Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Tích tụ ruộng đất - một phần của giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp



Lê Anh Tuấn (*)

Ngày nay, người nông dân sở hữu một diện tích lớn hơn sẽ có những đóng góp tốt hơn cho nông nghiệp nước nhà nếu họ biết tổ chức khai thác tài nguyên đất đai hợp lý và bền vững. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ


(TBKTSG) - Không phải vô cớ mà các cụm từ “tích tụ ruộng đất”, “mở rộng hạn điền” ngày càng được đề cập nhiều hơn và công khai hơn, so với khoảng hai thập niên trước đây, trên các diễn đàn thảo luận ở chốn nghị trường, hội thảo khoa học và báo chí. Gần đây nhất là một số phát biểu đáng chú ý một số lãnh đạo cao cấp.

Ngày 5-10-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị của cử tri Hải Phòng về việc tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền để nông nghiệp sản xuất lớn. Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu có ý kiến cần phải cho phép tích tụ ruộng đất như là một phần của giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp. Vấn đề này đã từng được nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đề cập trước đó.

Theo điều 129 Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Trong hơn 63.500 từ của Luật Đất đai năm 2013, không có cụm từ “tích tụ ruộng đất” hoặc “mở rộng hạn điền”.

Như vậy, cho dù một nông dân sản xuất giỏi hoặc có tài quản lý ruộng đất đến đâu cũng không thể có quyền sử dụng quá mức diện tích đất đai mà luật pháp đã quy định ở trên. Người nông dân muốn gia tăng quy mô sản xuất nông nghiệp đó chỉ có nước “lách luật” bằng cách “mua” thêm đất đai rồi nhờ người thân hoặc người quen đứng tên trên giấy tờ pháp lý. Điều này rất dễ gây rủi ro cho người đầu tư nông nghiệp, khiến họ phải chùn tay hơn khi muốn cơ giới hóa, thủy lợi hóa hoặc đầu tư lớn các biện pháp tự động hóa canh tác. Người nông dân vẫn mãi là một “người làm ruộng” quy mô nhỏ và khó trở thành một “doanh nhân nông nghiệp” được.

Điều này dẫn đến hệ quả là sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn phần lớn luẩn quẩn theo lối canh tác manh mún, thiếu đồng bộ và kém cạnh tranh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nông dân nước ta chiếm tỷ lệ nghèo bình quân cao nhất trong các ngành nghề, cho dù một số nông - thủy sản Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu, cá ba sa, tôm... chiếm thứ hạng cao về tổng sản lượng trên thế giới.

Có sáng kiến lắm và biết cách làm ăn, thành công lắm thì anh “Hai Lúa” hiện thời cũng chỉ tới mức một “nông dân tiên tiến” xoàng xoàng chứ không thể nào trở thành một ông “Hai Lúa đại gia” có trong tay vài chục đến vài trăm héc ta đất để “làm giàu không khó”.


Quan niệm “tích tụ ruộng đất” một thời gian dài bị lên án, xếp xó... trong khi một hình thức khác đã hình thành, mang tính chất tinh vi hơn, thủ đoạn hơn và nhiều khi được hợp pháp hóa là “chiếm hữu đất đai”. Đất đai có thể bị lũng đoạn, chiếm lĩnh dưới các hình thức quy hoạch sử dụng cho một dự án đầu tư nào đó như phát triển đô thị hóa, làm thủy điện, xây dựng khu công nghiệp tập trung, làm sân golf, khu nghỉ dưỡng... Khi ấy, một tập đoàn kinh tế nào đó, bằng những cách khác nhau, với nguồn lực tài chính dồi dào, có thể vận động hành lang hoặc xoay xở bằng cách này cách khác để được cơ quan nhà nước cấp một diện tích có thể lên đến vài trăm héc ta. Thế rồi, chính quyền tiến hành thu hồi đất của người nông dân bằng một quyết định hành chính, giá đền bù thiệt hại do mất quyền sử dụng đất đai “theo quy định”, hoặc khá hơn là có thêm chút đỉnh theo kiểu “hỗ trợ”.

Thật ra về ngữ nghĩa, “tích tụ ruộng đất” (land accumulation) hoàn toàn khác với “chiếm hữu/chiếm đoạt đất đai” (land grabbing). Tích tụ ruộng đất mang tính tích cực, người nông dân biết cách tổ chức và quản lý sản xuất nông nghiệp thành công, sẽ có ý định mua thêm đất theo cân đối khả năng quản lý, vốn và tài nguyên của mình. Họ sẽ mua đất từ những người nông dân khác mà khả năng sản xuất kém hơn (do nhiều lý do khác nhau) để mở rộng và đầu tư canh tác. Họ phải cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố cạnh tranh trong thị trường cung ứng hàng hóa nông nghiệp, chuỗi giá nông sản qua chế biến. Người nông dân “bán” đất có thể chủ động chọn lựa hoặc là làm công cho người sản xuất tốt hơn, hoặc dùng số tiền bán đất để chuyển đổi nghề và dời chỗ ở qua khu vực sinh sống khác như thành phố hay các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ... Còn khái niệm “chiếm hữu đất đai” mang ý nghĩa tiêu cực. Các “ông trùm” (barons) dùng thế lực để chiếm đoạt tài nguyên (đất, nước, rừng) từ những cá nhân khác và cả của cộng đồng chung. Khi đó, người nông dân bị mất đất ở thế hoàn toàn bị động và thua thiệt.

Ngày nay, người nông dân sở hữu một diện tích lớn hơn sẽ có những đóng góp tốt hơn cho nông nghiệp nước nhà nếu họ biết tổ chức khai thác tài nguyên đất đai hợp lý và bền vững. Nhiều ví dụ điển hình cho thấy, sản xuất lớn trong nông nghiệp đều tương quan với việc sử dụng diện tích lớn. Sự tồn tại của điền chủ, chủ trang trại hay thậm chí gọi là “địa chủ hiện đại” cũng không thể nào gây ra những xáo trộn tiêu cực cho xã hội, kinh tế hay chính trị. Ngược lại, họ phải bảo vệ sự ổn định kinh tế và xã hội như chính sự tồn tại của họ.

Không có gì vô lý và o ép hơn khi trong một quốc gia, công dân làm doanh nghiệp, làm chủ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ thì có quyền tích lũy vốn liếng, nhà xưởng, công cụ sản xuất và được sử dụng diện tích đất đai lớn còn người làm nông nghiệp thì phải chịu cảnh “hạn điền”. Có sáng kiến lắm và biết cách làm ăn, thành công lắm thì anh “Hai Lúa” hiện thời cũng chỉ tới mức một “nông dân tiên tiến” xoàng xoàng, chứ không thể nào trở thành một ông “Hai Lúa đại gia” có trong tay vài chục đến vài trăm héc ta đất để “làm giàu không khó”. Nếu được như vậy, họ có thể đường hoàng ngồi bấm iPhone theo dõi cây trồng, điều khiển tưới tiêu, bón phân tự động và xa hơn là mỗi vụ, ông điền chủ xách cặp táp, bàn chuyện hợp đồng canh tác, thuê kỹ sư nông nghiệp, khai báo thuế, trao đổi hàng hóa, buôn bán nông sản với các đối tác lớn khác, như một doanh nhân thực thụ.

(*) Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/153625/

Không có nhận xét nào: