Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Sản phẩm & dịch vụ mới: Thẻ du lịch Citipass có mặt tại Cần Thơ

Ra mắt thẻ Citipass tại Cần Thơ ngày 13-10-2016.

Chiều ngày 13-10, lần đầu tiên Công ty Cổ phần Trustpay giới thiệu thẻ du lịch Citipass cho hơn 500 doanh nhân tham dự ngày Doanh nhân Việt Nam tại Cần Thơ. 

Theo ông Vương Lê Vĩnh Nhân, CEO của Trustpay, Citipass là dự án thẻ du lịch / thẻ tiêu dùng thông minh dành cho du khách và cư dân địa phương, dùng để thanh toán điện tử thay tiền mặt tại các điểm du lịch, ẩm thực, mua sắm tại TP. Cần Thơ.

Ngoài chức năng thanh toán, đặc biệt là thanh toán qua công nghệ NFC, thẻ còn mang đến cho người dùng những tiện ích như ưu đãi giảm giá, hoàn tiền cùng với thông tin về các điểm vui chơi, giải trí, tham quan, ăn uống, lưu trú được tích hợp trong thẻ.

Bắt đầu từ Cần Thơ, Trustpay đặt kế hoạch tới giữa năm 2017, Citipass sẽ được cung cấp đến hơn 500 doanh nghiệp vùng ĐBSCL, hướng đến phát hành 100.000 thẻ với hơn 2.000 điểm thanh toán.


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Vì sao ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan được trao Nobel Văn học 2016?


Hoàng Anh & Thoại Hà


Bob Dylan được đánh giá là bậc thầy ngôn ngữ qua âm nhạc bởi ông "viết thơ cho tai" với ca từ có sức sống tự thân như một tác phẩm thi ca.


Ngày 13/10, giải Nobel Văn học lần đầu tiên được trao cho một nhạc sĩ. Giải thưởng dành cho Bob Dylan khiến một số nhà văn, nhà thơ tỏ ra không hài lòng. Tiểu thuyết gia Jodi Picoult nói: "Tôi mừng cho Bob Dylan, nhưng điều này đồng nghĩa tôi cũng có thể thắng giải Grammy?". Nhà văn Rabih Alameddine viết trên Twitter: "Bob Dylan thắng Nobel Văn học giống như Mrs Fields được trao ba sao Michelin". Ba sao Michelin là cấp độ cao nhất của một giải thưởng uy tín về nấu ăn còn Mrs Fields là thương hiệu bánh cookies nổi tiếng.

Song song đó, Bob Dylan nhận được nhiều tán dương. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Obama viết: "Chúc mừng một trong những nhà thơ yêu thích của tôi - Bob Dylan - với một giải Nobel cực kỳ xứng đáng". Ông Bill Clinton nói Bob Dylan có "những ca từ đầy quyền lực, thông thái, chạm đến trái tim và tâm hồn". Nhà văn Toni Morrison vui mừng nhận xét giải Nobel năm nay đã có sự lựa chọn đầy ấn tượng dành cho nhạc sĩ sinh năm 1941.


Câu hỏi "Vì sao giải Nobel Văn học năm nay lại trao cho một nhạc sĩ?" được không ít người đặt ra.


Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá Bob Dylan đã "tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống ca khúc vĩ đại của nước Mỹ".

Thư ký thường trực Viện Hàn lâm - bà Sara Danius - cho rằng điều khiến Bob Dylan được trao Nobel Văn học là chất thi ca trong tác phẩm của ông. Nhạc sĩ được so sánh với Homer và Sappho - đều là những đại thi hào thời Hy Lạp cổ đại. Họ sáng tác các văn bản giàu tính thi ca để biểu diễn cùng nhạc cụ. Trong cuộc phỏng vấn nhanh sau họp báo với Guardian, bà Sara Danius gọi Bob Dylan là "một nhà thơ vĩ đại trong truyền thống văn chương tiếng Anh".


vi-sao-ca-si-nhac-si-bob-dylan-duoc-trao-nobel-van-hoc-2016
Chủ nhân Nobel Văn học 2016 - Bob Dylan.


Tác phẩm âm nhạc của Bob Dylan biểu đạt sáng tạo nghệ thuật bậc thầy.  Ở đó, chất văn xuôi, thơ ca, nhạc dường như tổng hòa, tạo nên một hình thái biểu đạt vừa thú vị vừa thách thức độc giả.

Tiểu thuyết gia Salman Rushdie nhận định: "Từ Orpheus (nhà thơ, nhạc sĩ huyền thoại người Hy Lạp) đến Faiz (nhà thơ người Pakistan, từng được bốn lần đề cử cho giải văn chương Nobel), chúng ta thấy rằng âm nhạc và thơ ca có sự gắn kết rất chặt chẽ. Bob Dylan là người kế thừa xuất sắc truyền thống du ca, hát thơ cổ. Đây là lựa chọn tuyệt vời".

Ca từ của Bob Dylan có đời sống độc lập với âm nhạc. Đúng như nhận xét của nhà văn Joyce Carol Oates: "Âm nhạc và ca từ ám ảnh của ông luôn được coi như văn chương trong ý nghĩa sâu xa nhất". Sáng tác của ông in đậm chất thơ từ cách gieo vần, láy câu, láy từ và độc đáo ở tư tưởng, ý nghĩa truyền tải qua câu chữ.

Dù là kể về bất công xã hội, một câu chuyện tình hay nỗi sợ hãi chiến tranh, về Chúa trời, Bob Dylan đều lồng vào đó vốn kiến thức sâu rộng. Lời ca của ông đầy ắp hình ảnh, cả ẩn dụ lẫn hiện thực, gợi suy tưởng, pha trộn giữa triết lý phương Đông và phương Tây.

Ví dụ, nếu bị tước đi giai điệu, bài Blowin’ in the Wind - ca khúc phản chiến nổi tiếng của Bob Dylan - hoàn toàn có thể là một tác phẩm thi ca với đầy đủ thi pháp so sánh, liên tưởng, hiệp vần...

How many roads must a man walk down
Before you call him a man?
How many seas must a white dove sail
Before she sleeps in the sand?
Yes, and how many times must the cannonballs fly
Before they’re forever banned?
The answer, my friend, is blowin’ in the wind
The answer is blowin’ in the wind

Tạm dịch:

"Bao nhiêu con đường phải bước qua
để xứng danh là một con người?
Bao nhiêu sải biển phải bay qua
trước khi bồ câu trắng được thiếp mình trên cát?
Và bao nhiêu lần bom rơi đạn lạc
trước khi được vĩnh viễn yên bình?
Câu trả lời, bạn tôi ơi, đang cuốn đi trong gió
Câu trả đang cuốn đi trong gió".


Bob Dylan vốn là một người yêu đọc sách. Các nhà phê bình, nhà nghiên cứu hoặc các nhà "Dylan học" (Dylanologist) từng có nhiều bài viết phân tích sự ảnh hưởng của tác phẩm kinh điển, văn chương đến âm nhạc Bob Dylan.

Chẳng hạn, xét ở mảng ca khúc được cho là đậm chất tôn giáo của nhạc sĩ này, Giáo sư John C.Schafer (tác giả cuốn Trịnh Công Sơn - Bob Dylan: như trăng và nguyệt, NXB Trẻ) từng nhận định, nền tảng sáng tác của Bob Dylan thấm đẫm cuốn Kinh Thánh - cuốn sách căn bản của văn hóa chính thống Mỹ.

Nhiều chất liệu văn học, từ nhân vật đến ý tưởng, đã đi vào ca khúc của Bob Dylan như: Tweedle Dee and Tweedle Dum (nhân vật trong tác phẩm của Lewis Carroll), Blood on the Tracks (ảnh hưởng từ văn hào Anton Chekhov), Talkin’ John Birch Paranoid Blues (từ Arthur Conan Doyle), Ballad of a Thin Man (từ F. Scott Fitzgerald)... Trong khi đó, ca từ của Dylan được cho là ảnh hưởng từ thi ca Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, Ezra Pound...


vi-sao-ca-si-nhac-si-bob-dylan-duoc-trao-nobel-van-hoc-2016-1
Bob Dylan được mệnh danh là "lãng tử du ca" hát về đấu tranh nhân quyền và phản chiến.

Giải thưởng cho Bob Dylan cũng dễ hiểu khi Nobel Văn chương vốn luôn dành tôn vinh thành tựu trọn đời của các tác giả.

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, tại Mỹ, Bob Dylan đã được xem là một thần tượng văn hóa, là tiếng nói phát ngôn cho lương tâm của một thế hệ trước các vấn đề xã hội, là người viết bài ca phản chiến (dù ông luôn phản đối việc gắn những điều này cho mình).

Blowin' in the Wind hay The Times They are A-Changin' được xem là các ca khúc chủ đề của những phong trào đấu tranh nhân quyền và phản chiến nổi tiếng những năm 1960.

Hơn 55 năm qua, tầm vóc của Bob Dylan vượt thoát ra khỏi những gì mọi người (vì yêu quý) gắn cho ông. Nhạc sĩ luôn nhìn nhận bản thân là một nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật muốn chạm đến mọi mặt của đời sống và tinh thần hơn là chỉ sáng tác vì chủ đề chính trị hay tôn giáo cụ thể nào đó.

Bob Dylan có một đời sống bí mật và kín tiếng. Ở ông là một sự quyện hòa của những phẩm chất mâu thuẫn, đối nghịch nhau nhưng cũng thật tương đồng. Điều này được phản ánh qua nhiều tác phẩm của ông. Chúng vừa dễ hiểu, đơn giản, cũng phức tạp (không phải ai yêu Bob Dylan có thể thấu hiểu hết ca từ của ông), dịu dàng và gắt gỏng, tình cảm và lạnh lùng, đau khổ và hân hoan, nước mắt và nụ cười...

Từ lâu, người ta đã tranh cãi về việc Bob Dylan là nhạc sĩ hay nhà thơ. Và rồi, câu trả lời dường như thỏa hiệp nhưng cũng đúng nhất: "Bob Dylan là Bob Dylan". Ở tuổi 75, ông vẫn miệt mài cống hiến trong âm nhạc. Dylan hiếm khi tham gia các cuộc phỏng vấn. Khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải, ông vẫn đang lưu diễn và có lịch chơi nhạc ở khách sạn Cosmopolitan, Las Vegas, Mỹ đêm 13/10. Cho đến cuối giờ chiều cùng ngày, ông vẫn chưa bình luận về giải thưởng.

Bài đăng tại:
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/vi-sao-ca-si-nhac-si-bob-dylan-duoc-trao-nobel-van-hoc-2016-3483355.html

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Chưa vội khẳng định ĐBSCL đã hết lũ



Nguyễn Hữu Thiện

Cảnh lũ tràn đồng ở ĐBSCL ngày càng ít.


(TBKTSG) - Trong mấy năm gần đây, từ sau trận lũ lớn 2011, nước lũ về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là lũ trung bình và thấp. Đỉnh điểm là lũ thấp cực đoan năm 2015 dẫn đến tình trạng hạn mặn mùa khô 2016. Năm nay lũ có về, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh trung bình nhiều năm, nên nhiều người đinh ninh từ nay đồng bằng hết lũ cũng là điều dễ hiểu.

Dư luận chung cho rằng do thủy điện thượng nguồn chặn hết nước nên nước không về, suy ra phải bít cửa sông ngăn mặn, đào hồ trữ nước ngọt. Xa hơn, có người bảo từ nay đồng bằng phải trồng cây gì, nuôi con gì cần ít nước, sang Isreal mà học tưới nhỏ giọt.


Lũ thấp do đâu?


Trước tiên nên xét nguyên nhân gây ra lũ thấp. ĐBSCL phụ thuộc lượng nước Mêkông, tổng dòng chảy trung bình 475 tỉ mét khối mỗi năm, trong đó phần Trung Quốc đóng góp 16%, Myanmar 2%, còn lại 82% từ biên giới Lào - Trung Quốc trở xuống, trong đó mưa ở Lào, Đông Bắc Thái Lan, và Campuchia quan trọng nhất. Mưa tại chỗ ở ĐBSCL khoảng 1.400-2.000 mi li mét/năm, đóng góp 11%.

Về thủy điện, các đập ở Trung Quốc và các đập chi lưu là các đập có hồ chứa lớn, trữ nước mùa lũ, xả ra phát điện trong mùa lũ và mùa khô. Còn 11 đập dự kiến trên dòng chính ở Lào và Campuchia vận hành theo ngày, tích nước khoảng 16 giờ, xả ra khoảng 8 giờ.

Trong những năm bình thường, các đập ở Trung Quốc không có khả năng nhiều trong việc kiểm soát nguồn nước do phần đóng góp ít và vì các đập cũng phải xả ra để phát điện.Trong những năm khô hạn, các đập này gia tăng trữ nước và làm tồi tệ thêm tình hình. Năm ngoái, một El Nino cực đoan làm mưa ít kỷ lục trên toàn lưu vực, dẫn đến mực nước mùa lũ thấp kỷ lục, mặn xâm nhập gay gắt ở ĐBSCL. Vậy, nguyên nhân ban đầu của hạn - mặn tại ĐBSCL là El Nino, thủy điện là tác nhân thứ hai gây tồi tệ thêm chứ không phải là nguyên nhân ban đầu.

Lũ thấp và hạn mặn cực đoan xảy ra dù gay gắt, nhưng vẫn chưa thể khẳng định là khuynh hướng vì mới gần đây thôi, năm 2011, chúng ta vẫn có trận lũ khá lớn về đồng bằng.

El Nino là hiện tượng xảy ra theo chu kỳ 2-7 năm một lần, và có những lần cực đoan dẫn đến khô hạn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các sự kiện cực đoan được dự báo sẽ diễn ra thường xuyên hơn, ví dụ từ 100 năm một lần xuống còn 20-25 năm một lần, nhưng dù sao cũng không phải là tình hình chung cho tất cả các năm. Ngược với El Nino là La Nina có thể dẫn đến mưa lũ nhiều, theo quy luật bù trừ, vì vậy đang khi hạn mặn do El Nino phải luôn luôn dè chừng La Nina sau đó.

Còn với 11 đập dự kiến ở hạ lưu vực như nói trên, tới nay có hai đập đã khởi công (Don Sahong ở Nam Lào và Xayaburi ở Bắc Lào) nhưng chưa hoàn tất, nên chưa phải là nguyên nhân. Sau này, khi hoàn tất, trong những năm bình thường các đập này không ảnh hưởng lớn đến mực nước ĐBSCL, nhưng những năm khô hạn mỗi đập có khả năng giữ nước từ 1,5-18 ngày, làm nước về chậm cả tháng khi đi qua chuỗi đập. Khi đó, tình hình sẽ nghiêm trọng.

Tác động chính, nghiêm trọng, âm thầm của các đập thủy điện là làm giảm phù sa, cát sỏi về ĐBSCL, giảm phì nhiêu của đất, sạt lở bờ sông, bờ biển và chắn đường di cư của cá. So sánh năm 1992 và 2014, các đập Trung Quốc đã làm giảm phù sa mịn sông Mêkông từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn năm. Sau này 11 đập ở hạ lưu vực sẽ làm giảm chỉ còn 42 triệu tấn/năm. Khi đó đất sẽ ít được bồi bổ, chi phí làm ruộng sẽ cao. Tất cả các nghiên cứu đều kết luận rằng sau này khi 11 đập ở hạ lưu vực hoàn tất, 100% cát, sỏi sẽ bị chặn, không xuống ĐBSCL nữa, lòng sông sẽ sâu hơn, sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ khốc liệt hơn. Hiện nay hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang bị sạt lở. Ngoài ra, 100% cá trắng sẽ biến mất ở ĐBSCL do không thể di cư về phía thượng lưu để sinh sản, theo nước lũ trôi về hàng năm nữa.

Hành động phù hợp với thực tế tình hình


Biết rằng tình trạng lũ thấp, hạn mặn là do thời tiết thất thường gây ra, chúng ta không nên chủ quan đinh ninh rằng ĐBSCL hết nước, rồi đi theo hướng đó để phải bất ngờ đối phó với một năm mưa lớn, lũ ập về trong những năm tới.

Lũ thấp và hạn mặn cực đoan xảy ra dù gay gắt, nhưng vẫn chưa thể khẳng định là khuynh hướng vì mới gần đây thôi, năm 2011, chúng ta vẫn có trận lũ khá lớn về đồng bằng.

Đinh ninh ĐBSCL hết nước, rồi bít cửa sông trữ nước, sẽ hủy hoại ĐBSCL nhanh hơn. Đồng bằng liên thông với biển Đông, biển Tây qua hàng ngàn cửa sông lớn nhỏ nên có nước lớn, nước ròng mỗi ngày, nước rong, nước kém hàng tháng. Bít hết lại, mất nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém là mất hết cá tôm, lối sống miền sông nước, biến đồng bằng thành cái hồ lớn tù đọng, ô nhiễm khủng khiếp.

Khi sông biến thành hồ, thì thành phần cá sẽ hoàn toàn thay đổi, cá sông không sống được trong hồ. Khi đó, ô nhiễm sẽ tích tụ, ở đáy sông sẽ thiếu hụt oxy, đến một lúc nào đó cá sẽ chết hàng loạt, nếu còn cá. Khi cửa sông bị bít thì vùng sinh thái nước lợ giàu tôm cá sẽ bị xóa sổ. Sự giao lưu sinh thái giữa sông và biển sẽ bị cắt đứt và cũng ảnh hưởng đến thủy sản biển. Cá biển, nhất là cá nước lợ, vẫn phải vào ra giữa biển và đất liền.

Quan sát kỹ, dù lũ thấp nhưng vẫn có lũ, có thể chứa trong hai cánh đồng lớn, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để giúp giải hạn trong mùa khô. Vậy mà, so giữa năm 2000 và 2011, các ô đê bao ở Tứ giác Long Xuyên đã chiếm chỗ 1.100 ki lô mét vuông, làm giảm không gian trữ lũ từ 9,2 tỉ mét khối xuống còn 4,5 tỉ mét khối, mất 4,7 tỉ mét khối. Nước không vào trong đồng được, chảy tuột hết ra biển thì mùa khô thiếu nước là đúng. Không gian 4,7 tỉ mét khối này ở tại chỗ, lớn gấp nhiều lần dung tích 249 triệu mét khối từ đập Cảnh Hồng, Trung Quốc cách xa hơn 2.000 ki lô mét mà chúng ta từng yêu cầu Trung Quốc xả nước cứu hạn cho đồng bằng vào mùa khô năm nay.

Đào ao trữ nước, nhất là vùng ven biển, thì rất tốt, nhưng nếu không tăng thêm diện tích đê bao khép kín ở vùng đầu nguồn và nếu phục hồi được không gian trữ lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên thì hạn mặn sẽ giảm đáng kể, dù lũ thấp.

Dự báo thời tiết là khó, nhưng dự báo hạn mặn không khó. Chúng ta có thể quan sát diễn biến mưa ở Lào, đông bắc Thái Lan để biết mực nước lũ. Dự báo xâm nhập mặn càng dễ hơn nữa vì xâm nhập mặn không diễn ra bất ngờ qua đêm. Quan sát đỉnh lũ ở Tân Châu, Châu Đốc vào giữa đến cuối tháng 10 có thể biết sau Tết xâm nhập mặn như thế nào.

Chúng ta biết trước sáu tháng thì nên chuẩn bị tích trữ nước ngọt cho sinh hoạt, tránh xuống giống để tránh thiệt hại chứ không nên chờ đến tháng 3, rơi vào thế bị động, mới tiến hành những hành động “khẩn trương” như đầu năm 2016 vừa qua.

Tình hình lũ năm nay đến thời điểm này nếu không còn mưa thêm phía thượng nguồn thì có vẻ đã đạt đỉnh từ đầu tháng 10 với mực nước cao hơn đỉnh lũ năm ngoái khoảng 30 cm. Điều này có nghĩa là hạn - mặn sau Tết năm nay vẫn sẽ có, nhưng đỡ hơn hồi đầu năm nay.

Ngay từ bây giờ, các vùng ven biển cũng nên tích cực trữ nước ngọt cho sinh hoạt bằng các ao hồ, kênh mương, và các phương tiện trong gia đình để dùng trong khoảng tháng 3, tháng 4 tới và tránh xuống giống trong trường hợp khô hạn xảy ra vào mùa khô.

Thật ra đối với người dân ven biển, chuyện mùa khô bị mặn là chuyện “đến hẹn lại lên”, không lạ. Nhưng năm ngoái là năm cực đoan dữ dội lần đầu tiên, nên “khó đỡ”, đặc biệt là ở những nơi bị mặn lần đầu.

Cho dù khí hậu cực đoan, lũ thấp thì ĐBSCL vẫn không phải là sa mạc đến nỗi phải sang học Israel tưới nhỏ giọt vì lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL trung bình từ 1.400-2.000 mi li mét, chiếm 11% lượng nước trên toàn lưu vực.

Vậy ta chỉ nên ghi nhận rằng thời tiết khí hậu đang diễn biến bất thường, chứ khoan vội khẳng định đồng bằng sẽ hết nước hay lũ sẽ vĩnh viễn không về.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/152555/

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Có một tủ sách Nguyễn Ngọc Tư ở Mỹ

Báo Cần Thơ
Thứ sáu, 09 Tháng chín 2005





Ở Mỹ, có một giáo sư kinh tế mê văn học nước nhà và yêu văn chương của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư . Ông đã lập trang web “Văn hóa & Giáo dục” (+), trong đó có hẳn một “tủ sách” Nguyễn Ngọc Tư. Sau đây là cuộc trao đổi với chủ nhân của “tủ sách” ấy, Giáo sư TRẦN HỮU DŨNG... 

+ Thưa ông, khoa Kinh tế Đại học Wright State ở Mỹ là nơi làm việc của ông, còn trang web “Văn hóa & Giáo dục”, trong đó có “tủ sách” Nguyễn Ngọc Tư, có phải là một “cõi riêng” của ông?




- Giáo sư TRẦN HỮU DŨNG: Có thể nghĩ như vậy nhưng thú thật, khi làm trang đó tôi nghĩ trước tiên đến nhu cầu nghiên cứu, theo dõi văn chương VN của tôi. Tất nhiên, nhu cầu đó bắt nguồn từ cái “tình” của tôi đối với quê hương. Dần dà, trang đó ngày càng “dày thêm”, bạn bè hỏi thăm, rồi người này mách người kia. Bây giờ “khách khứa” hơi đông, tôi lại thấy có trách nhiệm chăm sóc nó như một ngôi nhà chung. Cũng hơi cực!

+ Có phải vì quê ông ở Mỹ Tho mà ông “cảm” được cái chất “đặc sản Nam bộ”, như ông nói, trong văn của Nguyễn Ngọc Tư?


- Chắc là như thế. Nhưng tôi nghĩ không chỉ là tôi cảm được cái “tính Nam bộ” của Nguyễn Ngọc Tư, và không phải chỉ cái tính Nam bộ của cô làm tôi quý mến, mà quan trọng hơn chính là cái tài thiên bẩm của cô. Tôi nghĩ miền nào cũng là may mắn nếu có được một nhà văn thể hiện được cái “chất” của địa phương mình như Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho Nam bộ. Tôi luôn luôn cám ơn cô về điều đó.

+ Truyện của Nguyễn Ngọc Tư, qua trang web ấy, có là một “nhịp cầu tình cảm” giữa Việt kiều, nhất là trong giới trí thức, với quê hương?


- Tôi không nghĩ theo cách đó, nhưng qua những thư từ mà tôi nhận được (từ Sài Gòn, Cần Thơ, từ một thành phố nhỏ thuộc bang Iowa ở Mỹ, từ Montréal ở Canada, Munchen ở Đức, Paris ở Pháp, Sydney ở Úc...) tôi không thấy có sự khác nhau giữa Việt kiều và người trong nước ở những gì mà Nguyễn Ngọc Tư khơi dậy trong lòng họ.

Đến một chừng mực nào đó, ai cũng là xa quê hương làng xóm của mình (dù là chỉ từ Mỹ Tho lên Sài Gòn), ai cũng cảm thấy lòng dịu lại khi hồi tưởng về thời thơ ấu của mình (nhất là những người lớn lên ở thôn quê). Ai cũng thích nghe một câu chuyện hay, đọc những nhận xét tinh tế.

Trong văn chương Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta, khắp mọi phương trời, tìm lại được cái quê hương đích thực trong tâm tưởng, những tình tự ngủ quên trong lòng mình, những kỷ niệm mà mình tưởng như không ai chia sẻ.

+ Đầu tháng 8 vừa rồi, ông có chuyến công tác ở quê nhà và về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư. Ông có thể kể một chút về kỷ niệm này?


- Chuyến đi ấy là một “cao điểm” của đời tôi. Xin cho tôi được ấp ủ nó cho riêng mình một thời gian và sẽ kể trong một dịp khác. Tôi chỉ xin nói sơ như vầy: cô Tư mà tôi gặp giống y chang cô Tư mà chúng ta đã biết qua các tạp văn của cô. Đó là một người phụ nữ rất trẻ, dung dị, chân thật, đảm đang và vui tính, vô cùng thực tế dù được trời cho một sự rung cảm cực kì tinh nhạy và một tài năng sáng tác tuyệt vời.

+ Nửa ngày ở bên một nhà văn nữ 29 tuổi không sinh ra từ chiến tranh có làm cho một người chuyên tâm đến những vấn đề kinh tế toàn cầu như ông nghĩ ngợi về cuộc mưu sinh hàng ngày?


- Trong công việc “kiếm cơm” của tôi, đề tài nghiên cứu chính bao giờ cũng là sự bất quân bình giữa nước nghèo và nước giàu, và những đãi ngộ không tương xứng đối với những người đóng góp thật sự cho phúc lợi của nhân loại.

Đời sống của Nguyễn Ngọc Tư mà tôi được biết (và của đại đa số những nhà văn, nhà thơ khác, không phải chỉ ở nước ta mà hầu như cả thế giới) nếu có gợi lên điều gì trong tôi thì trước hết chắc chắn phải là một sự “phẫn uất” về sự trái khoáy trong cách đãi ngộ đó.

Mặt khác, tôi cũng cảm nhận rõ hơn sự kì diệu của tiến bộ thông tin ngày nay: nếu không có Internet thì chắc còn lâu tôi mới đọc được văn Nguyễn Ngọc Tư, còn lâu những người yêu thích văn Nguyễn Ngọc Tư mới có thể trở về (trong tâm tưởng) với quê hương mình.

+ Theo ông, văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ hòa mình với thế giới này như thế nào?


- Một điều vẫn làm tôi áy náy là với khả năng phương ngữ dồi dào, văn Nguyễn Ngọc Tư rất khó dịch. Tôi ước chi mình có tài hơn để làm việc ấy. Nhưng tôi lại nghĩ: tại sao lại phải dịch văn Nguyễn Ngọc Tư ra tiếng nước ngoài? Tại sao không nói với người nước ngoài rằng chúng ta có một nhà văn tuyệt vời là Nguyễn Ngọc Tư (và nhiều người khác nữa), nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn (và đó sẽ là diễm phúc cho anh, tin tôi đi!) thì anh phải... học tiếng Việt! Như vậy có phải là hợp lý hơn không?

Theo Báo Cần Thơ

Bài đăng tại:

Hai nhà kinh tế ở Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế 2016


Phúc Minh


Hai nhà kinh tế ở Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế 2016. Ảnh: Nobelprize

(TBKTSG Online) - Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển ngày 10-10 chọn giáo sư Oliver Hart của Đại học Harvard và giáo sư Bengt Holmström của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) là những người nhận giải Nobel Kinh tế 2016 cho lý thuyết về hợp đồng.

Theo Ủy ban Nobel, các đóng góp của hai ông Oliver Hart (người Mỹ gốc Anh) và Bengt Holmström (người Phần Lan) có “giá trị giúp hiểu các hợp đồng và thể chế” trong đời sống hiện tại.

Các nền kinh tế hiện đại được gắn kết với nhau bởi vô số hợp đồng. Những công cụ lý thuyết mới do Hart và Holmström thiết lập có giá trị lớn trong việc hiểu các hợp đồng và tổ chức trong thực tế, cũng như các cạm bẫy tiềm năng trong thiết kế hợp đồng. Một trong số các mục tiêu của lý thuyết hợp đồng là giải thích vì sao các hợp đồng lại có nhiều hình thức và thiết kế khác nhau.

Những câu hỏi được đặt ra trong nghiên cứu lý thuyết hợp đồng là: Các dịch vụ công như bệnh viện, trường học và trại giam nên do nhà nước hay tư nhân sở hữu? Giáo viên, nhân viên y tế, và cán bộ trại giam nên được trả lương cố định hay trả theo hiệu suất làm việc? Các cấp quản lý nên được trả lương thưởng đến mức nào, thông qua các chương trình tăng lương hay trả bằng cổ phiếu?...

Kinh tế là hạng mục thứ 5 trong các ngành, lĩnh vực được vinh danh tại giải Nobel. Từ ngày 3-10, mùa giải Nobel 2016 chính thức khởi động với giải Nobel Y sinh, rồi đến Vật lý, Hóa học và Hòa bình.


Năm 1968, Ngân hàng trung ương Thụy Điển Sveriges Riksbank thêm lĩnh vực kinh tế học vào danh sách các giải Nobel để tưởng nhớ Alfred Nobel, cha đẻ của giải thưởng này, cũng như để kỷ niệm 300 năm thành lập của ngân hàng. Đây là giải Nobel đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này không có trong di chúc của Alfred Nobel. Toàn bộ tiền thưởng và chi phí khác cho việc trao giải Nobel Kinh tế hằng năm do Sveriges Riksbank tài trợ.


Hai nhà kinh tế học Ragnar Frisch (Na Uy) và Jan Tinbergen (Hà Lan) là những người đầu tiên được vinh danh ở giải Nobel Kinh tế vào năm 1969. Từ đó đến nay, tổng cộng 47 giải Nobel Kinh tế được trao cho 76 cá nhân khác nhau. Người trẻ nhất nhận giải thưởng này là Kenneth J. Arrow vào năm ông 24 tuổi, còn người lớn tuổi nhất được trao giải là Leonid Hurwicz nhận giải năm 90 tuổi.


Giải Nobel Kinh tế 2015 được trao cho nhà kinh tế học Angus Deaton vì những phân tích về "tiêu dùng, tình trạng nghèo đói và phúc lợi".


Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/152469/

Sạt lở ở Cần Thơ do hố xoáy tự nhiên




Đình Tuyển - Nguyễn Trực



Hiện trường vụ sạt lở đang được khẩn trương khắc phục bằng giải pháp kiên cố /// Ảnh: Đình Tuyển
Hiện trường vụ sạt lở đang được khẩn trương khắc phục bằng giải pháp kiên cố. Ảnh: Đình Tuyển
Ngày 5.10, xảy ra vụ sạt lở lớn trên sông Cần Thơ, đoạn thuộc địa bàn P.Xuân Khánh (Ninh Kiều) khiến người dân lo lắng. Hiện tại tình trạng sạt lở đã được tạm thời khắc phục.

Đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất


Ngày 10.10, trao đổi với Thanh Niên, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết qua làm việc với các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi VN, bước đầu đã xác định được nguyên nhân của vụ sạt lở trên cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục.

“Sự cố sạt lở này là một hiện tượng tự nhiên. Đoạn sông bị sạt lở nằm ngay nơi có những hố xoáy ngầm dài khoảng 40 m, rộng 22 - 25 m, sâu hơn lòng sông từ 4 - 6 m. Chính những hố xoáy này cùng với dòng chảy xiết tác động vào bờ gây nên sạt đất”, ông Dũng nói.
Trước đó, sáng 5.10, vụ sạt lở xảy ra, ban đầu chỉ vài mét, sau đó do tác động của triều cường và dòng chảy mạnh đã khiến đoạn sạt lở kéo dài thêm. Hiện tại, đoạn bờ sông sạt lở đã kéo dài khoảng 80 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 15 m.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, UBND TP.Cần Thơ đã cùng chủ đầu tư Vincom Xuân Khánh chủ động huy động lực lượng sử dụng bao cát lấp các hố xoáy. Sau đó trải vải địa kỹ thuật phủ mặt trước khi thả các rọ đá chặn cố định bên trên. Theo ông Đào Anh Dũng, mục đích của lấp hố xoáy là tạo lòng sông bằng phẳng để dòng chảy lặng đi, không tạo dòng xói lở vào bờ.

“Đến thời điểm này, có thể nói tình trạng sạt lở đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất và cơ bản được khống chế. Về lâu dài, chúng tôi sẽ khảo sát lại toàn bộ lòng sông, đo vận tốc dòng chảy, khảo sát địa chất cụ thể hơn tại khu vực xói lở để có biện pháp tối ưu, tìm giải pháp đồng bộ cho toàn tuyến. Ngoài ra, khúc sông này thuộc dự án ODA kiên cố hóa 6 km đường sông có nguy cơ sạt lở cao đang được TP thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Hiện dự án đã có thiết kế và phương án kỹ thuật, sẽ triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 để giảm thiểu nguy cơ sạt lở như hiện tại”, ông Dũng nói.
Sau khi xem lại những đoạn video vào lúc xảy ra sạt lở, ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ, nhận xét có hiện tượng những xoáy nước gần bờ, những xoáy nước này có thể là do các “hàm ếch” tạo ra. "Chúng tôi đã cho cơ quan chuyên môn kiểm tra và theo khảo sát của các chuyên gia, dưới lòng sông đang có 3 hố xoáy lớn, mỗi hố dài khoảng 40 m, rộng 22 - 25 m, sâu hơn lòng sông từ 4 - 6 m; bên cạnh đó còn có rất nhiều hố nhỏ xung quanh, tạo nên những dòng xoáy chảy xiết, tác động vào bờ gây nên sạt lở" - ông Vinh nói.


Sông Cần Thơ thường xuyên sạt lở

Thực tế, tuyến sông Cần Thơ là nơi vẫn thường xuyên xảy ra sạt lở. Cụ thể, cuối tháng 3.2015, ở phía bên kia bờ sông Cần Thơ thuộc khu vực 4, P.Hưng Thạnh, Q.Cái Răng đã xảy ra sạt lở một đoạn bờ kè đang xây dựng. Trước đó 2 năm (tháng 5.2013), một đoạn kè dài hơn 40 m, đoạn ngang qua P.Hưng Thạnh bất ngờ bị sạt lở làm mất điện trong khu vực và cắt đường đi của hàng trăm hộ dân.

Đoạn kè bị sạt ăn sâu vào bên trong 14 - 16 m làm mất khoảng 40 m đường nằm phía trong bờ kè và nhấn chìm một chiếc ghe trọng tải hơn 5 tấn neo phía ngoài thân kè. Những năm trước đó, người dân và lãnh đạo TP.Cần Thơ cũng đau đầu về tình trạng sạt lở trên tuyến sông này tại khu vực H.Phong Điền. Trên địa bàn huyện này dọc theo tuyến tỉnh lộ 923 hay còn gọi là lộ Vòng Cung nằm cặp sông Cần Thơ luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở rất cao. Đã có nhiều nhà cửa, cầu, đường bị cuốn trôi xuống sông. Thời điểm đó, Cần Thơ phải rất vất vả để tìm giải pháp khắc phục.

Báo cáo của Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ cho biết: “Trong 7 tháng đầu năm, TP có 18 điểm sạt lở, tập trung tại các quận, huyện: Ô Môn, Cái Răng, Thốt Nốt và Phong Điền. Nguyên nhân do dòng chảy xiết, vào mùa hạn mặn vừa qua làm mực nước thấp, nay hết hạn mực nước dâng lên cũng gây sạt lở”.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng sạt lở dễ thấy nhất ở Cần Thơ cũng như nhiều địa phương khác ở ĐBSCL là do các phương tiện giao thông đường thủy tốc độ cao, trọng tải lớn ngày càng nhiều. Ông Kỷ Quang Vinh nhận định: Ngoài những nguyên nhân “bề nổi” đó, hiện tượng sạt lở còn được cho là do việc khai thác nước ngầm quá mức và đặc biệt là ở tầng sâu từ 200 - 300 m.
Tầng nước này đã vượt quá độ sâu của nền móng các công trình cao tầng. Chính vì vậy, khi khai thác nước ở những tầng này quá nhiều nó tạo ra một khoảng trống trong lòng đất, gây nên hiện tượng sụt lún làm biến dạng mặt đất. Điều quan trọng là nó không phải hiện tượng tại chỗ mà nó lại phụ thuộc và các mạch nước mỏ nước trong lòng đất; khai thác nước ở chỗ này mà sụt lún xảy ra ở chỗ khác nên rất khó nhận biết. Khả năng biến dạng mặt đất lại không phải xảy ra ngay một lúc mà xảy ra từ từ.


Ở một góc nhìn khác, TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) phân tích, sạt lở đơn giản là do khai thác cát tận thu quá mức. Không phải do tình trạng khai thác cát trong phạm vi TP.Cần Thơ gây nên mà do tác động dây chuyền từ thượng nguồn ở Châu Đốc, Tân Châu (An Giang). Khai thác cát không chỉ gây sạt lở tại chỗ mà tác động dây chuyền kéo dài đến cả trăm cây số về phía hạ du, không chỉ trên dòng chính mà cả dòng nhánh. Khai thác cát làm thay đổi địa hình đáy sông, gây thay đổi dòng chảy. Khoảng 7 - 8 năm nay lượng phù sa thô nằm ở tầng đáy mà chúng ta gọi là cát và khai thác nó phục vụ xây dựng không về đồng bằng nữa. Bên cạnh lượng phù sa giảm là sự khai thác cát quá mức làm cho đáy sông bị biến dạng; tác động dây chuyền đến dòng chảy. Khi dòng chảy của nước đang ổn định mà bị sự tác động bất thường nào đó nó sẽ bị biến đổi. Quán tính của nước tới chỗ địa hình đáy sông thay đổi thì dòng nước bị lệch và không thể “nắn” lại liền được, nhất là với các dòng sông lớn.


Có thể nói hiện tượng sạt lở đang ngày càng phổ biến ở ĐBSCL hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng khai thác cát quá mức. Đây là một trong những tác động nhãn tiền. Mất cân bằng phù sa đáy gây sạt lở và xâm nhập mặn ngày càng nhiều, càng sâu.


Bài đăng tại:
http://thanhnien.vn/thoi-su/sat-lo-o-can-tho-do-ho-xoay-tu-nhien-753819.html