Tour “Bơi thuyền
kayak trên sông Hậu” của khách sạn Victoria Cần Thơ ra đời từ năm 2002 đến năm 2008
thì dừng vì vắng khách nội địa. Giờ đây, có nhiều tín hiệu tour này sẽ được
phục hồi theo một hướng thực tế hơn...
Nhớ tour cũ
|
Tour bơi thuyền Kayak trên sông Hậu tháng 9-2007. Ảnh: Trương Công Khả |
Hồi đó, vào giữa tháng
9-2007, với giá vé 25 đô-la Mỹ/người, chúng tôi bắt đầu hành trình trên
sông Hậu với thuyền kayak. Hai giờ chiều, chúng tôi khởi hành từ bến tàu khách sạn Victoria thơ mộng. Cô
Diễm, nữ sinh Cần Thơ, cùng tôi bơi chung một chiếc kayak có hai chỗ ngồi. Năm
bạn khác, một người bơi lẻ để lo chụp hình, còn lại bơi đôi như tôi. Anh Phạm
Hữu Nghĩa, hướng dẫn viên du lịch và là người thiết kế tour này, chạy một chiếc
vỏ lãi theo đoàn để dẫn đường và phòng ngừa bất trắc.
Kayak khởi
thủy là loại xuồng độc mộc bọc da hải cẩu của người Eskimo, nay khách sạn
Victoria Cần Thơ đặt một công ty ở miền Tây đóng toàn bằng composite. Thuyền
nhẹ, dễ lật nếu không giữ được thăng bằng, nhưng chìm thì thuyền vẫn... nổi.
Diễm ngồi
phía trước, nói: "Em biết bơi chút đỉnh nhưng có áo phao thì không
sợ". Biết vậy nhưng cô cũng hồi hộp vì nhìn ra ngoài, sông Hậu đang mênh
mông sóng nước phù sa mùa lũ. Tôi nhủ thầm, cây dầm hai mái nhẹ tênh, nếu mình
cố chèo cho đều hai bên thì chắc là yên bụng.
Ra tới vàm
sông Hậu, mọi người rẽ vào sông Cần Thơ, nhắm hướng xóm Chài. Giữa ngã ba sông
lộng gió, lại có nhiều tàu đò lục tỉnh đi về bến Ninh Kiều nên sóng mạnh hơn. Có
lúc từng con sóng cắt ngang làm nghiêng ngả chiếc kayak, nước tràn cả vào chỗ
ngồi. Lúc này cô Diễm đã ngồi bệt hẳn xuống khoang thuyền, đưa hai bàn tay ra
làm hai mái chèo giỡn sóng, chắc là để tìm cảm giác an toàn. Hôm sau, cô mới
nói: "Lúc đó em sợ thuyền bị lật, nhưng tin là nó được thiết kế cân bằng,
nên vẫn muốn phiêu lưu với nó".
Anh Nghĩa
cho biết du khách Mỹ rất thích tour này vì họ thích cảm giác mạnh, lại được
bồng bềnh ướt đẫm trên sóng nước Mêkông. Còn khách Nhật vừa thích cảm giác
vật lộn với sông nước lẫn cảm giác bình yên nên họ thường bơi len lỏi vào
những con rạch nhỏ.
Chiều dần
buông, sợ nước ròng mau cạn, chúng tôi bỏ bớt đoạn Vàm Hưng Phú - Rạch Cái Ðôi,
quày ra để kịp vượt sông Hậu vào cồn Ấu. Không dè ra tới giữa sông, nước đã
giựt xuống lưng chừng những thân cây bần mọc dài theo đuôi cồn Cái Khế. Tuy
vậy, sông Hậu vẫn mênh mông và băng băng sóng gió.
Trong khi
hai chúng tôi bị gió đẩy trôi xa khỏi đoàn gần nửa cây số thì ở đoàn thuyền
một chiếc đã được kéo lên vỏ lãi, chiếc kia phải tách bớt một người lên vỏ lãi
theo anh Nghĩa. Chiếc kayak của các bạn tôi đã bị lật ngay chỗ sông cạn nhưng
đầy sóng gió này. Thế mà cô Diễm vẫn gan góc không chịu lên ghe lớn, tiếp tục
cùng chiếc kayak mong manh ngược dòng sông cái quẹo vào cồn Ấu.
Hoàng hôn
đã thắm một góc trời. Những rặng bần hai bên con rạch nhỏ dập dềnh phù sa đỏ
trôi chầm chậm theo con nước ròng. Khua nhẹ mái dầm, thuyền kayak lặng lẽ trôi.
Quanh co
len lách một hồi đã tới nhà vườn ông Hai. Ông bà Hai và cậu con trai út ra tận
cầu bần đón khách, đưa ra sau vườn. Ông Hai hái một chùm mận chín tặng cô Diễm.
Từ đó cho tới khi khu vườn xanh đổi thành màu của màn đêm cồn Ấu, là bất tận
những câu chuyện quê mùa tình nghĩa giữa khách và chủ. Những đặc sản miệt
vườn như tôm lóng nướng lửa than, ếch nướng mọi, cháo gà, rượu trái cây...
càng làm mọi người chếnh choáng trong tiếng đàn ghi-ta phím lõm của ông già Hai
và những bài ca tài tử của chàng trai hàng xóm. Ông Hai nói: "Khách Tây
ham cảnh này lắm, cứ đòi ở lại tới khuya".
Dùng dằng
quá chén quá giờ, cô Diễm không thể ở lâu hơn, anh Nghĩa được cử đưa cô về
trước rồi quay lại rước đoàn. Người đi kẻ ở coi vậy mà cũng lâm li trên bến
rặng bần. Tới chừng con trăng mười bảy loang loáng một vùng trời nước Hậu Giang
thì những người khách sau cùng cũng đành chia tay gia chủ, để làm một cuộc vượt
sông trăng kỳ thú trên những chiếc kayak mỏng manh đặng quay trở về với phố thị
Tây Ðô.
Mở tour mới?
|
Cầu đi bộ Ninh Kiều ở Cần Thơ. Ảnh: Trần Anh Thắng |
Thế nhưng tour
này chỉ tồn tại tới năm 2008. Theo ông Đào Duy Hòa, nguyên trợ lý tổng giám đốc
khách sạn Victoria Cần Thơ, nay đã nghỉ hưu và đang định cư ở Úc, lý do chính
vì vắng khách, nhất là khách nội địa.
Ông Hòa chia sẻ:
“Nguyên nhân bỏ tour này vì về sau ít người đăng ký do khâu tiếp thị giới thiệu
tour chưa được quan tâm đúng mức”. Ông Hòa cũng nói về chi phí mà khách sạn
Victoria Cần Thơ đã đầu tư cho sản phẩm này lúc ban đầu: “Tiền mua một chiếc
kayak khoảng 2,5 triệu đồng, giá tour 25 đô la Mỹ/người chưa tính chi phí cho
tour guide, nước uống mang theo và bữa ăn tại nhà vườn”.
Giờ hay tin ngành
du lịch Cần Thơ đang mở thêm một số sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, miệt
vườn trong xu thế thu hút đầu tư mới, ông Hòa lại ao ước: “Nếu được đầu tư và
tiếp thị tốt hơn thì tour này sẽ khởi sắc. Theo tôi, nhân viên lễ tân hoặc
người chuyên trách nên trực tiếp giới thiệu tour với khách kèm theo video, hình
ảnh tour, miêu tả cảm giác phiêu lưu thú vị khi đi tuor cùng bữa ăn homestay
với các món ẩm thực nhà vườn”.
Người “cựu chiến
binh du lịch” này, nay tuy sống xa nhà nhưng vẫn thiết tha: “Ngồi trên xuống
máy không “đã” bằng ngồi kayak và tự bơi để thể hiện bản lãnh khi mình luồn
lách qua các con rạch nhỏ, sau đó bơi ra sông cái mênh mông. Ai trải nghiệm
tour này sẽ càng hiểu được giá trị và cảm xúc của sự phiêu lưu mạo hiểm và cả
sự lãng mạn nữa”.
Khi nghe chúng
tôi kể lại câu chuyện này, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết chuyện này “đúng ý
tưởng” mà lãnh đạo thành phố muốn thực hiện. Vì dự án nâng cấp đô thị TP. Cần
Thơ do Ngân hàng Thế giới tài trợ đang làm không chỉ thuần về xây dựng mà còn
kết hợp đồng thời tạo cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia phát
triển các dịch vụ, thậm chí làm cầu nối với tổ chức, ngân hàng cung cấp tín
dụng, có Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vào cuộc.
Riêng với
dự án Hồ Bún Xáng chạy quanh Đại học Cần Thơ, một hợp phần của tổng dự án do
Ngân hàng Thế giới tài trợ, bà Ánh cho biết Hồ Bún Xáng được thiết kế theo “đường
bơi thi đấu thuyền kayak”. Công trình này hiện đang được thi công, khi hoàn
thành sẽ là nơi thi đấu, tập luyện thi đấu, ngoài ra còn khai thác dịch vụ giải
trí du lịch.
Phó chủ
tịch Võ Thị Hồng Ánh cũng cho biết vào ngày 20-3-2017,
lãnh đạo TP. Cần Thơ sẽ cùng đoàn chuyên gia đến từ Nhật bàn chuyện Nhật hỗ trợ
chương trình khai thác hệ thống kênh rạch, di sản, phát triển du lịch, phát
triển kinh tế địa phương cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ dân, trong
khuôn khổ của tổng dự án này. “Chúng
tôi rất cần những doanh nghiệp như thế này đầu tư vào Cần Thơ. Sẽ mở các tuyến
đi dọc sông, kênh rạch và hồ trong thành phố”, bà Ánh nói.
Phải chăng,
đây là những tín hiệu mới để vài năm nữa, du khách trong và ngoài nước đến với
Cần Thơ sẽ yêu thích Cần Thơ hơn, vì trong đó có nhà đầu tư mới, đã mở lại tour
bơi thuyền kayak trên sông rạch Cần Thơ...
Đã đăng báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 13-3-2017: