Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Để giảm nguy cơ thiên tai ở ĐBSCL: Ba giải pháp từ chuyên gia nước ngoài

Huỳnh Kim
Thứ Hai,  3/12/2018, 16:51 


(TBKTSG) - Góp phần thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, tuần rồi, nhiều chuyên gia và nhà quản lý đã đề xuất các giải pháp căn cơ và thiết thực tại hội thảo “Hướng đến phát triển bền vững ĐBSCL”, tổ chức ở Cần Thơ.

Sản xuất lúa vụ 3 ở ĐBSCL và để cho lũ tràn đồng ở Campuchia.

Ba giải pháp căn cơ

Theo TS. Andrew Wyatt, Quản lý chương trình Mekong, thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), ĐBSCL có thể tránh được sự gia tăng của nguy cơ thiên tai do phát triển thiếu bền vững nếu áp dụng được ba giải pháp liên quan về bảo tồn, di dời và quy hoạch từ đất liền ra tới biển.

Với vùng hấp thu lũ ở Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, TS. Andrew Wyatt cho rằng cần phải bảo tồn và khôi phục bằng cách chuyển sang các mô hình nông nghiệp dựa vào lũ để hấp thu được nước lũ và giảm sụt lún, bảo đảm nguồn nước ngầm và bồi đắp phù sa.

Với các vuông tôm thâm canh thiếu bền vững, ông đề xuất nên di dời ra xa vùng ven biển và thay thế bằng mô hình tôm - rừng để bảo vệ bờ biển. Làm được như vậy sẽ hạn chế việc bơm nước ngầm gây sụt lún, giúp duy trì độ cao của đồng bằng và đối phó phần nào với nước biển dâng nhờ có phù sa bồi đắp.

Về quy hoạch vùng phòng hộ bờ biển ĐBSCL, theo ông, cần tránh cách tiếp cận tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. “Không nên xây dựng hệ thống đê kè bảo vệ mà cần hướng đến giải pháp mạnh hơn là khoanh vùng phòng hộ; như vùng biển Đông ở Cà Mau nên áp dụng hệ thống canh tác tôm - rừng đồng thời với việc duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt vùng 500 mét rừng ngập mặn ngoài đê ven biển”, ông nói.

Lý giải cho đề xuất này, TS. Andrew Wyatt cho biết hiện nay ĐBSCL đang đứng trước ba thách thức khẩn cấp về phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu.
Thứ nhất, đó là việc quản lý lũ thiếu bền vững do hệ thống đê bao cao làm gia tăng rủi ro của thiên tai và có thể đẩy các rủi ro này sang nơi khác, về vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu. Ví dụ từ năm 2000-2011, dự trữ lũ của vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười giảm 50%, từ 9.200 tỉ mét khối xuống còn 4.700 tỉ mét khối nước do bao đê làm lúa vụ 3.

Thứ hai, đó là việc sử dụng đất thiếu bền vững liên quan đến việc quản lý không tốt nguồn nước ngầm và phù sa. Vấn đề này đã gây ra tình trạng sụt lún đồng bằng nhiều gấp đôi so với nước biển dâng.

Thứ ba, đó là việc thiếu quy hoạch đầy đủ về vùng biển. Việc này đã làm tăng rủi ro thiên tai do các cơn bão lớn và nước biển dâng.

TS. Andrew Wyatt dẫn chứng, hệ thống rừng ngập mặn ven biển hiện nay không đủ khả năng chống chọi với nước biển dâng do việc mất nguồn phù sa từ thượng nguồn về đã gây xói lở bờ biển và làm mất đi nhiều cánh rừng ngập mặn. Ngoài ra, chương trình củng cố, nâng cao hệ thống đê biển hiện nay của Nhà nước là không đủ khả năng giúp bờ biển chống chịu được với thiên tai. “Nhiều vùng ven biển ở ĐBSCL không có đủ 500 mét rừng ngập mặn để bảo vệ đê biển, trung bình mới chỉ có  100-200 mét ngoài đê”, ông nói.

Bên cạnh các vấn đề này, mô hình sinh kế để thích ứng với biến đổi khí hậu của các địa phương ở ĐBSCL hiện nay cũng thiếu bền vững. “Sinh kế nông nghiệp dựa vào lũ là giải pháp dựa vào tự nhiên tốt nhằm giảm thiểu tác hại của lũ. Ví dụ như các mô hình lúa - cá, lúa mùa, mô hình tôm - rừng... mà nông dân nhiều nơi ở ĐBSCL đã áp dụng cần được bảo tồn và phát triển”, TS. Andrew Wyatt đề xuất.

Những việc cần làm sắp tới

TS. Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết viện này đang soạn thảo kế hoạch chuyển đổi kinh tế ĐBSCL trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ. Theo đó, hướng tới, ĐBSCL không nên tiếp tục xây dựng đê bao khép kín, chỉ tập trung gia cố đê để ngăn lũ tháng 8, hỗ trợ sản xuất; linh hoạt trữ, điều tiết lũ và nâng cao khả năng tiêu thoát lũ. Như vậy, sẽ không duy trì sản xuất lúa số lượng lớn mà tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và gia tăng diện tích lúa chất lượng cao. Về trái cây, sẽ khuyến khích trồng sản phẩm có giá trị cao theo nhu cầu của thị trường kết hợp với trồng màu, cây cảnh, cá, tôm càng xanh...

Về giải pháp, TS. Trần Công Thắng cho biết sẽ huy động nguồn lực tổng hợp của trung ương, địa phương, doanh nghiệp. Song song đó là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh phát triển công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế và liên kết ngành, liên kết vùng. “Việc chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL cũng phải gắn với các khu vực khác như công nghiệp, dịch vụ... và gắn kết đồng bộ với các giải pháp tổng thể về thủy lợi, cơ sở hạ tầng, công nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đồng thuận với những đề xuất này, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, bổ sung hai giải pháp: thay đổi tư duy và tích hợp liên kết khi thực hiện. Ông Hoan nói Nghị quyết 120/CP có nêu quan điểm phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Từ đó, phải giúp nông dân thay đổi cách làm nông chỉ chuyên về số lượng sang chất lượng gắn với thị trường; nhưng đây là việc khó nếu các chủ trương, chính sách... không xuống tới được chính bà con nông dân. “Muốn thay đổi tập quán canh tác của nông dân không dễ vì trong thực tế, nhiều loại nông sản phải kêu gọi xã hội “giải cứu” trong khi lúa gạo thì không hề, do vậy bà con chỉ biết bám vào cây lúa”, ông Hoan nói. Về việc liên kết, ông Hoan cho rằng ĐBSCL có các viện nghiên cứu về lúa gạo, trái cây, thủy sản và trường Đại học Cần Thơ nhưng lâu nay chưa liên kết. Ông Hoan đề nghị các đơn vị này cần tích hợp lại các giải pháp chung cho ĐBSCL.

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, nói rằng nhà trường sẵn sàng phối hợp với các tỉnh và các viện trường khác tích hợp mọi thông tin cần thiết để đưa đến bà con nông dân thông qua hệ thống các trung tâm khuyến nông và hội nông dân cấp huyện. Ông Toàn cho biết ngày 14-12-2018, trường Đại học Cần Thơ sẽ cùng với TBKTSG tổ chức hội thảo chuyên đề nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, để cùng các tỉnh ĐBSCL tìm giải pháp thúc đẩy thực hiện nghị quyết rất quan trọng này đối với tương lai phát triển bền vững của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

* Đã đăng TBKTSG Online 3-12-2018:

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

Hội thảo về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng biến đổi khí hậu

Huỳnh Kim
Thứ Năm,  6/12/2018, 17:37 


(TBKTSG Online)- Nhằm góp phần tìm giải pháp thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) sẽ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo về đề tài này.


Người dân ĐBSCL sống chung với lũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Hội thảo “Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững  ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, diễn ra trong buổi sáng thứ Sáu, ngày 14-12-2018, tại Hội trường Ban giám hiệu, Trường Đại học Cần Thơ.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và nhiều chuyên gia sẽ phân tích những việc đã làm được, chưa làm được và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP.

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17-11-2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trước đó, phát biểu tại hội nghị chuyên đề để có nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính.

Về công tác truyền thông, Nghị quyết chỉ rõ: Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác truyền thông để tăng cường nhận thức cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long về những cơ hội từ quá trình chuyển đổi mô hình nhằm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Riêng với Trường Đại học Cần Thơ, thăm nhà trường vào ngày 10-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong rằng ĐHCT là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ đưa ra chính sách, nhưng hơn ai hết, sinh viên, giảng viên trong trường chính là một cơ quan nghiên cứu thực hiện nghị quyết này với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ ngành”.

Tuy vậy, trong một năm qua, dù một số tỉnh, thành ĐBSCL đã ra nghị quyết chuyên đề và nhiều bộ, ngành đã xúc tiến một số chương trình thực hiện nhưng kết quả đạt được vẫn còn xa so với mục tiêu, quan điểm và giải pháp thực hiện mà Nghị quyết 120/CP đã đề ra; trong đó có vấn đề thiếu liên kết và kinh phí.

Banner Hội thảo


Chương trình hội thảo:

8:00 – 8:30 :   Đón khách

8:30 - 8:35 :   Giới thiệu đại biểu.

8:35-8:50 :     Chiếu phim “Ký sự Láng Sen” của VTV Cần Thơ.

8:50 – 9:00 :  Phát biểu khai mạc của GS.TS Hà Thanh Toàn,Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ.

9:00 – 9:15 :  Báo cáo khái quát một năm thực hiện NQ 120/CP của TS. Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ.

9:15 – 9:30 :  PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nêu một số kiến nghị về chính sách thực hiện NQ 120/CP của Trường Đại học Cần Thơ.

9:30 – 9:45 :  Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp trình bày nội dung “Từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp – một hành trình cần sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia”.

9:45 - 10:00:  Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND Tỉnh Kiên Giang trình bày chủ đề: Kiên Giang chủ động -thích ứng với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

10:00 –10:15:  Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bến Tre, báo cáo về việc Bến Tre thực hiện Nghị quyết 120/CP trong thời gian qua.

10:15 - 10:30 :  PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, tham luận “Phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

10:30 – 10:40 :  Giải lao.

10:45 – 11:20 : PGS.TS Lê Việt Dũng chủ trì thảo luận về giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/CP.


11:20 – 11:30 :  Ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn kết luận hội thảo.

* Đã đăng TBKTSG Online 6-12-2018:






Đại học tư thục ở Cần Thơ xây bệnh viện

Huỳnh Kim
Thứ Tư,  5/12/2018, 11:33 

(TBKTSG Online) - Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ thuộc trường Đại học Nam Cần Thơ đã được khởi công xây dựng sáng nay, 5-12, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ sáng 5-12. Ảnh: Huỳnh Kim

Trao đổi với TBKTSG Online, TS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ được xây dựng nhằm phục vụ khám chữa bệnh cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và là nơi thực hành, thực tập cho sinh viên y dược của nhà trường.

Bệnh viện tọa lạc tại khu đô thị Nam Cần Thơ (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), có 9 tầng, 300 giường bệnh (giai đoạn 1 có 200 giường, cuối năm 2020 hoàn thành), diện tích sàn 2,5 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng và trang thiết bị khoảng 800 tỉ đồng do Tập đoàn Nam miền Nam thi công với thiết kế của Công ty Tư vấn khảo sát thiết kế H.C.M.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, song song với tiến độ xây dựng bệnh viện, nhà trường sẽ liên kết với Viện Quản lý dịch vụ y tế Úc, thuộc trường Đại học Tasmania (Úc) để kết hợp giáo dục sức khỏe với các dịch vụ y tế và nghiên cứu khoa học.

“Mục đích liên kết này nhằm quy tụ được nhiều bác sĩ và nhà giáo dục uy tín để lựa chọn cách điều trị, công nghệ và phát minh y học mới nhất phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân và đào tạo chuyên gia chăm sóc sức khỏe”, GS Xuân nói.

GS Võ Tòng Xuân cũng cho biết Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ sẽ hoàn thiện hệ thống giáo dục y tế, nghiên cứu y khoa, cung cấp dịch vụ y tế trong mạng lưới y tế của thành phố Cần Thơ và cả nước, nhất là trong lĩnh vực lâm sàng.


Trường Đại học tư thục Nam Cần Thơ hiện có hơn 10.000 sinh viên theo học ở 23 ngành như dược, y, quản trị kinh doanh, kế toán tài chính, bất động sản, du lịch... Nhà trường cũng đang liên kết với Đại học Khoa học công nghệ Malaysia đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật ô tô và thạc sĩ quản trị kinh doanh.

* Đã đăng TBKTSG Online 5-12-2018: