(TBKTSG Online) - Trường Đại học Cần Thơ sáng nay (17-6) kiến nghị UBND thành phố Cần Thơ ủng hộ đề án của trường xây dựng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Quang cảnh buổi họp về dự án Bảo tàng lịch sử tự nhiên ĐBSCL tại Cần Thơ sáng ngày 17-6-2015. |
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Phó trưởng ban thường trực đề án, cho biết hiện nay lưu vực sông Mekong đang chịu nhiều sự xáo trộn như thâm canh, mở rộng đất nông nghiệp, công nghiệp, khu dân cư, khai thác rừng, xây đập thủy điện… tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên và làm rất nhiều loài sinh vật của vùng này bị tuyệt chủng hay có nguy cơ tuyệt chủng.
“Do đó, việc xây dựng bảo tàng lịch sử tự nhiên cho lưu vực sông Mekong là cần thiết và rất cấp bách,” ông Ni nhấn mạnh. Ông cho biết bảo tàng sẽ gồm bốn hạng mục chính: khu lưu trữ thông tin dữ liệu; khu lưu trữ mẫu vật; các sản phẩm học thuật như sách báo, phim ảnh, trang web… và khu trưng bày hiện vật.
Theo ông Ni, các hạng mục như thông tin dữ liệu, mẫu vật, sản phẩm học thuật đòi hỏi tính chuyên môn cao; còn khu trưng bày hiện vật là nơi hấp dẫn mọi người và mang tính giáo dục xã hội, kể cả việc kinh doanh, du lịch.
“Đại học Cần Thơ đã lo được ba nội dung đầu. Chỉ còn lại khu trưng bày mẫu vật, cần có đất và kinh phí, mong được thành phố Cần Thơ và doanh nghiệp bắt tay nhau hỗ trợ,” ông Ni nói.
Tham gia đề án này, ngoài Đại học Cần Thơ, nơi sẽ đóng vai trò chính về quản lý, đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở nghiên cứu, sưu tầm, còn có Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, hệ thống các trường đại học lưu vực sông Mekong, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
TS Dương Văn Ni cho biết chỉ riêng với lúa, trường đã thu thập bảo tồn gần 4.000 giống lúa mùa đặc trưng của ĐBSCL và nhấn mạnh, trong thu thập mẫu vật, phải làm cả ở ĐBSCL và khu vực Mekong vì ĐBSCL gắn liền với lưu vực này.
“Thí dụ cá ông nược (cá heo nước ngọt), hiện chỉ còn khoảng 100 con ở vùng Stung Streng - Campuchia. Nếu ở đó họ xây hai đập thủy điện nữa thì nhóm cá heo này sẽ mất vĩnh viễn,” ông Ni nói.
Đại diện các sở thuộc UBND thành phố Cần Thơ ủng hộ mục tiêu xây dựng bảo tàng này và góp thêm nhiều ý kiến.
Bà Nguyễn Bạch Vân, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Cần Thơ, cho biết Viện Lúa ĐBSCL cũng đang xúc tiến lập Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL, do vậy Đại học Cần Thơ cần xem lại đề án để tránh trùng lắp về nội dung cây lúa.“Cần đánh giá kỹ hiệu quả của bảo tàng và cũng cần có chủ trương từ Bộ Giáo dục và đào tạo”, bà Vân nói.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Thế đề nghị, nếu đề án được chấp thuận thì nên đặt khu trưng bày ở đầu cồn Ấu ven sông Hậu.
Ông Trương Công Mỹ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ, cho rằng bảo tàng này là một yếu tố cấu thành quy hoạch đô thị thành phố Cần Thơ, thành phố loại 1 nằm ở trung tâm ĐBSCL. Ông đề nghị tên của bảo tàng nên là Bảo tàng Tự nhiên ĐBSCL, không cần thêm chữ “lịch sử”.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Cần Thơ, ông Lê Mạnh Tùng, cho biết đề án này không nằm trong 12 dự án ưu tiên đầu tư vốn nhà nước đến năm 2020 của Cần Thơ và cần từ 50-60 hecta đất với trên 200 tỉ đồng vốn. Do vậy, “nếu muốn thu hút tư nhân đầu tư, trước hết phải có đất,” ông Tùng nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, giao cho Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Cần Thơ làm đầu mối với Đại học Cần Thơ và yêu cầu sở này đánh giá lại hiệu quả của dự án để chính quyền thành phố sớm trả lời chính thức với Đại học Cần Thơ.
Cũng theo ông Nam, “TPHCM đã có quy hoạch Bảo tàng Tự nhiên Nam bộ bao gồm cả ĐBSCL, rồi Bảo tàng Nông nghiệp của Viện Lúa ĐBSCL nữa, nếu không tính kỹ, sẽ phá vỡ quy hoạch bảo tàng của cả vùng.”
Về nguồn vốn đầu tư, ông Nam nói: “Tốt nhất là đừng xin tiền công vì khó lắm, bây giờ không có đâu.”
Bài đã đăng:
http://www.thesaigontimes.vn/131747/Dai-hoc-Can-Tho-muon-lap-Bao-tang-lich-su-tu-nhien.html