Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Cơ hội lớn cho năng lượng tái tạo



Lê Anh Tuấn (*)


Một dự án điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: TRUNG CHÁNH

(TBKTSG) - Các yếu tố khí hậu như sự gia tăng nhiệt độ đáng kể, mùa nắng có khuynh hướng kéo dài hơn, mùa mưa bị ngắn lại, nước biển dâng và sóng biển mạnh hơn, gió mùa Tây Nam và Đông Bắc sẽ mạnh dần lên trong tương lai,... nếu xét cho kỹ, đôi khi lại là một lợi thế cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo nếu chúng ta biết tận dụng những yếu tố thay đổi có vẻ như là “nguy cơ” này trở thành các lợi thế.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm cận kề vùng xích đạo của Trái đất, là nơi có khí hậu gió mùa, nóng và ẩm, có hai mùa rõ rệt (mùa mưa kéo dài trung bình năm tháng và mùa khô là bảy tháng còn lại). Mỗi năm vùng đồng bằng này nhận trung bình 2.200-2.500 giờ nắng, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3-4,9 kWh/mét vuông. Đây là một tiềm năng rất tốt cho việc khai thác năng lượng ánh sáng. Ước tính cứ mỗi  một mét vuông lắp đặt các tấm pin mặt trời thì có thể thu được 5 kWh điện mỗi ngày. Nguồn chiếu sáng này rất ổn định, ở mức hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời.

ĐBSCL là khu vực bán đảo thấp và phẳng, giáp biển về phía Đông, phía Nam và phía Tây Nam với đường bờ biển và các hải đảo có tổng chiều dài xấp xỉ 700 ki lô mét và vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000 ki lô mét vuông, rộng gấp 10 lần diện tích đất liền nội địa. Với thuận lợi về mặt địa hình như vậy và với điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5-6 mét/giây ở độ cao 80 mét (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu) thì tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200-1.500 MW.
Năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối đều rất dồi dào ở ĐBSCL và chưa có điều kiện đầu tư khai thác đáng kể.

Các mô hình toán học phỏng đoán biến đổi khí hậu theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau, do các nhà khoa học trong và ngoài nước độc lập thực hiện, đều dẫn đến một kết quả là bức xạ mặt trời và nhiệt độ không khí gia tăng trung bình gần 2 độ C trong khoảng 1-2 thập niên tới. Mô hình PRECIS cho vùng ĐBSCL dự đoán mùa nắng sẽ kéo dài hơn khoảng hai tuần lễ, nghĩa là mùa khô trong năm có thể là 7,5 tháng. Số ngày có nhiệt độ nóng trên 35 độ C sẽ tăng từ 150-180 ngày/năm như hiện nay lên đến 180-210 ngày/năm. Điều này có thể là những hạn chế cho sản xuất nông - ngư nghiệp nhưng lại là điều kiện rất tốt cho khai thác điện mặt trời, giúp gia tăng hiệu quả khai thác, giúp giá thành điện rẻ hơn. Tốc độ gió của các tháng trong năm từ 2020-2050 trung bình sẽ gia tăng từ 10-20% so với hiện nay. Năng lượng sóng biển sẽ gia tăng tương ứng với mức gia tăng tốc độ gió. Như vậy, nếu đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió gần bờ và cả xa bờ, nguồn cung ứng động lực cho các turbin gió ngày càng dồi dào.

Một yếu tố khác khiến điều kiện khai thác năng lượng mặt trời ngày trở nên hấp dẫn hơn là nhờ các tiến bộ khoa học và công nghệ, giá thành sản xuất thiết bị, kỹ thuật lắp đặt ngày càng rẻ dần. Trong khi đó, giá thành sản xuất các loại điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí đều tăng giá xấp xỉ 2%/năm. Ngoài ra, đi theo hướng đầu tư vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia bị lệ thuộc vào nguồn cung khi than và dầu khí sẽ cạn kiệt nhanh vào các thập kỷ tới. An ninh năng lượng quốc gia có thể bị đe dọa khi bị cắt nguồn do các sự cố khó đoán như có chiến tranh, đứt đoạn ngoại giao, cấm vận kinh tế, thiên tai, tai nạn khai thác khoáng sản...

Các nhà máy nhiệt điện than như ở Mạo Khê, Quảng Ninh có giá bán điện ra thị trường từ 5,5-6.2 cent/kWh. Khi lắp đặt các nhà máy nhiệt điện than xuống ĐBSCL và phải nhập khẩu than trong tương lai gần thì giá điện  bán ra thị trường sẽ là 8,3 cent/kWh. Cách tính giá này đều bỏ qua chi phí môi trường và xã hội, mà nếu cộng vào sẽ rất lớn. Giá điện gió hiện hành là 7,8 cent/kWh và điện mặt trời là 12 cent/kWh. Ở Dubai (các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất) giá điện mặt trời chỉ có 2,99 cent/kWh.

Như vậy giải pháp phát triển nhiệt điện than ở vùng ĐBSCL sẽ là rất đắt và vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng. Trong các nguyên tắc cẩn trọng, cần ưu tiên quyết định chọn phương án “không hối tiếc”. Đây là lựa chọn phù hợp với giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào điều kiện sinh thái ở vùng ĐBSCL, bằng cách đi theo con đường phát triển năng lượng tái tạo từ các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện thủy triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt. Nó ổn định lâu dài, không phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ nước ngoài, rất ít gây ô nhiễm và đặc biệt là giá thành sẽ rẻ dần.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, tăng uy tín Chính phủ và dễ dàng tiếp cận những định chế tài chính với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Đây hoàn toàn là một định hướng khôn ngoan, dễ đồng thuận và an toàn.

(*) Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153383/

Không có nhận xét nào: