Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Các DN Nhật muốn đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Cần Thơ



Quang cảnh hội thảo “Ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong phát triển kinh tế đô thị và tăng cường khả năng thích ứng” tại Cần Thơ ngày 17-3-2017

(TBKTSG Online)- Một đoàn hơn 10 doanh nhân Nhật Bản đến từ thành phố Fukuoka đã đề xuất các sáng kiến công nghệ nhằm giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu và muốn đầu tư các công nghệ này tại Cần Thơ để thực hiện dự án nâng cấp đô thị theo nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong phát triển kinh tế đô thị và tăng cường khả năng thích ứng”, tổ chức tại Cần Thơ sáng 17-3-2017, đoàn doanh nghiệp Nhật đã giới thiệu với đại diện chính quyền thành phố Cần Thơ, cơ quan khoa học và doanh nghiệp ở Cần Thơ về các công nghệ này.

Ông Takashi Miyachika, đại diện công ty Taiho Metals, giới thiệu về hệ thống cửa chống nước và tấm chắn lũ đang được sử dụng tại Nhật và Trung Quốc. Ông cho biết các sản phẩm này ngăn được nước lũ tràn vào các công trình, các cơ sở xây ngầm mà vẫn bảo đảm lối thoát hiểm cho người dân.

So sánh thảm họa lũ lụt do mưa lớn tại miền tây Nhật Bản hồi tháng 6-1999, ông Takashi Miyachika nói ở Cần Thơ và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chuyện này thường xảy ra hàng năm, do vậy công ty sẵn sàng hợp tác đầu tư ứng dụng công nghệ này tại Cần Thơ và các tỉnh khác.

Đại diện tập đoàn Daiken, ông Norishika Matsuo, giới thiệu mô hình “Quận vườn Oginoura” ở Fukuoka, nơi mà 18 khu dân cư luôn có những công viên cây xanh nhỏ mọc trên những bể ngầm thu nước mưa.


Công nghệ này đang được xây dựng tại Lào; mỗi bể ngầm chứa được 100 tấn nước, vừa làm nước uống, nước sinh hoạt, vườn rau xanh bên trên, có giá thành thấp, người dân tại chỗ có thể tự làm và thời gian xây dựng chỉ trong vòng một tuần.


“Ở tất cả các khu dân cư tập thể, trường học, công viên, bãi đậu xe, nhà máy… đều có thể ứng dụng mô hình này. Nó như một  “cơ sở phòng chống thiên tai”, bảo vệ người dân khỏi ngập lụt mùa mưa, dự trữ nước uống mùa khô, rất thích hợp với đô thị Cần Thơ”, ông Norishika Matsuo nhấn mạnh.


Đến từ tập đoàn Sysmet, ông Hiroki Murakami giới thiệu về hệ thống cảnh báo sớm thiên tai mang tên Zerosai, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến được điều khiển bằng điện thoại thông minh.


Nhắc lại thiệt hại ở Việt Nam (hai trận bão năm 2006 khiến 100 người chết, thiệt hại khoảng 600 triệu đô la Mỹ và trận mưa lớn tháng 10-2006 làm 20 người chết, gây hại cho hơn 100.000 hộ dân), ông Hiroki Murakami nói: “Chúng tôi có thể cung cấp giải pháp phù hợp nhất sau khi phân tích thực trạng tại thành phố Cần Thơ về vấn đề này”.


Giới thiệu một công ty con vừa xây dựng tại tỉnh Vĩnh Long năm 2015, giám đốc Công ty Kyowakiden Việt Nam, ông Yoshifumi Onoue, cho biết hệ thống lọc nước sạch từ nước biển và các công nghệ xứ lý nước khác của công ty “đang được tập trung cho cả vùng ĐBSCL”.


Trả lời TBKTSG Online về tính khả thi của các công nghệ này đối với các công trình trong khuôn khổ dự án vay vốn của WB - nâng cấp đô thị Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu - bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nói: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về công nghệ tấm chắn để đưa vào các khu nhà dân và các công trình tại các tuyến đường sẽ tạo ra chênh lệch cao độ đang chuẩn bị làm. Về công nghệ hồ trữ nước, sẽ tìm hiểu kỹ, nếu được, sẽ áp dụng cho các khu dân cư nông thôn và tại Cồn Sơn. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo thiên tai và mực nước cũng rất cần”.


Bài đăng tại
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/158079/

Không có nhận xét nào: