Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Tích tụ ruộng đất - một phần của giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp



Lê Anh Tuấn (*)

Ngày nay, người nông dân sở hữu một diện tích lớn hơn sẽ có những đóng góp tốt hơn cho nông nghiệp nước nhà nếu họ biết tổ chức khai thác tài nguyên đất đai hợp lý và bền vững. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ


(TBKTSG) - Không phải vô cớ mà các cụm từ “tích tụ ruộng đất”, “mở rộng hạn điền” ngày càng được đề cập nhiều hơn và công khai hơn, so với khoảng hai thập niên trước đây, trên các diễn đàn thảo luận ở chốn nghị trường, hội thảo khoa học và báo chí. Gần đây nhất là một số phát biểu đáng chú ý một số lãnh đạo cao cấp.

Ngày 5-10-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị của cử tri Hải Phòng về việc tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền để nông nghiệp sản xuất lớn. Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu có ý kiến cần phải cho phép tích tụ ruộng đất như là một phần của giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp. Vấn đề này đã từng được nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đề cập trước đó.

Theo điều 129 Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Trong hơn 63.500 từ của Luật Đất đai năm 2013, không có cụm từ “tích tụ ruộng đất” hoặc “mở rộng hạn điền”.

Như vậy, cho dù một nông dân sản xuất giỏi hoặc có tài quản lý ruộng đất đến đâu cũng không thể có quyền sử dụng quá mức diện tích đất đai mà luật pháp đã quy định ở trên. Người nông dân muốn gia tăng quy mô sản xuất nông nghiệp đó chỉ có nước “lách luật” bằng cách “mua” thêm đất đai rồi nhờ người thân hoặc người quen đứng tên trên giấy tờ pháp lý. Điều này rất dễ gây rủi ro cho người đầu tư nông nghiệp, khiến họ phải chùn tay hơn khi muốn cơ giới hóa, thủy lợi hóa hoặc đầu tư lớn các biện pháp tự động hóa canh tác. Người nông dân vẫn mãi là một “người làm ruộng” quy mô nhỏ và khó trở thành một “doanh nhân nông nghiệp” được.

Điều này dẫn đến hệ quả là sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn phần lớn luẩn quẩn theo lối canh tác manh mún, thiếu đồng bộ và kém cạnh tranh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nông dân nước ta chiếm tỷ lệ nghèo bình quân cao nhất trong các ngành nghề, cho dù một số nông - thủy sản Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu, cá ba sa, tôm... chiếm thứ hạng cao về tổng sản lượng trên thế giới.

Có sáng kiến lắm và biết cách làm ăn, thành công lắm thì anh “Hai Lúa” hiện thời cũng chỉ tới mức một “nông dân tiên tiến” xoàng xoàng chứ không thể nào trở thành một ông “Hai Lúa đại gia” có trong tay vài chục đến vài trăm héc ta đất để “làm giàu không khó”.


Quan niệm “tích tụ ruộng đất” một thời gian dài bị lên án, xếp xó... trong khi một hình thức khác đã hình thành, mang tính chất tinh vi hơn, thủ đoạn hơn và nhiều khi được hợp pháp hóa là “chiếm hữu đất đai”. Đất đai có thể bị lũng đoạn, chiếm lĩnh dưới các hình thức quy hoạch sử dụng cho một dự án đầu tư nào đó như phát triển đô thị hóa, làm thủy điện, xây dựng khu công nghiệp tập trung, làm sân golf, khu nghỉ dưỡng... Khi ấy, một tập đoàn kinh tế nào đó, bằng những cách khác nhau, với nguồn lực tài chính dồi dào, có thể vận động hành lang hoặc xoay xở bằng cách này cách khác để được cơ quan nhà nước cấp một diện tích có thể lên đến vài trăm héc ta. Thế rồi, chính quyền tiến hành thu hồi đất của người nông dân bằng một quyết định hành chính, giá đền bù thiệt hại do mất quyền sử dụng đất đai “theo quy định”, hoặc khá hơn là có thêm chút đỉnh theo kiểu “hỗ trợ”.

Thật ra về ngữ nghĩa, “tích tụ ruộng đất” (land accumulation) hoàn toàn khác với “chiếm hữu/chiếm đoạt đất đai” (land grabbing). Tích tụ ruộng đất mang tính tích cực, người nông dân biết cách tổ chức và quản lý sản xuất nông nghiệp thành công, sẽ có ý định mua thêm đất theo cân đối khả năng quản lý, vốn và tài nguyên của mình. Họ sẽ mua đất từ những người nông dân khác mà khả năng sản xuất kém hơn (do nhiều lý do khác nhau) để mở rộng và đầu tư canh tác. Họ phải cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố cạnh tranh trong thị trường cung ứng hàng hóa nông nghiệp, chuỗi giá nông sản qua chế biến. Người nông dân “bán” đất có thể chủ động chọn lựa hoặc là làm công cho người sản xuất tốt hơn, hoặc dùng số tiền bán đất để chuyển đổi nghề và dời chỗ ở qua khu vực sinh sống khác như thành phố hay các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ... Còn khái niệm “chiếm hữu đất đai” mang ý nghĩa tiêu cực. Các “ông trùm” (barons) dùng thế lực để chiếm đoạt tài nguyên (đất, nước, rừng) từ những cá nhân khác và cả của cộng đồng chung. Khi đó, người nông dân bị mất đất ở thế hoàn toàn bị động và thua thiệt.

Ngày nay, người nông dân sở hữu một diện tích lớn hơn sẽ có những đóng góp tốt hơn cho nông nghiệp nước nhà nếu họ biết tổ chức khai thác tài nguyên đất đai hợp lý và bền vững. Nhiều ví dụ điển hình cho thấy, sản xuất lớn trong nông nghiệp đều tương quan với việc sử dụng diện tích lớn. Sự tồn tại của điền chủ, chủ trang trại hay thậm chí gọi là “địa chủ hiện đại” cũng không thể nào gây ra những xáo trộn tiêu cực cho xã hội, kinh tế hay chính trị. Ngược lại, họ phải bảo vệ sự ổn định kinh tế và xã hội như chính sự tồn tại của họ.

Không có gì vô lý và o ép hơn khi trong một quốc gia, công dân làm doanh nghiệp, làm chủ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ thì có quyền tích lũy vốn liếng, nhà xưởng, công cụ sản xuất và được sử dụng diện tích đất đai lớn còn người làm nông nghiệp thì phải chịu cảnh “hạn điền”. Có sáng kiến lắm và biết cách làm ăn, thành công lắm thì anh “Hai Lúa” hiện thời cũng chỉ tới mức một “nông dân tiên tiến” xoàng xoàng, chứ không thể nào trở thành một ông “Hai Lúa đại gia” có trong tay vài chục đến vài trăm héc ta đất để “làm giàu không khó”. Nếu được như vậy, họ có thể đường hoàng ngồi bấm iPhone theo dõi cây trồng, điều khiển tưới tiêu, bón phân tự động và xa hơn là mỗi vụ, ông điền chủ xách cặp táp, bàn chuyện hợp đồng canh tác, thuê kỹ sư nông nghiệp, khai báo thuế, trao đổi hàng hóa, buôn bán nông sản với các đối tác lớn khác, như một doanh nhân thực thụ.

(*) Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153625/

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Vì sao ông Trump thắng cử và liệu chính sách ngoại giao của Mỹ có thay đổi?


Vũ Quang Việt (từ Mỹ)


Ông Donald Trump cùng gia đình trong bài phát biểu tuyên bố thắng cử. Ảnh: Reuters.


(TBKTSG Online) - Giải thích việc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ không khó nhưng trả lời được câu hỏi liệu chính sách ngoại giao Mỹ về cơ bản có gì thay đổi thì không dễ.

Tại sao ông Trump thắng cử?

Có một số lý do khá rõ, giải thích được sự chiến thắng của ông Trump. Cơ bản là lý do kinh tế, mà lý do kinh tế cũng đang ảnh hưởng tương tự tới nhiều nước châu Âu, như vụ Brexit ở Anh.

Về kinh tế

Từ lúc có hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada, Mỹ mất gần 5 triệu việc làm trong khu vực công nghiệp. Năm 1994 , Mỹ có 17 triệu viêc làm trong ngành công nghiệp chế biến, nhưng hiện nay chỉ còn 12 triệu. Công nhân các nhà máy sản xuất xe hơi, phụ tùng, làm ti vi, tủ lạnh, máy giặt đóng cửa hàng loạt. Các ngành công nghiệp này cần nhiều thợ, có nghề tinh thông hoặc ít hơn.

Những bang đã từng là trung tâm công nghiệp của các ngành công nghiệp kể trên của nước Mỹ  bị ảnh hưởng nhiều là Ohio, Michigan, Wisconsin, Pennsylvania là những bang thường nằm trong tay Đảng Dân chủ đều rơi vào tay ông Trump.

Cũng thế từ khi Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nghề dệt may và nghề mộc, đóng bàn ghế gần như bị xóa sạch. Ông Trump thắng ở North và South Carolina là vì thế.
Việc hạn chế dùng than chạy nhà máy điện nhằm giúp giảm ảnh hưởng khí nhà kính, có lợi cho môi trường nhưng đã làm các bang như Kentucky, South Virginia, Indiana tăng số người thất nghiệp và vì thế họ bầu cho ông Trump.

Việc thắng cử của ông Donald Trump có thể làm thay đổi về cơ bản bàn cờ chính trị của nước Mỹ trong tương lai. Công nhân (thật sự là những người mất việc) đã bỏ rơi Đảng Dân chủ.  Tỷ lệ công nhân vào nghiệp đoàn trước đây là 35% giờ chỉ còn 11%.

Những việc làm trong lĩnh vực hầm mỏ và công nghiệp chế tạo đã từng đã tạo ra giai cấp trung lưu, công nhân ở Mỹ. Bây giờ, việc làm ở những vùng này biến mất, khiến cho không chỉ thất nghiệp tăng mà nếu có việc thì thu nhập cũng thấp.Thời cao điểm, việc làm ở ngành công nghiệp chế xuất chiếm 35% tổng số lao động ở Mỹ, hiện nay chỉ còn 8%.

Cho đến nay, phải nói toàn nền kinh tế Mỹ vẫn tăng, vẫn có nhiều việc làm nhưng chủ yếu ở khu vực dịch vụ như buôn bán lẻ, làm nhà hàng, dịch vụ y tế, coi sóc người già. Đây là những ngành nghề có thu nhập thấp. Còn khu vực tạo ra nhiều tiền là công nghệ thông tin và tài chính thì tạo ra ít việc làm và không phát triển được ở những bang mất việc nói trên.

Về những yếu tố khác

Nhiều người cho rằng người Mỹ có trình độ cao không thể bầu cho ông Trump. Nhưng ở Mỹ, cũng chỉ có 40% số dân là có 2 năm học đại học hoặc tốt nghiệp đại học. 60% còn lại chỉ có trình độ trung hay tiểu học. Những nơi mà thất nghiệp vì công nghệ không còn cũng là nơi có trình độ giáo dục thấp.

Nói chung dân theo đảng nào thì họ bỏ phiếu cho đảng đó nên dù không ưa ông Trump họ vẫn bỏ phiếu theo đảng. Cuộc bầu cử vừa qua cho thấy, ở những bang có vấn đề kinh tế như đã nói ở trên, ông Trump thắng vì chính những người trước đây (giới lao động) bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, nay xoay chiều bỏ cho Đảng Cộng hòa.

Tương lai ra sao?

Về thương mại

Thật khó mà biết Trump sẽ làm được gì, nhưng ông Donald Trump đã tuyên bố muốn xóa NAFTA để làm lại, xóa Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này có thể đưa toàn cầu hóa đến ngưỡng hấp hối. Lịch sử đã từng xảy ra. Trước thế chiến thứ I, ở châu Âu mọi người đều tự do đi lại và buôn bán chứ đâu cần visa, hộ chiếu. Tinh thần dân tộc và quốc gia chỉ thực sự nổi dậy sau thế chiến thứ I. Tất nhiên ở đây có sự khác biệt giữa châu Âu và châu Á. 

Về kinh tế

Ông Trump sẽ giảm thuế cá nhân nói chung, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 15%, bỏ thuế kế thừa, nhưng hứa sẽ tăng chi tiêu cho hạ tầng cơ sở, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội như hiện nay. Tiêu nhiều, thu ít nhưng ông Trump cho rằng các hành động này sẽ cân bằng ngân sách vì sẽ đưa tốc độ tăng GDP lên trung bình 3,5% một năm. Đây là điều không tưởng.

Về quốc phòng

Ông Trump cũng hứa sẽ tăng quân số từ 470 ngàn lên 540 ngàn; tăng số tàu chiến từ 271 lên 350; mua thêm 1.200 máy bay tác chiến mới, hiện nay có 5.000 chiếc đã cũ 25 năm tuổi

Về quan hệ quốc tế

Ông Trump cũng hứa sẽ tăng cường đối phó với Trung Quốc và có chính sách ngăn cản thương mại (nhưng làm thế nào thì không biết). Ông Trump sẽ hòa hoãn với Nga, sẽ chỉ tập trung đánh IS, nhưng không tham gia vào các hoạt động xây dựng thể chế dân chủ ở nước ngoài.

Như vậy, ít ra cũng có một điểm sáng là ông Trump sẽ và có thể hòa giải với Nga. Việc Mỹ và các nước EU muốn kéo Ukraine vào EU, kiểm soát Crimea (là cảng quan trọng ra Địa Trung Hải của Nga), thay vì để nó là một nước trung lập như từ trước đến nay là một sai lầm chiến lược của Mỹ, đẩy mâu thuẫn sau chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga lên đỉnh điểm ở khắp nơi.

Nói chung, về kinh tế và thương mại quốc tế, hành động như đã hứa của Donald Trump và nếu thực hiện sẽ bày ra thế cờ mới trên thế giới. Trung Quốc và các nước ở châu Á như Việt Nam sẽ phải thay đổi hướng dùng xuất khẩu để phát triển kinh tế.  Còn với chính sách kinh tế nội địa nếu thực hiện sẽ đưa kinh tế Mỹ đến chỗ phá sản vì ngân sách sẽ thiếu hụt trầm trọng.

Và quan trọng hơn, chiến lược đưa về lại Mỹ các ngành công nghiệp đã hết thời để tạo việc làm sẽ chẳng khác gì hành động của Sisyphus đẩy tảng đá lớn lên đỉnh núi.

Tương lai trước mắt khó đoán định vì Đảng Cộng hòa cũng thắng cả ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ và như thế sẽ đưa được người bảo thủ vào Tối cao pháp viện.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153675

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Ông Donald John Trump thắng cử


Minh Đức



Ông D.Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) - Từ một người chưa từng tham gia chính trị, ông Donald John Trump đã đưa cả nước Mỹ và thế giới đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, kể từ khi tuyên bố tranh cử, tới khi dễ dàng vượt qua 16 đối thủ trong Đảng Cộng hòa. Hôm nay, ông tiếp tục gây bất ngờ khi vượt qua đối thủ nặng ký là Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.


Các chính sách của ông Trump

Thắt chặt nhập cư.

Ông đề xuất hạn chế số lượng nhập cư hợp pháp, đồng thời đẩy mạnh trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ.


Giảm thuế.

Ông chủ trương việc giảm thuế để kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Ông tin rằng kế hoạch giảm thuế của mình sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng từ 2% lên 3,5% và tạo ra khoảng 25 triệu việc làm.


Chống lại TPP.

Ông Trump kiên quyết chống lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP); đồng thời tuyên bố đàm phán lại về các hiệp ước đã ký kết như Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). 



======================

Khoảng 14 giờ 40 Hà Nội, theo Washington POST, sau khi có kết quả kiểm phiếu tại 46/51 bang, ông D. Trump đã giành được tổng cộng 276 phiếu đại cử tri, vượt qua bà Hillary Clinton (chỉ có 218 phiếu), đủ điều kiện để trở thành vị Tổng thống mới của nước Mỹ. 

Vài phút trước đó, ông Trump đã giành chiến thắng tại bang chiến trường Pennsylvania, với 20 phiếu đại cử tri. Mặc dù vẫn còn 5 bang nữa chưa kiểm phiếu xong, nhưng ông Trump coi như đã giành chiến thắng.

Ông Trump sinh ngày 14-6-1946, sẽ trở thành tổng thống già nhất trong lịch sử Mỹ (70 tuổi), vượt qua kỷ lục trước đó của cựu Tổng thống Ronald Reagan (nhậm chức khi 69 tuổi). Ông cũng là người đầu tiên giữ cương vị người quyền lực nhất nước Mỹ mà chưa từng có kinh nghiệm nào trên chính trường. Ông sẽ nhậm chức khi các bang và quốc hội Mỹ hoàn tất các thủ tục cần thiết vào tháng 1-2017.

Ông Trump là một nhân vật quan trọng trong giới doanh nhân Mỹ và nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông. Ông nổi tiếng trên toàn nước Mỹ nhờ sự nghiệp, nỗ lực gây dựng thương hiệu, đời sống cá nhân, sự giàu có và bản tính thẳng thắn của mình. Ông là chủ tịch kiêm tổng giám đốc của The Trump Organization và là người sáng lập Trump Entertainment Resorts. 

Rạng sáng ngày 8-11 theo giờ Mỹ (6 giờ tối qua giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu tại nhiều bang quan trọng ở Mỹ bắt đầu mở cửa trong ngày bầu cử chính thức. Cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là khốc liệt và gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đó là sự đối đầu giữa ứng cử viên giàu kinh nghiệm chính trị của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, và ứng cử viên từng trải trên thương trường của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump.

Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ cho biết cả nước có 219 triệu cử tri đủ tư cách đi bầu cử và chỉ có khoảng 146 triệu (69%) đăng ký đi bầu. Số thực sự đi bầu thực tế bao giờ cũng thấp hơn vì nhiều cử tri đăng ký nhưng không đi.

Các kết quả thăm dò dư luận sát ngày bầu cử cho thấy không có ứng cử viên nào thực sự giành ưu thế rõ rệt và diễn biến cuộc bầu cử đã cho thấy cuộc bám đuổi quyết liệt giữa hai ứng cử viên.

Không khí của cuộc bầu cử nóng lên từng phút. Khoảng 8 giờ 30 phút sáng (giờ Hà Nội), bà đã Clinton dẫn trước đối thủ với 68 phiếu đại cử tri, so với 66 của ông Trump.

Bà Clinton giành thắng lợi tại các bang Vermont (3 phiếu), Illinois (20 phiếu), Massachusset (11 phiếu), New Jerrsey (14), Maryland (10), District of Columbia (Washington – 3 phiếu)…

Trong khi đó ông Trump giành được 66 phiếu đại cử tri, tại các bang Indiana (20), Kentucky (8), Tennesse (11), Nam Carolina (9), Oklahoma (7), Alabama (9)…

Tuy nhiên, tính đến 9 giờ sáng (giờ Hà Nội), ông Donald Trump đã nhanh chóng vượt lên dẫn trước đối thủ Hillary Clinton về phiếu đại cử tri với tỷ lệ 129-97; rồi sau đó là 137-104.

Cao điểm nhất, khoảng 10 giờ 20, ông Trump đã hơn bà Cliton tới 58 phiếu đại cử tri, với tỷ lệ 167-109.

Theo luật, cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà họ dùng phiếu phổ thông để chọn các "đại cử tri" trong từng bang. Số lượng đại cử tri mỗi bang tỷ lệ thuận với dân số. Chẳng hạn, bang California có dân số lớn nhất sẽ có 55 đại cử tri. Trong khi đó, bang Delaware chỉ có 3 đại cử tri. Tổng số đại cử tri từ 50 bang và thủ đô Washington là 538.

Muốn trở thành tổng thống, ứng cử viên phải giành tối thiểu 270 phiếu đại cử tri. Người giành phần lớn phiếu phổ thông của một bang sẽ giành toàn bộ phiếu đại cử tri của bang. Ứng cử viên thắng ở bang nào thì giành được tất cả các phiếu đại cử tri ở bang đó (trừ 2 bang Maine và Nebraska có quy định riêng).

Ví dụ bà Hilary thắng ở bang California, bà sẽ có 55 phiếu đại cử tri. Ai giành được 270 phiếu đại cử tri sẽ giành chiến thắng.

Đại cử tri sẽ tập trung vào ngày 17-12 tại bang để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Sau đó Quốc hội Mỹ sẽ họp vào ngày 3-1-2017 để kiểm phiếu. Nếu mỗi ứng viên đều giành 269 phiếu, Hạ viện Mỹ sẽ chọn tổng thống, còn Thượng viện chọn phó tổng thống.

Lịch sử Mỹ cho thấy một số bang có truyền thống bỏ phiếu cho một đảng nhất định. Ví dụ các bang Alabama, Mississippi thường ủng hộ đảng Cộng hòa, trong khi California và Massachusetts thường bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Những bang còn lại được gọi là “bang tranh chấp” hay "bang chiến trường” nơi mà ứng cử viên phải dồn sức nhằm giành được lá phiếu từ những cử tri còn do dự.

Trong cuộc đua năm nay, 11 bang tranh chấp gồm có Colorado, Florida, Iowa, Michigan, Nevada, New Hampshire, Bắc Carolina, Ohio, Pennsylvania, Virginia và Wisconsin. Trong số 11 bang này, Florida và Ohio là hai bang lớn nhất với số phiếu đại cử tri lần lượt là 29 và 18, chiếm gần một nửa số phiếu của các bang còn lại.

Trước bầu cử, truyền thông Mỹ dự đoán rằng bà Hillary Clinton sẽ dễ dàng giành được 252 phiếu đại cử tri, còn ông Donald Trump chắc chắn có 163 phiếu. Với dự đoán này thì cựu ngoại trưởng Mỹ có nhiều lợi thế hơn, chỉ cần thêm tối thiểu 18 phiếu đại cử tri là đủ để chiến thắng.

Và để lật ngược thế cờ, ông Trump vừa phải chiến thắng tại các bang ủng hộ truyền thống, vừa phải đánh bại bà Clinton tại các bang chiến trường có số phiếu đại cử tri cao như Florida, Pennsylvania và Ohio.

Chính trị vốn có nhiều bất ngờ. Thực tế cho thấy, cuộc đua giữa hai đối thủ đã diễn ra rất gay gắt, với tỷ lệ phiếu sát sao ở từng bang.

Đến 11 giờ, bà H.Clinton vượt lên với tỷ lệ sát sao 190 – 171, song chỉ 10 phút sau, ông D.Trump đã vượt lên với tỷ lệ 201-190 và nửa tiếng sau đó, ứng cử viên D.Trump tiếp tục bứt phá với tỷ lệ 216-197.

Tại các bang chiến địa gay cấn như Florida, không khí vô cùng hồi hộp. Theo tờ New York Times, với 92% số phiếu đã được kiểm, ứng viên Donald Trump đang dẫn trước với 49,2% tổng số phiếu bầu, trong khi bà Hillary Clinton nhận được 47,7% tổng số phiếu.

Cuối cùng, ông Trump đã thắng ở khe cửa hẹp này, giành trọn 29 phiếu đại cử tri. Các nhà phân tích cho rằng, Florida là bang mà ông Trump buộc phải thắng nếu muốn đi tiếp, còn nếu không, cánh cửa vào Nhà Trắng coi như khép lại. Và vị tỉ phú chưa từng có kinh nghiệm chính trị này đã xuất sắc mở toang cánh cửa đó. 

Tình thế giằng co quyết liệt cũng đã diễn ra tại các bang chiến trường North Carolina, New Hampshire và Pennsylvania. Các số liệu thống kê biến động từng phút và liên tục đảo chiều. Cuối cùng, ông Trump tiếp tục thắng ở trận địa North Carolina (15), Ohio (18).

Chiến thắng ở Ohio là đặc biệt quan trọng đối với ông Trump, bởi theo CNN, chưa có ứng cử viên đảng Cộng hòa nào vào được Nhà Trắng mà không cần dùng đến số phiếu của Ohio. Sự thất bại tại bang North Carolina là một đòn nghiêm trọng cho bà Clinton. Đây là địa điểm mà bà đã tiến hành những hoạt động cuối cùng trong chiến dịch tranh cử của mình chỉ vài giờ trước ngày bầu cử chính thức.

11 giờ 50, tỷ lệ thắng vẫn nghiêng về phía ông Trump với con số là 232-209, sau đó là 238-209 lúc 12 giờ.

12 giờ 30, số phiếu đại cử tri của bà Cliton vẫn dừng ở con số 209, trong khi của ông Trump đã tăng lên 244, chỉ còn thiếu 26 phiếu nữa.

Lúc này, việc hai đối thủ bám đuổi nhau quyết liệt khiến một số bang có phiếu đại cử tri nhỏ như Nevada trở nên quan trọng.

Trước đó một tiếng, nhiều tờ báo, hãng tin phương tây như Independent, AFP, New York Times đã cho rằng ông Trump có khả năng giành chiến thắng "sốc" trong cuộc bầu cử lần này. Hãng tin CNN giật tít: “Ông Trump đã bước lớn một bước lớn về phía Nhà Trắng” (Huge step to White House for Trump).  

Trong khi đội ngũ tranh cử của ông Trump tỏ ra vui mừng, phấn khích mỗi khi kết quả được công bố thì bà Hillary lại có động thái lo lắng. Theo tờ Independent, ứng cử viên Đảng Dân chủ đã đăng lời cám ơn đội ngũ của mình lên mạng xã hội Instagram: "Đội ngũ này có rất nhiều điều đáng tự hào. Cho dù có chuyện gì xảy ra đêm nay, cảm ơn mọi người vì tất cả".

13 giờ 15, khi chỉ còn một vài bang nữa đang còn kiểm phiếu, nhiều bất lợi đang nghiêng về phía bà Hillary Clinton. Đối thủ của bà đang tiếp tục dẫn trước và dành ưu thế tại 4 bang Wisconsin, New Hampshire, Michigan và Pennsylvania, dù kết quả cuối cùng chưa được công bố. 

Cuộc đua vào Nhà Trắng lần này có thể nói là gay cấn và hồi hộp đến những giây phút cuối cùng. Lúc này, ông Trump có 254 phiếu đại cử tri, bà Clinton có 215 phiếu.

Tờ Wall Street Journal nhận xét, ông Trump đã nhận được nhiều ủng hộ của cử tri sống ở vùng nông thôn và lực lượng lao động cổ cồn xanh. Trong khi đó, các khu vực đô thị từng ủng hộ Đảng Dân chủ cũng đang quay lưng với bà Clinton.

Cho tới 14 giờ 40, ông Trump đã là người cán đích trước.

Vậy là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã kết thúc. Cuộc bầu cử lần này được kỳ vọng mang đến sự thay đổi cho nước Mỹ và Trump được cho là đại diện cho những thay đổi đó, bất chấp thực tế rằng, ngay bên trong nước Mỹ ở cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhiều người gọi nhiệm kỳ tổng thống của Trump là "cơn ác mộng kinh hoàng có thể khiến nước Mỹ sụp đổ". 

"Tôi sẽ nỗ lực hết mình và sẽ không để các bạn phải thất vọng. Nước Mỹ là trên hết", ông Trump nói.

======================


Chuyện bên lề

Nổ súng gần điểm bỏ phiếu.

 Một người đàn ông có vũ trang đã nã đạn vào khu vực dân cư lúc 2 giờ chiều (8-11, giờ Mỹ) ở Azusa, Los Angeles, buộc chính quyền phải yêu cầu tạm đóng cửa các điểm bỏ phiếu gần đó. Vụ nổ súng làm 1 người chết, 3 người bị thương, trong đó có một người đang đi bỏ phiếu. Sau vài giờ bao vây khu vực, cảnh sát cho biết kẻ tấn công đã bị trúng đạn chết ở trong nhà. Cảnh sát chưa công bố kẻ tấn công bị bắn chết hay tự sát.


Cựu Tổng thống G.Bush không bầu cho ông D.Trump.

Mặc dù là thành viên Đảng Cộng hòa, nhưng cựu tổng thống George W. Bush đã bỏ phiếu trắng chứ không ủng hộ cho ứng viên của đảng Cộng hòa, ông D. Trump. CNN dẫn lời ông Donald Trump cho biết, ông cảm thấy buồn vì quyết định của cựu tổng thống, song nhấn mạnh việc này không ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử.


Con trai ông D.Trump bị tố vi phạm luật bầu cử.

Eric Trump, con trai của ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã ảnh chụp phiếu bầu của mình lên mạng xã hội Twitter, với lời dẫn: “Thật vinh dự khi bầu cho cha. Ông ấy sẽ làm công việc tốt cho nước Mỹ”. Hành động này được cho là vi phạm luật bầu cử của New York có từ 126 năm nay, cấm cử tri khoe công khai nội dung phiếu đã bầu. Chưa rõ lá phiếu trên sẽ bị xử lý thế nào. Eric đã gỡ bỏ tấm ảnh vài giờ sau đó.

Làng Dixville Notch hết thiêng.

Lúc 0 giờ ngày 8-11, điểm bỏ phiếu đầu tiên mở cửa trong ngày tại Mỹ là ở thị trấn Dixville Notch (quận Coos, bang New Hampshire, đông bắc nước Mỹ). Điểm bỏ phiếu này chỉ có đúng 8 cử tri, nhưng thu hút rất đông phóng viên đưa tin. Chỉ vài phút sau khi mở cửa vào giữa đêm, điểm bầu cử này đã đóng cửa sau khi cả 8 cử tri hoàn thành việc bỏ phiếu. Kết quả được công bố ngay sau đó: bà Clinton giành chiến thắng với 4 phiếu, ông Trump được 2 phiếu (ứng cử viên Gary Johnson được 1 phiếu. Lá phiếu còn lại được ghi tên ông Mitt Romney, ứng viên tổng thống năm 2012). Kể từ năm 2000, ứng cử viên nào thắng cử ở điểm bầu cử này đều trở thành Tổng thống Mỹ.


Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153638/

Cách chức người, không thể cách chức… chức vụ



Nguyễn Vũ

Ông Vũ Huy Hoàng trả lời thắc mắc người dân trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời trên sóng truyền hình quốc gia khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ảnh: tin tức online


(TBKTSG Online) - Một nhầm lẫn khá phổ biến của nhiều người là không phân biệt được con người và chức vụ. Khi nói đến Tổng thống Mỹ, chẳng hạn, luôn có hai hàm ý: chức vụ Tổng thống và một con người cụ thể đang giữ chức vụ này.

Những lễ nghi những quy định những thủ tục lễ tân là nhằm tạo cho cái chức vụ Tổng thống một uy quyền cần thiết để tiến hành những nhiệm vụ được Hiến pháp quy định. Con người cụ thể ở một thời điểm cụ thể nhận sự đối xử đó là do cái chức vụ quy định chứ không phải cho bản thân người đó.

Vì thế việc cách chức một người đã về hưu, không còn giữ chức vụ đó nữa vừa không thực chất vừa tạo ra những hệ lụy quan trọng phải tính tới.

Gần đây nhất, Ban Bí thư có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trên tờ Dân Việt, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – nhận định: “Việc cách chức này có nghĩa là không công nhận ông Vũ Huy Hoàng là Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2016”.

Đó là chuyện bên Đảng, có thể có những quy định riêng nhưng ví dụ nếu tiền lệ này được áp dụng cho hệ thống hành chính, giả thử hiệu trưởng một trường đại học có những sai phạm bị phát hiện sau khi đã về hưu, nay có quyết định cách chức hiệu trưởng của ông ta. Giả thử tiếp, việc cách chức này có nghĩa không công nhận ông này là hiệu trưởng của trường đó trong giai đoạn đó. Vậy không lẽ hàng ngàn tấm bằng tốt nghiệp của sinh viên do ông hiệu trưởng này ký bỗng nhiên trở nên vô giá trị?

Thử nghĩ mà xem, bạn đang cầm trong tay sổ hồng chứng minh quyền sở hữu ngôi nhà của bạn do một công chức nào đó, thay mặt nhà nước ký. Không lẽ giả dụ ông này bị cách chức theo kiểu “hồi tố” thì sổ hồng của bạn xem như bỏ đi? Không hề có chuyện đó. Bởi chức vụ và con người như đã nói ở trên là hai thực thể khác nhau. Ông hiệu trưởng ký tên lên bằng tốt nghiệp không phải vì bản thân ông ấy muốn mà được; không phải ông thích ai rồi cứ ký đại để phát cho họ tấm bằng… Tất cả đều phải theo một trình tự thủ tục hành chính và ông hiệu trưởng ký tên để thực thi chức năng mà chức vụ của ông được giao phó.

Trở lại với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, ở đây chúng ta không bàn đến các sai phạm của ông ta vì các cơ quan chức năng đã làm rõ. Vấn đề là liệu có thể cách chức Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông ta hay không, cách chức như thế nào, có nên hay không, có tạo ra những tiền lệ gì không?

Ông Vũ Huy Hoàng được Chính phủ đề nghị, Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công thương. Quốc hội khóa trước cũng đã miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng của ông này khi Chính phủ trước hết nhiệm kỳ. Nay xét về mặt quy định pháp luật, chuyện cách chức Bộ trưởng theo kiểu “hồi tố” là không khả thi.

Giả thử bằng cách nào đó vẫn tiến hành việc cách chức này được theo đúng luật định, hóa ra việc này chỉ là nhằm không công nhận ông Hoàng là Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2011-2016? Mà không công nhận ông ta là Bộ trưởng, vậy ai là Bộ trưởng Bộ Công thương giai đoạn đó?

Nên nhớ chính ông Vũ Huy Hoàng trong cương vị là Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thay mặt Việt Nam để ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng 11 vị bộ trưởng các nước khác vào ngày 4-2 đầu năm nay! Không lẽ cách chức Bộ trưởng ông này rồi văn bản TPP trở thành vô giá trị? Không thể có chuyện đó. Vậy thiết nghĩ cũng không nên tuyên bố theo góc độ đạo đức, kỷ luật nội bộ của một tổ chức để sau này khó rút lại.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153596/

Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Cơ hội lớn cho năng lượng tái tạo



Lê Anh Tuấn (*)


Một dự án điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: TRUNG CHÁNH

(TBKTSG) - Các yếu tố khí hậu như sự gia tăng nhiệt độ đáng kể, mùa nắng có khuynh hướng kéo dài hơn, mùa mưa bị ngắn lại, nước biển dâng và sóng biển mạnh hơn, gió mùa Tây Nam và Đông Bắc sẽ mạnh dần lên trong tương lai,... nếu xét cho kỹ, đôi khi lại là một lợi thế cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo nếu chúng ta biết tận dụng những yếu tố thay đổi có vẻ như là “nguy cơ” này trở thành các lợi thế.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm cận kề vùng xích đạo của Trái đất, là nơi có khí hậu gió mùa, nóng và ẩm, có hai mùa rõ rệt (mùa mưa kéo dài trung bình năm tháng và mùa khô là bảy tháng còn lại). Mỗi năm vùng đồng bằng này nhận trung bình 2.200-2.500 giờ nắng, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3-4,9 kWh/mét vuông. Đây là một tiềm năng rất tốt cho việc khai thác năng lượng ánh sáng. Ước tính cứ mỗi  một mét vuông lắp đặt các tấm pin mặt trời thì có thể thu được 5 kWh điện mỗi ngày. Nguồn chiếu sáng này rất ổn định, ở mức hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời.

ĐBSCL là khu vực bán đảo thấp và phẳng, giáp biển về phía Đông, phía Nam và phía Tây Nam với đường bờ biển và các hải đảo có tổng chiều dài xấp xỉ 700 ki lô mét và vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000 ki lô mét vuông, rộng gấp 10 lần diện tích đất liền nội địa. Với thuận lợi về mặt địa hình như vậy và với điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5-6 mét/giây ở độ cao 80 mét (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu) thì tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200-1.500 MW.
Năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối đều rất dồi dào ở ĐBSCL và chưa có điều kiện đầu tư khai thác đáng kể.

Các mô hình toán học phỏng đoán biến đổi khí hậu theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau, do các nhà khoa học trong và ngoài nước độc lập thực hiện, đều dẫn đến một kết quả là bức xạ mặt trời và nhiệt độ không khí gia tăng trung bình gần 2 độ C trong khoảng 1-2 thập niên tới. Mô hình PRECIS cho vùng ĐBSCL dự đoán mùa nắng sẽ kéo dài hơn khoảng hai tuần lễ, nghĩa là mùa khô trong năm có thể là 7,5 tháng. Số ngày có nhiệt độ nóng trên 35 độ C sẽ tăng từ 150-180 ngày/năm như hiện nay lên đến 180-210 ngày/năm. Điều này có thể là những hạn chế cho sản xuất nông - ngư nghiệp nhưng lại là điều kiện rất tốt cho khai thác điện mặt trời, giúp gia tăng hiệu quả khai thác, giúp giá thành điện rẻ hơn. Tốc độ gió của các tháng trong năm từ 2020-2050 trung bình sẽ gia tăng từ 10-20% so với hiện nay. Năng lượng sóng biển sẽ gia tăng tương ứng với mức gia tăng tốc độ gió. Như vậy, nếu đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió gần bờ và cả xa bờ, nguồn cung ứng động lực cho các turbin gió ngày càng dồi dào.

Một yếu tố khác khiến điều kiện khai thác năng lượng mặt trời ngày trở nên hấp dẫn hơn là nhờ các tiến bộ khoa học và công nghệ, giá thành sản xuất thiết bị, kỹ thuật lắp đặt ngày càng rẻ dần. Trong khi đó, giá thành sản xuất các loại điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí đều tăng giá xấp xỉ 2%/năm. Ngoài ra, đi theo hướng đầu tư vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia bị lệ thuộc vào nguồn cung khi than và dầu khí sẽ cạn kiệt nhanh vào các thập kỷ tới. An ninh năng lượng quốc gia có thể bị đe dọa khi bị cắt nguồn do các sự cố khó đoán như có chiến tranh, đứt đoạn ngoại giao, cấm vận kinh tế, thiên tai, tai nạn khai thác khoáng sản...

Các nhà máy nhiệt điện than như ở Mạo Khê, Quảng Ninh có giá bán điện ra thị trường từ 5,5-6.2 cent/kWh. Khi lắp đặt các nhà máy nhiệt điện than xuống ĐBSCL và phải nhập khẩu than trong tương lai gần thì giá điện  bán ra thị trường sẽ là 8,3 cent/kWh. Cách tính giá này đều bỏ qua chi phí môi trường và xã hội, mà nếu cộng vào sẽ rất lớn. Giá điện gió hiện hành là 7,8 cent/kWh và điện mặt trời là 12 cent/kWh. Ở Dubai (các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất) giá điện mặt trời chỉ có 2,99 cent/kWh.

Như vậy giải pháp phát triển nhiệt điện than ở vùng ĐBSCL sẽ là rất đắt và vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng. Trong các nguyên tắc cẩn trọng, cần ưu tiên quyết định chọn phương án “không hối tiếc”. Đây là lựa chọn phù hợp với giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào điều kiện sinh thái ở vùng ĐBSCL, bằng cách đi theo con đường phát triển năng lượng tái tạo từ các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện thủy triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt. Nó ổn định lâu dài, không phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ nước ngoài, rất ít gây ô nhiễm và đặc biệt là giá thành sẽ rẻ dần.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, tăng uy tín Chính phủ và dễ dàng tiếp cận những định chế tài chính với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Đây hoàn toàn là một định hướng khôn ngoan, dễ đồng thuận và an toàn.

(*) Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153383/

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

100 đơn vị tham gia Tuần lễ khuyến mãi ở Cần Thơ




Gạo và nếp thơm đang được tiếp thị mạnh tại Cần Thơ. Ảnh: H.K

(TBKTSG Online) - Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, có khoảng 100 doanh nghiệp, đơn vị tham gia Tuần lễ khuyến mãi ở Cần Thơ, từ ngày 18 đến 24-11. Tuần lễ khuyến mãi này cũng được lồng ghép vào hoạt động của Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ từ ngày 18 đến 22-11 ở cồn Cái Khế.

Hàng hóa khuyến mãi thuộc các nhóm hàng thực phẩm, đồ uống, thời trang, dệt may, giày dép, điện, điện máy, điện tử, máy tính, đồ gia dụng, nội thất, thủ công mỹ nghệ; dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí…

Theo danh sách đăng ký, có mặt hàng giảm giá 2-10% (vàng bạc PNJ), giảm 20-30% (nhà sách Fahasa), giảm giá 10-40% (điện máy Chợ Lớn); hoặc hàng thực phẩm chế biến đông lạnh, thủy sản tươi đông lạnh, quần áo Tây Đô của Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ giảm giá 10-15%.

Tuần lễ khuyến mại diễn ra ở tất cả các huyện, thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tập trung nhiều tại quận Ninh Kiều, nơi có 7 chợ truyền thống và hơn 10 siêu thị, trung tâm thương mại.

Đến nay, Cần Thơ vẫn là nơi giao thương sầm uất nhất 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, 9 tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ và dịch vụ của thành phố đạt gần 70.000 tỉ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Bải đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153548/

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm với Phú Quốc


Trần Hữu Hiệp



Hoạt động du lịch biển tại Phú Quốc. Ảnh: MINH KHUÊ

(TBKTSG) - Con đường từ công trường đến thiên đường đang mở ra với Phú Quốc, nhưng để đến đích, không chỉ là tăng tốc đầu tư mà cần làm mát, làm sạch môi trường đảo ngọc. Phú Quốc được nhận diện, không chỉ là một đặc khu kinh tế, mà cần được xây dựng, phát triển theo mô hình hòn đảo thông minh, trở thành điểm đến khác biệt, hấp dẫn, an toàn.


Lấp lánh đảo ngọc quốc gia


Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam (tổng diện tích tự nhiên gần 60.000 héc ta, tương đương đảo quốc Singapore, với 27 hòn đảo lớn, nhỏ), nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhất là chuỗi các điểm du lịch nổi tiếng như Singapore, Phuket, Bali, Hồng Kông, Nhật Bản, Jeju... Phú Quốc là một mắt xích quan trọng để kết nối các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, giải trí tầm cỡ quốc tế.

Trong ba nơi được dự định xây dựng thành đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc, thì hòn đảo này được đánh giá có nhiều lợi thế và tính đặc thù hơn; nằm ở khu vực chiến lược biển Tây Nam, giàu tiềm năng, độc lập với đất liền, có điều kiện áp dụng các cơ chế đặc biệt, năng động.

Thời gian qua, việc đầu tư phần cứng trên đảo như sân bay quốc tế Phú Quốc; cảng biển quốc tế tổng hợp An Thới, Bãi Thơm đã hoàn thành và Dương Đông đang xây dựng; các đường trục Bắc - Nam, vòng quanh đảo và tuyến xương cá đang hoàn thiện. Theo chân đường cáp ngầm xuyên biển đầu tiên ở nước ta, dài nhất Đông Nam Á, đưa điện quốc gia vượt biển ra đảo ngọc, thì đường cáp quang viễn thông cũng đã đưa thế giới xa ra đảo ngọc. Cáp treo dài nhất thế giới vượt biển ra Hòn Thơm đang chuẩn bị đưa vào sử dụng. Kéo theo nhiều công trình hạ tầng lớn trên đảo là nhiều dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhất là các dự án du lịch lớn.

Đến nay, đảo ngọc đã thu hút được khoảng 200.000 tỉ đồng vốn đầu tư, tương đương 9 tỉ đô la Mỹ. Phú Quốc cũng là huyện đảo có nguồn thu ngân sách lớn nhất. Chỉ chín tháng đầu năm 2016 đã thu hơn 1.800 tỉ đồng, dự kiến năm 2016 thu vượt mốc 2.000 tỉ đồng, tăng 27%, chiếm khoảng 40% nguồn thu của tỉnh Kiên Giang.

Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng một triệu lượt khách đến Phú Quốc, tăng hơn 100% so cùng kỳ, gấp chín lần dân số trên đảo. Bán lẻ, doanh thu dịch vụ trên đảo đạt khoảng 20.000 tỉ đồng, tăng gần 29%.


Phát triển nóng, cần làm mát môi trường



Tương lai của Phú Quốc ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm của con người đối với nó trong hiện tại!



Hầu hết các tập đoàn lớn trong nước đã hiện diện đầu tư tại đảo ngọc: Vingroup, Bim Group, Sun Group, CEO Group... Về đầu tư nước ngoài, có khách sạn Novotel Phú Quốc Resort 400 phòng thuộc dự án Tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort, có tổng vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng trong gói đầu tư dự định triển khai khoảng 10.000 tỉ đồng (đây là dự án resort đầu tiên trên thế giới của chuỗi thương hiệu khách sạn Novotel toàn cầu). Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Khem “Mặt Trời Phú Quốc” với tổng vốn 6.200 tỉ đồng, có khách sạn 5 sao JW Marriott đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng.

Cũng vì vậy mà trong vài năm gần đây Phú Quốc như một đại công trường. Thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 50.000 lao động là ngư dân từ khắp mọi miền đất nước đến Phú Quốc, hơn 20.000 lao động làm việc ở các công trình, có nơi hàng ngày thu hút trên 2.000 công nhân.

Phát triển nóng như vậy đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý của địa phương (bộ máy công quyền đang quá tải). Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự ở Phú Quốc có nhiều diễn biến phức tạp do các lực lượng lao động phổ thông đổ về đây rất lớn. Chỉ riêng số vụ tai nạn giao thông, huyện đảo này chiếm 50% so với toàn tỉnh Kiên Giang. Số vụ trọng án cũng xảy ra nhiều hơn.

Phú Quốc bao đời nay là nơi rất bình an, đêm đến nhiều nhà dân ngủ không đóng cửa; nhưng ngày nay đang có nguy cơ trở thành túi chứa tệ nạn. Người bể hụi, trốn nợ, trốn lệnh truy nã... chạy ra Phú Quốc. Tội phạm ở đâu cũng có, nhưng Phú Quốc là đảo ngọc, khách du lịch đến đây sẵn sàng trả phí cao hơn trong đất liền, nên họ có quyền đòi hỏi được cung cấp “sản phẩm dịch vụ chất lượng cao”.

Những gì đang diễn ra ở Phú Quốc trong thời gian qua rất đáng lo ngại. Cần làm sạch môi trường xã hội, quản lý tốt hơn và xây dựng một cộng đồng dân cư sạch. Văn hóa bản địa, ý thức, niềm tự hào, ham muốn làm giàu từ đảo ngọc sẽ biến mỗi người dân trở thành một “đại sứ tiếp thị” cho Phú Quốc. Họ sẽ là yếu tố kết nối văn hóa đảo ngọc với cộng đồng khác trong nước và quốc tế. Cùng với văn hóa, xã hội là yêu cầu đầu tư, bảo vệ môi trường. Sự phát triển quá nóng của Phú Quốc gần đây đã mang đến thực tế: ô nhiễm môi trường. Ngoài các dự án đầu tư cục bộ, thì hệ thống xử lý nước thải, rác thải, Phú Quốc chưa có gì cả.

Phú Quốc - thành phố biển đảo, du lịch, dịch vụ ngoài khơi trong tương lai cần được định hình dài hạn, cần một không gian xanh, sạch, đẹp, kiểu mẫu gắn với cảnh quan biển, với chức năng đô thị được xây dựng trong mối quan hệ với đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và trong mối quan hệ gắn bó với các đô thị lớn của các nước ASEAN và trên thế giới. Tương lai của Phú Quốc ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm của con người đối với nó trong hiện tại!

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153401/