Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Lúng túng trong truyền thông về biến đổi khí hậu


(TBKTSG Online) - “Các bạn đang gặp khó khăn về tài chính, về tính chuyên nghiệp và tính chính xác trong thông tin về biến đổi khí hậu nhưng các bạn vẫn tích cực truyền thông đến người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế giúp các bạn trong những vấn đề này”.

Bà Rabea Brauer - Trưởng đại diện Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) của Đức tại Việt Nam, nhấn mạnh như vậy sau một ngày dự hội thảo “Vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” do KAS và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ trong hai ngày 24 và 25-4 với sự tham gia của hơn 100 nhà báo, nhà khoa học, nhà quản lý.


Một góc hội thảo BC & BDKH tại Cần Thơ ngày 24-4-13

Bà Rabea Brauer cho biết KAS sẽ cùng Hội Nhà báo Việt Nam đáp ứng nhu cầu đào tạo cả cho sinh viên báo chí, phóng viên và biên tập viên nhiều cơ quan báo chí Việt Nam về biến đổi khí hậu. Ông Phạm Quốc Toàn - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định hội sẽ hợp tác tốt với KAS trong vấn đề này. “Chính phủ Việt Nam đã có chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Vai trò của báo chí trong trong việc này rất thời sự. Phải đào tạo để phóng viên, biên tập viên có kiến thức chuyên môn về biến đổi khí hậu và biết hợp tác với các nhà khoa học, nhà quản lý để truyền thông cho đúng và có hiệu quả”, ông Phạm Quốc Toàn nhấn mạnh.

Trước đó, các đại biểu đều đề cập tới chuyện này như một trở ngại trong tác nghiệp. Nhà báo Nguyễn Phấn Đấu (báo Lao Động) tham luận: “Tại Việt Nam, chưa có phóng viên chuyên viết về biến đổi khí hậu mà mới chỉ là phóng viên theo dõi lĩnh vực môi trường – tài nguyên” và cho rằng “biến đổi khí hậu là một đề tài rất khó”. Anh dẫn kết quả hai tháng khảo sát các báo Lao Động, Tuổi Trẻ, Nhân Dân, Hà Nội Mới, Đài PTTH Hà Nội và một số tạp chí môi trường mới công bố của PANOS (mạng lưới toàn cầu của các tổ chức phi chính phủ hợp tác về truyền thông): chỉ có hơn hai bài báo liên quan tới biến đổi khí hậu.

Nhà báo Nguyễn Văn Ngọc (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ – VTV Cần Thơ) cũng kêu: “Biến đổi khí hậu là một đề tài khó, bao trùm nhiều mặt của đời sống, xã hội và mỗi nhà báo không thể trang bị đủ kiến thức để hiểu hết”. Anh nói thêm: “Một số cơ quan báo chí do áp lực của cơ chế tài chính nên ít quan tâm đến biến đổi khí hậu, từ đó thiếu đầu tư nhân lực và phương tiện cho lĩnh vực này”. Nhà báo đại diện cho VTV Cần Thơ tỏ ra bức xúc: “Tôi băn khoăn và lúng túng trong thông tin về các vấn đề như xây đê biển, sạt lở mũi Cà Mau – nhà nước thì nói phải xây để biển để chống sạt lở, còn nhà khoa học thì cho rằng không bền vững bằng giải pháp trồng rừng. Hoặc vấn đề Trung Quốc, Lào vẫn xây đập trên thượng nguồn sông Mekong mà ta lại thiếu thông tin”.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, nói: “Vần đề đê biển như ở Trà Vinh, chúng tôi đã cảnh báo nguy cơ đổ bể cao nhưng không được chú ý. Mới làm xong qua một năm giờ mấy chục tỉ đồng đổ sông đổ biển”. Ông cho biết: “Một số bài báo chưa chính xác, phóng đại kiểu “trăm dâu đổ đầu biến đổi khí hậu”, dễ rơi vào bẫy nhóm lợi ích" và kể: “Thí dụ như chuyện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất dự án xây đê biển từ Bắc đến Nam dài 3.000 cây số, báo chí đồng loạt đưa tin, rất phản cảm. Kinh nghiệm của Hàn Quốc phải mất 19 năm mới làm xong con đê biển dài 33,9 cây số (dài nhất thế giới) vậy thì ta phải mất 2.000 năm mới làm xong con đê biển đó, mà lấy tiền đâu để làm?”. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói: “Đó là nhóm lợi ích, họ chỉ cần làm khảo sát để lấy tiền”.

Nhà báo Sáu Nghệ (báo Tiền Phong), nói: “Cần phải có phản biện chính sách với nhà nước trong những vấn đề như vậy. Phải lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học có nghề, có tâm và có thực tiễn chứ không nên thông tin một chiều từ nhà quản lý”.

Nhà báo Hoàng Văn Thành (báo Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Thực hiện chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu của Chính phủ, các tỉnh đang đua nhau chạy dự án sau khi dựa vào những thông tin báo chí về các dự án này. Cho nên cần phải có bài về phản biện chính sách trong truyền thông ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Ông Nguyễn Minh Thế - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ nói: “Rất cần có nhà báo chuyên về biến đổi khí hậu. Phải dựa vào kiến thức chuyên môn của nhà khoa học. Chúng tôi là nhà quản lý, chúng tôi cũng phải dựa vào nhà khoa học để hoạch định chính sách cho đúng. Vừa rồi có một nhà báo cứ hỏi tôi phải khai thác cát cách xa cầu Cần Thơ bao nhiêu thì mới không gây ra sạt lở bờ sông, tôi nói tôi không thể trả lời được vì tôi chưa có kết quả khảo sát của nhà khoa học chuyên về vấn đề này”.

Nhà báo Mai Đức Lộc (báo Đà Nẵng) đề nghị: “Biến đổi khí hậu tác động toàn cầu nên Hội Nhà báo và KAS cần giúp tạo ra cơ chế để báo chí thông tin cho người dân hiểu đúng những vấn đề liên quan giữa các nước như các nước lưu vực sông Mekong”.

Đáng quan tâm là hầu như tham luận nào của các đại biểu dự hội thảo cũng dẫn thông tin từ kịch bản mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo đó, đến cuối thế kỷ 21, nếu nước biển dâng cao một mét thì 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng, trên 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TPHCM có nguy cơ bị ngập.

Sáng ngày 25-4, các đại biểu này tham quan một số nơi bị sạt lở tại Cần Thơ.


Bài đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/95252/Lung-tung-trong-truyen-thong-ve-bien-doi-khi-hau.html

Dám sống


Lạc Long

Khát vọng, niềm tin và nghị lực sống sẽ giúp con người vượt qua nghịch cảnh, nắm lấy ước mơ. Đó là thông điệp mà tác giả Nick Vujicic muốn chia sẻ qua cuốn tự truyện Cuộc sống không giới hạn (dịch giả Nguyễn Bích Lan, NXB Tổng hợp TP.HCM và First News ấn hành, quý II-2013; sách dày 406 trang, giá 98.000 đồng). 





Nick Vujicic sinh năm 1982 ở Úc trong một gia đình mà mọi người mạnh khỏe bình thường riêng bản thân anh lại không có tay và chân ngoại trừ một bàn chân nhỏ xíu mọc ra từ đỉnh đùi bên trái. Thế nhưng tới giờ thì dường như Nick đã làm được mọi chuyện. Anh đang sống ở Mỹ, làm chủ tịch và CEO tổ chức quốc tế Life Without Limbs kiêm giám đốc công ty thái độ sống Attitude Is Ailtitude.




Ngày cưới của Nick và Kanae Miyahara

Nick tâng bóng
Nick đi lại như chim cánh cụt.

Trong cuốn tự truyện, từ những chương đầu, tác giả đã chia sẻ với bạn đọc về những kinh nghiệm và niềm tin của một người không trốn chạy số phận tật nguyền. Tiếp đó, Nick kể về những chuyện dám làm, dám sống của mình. Từ nhỏ, Nick đã tự học cách dùng cái bàn chân bé xíu của mình để điều khiển xe lăn hoặc để đẩy và làm trụ đỡ cho cơ thể. Khi bị ngã, Nick cố trườn tới một bức tường hoặc một tảng đá, tì trán vào để nhích từng chút một cho tới lúc dựng thẳng người lên. Cũng với bàn chân dị dạng thân yêu, Nick miệt mài luyện tập đến thành thạo bao nhiêu việc khác như sử dụng vi tính, viết, vẽ… Nick đi lại như một chú chim cánh cụt; Nick nhảy cầu ván ở hồ bơi rồi bơi lội, chơi bóng bằng đầu, thậm chí lướt ván không khác một vận động viên. Tương tự, Nick dùng cằm, đầu, vai, miệng… kết hợp với các phần thân thể khác để xử lý điệu nghệ nhiều động tác vốn là việc của hai bàn tay; cả động tác khó như đánh golf, Nick cũng làm thạo. Gần đây Nick còn tham gia nhảy dù. Anh cũng vừa sáng tác và trình bày hết sức trữ tình ca khúc Something more... Xuyên suốt, đó là niềm tin yêu cuộc sống, ý chí và nghị lực phi thường của một con người mang tên Nicholas James Vujicic (Nick). 


Nick bơi như rái cá


Nick chụp hình cho vợ


Nick kể, trong một chuyến đi diễn thuyết ở Hawaii, tình cờ gặp cô Bethany, một vận động viên lướt sóng đẳng cấp dù đã bị cá mập cắn đứt một cánh tay vẫn không từ bỏ đam mê, thế là anh học kỹ thuật lướt ván. Chỉ với một chiếc khăn tắm cột vào miếng ván làm điểm tựa để đứng lên, anh đã có thể lướt đi cùng con sóng biển. Nick viết: “Đó là khoảnh khắc thích thú tuyệt vời, tôi không ngại nói với bạn rằng khi tôi đứng trên chiếc ván lướt đó cưỡi con sóng vào bờ, tôi đã hét lên đầy phấn khích hệt như một cậu học trò”. Rồi anh chia sẻ: “Nếu một người không tay không chân như tôi còn có thể học lướt sóng tại một trong những bãi biển nổi tiếng nhất thế giới thì bạn có thể thực hiện được bất cứ điều gì và tất cả mọi điều, bạn ạ!”. 


Nick học lướt sóng cùng Bethany


Nick lướt sóng một mình


Từ năm 19 tuổi, Nick đã chu du khắp thế giới để truyền cảm hứng và chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình cho hàng triệu người. Nhiều câu nói của Nick Vujicic đã đi vào lòng người: “Tật nguyền lớn nhất trong đời là khi mất hy vọng. Hãy tin tôi đi, mất hy vọng còn tồi tệ hơn nhiều so với chỉ mất chân tay”; “Bạn không bao giờ có thể thay đổi được quá khứ của bạn, nhưng bạn có thể thay đổi tương lai”; “Đạt được lý tưởng không phải là đạt được sự hoàn hảo trong suốt cuộc đời bạn, mà là tìm kiếm sự hoàn hảo”; “Bạn có thể tin vào những giấc mơ của mình, nhưng bạn phải hành động để biến những giấc mơ ấy thành hiện thực”; “Tôi không có tay để chạm vào người khác. Nhưng trái tim tôi có thể chạm vào và làm rung động trái tim người tôi yêu”… 


Nick va Kanae Miyahara


Nhân dịp cuốn tự truyện này ra mắt bằng tiếng Việt, từ ngày 22 đến 26-5 tới, Nick đã “kín lịch” thuyết trình, giao lưu và làm từ thiện ở Hà Nội và TP.HCM; hàng chục nghìn người, nhất là các bạn trẻ, đã đăng ký gặp Nick. 


Nick diễn thuyết


Nhân đây, xin được nói về dịch giả Nguyễn Bích Lan. Đó là cô gái bị bệnh loạn dưỡng cơ nhưng đã không đầu hàng số phận. Cô đã học ở tấm gương Nick Vujicic, trao dồi Anh ngữ và trở thành dịch giả uy tín (cô từng dịch tác phẩm nổi tiếng Triệu phú khu ổ chuột và đã dịch tác phẩm đầu tiên của Nick, Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng). Từ lâu, Nguyễn Bích Lan mong muốn được gặp Nick Vujicic. 


Ở cuối quyển Cuộc sống không giới hạn kèm nhiều hình ảnh độc đáo là phần phụ lục của người dịch về “điều kỳ diệu được mong chờ nhất”: Nick đã kết hôn với một cô gái xinh đẹp và hoàn toàn mạnh khỏe tên là Kanae Miyahara. Đám cưới của họ diễn ra tại California, Hoa Kỳ vào ngày 10-2-2012, đã thu hút hàng trăm tờ báo trên thế giới và nói như lời dịch giả, “đẹp như một câu chuyện cổ tích”. ■


Ảnh: Google.com

* Bài này của bạn trẻ Huỳnh Trần Lạc Long, lần đầu viết báo. Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130423/dam-song.aspx