Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Hậu Giang thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Huỳnh Kim thực hiện

Thứ Sáu,  25/9/2020, 14:49 

(TBKTSG Online) - UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành chương trình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Theo đó, tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. TBKTSG Online đã trao đổi với ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, xoay quanh chuyện này.


Ông Lê Tiến Châu (người đứng ở bìa phải), đang giới thiệu với nhà đầu tư đến từ TPHCM các dự án đầu tư mới ở Hậu Giang tại cuộc hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị” do UBND tỉnh Hậu Giang và TBKTSG tổ chức ngày 20-5-2020. Ảnh: Huỳnh Kim

- TBKTSG Online: Thưa ông, theo kế hoạch, đầu tư công năm 2020 cho các dự án tại Hậu Giang là hơn 2.350 tỉ đồng, nhưng đến nay, giá trị giải ngân mới đạt trên 50%. Tỉnh đặt mục tiêu tăng tốc giải ngân 100% nguồn vốn kéo dài năm 2019 sang năm 2020 trước ngày 30-8 và giải ngân 100% vốn năm 2020 trong cuối tháng 12-2020. Ông có thể nói rõ hơn nguyên nhân giải ngân chậm ở các dự án này?

- Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 ở Hậu Giang làm chậm do có một số nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, do một số dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; do chưa thực hiện phê duyệt phương án bồi thường; một số hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng do đang còn tranh chấp; trong quá trình kiểm kê các hộ dân bị ảnh hưởng không thống nhất ký biên bản kiểm kê.

Thứ hai là công tác thiết kế - dự toán công trình, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu còn chậm do một số dự án có chất lượng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần, kéo dài.

Thứ ba là do năng lực một số cán bộ quản lý của chủ đầu tư chưa thực hiện tốt công tác phối hợp trong triển khai thực hiên dẫn đến việc lập thủ đầu tư tư còn chậm.

Thứ tư là do năng lực một số nhà thầu còn yếu nên việc thi công còn chậm so với tiến độ dự án, dẫn đến chưa có khối lượng giải ngân.

Sau cùng là do một số nguồn vốn mới bổ sung vào kế hoạch trung hạn và giao vốn trong tháng 7-2020, phân bổ phần lớn cho các dự án khởi công mới, những tháng đầu năm chi thực hiện phần thủ tục đầu tư dẫn đến chưa có khối lượng giải ngân vốn.

- Có phải vì vậy mà tỉnh đã phải thành lập tới 9 tổ công tác để thúc đẩy công việc?

- Tỉnh ủy thành lập chín tổ công tác giải ngân là để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm nay, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, bao gồm nguồn vốn kéo dài từ các năm khác chuyển sang năm 2020. Các tổ công tác này đã làm việc với từng chủ đầu tư, xác định tiến độ thực hiện từng dự án đến cuối năm báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2020 của các địa phương và các sở, ban, ngành điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh, kể cả việc điều chuyển vốn cho các sở, ban ngành và địa phương khác.

Với công tác giải phóng mặt bằng thì tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hậu Giang và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng và nhanh chóng phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho người dân để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công dự án theo quy định.

Đồng thời tỉnh cũng ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm nay nhằm khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện việc này.

- Được biết, Chủ tịch tỉnh còn đề nghị phải thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, suy thoái về đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công. Việc này hiện đang được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Trong Chương trình hành động số 1734/CT-UBND về giải ngân vốn đầu tư công được ban hành ngày 13-8 vừa rồi có quy định, trường hợp nào không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. Trường hợp nào kết quả giải ngân năm nay đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ với người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan.

Tới nay thì tỉnh chưa phát hiện có cán bộ vi phạm. Nhưng việc này sẽ thực hiện nghiệm trong thời gian tới, nếu phát hiện sẽ xử lý ngay và thay thế kịp thời cán bộ vi phạm.

- Nhưng tác động của đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Theo ông, làm sao để thúc đẩy kế hoạch này suôn sẻ và giúp cho kinh tế - xã hội Hậu Giang trong ba tháng cuối năm khởi sắc?

- Tỉnh chủ trương phải quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Như vậy thì các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020. Phải lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa trong phạm vi địa phương.

Những dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020, các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu.

Với các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, các chủ đầu tư phải tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý; nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho các nhà thầu.

Những dự án khởi công mới thì phải khẩn trương triển khai thực hiện, phối hợp các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu. Phải kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Họ phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường thì cần biết khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.


Người dân mưu sinh tại một dự án giao thông được đầu tư công ở Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Kim

Hậu Giang cũng phải chủ động điều hành các chỉ tiêu về thu – chi ngân sách nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Song song với thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phải thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/308657/hau-giang-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html

Không có nhận xét nào: