứ Hai,  21/9/2020, 18:16 

(TBKTSG Online) – Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25-9, với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh tổng hợp; xây dựng, phát triển thành phố Cần Thơ sớm trở thành trung tâm động lực vùng ĐBSCL”. Bên cạnh đó, những tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng sẽ là một trong những nội dung được thảo luận tại Đại hội.

Bà Lê Thị Sương Mai, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Cần Thơ đã thông tin về những nội dung nêu trên tại buổi họp báo ngày 21-9 nhằm thông tin, tuyên truyền về Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.


Ông Trần Việt Trường – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Cần Thơ (đứng) – trả lời báo giới hôm 21-9. Ảnh: Huỳnh Kim.

Sau 5 năm, GRDP của Cần Thơ tăng trưởng 1,65 lần

Báo cáo của thành phố Cần Thơ đã ghi nhận những thành tựu về kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2016-2020. Về kinh tế, trong 5 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,53%/năm; giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng, tương đương 4.136 đô la Mỹ, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2015; năng xuất lao động bình quân hàng năm đều tăng, đến năm 2020 đạt 11,25%, tăng 3,25% so với năm 2015.

Đến cuối năm 2020, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 60,05%; công nghiệp - xây dựng chiếm 32,71%; khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,24%. So với năm 2015, tỷ lệ khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản giảm 3,19%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,65% và khu vực dịch vụ tăng 1,54% .

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng được đánh giá có mức phát triển khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 7,25%, đóng góp trên 29% GRDP. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 90% giá trị sản xuất toàn ngành. Sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, chế tác và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển mạnh về quy mô, đa dạng về loại hình, tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, khẳng định được vai trò chủ lực kinh tế thành phố và trung tâm động lực của vùng. Kết cấu hạ tầng thương mại tiếp tục được mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, thành phố có 19 siêu thị, trung tâm thương mại, 75 cửa hàng tiện ích và tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống các chợ truyền thống đều khắp trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu mua sắm cho nhân dân.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ, dịch vụ ước năm 2020, đạt 150.050 tỉ đồng, tăng gấp 1,85 lần so năm 2015. Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 11.070 triệu đô la Mỹ, tăng bình quân 19,75%/năm.

Các ngành dịch vụ phát triển nhanh về quy mô, đa dạng về ngành nghề và thị trường; một số ngành dịch vụ giữ vai trò trung tâm của vùng như: dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, logistic, giáo dục, đào tạo nghề, y tế, khoa học công nghệ, viễn thông, thông tin và truyền thông…

Lĩnh vực du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Hệ thống hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển theo hướng mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ, lượng khách và doanh thu du lịch tăng dần qua từng năm.

Ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ; chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên; hình thành 173 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 239 sản phẩm nông nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tăng bình quân 1,94%/năm.

Trung tâm của dịch vụ khoa học - công nghệ vùng ĐBSCL

Đề cập đến định hướng phát triển trong vòng 5 năm tiếp theo, đại diện Ban Tuyên giáo Cần Thơ cho biết địa phương này sẽ tập trung  phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng cao, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng; xác định công nghiệp chế biến nông nghiệp, thủy sản là mũi nhọn của ngành công nghiệp. Thành phố Cần Thơ phải trở thành trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là trung tâm sản xuất giống cây, con chủ lực và trở thành trung tâm hậu cần (logistics) nông sản của vùng cho thị trường trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, Cần Thơ sẽ tập trung nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, nhất là công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và năng lực hội nhập quốc tế của địa phương và doanh nghiệp; xây dựng hệ cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế.

Một trong các nhóm giải pháp để thực hiện kế hoạch này là Cần Thơ phải liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và các tỉnh, thành khác trong cả nước.

“Cần Thơ sẽ chủ động đề xuất các phương án, lĩnh vực hợp tác phù hợp theo nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm của thành phố và tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Cần Thơ cũng sẽ xây dựng trung tâm thu thập và xử lý thông tin hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ mục tiêu phát triển và quản lý vùng”, đại diện Ban Tuyên giáo Cần Thơ nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo, PV TBKTSG Online hỏi: “Vì sao trong tài liệu 14 trang của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cung cấp cho báo giới về thành tựu của Cần Thơ nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới, hoàn toàn không đề cập gì tới tác động của đại dịch Covid-19? Vậy đại hội tới đây có bàn về việc này hay không vì đại dịch này vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và chưa biết khi nào sẽ chấm dứt?”.

Ông Trần Việt Trường, Ủy viên Thường vụ – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Cần Thơ – trả lời: “Về tác động của Covid-19 thì trong văn kiện có đánh giá. Tuy nhiên, thành phố cũng xem đây là việc làm thường xuyên liên tục và trọng yếu, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình hành động thì UBND thành phố sẽ xây dựng cụ thể sau, vì nó đã trở thành nhận thức trong hành động của lãnh đạo, của cán bộ đảng viên các cấp của thành phố rồi. Nếu như chúng tôi thấy đa số ý kiến đại biểu đồng thuận, có đưa thêm đề xuất giải pháp cụ thể nào về phòng chống Covid-19 thì đại hội sẽ trao đổi để có nghị quyết”.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/308482/dua-can-tho-tro-thanh-trung-tam-dich-vu-khoa-hoc--cong-nghe-vung-dbscl.html

Không có nhận xét nào: